Tác giả Bình Nguyên là ai? Tìm hiểu về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Bình Nguyên

Tác giả Bình Nguyên là ai? Tìm hiểu về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Bình Nguyên. Mời các em theo dõi nội dung bài học hôm nay do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn để nắm rõ về tác giả Bình Nguyên nhé.

Mục lục

Tác giả Bình Nguyên là ai?

Nhà thơ Bình Nguyên tên thật là Nguyễn Đăng Hào sinh ngày 25 tháng 1 năm 1959 tại xã Ninh Phúc, Tp Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Hiện ông đang. Ông vừa là nhà thơ vừa là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Hiện nay tác giả Bình Nguyên đang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình và là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Tác giả Bình Nguyên
Tác giả Bình Nguyên

Tiểu sử nhà thơ Bình Nguyên:

1. Tên thật là Nguyễn Đăng Hào

2. Sinh ngày 25/01/1959.

3. Quê: Xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

4. Nơi ở hiện nay: Ngõ 102, Đường Trương Hán Siêu, phường Phúc Thành. TPNB

5. Hiện nay là:

  • Ủy viên đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam
  • Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình từ năm 2004 đến nay.
  • Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006
  • Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2009

6. Điện thoại: 0913 511 731

7. Gmail: [email protected]

Các tác phẩm của nhà thơ Bình Nguyên

Về Thơ:

  1. Hoa Thảo Mộc. Tập thơ NXB Hội Nhà văn năm 2001
  2. Trăng đợi. Tập thơ NXB Văn học năm 2004
  3. Đi vè nơi không chữ: Tập thơ NXB Văn học năm 2006
  4. Lang thang trên giấy. Tập thơ NXB Văn học năm 2009
  5. Những ngọn gió đồng. Tập thơ NXB Hội Nhà văn năm 2015
  6. Trăng hẹn một lần thu. Tập thơ NXB Văn học năm 2018.

Về Nhiếp ảnh:

Nhiều tác phẩm đã được giải thưởng triển lãm Khu vực, Quốc gia và Quốc tế.

Các giải thưởng của nhà thơ Bình Nguyên

Về Thơ:

  1. Giải thưởng 5 năm VHNT Trương Hán Siêu về thơ loại A lần III (2006)
  2. Giải thưởng 5 năm VHNT Trương Hán Siêu về thơ loại A lần IV (2011)
  3. Giải thưởng 5 năm VHNT Trương Hán Siêu về thơ loại A lần V (2016)
  4. Giải thưởng loại A cuộc thi thơ Lục bát Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm (2002 – 2003)
  5. Giải thưởng Chính thức cuộc thi thơ Bác Hồ của chúng ta, Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm (2003 – 2004)
  6. Giải thưởng loại C, tập thơ Trăng đợi, Liêp hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao năm 2004
  7. Giải thưởng loại C, tập thơ Đi về nơi không chữ, Liêp hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao năm 2006
  8. Giải thưởng loại C cuộc thi thơ Lục bát “Ngàn năm thương nhớ” năm 2010, do Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn phối hợp cùng 5 cơ quan báo chí tổ chức.
  9. Giải thưởng loại C cuộc thi thơ Báo Người Hà Nội “Nhịp sống trong thơ” tổ chức năm 2013.
  10. Giải thưởng loại C cuộc thi thơ sáng tác về Nông nghiệp, Nông thôn mới (2010 – 2015) do Hội Nhà văn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông tổ chức năm 2016.

Về Nhiếp ảnh:

Nhiều giải thưởng Vàng, Bạc, Đồng, Khuyến khích Khu vực, Quốc gia và Quốc tế.

Nhà thơ Bình Nguyên: ‘Mẹ là đề tài muôn thuở của thi ca’

Bài thơ À ơi tay mẹ nhận giải A tại cuộc thi thơ lục bát của tuần báo Văn nghệ năm 2002, đã được đưa vào Ngữ văn 6, tập 1, bộ Cánh diều.

Viết từ bàn tay phồng rộp của mẹ

Bình Nguyên quan niệm: Trong mỗi chúng ta, ai có mẹ cùng với những kỷ niệm bình yên là đã được ơn trên ban cho một diễm phúc. Đứng trước mẹ hoặc khi nghĩ về mẹ bỗng nhiên ta biến thành một đứa trẻ trong lành.

Đôi tay mẹ của Bình Nguyên là đôi tay che chở, gánh vác và vẫn dõi theo con từng ngày: “Bàn tay mẹ chắn mưa sa/Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng/Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng/À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon…/ Mai sau bể cạn non mòn/À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru…/ Ru cho đời nín ơn đau/À ơi mẹ chẳng một câu ru mình”.

Tác giả chọn thể thơ lục bát rất hợp lý cho cảm xúc dịu êm, mênh mông về tình mẹ. Thể thơ truyền thống của Việt Nam là một lời ru yên ả, đủ sức truyền tải tình cảm mẹ con – vốn được xem là tình yêu vĩ đại nhất thế gian.

Nhà thơ Bình Nguyên
Nhà thơ Bình Nguyên

Trước À ơi tay mẹ của Bình Nguyên, nhiều thế hệ học trò đã học bài thơ Bàn tay mẹ- một bài thơ rất quen thuộc của nhà thơ Tạ Hữu Yên. Nhưng nếu Bàn tay mẹ là một bài thơ dành cho thiếu nhi, được tả thực như một lời nhắc những đứa trẻ về những yêu thương mẹ dành cho mình. Thì À ơi tay mẹ là một chuỗi những hình ảnh ẩn dụ, như những trích dẫn ở trên hoặc các câu: “Ru cho mềm ngọn gió Thu/Ru cho tan đám sương mù lá cây/Ru cho cái khuyết tròn đầy/Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau”. Vậy nên, À ơi tay mẹ dù là một bài thơ “đến sau” trong chương trình học nếu so với Bàn tay mẹ, nhưng với những nét hay riêng vẫn đàng hoàng đứng vào trang sách và làm lay động tâm hồn các em học sinh.

Những hình ảnh được đưa vào bài như phép ẩn dụ, làm cho ý nghĩa của nó đi xa hơn số từ vốn có. Ông kể: “Tôi còn nhớ, có lần đi học về ra cánh đồng sau chùa Hạ tìm mẹ. Trưa nắng như đổ lửa. Những nhát cuốc mẹ tôi bổ xuống mảnh ruộng bụi mù mịt. Thấy tôi, mẹ tháo chiếc nón trên đầu quạt cho tôi. Tôi nhìn thấy đôi bàn tay mẹ phồng rộp. Máu từ đôi bàn tay rỉ ra mà mẹ chẳng thấy đau gì. Rồi mẹ đi bứt lá khô quấn vào những chỗ phồng rộp lại tiếp tục cầm cuốc từng nhát bổ phầm phập xuống mảnh ruộng. Mảnh ruộng được trồng khoai lang, trồng ngô, trồng lúa đã nuôi lớn chúng tôi”.

Đó là những cảm xúc thường trực trong lòng, vậy nên khi nhà thơ Lê Thi Hữu ngỏ lời dự thi cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ năm 2002, Bình Nguyên đã tham gia và À ơi tay mẹ đã ra đời năm đó.

Bình Nguyên cho rằng “mẹ là đề tài muôn thuở của thi ca, là cảm hứng không bao giờ vơi cạn”, dù đã xuất hiện trong rất nhiều bài thơ hay, nhưng ông nói “tôi đã viết rồi và tôi vẫn sẽ viết nữa”.

Thật vậy, hình ảnh người mẹ đã xuất hiện ở nhiều bài thơ khác của ông, đặc biệt trong những khó khăn sóng gió, mẹ hiện lên như một niềm an ủi: “Gió mùa thổi buốt mái gianh/Thổi qua đời mẹ mà thành đời con”.

Tác phẩm ảnh “Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu” của Bình Nguyên
Tác phẩm ảnh “Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu” của Bình Nguyên

Tác phẩm ngày càng rời xa tác giả

Nhà thơ Bình Nguyên sáng tác thơ nhiều, đủ thể loại và đủ đề tài. Ông nói mình viết thể tự do còn nhiều hơn lục bát, nhưng có lẽ có duyên với lục bát hơn, vì đã nhận được 5 giải thưởng cho thể loại này.

Ngoài chuyện giải thưởng, với Bình Nguyên, thơ lục bát là một thể thơ khá phù hợp với niềm cảm hứng của ông, dù biết để viết hay và độc đáo chẳng phải dễ. Tìm cho ra nhịp điệu, cấu tứ và từ ngữ mới lạ, tránh sự quen thuộc là một thách thức. “Để bạn đọc thấy được sự lung linh và những hình ảnh liên tưởng là rất khó” – Bình Nguyên bộc bạch.

Tác phẩm ảnh “Vũ điệu” của Bình Nguyên
Tác phẩm ảnh “Vũ điệu” của Bình Nguyên

Bình Nguyên có những câu lục bát xúc động: “Trời cho em có thế thôi/Anh về bấu cỏ xước mười ngón tay…/ Có người thương nhớ cỏ may/Nhớ thương như cỏ găm đầy chiêm bao”(trích Nhớ quê). Hoặc: “Em về bóng đổ lại đây/Gió tương tư thổi kín ngày không em” (trích Mai rồi). Hoặc: “Nhặt lên từng tuổi qua ngày/ Mà rưng rưng nỗi vơi đầy thế gian” (tríchTự khúc).

Nói như thế không có nghĩa là thơ ông chỉ có giá trị ở những bài lục bát. Thơ tự do của ông cũng đầy nhịp điệu, mới mẻ và đầy chiêm nghiệm: “Khi bầy chim ngoài kia hót vang/Trong chiếc lồng chú chim cũng hót vang/Những tiếng chim như mưa/Mưa âm thanh dâng đầy buổi sớm/Cứ thế tiếng chim/Không làm mới ban mai/Có phải/Vòng sóng loang từ chiếc lồng bắt chước/Có phải/Giam hãm làm cũ dần tiếng hót/Ôi ban mai của rừng cây bừng lên/Những tiếng chim trong veo làm ta giật mình/Những tiếng chim lọc qua trời đất/Lọc qua ngàn bão gió/Hồi sinh”(Quen rồi). Hoặc: “Ngày đục lòng đi qua sông quê/Lại tự lắng mà trong như giếng làng sau mưa cuối Hạ/Hoa sen làng thơm vào cuống sen ngày mùa sen tàn tạ/Ai còn ngồi khóc hoa sen?” (Nhớ làng).

Thật ra, không có một quy tắc nào về thể loại được chọn khi sáng tác. Bình Nguyên chia sẻ khi cảm xúc phù hợp với thể thơ nào thì tự động nó bật lên như thế. Ông cũng nghĩ rằng khi một bài thơ đã được công bố thì tác giả không còn quyền kiểm soát nữa. Khi tác phẩm đó đến với bạn đọc, theo thời gian, nó sẽ đi càng xa, sẽ rời khỏi tác giả và đó cũng là cách tốt để tác giả tiếp tục những sáng tác mới.

Khi hỏi ông về quá trình bài thơ À ơi tay mẹ được phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Ông bảo thấy vui và cảm ơn vì nhạc sĩ Trần Viết Tân đã phổ nhạc, nhưng tránh không nói lời nhận xét nào về bài hát. Vì lúc này bài thơ đã rời xa tác giả, không nên ý kiến gì.

Tác phẩm ảnh “Du lịch Ninh Bình” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Nguyên
Tác phẩm ảnh “Du lịch Ninh Bình” – nghệ sĩ nhiếp ảnh Bình Nguyên

Cầm máy ảnh vì yêu quê hương

Những lúc rời ra chữ nghĩa và nhịp điệu của những vần thơ là lúc Bình Nguyên vác máy đi chụp ảnh. Ông đến với nhiếp ảnh vì thấy quê hương Ninh Bình của mình đẹp quá, thấm đẫm văn hóa và được thiên nhiên ưu đãi, nên muốn ghi lại những phong cảnh ấy.

Rồi càng đi chụp, đến đâu cũng thấy được vẻ đẹp của Việt Nam, càng thêm yêu tổ quốc. Việc cầm máy ảnh giúp người đàn ông này có thêm một khả năng khác, đó là kể chuyện bằng hình ảnh. Đây là cách ông lao vào một lĩnh vực lao động sáng tạo khác, cũng đầy tính khám phá và thử thách.

Bình Nguyên nói: “Càng đi sâu vào con đường nào, mình cũng thấy nó mênh mông”. Nhiếp ảnh là một cuộc chơi tốn kém, cả về chi phí mua sắm thiết bị, thời gian đi lại và sức khỏe trên các hành trình. Nhưng với Bình Nguyên, đây là cuộc chơi có ích, có tính nhân văn và giúp ông hòa mình vào cuộc sống, có tiếng nói về nghệ thuật tốt hơn.

Có điều thuận lợi cho cuộc chơi nhiếp ảnh của ông là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình – nơi ông đang giữ vai trò Chủ tịch – thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, cả văn học lẫn nhiếp ảnh, nên ông có dịp đi khắp nơi cùng với anh em hội viên và thường có thu hoạch khá tốt.

Tác phẩm À Ơi Tay Mẹ

Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chắn bão qua mùa màng.

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

Bàn tay mẹ thức một đời
À ơi này cái Mặt Trời bé con
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru.

Ru cho mềm ngọn gió thu
Ru cho tan đám sương mù lá cây
Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.

Ru cho sóng lặng bãi bồi
Mưa không chỗ dột ngoại ngồi vá khâu
Ru cho đời nín cái đau
À ơi… Mẹ chẳng một câu ru mình.

1. Thể thơ của bài thơ À ơi tay mẹ

– Thể thơ: lục bát.

2. Bố cục bài thơ À ơi tay mẹ

– Bố cục: 2 phần

  • Phần 1: Từ đầu đến “À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru”: hình ảnh đôi bàn tay của mẹ.
  • Phần 2: còn lại: lời hát ru của mẹ.

3. Phương thức biểu đạt của bài thơ À ơi tay mẹ

– Phương thức biểu đạt: biểu cảm.

4. Giá trị nội dung chính bài À ơi tay mẹ

– Khắc họa tình yêu thương bao la vô bờ, đức hi sinh cao cả của mẹ dành cho đứa con bé bỏng.

5. Giá trị nghệ thuật bài À ơi tay mẹ

a. Cách gieo vần và ngắt nhịp của bài thơ “À ơi tay mẹ”

* Gieo vần:

– Ở những khổ thơ có hai dòng như khổ 2, 5: tiếng thứ 6 của câu lục gieo vần với tiếng thứ sáu của câu bát (sa – qua, mầu – dầu)

– Ở những khổ thơ còn lại:

  • Tiếng thứ 6 của câu bát gieo vần với tiếng thứ sáu của câu bát (dàng – vàng, tròn – còn, thu – mù,…).
  • Tiếng thứ 8 của câu bát sẽ gieo vần với tiếng thứ 6 của câu lục tiếp theo (ngon – tròn, con – mòn, ru – thu,…)

* Ngắt nhịp: ngắt theo nhịp chẵn 4/2, 4/4.

b. Các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ “À ơi tay mẹ”

– Điệp ngữ “bàn tay”, “à ơi này cái”, “ru cho”.

– Ẩn dụ “bàn tay mẹ” – chỉ người mẹ, “cái trăng”; “Mặt trời bé con” – chỉ người con.

– Nhân hóa “cái trăng vàng ngủ ngon”, “cái trăng còn nằm nôi”.

Dàn ý phân tích bài À ơi tay mẹ

I. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu về bài thơ À ơi tay mẹ của Bình Nguyên.

II. Thân bài

1. Hình ảnh đôi bàn tay của mẹ

– Bàn tay mẹ trước giông bão cuộc đời: “chắn mưa sa”, “chặn bão qua mùa màng”.

– Bàn tay mẹ dịu dàng nuôi nấng con: “bàn tay mẹ dịu dàng”, con giống như “cái trăng vàng, cái trăng tròn, cái trăng còn nằm nôi, cái Mặt Trời bé con”.

– Bàn tay mẹ nhiệm màu, hi sinh vì con: “thức một đời”, “mai sau bể cạn non mòn vẫn còn hát ru”, “chắt chiu từ những dãi dầu”.

=> Người mẹ vất vả nuôi lớn, chăm sóc và hy sinh cho con suốt cả một đời.

2. Lời ru của người mẹ

– Từ “À ơi” là từ mở đầu quen thuộc trong các bài hát ru. Tác giả mở đầu bằng từ “À ơi” khiến cho bài thơ mang giai điệu của lời hát ru.

– Lời ru ngọt ngào đó đã cho con giấc ngủ êm đềm, đã tác động đến vạn vật trong cuộc sống: mềm ngọn gió thu, tan đám sương mù lá cây, cái khuyết tròn đầy, Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau, sóng lặng bãi bồi, đời nín cái đau

=> Tình yêu thương, sự hy sinh cao cả của người mẹ.

III. Kết bài

Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ À ơi tay mẹ.

Phân tích bài À ơi tay mẹ

Tình mẹ – tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Đã có biết bao lời thơ, câu hát nói về tình cảm đó. Một trong những bài thơ đó là “À ơi tay mẹ” của nhà thơ Bình Nguyên.

Tác giả đã sử dụng hình ảnh “đôi bàn tay” để nhắc về người mẹ. Đôi bàn tay đã tạo ra những phép màu:

“Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chắn bão qua mùa màng”

Đôi bàn tay của người mẹ thật bình thường, nhưng lại ẩn chứa những điều phi thường. Điều đó xuất phát từ tình yêu sâu sắc mà người mẹ dành cho đứa con của mình. Mẹ đã bảo vệ, che chở con qua “mưa sa”, “bão mùa màng”.

Tiếp đến, tác giả đã đem lời ru của người mẹ vào những câu thơ trong bài:

“Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng
À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon
À ơi này cái trăng tròn
À ơi này cái trăng còn nằm nôi…

Bàn tay mẹ thức một đời
À ơi này cái Mặt Trời bé con
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru”

Đôi bàn tay của mẹ bế bồng con trong giấc ngủ yên bình.Người mẹ gọi con “vầng trăng” và “mặt trời bé con”. Cách gọi đó cho thấy tình cảm yêu thương của mẹ đối với con. Với mẹ, con chính là ánh trăng hay mặt trời, bất kể là đêm hay ngày đều đem lại nguồn sống cho mẹ. Và dù thời gian có trôi qua, vạn vật có thay đổi, đôi bàn tay của mẹ vẫn sẽ ôm lấy con, lời ru của mẹ vẫn cất lên. Tình yêu của mẹ là không có gì thay đổi.

Lời ru ngọt ngào đó đã cho con giấc ngủ êm đềm, đã tác động đến vạn vật trong cuộc sống:

“Ru cho mềm ngọn gió thu
Ru cho tan đám sương mù lá cây”

Những thứ vốn trường tồn cùng với thiên nhiên, nay đã “mềm lòng”, đã “tan chảy” trước lời ru ngọt ngào của tình mẫu tử. Lời ru ngọt ngào biết bao, chan chứa tình yêu sâu nặng:

“Ru cho cái khuyết tròn đầy
Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau”

Đôi bàn tay mẹ đã làm nên phép nhiệm màu, không những là ru con vào giấc ngủ yên lành mà còn nâng niu con trên từng bước đường đời. Bàn tay ấy phải chắt chiu biết bao sương gió mới tạo ra phép màu như vậy:

“Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi”

Đ ôi bàn tay của người mẹ đã làm lụng vất vả, chăm sóc cho đứa con suốt cả một cuộc đời. Bởi vậy với đứa con thì đó là đôi bàn tay chứa đựng những phép nhiệm màu được chắt chiu từ những khó khăn, vất vả đó. Hai câu thơ rất ngắn gọn, nhưng đã khẳng định được tình mẫu tử cao cả có sức mạnh to lớn, tạo nên những điều kì diệu. Cũng như chúng ta phần nào thấu hiểu hơn được sự khó nhọc của người mẹ.

Bài thơ “À ơi tay mẹ” đem đến những cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử. Đó là thứ tình cảm đáng trân quý nhất trong cuộc sống của mỗi người.

*****

Trên đây là nội dung bài học giúp các em hiểu rõ hơn về Tác giả Bình Nguyên là ai? cũng như biết thêm về tiểu sử, cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Bình Nguyên. Hy vọng các em đã nắm vững kiến thức bài học.

Bài học được biên soạn bởi thầy cô trường THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học Tậplớp 6

5/5 - (190 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *