Trường học thông minh là gì? Lợi ích của trường học thông minh

Mời bạn đọc cùng tìm hiểu Trường học thông minh là gì trong bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.

Mục lục

Trường học thông minh là gì?

Trường học thông minh có thể được hiểu là trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong đào tạo thế hệ trẻ.

Trường học thông minh là gì?
Trường học thông minh là gì?

Lợi ích của trường học thông minh

Trên thế giới, nhiều phương thức dạy học tiên tiến đã được khai thác, ứng dụng vào dạy học như đào tạo trên máy tính, đào tạo trên web, đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa và những năm gần đây phát triển mạnh hình thức đào tạo thông qua thiết bị di động. Tất cả các hình thức đó tập trung trong một nhà trường góp phần biến đổi một trường học truyền thống thành một trường học hiện đại, được gọi tên là trường học thông minh.

Trường học thông minh là thuật ngữ khoa học giáo dục được dịch từ tiếng Anh có nguồn gốc từ thuật ngữ “Smart School”. Tuy nhiên, thuật ngữ này trên thế giới có hai hướng tiếp cận khác nhau.

Thứ nhất, Smart School được hiểu là trường học mà nơi đó hướng tới phát triển năng lực trí tuệ của người học, người dạy trong nhà trường. Theo nghiên cứu của Dự án Zero của ĐH Harvard (Mỹ), Smart School hướng tới phát triển năng lực tư duy, năng lực nhận thức của người học và quá trình học tập trong nghệ thuật và các ngành khác. Người học được coi là trung tâm của quá trình giáo dục trong nhà trường, trong đó người học được biểu đạt những nhận thức về thế giới và thể hiện ý tưởng của mình. Nhà trường được xây dựng trên nguyên tắc: người học phải chấp nhận sự phức tạp vấn đề, phải liên tục đối mặt với tình huống phức tạp trong học tập. Ngoài ra, người học phải có kỹ năng để kiên trì trong các tình huống phức tạp như vậy. Thay vì bỏ cuộc khi đối mặt với sự phức tạp, người học trong trường học thông minh sẽ được kích thích bởi những thách thức do sự phức tạp mà mình phải đối mặt. Từ đó, người học sẽ có được các kỹ năng để đối phó với sự phức tạp. Giáo viên cũng được khuyến khích phát huy trí tuệ của mình. Điều này có nghĩa quản lý trường học sẽ sẵn sàng cho phép giáo viên thử nghiệm những ý tưởng mới trong lớp học.

Thứ hai, Smart School được hiểu là trường học mà ở đó gắn với sự ứng dụng của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin – truyền thông. Trường học thông minh sử dụng nền tảng công nghệ như một phương tiện học tập và chương trình giảng dạy được thiết kế sẵn. Những điều kiện dạy học đều đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra. Trường học thông minh là một tổ chức học tập có sự sáng tạo về phương pháp giảng dạy, học tập và hệ thống hành chính nhà trường để chuẩn bị cho người học kiến thức xã hội. Theo đó, trường học thông minh theo tiếp cận này đã có ở một số nơi trên thế giới như Anh, New Zealand… và phát triển mạnh mẽ mang tính hệ thống ở Philippines những năm gần đây.

Ý tưởng quan trọng nhất về trường học thông minh liên quan đến quá trình dạy và học. Chương trình giảng dạy của trường học thông minh sẽ phục vụ cho tất cả các cấp độ của người học. Tại đây là nơi mà khái niệm lớp học ảo xuất hiện, những người học tốt sẽ nhanh chóng tiếp cận với nhiều nội dung phức tạp của các giáo trình, trong khi những người học chậm sẽ tiếp tục với các hoạt động đó cho đến khi họ đã học hết nội dung. Các bước đầu tiên hướng tới việc chuẩn bị cho trường học thông minh là bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho giáo viên như dạy học,  học tập, sáng tạo, đánh giá và công nghệ.

Với quan điểm tiếp cận theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong dạy học, trường học thông minh có một số đặc điểm cụ thể như sau: Việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin – truyền thông như công nghệ mạng, kỹ thuật đồ họa, kỹ thuật mô phỏng, công nghệ tính toán… Tài liệu học tập và giảng dạy là tài liệu điện tử; các nội dung học tập sử dụng công cụ điện tử hiện đại như máy tính. Sử dụng mạng vệ tinh, internet, intranet…, trong đó nội dung học có thể thu được từ các website, đĩa CD, băng video, audio…; thông qua một máy tính hay ti vi, người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như email, thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo video… Hiệu quả học tập của trường học thông minh cao hơn nhiều trường học truyền thống do công nghệ thông tin – truyền thông có tính tương tác cao dựa trên multimedia tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp với khả năng và sở thích của từng người.

Có thể thấy, với việc tiếp cận công nghệ, khai thác sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông vào trường học, trường học thông minh đã làm thay đổi diện mạo của một trường học truyền thống. Người học trong quá trình học tập trở thành trung tâm trong các hoạt động của nhà trường – chủ động, tích cực chiếm lĩnh thông tin. Thông tin đó là kiến thức, là kỹ năng, là thái độ…

Lợi ích của trường học thông minh
Lợi ích của trường học thông minh

Điều kiện nào để có trường học thông minh?

Trường học thông minh là trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo công dân toàn cầu.

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, xây dựng trường học thông minh (THTM) cần gắn với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Nhiều nơi có đề án triển khai

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 117/QĐ-TTg ngày 25.1.2017 về việc phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy và học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”. Mục tiêu nhằm hình thành cơ sở dữ liệu giáo dục, với các chỉ tiêu như: 100% các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện quản lý, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thực hiện theo phương thức kết hợp (trực tiếp và trực tuyến)…

Trường học thông minh trên thế giới

Ở Mỹ, từ những năm 1990, chương trình dạy học thông minh nhấn mạnh vai trò tích hợp công nghệ số trong lớp học. Năm 2014, Ủy ban giáo dục tại New York đã đưa ra 7 tiêu chí của THTM.

Tại Malaysia, từ năm 1997 bắt đầu thực hiện dự  án giáo dục thông minh gồm các giai đoạn: thử nghiệm, sau thử nghiệm áp dụng đại trà, củng cố và ổn định.

Từ năm 2007, Singapore triển khai chương trình “Các trường học tương lai” cho 8  trường. Các trường này được cấp kinh phí để hợp tác với các trường đại học, các công ty thúc đẩy nghiên cứu công nghệ trong dạy và học.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững VN giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM được hỗ trợ để xây dựng đô thị thông minh. Hiện nay, không chỉ 3 đơn vị trên mà Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đã có lộ trình triển khai đô thị thông minh và giáo dục thông minh.

Q.Long Biên (Hà Nội) thí điểm triển khai “Mô hình trường học điện tử” cho 7 trường tiểu học và THCS. Trường THPT Cầu Giấy có “Lớp học thông minh” do Bộ Giáo dục Hàn Quốc tài trợ…

TP.HCM phê duyệt đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, ngành giáo dục triển khai giáo dục thông minh với việc xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở và hệ thống THTM tại 5 trường THPT, gồm: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. THTM được xây dựng với 5 tiêu chí: thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giảng dạy; giáo viên được trang bị tin học văn phòng quốc tế; phủ sóng internet tốc độ cao; triển khai thư viện thông minh, học bạ điện tử; học sinh được sử dụng thiết bị cầm tay thông minh trong giờ học và trong kiểm tra, đánh giá…

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai đề án “Xây dựng triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý giáo dục thông minh đáp ứng yêu cầu giáo dục 4.0”…

Điều kiện nào để có trường học thông minh?
Điều kiện nào để có trường học thông minh?

Trường học hạnh phúc và trường học thông minh có gì khác biệt?

Hiện nay, đồng hành với mô hình trường học hạnh phúc có mô hình trường học thông minh. Vậy, 2 mô hình trường học này có gì giống nhau và khác nhau?

Trường học hạnh phúc

Lấy cảm hứng từ mô hình “Happy School” của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.

Theo các nhà nghiên cứu, cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, 1 trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí; trong đó có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Cụ thể, về tiêu chí yêu thương đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung.

Về tiêu chí an toàn: Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Đối với tiêu chí tôn trọng: Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Trường học thông minh

Nhằm đào tạo nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nước trên thế giới đã và đang chuyển đổi trường học, từ mô hình truyền thống sang trường học thông minh, gọi là “SMART School”.

Ở Hoa Kỳ, từ những năm 1990, chương trình dạy học thông minh nhấn mạnh vai trò tích hợp công nghệ số trong lớp học.

Năm 2014, Ủy ban giáo dục tại New York đã đưa ra 7 tiêu chí cho trường học thông minh, gồm: (1) Cung cấp và mở rộng học tập trực tuyến; (2) Sử dụng công nghệ để cá nhân hóa học tập; (3) Kết nối trường học băng thông rộng, tốc độ cao và ứng dụng công nghệ; (4) Kết nối lớp học với các nguồn mở ngoài nhà trường; (5) Giáo viên ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và phát triển nghề nghiệp liên tục; (6) Tập trung vào phát triển các kỹ năng STEM cho người học; (7) Lãnh đạo và quản lý thông minh dựa trên nền tảng công nghệ và năng lực công nghệ.

Ở Việt Nam, trường học thông minh được thí điểm triển khai tại nhiều tỉnh và thành phố. Hà Nội thí điểm triển khai “Mô hình trường học điện tử” tại quận Long Biên cho 7 trường học. Mô hình trường học này được xây dựng trên 3 căn cứ: (1) Cơ sở hạ tầng; (2) Ứng dụng công nghệ thông tin; (3) Môi trường chính sách và các điều kiện để bảo đảm 5 mục tiêu: Bổ sung cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, đầu tư và nâng cao chất lượng khai thác trang thông tin điện tử nhà trường; áp dụng hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành, giảng dạy và học tập; kiện toàn công tác chỉ đạo điều hành, môi trường chính sách ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường.

Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó, ngành Giáo dục triển khai xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh tại Sở Giáo dục và Đào tạo và xây dựng thí điểm trường học thông minh tại 5 trường học.

Theo đó, trường học thông minh được xây dựng với 5 tiêu chí: (1) Thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giảng dạy; (2) Giáo viên được trang bị tin học văn phòng quốc tế; (3) Phủ sóng internet tốc độ; (4) Triển khai thư viện thông minh, học bạ điện tử; (5) Học sinh được sử dụng thiết bị cầm tay thông minh trong giờ học và trong kiểm tra, đánh giá.

Mặc dù có sự khác nhau về các tiêu chí xây dựng, nhưng tựu trung lại, trường học thông minh đề cao tính chất thông minh của nhà trường hướng tới tính linh hoạt, thích ứng, hiện đại và phát triển liên tục-cân bằng động với sự phát triển của thế giới công nghệ hiện đại và đề cao vai trò quan trọng của công nghệ thông minh để xây dựng và duy trì môi trường giáo dục thông minh đó.

Từ các tiêu chí của 2 loại mô hình trường học trên, chúng ta thấy rằng: Trường học thông minh có sự hội tụ của các yếu tố: sư phạm thông minh, học tập thông minh, môi trường giáo dục thông minh. Ứng dụng công nghệ thông tin, các thiết bị công nghệ thông minh sâu rộng trong các hoạt động của nhà trường làm tăng tương tác, mở rộng kết nối, nâng cao chất lượng dạy và học, tăng hiệu quả quản lý nhà trường. Nhà trường trở thành 1 tế bào, 1 mắt xích quan trọng trong thế giới kết nối với các trường học, với các tổ chức học tập khác và với cộng đồng nói chung.

Các tiêu chí của trường học thông minh còn tập trung nhiều về “dạy chữ” còn trường học hạnh phúc có những điểm nhấn thực sự về “dạy người”.

Vì vậy, xây dựng trường học thông minh và xây dựng trường học hạnh phúc là hai cách tiếp cận nhằm hướng tới 1 mục đích: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Xây dựng trường học hạnh phúc là một giải pháp tạo cơ sở để xây dựng, duy trì, phát triển trường học học thông minh một cách vững chắc và xây dựng trường học thông minh chính là góp phần đáp ứng các yêu cầu, nội dung, tiêu chí của trường học hạnh phúc.

***

Trên đây là nội dung bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Trường học thông minh là gì. Mọi thông tin trong bài viết Trường học thông minh là gì? Lợi ích của trường học thông minh đều được xác thực rõ ràng trước khi đăng tải. Tuy nhiên đôi lúc vẫn không tránh khỏi những sai xót đáng tiếc. Hãy để lại bình luận xuống phía dưới bài viết để đội ngũ biên tập được nắm bắt ý kiến từ bạn đọc.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Tổng hợp

5/5 - (4 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *