Mời các em theo dõi nội dung bài học về Nói giảm nói tránh là gì? Tác dụng của nói giảm nói tránh do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.
Nói giảm, nói tránh là gì?
Nói giảm nói tránh là biện pháp dùng để biểu đạt một cách nhẹ nhàng và tế nhị, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ hay nặng nề, đồng thời tránh sự thô tục và thiếu lịch sự. Biện pháp này được sử dụng rất nhiều trong giao tiếp hàng ngày của chúng ta, và được sử dụng trong cả thơ ca, văn chương. Khi giao tiếp thông thường, trong một số hoàn cảnh thay vì sử dụng những từ ngữ có tính chất mạnh, gợi cảm giác ghê sợ, đau buồn thì chúng ta có thể sử dụng biện pháp nói giảm nói tránh để câu nói nhẹ nhàng hơn.
Ví dụ: chúng ta thường dùng từ tử thi thay cho từ xác chết, hoặc khi nhắc đến những người già theo một cách lịch sự, ta có thể sử dụng từ “có tuổi”
Bạn đang xem: Nói giảm nói tránh là gì? Tác dụng của nói giảm nói tránh
Trong văn chương người ta cũng thường dùng biện pháp tu từ này như: “phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt nạ bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Ở đoạn văn này, từ “bầu sữa” được sử dụng để thay thế cho một từ vốn chỉ bộ phận cơ thể của người phụ nữ, giữ chức năng sản sinh ra sữa để nuôi con.
Cách sử dụng nói giảm, nói tránh
Khi sử dụng biện pháp nói giảm, nói tránh, ta cần chú ý sử dụng một cách linh hoạt để có thể phát huy tối đa biện pháp tu từ này. Một số lưu ý dành cho cách sử dụng như sau:
Trong giao tiếp, khi chê trách một điều gì, để người nghe dễ tiếp nhận, chúng ta có thể dùng cách phủ định điều ngược lại với nội dung đánh giá. Nghĩa là thay vì nói “bạn hát dở quá” thì chúng ta có thể nhận xét rằng “bạn hát chưa được hay”. Như vậy với cách nói khéo léo này, chúng ta vừa không cần phải nhận xét một cách giả dối, cũng không sợ làm mất lòng người đối diện.
Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp nói giảm, nói tránh, còn cần phụ thuộc vào từng tình huống giao tiếp. Có những trường hợp chúng ta buộc phải phê bình nghiêm khắc, nói đúng mức độ sự thật, hoặc cần thiết phải nói thẳng thì chúng ta không nên sử dụng biện pháp này.
Tác dụng của nói giảm, nói tránh
Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ mang nhiều dụng ý về mặt nghệ thuật và được sử dụng để giúp cách diễn đạt của mỗi cá nhân được lịch sử nhẹ nhàng hơn.
Ví dụ 1: “chia buồn cùng gia đình, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi”. Trong hoàn cảnh này chúng ta hiểu rằng, “không qua khỏi” tức là đã chết, nhưng bác sĩ vẫn không nói thẳng ra nhằm giảm cảm giác đau buồn cho người nhà bệnh nhân
Ví dụ 2: “Anh ấy không bao giờ trở về nữa, đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo”. “Mãi mãi nằm lại” trong câu nói này có thể hiểu rằng ám chỉ cái chết của người chiến sĩ. Nói như vậy nhằm giảm cảm giác đau buồn, mất mát, đồng thời diễn đạt cuộc cách nhẹ nhàng sự hy sinh.
Ngoài ra, nói giảm, nói tránh còn được sử dụng nhằm nhận xét người khác một cách tế nhị, văn hóa để người nghe dễ dàng tiếp thu và lắng nghe ý kiến.
Ví dụ: chị ấy thật xấu xí. Câu nói này có thể thay bằng câu: chị ấy trông không được đẹp cho lắm. Cách nói này mang nghĩa phủ định một cách tích cực, làm giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề đang được nói đến.
Những cách nói giảm nói tránh thông dụng
Cách 1: Dùng các từ đồng nghĩa, đặc biệt là từ Hán Việt
(Ví dụ: Người lính đã chết rồi. → Người lính đã hi sinh rồi)
Cách 2: Dùng cách nói vòng vo
(Ví dụ: Vườn rau này héo úa. → Vườn rau này cần được chăm sóc, tưới nước nhiều hơn.
Cách 3: Dùng cách nói phủ định
(Ví dụ: Món ăn dở. → Món ăn chưa được ngon)
Sự khác nhau giữa nói giảm, nói tránh và nói quá
Như chúng ta đã biết, nói quá là một biện pháp tu từ được sử dụng nhằm phóng đại quy mô, mức độ và tính chất của sự việc, mục đích chính là tạo được điểm nhấn cho câu văn và làm tăng sự biểu cảm. Sử dụng biện pháp nói quá trong câu văn nhằm nhấn mạnh và tạo được ấn tượng, nhưng cần phải được sử dụng một cách hợp lý.
Nói giảm, nói tránh và nói quá đều là biện pháp tu từ được sử dụng nhiều trong giao tiếp cũng như văn học, đồng thời đều được dùng để diễn tả không chính xác một sự vật, sự việc. Tuy nhiên hai biện pháp tu từ này đối lập nhau. Trong khi biện pháp nói giảm, nói tránh dùng để giảm nhẹ tính chất sự việc thì nói quá lại mang tính chất phóng đại và làm tăng quy mô của sự vật, hiện tượng được miêu tả lên một mức cao hơn để nhấn mạnh, gây ấn tượng và làm tăng sức biểu cảm.
Bài tập luyện tập về nói giảm, nói tránh
Bài 1: So sánh hai cách nào sau đây, biết cách nói nào nhẹ nhàng và tế nhị hơn đối với người nghe.
a. Con dạo này lười lắm
b. Con dạo này không được chăm chỉ lắm.
Trả lời: cách nói nhẹ nhàng và tế nhị hơn đối với người nghe là: “con dạo này không được chăm chỉ lắm”. Đây là cách nói giảm, nói tránh, nhằm góp ý một cách nhẹ nhàng.
Bài 2: Những từ ngữ in đậm trong đoạn trích sau đây có nghĩa là gì? Tại sao người viết, người nói lại dùng cách diễn đạt đó
– Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.
– Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh ngời
– Lượng con ông Đỗ đây mà… Rõ tội nghiệp, về đến nhà thì bố mẹ chẳng còn.
Trả lời:
– Từ in đậm trong đoạn trích này là: “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác” là cách để nói đến cái chết mà Bác Hồ đã sử dụng trong di chúc của mình nhằm nhắc đến cái chết một cách nhẹ nhàng hơn.
– Từ in đậm trong câu thơ là: “đi”, là cách nói nhẹ nhàng mà nhà thơ Tố Hữu sử dụng để nhắc đến cái chết của Bác Hồ.
– Từ in đậm trong câu này là: “chẳng còn” làm cách nói nhẹ nhàng hơn để chỉ cái chết
Bài 3: Khi chê trách một điều gì, để người nghe dễ tiếp thu, người ta thường nói giảm, nói tránh bằng cách phủ định điều ngược lại với nội dung đánh giá. Hãy vận dụng cách này để đặt 5 câu đánh giá trong những trường hợp khác nhau.
Trả lời:
– Cậu học môn toán chưa được giỏi lắm.
– Chiếc áo này không được đẹp cho lắm.
– Thằng bé này cần được dạy bảo nhiều hơn.
– Cậu cần cố gắng luyện chữ cho đẹp hơn
– Anh ấy dạo này không tập trung vào công việc
Bài 4: Viết một đoạn văn có sử dụng biện pháp nói giảm, nói tránh
Trả lời:
Đất nước ta đã phải trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Trải qua biết bao năm kháng chiến, đấu tranh để giành lại độc lập, tự do, để có được cuộc sống ấm no như ngày nay, chúng ta đã phải đánh đổi rất nhiều. Biết bao thế hệ đã ra đi lên đường nhập ngũ để rồi chiến đấu và hi sinh xương máu của mình cho quê hương, đất nước. Các anh mang trong mình một sứ mệnh lớn lao, nguyện hiến dâng cả sức trẻ, lòng dũng cảm và cả cuộc đời mình để trở thành những vị anh hùng trong lòng người dân Việt Nam.
Ở trong đoạn văn, biện pháp nói giảm nói tránh được sử dụng ở từ “hi sinh”. Từ hi sinh đã được sử dụng để thay cho cái chết nhằm làm giảm bớt sự đau thương, mất mát mà dân tộc Việt Nam đã phải trải qua.
Bài 5: Các câu sao sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
a) Lúc phát bài kiểm tra, cô giáo nói với Quân:
– Cô thấy rằng con cần phải cố gắng thêm nhiều trong thời gian tới.
b) Thấy Hòa định mặc một chiếc áo khoác có màu sắc sặc sỡ, Loan góp ý:
– Mình thấy chiếc áo khoác này không hợp với chiếc váy bên trong của cậu lắm.
Trả lời:
Hai câu văn trong a và b, đều sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh. Tác dụng:
– Câu a: giúp giảm đi sự tiêu cực và trách móc trong lời nhận xét, giúp Quân không quá tổn thương và buồn bã, nhưng vẫn hiểu được sự thiếu sót của mình
– Câu b: giúp Hòa không bị xấu hổ và giúp Loan vừa góp ý được cho bạn, vừa giữ được phép lịch sự
Bài 6: Sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh để thay đối các câu sau:
a) Chiếc khăn len này được đan thật xấu.
b) Con chó đã chết rồi.
c) Không khí ở đây thật khó chịu.
Trả lời:
a) Chiếc khăn len này được đan thật xấu. → Chiếc khăn len này được đan chưa khéo lắm.
b) Con chó đã chết rồi. → Con chó đã ra đi rồi.
c) Không khí ở đây thật khó chịu. → Không khí ở đây không thoải mái.
***
Trên đây là nội dung bài học Nói giảm nói tránh là gì? Tác dụng của nói giảm nói tránh do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập
- Chi tiết hoặc hình ảnh nào trong văn bản đã để lại trong em những ấn tượng sâu đậm? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) ghi lại ấn tượng ấy lớp 8 (7 Mẫu)
- Trong truyện có nhiều đoạn văn mang tính triết lí về cuộc sống, con người. Em thích nhất đoạn văn nào? Vì sao? lớp 8 (2 Mẫu)
- Tóm tắt truyện Lão Hạc trong khoảng 10-15 dòng lớp 8 (24 Mẫu)
- Việc tái hiện sự khác nhau trong cách nhìn những bức tranh liên quan chặt chẽ đến ý nghĩa của đoạn trích. Em có đồng ý với nhận xét này không? Vì sao? (Trình bày thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng) lớp 8 (3 Mẫu)
- Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) nêu ý kiến của em về hiện tượng sử dụng biệt ngữ xã hội trên mạng xã hội hiện nay lớp 8 (6 Mẫu)
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là một trong những biểu hiện của lòng yêu nước. Viết một đoạn văn khoảng sáu câu, nêu một số việc mà em đã hoàn thành tốt và lí giải vì sao những việc đó có thể thể hiện lòng yêu nước của em lớp 8 (6 Mẫu)