Danh từ là gì? Các loại danh từ trong tiếng Việt

Mời các em theo dõi nội dung bài học về Danh từ là gì? Các loại danh từ trong tiếng Việt do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Mục lục

Danh từ là gì?

Danh từ là từ thường được dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng hoặc khái niệm. Đây là một trong những loại từ thông dụng nhất của Tiếng Việt. Danh từ luôn thay đổi và ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người trong quá trình giao tiếp.

Danh từ là gì?
Danh từ là gì?

Các loại danh từ trong tiếng Việt

Trong tiếng Việt có 4 loại danh từ chính như sau:

Danh từ chỉ sự vật

Đây là loại danh từ thường đại diện cho tên gọi, bí danh, địa danh, sự vật. Danh từ chỉ sự vật được chia thành hai nhóm là danh từ chung và danh từ riêng

– Danh từ chung: Là những danh từ chỉ tên gọi hay dùng để mô tả sự vật, sự việc mang tính khái quát, rất nhiều nghĩa mà không chủ ý nói đến một sự vật duy nhất nào. Danh từ chung được chia thành 2 loại sau:

  • Danh từ cụ thể: Là danh từ mô tả sự vật mà con người có thể cảm nhận được bằng các giác quan như thính giá, thị giá, xúc giác,… Ví dụ: đũa, thìa, bát,…
  • Danh từ trừu tượng: Là những danh từ không thể cảm nhận bằng các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác,… Ví dụ: ý nghĩa, tinh thần,…

– Danh từ riêng: Là danh từ chỉ tên riêng của người, sự vật, hay địa danh cụ thể. Ví dụ: Hà Nội (tên thành phố), Nguyễn Ái Quốc ( tên người),… Đây là những danh từ có tính đặc trưng và tồn tại duy nhất.

Danh từ chỉ đơn vị

Đây cũng là danh từ chỉ sự vật, nhưng có thể được định lượng, trọng lượng hoặc ước lượng. Loại này rất đa dạng và có thể được chia thành các nhóm sau:

– Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên: Đơn vị tự nhiên hiểu một cách đơn giản là đơn vị thường dùng trong giao tiếp để biểu thị số lượng sự vật, con vật. Ví dụ: mảnh, cái, hòn,…

– Danh từ đơn vị chính xác: Đây là những đơn vị xác định trọng lượng, kích thước và khối lượng hoàn toàn chính xác. Ví dụ: tấn, tạ, yến,…

– Danh từ chỉ thời gian: Đây là những danh từ dùng để chỉ khoảng thời gian. Ví dụ: thế kỷ, thập ký, năm, tháng, giờ, phút, giây,…

– Danh từ đơn vị ước lượng: Loại danh từ này không chỉ số lượng cố định. Nó được sử dụng để đếm những thứ xuất hiện trong các tổ hợp như: nhóm, tổ, đàn,…

– Danh từ tổ chức: Đây là loại danh từ dùng để chỉ các tổ chức, đơn vị hành chính như: huyện, ấp, quận, thành phố,…

Danh từ chỉ khái niệm

Các danh từ này mô tả theo nghĩa trừu tượng hơn là mô tả trực tiếp một sự vật, sự kiện cụ thể. Khái niệm ra đời và tồn tại trong nhận thức, ý thức của con người. Điều này có nghĩa là những khái niệm này không tồn tại trong thế giới thực, đôi khi còn được gọi là tâm linh, không cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan như thị giác, thính giác,…

Danh từ chỉ hiện tượng

Đây là loại danh từ dùng để chỉ các dạng hiện tượng do thiên nhiên sinh ra, do con người tạo ra trong môi trường không gian và thời gian. Loại này được chia thành các nhóm nhỏ như sau:

– Hiện tượng tự nhiên: Những hiện tượng này tự sinh ra trong tự nhiên mà không chịu bất kì tác động nào từ ngoại lực. Ví dụ: Mưa, gió, sấm, chớp, bão,…

– Hiện tượng xã hội: Đây là những hiện tượng xã hội, hành động, sự việc do con người tạo ra. Ví dụ: Chiến tranh, nội chiến,…

Chức năng của danh từ

Tuy được phân chia thành nhiều loại khác nhau nhưng danh từ đều sử dụng với mục đích chung là:

– Kết hợp với từ chỉ số lượng ở phía trước, các từ chỉ định phía sau và một số từ ngữ khác để tạo thành cụm danh từ.

– Danh từ có thể đóng vai trò là chủ ngữ, vị ngữ trong câu hoặc làm tân ngữ bổ trợ cho ngoại động từ.

– Danh từ giúp mô tả, biểu thị sự vật, sự việc, hiện tượng trong không gian hoặc khoảng thời gian xác định.

Chức năng của danh từ 
Chức năng của danh từ 

Các nguyên tắc của danh từ

Các danh từ dùng để chỉ tên người, chỉ địa điểm nổi tiếng, tên con đường,… sẽ viết hoa ký tự đầu của âm tiết như một dấu hiệu để nhận biết danh từ riêng với các loại danh từ khác. Ví dụ: Tôi yêu Việt Nam,…

Đối với các danh từ riêng là từ mượn của ngôn ngữ nước ngoài, thường được phiên âm sang Tiếng Việt bằng cách sử dụng dấu gạch nối giữa các câu. Ví dụ: vắc-xin,…

Cụm danh từ là gì?

Cụm danh từ là sự kết hợp danh từ và một số từ ngữ phụ thuộc nó tạo thành. Danh từ khi hoạt động trong câu phải có nội dung ý nghĩa đầy đủ thì ta mới hiểu được chính xác người nói muốn nói gì. Muốn vậy ta phải thêm những từ ngữ phụ nghĩa cho danh từ. Cụm danh từ có ý nghĩa đầy đủ và có cấu tạo phức tạp hơn danh từ nhưng nó hoạt động như một danh từ.

Cấu tạo của cụm danh từ: Cấu trúc của cụm danh từ đầy đủ gồm 3 phần: Phần trước, phần trung tâm và phần sau. Các phụ ngữ ở phần trước bổ sung cho danh từ các ý nghĩa về số và lượng. Các phụ ngữ ở phần sau nêu đặc điểm của sự vật mà danh từ biểu thị hoặc xác định vị trí của sự vật ấy trong không gian hoặc thời gian. Ví dụ: Các bông hoa, con đường này, ngày hôm qua,…

Một số ví dụ về cụm danh từ:

– Cả hai vị thần đều xin cưới Mị Nương.

– Cả một trăm người con đều khoẻ mạnh.

Phân biệt danh từ và cụm danh từ

Trong tiếng Việt, ranh giới giữa từ và cụm từ nhiều lúc rất khó xác định. Khi gặp những trường hợp cần xem xét, ta lưu ý đến những điểm sau:

– Từ ghép có cấu tạo chặt chẽ không thể xem một tiếng nào vào giữa, còn cụm danh từ có cấu tạo lỏng, ta có thể xen thêm từ vào giữa mà ý nghĩa vẫn không đổi. Ví dụ: “cha, ông đều chưa về” thì có thể đổi câu thành: ” Cả cha và ông đều chưa về”. Như vậy, cụm danh từ xuất hiện trong câu là: “Cả cha và ông”

Các dạng bài tập về danh từ

Dạng 1: Xác định các danh từ trong câu

Ví dụ 1: Xếp các danh từ trong đoạn văn sau vào các nhóm

“Tiếng đàn bay ra vườn. Vài cánh ngọc lan êm ái rụng xuống nền đất mát rượi. Dưới đường, lũ trẻ đang rủ nhau thả những chiếc thuyền gấp bằng giấy trên những vũng nước mưa. Ngoài Hồ Tây, dân chài đang tung lưới bắt cá. Hoa mười giờ nở đỏ quanh các lối đi ven hồ. Bóng mấy con chim bồ câu lướt nhanh trên những mái nhà cao thấp.” Theo LƯU QUANG VŨ

Hướng dẫn giải

Các danh từ chỉ người được sử dụng: lũ trẻ, dân chài.

Các danh từ chỉ vật được sử dụng: đàn, vườn, thuyền, giấy, nước mưa, lưới, ngọc lan, nền đất, lối đi, hồ, bóng, chim bồ câu, đường, cá, hoa mười giờ, nhà.

Các danh từ chỉ đơn vị được sử dụng: tiếng, các, con, mái, cánh, chiếc, vũng,

Các danh từ riêng được sử dụng: Hồ Tây.

Các cụm danh từ: Tiếng đàn, những vũng nước mưa, các lối đi, bóng mấy con chim bồ câu, vài cánh ngọc lan, những chiếc thuyền, những mái nhà.

Ví dụ 2: Tìm các danh từ trừu tượng trong bài thơ sau:

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

Con gà cục tác lá chanh

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

Trong lời mẹ hát – TRƯƠNG NAM HƯƠNG

Hướng dẫn giải

Các danh từ trừu tượng trong bài: Tuổi thơ, cổ tích, màu, thời gian, cuộc đời, lời mẹ, nhịp võng, ca dao, lời ru.

Ví dụ 3: Nêu ý nghĩa của các cách dùng các danh từ riêng trong đoạn thơ sau:

“Mình về với Bác đường xuôi,

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người.

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời,

Áo nâu, túi vải đẹp tươi lạ thường.

Nhớ Người những sơm tinh sương,

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo.

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người.”

Theo tác giả Tố Hữu

“Sư Tử bàn chuyện xuất quân

Muốn sao cho khắp thần dân trổ tài

Nhỏ to, khoẻ yếu muôn loài

Ai ai cũng được tuỳ tài lập công:

Voi vận tải trên lưng quân bị

Vào trận sao cho khoẻ như voi.”

(Phỏng theo tác giả LA-PHÔNG-TEN, được NGUYỄN MINH dịch)

Hướng dẫn giải

a. Các danh từ riêng chỉ người trong đoạn thơ của Tố Hữu: Bác, Người, Ông Cụ.

Các danh từ riêng này được dùng gọi Bác Hồ thể hiện sự tôn kính đối với Bác.

b. Các danh từ riêng trong đoạn thơ của La-Phông-Ten được: Sư Tử, Gấu, Cáo, Khỉ, Lừa, Thỏ Đế, Vua, Trẫm.

Các danh từ này được sử dụng như một phép nhân hóa khi chỉ các loài động vật

Các dạng bài tập về danh từ
Các dạng bài tập về danh từ

Dạng 2: Tìm các danh từ theo cấu tạo trong câu

Ví dụ 1: Tìm 5 danh từ chung theo mỗi yêu cầu sau và đặt câu với mỗi từ đó:

a. Trong mỗi từ đều có tiếng sông.

b. Trong mỗi từ đều có tiếng mưa.

c. Trong mỗi từ đều có tiếng mẹ.

d. Trong mỗi từ đều có tiếng tình.

Hướng dẫn giải

a. 5 danh từ có tiếng sông là: dòng sông, cửa sông, khúc sông, nước sông, sông cái,…

  • Đó là dòng sông quanh năm nước chảy xiết.
  • Cửa sông là nơi sông đổ ra biển.
  • Trên khúc sông có hai chiếc ca nô đang chạy.
  • Nước sông ở đó đổi màu theo thời gian.
  • Sông Hồng là một con sông cái.

b. 5 danh từ có tiếng mưa là: cơn mưa, trận mưa, nước mưa, mưa rào, mưa xuân,…

  • Trời đang nắng bỗng nhiên một cơn mưa xuất hiện.
  • Những trận mưa lớn làm nhà cửa bị cuốn trôi.
  • Nước mưa có thể dùng để nấu ăn.
  • Mưa rào thường xuất hiện trong mùa hè.
  • Mưa xuân làm cho cây cối tươi tốt.

c. 5 danh từ có tiếng mẹ là: cha mẹ, mẹ hiền, mẹ nuôi, mẹ già, mẹ con,…

  • Công ơn cha mẹ bằng trời bằng bể.
  • Cô giáo như mẹ hiền.
  • Cô ấy là mẹ nuôi của bạn ấy.
  • Mẹ già như chuối chín cây.
  • Hai mẹ con cô ấy về quê từ mấy hôm nay.

d. 5 danh từ có tiếng tình là: tình cảm, tình yêu, tình hình, tình báo, tính tình,…

  • Anh ấy dành cho tôi những tình cảm tốt đẹp nhất.
  • Đó là tình yêu đất nước của mỗi người ViệtNamta.
  • Lớp trưởng báo cáo tình hình học tập của lớp.
  • Anh ấy là một tình báo được cài vào hàng ngũ địch.
  • Tính tình cậu ấy rất thất thường.

Ví dụ 2: Tìm các danh từ có tiếng con, trong đó có 5 từ chỉ người, 5 từ chỉ con vật và 5 từ chỉ sự vật.

Hướng dẫn giải

  • 5 danh từ chỉ người: con trai, con gái, con dâu, con rể, con nuôi,…
  • 5 danh từ chỉ con vật: con trâu, con bò, gà con, lợn con, mèo con,…
  • 5 danh từ chỉ sự vật: con mắt, con ngươi, con thuyền, bàn con, bát con.

Dạng 3: Tìm các danh từ có dạng đặc biệt.

Ví dụ 1: Tìm 5 từ vừa có thể là danh từ chung, vừa có thể là danh từ riêng. Đặt câu với
mỗi từ đó.

Hướng dẫn giải

5 từ vừa là danh từ chung, vừa là danh từ riêng:

  • đầm sen (nơi trồng sen) / Đầm Sen (khu vui chơi)
  • hoà bình (không có chiến tranh) / Hoà Bình (tên tỉnh)
  • gà chọi (một loại gà) / Gà Chọi (tên địa điểm du lịch)
  • hàng gà (nơi mua bán gà) / Hàng Gà (tên một phố cổ)
  • hạnh phúc (trạng thái người) / Hạnh Phúc (tên người).

– Những đầm sen toả hương thơm ngát.

Chủ nhật tới tôi sẽ đi thăm khu du lịch Đầm Sen.

– Chúng tôi mong muốn hoà bình trên toàn thế giới.

Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình lớn nhất nước ta.

– Mẹ đi ra hàng gà để mua một con gà về thịt.

Nhà bạn ấy ở phố Hàng Gà, một khu phố cổ của Hà Nội.

– Bố em mới mua một chú gà chọi rất đẹp.

Vịnh Hạ Long có hòn Gà Chọi rất nổi tiếng.

– Gia đình bạn ấy rất hạnh phúc.

Chú Hạnh Phúc là một người rất vui tính.

Ví dụ 2: Tìm các danh từ chỉ khái niệm có nghĩa sau đây và đặt câu với mỗi từ tìm được đó.

  • Chỉ sự hiểu biết do trải qua công việc một thời gian dài.
  • Đó là những ý nghĩ, suy nghĩ của con người nói chung.
  • Chỉ sức của một người có thể làm được công việc.
  • Đó là thái độ hình thành trong ý nghĩ của con người.

Hướng dẫn giải

a. kinh nghiệm: Anh ấy có rất nhiều kinh nghiệm sống.

b. tư tưởng: Hôm nay, tư tưởng cậu ấy không ổn định.

c. khả năng: Cô ấy có khả năng nói được 10 thứ tiếng.

d. tinh thần: Đó là tinh thần yêu nước của họ.

Dạng 4: Tìm các danh từ điền vào chỗ chấm trong câu

Ví dụ 1: Tìm các danh từ thích hợp điền vào các chỗ chấm để hoàn thành khổ thơ sau:

“…………… giong ruổi trăm miền

Rù rì ………….. nối liền mùa hoa.

Nối rừng hoang với …………….

………… nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.

Nếu ………….. có ở trời cao

Thì ………….. cũng mang vào mật thơm.”

theo NGUYỄN ĐỨC MẬU

Hướng dẫn giải

Các danh từ được điền vào chỗ trống bao gồm:

Bầy ong giong ruổi trăm miền

Rù rì đôi cánh nối liền mùa hoa.

Nối rừng hoang với biển xa.

Đất nơi đâu cũng tìm ra ngọt ngào.

Nếu hoa có ở trời cao

Thì bầy ong cũng mang vào mật thơm.

Ví dụ 2: Tìm các danh từ chỉ hiện tượng điền vào chỗ chấm trong các câu:

a. Thảm hoạ …………. đã làm nước Nhật thiệt hại to lớn.

b. Những ………….. ấm áp xua tan màn …………. dày đặc.

c. Trong mưa xuất hiện những …………. long trời, lở đất.

d. Chúng tôi phản đối …………. và mong muốn hoà bình.

e. Các tỉnh miền Trung thường xảy ra ……… hàng năm.

g. Nắng nhiều làm ruộng đồng …………….. và ……………

Hướng dẫn giải

a. sóng thần: Nước biển dâng cao cùng lốc xoáy.

b. tia nắng: Mặt trời toả sáng chiếu xuống trái đất.

sương mù: Hơi ẩm làm không nhìn thấy được.

c. tiếng sấm: Các tia lửa điện phóng ra trên không trung.

d. chiến tranh: Trong xã hội xuất hiện bạo lực, khủng bố.

e. lũ lụt: Mưa nhiều gây ngập ngụa kéo dài.

g. nứt nẻ, khô hạn: Ruộng đồng thiếu nước.

Dạng 5: Phân biệt các danh từ

Ví dụ 1: Chọn A, B hay C?

a. Danh từ nào dưới đây là danh từ riêng chỉ tên người:

A. Thu Hà

B. Dế Mèn

C. Cả A và B đều đúng.

b. Danh từ nào dưới đây là danh từ riêng chỉ tên địa lí:

A. cầu Khỉ

B. sông con

C. Cả A và B đều sai.

c. Danh từ nào dưới đây không là danh từ chỉ người:

A. học sinh

B. trường học

C. bạn học

d. Danh từ nào dưới đây không là danh từ chỉ địa lí:

A. núi Ba Vì

B. Vườn hoa

C. Hồ Tây.

Hướng dẫn

a. A. Thu Hà

b. C. Cả A và B đều sai.

c. B.  trường học

d. B. Vườn hoa

Trên đây là nội dung bài học Danh từ là gì? Các loại danh từ trong tiếng Việt do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *