Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 28 Chân trời sáng tạo: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật | Giải KHTN 7
Mời các em theo dõi nội dung bài học do thầy cô trường Trung học Bình Chánh biên soạn sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức nội dung bài học tốt hơn.
Giải bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 28: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật
Mở đầu trang 128 Bài 28 KHTN lớp 7: Tại sao nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, cây ăn quả,…) không được tưới nước đầy đủ sẽ héo dần, thậm chí sẽ chết?
Trả lời:
Nước có vai trò quan trọng đối với sự sống của các sinh vật nói chung và thực vật nói riêng: Nước là thành phần chủ yếu tham gia cấu tạo nên tế bào và cơ thể sinh vật, là dung môi hòa tan và vận chuyển các chất, làm nguyên liệu và môi trường cho các phản ứng chuyển hóa các chất trong cơ thể, giúp điều hòa thân nhiệt,… Bởi vậy, nếu thiếu nước, cấu trúc và tất cả các hoạt động sinh lí của cơ thể sinh vật đều bị ảnh hưởng. Bởi vậy, nhiều loại cây trồng (lúa, ngô, cây ăn quả,…) không được tưới nước đầy đủ sẽ héo dần, thậm chí sẽ chết.
1. Vai trò của nước đối với cơ thể sinh vật
Câu hỏi thảo luận 1 trang 128 KHTN lớp 7: Em hãy cho biết nước có những tính chất gì.
Trả lời:
Tính chất của nước:
– Là chất lỏng, không màu, không mùi, không vị, không có hình dạng nhất định.
– Sôi ở 100oC và đông đặc ở 0oC.
– Có tính phân cực nên có khả năng hòa tan nhiều chất nhưng không hòa tan được dầu, mỡ,…
– Có tính dẫn điện và dẫn nhiệt tốt.
– Có khả năng kết hợp với các chất hóa học để tạo thành nhiều hợp chất khác nhau.
Câu hỏi thảo luận 2 trang 128 KHTN lớp 7: Quan sát Hình 28.1, em hãy mô tả cấu trúc của phân tử nước.
Trả lời:
Mỗi phân tử nước được cấu tạo từ một nguyên tử oxygen và hai nguyên tử hydrogen liên kết với nhau bằng liên kết cộng hóa trị.
Câu hỏi thảo luận 3 trang 128 KHTN lớp 7: Em có nhận xét gì về sự phân bố của các electron trong phân tử nước?
Trả lời:
Sự phân bố của các electron trong phân tử nước: Trong phân tử nước, các liên kết cộng hóa trị có xu hướng bị lệch về phía oxygen do nguyên tử oxygen có khả năng hút các electron mạnh hơn.
Câu hỏi thảo luận 4 trang 128 KHTN lớp 7: Cho biết tính chất của phân tử nước. Vì sao phân tử nước có tính chất đó?
Trả lời:
– Tính chất của phân tử nước: Nước có tính chất phân cực.
– Giải thích tính phân cực của nước: Phân tử nước có tính chất phân cực do nguyên tử oxygen có khả năng hút electron mạnh hơn nên các electron dùng chung trong liên kết cộng hóa trị có xu hướng bị lệch về phía oxygen, dẫn đến phân tử nước có hai đầu tích điện trái dấu (đầu oxygen của phân tử nước tích điện âm một phần, còn đầu hydrogen tích điện dương một phần).
Luyện tập trang 128 KHTN lớp 7: Tại sao nước có thể làm dung môi hòa tan nhiều chất?
Trả lời:
Phân tử nước có tính chất phân cực (đầu oxygen của phân tử nước tích điện âm một phần, còn đầu hydrogen tích điện dương một phần) khiến cho các phân tử nước có thể liên kết với nhau và liên kết với các phân tử phân cực khác. Nhờ đó, nước trở thành dung môi hòa tan nhiều chất.
Câu hỏi thảo luận 5 trang 129 KHTN lớp 7: Nước có những vai trò gì đối với sinh vật? Cho ví dụ?
Trả lời:
Vai trò của nước |
Ví dụ |
Là thành phần chủ yếu cấu tạo nên tế bào cơ thể sinh vật |
Đối với cơ thể con người nước chiếm 70 % ở lúc sơ sinh và giảm xuống còn 60 % khi trưởng thành, 85 % khối lượng bộ não được cấu tạo từ nước. |
Là dung môi hòa tan và vận chuyển các chất |
Quá trình vận chuyển các chất trong thân cây luôn có sự tham gia của nước |
Là nguyên liệu và môi trường diễn ra các phản ứng chuyển hóa |
Nước là nguyên liệu và là môi trường tham gia quá trình quang hợp ở thực vật |
Tham gia điều hòa thân nhiệt |
Khi trời nóng, việc toát mồ hôi sẽ làm giảm thân nhiệt. |
Là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật |
Cá, cua, tôm, trai sông, mực, sứa,… đều thích nghi với môi trường sống dưới nước. |
Câu hỏi thảo luận 6 trang 129 KHTN lớp 7: Em hãy kể tên một số loài sinh vật sống trong môi trường nước?
Trả lời:
Một số loài sinh vật sống trong môi trường nước: Hoa sen, hoa súng, rong biển, cá heo, bạch tuộc, rùa biển, cá chép, ốc, cua, tôm, trai sông,…
Câu hỏi thảo luận 7 trang 129 KHTN lớp 7: Điều gì sẽ xảy ra đối với cơ thể sinh vật khi thiếu nước kéo dài? Giải thích?
Trả lời:
Khi thiếu nước kéo dài, cấu trúc tế bào bị ảnh hưởng đồng thời quá trình chuyển hóa các chất trong tế bào cũng bị chậm do thiếu nguyên liệu và môi trường cho các phản ứng hóa học. Điều này khiến cơ thể không duy trì được các hoạt động sống và chết.
Luyện tập trang 129 KHTN lớp 7: Tại sao khi cơ thể đang ra mồ hôi, nếu có gió thổi ta sẽ có cảm giác mát hơn?
Trả lời:
Khi có gió thổi, nước trong mồ hôi sẽ bay hơi nhanh và mang theo nhiệt cơ thể đang tỏa ra dẫn đến giảm nhiệt độ bề mặt cơ thể nên sẽ có cảm giác mát mẻ.
Vận dụng trang 129 KHTN lớp 7: Tại sao khi bị nôn, sốt cao, tiêu chảy, chúng ta cần phải bổ sung nước bằng cách uống dung dịch oresol?
Trả lời:
Khi bị nôn, sốt cao, tiêu chảy, chúng ta cần phải bổ sung nước bằng cách uống dung dịch oresol vì:
– Khi bị nôn, sốt cao, tiêu chảy sẽ làm cho cơ thể bị mất đi một lượng lớn nước và các chất điện giải (muối khoáng). Mà nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể, thiếu nước sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể. Bởi vậy, trong các trường hợp này, cần bổ sung nước và chất điện giải kịp thời.
– Oresol là dung dịch có thành phần chủ yếu là nước và các chất điện giải. Bởi vậy, uống oresol trong các trường hợp này sẽ giúp bù nước và điện giải cho cơ thể kịp thời, giúp các hoạt động sống của cơ thể được diễn ra bình thường.
2. Vai trò của các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật
Câu hỏi thảo luận 8 trang 129 KHTN lớp 7: Chất dinh dưỡng là gì? Sinh vật có thể lấy chất dinh dưỡng từ những nguồn nào?
Trả lời:
– Chất dinh dưỡng là các chất hóa học được cơ thể sinh vật hấp thụ từ môi trường bên ngoài (thức ăn, phân bón,…), có vai trò cung cấp nguyên liệu cấu tạo nên tế bào, tham gia các phản ứng hóa học trong tế bào và cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống, sinh trưởng và phát triển của cơ thể sinh vật.
– Động vật có thể lấy chất dinh dưỡng từ môi trường qua thức ăn; còn thực vật có thể lấy chất dinh dưỡng từ đất, phân bón,…
Câu hỏi thảo luận 9 trang 129 KHTN lớp 7: Ở sinh vật, các chất dinh dưỡng được chia thành những nhóm nào? Dựa vào đâu để chia thành các nhóm đó?
Trả lời:
Phân loại các nhóm chất dinh dưỡng:
– Ở động vật: Các chất dinh dưỡng được chia thành 4 nhóm dựa vào bản chất hóa học cơ thể là: carbohydrate (chất đường bột), lipid (chất béo), protein (chất đạm), vitamin và chất khoáng. Trong đó, carbohydrate, lipid, protein là các chất cung cấp năng lượng; còn vitamin và chất khoáng là các chất không cung cấp năng lượng cho cơ thể.
– Ở thực vật: Các chất dinh dưỡng là muối khoáng, được chia thành 2 nhóm lớn: nhóm có tỉ lệ lớn (C, H, O, N, P,…); nhóm có tỉ lệ nhỏ (Fe, Zn, Cu, Mo,…).
Câu hỏi thảo luận 10 trang 129 KHTN lớp 7: Chất dinh dưỡng có những vai trò gì đối với cơ thể sinh vật?
Trả lời:
Vai trò của các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật: Cung cấp nguyên liệu cấu tạo nên các thành phần của tế bào, giúp cơ thể sinh trưởng và phát triển; cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của sinh vật; tham gia điều hòa các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.
Luyện tập trang 130 KHTN lớp 7: Tại sao chúng ta cần phải ăn nhiều loại thức ăn khác nhau?
Trả lời:
– Mỗi loại thức ăn chứa một số loại chất dinh dưỡng nhất định.
– Cơ thể người cần đủ lượng và đủ loại chất dinh dưỡng cần thiết để cung cấp nguyên liệu cấu tạo nên các thành phần của tế bào, giúp cơ thể sinh trưởng và phát triển, cung cấp đủ năng lượng, tham gia điều hòa các hoạt động sống của tế bào và cơ thể.
→ Chúng ta cần ăn nhiều loại thức ăn khác nhau để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể, không thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng nào.
Bài tập (trang 130)
Bài 1 trang 130 KHTN lớp 7: Hình bên mô tả ba người A, B, C đang ở các mức cân nặng khác nhau. Trong đó, người B có mức cân nặng bình thường. Quan sát hình và trả lời các câu hỏi sau:
a) Hình ảnh của người A và người C đang thể hiện vấn đề gì?
b) Theo em, vấn đề đó có thể xuất phát từ những nguyên nhân nào?
c) Để khắc phục được vấn đề trên, chúng ta cần có những biện pháp nào?
Trả lời:
a) Người A bị suy dinh dưỡng; người C bị béo phì.
b)
– Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng: khẩu phần ăn thiếu các chất dinh dưỡng, khả năng hấp thụ của hệ tiêu hóa kém, thói quen ăn uống không khoa học,…
– Nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì: do di truyền, thói quen ăn uống không khoa học như ăn nhiều loại thức ăn chế biến sẵn (nhiều chất béo, đường), lười vận động,…
c) Biện pháp khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì:
– Xây dựng chế độ ăn khoa học, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, loại trừ các thực phẩm gây thừa cân.
– Xây dựng môi trường vận động cho trẻ.
– Tạo tâm lí lạc quan, vui vẻ.
– Khám sức khỏe định kì để có biện pháp chữa trị, phòng chống thích hợp.
Bài 2 trang 130 KHTN lớp 7: Nước là một yếu tố điều tiết nhiệt độ môi trường vì chúng có khả năng hấp thụ một lượng nhiệt tương đối lớn từ không khí khi môi trường quá nóng hoặc thải nhiệt dự trữ ra không khí khi môi trường quá lạnh cho phép các cơ thể sống có thể thích nghi với sự thay đổi của nhiệt độ môi trường.
Dựa vào thông tin trên, hãy trả lời các câu hỏi sau:
a) Tại sao môi trường nước có nhiệt độ ổn định hơn so với môi trường trên cạn?
b) Khi nghe dự báo thời tiết sắp trở nên giá rét, những người nông dân thường tưới nước cho cây trồng vào buổi sáng khi có ánh nắng mặt trời. Việc làm này giúp ích gì cho cây?
Trả lời:
a) Nước có khả năng dẫn nhiệt tốt: có khả năng hấp thụ nhiệt khi trời nóng hoặc thải nhiệt dự trữ khi trời lạnh. Nhờ đó, nhiệt độ môi trường nước được giữ ổn định hơn so với môi trường trên cạn.
b) Tác dụng của việc khi nghe dự báo thời tiết sắp trở nên giá rét, những người nông dân thường tưới nước cho cây trồng vào buổi sáng khi có ánh nắng mặt trời:
– Nhờ khả năng dẫn nhiệt, nước hấp thụ được nhiệt từ không khí khi trời nắng và dự trữ lại rồi khi nhiệt độ xuống thấp, nước sẽ tỏa nhiệt giúp làm ấm cây.
– Ngoài ra, việc cung cấp đủ nước giúp cây hoạt động sinh lí bình thường cũng là một biện pháp giúp cây tăng cường khả năng chống rét. Đồng thời, những ngày có sương muối giá buốt dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua.
Xem thêm lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 26: Thực hành về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt
Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật
Bài 29: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật
Bài 30: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở động vật
Bài 31: Thực hành chứng minh thân vận chuyển nước và lá thoát hơi nước
Đăng bởi: THCS Bình Chánh
Chuyên mục: Khoa học tự nhiên 7 Chân trời sáng tạo
- Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 1 Chân trời sáng tạo: Phương pháp và kĩ năng học tập môn Khoa học tự nhiên | Giải KHTN 7
- Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 2 Chân trời sáng tạo: Nguyên tử | Giải KHTN 7
- Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 3 Chân trời sáng tạo: Nguyên tố hóa học | Giải KHTN 7
- Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 4 Chân trời sáng tạo: Sơ lược bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học | Giải KHTN 7
- Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 5 Chân trời sáng tạo: Phân tử – Đơn chất – Hợp chất | Giải KHTN 7
- Giải Khoa học tự nhiên 7 Bài 6 Chân trời sáng tạo: Giới thiệu về liên kết hóa học | Giải KHTN 7