Học Tập

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3

Viết về mẹ là bài viết mang đến vô số cảm xúc cho chúng ta, nhân ngày đặc biệt 8/3 mỗi chúng ta hãy viết gì đó về mẹ, cảm nghĩ về mẹ hay những kỷ niệm sâu sắc khiến bạn chẳng thể nào quên.

9 mẫu bài viết về mẹ dưới đây sẽ giúp bạn có thể ý tưởng cho bài viết về mẹ, mỗi ý tưởng sẽ mang đến những cảm xúc khác nhau nhưng chắc chắn sẽ đều là thứ cảm xúc thiêng liêng mà không ai có thể thay thế. Trong lá thư gửi mẹ nhân ngày 8/3 đã sẽ có những câu viết vô cùng ý nghĩa vậy bạn có thể mang cảm xúc đó để viết một bài viết cảm nghĩ về mẹ thân yêu nhân ngày Quốc tế phụ nữ Việt Nam 8/3.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 1

3 tuổi: “Con yêu mẹ, mẹ ơi!”.
10 tuổi: “Vâng, gì cũng được.”.
16 tuổi: “mẹ mình thật là lắm chuyện”
18 tuổi: “Tôi muốn rời khỏi căn nhà này.”
25 tuổi: Mẹ ơi.! Mẹ nói đúng.
30 tuổi: Mẹ ơi! Con muốn về nhà với mẹ.
50 tuổi: Mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con mẹ ơi…
70 tuổi: Tôi muốn từ bỏ tất cả để có mẹ bên cạnh”

Bạn đang xem: Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3

Mỗi chúng ta chỉ có một người mẹ mà thôi, mẹ của chúng ta là người mẹ vĩ đại nhất, sẵn sàng hi sinh tất cả để cho chúng ta sự sống. Và tôi cũng thế, mẹ của tôi là người tuyệt vời nhất trên đời.

Có thể người ngoài nhìn vào và bật cười vì con làm quá chỉ giỏi viết trên mạng xã hội chứ ngoài đời chả dám nói chỉ giỏi nói suông. Nhưng con cũng mặc, điều con hạnh phúc hiện tại đó là mẹ vẫn còn bên cạnh con để con được nói lời cảm ơn mẹ. Vì đã sinh ra con vất vả nuôi con ăn học, mặc cho sức khỏe bản thân.

Chỉ tiếc rằng con phải xa nhà, xa mẹ chắc 8/3 này mẹ buồn lắm khi con không về cạnh mẹ được. Không nấu cho mẹ món ngon tự tay con nấu, không tặng cho mẹ được món quà nào ý nghĩa hay thậm chí chẳng phụ mẹ được việc nhà. Điều con có thể làm lúc này chỉ có thể là điện thoại cho mẹ một cuộc điện thoại ngắn ngủi. Tuy có buồn, có khóc nhưng con sẽ cố giấu đi không để mẹ phải buồn vì con đâu mẹ ạ. Chỉ cần con được nghe thấy tiếng mẹ cười, mẹ trò chuyện quan tâm con là đủ rồi.

Con trai của mẹ giờ đã lớn rồi, đã biết tự lo cho mình nhiều hơn, đôi khi còn vụng về chuyện nấu ăn nhưng mẹ đã nói: “chưa thử sao biết là không làm được hả con” Đôi lúc công việc bận bịu nhưng mẹ vẫn hay hỏi thăm con “cơm chưa có mệt không?”. Tuy chỉ những câu hỏi đơn giản nhưng con hạnh phúc lắm mẹ à. Vì ít ra con còn có mẹ để sẻ chia, quan tâm và an ủi con lúc con mất phương hướng thì mẹ là người giúp con xác định lại được.

Con giờ đây không mong gì hơn là mẹ sẽ vẫn khỏe và sẽ ở bên con vậy là được. Để khi đi đâu xa con vẫn có một nơi gọi là nhà và được gặp mẹ kêu tiếng “mẹ ơi” với con vậy là đủ rồi bao cực khổ của mẹ giờ đây hãy để con thay mẹ, mẹ hãy an tâm mẹ nhé ! Con yêu mẹ nhiều mẹ của con.

Cảm ơn mẹ đã sinh ra con và nuôi con khôn lớn cảm ơn mẹ vì mẹ luôn là người chịu nhiều vất vả vì chúng con cảm ơn mẹ vì mẹ là người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho chúng con và gia đình. 8/3 con không có gì hơn ngoài lời chúc cho mẹ luôn vui vẻ khoẻ mạnh, luôn là điểm tựa vững chắc cho chúng con người phụ nữ tuyệt vời nhất của đời con, cảm ơn mẹ vì tất cả.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 2

“Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”.

Thật vậy, lòng mẹ cao cả vô cùng, mẹ thương con mình bằng cả một khoảng trời, mẹ chăm sóc con từ khi thai nghén đến khi trưởng thành, suốt chặng đường đời hình ảnh người mẹ sẽ theo xuyên suốt người con, là biển bờ vững chãi cho con nương tựa. Khi cuộc sống bên ngoài khiến con mỏi mệt thì người mẹ sẽ luôn dang rộng vòng tay chào đón con trở về và khi con mắc những sai lầm trong cuộc sống mẹ là người che chở và mẹ người bao bọc cho con. Và mẹ tôi cũng vậy!

Chị em chúng tôi chưa bao giờ được/bị dạy: “mẹ đã sinh ra ta, vất vả nuôi nấng ta, nên ta PHẢI nhớ công ơn sinh thành, PHẢI đền đáp công ơn…”, nhưng chị em chúng tôi cảm nhận được tình yêu của mẹ, và hiểu rằng “Ông Trời” không thể dõi theo chúng ta ở khắp mọi nơi, vì vậy ông tạo ra người mẹ. Chúng tôi yêu mẹ vì chúng tôi cảm nhận được tình mẹ từ khi mới ra đời, chứ không phải vì lý thuyết giáo điều kia.

Mẹ chẳng bao giờ kể lể về những hy sinh mẹ dành cho chúng tôi, lúc nào mẹ cũng nói “mẹ vui lắm, mẹ sướng nhất…” Mẹ hay nhắc đến câu nói của bà ngoại “khi con làm một việc tốt cho ai đó, con hãy quên nó đi, nhưng khi con có lỗi thì con hãy nghĩ kỹ về nó”. Có lẽ vì thế mà mẹ luôn vui tươi thậm chí có thể nói là hồn nhiên, chẳng mất thời gian trách móc những kẻ vô ơn bao giờ.

Mẹ ơi! Mẹ đã bao gian nan trải qua 9 tháng 10 ngày để sinh hạ ra con. Rồi mẹ lại chăm bẵm cho con từng chút, từng chút một để con trở thành một người con ngoan và biết vâng lời cha mẹ. Mẹ đã dạy con phải biết thương yêu người khác, phải biết tự chăm lo cho bản thân mình khi lớn lên. Mẹ đã dạy con rất nhiều, nhiều lắm mẹ ơi. Những lời dạy của mẹ con đều khắc cốt ghi tâm. Con xin lỗi khi con đã nói dối mẹ. Mẹ đã nuôi nấng con qua bao năm để con nên người. Vậy mà đến ngày hôm nay con mới có dịp đền đáp công ơn của mẹ! Mẹ ơi, ngày nay, con chúc mẹ hạnh phúc với gia đình, mãi trẻ đẹp để nuôi dưỡng con, chỉ bảo cho con trong đường đời. Con mong mẹ luôn vui vẻ. Mẹ vui thì con cũng rất hạnh phúc. Mỗi nụ cười của mẹ đều làm ấm lòng con. Dù con có đi khắp phương trời, thì mỗi giây, mỗi phút con đều nghĩ về mẹ! Người mẹ hiền của con.

Mẹ là ánh sáng, là tất cả những gì tốt đẹp nhất con có. Để nuôi con khôn lớn trưởng thành, mẹ đã hi sinh mọi thứ, chấp nhận bao nhọc nhằn. Mỗi lần nhìn mái tóc điểm sương vì năm tháng của mẹ, lòng con lại quặn thắt. Từ giờ mẹ hãy nghỉ ngơi đi nhé, con sẽ chăm sóc, bù đắp cho mẹ thật nhiều.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 3

Trong 365 ngày của một năm, phụ nữ trên toàn thế giới có riêng một ngày để được xã hội quan tâm và bù đắp những thiệt thòi, vất vả trong cuộc sống.

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.

Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.

Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương “Thành đồng” hạng nhất.

Hiện nay, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%.

Vào ngày 8/3 hàng năm, những người phụ nữ trong cả nước thường được tặng hoa, tặng quà hoặc tổ chức những buổi lễ kỷ niệm để thể hiện sự quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày bù đắp cho những vất vả của những người mẹ tảo tần cho gia đình và xã hội, những người vợ đảm đang, vun vén dựng xây tổ ấm gia đình.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gửi đến những người phụ nữ Việt Nam lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực để xứng đáng tám chữ vàng Bác Hồ khen tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 4

Vậy là ngày 8/3 đã về trong niềm vui hân hoan của tất cả những người phụ nữ trên thế giới nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Là ngày của các bà, các mẹ các cô, các chị được tôn vinh, được dành tặng những bó hoa tươi thắm nhất. Là ngày mà tất cả chúng ta bày tỏ tấm lòng biết ơn, sự kính trọng của mình đến một nửa của thế giới. Hôm nay, ngày 8/3 thay mặt cho tất cả mọi người ở đây, em xin gửi đến các bà, các mẹ, các cô, các chị một lời chúc sức khỏe, chúc những người phụ nữ của chúng ta sẽ có một ngày thật vui vẻ, hạnh phúc, luôn tỏa sáng trong sự nghiệp và cuộc sống.

Cũng như tất cả mọi người ở đây, tôi cũng có mẹ, được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương, chở che của người mẹ. Hình ảnh người mẹ có lẽ đã đi sâu vào trong tiềm thức của tôi lúc nào không hay, chỉ biết rằng khi mới biết cất tiếng “ê, a” cái từ “Mẹ” đầy thiêng liêng, cao quý ấy tôi đã bi bô từ thuở nào. Nếu có ai đó hỏi tôi rằng: “Người phụ nữ nào để lại trong bạn ấn tượng nhất?” Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: “Đó chính là người mẹ kính yêu của tôi” Các bạn có thể thắc mắc rằng: ” Mẹ bạn đẹp lắm nhỉ? Mẹ bạn thành đạt lắm nhỉ” Nhưng không, mẹ tôi là một người phụ nữ hết sức bình thường, mẹ không đẹp vẻ bề ngoài nhưng lại thật hiền hậu, nết na, luôn hết mực yêu thương chồng con. Mẹ cũng không là người thành đạt, vì nhà nghèo, mẹ phải nghỉ học từ nhỏ, thấu hiểu nỗi vất vả của người thất học nên lúc nào mẹ cũng động viên tôi: “Ráng mà học cho có cái chữ nghe con! Mai này lớn lên làm người có ích cho xã hội”. Lời nói đó, tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ.

Tôi được lớn lên qua những lời ru ngọt ngào của mẹ, lời dạy bảo ân cần của cha. Mẹ luôn là người hy sinh thầm lặng cho đàn con ăn học, mẹ làm việc quần quật để cho con có miếng cơm, manh áo. Bất chợt tôi lại nhớ đến câu thơ:

“Những mùa quả mẹ có hái được
Vẫn trông vào tay mẹ vun trồng”.

Mẹ tôi là vậy đấy, người hết mực yêu thương tôi, chăm lo cho tôi, ân cần hỏi han khi tôi buồn, động viên khích lệ khi tôi làm được việc tốt. Chính vì vậy, tôi đã lớn lên trưởng thành như bây giờ, trở thành một người đội viên tốt. Đối với tôi, mẹ là người đẹp nhất và tôi muốn nói với mẹ rằng:

Trong con mẹ đẹp tuyệt vời
Đảm đang hiền hậu suốt đời thanh cao
Lung linh tựa những vì sao
Sáng ngời muôn thuở ngọt ngào thiên thu.

Vâng, mẹ chính là vì sao soi sáng cho cuộc đời con, chắp cánh cho những ước mơ của con được bay cao, bay xa. Có đôi lúc con tự hỏi rằng: “Nếu một ngày nào đó mẹ mãi rời xa thì con sẽ như thế nào?”. Mẹ ơi, bây giờ con đã tìm ra câu trả lời bởi: “Thêm một người trái đất sẽ chật hơn, nhưng thiếu mẹ, thế giới đầy nước mắt”. Vâng, con rất thương cảm cho các bạn mồ côi, thiếu vắng đi tình thương của mẹ, không được nghe những lời ru ngọt ngào, những cái hôn ấm áp. Và con cảm thấy mình thật hạnh phúc vì có mẹ!.

Có câu hát rằng: “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương”. Vâng, ngoài người mẹ ở nhà kính yêu thì con có người mẹ thứ hai đó là cô giáo, cô là người đã dạy cho con những bài học hay, giúp con trưởng thành hơn qua năm tháng.

Ngày 8/3 đã về, con xin kính chúc mẹ có một ngày thật vui vẻ và con muốn nói với mẹ rằng: “Con yêu mẹ nhiều lắm!”.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 5

Ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ đã trở thành một nét văn hoá không của riêng một quốc gia hay dân tộc nào và Việt Nam cũng không ngoại lệ, thậm chí còn đậm nét hơn với truyền thống văn hoá nông nghiệp lúa nước mà trong đó người phụ nữ giữ vai trò không kém gì người đàn ông.

Một nửa nhân loại được nhắc đến với hai từ “Phái đẹp” hay “Phái yếu”. Có thể trên thực tế, đa phần người phụ nữ yếu hơn đàn ông về thể lực, nhưng họ – những người phụ nữ đã biết dùng lợi thế là vẻ đẹp của tâm hồn và vẻ đẹp của ngoại hình, sự dịu dàng thuỳ mị để biến cái yếu đuối đó thành sức mạnh, và cũng để làm thế giới này đẹp hơn với vẻ đẹp tỏa sáng của họ. Ngạn ngữ có câu : “Sức mạnh của phụ nữ chính là sự yếu đuối” , cũng bởi là thế. Nhưng về mặt tinh thần và tình cảm thì có thể nói người phụ nữ không hề yếu đuối hơn đàn ông, mà nhiều lúc còn mạnh mẽ hơn nhiều. Người đàn ông dày dặn sương gió bôn ba khắp chốn mưu sinh nhưng tâm hồn lại rất yếu đuối và họ cần có những bờ vai, những bàn tay dịu dàng để che chở và chăm sóc lúc ốm đau, để lắng nghe và sẻ chia những khi họ gặp thất bại hay khó khăn trở ngại.

Sẽ thật thiếu sót nếu cánh đàn ông không nhắc đến những người mẹ, người vợ, người bạn gái… luôn sát cánh bên họ, gần gũi và chia sẻ tình nghĩa vợ chồng, những người có thể cho họ biết tận cùng của sự khổ đau, nhưng cũng mang đến những năm tháng thăng hoa của hạnh phúc vẹn tròn. Nhờ có phụ nữ mà cuộc sống này thêm ý nghĩa và nhờ có họ mà đàn ông mới biết thế nào là yêu và được yêu.

Và mỗi năm cứ đến ngày 8/3 hay 20/10, một nửa của thế giới, những người đã từng là mẹ là vợ, đang là mẹ là vợ và sẽ là mẹ là vợ được chúc tụng, được ngợi ca, được cám ơn, được trân trọng, dù rằng không một lời chúc, một bài ca nào có thể diễn tả hết tình cảm, công lao, sự hi sinh của phụ nữ cho thế giới này.

Ngày 8/3 hay 20/10 không chỉ là ngày dành cho những người phụ nữ thân yêu nhất của mỗi người đàn ông… mà đó còn là ngày dành cho những người bạn, người đồng nghiệp, người hàng xóm… những người mà nhờ có họ chúng ta biết rằng cuộc đời này mới thật tươi đẹp, có ý nghĩa và đáng sống biết chừng nào.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 6

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 đã cận kề, nhiều phụ nữ hân hoan trước những lời chúc mừng cùng món quà tặng ý nghĩa nhưng cũng có không ít người mẹ, người chị, người em lại thấy ngậm ngùi hoặc chưa bao giờ nghĩ tới ngày này.

Mùng 8/3, nhiều cơ quan, gia đình mở tiệc tùng, có chế độ riêng cho phụ nữ để chúc mừng, ca tụng. Nhưng đâu đó vẫn có những phụ nữ mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại đang đi bốc vác, nhặt rác, ăn xin với gánh nặng cơm áo nặng trĩu trên vai. Thậm chí, cũng có những phụ nữ trong ngày này mắt vẫn nhòe lệ vì vừa bị chồng đánh, mắng… Mấy ai trong số đó biết được ý nghĩa của ngày mà cả thế giới dành để tôn vinh họ – Ngày Quốc tế phụ nữ. Chắc cũng chẳng mấy người tạm dừng những công việc mưu sinh để tự hỏi vì sao hôm nay đường phố bán nhiều hoa, các nhà hàng đông kín khách?

Họ càng không có thời gian, tâm trí để quan tâm đến những gian hàng tưng bừng banner, áp phích giới thiệu các chương trình khuyến mãi, giảm giá ngày 8/3 nhằm thu hút khách mua hàng. Để được no cơm, đủ áo, họ đã phải gồng mình cố sức thì mơ chi đến những điều xa xỉ.

Đâu đó trên khắp dải đất hình chữ S này vẫn còn những phụ nữ bé nhỏ đang sống cuộc đời cơ cực, dẫu muốn có một ngày 8/3 trọn vẹn nhưng không bao giờ toại nguyện. Không phải người phụ nữ nào cũng có được niềm hạnh phúc rộn ràng, háo hức chờ ngày tôn vinh “một nửa thế giới”. Bởi với họ, đánh vật với những nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh thường nhật đã quá đủ mệt nhoài.

Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày phái yếu được quyền ưu tiên, được tặng hoa, tặng quà cùng những lời chúc mừng có cánh. Thế nhưng, vẫn có những người phụ nữ khi được hỏi tới chỉ biết lặng lẽ lắc đầu, hay nói một câu thật đau xót: “Chỉ mong chồng không đánh nữa, con có đủ cơm để ăn, áo ấm để mặc…”.

Thương những người tuy có gia đình đầy đủ nhưng ngày 8/3 vẫn như mọi ngày. Họ vẫn làm việc nhà, vẫn đi chợ nấu nướng cho chồng, con, không được đón nhận một lời chúc, một món quà nào.

Thương cho những người phụ nữ mà ngày 8/3 vẫn là nạn nhân của những trận đòn roi từ người chồng vũ phu. Những người phụ nữ sống ở vùng quê nghèo hồn hậu chưa từng được biết đến cảm xúc của ngày 8/3. Những mẹ, những chị luôn mải miết gánh hàng rong khắp các ngõ phố chỉ mong sao bán thật nhiều hàng. Những phụ nữ bất hạnh, mất đi chỗ tựa cuộc đời, vừa làm cha, vừa làm mẹ để lo toan, nuôi nấng con thơ. Những phụ nữ tật nguyền, những người vẫn luôn lẻ bóng không còn có điều kiện để tìm một nửa còn lại cho mình… Nhiều lắm những mảnh đời phụ nữ trái ngang mà ngày 8/3 luôn xa vời với họ.

Cầu mong cho họ có một ngày 8/3 thực sự với nhiều niềm hạnh phúc dù rằng đó chỉ là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhất. Cầu chúc cho họ những điều may mắn nhất, tốt đẹp nhất sẽ đến vì cuộc sống luôn luôn thay đổi.

Chúc cho những người phụ nữ không có 8/3 hãy sống thật hạnh phúc, an lành giữa dòng đời đầy xô bồ, tấp nập. Cuộc sống luôn thay đổi và họ sẽ có những ngày vui, ý nghĩa cho dù đó không phải là ngày 8/3.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 7

1.800 giờ là thời gian một người phụ nữ Việt Nam đã lập gia đình phải bỏ ra để thực hiện các công việc nhà nhưng không hề nhận được sự chia sẻ từ nam giới.Được biết Việt Nam là một trong số ít nước tổ chức ngày Quốc tế phụ nữ theo cách mua hoa hay những món quà để tặng cho họ. Nhưng có một điều mà người phụ nữ cần hơn một ngày 8/3.

Nguồn gốc của ngày Quốc tế Phụ nữ được ghi nhận là bắt nguồn từ cuộc biểu tình của các nữ công nhân may ở thành phố New York ngày 8/3 năm 1857 đòi quyền bầu cử, được trả lương tốt hơn, cải thiện điều kiện làm việc và làm việc ít giờ hơn. Mãi đến năm 1977, ngày này chính thức được công nhận bởi Liên hợp quốc.

Ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là nhằm đòi quyền bình đẳng cho nữ giới trên toàn cầu. Thực tế là còn nhiều nơi phụ nữ chưa được đối xử bình đẳng, họ còn chịu nhiều thiệt thòi cả về thể xác lẫn tinh thần. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, khoảng cách giữa hai giới chưa thể xóa bỏ cho tới năm 2186. Chính vì thế, ngày 8/3, phụ nữ khắp thế giới cùng nhau nỗ lực để cả thế giới công nhận những sự bất bình đẳng này, đồng thời ăn mừng những thành tựu đạt được khi vượt qua các rào cản họ vấp phải.

Ở các nước phương Tây, họ không chúc tụng và tặng hoa phụ nữ trong ngày này. Vì họ quan niệm chỉ những nơi phụ nữ cần được đối xử công bằng mới phải dành riêng một ngày cho nữ giới. Nam giới phương Tây từ nhỏ đã được dạy cần nâng niu và bảo vệ phái yếu. Vì thế họ luôn giúp đỡ và chia sẻ công việc với phụ nữ, họ coi đó là điều hiển nhiên.

Có lẽ đó là điều khác biệt giữa phương Tây và Việt Nam, khi mà lướt mạng xã hội mỗi ngày ta đều thấy không ít những vụ bạo hành, xâm hại trẻ em bị lên án. Chưa nhiều người đàn ông ý thức được rằng họ nên chia sẻ gánh nặng cuộc sống với người phụ nữ. Theo thống kê cho thấy, mỗi người phụ nữ Việt (đã lập gia đình) phải bỏ ra 1.800 tiếng mỗi năm để làm các công việc gia đình, trong khi nam giới nhiều khi lại coi đó làm điều hiển nhiên phụ nữ phải làm.

Vậy, người phụ nữ cần gì? Hơn cả 1 ngày 8/3, điều phụ nữ cần là sự sẻ chia, thấu hiểu mỗi ngày từ nam giới. Đừng để họ vất vả 364 ngày và dành ra chỉ 1 ngày nâng niu họ, điều đó là vô nghĩa.

Người phụ nữ hiện đại luôn ý thức về sự độc lập trong cuộc sống, họ khao khát làm chủ cuộc sống của mình. Nhưng dù độc lập hay mạnh mẽ đến đâu thì phái yếu vẫn cần nhận được những sự nâng niu, trân trọng từ nửa còn lại của thế giới.

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 8

Từ khi chào đời, cất tiếng khóc đầu tiên, mỗi chúng ta đều được vòng tay âu yếm của cha mẹ che chở cho đến khi trưởng thành. Đối với tôi, gia đình là trên hết. Cha mẹ luôn quan tâm chăm sóc và bảo vệ tôi. Nhưng có lẽ người luôn luôn dành tình cảm cho tôi nhiều nhất mãi chỉ có một. Đó chính là người mẹ kính yêu của tôi.

“Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.”

Trong cuộc đời này, có ai lại không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào, có ai lại không được chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè oi ả. Và trong cuộc đời này, có ai yêu con bằng mẹ, có ai suốt đời vì con giống mẹ, có ai sẵn sàng sẻ chia ngọt bùi cùng con như mẹ.

Với tôi cũng vậy, mẹ là người quan tâm đến tôi nhất và cũng là người mà tôi yêu thương và mang ơn nhất trên đời này. Tôi vẫn thường nghĩ rằng mẹ tôi không đẹp. Không đẹp vì không có cái nước da trắng, khuôn mặt tròn phúc hậu hay đôi mắt long lanh… mà mẹ chỉ có khuôn mặt gầy gò, rám nắng, vầng trán cao, những nếp nhăn của cái tuổi 40, của bao âu lo trong đời in hằn trên khóe mắt. Nhưng bố tôi bảo mẹ đẹp hơn những phụ nữ khác ở cái vẻ đẹp trí tuệ. Đúng vậy, mẹ tôi thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát lắm. Trên cương vị của một người lãnh đạo, ai cũng nghĩ mẹ là người lạnh lùng, nghiêm khắc. có những lúc tôi cũng nghĩ vậy. nhưng khi ngồi bên mẹ, bàn tay mẹ âu yếm vuốt tóc tôi, mọi ý nghĩ đó tan biến hết. Tôi có cảm giác lâng lâng, xao xuyến khó tả, cảm giác như chưa bao giờ tôi được nhận nhiều yêu thương đến thế. Dường như một dòng yêu thương mãnh liệt qua bàn tay mẹ truyền vào sâu trái tim tôi, qua ánh mắt, đôi môi trìu mến, qua nụ cười ngọt ngào, … qua tất cả những gì của mẹ. tình yêu ấy chỉ khi người ta gần bên mẹ lâu rồi mới cảm thấy được thôi. Từ nhỏ đến lớn, tôi đón nhận tình yêu vô hạn của mẹ như một ân huệ, một điều đương nhiên.

Trong con mắt một đứa trẻ, mẹ sinh ra là để chăm sóc con. Chưa bao giờ tôi tư đặt câu hỏi: Tại sao mẹ chấp nhận hy sinh vô điều kiện vì con?. Mẹ tốt, rất tốt với tôi nhưng có lúc tôi nghĩ mẹ thật quá đáng, thật… ác. Đã bao lần, mẹ mắng tôi, tôi đã khóc. Khóc vì uất ức, cay đắng chứ đâu khóc vì hối hận. Rồi cho đến một lần… Tôi đi học về, thấy mẹ đang đọc trộm nhật ký của mình. Tôi tức lắm, giằng ngay cuốn nhật ký từ tay mẹ và hét to: “Sao mẹ quá đáng thế! Đây là bí mật của con, mẹ không có quyền động vào. Mẹ ác lắm, con không cần mẹ nữa! ” Cứ tưởng, tôi sẽ ăn một cái tát đau điếng. Nhưng không mẹ chỉ lặng người, hai gò má tái nhợt, Khóe mắt rưng rưng. Có gì đó khiến tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ.

Tôi chạy vội vào phòng, khóa cửa mặc cho bố cứ gọi mãi ở ngoài. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm, ướt đẫm chiếc gối nhỏ. Đêm càng về khuya, tôi thao thức, trằn trọc. Có cái cảm giác thiếu vắng, hụt hẫng mà tôi không sao tránh được. Tôi đã tự an ủi mình bằng cách tôi đang sống trong một thế giới không có mẹ, không phải học hành, sẽ rất hạnh phúc. Nhưng đó đâu lấp đầy được cái khoảng trống trong đầu tôi. Phải chăng tôi thấy hối hận? Phải chăng tôi đang thèm khát yêu thương? …

Suy nghĩ miên man làm tôi thiếp đi dần dần. Trong cơn mơ màng, tôi cảm thấy như có một bàn tay ấm áp, khẽ chạm vào tóc tôi, kéo chăn cho tôi. Đúng rồi tôi đang mong chờ cái cảm giác ấy, cảm giác ngọt ngào đầy yêu thương. Tôi chìm đắm trong giây phút dịu dàng ấy, cố nhắm nghiền mắt vì sợ nếu mở mắt, cảm giác đó sẽ bay mất, xa mãi vào hư vô và trước mắt ta chỉ là một khoảng không thực tại. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cảm thấy căn nhà sao mà u buồn thế. Có cái gì đó thiếu đi. Sáng đó, tôi phải ăn bánh mì, không có cơm trắng như mọi ngày. Tôi đánh bạo, hỏi bố xem mẹ đã đi đâu. Bố tôi bảo mẹ bị bệnh, phải nằm viện một tuần liền. Cảm giác buồn tủi đã bao trùm lên cái khối óc bé nhỏ của tôi. Mẹ nằm viện rồi ai sẽ nấu cơm, ai giặt giũ, ai tâm sự với tôi? Tôi hối hận quá, chỉ vì nóng giận quá mà đã làm tan vỡ hạnh phúc của ngôi nhà nhỏ này. Tại tôi mà mẹ ốm. Cả tuần ấy, tôi rất buồn. Nhà cửa thiếu nụ cười của mẹ sao mà cô độc thế. Bữa nào tôi cũng phải ăn cơm ngoài, không có mẹ thì lấy ai nấu những món tôi thích. Ôi sao tôi nhớ đến thế những món rau luộc, thịt hầm của mẹ quá luôn.

Sau một tuần, mẹ về nhà, tôi là người ra đón mẹ đầu tiên. Vừa thấy tôi, mẹ đã chạy đến ôm chặt tôi. Mẹ khóc, nói: “Mẹ xin lỗi con, mẹ không nên xem bí mật của con. Con … con tha thứ cho mẹ, nghe con.” Tôi xúc động nghẹn ngào, nước mắt tuôn ướt đẫm. Tôi chỉ muốn nói: “Mẹ ơi lỗi tại con, tại con hư, tất cả tại con mà thôi. ” . Nhưng sao những lời ấy khó nói đến thế. Tôi đã ôm mẹ, khóc thật nhiều. Chao ôi! Sau cái tuần ấy tôi mới thấy mẹ quan trọng đến nhường nào. Hằng ngày, mẹ bù đầu với công việc mà sao mẹ như có phép thần. Sáng sớm, khi còn tối trời, mẹ đã lo cơm nước cho bố con. Rồi tối về, mẹ lại nấu bao nhiêu món ngon ơi là ngon. Những món ăn ấy nào phải cao sang gì đâu. Chỉ là bữa cơm bình dân thôi nhưng chứa chan nỗi niềm yêu thương vô hạn của mẹ. Bố con tôi như những chú chim non đón nhận từng giọt yêu thương ngọt ngào từ mẹ. Những bữa nào không có mẹ, bố con tôi hò nhau làm việc toáng cả lên. Mẹ còn giặt giũ, quét tước nhà cửa… việc nào cũng chăm chỉ hết. Mẹ đã cho tôi tất cả nhưng tôi chưa báo đáp được gì cho mẹ. Kể cả những lời yêu thương tôi cũng chưa nói bao giờ. Đã bao lần tôi trằn trọc, lấy hết can đảm để nói với mẹ nhưng rồi lại thôi, chỉ muốn nói rằng: Mẹ ơi, bây giờ con lớn rồi, con mới thấy yêu mẹ, cần mẹ biết bao. Con đã biết yêu thương, nghe lời mẹ. Khi con mắc lỗi, mẹ nghiêm khắc nhắc nhở, con không còn giận dỗi nữa, con chỉ cúi đầu nhận lỗi và hứa sẽ không bao giờ phạm phải nữa. Khi con vui hay buồn, con đều nói với mẹ để được mẹ vỗ về chia sẻ bằng bàn tay âu yếm, đôi mắt dịu dàng. Mẹ không chỉ là mẹ của con mà là bạn, là chị… là tất cả của con. Con lớn lên rồi mới thấy mình thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên để uốn nắn, nhắc nhở. Có mẹ giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu ăn cho gia đình.

Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. Mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm để nói lên ba tiếng: “Con yêu mẹ! ” thôi cũng được. Nhưng con đâu dũng cảm, con chỉ điệu đà ủy mị chứ đâu được nghiêm khắc như mẹ. Con viết những lời này, dòng này mong mẹ hiểu lòng con hơn. Mẹ đừng nghĩ có khi con chống đối lại mẹ là vì con không thích mẹ. Con mãi yêu mẹ, vui khi có mẹ, buồn khi mẹ gặp điều không may. mẹ là cả cuộc đời của con nên con chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu con, chăm sóc con, an ủi con, bảo ban con và để con được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này. Tình cảm ấy đã nuôi dưỡng bao con người trưởng thành, dạy dỗ bao con người khôn lớn. Chính mẹ là người đã mang đến cho con thứ tình cảm ấy. Vì vậy, con luôn yêu thương mẹ, mong được lớn nhanh để phụng dưỡng mẹ. Và con muốn nói với mẹ rằng: “Con dù lớn vẫn là con mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con. ”

Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 – Mẫu 9

Mỗi lần sắp đến ngày 8/3 tôi lại được nghe những chương trình chuyên đề về ngày lễ này cùng những buổi hội họp nhằm tôn vinh phụ nữ.

Đây là ngày lễ Quốc tế phụ nữ, ở nước ngoài thì không biết như thế nào, nhưng ở Việt Nam người ta thường hô hào thanh niên, nam giới phải đặc biệt chú trọng đến mẹ, đến vợ mình trong ngày lễ kỷ niệm này.

Hãy dành cho họ những món quà thật dễ thương, hãy chia sẻ với họ công việc nhà hôm đó để họ rảnh rang tung tăng đây đó.

Một ngày lễ thật ý nghĩa dùng để bày tỏ sự biết ơn của chồng, của con, với những người vợ, người mẹ luôn nhọc nhằn trong công việc vì họ. . . những cô gái chưa chồng cũng được ăn theo vì là phụ nữ, và được người yêu chăm sóc cẩn thận hơn, ưu ái hơn mặc dù trước đó họ vẫn được chăm sóc vì là “người yêu”.

Nói về vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình: Thật là vất vả! Nếu như ngày trước, người chồng đi làm kiếm tiền chi tiêu trong gia đình, người vợ ở nhà chăm sóc con cái, bếp núc giặt giũ. Và công việc ấy được đặt tên là nội trợ. Hai từ nội trợ nghe nó đơn giản làm sao nhưng công việc thì không đơn giản chút nào.

Cứ mỗi sáng ra người vợ phải quét dọn nhà cửa, cẩn thận thì cũng phải hơn một tiếng, nếu có con thì lại phải vừa làm vừa chăm con, chợ búa nấu nướng là hết một buổi sáng để có buổi cơm trưa cho gia đình. Khi tất cả đã ăn uống xong xuôi, mọi người nghỉ ngơi, người phụ nữ phải dọn dẹp. Khi cả nhà đi khỏi, người phụ nữ lại lao vào công việc giặt giũ, ủi đồ. Và lại bước vào buổi cơm chiều. Và rồi lại dọn dẹp….

Người chồng đi làm về cảm thấy căn nhà tươm tất, mát mẻ sạch sẽ, nhưng có lẽ không nghĩ cho tới mức là vợ mình phải mất bao nhiêu công sức mới có sự sạch sẽ nầy. Với cảm giác là một chủ gia đình, người chồng có cảm tưởng mình phải được phục dịch tận gốc, tận rễ. Đọc tờ báo phải có ly cà phê kế bên. Lên mâm cơm phải có sẵn ly nước uống, và tất cả đều phải đầy đủ, nếu thiếu là sẽ cau mày gắt gỏng.

Để có một bữa ăn nóng sốt cho gia đình người vợ luôn chực chờ hâm nóng thức ăn trước khi chồng con sắp sửa về nhà. Ở đây chỉ đề cập đến những người đàn ông mẫu mực; nếu đi xa hơn nữa, với những người đàn ông xem vợ mình như là một nô lệ, một thuộc quyền mà nhất cử nhất động đều phải nhìn theo ý chồng thì vấn đề còn nặng nề hơn nữa.

Người phụ nữ trong gia đình này có một cuộc sống cam chịu, và không bao giờ tìm thấy thoải mái hoặc hạnh phúc trong cuộc sống chung.

Ban đầu vợ chồng yêu nhau rồi cưới nhau, nhưng sau đó vì sự bình yên trong gia đình, người phụ nữ phải bỏ hết những sở thích riêng tư, những ước vọng riêng. Khi có con, người phụ nữ là người phải gánh hết những nhọc nhằn khi nuôi trẻ, và khi con trẻ lớn lên, người phụ nữ cũng là người phải dõi theo hoạt động của con để cho nó nên người.

Nói như thế người phụ nữ trong gia đình là một lao công quét dọn, một bà bếp chợ búa nấu nướng, một người bồi giặt giũ ủi là, một vú em nuôi trẻ, một cô giáo dạy học, một nhà tâm lý quản trò….

Và trong xã hội hiện tại, nhu cầu cuộc sống cao, một mình người chồng đi làm không đủ giải quyết mọi chi phí, hoặc có đủ cũng không dư để phòng khi đau ốm, bất trắc. Người vợ cũng phải đi làm. Công việc làm của người phụ nữ ở sở cũng không kém phần khó nhọc, thế nhưng khi tan sở về nhà, người phụ nữ lại phải hoàn tất hết bao nhiêu công việc của một ngày mà người phụ nữ ngày xưa phải làm. Ngẫm nghĩ sự chịu đựng của người phụ nữ ngày nay rất cao. Với áp lực của công việc ở sở, với yêu cầu của gia đình, với bổn phận của một người vợ, người mẹ, họ thật là quá tài.

Họ cần gì, một món quà cho ngày 8 tháng 3?

Một ngày thong dong bát phố để chồng gánh vác công việc?

Một lời cảm ơn của đứa con?

Để họ cảm thấy đời vui hơn?

Và đấy là hệ quả của ngày kỷ niệm này mang đến?

Tôi không nghĩ là như vậy! Đối với tôi, ngày 8 tháng 3 là ngày nhắc nhở cho các đấng mày râu biết rằng: Phụ nữ không phải là một sinh vật nhỏ bé được thượng đế sinh ra để phục vụ cánh đàn ông. Mà phụ nữ là một người như mình có những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm riêng, có công việc độc lập cần được tôn trọng, cũng như cần được chia sẻ …

Tốt biết bao nhiêu khi hàng ngày, sau khi rời sở người đàn ông biết chia sẻ với vợ công việc nhà. Thay gì tắm rửa ngồi lên bàn cơm chờ dọn, thì hãy xuống bếp bưng phụ vợ thức ăn. Thay gì nói sao nhà tắm bẩn quá? Thì hãy giúp dọn dẹp. Thay vì la cà ngoài phố với bạn thì về nhà sớm để thức ăn không phải hâm lại, ôi người vợ hạnh phúc dường bao.

Cả những đứa con cũng vậy. Nếu đứa con ý thức được rằng người mẹ tốt của mình vô cùng vất vả, thì hàng ngày hãy giơ tay ra phụ giúp mẹ mình, những công việc tuy nhỏ nhặt như dẹp một món đồ vứt bừa bãi, rửa một chậu bát, bưng một ly nước cho mẹ lúc mẹ mình nhọc mệt, tôi nghĩ đó là đã hiểu được ý nghĩa của ngày 8 tháng ba.

Trên đây là nội dung bài viết Cảm nghĩ về mẹ ngày 8/3 được đăng trong chuyên mục Học Tập

Đăng bởi: THCS Bình Chánh

Rate this post

Trường THCS Bình Chánh

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button