Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là ai? Tiểu sử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là ai? Tiểu sử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là ai?
Nguyễn Văn Thạc (14/10/1952 – 30/7/1972) là liệt sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, tác giả cuốn Nhật ký “Chuyện đời” (hay còn được biết dưới cái tên “Mãi mãi tuổi hai mươi”).
Tiểu sử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc
Thời đi học
Bạn đang xem: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là ai? Tiểu sử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc
Nguyễn Văn Thạc sinh ngày 14 tháng 10 năm 1952 tại làng Bưởi, Hà Nội, là con thứ 10 trong 14 anh em của một gia đình thợ thủ công. Cha mẹ có xưởng dệt nhỏ, thuê người dệt áo len và áo sợi. Khi Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, cha mẹ anh phải bán rẻ hết nhà cửa, xưởng máy, để sơ tán về quê tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Hợp tác xã không có việc làm, nhà lại đông con nên tài sản gia đình nhanh chóng khánh kiệt. Bà mẹ Thạc phải đi cắt cỏ bán lấy tiền ăn.
Nhà nghèo nên Thạc vừa đi học, vừa phải đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ nuôi sống gia đình. Bù lại, Thạc học rất giỏi. Suốt 10 năm học phổ thông, anh đều đạt loại A1 (giỏi toàn diện). Năm lớp 7, Thạc đạt giải Nhì (không có giải Nhất) học sinh giỏi Văn thành phố Hà Nội.
Khi gia đình đã sơ tán về quê ở Cổ Nhuế, Thạc học tại trường cấp III Yên Hoà B Lưu trữ 2010-11-02 tại Wayback Machine. Hằng ngày, anh phải đi bộ 4 cây số đến trường học; ngày nghỉ, thì đi bộ hàng chục cây số đến tận Thư viện Hà Nội để đọc sách. Tuy vất vả nhưng Thạc học giỏi đều tất cả các môn, đặc biệt là môn văn. Trong những năm học phổ thông, anh đã có nhiều tác phẩm văn, thơ được đăng trên các báo, được tuyển chọn in thành sách cùng với các tác phẩm của các tác giả thanh thiếu nhi khác như Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm…
Năm lớp 10 (năm cuối bậc trung học phổ thông), anh đạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc, năm học 1969-1970. Thời đó những học sinh học giỏi thường được tuyển chọn gửi đi đào tạo đại học tại Liên Xô hoặc các nước khác trong hệ thống XHCN. Tuy nhiên học lực và hạnh kiểm chỉ là hai trong nhiều tiêu chuẩn xét cử đi học nước ngoài. Không nằm trong diện được cử đi học nước ngoài, Thạc đã đăng ký thi và đỗ vào khoa Toán – Cơ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 15. Thạc đã học hết chương trình học kỳ I (đã thi) và học kỳ II (chưa thi) năm thứ nhất ngành Cơ học, khoa Toán – Cơ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Nhưng đó cũng là thời gian cuộc Chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học phải tạm ngừng việc học tập để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội. Nguyễn Văn Thạc đã nhập ngũ ngày 6 tháng 9 năm 1971.
Chiến đấu và hy sinh
Giữa năm 1971, Quân đội Nhân dân Việt Nam chuẩn bị lực lượng cho những cuộc tổng tấn công trong năm 1972 tại các chiến trường Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên, và Đông Nam Bộ (Bình Long, Bình Phước), trong đó hướng chủ yếu là Quảng Trị. Ngày 6 tháng 9 năm 1971, cùng với 21 sinh viên của K15 Toán – Cơ (Đại học Tổng hợp) và nhiều sinh viên khác, anh gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau 6 tháng huấn luyện, tháng 4 năm 1972 anh bắt đầu hành quân vào chiến trường. Anh viết cuốn nhật ký “Chuyện đời” từ ngày 2 tháng 10 năm 1971 đến ngày 3 tháng 6 năm 1972; trước khi hành quân vào chiến trường Quảng Trị, anh đã gửi cuốn nhật ký cùng nhiều lá thư về cho anh trai từ ngã ba Đồng Lộc. Hai tháng sau, ngày 30 tháng 7 năm 1972 anh đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị.
Tác phẩm Mãi mãi tuổi hai mươi
Cuốn nhật ký được bắt đầu viết ngày 2 tháng 10 năm 1971 và dừng lại với những dòng cuối cùng viết ở Ngã ba Đồng Lộc ngày 3 tháng 6 năm 1972 khi Nguyễn Văn Thạc quyết định gửi cuốn nhật ký về cho anh trai mình để tiếp tục hành quân vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Tác phẩm là những tư liệu vô giá về cuộc sống của người lính nơi chiến tranh, miêu tả những góc khuất trong tâm hồn con người, khắc họa vẻ đẹp vừa lãng mạn, tài hoa, lại vừa mạnh mẽ bất khuất. tác phẩm bao gồm hàng trăm lá thư, cùng cuốn nhật ký dày 240 trang chép tay, của tác giả Nguyễn Văn Thạc mang tên “Chuyện đời”, về sau khi xuất bản được đổi thành tên “mãi mãi tuổi 20”.
Cuốn sách chủ yếu là những câu chuyện xung quanh hành trình hành quân của đơn vị, và những ký ức về Hà Nội đẹp cổ kính. Cuốn nhật ký này không chỉ được viết bởi sự kiện, mà còn đan xen vào đó những ý nghĩ, suy nghĩ và đánh giá nhìn nhận bằng con mắt của người lính. Đọc “Mãi mãi tuổi hai mươi”, bạn sẽ thấy được một tình yêu đầy thơ mộng, trong sáng và mãnh liệt dù muôn trùng cách xa. Ở người con trai tên Thạc đó đã dành một tình yêu đầy mãnh liệt, trong sáng cho người con gái tên Như Anh. Những tình cảm đẹp đẽ nhưng đành phải bỏ sang một bên vì tình yêu đất nước vĩ đại.
Tác phẩm thể hiện tài năng của người viết, vào lúc nó xuất bản đã tạo nên tiếng vang lớn, bởi cái chân thành mà nó truyền tải, nhắc nhở chúng ta nhớ mãi về một thể hệ đã hi sinh tuổi hai mươi của mình để đổi lại tuổi trẻ cho cả một đất nước. Cuốn nhật ký ghi lại tương đối rõ nét cuộc sống, con người trong một giai đoạn chiến tranh lịch sử, giúp hiểu thêm về cuộc chiến đấu từ góc nhìn của những thanh niên sinh viên thời ấy.
Nguyễn Văn Thạc vừa là một nhà văn, vừa là một chiến sĩ, những gì ông cống hiến cho đất nước không chỉ đơn thuần là tác phẩm, mà còn là tuổi trẻ và tính mạng. Chỉ duy nhất một tác phẩm cũng đủ tạo tiếng vang trên văn đàn Việt Nam.
Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và chuyện tình chưa kể
Bà Phạm Như Anh – người con gái trong tim của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc bảo, trong những bức thư mà Nguyễn Văn Thạc viết có chứa đựng những lời “tiên tri”, một trong số đó là việc 4 năm trước khi hy sinh, anh đã nói về ngày 30/4/1975.
5 lần hẹn hò ngắn ngủi
Nếu tính theo tuổi ta thì bà Phạm Như Anh vừa tròn sáu mươi tuổi, dù vậy bà vẫn giữ được những nét thanh tú của thời con gái. Định cư nhiều năm ở trời Tây, nhưng bà vẫn rất giản dị. Nhắc về ký ức tuổi thanh xuân, bà Như Anh không kìm được cảm xúc.
Bà bảo mình đón nhận tình yêu của Nguyễn Văn Thạc như một món quà của tạo hoá. Năm 1968, Như Anh vào học lớp 8 (hệ 10 năm) của trường cấp 3 Yên Hoà B ở Cầu Giấy, Hà Nội, lúc này anh Thạc là Phó bí thư đoàn trường. Ngay năm đầu tiên, cô lớp trưởng Như Anh đã là học sinh giỏi, được mang danh hiệu A1 (giỏi toàn diện). Như Anh đã viết một số truyện ngắn và được in. Cô còn tham gia công tác trong Ban Thường vụ Đoàn trường. Họ quen nhau từ đó, song chưa thân.
Đến niên học 1969- 1970, anh Thạc học lớp 10, đoạt giải Nhất trong cuộc thi Văn miền Bắc, Như Anh cũng đoạt giải Nhất Văn và giải ba Sử thành phố Hà Nội. Đến năm học sau, Như Anh chuyển lên học ở quận Hoàn Kiếm, còn anh Thạc vào Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Bà Như Anh bảo, trong suốt cuộc tình, bà và Nguyễn Văn Thạc chỉ gặp nhau được 5 lần, lần nào cũng ngắn ngủi. “Lần đầu tiên hẹn hò, chúng tôi đều háo hức chờ đợi, nhưng cũng ngượng ngùng lắm. Tôi nhớ như in nụ cười thân thương của Thạc trong cái lần gặp đầu tiên ấy. Lần đó, khi chia tay, tôi tặng Thạc cuốn “Một cơn giông”, tác phẩm đầu tay, do NXB Kim Đồng ấn hành năm 1971. Còn Thạc tặng tôi huy hiệu Đoàn Thanh niên”, bà Như Anh nhớ lại.
Còn lần gặp thứ hai, họ cũng hẹn nhau ở trước cổng Thư viện Hà Nội, cũng bối rối và ngắn ngủi như lần trước. Khi chia tay, Như Anh tặng anh Thạc một đoá quỳnh, Thạc không muốn nhận vì sợ những điều chẳng lành. Như Anh đã giận, định không gặp Thạc nữa, nào ngờ, càng muốn xa thì càng nhớ. Cuối cùng Như Anh đành phải viết thư, nói rằng: “Như Anh không muốn và không thể rời xa Thạc…”. Lần gặp thứ ba (1/7/1971) thì hai người đã “mạnh mẽ” hơn, tay trong tay, hai con tim đập loạn xạ. “Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ được cảm xúc của lần gặp này”, bà Như Anh nói.
Lần thứ tư, Như Anh đến ký túc xá gặp người yêu, đây là một lần gặp rất buồn bởi Như Anh nhận được giấy báo đi học ở Liên Xô. Lần gặp cuối cùng là tối ngày 26/7/1971 (ngày hôm sau Như Anh bay sang Liên Xô học). Như Anh và anh Thạc hẹn gặp tại con phố nhỏ cạnh Văn Miếu. Khi gặp nhau, Thạc muốn giấu việc mình sắp lên đường nhập ngũ (ngày 6/9/1971) để Như Anh khỏi buồn, nhưng rồi anh cũng không giấu được. Lúc chia tay, Như Anh nắm tay Thạc và dặn: “Hãy là một sự tuyệt đối!”. Thạc hỏi lại: “Như Anh có sẽ là một sự tuyệt đối không?”. Như Anh gật đầu, nước mắt lưng tròng rồi lên xe đi. Một cơn gió chợt ùa đến khiến cô rùng mình, Như Anh linh cảm đây sẽ là lần gặp cuối cùng của hai người, tuy nhiên cô cố gắng xua ra khỏi đầu ý nghĩ đáng sợ này.
Lời “tiên tri”
Bà Như Anh nói rằng, “định mệnh” mối tình của bà và Nguyễn Văn Thạc là từ những bức thư. “Lẽ ra bức thư đầu tiên của anh Thạc không đến được tay tôi bởi bố tôi rất nghiêm khắc, tất cả thư từ bạn trai gửi, ông thường bỏ đi ngay. Nhưng với bức thư của anh Thạc (ngày 8/11/1970), ông mở ra xem rồi không biết vì sao lại cất vào ngăn tủ”, bà Như Anh kể lại.
Như Anh vô tình thấy lá thư đó. Thư chỉ hỏi thăm sức khoẻ, động viên học hành mà khiến cô thấy nao nao, tuy vậy cũng chỉ giữ trong lòng. Mãi đến 4/3/1971, Như Anh mới hồi âm cho Thạc. Bức thư đó đến ngày 9/3 anh mới nhận được. Trong nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc có nhắc đến chi tiết này: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ từ 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước…”.
Theo bà Như Anh, có nhiều bức thư mà Nguyễn Văn Thạc viết, sau này ngẫm lại bà thấy dường như anh đã “tiên đoán” được nhiều sự kiện. Ví dụ trong lá thư của Như Anh ngày 24/4/1971, Như Anh có kể cho anh Thạc nghe về một buổi học Nga văn, mọi người có đặt ra câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?”. Như Anh cho rằng: “Hạnh phúc không như những niềm vui bình thường, nó là cái gì đó lớn hơn và khó tìm thấy!”.
Trong thư hồi âm, anh Thạc viết: “Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi. 4 năm nữa, biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra. 30/4/1975, thì Như Anh và Thạc đang ở trong tình trạng nào? Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ “Hạnh phúc là thế nào” nhé!”. Trong nhiều bức thư khác, anh Thạc nói mình mơ ước viết được một tác phẩm để đời, kiểu như “Chiến tranh và Hoà bình”, nhưng anh cũng viết: “Như Anh ngày mai làm tiếp cho Thạc, những điều Thạc còn bỏ dở, Như Anh là ngày mai, là tương lai của Thạc”
Lá thư cuối cùng Nguyễn Văn Thạc gửi cho Như Anh đề ngày 11/7/1972, như một lời từ biệt: “Chiến tranh đã và sẽ lấy đi nhiều hơn của Thạc. Chả có gì là bi kịch đâu. Trong cuộc sống cái đổ vỡ, cái bi thảm thường sâu thẳm hơn niềm vui nông nổi”. Và từ đó, Như Anh không nhận được thêm bức thư nào nữa. Ngày 30/7/1972, người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh trong mùa hè đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị.
Bức thư thất lạc sau 33 năm
Có một chi tiết thú vị là sau 33 năm sau, bà Như Anh lại nhận được một bức thư nữa của Nguyễn Văn Thạc. Thư đề ngày 30/5/1972, khi ấy thư được gửi đến địa chỉ của gia đình Như Anh. Em gái của Như Anh nhận được, cài vào một cuốn truyện. Một người quen của gia đình tình cờ mượn cuốn sách đó đọc, thấy bức thư viết hay quá nên giữ lại. Đến năm 2005, khi đọc nhật ký “Chuyện đời” (tức là cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi”), người này mới biết Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh nên vào tháng 7/2005, bà đã trao bức thư đó cho Như Anh.
Trong nhiều bức thư, anh Thạc dặn Như Anh giữ gìn kỷ niệm “máu thịt”, nếu sau này có đến với ai thì đừng để họ đọc thư, bởi họ sẽ không thể không ghen trước tình yêu của hai người. Như Anh đã làm đúng lời Nguyễn Văn Thạc dặn, bà cất giữ các bức thư như báu vật. Cho đến trước khi cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” xuất bản, chưa một ai ngoài Như Anh được đọc những lá thư này, kể cả người chồng ngoại quốc của Như Anh, dù rằng người này rất giỏi tiếng Việt.
Ngay cả việc in cuốn nhật ký cũng nằm ngoài dự định của bà Như Anh. Bà chỉ quyết định công bố các bức thư này (qua cuốn nhật ký), sau khi gặp bà Năm Nghĩa, một nhà ngoại cảm ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Qua bà Năm Nghĩa, Liệt sĩ Thạc đã “chuyển lời” đến Như Anh rằng: “Hãy viết tiếp cho Thạc những trang Nhật ký, Như Anh muốn là Thạc muốn đấy, Như Anh cứ làm đi, đó là cần thiết, Thạc luôn luôn ở bên Như Anh!“.
Cũng may là Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc hay nhà ngoại cảm đã nói vậy, để chúng ta được chứng kiến những trang viết rung động lòng người. Gặp tôi ở Huế, bà Như Anh xúc động cho hay mình vừa hoàn thành cuốn “Thư tình thời hoa lửa”. Bà bảo, qua cuốn sách này hy vọng người đọc sẽ biết rõ hơn không chỉ về một mối tình cảm động, mà hơn thế còn biết về lý tưởng, sự hy sinh của những thế hệ “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Nhờ có họ, đất nước mới có ngày sạch tiếng đạn bom.
***
Trên đây là nội dung bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là ai? Tiểu sử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Mọi thông tin trong bài viết Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là ai? Tiểu sử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đều được xác thực rõ ràng trước khi đăng tải. Tuy nhiên đôi lúc vẫn không tránh khỏi những sai xót đáng tiếc. Hãy để lại bình luận xuống phía dưới bài viết để đội ngũ biên tập được nắm bắt ý kiến từ bạn đọc.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Tổng hợp