Hồ Quý Ly là ai? Tiểu sử chi tiết về Hồ Quý Ly

Mời bạn đọc cùng tìm hiểu Hồ Quý Ly là ai? trong bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.

Mục lục

Hồ Quý Ly là ai?

Hồ Quý Ly (chữ Hán: 胡季犛; 1336 – 1407), lấy tên húy Hồ Nhất Nguyên (胡一元), là vị hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi vị Hoàng đế từ năm 1400 đến năm 1401 tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng (國祖章皇), sau đó giữ ngôi Thái thượng hoàng từ năm 1401 đến năm 1407.

Hồ Quý Ly được xem là một nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam và cũng là một nhân vật gây tranh cãi với những luồng ý kiến khen chê khác nhau. Các sử gia hiện đại đánh giá ông là người có đầu óc mạnh dạn, muốn xoay chuyển thời thế, nhưng phạm nhiều sai lầm chính trị, mất lòng dân dẫn đến hoạ mất nước. Hồ Quý Ly để lại bài học cho lịch sử nhiều hơn là cái ông làm cho lịch sử.

Hồ Quý Ly là ai?
Hồ Quý Ly là ai?

Thời niên thiếu, Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường triều Trần sau khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ. Hồ Quý Ly có hai người cô ruột là vợ của vua Trần Minh Tông, một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông còn người kia sinh ra Trần Duệ Tông, do đó ông được sự tín nhiệm khi Trần Nghệ Tông lên làm vua. Năm 1372, ông được phong làm Tham mưu quân sự. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành bị tử trận, Hồ Quý Ly kinh hãi, bỏ chạy về trước, nhưng vẫn được tha tội. Năm 1380, Hồ Quý Ly làm Thống lĩnh quân Đại Việt để chống lại các đợt tấn công của Chiêm Thành. Năm 1387, ông được phong làm Tể tướng. Từ đó, ông có quyền lực gần như tuyệt đối trong triều, các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ sự thống trị của Quý Ly nhưng ông đều giành chiến thắng và đã có nhiều người bị hành quyết sau đó.

Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt quốc hiệu là Đại Ngu, chưa được 1 năm trao ngôi cho con và làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền. Hồ Quý Ly đã đề ra những cải cách về hành chính, giáo dục khoa cử, kinh tế, quân sự, trong đó bao gồm việc phát hành tiền giấy và đã chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa.

Vế đối ngoại, mười tháng sau khi lên ngôi, ông đã phát binh thảo phạt Chiêm Thành, qua hai lần phát binh, chiếm được hai châu Đại Chiêm và Cổ Lũy (1402). Năm sau (1403), ông còn cho đại quân bao vây Đồ Bàn nhưng không thắng. Đến năm 1406, nhà Minh đưa quân xâm lược Đại Ngu. Do không được lòng dân, binh sỹ bất mãn nên quân nhà Hồ thất bại nhanh chóng, lui dần về phía nam và thất bại toàn cục năm 1407 khi cha con Hồ Quý Ly đều bị quân Minh bắt và giải về Trung Quốc.

Các sử quan thời quân chủ của Đại Việt sau này khi biên soạn các bộ sử của triều đình như sách Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đã không coi nhà Hồ như một triều đại chính thống. Người đương thời nhận định Hồ Quý Ly là kẻ gây nên việc phá hoại triều cương , gây bè kết phái tan nát non sông. Việc giết vua cướp ngôi, các chính sách làm mất lòng dân của Hồ Quý Ly và coi việc họ Hồ thất bại trước nhà Minh là kết cục tất yếu.

Tiểu sử của Hồ Quý Ly

Hồ Quý Ly thuở nhỏ theo học võ Nguyễn Sư Tề, sau đỗ thi Hương, rồi đỗ khoa Hoành từ. Hai chị em bà cô của Hồ Quý Ly đều làm cung nhân của Trần Minh Tông; bà Minh Từ Hoàng thái phi sinh ra Trần Nghệ Tông; bà Đôn Từ Hoàng thái phi sinh ra Trần Duệ Tông. Do đó, Trần Nghệ Tông mới lên ngôi rất tín nhiệm Quý Ly, lại đem em gái mới góa chồng là Huy Ninh công chúa gả cho.

Triều đại Trần Nghệ Tông

Năm 1369, vua Trần Dụ Tông mất, do không có con, ra chiếu cho người con của cố Cung Túc Đại vương Trần Dục tên Nhật Lễ lên ngôi. Nhật Lễ vốn là con của người làm trò trong hoàng cung tên Dương Khương. Vợ Dương Khương làm con hát trong cung, đương khi mang thai Nhật Lễ thì Trần Dục lấy làm thích, cưới về làm vợ, nhận Nhật Lễ làm con. Nhật Lễ lên ngôi, chỉ lo rượu chè dâm dật, hát xướng, tôn thất nhà Trần và các quan đều thất vọng. Năm 1370, người con thứ ba của vua Trần Minh Tông liên kết với các tôn thất và các quan làm binh biến, các tướng đem quân hàng, rốt cuộc bắt được Nhật Lễ, lên làm vua, tức Trần Nghệ Tông.

Tiểu sử của Hồ Quý Ly
Tiểu sử của Hồ Quý Ly

Do là anh em bên ngoại nên Hồ Quý Ly được vua Nghệ Tông tín nhiệm. Năm 1371, Quý Ly được làm Khu mật viện đại sứ và được vua gả em gái vừa góa chồng là công chúa Huy Ninh cho. Thời bây giờ, nước Chăm do Chế Bồng Nga làm vua cường thịnh, thường đem binh đánh cướp Đại Việt. Năm 1371, quân Chiêm đánh vào tận kinh đô, cướp bóc, đốt phá, nhà vua phải lánh sang Đông Ngàn tránh. Tháng 8 năm 1371, vua Nghệ Tông sai Quý Ly đi tới Nghệ An để chiêu tập dân chúng, vỗ về biên giới, đến tháng 9, gia phong làm Trung Tuyên Quốc thượng hầu.

Triều đại Trần Duệ Tông

Tháng 11 năm 1372, Trần Nghệ Tông xuống chiếu nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức là Trần Duệ Tông, còn bản thân lên làm Thái thượng hoàng. Trần Duệ Tông là con của Đôn Từ Thái phi, cũng là cô của Lê Quý Ly. Trần Duệ Tông lấy Lê Quý Ly làm Tham mưu quân sự. Năm 1376, vua Chiêm là Chế Bồng Nga lại mang quân xâm lấn. Duệ Tông sai Đỗ Tử Bình đi đánh. Chế Bồng Nga sợ hãi, xin dâng 10 mâm vàng tạ tội. Tử Bình giấu vàng đi, lại tâu về triều rằng vua Chiêm kiêu ngạo không thần phục. Duệ Tông quyết định thân chinh đi đánh. Tháng 12 năm 1376, Duệ Tông cầm 12 vạn quân đánh Chiêm Thành. Tháng giêng năm 1377, quân Đại Việt tiến vào cửa Thi Nại (Quy Nhơn), đánh lấy đồn Thạch Kiều rồi tiến tới kinh thành Đồ Bàn nước Chiêm. Quân Việt bị quân Chiêm phục kích, Duệ Tông. Hồ Quý Ly thân mang đại binh không dám ứng cứu khiến Duệ Tông thọ nạn[

Triều đại Trần Phế Đế

Năm 1377, Trần Nghệ Tông thấy Duệ Tông tử trận, nên chiêu hồn chôn ở Hy Lăng và cho lập con trưởng của Duệ Tông là Kiến Đức Đại vương Trần Hiện 16 tuổi lên làm vua, tức là Trần Phế Đế, tôn hiệu Giản Hoàng. Theo nhận xét của sử quan Ngô Sĩ Liên: vua u mê, nhu nhược, không làm nổi việc gì, uy quyền càng về tay kẻ dưới, xã tắc lung lay.

Sau khi đánh bại Trần Duệ Tông, vua Chăm Pa Chế Bồng Nga biết binh lực nhà Trần suy nhược nên liên tục phát thủy binh Bắc tiến. Trong vòng chỉ hai năm (1377–1378), quân Chăm Pa tiến công hai lần bằng đường biển, hai lần đều vào được thành Thăng Long giết người cướp của rồi rút về.

Năm 1379, Hồ Quý Ly được vua lấy làm Tiểu tư không kiêm Hành khu mật đại sứ như cũ. Hồ Quý Ly tiến cử con của thầy học mình là Nguyễn Đa Phương làm tướng quân, Phạm Cự Luận làm quyền đô sự. Người đương thời cho rằng Hồ Quý Ly có phương viên tá lự, tức có người giúp mưu tính kế vuông tròn.

Đầu năm 1380, vua Chăm Pa phát quân đánh vào Thanh Hóa, Nghệ An. Tháng 3 năm đó, Lê Quý Ly được lệnh thống lĩnh quân thủy, Đỗ Tử Bình chỉ huy quân bộ đi vào Thanh Hóa để chống giữ. Quý Ly đem quân đến sông Ngu (nay là sông Lạch Trường ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), ra lệnh cho binh sĩ đóc cọc gỗ ở giữa lòng sông. Tháng 5 cùng năm, Quý Ly dẫn viên tướng chỉ huy quân Thần Vũ là Nguyễn Kim Ngao và tướng chỉ huy quân Thị vệ là Đỗ Dã Kha ra đánh. Kim Ngao quay thuyền trở lại để tránh mũi nhọn của giặc. Quý Ly chém Ngao để thị uy trước ba quân, rồi ra lệnh quân sĩ nổi trống hò reo mà tiến. Vua Chiêm Chế Bồng Nga chống cự không được, phải rút chạy về nam. Kể từ đó Đỗ Tử Bình cáo ốm, không giữ binh quyền nữa. Chỉ có Quý Ly giữ chức Nguyên Nhung hành Hải Tây Đô thống chế.

Sang năm 1382, quân Chiêm lại Bắc tiến đánh vào Thanh Hóa. Lê Quý Ly đem quân đóng đồn ở núi Long Đại ở Thanh Hóa (tức núi Hàm Rồng), Nguyễn Đa Phương đóng cọc giữ cửa biển Thần Đầu. Quân Chiêm hai đường tiến đánh. Khi thủy quân Chiêm lại gần, Đa Phương không đợi lệnh Quý Ly, cho mở cọc cắm cừ, tiến ra giao chiến. Quân Chiêm trở tay không kịp, quân Đại Việt dùng hỏa khí ném vào làm thuyền Chiêm bị cháy đắm gần hết. Quân Chiêm thua to, phải bỏ chạy vào rừng núi. Quân Việt vây núi ba ngày, quân Chiêm nhiều người bị chết đói. Thủy quân Chiêm còn lại bỏ chạy về nước. Quân Việt đuổi theo đánh đến Nghệ An. Sau đó Nguyễn Đa Phương được thăng làm Kim Ngô vệ Đại tướng quân.

Kể từ khi giành toàn thắng trong các trận sông Ngu và cửa Thần Đầu, quân thế Đại Việt đã tốt hơn nhiều. Do vậy, tháng 1 năm 1383, Trần Nghệ Tông ra lệnh cho Lê Quý Ly đem quân vào đến Lại Bộ Nương Loan (ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh ngày nay) nhưng gặp phải bão đánh nát mất nhiều thuyền chiến, vì vậy lại phải rút quân về. Sang tháng 6, Chế Bồng Nga cùng với đại tướng La Khải đem quân đi đường núi ra đóng ở đất Quảng Oai (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Trần Nghệ Tông sai tướng Mật Ôn đi đánh, nhưng bị quân Chiêm bắt. Nghệ Tông sợ hãi, chạy khỏi Thăng Long, người học trò Nguyễn Mộng Hoa mặc nguyên quần áo lội xuống nước cản Thượng hoàng hãy ở lại chống quân Chăm Pa nhưng Nghệ Tông không nghe. Nguyễn Đa Phương ngày đêm đốc suất quân sĩ dựng rào chắn bảo vệ kinh thành, tháng 12 quân Chiêm dẫn quân về.

Năm 1384, nhà Minh đánh vùng Vân Nam, sai người sang Đại Việt đòi lương thực cấp cho quân lính ở Lâm An. Nhà Trần đồng ý cấp lương thực, các quan sai đi nhiều người nhiễm bệnh mà chết. Đến năm 1385, 1386, nhà Minh lại đòi cấp tăng nhân, các giống hoa quả, lại sai bọn Cẩm Y vệ sang mượn đường đánh Chiêm Thành, đòi 50 con voi. Quan Tư đồ, Chương túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn, đem con là Mộng Dữ gửi gắm cho Quý Ly. Quý Ly đem công chúa Hoàng Trung gả cho Mộng Dữ. Lúc này Hồ Quý Ly nắm quyền hành lớn, các tôn thất và quan lại tỏ ra lo lắng. Năm 1387, Hồ Quý Ly được thăng làm Đồng bình chương sự, Thượng hoàng ban cho một thanh gươm, một lá cờ đề tám chữ Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức, Quý Ly làm một bài thơ cảm tạ.

Hồ Quý Ly và những cải cách văn hóa, giáo dục

Khi mới bước lên vũ đài chính trị, với vai trò là một đại thần nhà Trần, Hồ Quý Ly đã từng bước đề ra tư tưởng cải cách của mình, song vì chưa nắm được quyền lực quốc gia trọn vẹn trong tay, nên không đủ điều kiện thực hiện cải cách đến nơi đến chốn. Khi giành được chính quyền, ông trực tiếp điều khiển công cuộc cải cách trên cương vị một nhà vua, một Thái thượng hoàng. Các chính sách cải cách của Hồ Quý Ly rất toàn diện, táo bạo trên khắp các lĩnh vực chính trị, hành chính, quốc phòng, tài chính, tư tưởng, văn hóa xã hội, giáo dục, trong đó, cải cách về tư tưởng, văn hóa, giáo dục được coi là tiến bộ nhất. “Về văn hóa, tư tưởng, cải cách của Hồ Quý Ly thể hiện tinh thần phát huy văn hóa dân tộc, đề cao chữ quốc ngữ (chữ Nôm), đồng thời bài bác tư tưởng các thánh hiền Trung Quốc mà gần như toàn thế giới nho sĩ bấy giờ vẫn coi là bất khả xâm phạm. Về giáo dục, nội dung cải cách thể hiện tinh thần yêu nước, tính đại chúng và gắn bó với cuộc sống”

Hồ Quý Ly và những cải cách văn hóa, giáo dục
Hồ Quý Ly và những cải cách văn hóa, giáo dục

Những biện pháp cải cách về văn hóa của Hồ Quý Ly đã tạo nền tảng tư tưởng cho cải cách giáo dục. Trước khi nắm quyền điều hành triều chính, tháng 12 năm Nhâm Thân (1392), Hồ Quý Ly đã soạn sách Minh đạo làm sáng tỏ đạo Nho (có người hiểu “minh đạo” nghĩa là con đường sáng) gồm 14 thiên, dâng lên Thái thượng hoàng Trần Nghệ tông. Hạ thấp vai trò của Khổng Tử, đề cao Chu Công, Hồ Quý Ly cho rằng “Chu Công là Tiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư”, khi sắp xếp ngôi thứ thờ ở Văn Miếu thì “đặt bài vị Chu Công ngồi giữa, mặt hướng Nam, bài vị của của Khổng Tử ngồi bên, mặt hướng Tây”. Ông đã phê phán một số danh nho, nghi ngờ một số chỗ trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử, phê phán thói giáo điều của các nhà Nho, như Hàn Dũ, Chu Đôn Di, Trình Hiệu là “trộm Nho”, “cóp nhặt văn chương”; đồng thời ông đề nghị khuyến khích thực học, kén người tài năng. Như vậy, khác với thời Lý Trần, Hồ Quý Ly hạn chế Phật giáo, Đạo giáo, đề cao Nho giáo, nhưng là thứ Nho giáo thực dụng, chống giáo điều, kết hợp với tinh thần Pháp gia. Đây chính là nền tảng tư tưởng, triết lý cho những biện pháp cải cách giáo dục của ông.

Hồ Quý Ly là vị vua đầu tiên ở nước ta phổ biến rộng rãi việc dùng chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên vị trí quan trọng. Điều đó được xem là biểu hiện của ý chí nêu cao tinh thần dân tộc. Ông soạn sách Thi nghĩa (nghĩa của Kinh Thi) bằng chữ quốc âm rồi sai người dạy cho hậu phi và cung nhân học tập. Ông còn chép thiên Vô dật (Không nên nhàn hạ) ra chữ quốc âm để dạy Vua Trần Thuận tông. Hai cuốn sách biên dịch nói trên cùng nhiều bài thơ Nôm của Hồ Quý Ly đã cho thấy “thái độ đề cao, khuyến khích việc phổ biến và sử dụng chữ Nôm đến mức độ nào. Thái độ đó nói lên một cách hùng hồn tinh thần dân tộc của Hồ Quý Ly và tinh thần ấy lại được thể hiện qua cẩm nang dành để dạy dỗ những người đang giữ cương vị tối cao trong xã hội. Thật là một hành vi văn hóa có ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt” (Sđd, tr.162). Trước Hồ Quý Ly, chỉ có Hàn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố đời Trần làm thơ chữ Nôm, còn nói chung tầng lớp quý tộc, trí thức Đại Việt thường chỉ biết có chữ Hán, chỉ coi trọng chữ Hán. Tuy vậy, dù coi trọng chữ Nôm nhưng Hồ Quý Ly mới dừng lại ở việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm và viết sách chữ Nôm, còn việc thi cử vẫn thực hiện bằng chữ Hán.

Tháng 5 năm Đinh Sửu (1397), theo ý của Hồ Quý Ly, Vua Trần Thuận tông xuống chiếu cải cách giáo dục ở các phủ, lộ. Hệ thống trường lớp tại các địa phương được Hồ Quý Ly thúc đẩy mở rộng từ cuối thời Trần và tiếp tục duy trì sang thời Hồ. Theo đó, tại các lộ xa như Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông, mỗi phủ đều đặt một học quan, ban ruộng công cho phủ, châu lớn 15 mẫu, vừa 12 mẫu và nhỏ 10 mẫu để chi dụng dạy học ở lộ, phải đốc thúc học quan dạy dỗ học trò để cho thành tài nghề. Mỗi cuối năm phải chọn người học giỏi tiến vào triều. Hệ thống trường học này do các nhà Nho và Thái học sinh không làm quan, về nhà dạy học (Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, tập VII, Nxb Văn Sử Địa, H, 1958, tr.670).

Vì sao Hồ Quý Ly phải dùng kế lấy độc trị độc với nhà Minh?
Vì sao Hồ Quý Ly phải dùng kế lấy độc trị độc với nhà Minh?

Về thi cử, từ năm 1396, dưới thời Trần Thuận tông, lệ thi 4 trường được Hồ Quý Ly quy định lại so với quy chế trước đó, bỏ cách thi ám tả cổ văn mà định ra tứ trường văn. Đến tháng 2-1404, nhà Hồ quy định cách thức thi cử nhân gồm thi Hương, thi ở Bộ Lễ, thi Hội (đỗ Thái học sinh). Các đợt thi đều tổ chức vào tháng 8 hàng năm. Ai đỗ cấp nào sẽ được hưởng chế độ ưu đãi tùy theo, như đỗ thi Hương được miễn lao dịch, đỗ ở Bộ Lễ thì miễn đi lính.

Đây là lần đầu tiên môn Toán được đưa vào nội dung thi chính thức. So với các đời trước, hình thức và nội dung thi của nhà Hồ có tính thiết thực hơn, giảm bớt tính “tầm chương, trích cú”, gắn với mục tiêu đào tạo “hiền tài” vì một nền giáo dục “tỏ rõ giáo hóa, giữ phong tục” nhằm nâng cao dân trí và đào tạo nhân tài cho đất nước. Tồn tại 7 năm, nhà Hồ đã tổ chức được 2 kỳ thi, lấy gần 200 người đỗ, trong đó có 1 trạng nguyên là Lưu Thúc Kiệm với bài phú “Linh kim tàng”.

Rất tiếc, nhà Hồ chỉ tồn tại ngắn ngủi, nên nhiều tư tưởng biện pháp cải cách của Hồ Quý Ly chưa có điều kiện thực hiện. Tuy vậy, chỉ mấy chục năm sau đã được Lê Thánh tông kế thừa và phát triển và đạt những thành tựu rực rỡ ở nửa sau thế kỷ XV. Một số nhân tài đỗ đạt dưới thời Hồ sau này phục vụ cho nhà Lê Sơ, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành…

Đến nay, những tư tưởng biện pháp cải cách văn hóa, giáo dục của Hồ Quý Ly vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta. Trải qua 5 lần cải cách giáo dục (1950, 1956, 1979, 2000 và 2018), chúng ta vẫn đang kế thừa những bài học cải cách giáo dục của quá khứ, học tập những kinh nghiệm, tinh hoa của các nước có nền giáo dục tiên tiến, nhưng vẫn phải đề cao tính dân tộc: “hiện đại, cơ bản và phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.

Trên đây là nội dung bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Hồ Quý Ly là ai? Mọi thông tin trong bài viết Hồ Quý Ly là ai? Tiểu sử chi tiết về Hồ Quý Ly đều được xác thực rõ ràng trước khi đăng tải. Tuy nhiên đôi lúc vẫn không tránh khỏi những sai xót đáng tiếc. Hãy để lại bình luận xuống phía dưới bài viết để đội ngũ biên tập được nắm bắt ý kiến từ bạn đọc.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyện mục Tổng hợp

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *