Đường lưỡi bò là gì? Đường lưỡi bò xuất hiện từ khi nào?
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu Đường lưỡi bò là gì trong bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.
Đường lưỡi bò là gì?
Đường lưỡi bò hay còn gọi là đường chín đoạn (cửu đoạn tuyến) là khái niệm của Trung Quốc tự đặt ra để tuyên bố lịch sử về chủ quyền lãnh thổ của gần như toàn bộ biển Động. Điều này trái ngược hoàn toàn với luật quốc tế hiện hành. Năm 2016, tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã đưa ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc là không có căn cứ cơ sở pháp lý.
Việt Nam đã không ít lần tuyên bố, không chấp thuận Trung Quốc dùng đường lưỡi bò để xâm phạm vào vào chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Ngay cả Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự xưng ở Biển Đông là vô lý và phi pháp.
Bạn đang xem: Đường lưỡi bò là gì? Đường lưỡi bò xuất hiện từ khi nào?
Dã tâm “xâm chiếm” của Trung Quốc là có thật và nhất quán. Từ việc người dân mặc áo, hay dùng hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò” là hành động không thể chấp nhận. Trước thực tế đó, chúng ta càng cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, khi liên tục xuất hiện “đường lưỡi bò” trên các ấn phẩm văn hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Đường lưỡi bò xuất hiện từ khi nào?
Vào năm 2009, vấn đề tranh chấp liên quan đến “đường lưỡi bò” nổ ra và trở thành đề tài tranh luận “sôi nổi” của toàn Thế giới. Tuy nhiên, lịch sử đường lưỡi bò đã xuất hiện từ lâu, không phải đến năm 2009 Trung Quốc mới vẽ bản đồ và công bố nó.
Trên thực tế, đường lưỡi bò lần đầu tiên được công khai vào tháng 2 năm 1948 trong phụ lục “Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải” thuộc “Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc”. Khi đó đường này gồm 11 đoạn và chỉ là những nét vẽ không có cơ sở, căn cứ; hơn nữa cũng không có đơn vị đo lường, tọa độ địa lý chính xác dùng nào để nối các đảo với nhau, quy định ranh giới trên biển do Trung Quốc tự vẽ ra. Chính vì thế, qua các thời kỳ hình dáng đường này thay đổi khác nhau, lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, khi thì lên 10 đoạn.
Những lần Trung Quốc đưa đường lưỡi bò vào phim ảnh, nghệ thuật
Trung Quốc nhiều lần đưa bản đồ có ‘đường lưỡi bò’ (chín đoạn) phi pháp vào phim ảnh, tranh vẽ để tuyên truyền xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc gài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” và những chi tiết khẳng định chủ quyền sai lệch vào phim ảnh, tranh vẽ… Một số tác phẩm được tổ chức quốc tế lớn phát hành hoặc chiếu rạp phổ biến. Điều này cần lên án mạnh mẽ.
Bản đồ hải dương học Trung Quốc có “đường lưỡi bò”
Đây là sự việc gần nhất, xảy ra trong tháng 6. Bản đồ hải dương học Trung Quốc của họa sĩ Feifei Ruan liệt kê 35 loài sinh vật biển nhưng một nửa đang sống tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tác giả thêm đường chín đoạn (lưỡi bò) để biến chúng thành sinh vật thuộc địa phận Trung Quốc.
Bản đồ này được đăng trên tài khoản Behance của họa sĩ minh họa Feifei Ruan. Behance là mạng xã hội lớn về tranh minh họa nên hình ảnh có thể được phát tán rộng. Feifei Ruan phải gỡ ảnh vào ngày 25-6 sau khi nhận được vài trăm bình luận phản đối và báo cáo vi phạm.
Đáng chú ý, đây không phải bản đồ lưu hành trong nội bộ Trung Quốc mà là do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên WWF phát hành nhân Ngày đại dương thế giới 2020 (ngày 8-6). Trên các tấm bản đồ đều có logo của WWF.
Lợi dụng COVID-19, vẽ tranh cổ động có “đường lưỡi bò”
Hồi tháng 3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng lên Facebook và Twitter bức tranh hai nhân viên y tế Trung Quốc và Ý cùng nâng bản đồ hai nước, thể hiện ý đồ tri ân và giúp đỡ lẫn nhau vượt qua COVID-19. Phần bản đồ Trung Quốc trong tranh lại đính thêm đường lưỡi bò.
Hình ảnh này bị cư dân mạng Việt Nam phản đối dữ dội, yêu cầu Trung Quốc “ngừng nói dối” và gỡ hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp. Nhiều người để lại bình luận khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” và lên án hành động của Đại sứ quán Trung Quốc.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông.
“Đường lưỡi bò” trong phim hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ
Tháng 10-2019, phim hoạt hình Everest – Người tuyết bé nhỏ (Abominable) bị rút khỏi các rạp chiếu Việt Nam sau khi bị cư dân mạng lên án gay gắt vì tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” trong một cảnh phim.
Phim do Hãng DreamWorks (Mỹ) hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc. Khi rút phim khỏi rạp, nhà phát hành CGV lấy lý do phim đã chiếu hai tuần, ít khán giả nên ngừng khai thác. Sau đó, CGV đã bị phạt 170 triệu đồng và phải tiêu hủy bản phim (các file phim kỹ thuật số đã nhập, các tài liệu quảng cáo phim).
Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cũng cho thôi chức bà Nguyễn Thị Thu Hà, quyền cục trưởng Cục Điện ảnh sau sự cố này.
Everest – Người tuyết bé nhỏ là điển hình của việc Trung Quốc gài cắm “đường lưỡi bò” phi pháp trong sản phẩm nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Bộ phim cũng bị các quốc gia Đông Nam Á phản đối dữ dội: Philippines kêu gọi tẩy chay toàn cầu đối với hãng DreamWorks, Malaysia cấm phát hành bộ phim.
Điệp vụ Biển Đỏ và tranh cãi biển đảo
Tháng 3-2018, phim Trung Quốc Điệp vụ Biển Đỏ cũng bị rút khỏi rạp Việt Nam do tranh cãi về hai phút cuối phim. Đó là cảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc bao vây một chiếc tàu nước ngoài và phát loa thông báo: “Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay”.
2 phút phim này bị cho là hoàn toàn không ăn nhập với nội dung phim nhưng lại được gài cắm vào với ý đồ riêng.
Bên cạnh đó, Điệp vụ Biển Đỏ cũng được Bộ Quốc phòng Trung Quốc khen ngợi và tuyên truyền. Phần giới thiệu về bộ phim từ trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc bị tiến sĩ Trần Công Trục, cựu trưởng Ban biên giới Chính phủ, cho là “sự xuyên tạc chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông”.
Sau sự việc, Cục Điện ảnh cho biết sẽ rút kinh nghiệm.
Nghệ sĩ Trần Lương yêu cầu nhà tổ chức Trung Quốc “cắt đường lưỡi bò”
Tháng 11-2019, nghệ sĩ Trần Lương tham gia Polyphony: Southeast Asia – triển lãm nghệ thuật đương đại quy mô lớn đầu tiên của các nghệ sĩ Đông Nam Á tại Trung Quốc. Anh phát hiện hình minh họa khu vực Đông Nam Á trên poster và tài liệu của triển lãm có hình lưỡi bò.
Ngay lập tức, Trần Lương thông báo cho các nghệ sĩ chủ chốt ở các nước Đông Nam Á để kêu gọi cùng tẩy chay triển lãm nếu ban tổ chức giữ nguyên poster và tài liệu có hình vẽ này. Hành động của anh khiến ban tổ chức phải chấp thuận cắt bỏ hình “đường lưỡi bò”.
Đấu tranh hiệu quả trước yêu sách đường lưỡi bò
Đó là việc triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển; bởi lẽ mỗi ngư dân, mỗi tàu cá ra khơi là chúng ta có thêm những “cột mốc chủ quyền sống” trên biển.
Bóc mẽ “đường lưỡi bò” phi pháp
“Đường lưỡi bò” hay còn gọi “đường 9 đoạn” là một đoạn đường đứt khúc ban đầu có 11 đoạn bao quanh các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi ngầm Trung Sa và có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40. Tuy nhiên vào năm 1953, “đường 11 đoạn” này được Trung Quốc điều chỉnh thành “đường 9 đoạn” (bỏ 2 đoạn nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ).
“Đường 9 đoạn” này xuất phát từ biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, chạy xuống phía Nam tương tự như hình dáng của bờ biển Đông và Đông Nam Việt Nam và sau đó chạy ngược lên phía Bắc theo hướng song song với bờ biển phía Tây Sabah của Malaysia và Palawan, quần đảo Luzon của Philippines, kết thúc tại khoảng giữa eo biển Bashi (Ba Sĩ) nằm giữa Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines.
Dưới góc nhìn lịch sử, Trung Quốc luôn khẳng định đã đặt tên cho các thực thể ở biển Đông từ thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh việc Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh Việt Nam đã quản lý hiệu quả hai quần đảo này từ thời kỳ phong kiến. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính hai quần đảo này trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến.
Dưới góc nhìn pháp lý, yêu sách “đường lưỡi bò” có nội dung rất mập mờ và không có căn cứ pháp lý rõ ràng. Trên thực tế, từ khi xuất hiện cho đến nay, Trung Quốc cũng không có một văn bản cũng như lời giải thích cụ thể nào về bản chất pháp lý của yêu sách này cho cộng đồng quốc tế. Vì vậy, rất khó để xác định dựa trên căn cứ nào để Trung Quốc đưa ra yêu sách các quyền cũng như chủ quyền hay quyền tài phán đối với các vùng biển trong khu vực biển Đông.
Sau thất bại trong cuộc chiến pháp lý giữa Philippines tại Tòa Trọng tài quốc tế, các học giả Trung Quốc đưa ra một học thuyết mới đó là học thuyết “Tứ Sa” cho rằng “đường lưỡi bò” là một đường biên giới biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này lại trái với quy định tại điều 2 của Công ước Liêp Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, quy định ranh giới ngoài của lãnh hải không được vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở do quốc gia xác định không được trái với quy định của công ước này.
Có thể thấy rõ rằng yêu sách “đường lưỡi bò” được đưa ra một cách đơn phương, không dựa trên thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào. Bên cạnh đó, “đường lưỡi bò” không có tính ổn định và dứt khoát mà thay đổi liên tục theo thời gian. Trong khi đó, các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế chỉ rõ đặc tính quan trọng nhất của đường biên giới biển là tính ổn định và dứt khoát.
Tại hội nghị San Francisco tháng 9-1951 với sự tham gia của 51 quốc gia, các quốc gia đã khước từ đề nghị trao trả Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và thực tế cho đến nay, cộng đồng quốc tế chưa bao giờ lên tiếng thừa nhận yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Xem xét dưới hai góc độ lịch sử và pháp lý, có thể thấy rằng, yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc chỉ là yêu sách đơn phương, mang tính tùy tiện, không có cơ sở lịch sử và pháp lý, nội dung yêu sách không phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế.
Kiên định bảo vệ chủ quyền
Trước những diễn biến phức tạp ở biển Đông cũng như nhận thức rõ được âm mưu và thủ đoạn muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện cơ bản chiến lược bảo đảm chủ quyền, an ninh, đồng thời duy trì được quan hệ đối ngoại tự chủ, không bị lôi kéo vào các tranh chấp địa chính trị giữa các nước lớn. Bằng các hoạt động linh hoạt nhưng kiên quyết, Việt Nam đã giữ được môi trường hòa bình, không xung đột với Trung Quốc; đồng thời bảo vệ được chủ quyền trên các thực thể đang giữ ở Trường Sa, duy trì chủ quyền danh nghĩa ở Hoàng Sa trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động ở biển Đông với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Bằng những giải pháp đồng bộ và có hiệu quả, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hòa bình và ổn định trong khu vực, Việt Nam đã cơ bản bảo vệ được quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó, một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả và đang là ưu tiên hàng đầu trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay là hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển, bởi mỗi ngư dân, mỗi tàu cá ra khơi là chúng ta lại có thêm những “cột mốc chủ quyền sống” trên biển.
Thực tế cho thấy rằng, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển không chỉ có các lực lượng chuyên trách như: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Biên phòng… mà còn có sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân mà trực tiếp là ngư dân vừa đánh bắt trên biển vừa góp phần làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Để hỗ trợ ngư dân, chúng ta cần tập trung vào thực hiện đồng bộ và có hiệu quả những giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết, văn bản pháp lý về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn liền với phát triển kinh tế biển. Trong đó, trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cần cụ thể hóa những quy định trong nghị quyết này bằng những văn bản pháp lý, hành chính có tính thực tiễn và mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, thực hiện theo nghị quyết, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều những giải pháp để giúp ngư dân yên tâm bám biển, như: cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi để đóng tàu thuyền và trang bị các phương tiện hiện đại hơn khi ra khơi. Để những giải pháp này phát huy được tối đa hiệu quả hơn nữa thì cần thực hiện đồng bộ hơn giữa cơ quan trung ương với địa phương, giữa các tỉnh, thành phố ven biển với nhau. Ngoài ra, có thể xã hội hóa, kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển gắn với việc phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng thực thi pháp luật tại các khu vực vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là giải pháp không chỉ giúp chúng ta phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, mà qua đó để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, nhất là các vùng biển tranh chấp. Ngoài ra, sự hiện diện của các cơ quan chấp pháp Việt Nam trên biển sẽ là “điểm tựa” cho ngư dân yên tâm khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tặng quà, cờ Tổ quốc cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng
Thứ ba, nâng cao hiệu quả và đa dạng hình thức tuyên truyền để mỗi ngư dân khi ra khơi đều nắm được những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc đối với biển Đông và những quy định về việc khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam. Duy trì và tổ chức có hiệu quả hơn nữa các hoạt động đồng hành cùng với ngư dân trong đó có mô hình: “Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân” đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực. Thời gian tới, cần đổi mới, sáng tạo hơn về nội dung, hình thức tổ chức của mô hình này, phù hợp với từng đối tượng, địa phương, đặc biệt là hướng tới những điều ngư dân cần.
***
Trên đây là nội dung bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Đường lưỡi bò là gì. Mọi thông tin trong bài viết Đường lưỡi bò là gì? Đường lưỡi bò xuất hiện từ khi nào? đều được xác thực rõ ràng trước khi đăng tải. Tuy nhiên đôi lúc vẫn không tránh khỏi những sai xót đáng tiếc. Hãy để lại bình luận xuống phía dưới bài viết để đội ngũ biên tập được nắm bắt ý kiến từ bạn đọc.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Tổng hợp