KHTN 6 Bài 20 Chân trời sáng tạo: Các cấp độ tổ chức trong cơ thể đa bào | Giải Khoa học tự nhiên 6
Mời các em theo dõi nội dung bài học do thầy cô trường Trung học Bình Chánh biên soạn sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức nội dung bài học tốt hơn.
Giải KHTN 6 Bài 20: Các cấp độ tổ chức trong cơ thể đa bào
Giải KHTN 6 trang 94
Bạn đang xem: KHTN 6 Bài 20 Chân trời sáng tạo: Các cấp độ tổ chức trong cơ thể đa bào | Giải Khoa học tự nhiên 6
Mở đầu trang 94 KHTN 6:
Ở cơ thể đơn bào, mỗi tế bào là một cơ thể. Vậy với cơ thể đa bào, các tế bào có sự phối hợp hoạt động với nhau như thế nào để tạo thành cơ thể sống?
Lời giải:
Các tế bào sẽ tập hợp với nhau để làm nên tảng xây dựng nên các cấp tổ chức cao hơn, từ đó phối hợp với nhau để tạo thành cơ thể sống.
Câu hỏi thảo luận 1 trang 94 KHTN 6: Quan sát hình 20.1, 20.2 và trả lời các câu hỏi: Hãy cho biết mối quan hệ từ tế bào đến mô.
Lời giải:
Mối quan hệ từ tế bào đến mô:
– Quan sát hình ta thấy:
+ Nhiều tế bào biểu bì lá tập hợp lại với nhau tạo thành mô biểu bì lá.
+ Nhiều tế bào nhu mô lá tập hợp lại với nhau tạo thành mô mềm lá.
+ Nhiều tế bào cơ dạ dày tập hợp lại với nhau tạo thành mô cơ dạ dày.
+ Nhiều tế bào biểu bì dạ dày tập hợp lại với nhau tạo thành mô biểu bì dạ dày.
– Từ đó, rút ra mối quan hệ từ tế bào đến mô: Tế bào là cấp độ tổ chức thấp hơn để hình thàn nên cấp độ tổ chức cao hơn là mô → Các tế bào giống nhau (về cả hình dạng, cấu tạo và chức năng) tập hợp lại để tạo thành mô.
Câu hỏi thảo luận 2 trang 94 KHTN 6: Quan sát hình 20.1, 20.2 và trả lời các câu hỏi: Nhận xét về hình dạng và cấu tạo tế bào hình thành nên mỗi loại mô.
Lời giải:
Nhận xét về hình dạng và cấu tạo tế bào hình thành nên mỗi loại mô: Các tế bào trong mỗi loại mô đều có hình dạng và cấu tạo giống nhau.
Câu hỏi thảo luận 3 trang 94 KHTN 6: Quan sát hình 20.1, 20.2 và trả lời các câu hỏi: Hãy dự đoán chức năng của các tế bào trong một mô.
Lời giải:
Các tế bào trong cùng một loại mô có chức năng giống nhau.
Luyện tập 1 trang 94 KHTN 6: Cơ thể người được cấu tạo từ những loại mô nào? Cho ví dụ.
Lời giải:
– Cơ thể người được cấu tạo từ 4 loại mô chính bao gồm: mô biểu bì, mô liên kết, mô cơ, mô thần kinh.
– Ví dụ:
+ Mô biểu bì: mô biểu bì ở da, mô biểu bì ở dạ dày,…
+ Mô liên kết: mô mỡ, mô sụn ở khớp, mô xương, mô sợi,…
+ Mô cơ: mô cơ tim cấu tạo nên thành tim, mô cơ vân gắn với xương tạo nên sự vận động, mô cơ trơn trong thành các nội quan như dạ dày, ruột, mạch máu, bóng đái,…
+ Mô thần kinh: mô thần trung ương nằm trong não bộ và tủy sống,…
Giải KHTN 6 trang 95
Câu hỏi thảo luận 4 trang 95 KHTN 6: Quan sát hình 20.3a và cho biết lá cây được cấu tạo từ những loại mô nào?
Lời giải:
Lá cây được cấu tạo từ một số loại mô như: mô biểu bì, mô cơ bản (gồm mô giậu và mô mềm), mô dẫn.
Câu hỏi thảo luận 5 trang 95 KHTN 6: Quan sát hình 20.3b và cho biết dạ dày được cấu tạo từ những loại mô nào?
Lời giải:
Dạ dày được cấu tạo từ một số loại mô như: mô cơ, mô biểu bì, mô liên kết, mô thần kinh.
Câu hỏi thảo luận 6 trang 95 KHTN 6: Mô và cơ quan có mối liên hệ với nhau như thế nào?
Lời giải:
Mối quan hệ giữa mô và cơ quan: Mô là cấp độ tổ chức thấp hơn để hình thành nên cấp độ tổ chức cao hơn là cơ quan → Cơ quan là tập hợp của nhiều mô cùng thực hiện một chức năng trong cơ thể.
Luyện tập 2 trang 95 KHTN 6: Hãy kể tên một số cơ quan trong cơ thể và cho biết tim được cấu tạo từ những loại mô nào?
Lời giải:
– Một số cơ quan trong cơ thể con người là: dạ dày, tim, gan, thận, mật, ruột non, ruột già, mắt, tai,…
– Tim được cấu tạo từ các loại mô là: mô liên kết cấu tạo nên màng ngoài tim, mô cơ tim cấu tạo nên thành tim, mô biểu bì cấu tạo nên màng trong tim.
Giải KHTN 6 trang 96
Câu hỏi thảo luận 7 trang 96 KHTN 6: Quan sát hình 20.4, 20.5 và trả lời câu hỏi: Cho biết các hệ cơ quan cấu tạo nên cây cà chua.
Lời giải:
Các hệ cơ quan cấu tạo nên cây cà chua là hệ chồi và hệ rễ.
Câu hỏi thảo luận 8 trang 96 KHTN 6: Quan sát hình 20.4, 20.5 và trả lời câu hỏi: Gọi tên các cơ quan cấu tạo nên hệ chồi tương ứng với các số từ (1) đến (4) trong hình và nêu chức năng của mỗi cơ quan này.
Lời giải:
Các cơ quan cấu tạo nên hệ chồi:
– (1) Lá. Chức năng: Lá là cơ quan quang hợp tổng hợp chất hữu cơ cho cây, là cơ quan thoát hơi nước chủ yếu của cây. Ngoài ra, ở một số loài, lá còn có chức năng dự trữ, tự vệ hay sinh sản,…
– (2) Hoa. Chức năng: Hoa là cơ quan sinh sản của cây giúp cây ra hoa và tạo quả duy trì nòi giống.
– (3) Quả. Chức năng: Quả giúp bảo vệ và phát tán hạt.
– (4) Thân. Chức năng: Thân là bộ phận chuyển tiếp giữa gốc rễ và cành lá đảm nhiệm chức năng dẫn truyền các chất (dẫn truyền nước và muối khoáng từ rễ lên và vận chuyển các chất dinh dưỡng được tổng hợp từ lá xuống để đi nuôi cơ thể thực vật). Ngoài ra, thân cũng có thể đảm nhiệm chức năng nâng đỡ cây và có thể dự trữ chất dinh dưỡng.
Câu hỏi thảo luận 9 trang 96 KHTN 6: Quan sát hình 20.4, 20.5 và trả lời câu hỏi: Nêu chức năng của hệ rễ.
Lời giải:
Chức năng của hệ rễ:
– Hút nước và muối khoáng cho cây.
– Bám sâu vào đất làm cho cây đứng vững.
– Ở một số loài cây, rễ còn có chức năng dự trữ chất dinh dưỡng.
Câu hỏi thảo luận 10 trang 96 KHTN 6: Quan sát hình 20.4, 20.5 và trả lời câu hỏi: Hãy kể tên một số cơ quan cấu tạo nên hệ tiêu hóa ở người và gọi tên các số từ (5) đến (9).
Lời giải:
Tên các cơ quan cấu tạo nên hệ tiêu hóa:
– (5) Miệng
– (6) Thực quản
– (7) Dạ dày
– (8) Ruột già
– (9) Ruột non
Câu hỏi thảo luận 11 trang 96 KHTN 6: Quan sát hình 20.4, 20.5 và trả lời câu hỏi: Ở người có những hệ cơ quan nào? Nêu chức năng của hệ tiêu hóa.
Lời giải:
– Các hệ cơ quan ở người là: hệ vận động (gồm cơ và xương), hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ bài tiết, hệ nội tiết, hệ sinh dục.
– Hệ tiêu hóa có chức năng là biến đổi thức ăn thành các chất dinh dưỡng để cung cấp cho cơ thể đồng thời thải các sản phẩm dư thừa trong quá trình tiêu hóa ra ngoài.
Câu hỏi thảo luận 12 trang 96 KHTN 6: Quan sát hình 20.4, 20.5 và trả lời câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu trong cơ thể có một hệ cơ quan nào đó ngừng hoạt động?
Lời giải:
Cơ thể là một thể thống nhất, các hệ cơ quan có mối liên hệ mật thiết với nhau đảm bảo sự tồn tại, sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể → Nếu trong cơ thể có một hệ cơ quan ngừng hoạt động thì sự hoạt động của các cơ quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng → Gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người, thậm chí có thể gây tử vong.
Luyện tập 3 trang 96 KHTN 6:
– Điều gì sẽ xảy ra nếu cây cà chua bị mất đi hệ rễ?
– Vẽ bảng sau vào vở và hoàn thành theo mẫu sau:
Lời giải:
– Nếu cây cà chua bị mất đi hệ rễ thì cây không thực hiện hấp thụ được nước và muối khoáng → Cây bị thiếu nước và muối khoáng → Các hoạt động sống của cây không được hoạt động bình thường → Cây sẽ héo dần và chết. Ngoài ra, khi hệ rễ của cây bị mất, cây cũng không thể bám chặt xuống đất → Cây không thể đứng vững trong không gian.
– Bảng cấu tạo và chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể:
Hệ cơ quan |
Cơ quan cấu tạo nên hệ cơ quan |
Chức năng hệ cơ quan |
Hệ tiêu hóa |
Miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, hậu môn. |
Biến đổi thức ăn thành chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể, đồng thời đào thải các chất thải trong quá trình tiêu hóa ra ngoài. |
Hệ tuần hoàn |
Tim và hệ mạch (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch). |
Vận chuyển các chất dinh dưỡng và khí O2 đến các tế bào trong cơ thể; vận chuyển chất thải và CO2 từ tế bào đến các cơ quan bài tiết. |
Hệ thần kinh |
Thần kinh trung ương (não, tủy sống) và hệ thần kinh ngoại biên (hạch thần kinh và dây thần kinh) |
Tiếp nhận, xử lí thông tin và điều khiển sự hoạt động các cơ quan trả lời các kích thích của môi trường. |
Hệ hô hấp |
Mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản, phổi. |
Giúp cơ thể trao đổi khí. |
Hệ bài tiết |
Thận, ống dẫn nước tiểu, bóng đái, ống đái. |
Lọc máu để bài tiết các sản phẩm dư thừa, độc hại,… |
Giải KHTN 6 trang 97
Vận dụng trang 97 KHTN 6:
Nêu tên các cấp độ tổ chức trong cơ thể đa bào tương ứng với các số từ (1) đến (5) trong hình sau:
Lời giải:
(1) Tế bào
(2) Mô
(3) Cơ quan
(4) Hệ cơ quan
(5) Cơ thể
Bài 1 trang 97 KHTN 6: Đơn vị cấu tạo và chức năng cơ bản của mọi cơ thể sống là
A. Mô B. Tế bào C. Cơ quan D. Hệ cơ quan
Lời giải:
Đáp án B
– Đơn vị cấu tạo và chức năng cơ bản của mọi cơ thể sống là tế bào.
– Mô, cơ quan, hệ cơ quan chỉ có ở các cơ thể đa bào, không có ở các cơ thể đơn bào.
Bài 2 trang 97 KHTN 6: Trong cơ thể đa bào, tập hợp các tế bào giống nhau cùng thực hiện một chức năng nhất định được gọi là
A. Mô B. Tế bào C. Cơ quan D. Hệ cơ quan
Lời giải:
Đáp án A
– Tập hợp các tế bào giống nhau cùng thực hiện một chức năng nhất định được gọi là mô.
– Tập hợp các mô cùng thực hiện một chức năng được gọi là cơ quan.
– Tập hợp một số cơ quan cùng hoạt động để thực hiện một chức năng nhất định gọi là hệ cơ quan.
Bài 3 trang 97 KHTN 6: Kể tên các cơ quan thuộc hệ hô hấp ở người và cho biết mối liên hệ về chức năng của các cơ quan.
Lời giải:
– Các cơ quan thuộc hệ hô hấp ở người: Đường dẫn khí (mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản) và phổi.
– Mối quan hệ về chức năng của các cơ quan thuộc hệ hô hấp:
+ Đường dẫn khí (mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản) có chức năng vận chuyển đi vào phổi khi hít vào và vận chuyển khí từ phổi ra ngoài môi trường khi thở ra.
+ Phổi là bề mặt trao đổi khí giữa môi trường và cơ thể giúp cung cấp O2 cho máu đưa đến các tế bào và đào thải khí CO2 từ tế bào theo máu đưa đến phổi ra ngoài môi trường.
→ Các cơ quan thuộc hệ hô hấp có mối quan hệ chức năng chặt chẽ với nhau: Các cơ quan trong đường dẫn khí giúp đảm bảo sự thông khí ở phổi tạo điều kiện cho sự trao đổi khí ở phổi diễn ra. Còn sự trao đổi khí ở phổi tạo động lực cho sự dẫn khí ở đường dẫn khí diễn ra.
Bài 4 trang 97 KHTN 6: Khi em tập thể dục, những cơ quan và hệ cơ quan nào trong cơ thể cùng phối hợp hoạt động?
Lời giải:
– Khi tập thể dục, những cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể cùng phối hợp hoạt động là: hệ vận động, hệ thần kinh, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ bài tiết.
– Cụ thể: Khi tập thể dục, hệ vận động (cơ và xương) hoạt động với cường độ mạnh kéo theo các hệ cơ quan, hệ cơ quan khác cũng tăng cường hoạt động để phối hợp: tim đập nhanh và mạnh hơn, mạch máu dãn, thở nhanh và sâu hơn, mồ hôi tiết nhiều hơn,… Sự phối hợp của các cơ quan, hệ cơ quan được điều khiển bởi hệ thần kinh.
Xem thêm lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 6 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 21: Thực hành quan sát sinh vật
Bài 22: Phân loại thế giới sống
Bài 23: Thực hành xây dựng khóa lưỡng phân
Bài 24: Virus
Bài 25: Vi khuẩn
Đăng bởi: THCS Bình Chánh
Chuyên mục: KHTN 6 Chân trời sáng tạo
- KHTN 6 Bài 1 Chân trời sáng tạo: Giới thiệu về khoa học tự nhiên | Giải Khoa học tự nhiên 6
- KHTN 6 Bài 2 Chân trời sáng tạo: Các lĩnh vực chủ yếu của khoa học tự nhiên | Giải Khoa học tự nhiên 6
- KHTN 6 Bài 3 Chân trời sáng tạo: Quy định an toàn trong phòng thực hành. Giới thiệu một số dụng cụ đo | Giải Khoa học tự nhiên 6
- KHTN 6 Bài 4 Chân trời sáng tạo: Đo chiều dài | Giải Khoa học tự nhiên 6
- KHTN 6 Bài 5 Chân trời sáng tạo: Đo khối lượng | Giải Khoa học tự nhiên 6
- KHTN 6 Bài 6 Chân trời sáng tạo: Đo thời gian | Giải Khoa học tự nhiên 6