Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em bao gồm hướng dẫn viết cùng 8 bài mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em học sinh lớp 4 trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết đoạn văn ngày một hoàn thiện hơn.
Đề bài: Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em.
Hướng dẫn Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4
– Mở bài: Giới thiệu câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em, nêu ý kiến chung về câu chuyện.
Bạn đang xem: Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4 (8 Mẫu)
– Thân bài: Kể diễn biến câu chuyện.
– Kết bài: Cảm nghĩ của em về câu chuyện.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 1
Câu chuyện Cô giáo nhỏ của nhà báo Khánh Linh đăng trên báo Nhi Đồng, là một câu chuyện rất hay và cảm động về một bạn nhỏ có trái tim ấm áp.
Giên là một bé gái sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo hẻo lánh tại châu Phi. Đa số phụ nữ và trẻ em ở đây đều không biết chữ, chỉ ở nhà bế em, nấu nướng, làm việc đồng áng. Đến lượt Giên, em đã được đi học cái chữ ở một lớp dạy chữ miễn phí. Giên thường mượn truyện tranh của cô giáo để mang về nhà, nhưng đã hơn một tháng nay em chưa trả lại. Cô giáo lấy làm lạ nên đã đến nhà em – thực chất chỉ la một túp lều nhỏ đẻ hỏi thăm. Đến nơi, cô mới biết rằng, thì ra, Giên đã dùng cuốn truyện mượn được để dạy chữ cho bà và mẹ của mình. Hình ảnh hai người phụ nữ ngồi vật lộn với các từ khó đọc, chờ “cô giáo Giên” chỉ bảo khiến cô giáo vô cùng xúc động. Khi Giên xin lỗi cô vì trả sách muộn, và khiến cuốn sách lấm lem nhọ nồi, thì cô giáo lại nghẹn ngào xin lỗi ngược lại cô bé. Đó cũng là hình ảnh kết thúc câu chuyện.
Qua nhân vật cô bé Giên tốt bụng và giàu sự chia sẻ, yêu thương trong câu chuyện Cô giáo nhỏ. Em ý thức sâu sắc hơn về những số phận xung quanh mình. Rằng mỗi chúng ta nên biết yêu thương và giúp đỡ bạn bè, người thân của mình.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 2
Những câu chuyện kể có nhân vật là trẻ em là những câu chuyện mà em yêu thích và thường tìm đọc nhất. Bởi em có thể dễ dàng đóng vai bạn nhỏ trong câu chuyện để suy nghĩ về những điều mà bạn ấy gặp và được trải nghiệm. Đó cũng là lý do mà em rất ấn tượng với câu chuyện Công chúa và người dẫn truyện ngay từ lần đọc đầu tiên.
Câu chuyện ấy có nhân vật chính là cô bé Giét-xi – một bạn học sinh nhỏ tuổi giống như em. Một ngày nọ, sau bữa ăn trưa ở lớp, cô giáo công bố rằng sắp tới lớp sẽ biểu diễn một vở kịch, và vai chính cho tiết mục đó chính là Giét-xi. Cô bé được vào vai một nàng công chúa xinh đẹp và đáng yêu. Điều đó khiến các bạn trong lớp rất ngưỡng mộ cô bé. Còn Giét-xi thì rất vui mừng và tự hào.nBuổi tối, khi vừa về đến nhà, Giét-xi đã háo hức khoe ngay với mẹ về vai diễn của mình.
Sau hôm ấy, tối nào Giét-xi cũng nhờ mẹ cùng tập lời thoại với mình. Nhờ sự chăm chỉ ấy, mà cô bé nhanh chóng thuộc hết lời thoại. Tuy nhiên, khi cô bé lên sân khấu tập thử, thì cô quên hết mọi lời thoại trong đầu. Điều này khiến cô giáo rất khó xử. Cuối cùng, cô giáo đã quyết định sẽ đổi cho Giét-xi sang đóng vai người dẫn chuyện và nhường vai công chúa cho một bạn khác. Việc không còn được đóng vai chính của vở kịch khiến Giét-xi rất buồn bã.
Biết chuyện, mẹ đã tìm cách để giúp Giét-xi bước ra khỏi nỗi buồn. Mẹ rủ cô bé cùng ra vườn để làm cỏ. Khu vườn lúc này đang bước vào mùa xuân nên ngoài cây hoa hồng leo rực rỡ, còn có rất nhiều cây hoa dại xinh đẹp khác. Nếu như cây hoa hồng leo là nhân vật chính của khu vườn, thì những cây hoa dại chính là các nhân vật phụ. Vừa vào đến giữa khu vườn, mẹ đã nói với Giét-xi rằng nên nhổ bỏ hết cỏ và hoa dại đi, chỉ để lại những cây hoa hồng leo mà thôi. Nhưng Giét-xi lại không muốn. Cô bé cho rằng hoa dại cũng có vẻ đẹp và ý nghĩa của nó. nếu khu vườn chỉ còn hoa hồng leo, thì thật là tẻ nhạt và nhàm chán. Khi nghe cô bé nói như vậy, mẹ đã mỉm cười rất dịu dàng. Mượn chuyện hoa hồng leo và hoa dại, người mẹ muốn nhấn mạnh với Giét-xi về vai trò của nhân vật chính và người dẫn chuyện trong một vở kịch. Người đóng vai diễn phụ cũng rất quan trọng để có thể tạo nên một vở kịch thành công. Do đó, không có gì là xấu hổ khi ta đóng vai một nhân vật phụ cả. Hiểu được điều mà mẹ dạy dỗ, Giét-xi đã vui vẻ trở lại, và tiếp tục tập luyện chăm chỉ cho vai diễn người dẫn chuyện của mình.
Bài học mà người mẹ dạy cho Giét-xi là một bài học vô cùng ý nghĩa về vai trò và giá trị của mỗi người trong cuộc sống. Qua đó, em hiểu được mỗi người trong chúng ta đều có vai trò và ý nghĩa riêng của mình.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 3
Có một vị vua nọ, để tìm được người tài giỏi giúp nước đã cho người đi khắp nơi để tìm kiếm. Viên quan đến nhiều vùng, đưa ra nhiều câu hỏi khó thử tài nhưng không ai giải được.
Một ngày nọ, khi dừng chân nghỉ ngơi bên cánh đồng, thấy hai cha con đang cày ruộng, viên quan bèn hỏi về số đường cày trong ngày của con trâu. Thấy cha không trả lời được, người con trai bèn nhanh trí hỏi ngược lại vị quan rằng một ngày ngựa của ông đi được bao nhiêu bước khiến vị sứ giả thua cuộc. Biết gặp được người tài, vị quan bèn quay về bẩm báo với nhà vua.
Để thử tài cậu bé thông minh, nhà vua đã ban cho ngôi làng của cậu bé 3 thúng gạo nếp và 3 con trâu đực và yêu cầu 1 năm sau phải để cho 3 con trâu đực đẻ thành 9 con. Nhận được lệnh vua, ai nấy trong làng đều lo lắng, sợ hãi nhưng cậu bé lại nói mọi người lấy gạo, giết trâu ăn, còn một phần để cậu bé và cha làm lộ phí vào cung gặp vua. Gặp vua cậu bé đã nhanh trí chứng minh với nhà vua rằng 3 con trâu không thể đẻ.
Thấy được sự nhanh trí của cậu bé, nhà vua đưa thêm một thử thách khi ra lệnh cho cậu bé xẻ thịt một con chim sẻ để làm thành 3 mâm cỗ. Cậu bé đã không hề lo lắng mà yêu cầu nhà vua rèn cho mình cây kim thành con dao để mình xẻ thịt. Qua thử thách lần này nhà vua đã hoàn toàn tin tưởng vào tài trí của cậu bé.
Bấy giờ nước ta có giặc ngoại xâm nhăm nhe xâm lược, để thăm dò nước ta, chúng đã cho người sang thăm dò. Sứ giả của quân giặc đã đưa ra một câu hỏi hóc búa: làm sao để xâu được chỉ qua chiếc vỏ ốc. Cậu bé thông minh đã nhanh trí buộc sợi chỉ vào người con kiến càng, thoa mỡ bên kia vỏ ốc để kiến bò sang. Hoàn thành thử thách, cậu bé không chỉ khiến sứ giả quân địch tâm phục khẩu phục mà còn được nhà vua phong làm trạng nguyên.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 4
Con người thông minh thì làm việc gì cũng dễ dàng vì họ nghĩ ra các phương pháp tốt và hiệu quả nhất để giải quyết những đề đó. Nếu họ có nhân cách và đạo đức tốt thì sẽ trở thành nhân tố giúp đất nước phát triển. Dân gian đã lưu truyền rất nhiều câu chuyện nói về những người như vậy, nhưng câu chuyện mà tôi ấn tượng nhất là câu chuyện “Em bé thông minh”. Sau đây tôi xin kể lại.
Ngày ấy, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ bị xâm lược, ở bên ngoài kia bọn giặc nhăm nhe xâm chiếm nước ta. Nhà vua lo lắng cho đất nước cho muôn dân thiên hạ nên đã cử một viên quan đi khắp đất nước để tìm người tài. Viên quan ấy đã đi khắp nơi, đến nhiều chỗ, gặp qua rất nhiều người và ra những câu hỏi hóc búa nhưng ông vẫn không tìm được người nào cả.
Một hôm ông đi qua một cánh đồng, thấy hai cha con nọ đang đi cày ruộng bèn đứng lại hỏi: “Này, lão kia! Trâu của lão cày một ngày được mấy đường?”. Đây là một câu hỏi khó bởi nào có ai đếm lại xem mình đã cày bao nhiêu đường. Người cha đang loay hoay không biết trả lời làm sao thì cậu con trai đã hỏi ngược lại: “Con sẽ trả lời câu hỏi của ngài nếu ngài cho con biết chính xác một ngày đường ngựa của quan đi được bao nhiêu bước?”. Viên quan nghe cậu bé hỏi vậy thì sửng sốt. Ông ngạc nhiên với tài năng của cậu bé, nghĩ đây nhất định là thiên tài, liền hỏi lại tên địa chỉ quê quán rồi về tâu lại với nhà vua.
Về đến cung, viên quan kể lại chuyện này cho nhà vua và khẳng định đây chính là nhân tài của đất nước. Nghe thấy viên quan khẳng định chắc nịch như thế, vua mừng lắm. Nhưng ông vẫn muốn thử tài năng của cậu bé nữa để xác minh lại. Vua liền hạ chỉ ban cho làng của cậu bé ba thúng gạo nếp, ba con trâu đực và yêu cầu dân làng phải dùng số gạo ấy để nuôi trâu. Một năm sau ba con trâu ấy phải đẻ thành chín con. Nếu không nộp đủ thì làng phải chịu tội. Thấy thế dân làng ai nấy đều lo lắng vì trâu đực sao mà đẻ được con. Cậu bé nghe được chuyện liền thưa với cha nói dân làng thịt hai con trâu và đồ hai thúng gạo nếp để mọi người cùng ăn. Còn lại một trâu và thúng gạo cha xin làng bán để lấy lộ phí cho hai cha con tiến cung.
Ngày hôm sau, hai cha con bắt đầu lên đường để vào kinh. Khi đã đến cổng vua, cậu bé bảo cha đứng ngoài đợi còn mình thì lẻn vào sân vua để khóc. Nghe thấy tiếng trẻ con khóc nhà vua liền sai lính ra đưa cậu bé vào hỏi: “Thằng bé kia, có việc gì? Sao lại đến đây mà khóc ầm ĩ, làm kinh động đến ta?”. Nghe thấy vua hỏi cậu bé liền nói: “Thưa đức vua, sự tình là như vậy, mẹ con mất từ sớm mà cha thì mãi không chịu đẻ thêm em bé để cùng chơi đùa với con. Dám mong nhà vua hạ lệnh để cha con đẻ em cho con chơi”. Vua nghe xong liền bật cười và nói: “Ngươi muốn có em thì phải kiếm vợ khác cho cha chứ cha ngươi là đàn ông thì sao mà đẻ được”. Cậu bé nghe thấy thế liền đáp lại: “Thế sao làng của con lại bị lệnh trên bắt nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con để nộp đức vua? Giống đực thì làm sao mà đẻ được ạ!”.
Trước cách ứng xử nhạy bén của cậu bé, cả vua và triều thần đều trầm trồ khen ngợi. Nhà vua chưa dừng ở đó, ông vẫn muốn thử cậu bé thêm lần nữa. Hôm sau khi hai cha con đang ngồi ăn cơm thì sứ giả đến mang theo một con chim sẻ và bảo cậu làm ra ba mâm cỗ đầy. Em bé liền đưa cho sứ giả một cây kim và bảo mang cây kim này đi rèn thành một con dao để xẻ thịt chim. Sứ giả về tâu với nhà vua và vua rất vui mừng vì đã tìm ra nhân tài liền ban thưởng cho hai cha con họ.
Nước láng giềng đang lăm le xâm lược nước ta, bèn gửi sứ giả sang để thám thính. Sứ thần mang lên một vỏ ốc dài và một sợi dây đố dùng sợi dây xuyên qua ruột ốc. Câu hỏi của nước bạn của thật rất khó. Các bá quan trong triều thử hết mọi cách nhưng không làm được. Không tìm được cách nhà vua liền sai sứ giả trở về quê để hỏi cậu bé. Đến nơi, sứ giả trình bày câu chuyện cho cậu bé nghe. Cậu không trả lời mà cất giọng hát :
“Tang tình tang, tình tính tang
Bắt con kiến càng buộc chỉ ngang lưng
Bên thời lấy giấy mà bưng
Bên thời bôi mỡ kiến mừng kiến sang
Tang, tình tang…”
Viên sứ giả vội về tâu với nhà vua cả triều đình vui sướng sứ giả nước láng giềng thán phục. Nhà vua đã phong cho em bé là trạng nguyên đưa vào cung để tiện hỏi han.
Nước ta từ xưa đến nay có rất nhiều người tài giỏi họ thông minh bẩm sinh nhưng cũng nhờ chăm chỉ học hỏi. Là thế hệ trẻ của Tổ quốc, chúng ta cần chăm chỉ học tập rèn luyện cố gắng trở thành người có ích cho đất nước.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 5
Nga là cô bé ham chơi và chóng chán. Dạo hè, Nga đòi bằng được mẹ mua cho một con búp bê khá đẹp. Nhưng chơi được ít lâu Nga đã bỏ mặc búp bê trên nóc tủ cùng với các đồ chơi khác cho bụi bám.
Trời trở rét, búp bê chỉ có độc nhất một chiếc quần lót. Bộ váy của búp bê đã bị Nga nghịch lột ra, vứt đi đâu không rõ. Một đêm, lạnh quá, búp bê khóc thút thít. Chị Lật Đật tròn xoay đang ngủ, tỉnh dậy hỏi:
– Sao em khóc?
– Em không có áo quần. Em rét lắm. Còn chị, may mà mũ áo gắn liền với người nên chị Nga không tháo ra được.
– Cô ấy tệ thật – Chị Lật Đật chép miệng – Cô ta bắt bọn mình làm trò vui, nhưng chẳng bao giờ chú ý tới chúng mình.
Búp bê nức nở:
– Em không muốn sống với chị ấy nữa. Em đi đây.
Nói đoạn, búp bê tụt xuống khỏi tủ, tìm cách leo lên tường, chui qua lỗ thông hơi trên cửa ra vào, nhảy ra phố. Chị Lật Đật gọi lại thế nào cũng không được. Chị gọi Nga. Nhưng Nga vẫn ngủ vùi trong chăn. Chị Lật tiếc rằng mình tròn xoay, không có chân. Nếu có, chị cũng sẽ bỏ đi nốt.
Sáng hôm sau, bảy giờ hơn, Nga mới thức dậy. Nhìn về phía tủ thấy trống trơn. Nga kêu rầm lên: “Ai lấy búp bê của con rồi?” Mẹ bảo Nga hãy chịu khó tìm búp bê ở góc tủ, trong gầm giường. Nga miễn cưỡng làm theo. Nhưng còn tìm đâu ra búp bê nữa!
Đêm hôm trước, thoát được ra ngoài búp bê sung sướng quá, chạy một mạch sang phố bên. Nhưng đêm tối, trời lạnh, không thể đi tiếp được, búp bê phải tìm đến một gốc cây to, chui vào đống lá khô ai đã quét vun lại để trốn rét. Sáng hôm sau, có một cô bé đi ngang qua nom thấy búp bê trong đống lá, reo lên:
– Ôi con búp bê xinh quá, ai vứt đi thế này, hoài của.
Hỏi mấy nhà xung quanh không có ai nhận, cô bé ôm búp bê về, lau rửa cẩn thận. Cô bảo:
– Búp bê sao không có áo? Tội nghiệp, chị sẽ may váy áo cho em.
Thế rồi, ngay tối đó, cô bé hí hoáy cắt may cho búp bê một bộ váy áo rất đẹp. Rồi cô ôm cả búp bê đi ngủ. Trong vòng tay âu yếm của cô, dưới chăn len ấm áp, búp bê vô cùng sung sướng. Nó thỏ thẻ bên tai cô bé đang mơ màng trong giấc ngủ:
– Chị ơi. Em muốn ở với chị suốt đời.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 6
Trời sáng đã lâu. Những tia nắng chiếu qua cửa sổ khiến em bừng thức giấc. Em cất tiếng gọi âu yếm: “Cún con ơi! Lại đây với chị nào!”. Gọi hai, ba lần vẫn không thấy Cún con lon ton chạy đến, quấn quýt mừng rỡ như mọi khi, em hốt hoảng nhìn xuống gậm giường. Gầm giường trống trơn! Em vội chạy ra sân, ra vườn tìm kiếm vẫn không thấy bóng dáng Cún con đâu. Hay là nó đã bỏ đi? Có lẽ Cún con bỏ đi thật rồi vì hôm qua em kể cho nó nghe câu chuyện về mình. Chuyện là thế này:
Em có một chú Gà Trống đẹp mã và có tiếng gáy rất vang. Sáng sáng, chú cất tiếng gáy chào bình minh và gọi em thức giấc. Em quý Gà Trống lắm. Ngày nào cũng thưởng cho chú mấy nắm lúa vàng. Một hôm, thấy bà hàng xóm có con gà Mái Mơ xinh xắn, thích quá, em năn nỉ bà đổi Gà Trống lấy Mái Mơ. Gà Trống đang mê mải bới đất tìm mồi, hay tin đó, chiếc mào đỏ trên đầu chú tái đi, chú buồn ra mặt.
Từ hôm ấy, em vuốt ve, nâng niu cô gà Mái Mơ xinh đẹp. Mái Mơ cũng yêu em lắm! Mỗi ngày, Mái Mơ tặng cho em một quả trứng hồng.
Một thời gian sau, bà hàng xóm đi chợ mua về con Vịt. Ôi! chú Vịt mới hấp dẫn làm sao! Cái mỏ vàng tươi, đôi mắt đen láy, chiếc cổ cong và bộ lông trắng muốt! Em thích quá, đòi đổi Mái Mơ lấy Vịt cho bằng được. Lúc em ôm Mái Mơ sang đổi, nó ủ rũ, đôi cánh xệ xuống, cái đầu ngoẹo sang một bên nom thật tội nghiệp!
Thế rồi em nhanh chóng kết thân với Vịt. Đi tắm sông, em cho Vịt đi theo. Vịt cùng em vùng vẫy, nô đùa thoả thuê dưới nước. Em rất thích nhìn Vịt ngụp lặn và đứng rỉa lông, rỉa cánh.
Sau đó ít lâu, một người quen đến chơi, mang theo chú Cún rất dễ thương. Em mê nó ngay lập tức và năn nỉ:
– Cô ơi! Cô tặng cho con chú Cún kia nhé! Con sẽ tặng lại cho cô con Vịt!
Vịt nghe thế hoảng hốt kêu lên:
– Cô chủ ơi! Đừng làm thế! Cô nỡ lòng bỏ tôi ư?
Em bỏ ngoài tai lời của Vịt và quên nó ngay, bởi em đã có chú Cún con xinh đẹp.
Một hôm, ẵm chú Cún con nằm gọn trong lòng, em vuốt nhẹ bộ lông xốp như bông của nó và thầm thì kể cho nó nghe chuyện về những người bạn cũ:
– Cún con có biết không? Bạn thân đầu tiên của chị là Gà Trống. Sau chị đem đổi Gà Trống lấy Mái Mơ. Rồi lại đổi Mái Mơ lấy Vịt. Cuối cùng chị đổi Vịt lấy em đó. Chị quý em lắm !
Em tưởng Cún con sẽ vui vẻ, ai ngờ nghe xong câu chuyện, nó cụp tai xuống vẻ nghĩ ngợi. Sáng hôm sau, nó lặng lẽ bỏ em mà đi.
Giờ đây, ngồi một mình giữa căn nhà vắng, em càng hối hận vì mình không biết quý tình bạn.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 7
Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi đọc được trong tập truyện Ngụ ngôn thế giới chọn lọc. Câu chuyện có tựa đề Bò mẹ và Bế con. Chuyện thế này:
“Có người nông dân kia dắt bò mẹ và bế con ra chợ bán. Bế thì có người mua, còn bò mẹ đành phải dắt về. Sáng hôm sau, người nông dân thả bò mẹ đi ăn trên đồng cỏ. Nó bỏ đi không về nữa. Một hôm người nông dân có việc đi đến một làng cách nhà hàng chục dặm đường núi. Ông bỗng thấy một con bò mẹ đang ở trong sân nhà người chủ mới với bế con. Người nông dân xin ông chủ mới và bảo bò mẹ về. Nhưng nó nhất định không đi và nói với người chủ cũ:
– Cũng như ông phải về với các con ông ở nhà thì tôi phải ở lại đây với con tôi chứ!
Cuối cùng người nông dân đành phải bán rẻ bò mẹ cho người chủ mới”.
Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em – Mẫu 8
Mấy bữa nay, lũ chuột nhắt thi nhau phá phách. Chúng ăn vụng thức ăn, gặm sách, thậm chí cắn rách cả chiếc áo bằng sa tanh hồng của cô búp bê xinh đẹp.
Bé Mây giận lắm, nghĩ cách trừng trị chúng. Bé thì thầm bàn bạc hồi lâu với Mèo con. Mèo con thích chí gật gù rồi rung râu cười tít.
Xẩm tối, một chiếc bẫy lồng bằng lưới sắt được đặt dưới gầm chạn đựng thức ăn, ngay trên đường lũ chuột thường đi. Miệng bẫy mở rộng. Trong bẫy, một con cá nướng thơm lừng được móc vào đoạn dây kẽm uốn cong như chiếc móc câu. Đêm nay, lũ chuột nhắt tham ăn thế nào cũng bị mắc bẫy.
Mọi việc sắp đặt xong xuôi, bé Mây ngồi vào bàn học bài. Gió hây hẩy thổi qua khung cửa sổ. Ngoài kia, bầu trời đầy sao nhấp nháy như những cặp mắt tinh nghịch. Bé Mây ra sân vươn vai hít thở không khí trong lành rồi sửa soạn đi ngủ. Nằm bên cạnh mẹ, bé nhanh chóng thiếp vào giấc ngủ ngon lành.
Bé mơ thấy lũ chuột sa đầy trong bẫy. Chúng cuống quýt chạy quanh trong chiếc lồng chật hẹp, khóc lóc xin tha. Bé Mây cùng Mèo con thay nhau hỏi tội chúng. Tội lũ chuột này nhiều lắm! Tha làm sao được!
Trong lúc bé Mây ngủ, Mèo con thu mình nằm ở góc bếp. Chú dỏng tai lên nghe ngóng, rình từng bước chân rón rén của lũ chuột. Chiếc mũi rất thính của Mèo con có thể ngửi thấy mùi hôi của lũ chuột từ xa.
Nhưng… Ôi! Mùi gì mà thơm thế nhỉ! Mèo con hít hít dò tìm. Mùi cá nướng thơm lừng cả mũi. Thèm quá, không thể nhịn được nữa, Mèo con chui tọt vào bẫy. Tách! Bầy sập, Mèo con bị nhốt ở trong. Chẳng hề sợ hãi, Mèo con ung dung xơi hết con cá nướng ngon lành. Ăn xong, chú lăn ra ngủ.
Ò… ó… o! Tiếng gáy của anh Gà Trống Tía vang lên giòn giã, gọi ông Mặt Trời. Một ngày mới bắt đầu. Bé Mây cũng đã thức giấc. Chợt nhớ đến giấc mơ đêm qua, bé tung tăng chạy xuống bếp. Ô! Sao lại thế này? Chuột đâu chẳng thấy, chỉ thấy giữa lồng, Mèo con đang ngủ ngon lành. Bé Mây bật cười tự hỏi: “Liệu nó có mơ giống giấc mơ của mình đêm qua không nhỉ?”.
*****
Trên đây là 8 bài mẫu Kể lại một câu chuyện có nhân vật chính là trẻ em lớp 4 do thầy cô trường Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập của mình. Chúc các em hoàn thành tốt bài tập của mình với điểm số cao nhất nhé.
Đăng bởi: THCS Bình Chánh
- Tìm đọc câu chuyện viết về ước mơ lớp 4
- Tưởng tượng: Em có một đôi cánh có thể bay như chim, em muốn bay đi đâu, gặp gỡ những ai,…? lớp 4
- Tìm đọc các bài văn miêu tả con vật hoặc trao đổi với người thân về đặc điểm của con vật trong bài văn em viết lớp 4
- Miêu tả một con vật em đã được quan sát trên ti vi hoặc phim ảnh mà em yêu thích lớp 4 (8 Mẫu)
- Miêu tả một con vật mà em đã chăm sóc và gắn bó lớp 4 (24 Mẫu)
- Trao đổi với bạn: Em mong con người sẽ làm ra những sản phẩm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai? lớp 4