Học TậpLớp 8

Nhà thơ Trần Tế Xương là ai? Tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương

Mời các em theo dõi nội dung bài học về Nhà thơ Trần Tế Xương là ai? Tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Nhà thơ Trần Tế Xương là ai?

Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương (陳濟昌)5 tháng 9 năm 1870 – 29 tháng 1 năm 1907, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh là một nhà thơ người Việt Nam.

Nhà thơ Trần Tế Xương là ai?
Nhà thơ Trần Tế Xương là ai?

Tiểu sử nhà thơ Trần Tế Xương

Trần Tế Xương tên thật là Trần Duy Uyên, quen gọi là Tú Xương, tự là Mặc Trai, hiệu là Mộng Tích, đến khi thi Hương mới lấy tên là Trần Tế Xương. Ông sinh ngày 10-8-1871 tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Ðịnh và mất ngày 20-1-1907 ở làng Ðịa Tứ cùng huyện.

Bạn đang xem: Nhà thơ Trần Tế Xương là ai? Tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương

Tú Xương là một người rất thông minh, tính tình thích trào lộng. Có nhiều giai thoại kể về cá tính của ông.

Cuộc đời Tú Xương lận đận về thi cử. Tám khoa đều hỏng nên dấu ấn thi rớt in đậm nét trong tiềm thức Tú Xương.

Ông cưới vợ rất sớm. Phạm Thị Mẫn từ một cô gái quê Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ. Tiếng có miếng không, gặp hay chăng chớ trở thành bà Tú tần tảo một nắng hai sương. Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng. Ông Tú vẫn có thể có tiền để ăn chơi nhưng gia cảnh nghèo túng, việc nhà trông cậy vào một tay bà Tú.

Có thể nói, việc hỏng thi và cảnh nghèo của gia đình là nguồn đề tài phong phú trong sáng tác của Tú Xương.

Thời đại:

Cuộc đời ông nằm gọn trong giai đoạn nước mất, nhà tan.

Năm Tú Xương ba tuổi (1873) Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất rồi tấn công Nam Ðịnh. Năm mười bốn tuổi (1884) triều đình ký hàng ước dâng đất nước ta cho giặc.

Tuổi thơ của Tú Xương trôi qua trong những ngày đen tối và ký ức về những cuộc chiến đấu của các phong trào khởi nghĩa chống Pháp cũng mờ dần. Nhất là sau cuộc khởi nghĩa của Phan Ðình Phùng (1896) bị thất bại thì phong trào đấu tranh chống Pháp dường như tắt hẳn.

Năm 1897, Pháp đặt nền móng cai trị đất nước, xã hội có nhiều biến động, nhất là ở thành thị. Tú Xương lại sinh ra và lớn lên ở thành thị vào thời kỳ chế độ thực dân nửa phong

kiến được xác lập, nền kinh tế tư bản phát triển ở một nước thuộc địa làm đảo lộn trật tự xã hội, đảo lộn đời sống tinh thần của nhân dân. Nhà thơ đã ghi lại rất sinh động, trung thành bức tranh xã hội buổi giao thời ấy và thể hiện tâm trạng của mình.

Có thể nói, đứng trước sự tha hoá của xã hội nên nguyên tắc Tam cương ngũ thường của Tú Xương không đậm như Nguyễn Khuyến và càng xa rời Ðồ Chiểu.

Tiểu sử nhà thơ Trần Tế Xương
Tiểu sử nhà thơ Trần Tế Xương

Cuộc đời:

Cuộc đời của Trần Tế Xương là cuộc đời của một nghệ sĩ, nhưng trước hết là một trí thức phong kiến. Ông thuộc loại nhà nho “dài lưng tốn vải” như trong bài Hỏi ông trời của ông:

Ta lên ta hỏi ông trời:

Trời sinh ta ở trên đời biết chi?

Biết chăng cũng chẳng biết gì:

Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu

Biết thuốc lá, biết chè tàu

Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi

Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu, điều đó đã đi vào thơ ca của ông: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm hoặc là Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ hay là Nuôi đủ năm con với một chồng, rồi ông cũng tự cười mình trong bài Phỗng sành:

Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành

Mắt thời thao láo, mặt thời xanh

Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó

Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh

Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ

Rượu chè trai gái đủ tam khoanh

Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi

Cứ việc ăn chơi chẳng học hành

Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả tám lần, đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi, mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm), sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cáu lên:

Tế đổi làm cao mà chó thế,

Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!

Xã hội bấy giờ, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang (tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ), cho nên đậu tú tài, muốn đậu cử nhân phải đợi 3 năm sau thi lại.

Cuộc sống của ông về vật chất rất thiếu thốn. Đúng năm ông đậu tú tài (1894) thì ngôi nhà số 247 phố Hàng Nâu (nay là phố Minh Khai) bị cháy. Cụ Nhuận làm lại xây bằng gạch. Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu – câu thơ đó là Tú Xương nhắc đến sự kiện này – nhưng rồi ngôi nhà đó lại bị bà Hai An chiếm đoạt. Tú Xương đã phải than: Nhà cửa giao canh nợ phải bồi. Nghèo đói đã cứa xé Tú Xương. Sự đểu cáng đã vả vào Tú Xương. Hoàn cảnh đó được in đậm trong thơ phú của Tú Xương sự vất vả, cay cú, phát phẫn, buồn phiền.

Tú Xương mất sớm, ông chua đi trọn con đường sáng tác của mình. Nhưng những tác phẩm Tú Xương để lại có tác dụng như một bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội thực dân nửa phong kiến trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX.

Tú Xương sáng tác rất nhiều và thất lạc cũng nhiều. Ông viết khoảng 151 bài thơ bằng chữ Nôm với đủ các thể loại. Ngoài ra, ông có dịch một số thơ Ðường.

Sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương

Tác phẩm chính

– Với khoảng trên 100 bài, chủ yếu là thơ Nôm, gồm nhiều thể thơ (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát) và một số bài văn tế, phú, câu đối,…

– Một số tác phẩm như: Vịnh khoa thi Hương, Giễu người thi đỗ, Ông cò, Phường nhơ, Thương vợ, Văn tế sống vợ,…

Phong cách nghệ thuật

– Thơ của Tế Xương có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình trong đó trữ tình là gốc.

– Bức tranh hiện thực trong thơ Tế Xương là một bức tranh xám xịt, dường như chỉ có rác rưởi, đau buồn, vì hiện thực thối nát của xã hội thực dân – nửa phong kiến.

– Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.

Sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương
Sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương

Những bóng hồng trong sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương

Đó là bà Phạm Thị Mẫn, sinh năm 1869, hơn ông Tú một tuổi, là hậu duệ của danh sĩ Phạm Quý Thích ở làng Lương Đường (Hải Dương). Nghĩa là bà cũng thuộc dòng dõi nho giáo, rất  “môn đăng hộ đối” với Tú Xương.

Cơn lốc đô thị hóa Thành Nam cuối thế kỷ 19 đã cuốn gia đình bà từ Hải Dương sang thành phố Nam Định mở cửa hiệu buôn bán. Gia đình bà ở cùng dãy phố với gia đình Tú Xương. Tú Xương và Phạm Thị Mẫn quen thân nhau, rồi trái tim trai tài gái sắc cảm được nhau ngay từ thủa vị thành niên. Hai người lấy nhau khi họ còn trong trắng của mối tình đầu. Cô Phạm Thị Mẫn trở thành  bà Tú, theo cách gọi của dân Thành Nam khi ấy.

Bà Tú vừa có cái ung dung khoan hòa của một người được dung dưỡng trong một gia đình nề nếp, thuần phong lại vừa có cái mau mắn tháo vát của một người con gái đảm đang, hiền thục truyền thống, va đập với kinh tế thị trường. Bà đối xử với bố mẹ chồng rất cung kính hiếu đễ; với kẻ ăn người ở cũng nhẹ nhàng, tình cảm.

Với ông Tú thì bà có tình yêu thực sự. Trong tình yêu vợ chồng còn có chút bao dung, che chở của một người chị, người mẹ. Suốt 10 năm, bà nuôi ông đèn sách đi học, đi thi, những tưởng đỗ cử  nhân, tiến sĩ, ra làm quan ông sẽ trả ơn bà, nhưng cuộc đời ông nó không có cái hanh thông như thế. Ông Tú học hành sáng dạ lắm. Vốn chữ Nho và kiến thức văn chương Đông – Tây, ở Nam Định thời ấy không mấy người sánh được với ông.

Nhưng ông đi thi lần nào cũng trượt. Trượt không phải vì ông lười học hay kém tài mà cái thói phóng túng nghệ sĩ của ông, nó không phù hợp với những nội quy trường ốc ngặt nghèo và không kém phần phi lý lúc bấy giờ. Tú Xương “phạm trường quy” tới 8 khóa thi. Cuối cùng ông chỉ đỗ có cái tú tài!

Tú Xương viết bao nhiêu thơ phú mà thơ phú không đủ cho ông ngày hai cốc rượu quê. BàTú phải bao nuôi, che chở ông Tú như bao nuôi che chở những đứa con của mình vậy. Không những lo việc cơm áo nuôi sống cái thể xác, bà còn là chỗ dựa lớn cho tinh thần thi ca của ông. Nói theo ngôn ngữ bây giờ, bà chính là “nàng thơ” của ông.

Tỷ dụ như Tết nhất đến nơi mà vẫn thấy ông ngồi ôm gối buồn thiu, lọc xọc thuốc lào, không động dạng gì đến bút mực thì bà gợi ý cho ông đừng quên văn chương bằng cách giục ông hãy viết đôi câu đối dán lên cột nhà cho có không khí Tết. Hay là những khi thấy mặt mũi ông khó đăm đăm, thần khí ngưng trệ, bà lại đem chuyện thơ phú ra giao đãi, tạo thi hứng cho ông cầm bút. Chưa bao giờ bà mở miệng than phiền hay trách cứ ông điều gì.

Cái tầm làm vợ của bà nó lớn quá, vĩ đại quá nên ông Tú đã bỏ qua mọi kiêng quý, làm thơ tế sống bà; đặc biệt là ông đã viết bài thơ Thương vợ rất nổi tiếng. Theo thiển ý của người viết bài này thì đây là tác phẩm thơ viết về người vợ hay nhất trong văn chương Việt Nam từ xưa đến nay.

Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo xèo mặt nước buổi đò đông/ Một duyên hai nợ âu đành phận/ Năm nắng mười mưa dám quản công/ Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không.

Người đàn bà thứ hai dự phần  vào văn nghiệp Tú Xương là một tiểu thư, con gái rượu của tiến sĩ Vũ Công Độ. Tiểu thư này vốn là hoa khôi nổi tiếng Thành Nam, lấy chồng là một viên quan cỡ tầm tầm có tên là Hai Đích. Từ khi lấy chồng người ta hay gọi tiểu thư nọ là bà Hai Đích.

Ông Hai Đích mất sớm, khi bà mới ở tuổi 23 và họ mới có với nhau một mụn con gái. Cô con gái đó đặt tên là Sính. Cô Sính lớn lên, lấy chồng là một viên quan huyện, người ta quen gọi ông Huyện Thuật. Vợ chồng này chính là thân phụ thân mẫu của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Như vậy, bà Hai  Đích “nàng thơ thứ hai” của Tú Xương là bà ngoại của Vũ Hoàng Chương.

Bà Hai Đích chơi với Tú Xương từ thời họ còn đi học. Nhưng khi đến tuổi chọn vợ chọn chồng thì không hiểu sao họ không chọn nhau, để rồi sau này khi mỗi người đã có một bến bờ riêng, họ vẫn không sao quên được bóng hình nhau. Sau cái ngày ông Hai Đích về cõi, bà Hai vẫn còn xuân sắc lắm, rất nhiều thi nhân tài tử ve vãn, nhưng bà chỉ giữ lòng trung trinh thờ chồng.

Bà Hai Đích đã không tái giá, nhưng chút tình dành cho Tú Xương là điều có thật. Vào cái đêm mưa phùn gió bấc, Tú Xương và bà Hai Đích từ nhà bạn ra phố, ông Tú đã cởi chiếc áo bông của mình che  đầu cho bà Hai, trong niềm xúc động dạt dào, là chuyện nhiều người biết.

Nhờ cái khoảnh khắc thần tiên ấy mà ông Tú cho ra đời bài thơ Áo bông che đầu: Ai ơi có nhớ ai không/ Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu/ Rạng ngày, ai biết ai đâu/ Áo bông ai ướt, khăn đầu ai khô/ Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ/ Kẻ về khóc Trúc thương Ngô một mình/ Non non, nước nước, tình tình/Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ.

Trong bài ta cần chú ý tới các chữ Tam Đảo, Ngũ Hồ là những nơi ông Tú vì cảm xúc mà tưởng tượng ra, nó như chốn thiên thai của tình yêu. Còn chuyện khóc Trung thương Ngô, Tú Xương mượn điển tích của Trung Quốc, vợ góa của vua Thuấn khóc chồng mà nước mắt thành máu, để lại vết hằn ở câu Trúc thương Ngô. Viết thế là ông Tú thương cảm, chia sẻ sự lỡ dở của bà Hai lắm. Áo bông che đầu cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc của Tú Xương.

Người đàn bà thứ ba dự phần vào văn nghiệp Tú  Xương là một người con gái hát ả đào. Hát ả đào là một thú chơi tao nhã của trí thức – văn nghệ sĩ thời ấy. Tại Nam Định có hẳn một dãy phố, với hàng trăm chiếu ả đào, người ta quen gọi là phố ả đào, chính là phố Hàng  Thao bây giờ. Tú Xương thường hay đến đây.

Có khi ông Tú tìm đến chiếu ả đào chỉ là để trút vợi nỗi sầu muộn, quên đi những trái ngang, bế tắc của cuộc sống ô trọc, trầm luân. Mỗi lần như thế, ông Tú thường có thơ. Bài thơ hay nhất viết về chuyện đi hát là bài Đi hát mất ô. Bài này lâu nay tồn tại hai thuyết. Một thuyết cho rằng ông Tú có một người bạn cụ thể đi hát bị mất ô, về kể lại ông Tú cảm khái và viết nên bài thơ ấy.

Thuyết thứ hai cho rằng chính ông Tú đi hát bị mất ô mà làm được bài thơ ấy. Theo tôi thì thuyết thứ hai đáng tin cậy hơn. Xin hãy đọc cuốn Trông dòng sông Vị của Trần Thanh Mại, xuất bản tháng 4 năm 1935, nghĩa là chỉ sau ngày ông Tú mất 28 năm, viết về sự ra đời của bài thơ đó như sau:

“… Ông Tú Xương thường hay liều lĩnh; không tiền mà vẫn về chơi xóm ả đào. Người ta trọng đãi ông, vì ông là một nhà thi sĩ tao nhã, ăn nói vui vẻ lại hay cho chị em nhiều bài hát ý vị thâm trầm. Nhưng mà hát chịu mãi thì cũng bất tiện cho chị em, vì bà chủ hẳn không ưa lắm.

Mối tình của khách giang hồ có chăng chỉ đối với bạn hồng nhan, thừa đâu đến bà chủ để bắt bà chịu những thiệt thòi ấy? Vả chăng đối với hạng người ấy, tình là cái mồi để câu một thứ khác, kêu hơn, nặng hơn kia: Tiền! Cho nên người ta đã quyết định phải đến lượt ông Tú chịu thiệt một bữa.

Những bóng hồng trong sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương
Những bóng hồng trong sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương

Bữa ấy là bữa ông mất cái ô tây: Hôm qua anh đến chơi đây/ Giầy dôn anh diện, ô tây anh cầm/ Rạng ngày sang trống canh năm/ Anh dậy em vẫn còn nằm trơ trơ/ Hỏi ô, ô mất bao giờ!/ Hỏi em? Em những ỡm ờ không thưa!/ Sợ khi rày gió mai mưa/ Lấy gì đi sớm về khuya với tình!

Hay nhất là sự ông đã hiểu vì sao ô mất, và ai lấy mất ô. Những cử chỉ khả nghi của người bạn hát: Anh dậy em vẫn còn năm trơ trơ. Với lại: Hỏi em? Em những ỡm ờ không thưa!

Đủ chứng cho ông rõ. Nhưng nhà thi sĩ không cần để ý đến chuyện nhỏ nhặt ấy; thương tiếc, tức giận, sợ bà Tú hay chăng? Nào ai biết! Nhà thi sĩ chỉ than một câu, nó tình tứ biết bao, ý vị biết bao!

Sợ khi rày gió mai mưa/ Lấy gì đi sớm về khuya với tình! Thật là cứu được cả sĩ diện mà tỏ ra một người si, ngoài chữ tình, không thèm kể một vật gì, dù là một cái ô tây cũng vậy!…”. Phân tích như thế quả là chí lý.

Những năm gần đây, đang tự dưng tự lành, không hiểu sao lại có một số người cho rằng, ở câu hai của bài thơ phải đọc là “Giầy chân anh dận, ô tay anh cầm” mới là phải. Vì Tú Xương thường đi giầy Gia Định, ô lục soạn của ta chứ ông Tú không sính đồ tây. Nói thế thì cũng có lý, nhưng câu thơ mà như thế lại mất đi tính trào lộng, đâu còn là bút pháp Tú Xương! Vậy nên theo văn bản của Trần Thanh Mai, như tôi vừa trích là khả dĩ hơn cả.

Như vậy, ba người đàn bà có liên quan đến văn nghiệp của Tú Xương, có người xe tơ kết tóc trăm năm, có người là tình yêu trong tâm tưởng, có người chỉ là chuyện tình thoáng chốc, nhưng cả ba đều “táp” vào tài năng trác việt của Tú Xương, khiến tài năng ấy thăng hoa, phát sáng, hoài thai ra ba thi phẩm hoàn hảo, xếp đầu bảng trong mảng thơ trữ tình của Tú Xương, và cũng là những thi phẩm xuất sắc trong kho tàng văn chương Việt Nam.

***

Trên đây là nội dung bài học [Nhà thơ Trần Tế Xương là ai? Tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Trần Tế Xương do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (6 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button