Từ đồng nghĩa là gì? Từ trái nghĩa là gì?

Mời các em theo dõi nội dung bài học về Từ đồng nghĩa là gì? Từ trái nghĩa là gì? do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Mục lục

Từ đồng nghĩa là gì?

Khái niệm

Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau.

Ví dụ:

  • xe lửa = tàu hỏa
  • con lợn = con heo
  • đen = mực = huyền
Từ đồng nghĩa là gì?
Từ đồng nghĩa là gì?

Phân loại từ đồng nghĩa

Có 02 loại từ đồng nghĩa, gồm:

Từ đồng nghĩa hoàn toàn

Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối) là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế cho nhau trong lời nói.

Ví dụ:

  • Bố = cha = tía = thầy: Đây là cách xưng hô người sinh ra mình, tùy theo từng vùng miền sẽ có cách gọi khác nhau
  • Mẹ = má = u = bầm: giống như ba, mẹ là cách xưng hô chỉ người mẹ, người đã sinh ra mình
  • Hổ = cọp = hùm: đều chỉ con hổ

Từ đồng nghĩa không hoàn toàn

Từ đồng nghĩa không hoàn toàn (đồng nghĩa tương đối, đồng nghĩa khác sắc thái) là những từ tuy cùng nghĩa với nhau nhưng vẫn khác nhau phần nào đó về thái độ, tình cảm hoặc cách thức hành động.

Khi dùng những từ ngữ này, chúng ta cần phải cân nhắc lựa chọn đúng từ sao cho phù hợp với hoàn cảnh, đối tượng.

Ví dụ: 

  • Chết, hy sinh, toi mạng, mất, ra đi, bị đâm đến chết, ngủm, tiêu, toi đời, lên đường, đi đứt, vào hòm, rũ xương, đi đời, đền tội, tan xương nát thịt, vong, đứt bóng, xuống mồ…. Từ nói về một người, mộ động vật mất khả năng sinh sống, không còn biểu hiện của sự sống nữa.
  • Ăn, xơi, chén, hốc, thưởng thức, dùng bữa, nốc, dộng, tớp, xực….Chỉ hành động ăn

Từ trái nghĩa là gì?

Khái niệm

Từ trái nghĩa là những từ khác nhau về ngữ âm và đối lập nhau về ý nghĩa. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc nhiều cặp từ trái nghĩa khác nhau.

Ví dụ: cứng – mềm; cao – thấp; tốt – xấu; xinh – xấu; may – xui; thắng – thua; hiền – dữ; tươi – héo; công bằng – bất công;…

Từ trái nghĩa là gì?
Từ trái nghĩa là gì?

Phân loại từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa được chia làm 2 loại:

+ Từ trái nghĩa hoàn toàn: Là những từ luôn mang nghĩa trái ngược nhau trong mọi trường hợp. Chỉ cần nhắc tới từ này là người ta liền nghĩ ngay tới từ mang nghĩa đối lập với nó.

Ví dụ: dài – ngắn; cao – thấp; xinh đẹp – xấu xí; to – nhỏ; sớm – muộn; yêu – ghét; may mắn – xui xẻo; nhanh – chậm;…

+ Từ trái nghĩa không hoàn toàn: Đối với các cặp từ trái nghĩa không hoàn toàn, khi nhắc tới từ này thì người ta không nghĩ ngay tới từ kia.

Ví dụ: nhỏ – khổng lồ; thấp – cao lêu nghêu; cao – lùn tịt;…

Cách sử dụng từ trái nghĩa

Những trường hợp nên sử dụng từ trái nghĩa gồm:

Tạo sự tương phản

Thường dùng để đả kích, phê phán sự việc, hành động, có thể tường minh hoặc ẩn dụ tùy vào người đọc cảm nhận.

Ví dụ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”. Câu tục ngữ này có nghĩa là là việc gì có lợi cho mình mà không nguy hiểm thì tranh đến trước.

Hoặc câu “ Mất lòng trước, được lòng sau”.

Để tạo thế đối

Thường dùng trong thơ văn là chính, để mô tả cảm xúc, tâm trạng, hành động…

Ví dụ: “Ai ơi bưng bát cơm đầy. Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Ý nghĩa câu tục ngữ trên mô tả công sức lao động của người làm nên hạt gạo.

Để tạo sự cân đối

Cách sử dụng này làm câu thơ, lời văn sinh động và hấp dẫn người đọc hơn.

Ví dụ: “Lên voi xuống chó” hoặc “Còn bạc, còn tiền còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”.

Một số thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt có sử dụng từ trái nghĩa

Từ trái nghĩa rất thường được sử dụng trong các câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu:

– Lên voi xuống chó

– Lá lành đùm lá rách

– Đầu voi đuôi chuột

– Đi ngược về xuôi

– Trước lạ sau quen

– Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

– Thất bại là mẹ thành công

– Có mới nới cũ

– Bán anh em xa mua láng giềng gần

– Chết vinh còn hơn sống nhục

– Kính trên nhường dưới

– Cá lớn nuốt cá bé

– Khôn ba năm, dại một giờ

– Mềm nắn rắn buông

– Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau

– Bên trọng bên khinh.

– Buổi đực buổi cái

– Bước thấp bước cao

– Có đi có lại

– Gần nhà xa ngõ

– Mắt nhắm mắt mở

– Vô thưởng vô phạt

Từ đồng nghĩa là gì? Từ trái nghĩa là gì?
Từ đồng nghĩa là gì? Từ trái nghĩa là gì?

Bài tập về từ đồng nghĩa

Câu 1. Tìm ít nhất 3 từ đồng nghĩa với các từ sau:

a. anh hùng

b. ác

c. ẩm

d. ân cần

e. bảo vệ

f. biết ơn

g. béo

h. chăm chỉ

i. biếng nhác

k. đoàn kết

l. dũng cảm

Đáp án

a. Từ đồng nghĩa với “anh hùng”: anh dũng, can đảm, can trường, dũng cảm, gan lì, gan dạ….

b. Từ đồng nghĩa với “ác”: ác độc, hung ác, tàn nhẫn….

c. Từ đồng nghĩa với “ẩm”: ẩm thấp, ẩm ướt, ẩm mốc…

d. Từ đồng nghĩa với “ân cần”: đon đả, nhiệt tình, niềm nở, quan tâm, thân mật,….

e. Từ đồng nghĩa với “bảo vệ”: ngăn cản, che chở, giữ gìn, phong vệ, che chắn…

f. Từ đồng nghĩa với “biết ơn”: nhớ ơn, mang ơn, đội ơn, lễ phép, vâng lời…

g. Từ đồng nghĩa với “béo”: mập, bự, đầy đặn, tròn trịa, to, béo phì…

h. Từ đồng nghĩa với “chăm chỉ”: siêng, cần cù, chịu khó, tần tảo, chuyên cần….

i. Từ đồng nghĩa với “biếng nhác”: lười, lười nhác, lười biếng,….

k. Từ đồng nghĩa với “đoàn kết”: đùm bọc, bao bọc, cùng nhau, chung sức….

l. Từ đồng nghĩa với “dũng cảm”: can đảm, gan dạ, gan trường…

Câu 2. Hãy so sánh các từ đồng nghĩa trong đoạn văn dưới đây:

a. Sau hơn 80 năm giời làm nô lệ đã làm cho nước ta bị yếu hèn đi, ngày nay chúng ta phải cùng nhau xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại. Hãy làm sai cho chúng ta theo kịp được các nước khác trên toàn cầu này. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà đã luôn mong đợi ở các em rất nhiều.

b. Màu lúa chín là một màu vàng xuộm trong rất đẹp. Nắng đã nhạt  ngả màu thanh vàng hoe. Thêm vào đó là những chùm quả xoan vàng lịm và trông giống như những chuỗi tràng hạt bồ đề được treo lơ lửng.

Đáp án

a. Nghĩa của “xây dựng” gồm:

– Nghĩa thứ nhất: là cách thức xây dựng nên một hay nhiều công trình kiến trúc theo kế hoạch. Ví dụ: xây một ngôi trường, xây nhà, xây hồ bơi…

– Nghĩa thứ hai: là cách thức thành lập nên một tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa…theo một hướng nhất định. Ví dụ: xây dựng nhà nước, xây dựng gia đình…

– Nghĩa thứ ba: là một cách để tạo ra những giá trị về tinh thần hoặc mang một giá trị văn hóa, nghệ thuật nào đó. Ví dụ: xây dựng một bài thơ, một giả thuyết….

– Nghĩa thứ tư: thể hiện thái độ, ý kiến, đánh giá với mục đích làm cho vấn đề, kế hoạch trở nên tốt hơn. Ví dụ: xây dựng bài trên lớp, góp ý thái độ làm việc….

Nghĩa của “kiến thiết”: là một quá trình xây dựng với quy mô lớn hơn.

Ví dụ: xây dựng kiến thiết nước Việt Nam

⇒ Về mặt nghĩa thì cả hai từ đề mang tính chất giống nhau. Nhưng so với xây dựng thì kiến thiết được dùng ở những quy mô lớn hơn.

b. Nghĩa của từ:

– Vàng xuộm: là màu vàng đậm lan đều khắp nơi. Trong đoạn văn, lúa vàng xuộm là lúa đã chín đều, người nông dân có thể thu hoạch được

– Vàng hoe: màu vàng của sự pha lẫn với đỏ, vàng tươi và ánh lên.

– Vàng lịm: sắc màu gợi lên sự ngọt ngào. Đây thường là màu của các loại quả đã chín già.

⇒ Ba cụm từ “vàng xuộm – vàng hoe – vàng lịm” là các từ đồng nghĩa vì chúng đều cùng chỉ màu vàng.

Câu 3. Phân biệt sắc thái nghĩa của những từ đồng nghĩa dưới đây:

a. “… những khuôn mặt trắng bệch, những bước chân nặng như đeo đá”

b. Bông hoa huệ trắng muốt

c. Đàn cò trắng phau

d. Hoa ban nở trắng xóa núi rừng

Đáp án

a. Trắng bệch: trắng nhợt nhạt, thiếu sức sống

b. Trắng muốt: màu trắng đều, ánh lên ánh sáng

c. Trắng phau: trắng tuyệt đối, không pha lẫn tạp chất

d. Trắng xóa: trắng đến lóa mắt trên một diện rộng

Câu 4. Chọn từ ngữ thích hợp trong ngoặc đơn để hoàn chỉnh từng câu:

a. Câu văn cần được (đẽo, gọt, gọt giũa, vót, bào) cho trong sáng và súc tích

b. Trên sân trường, mấy cây phượng vĩ nở hoa (đỏ au, đỏ bừng, đỏ đắn, đỏ hoe, đỏ gay, đỏ chói, đỏ quạch, đỏ tía, đỏ ửng)

c. Dòng sông chảy rất (hiền hòa, hiền lành, hiền từ, hiền hậu) giữa hai bờ xanh mướt lúa ngô.

Đáp án

a. Gọt giũa

b. Đỏ chói

c. Hiền hòa

Câu 5. Xếp các từ: “giang sơn, thương người, đất nước, nhi đồng, sơn hà, trẻ thơ, nhân ái, nước non, nhân đức, con nít” vào các chủ điểm dưới đây:

Tổ quốc

Trẻ em

Nhân hậu

Đáp án

– Tổ quốc: giang sơn, đất nước, sơn hà, nước non

– Trẻ em: nhi đồng, trẻ thơ, con nít

– Nhân hậu: thương người, nhân ái, nhân đức

Bài tập về từ trái nghĩa

Bài 1. Em hãy tìm từ trái nghĩa với từ in đậm trong mỗi câu để điền vào chỗ trống:

a. Cô Tấm rất chăm chỉ còn Cám thì …

b. Thấy Thánh Gióng dũng cảm, mạnh mẽ, kẻ địch … khiếp sợ kéo nhau bỏ chạy.

c. Từ đằng xa, những đám mây đen kéo nhau về đây, dàn ra, che lấp hết những khoảng … trên nền trời.

d. Thằng Hùng nghĩ, nếu mà trời cứ giá rét như này, thì thật khó để ra ruộng. Nhưng may thay, ngày hôm sau, thời tiết đã trở nên … hơn nhiều.

Trả lời:

a. Lười biếng

b. Hèn nhát

c. Trắng

d. Ấm áp

Bài 2: Tìm những từ trái nghĩa nhau trong các thành ngữ, tục ngữ sau:

a. Ăn ít ngon nhiều.

b. Ba chìm bảy nổi.

c. Nắng chóng trưa, mưa chóng tối.

d. Yêu tre, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho.

Trả lời: 

Những từ trái nghĩa nhau trong các thành ngữ, tục ngữ trên là:

a. Ít – nhiều

b. Chìm – nổi

c. Nắng – mưa

d. Trẻ – già

Bài 3: Tìm những cặp từ trái nghĩa trong mỗi thành ngữ, tục ngữ dưới đây:

a. Gạn đục khơi trong

b. Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

c. Anh em như thể chân tay

d. Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

Trả lời:

Các cặp từ trái nghĩa:

a. Gạn và khơi, đục và trong.

b. Chìm và nổi

c. Nắng và mưa, trưa và tối.

d. Đen và sáng

e. Rách và lành, dở và hay

Bài 4: Điền vào mỗi ô trống một từ trái nghĩa với từ in đậm để hoàn chỉnh các thành ngữ sau:

a. Hẹp nhà …bụng

b. Xấu người … nết

c. Trên kính …nhường

Trả lời:

Điền các từ như sau:

a. Rộng

b. Đẹp.

c. Dưới

Bài 5: Điền vào mỗi ô trống một từ trái nghĩa với từ in đậm.

a. Trần Quốc Toản tuổi nhỏ mà chí …

b. Trẻ … cùng đi đánh giặc.

c. … trên đoàn kết một lòng.

d. Xa-đa-cô đã chết nhưng hình ảnh của em còn … mãi trong kí ức loài người như lời nhắc nhở về thảm họa của chiến tranh hủy diệt.

Trả lời:

a. Trần Quốc Toản tuổi nhỏ mà chí lớn.

b. Trẻ già cùng đi đánh giặc.

c. Dưới trên đoàn kết một lòng.

d. Xa-đa-cô đã chết nhưng hình ảnh của em còn sống mãi trong kí ức loài người như lời nhắc nhở về thảm họa của chiến tranh hủy diệt.

***

Trên đây là nội dung bài học Từ đồng nghĩa là gì? Từ trái nghĩa là gì? do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (5 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *