Lịch sử 7 Bài 14 Cánh diều: Công cuộc xây dựng đất nước thời Lý (1009-1225) | Soạn Sử 7
Mời các em theo dõi nội dung bài học do thầy cô trường Trung học Bình Chánh biên soạn sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức nội dung bài học tốt hơn.
Giải bài tập Lịch sử 7 Bài 14: Công cuộc xây dựng đất nước thời Lý (1009-1225)
Bạn đang xem: Lịch sử 7 Bài 14 Cánh diều: Công cuộc xây dựng đất nước thời Lý (1009-1225) | Soạn Sử 7
Câu hỏi mở đầu trang 47 Bài 14 Lịch Sử lớp 7: Sáng 17/8/2004, tại vườn hoa Chí Linh bên hổ Hoàn Kiếm, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã khởi công xây dựng tượng vua Lý Thái Tổ, người có công thành lập nhà Lý, khai sáng kinh thành Thăng Long và nền văn minh Đại Việt.
Vậy nhà Lý được thành lập trong hoàn cành nào? Sự kiện Lý Công Uẩn dời đô có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc? Nét nổi bật về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục thời Lý ra sao?
Trả lời:
– Sự thành lập:
+ Năm 1005, Lê Hoàn mất, Lê Long Đĩnh lên ngôi vua, là một ông vua tàn bạo nên trong triều ai cũng căm phẫn.
+ Cuối năm 1009, Lê Long Đĩnh qua đời, các tăng sư và đại thần đứng đầu là sư Vạn Hạnh, Đào Cam Mộc đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi. Nhà Lý thành lập.
– Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô về Đại La, đổi tên thành là Thăng Long, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Lý Công Uẩn và tạo đà cho sự phát triển của đất nước.
– Những nét chính về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục thời Lý:
+ Chính trị: được tổ chức hoàn chỉnh chặt chẽ từ Trung ương, xuống địa phương; ban hành bộ luật Hình thư; củng cố phát triển quân đội,…
+ Kinh tế: nhà nước quan tâm chăm lo phát triển kinh tế.
+ Xã hội có sự phân hóa thành giai cấp thống trị và giai cấp bị trị.
+ Đạt được nhiều thành tựu văn hóa trên các lĩnh vực: tư tưởng – tôn giáo; văn học; nghệ thuật…
1. Sự thành lập nhà Lý
Câu hỏi trang 47 Lịch Sử lớp 7: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát hình 14.1, hãy trình bày sự thành lập nhà Lý và đánh giá sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La.
Trả lời:
– Sự thành lập:
+ Cuối năm 1009, vua Lê Long Đĩnh mất, các đại thần và tăng quan trong triều đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Nhà Lý được thành lập, đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình).
+ Năm 1010, Lý Công Uẩn đặt niên hiệu là Thuận Thiên và quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên Đại La thành Thăng Long (nay là Hà Nội).
– Đánh giá sự kiện rời đô: Năm 1010, Lý Công Uẩn đặt niên hiệu là Thuận Thiên, dời đô về Đại La (nay là Hà Nội). Sự kiện này đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của vua Lý Công Uẩn và tạo đà cho sự phát triển của đất nước sau này. Vì:
+ Địa thế của Thăng Long rất thuận lợi về giao thông và phát triển đất nước lâu dài.
+ Trong khi đó Hoa Lư (Ninh Bình) là vùng đất chật hẹp, nhiều núi đá, hạn chế sự phát triển lâu dài của đất nước.
2. Tình hình chính trị
Câu hỏi trang 48 Lịch Sử lớp 7: Đọc thông tin và quan sát sơ đồ 14.1, hãy mô tả những nét chính về tình hình chính trị thời Lý.
Trả lời:
– Năm 1054, đổi tên nước thành Đại Việt.
– Tổ chức bộ máy nhà nước được xây dựng và được hoàn thiện dần từ trung ương đến địa phương.
+ Ở trung ương: Vua đứng đầu đất nước, nắm mọi quyền hành. Dưới vua là quan đại thần và bộ máy quan lại (gồm: quan văn, quan võ và các cơ quan điều hành, cơ quan chuyên môn).
+ Ở địa phương: cả nước chia thành các lộ/ phủ (ở đồng bằng), châu/ trại (ở miền núi); dưới lộ/ phủ/ châu/ trại là huyện/ hương, giáp/ thôn.
– Luật pháp: Ban hành bộ “Hình thư”.
– Quân đội:
+ Gồm hai bộ phận: Cấm quân (bảo vệ vua, kinh thành) và quân địa phương (bảo vệ các lộ, phủ).
+ Thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, cho quân sĩ luôn phiên về quê làm ruộng, khi cần triều đình sẽ điều động, nhờ đó vừa đảm bảo an ninh, vừa đảm bảo kinh tế.
+ Lực lượng quân đội chủ yếu gồm lục quân và thủy quân, được trang bị vũ khí như giáo, mác, đao, cung, máy bắn đá…
– Đối nội: thi hành chính sách đoàn kết các dân tộc, gả công chúa và ban chức tước cho các tù trưởng miền núi.
– Đối ngoại: giữ mối quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng nhưng kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc.
3. Tình hình kinh tế
Câu hỏi trang 50 Lịch Sử lớp 7: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình từ 14.2 đến 14.4 hãy cho biết:
– Nhà Lý đã thực hiện những chính sách gì để phát triển sản xuất nông nghiệp.
– Những nét chính về thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý.
Trả lời:
Yêu cầu số 1: Chính sách phát triển nông nghiệp của nhà Lý:
– Tổ chức lễ cày Tịch điền
– Khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang
– Chú trọng công tác thủy lợi (đào đắp kênh mương, đắp đê…)
– Ban hành lệnh cấm giết mổ trâu, bò để bảo vệ sức kéo cho nông nghiệp.
Yêu cầu số 2: nét chính về thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý
– Thủ công nghiệp:
+ Các xưởng thủ công nghiệp của nhà nước chuyên sản xuất đồ dùng cho vua, hoàng tộc và các quan trong triều đình.
+ Thủ công nghiệp dân gian tiếp tục phát triển với nhiều ngành nghề, sản phẩm phong phú, tinh xảo như dệt lụa, làm đồ gốm, đồ trang sức… Tiêu biểu như tượng chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên hay chuông Quy Điền….
– Thương nghiệp:
+ Buôn bán trong và ngoài nước đều được mở rộng.
+ Thăng Long trở thành trung tâm thủ công nghiệp và thương nghiệp của Đại Việt, ngoài ra còn lập nên thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) để trao đổi, buôn bán với nước ngoài.
4. Tình hình xã hội
Câu hỏi trang 50 Lịch Sử lớp 7: Đọc thông tin và quan sát hình 14.2 hãy mô tả về đời sống xã hội thời Lý.
Trả lời:
– Xã hội chia thành 2 giai cấp giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị.
+ Giai cấp thống trị bao gồm vua, quý tộc và quan lại.
+ Giai cấp bị trị gồm: nông dân, thợ thủ công, thương nhân, nô tì. Trong đó: nông ân chiếm đa số,là lực lượng sản xuất chính trong xã hội; nô tì là tầng lớp thấp kém nhất, chủ yếu phục vụ trong cung điện và gia đình quan lại, quý tộc.
– Mâu thuẫn xã hội thời Lý chưa gay gắt, quan hệ giữa các giai cấp vẫn hài hòa.
5. Thành tựu giáo dục và văn hóa
Câu hỏi trang 51 Lịch Sử lớp 7: Đọc thông tin và quan sát các hình từ 14.5 đến 14.7 hãy:
– Giới thiệu một số thành tựu giáo dục thời Lý.
– Nêu một số thành tựu văn hóa chủ yếu thời Lý.
Trả lời:
Yêu cầu số 1: Thành tựu giáo dục thời Lý
– Năm 1070, nhà Lý xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long.
– Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên.
– Năm 1076, vua Lý Nhân Tông mở Quốc Tử Giám để dạy học cho các hoàng tử, công chúa sau đó mở rộng cho con em quý tộc, quan lại, người học giỏi trong nước đến học tập.
Yêu cầu số 2: một số thành tựu văn hóa chủ yếu thời Lý
– Tôn giáo:
+ Đạo Phật thịnh hành, được đông đảo quý tộc, quan lại và nhân dân tin theo.
+ Nhiều nhà sư được coi trọng và giữ vai trò lớn trong đời sống chính trị, như: sư Vạn Hạnh, sư Nguyễn Minh Không…
– Văn học chữ Hán bước đầu phát triển với nhiều thể loại thơ, ca, tản văn… Tiêu biểu là: Chiếu dời đô (Lý Công Uẩn), Thị đệ tử (Thiền sư Vạn Hạnh), Nam quốc sơn hà (khuyết danh)…
– Các loại hình nghệ thuật dân gian như: chèo, múa rối, đá cầu, đua vật,… phát triển.
– Kiến trúc, điêu khắc đạt nhiều thành tựu, tiêu biểu như tháp Báo Thiên tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền, Liên Hoa Đài…
Luyện tập & Vận dụng
Luyện tập 1 trang 51 Lịch Sử lớp 7: Trình bày những nét chính về chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa thời Lý.
Trả lời:
– Tình hình chính trị thời Lý:
+ Năm 1054, đổi tên nước thành Đại Việt.
+ Bộ máy nhà nước được xây dựng và hoàn thiện dần từ trung ương đến địa phương.
+ Ban hành bộ “Hình thư”.
+ Quân đội: gồm hai bộ phận: Cấm quân và quân địa phương; thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”; lực lượng quân đội chủ yếu gồm lục quân và thủy quân.
+ Đối nội: thi hành chính sách đoàn kết các dân tộc, gả công chúa và ban chức tước cho các tù trưởng miền núi.
+ Đối ngoại: giữ mối quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng nhưng kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc.
– Tình hình kinh tế thời Lý
+ Nông nghiệp được nhà nước chăm lo thông qua các chính sách: chia ruộng đất cho nông dân; chăm lo thủy lợi; cấm giết mổ trâu, bò…
+ Thủ công nghiệp phát triển với trình độ cao.
+ Thương nghiệp: việc buôn bán trong và ngoài nước được mở mang hơn trước.
– Tình hình văn hóa – giáo dục
+ Văn học chữ Hán bước đầu phát triển với nhiều thể loại thơ, ca, tản văn…
+ Đạo Phật thịnh hành, được đông đảo quý tộc, quan lại và nhân dân tin theo.
+ Các loại hình nghệ thuật dân gian như: chèo, múa rối, đá cầu, đua vật,… phát triển.
+ Kiến trúc, điêu khắc đạt nhiều thành tựu.
+ Nhà Lý đã quan tâm đến giáo dục, khoa cử, song chế độ thi cử chưa quy củ.
Luyện tập 2 trang 51 Lịch Sử lớp 7: Sưu tầm tư liệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám để giới thiệu với thầy cô và các bạn cùng lớp.
Trả lời:
– Theo tư liệu lịch sử, năm 1070, Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa tế tự và cho Hoàng thái tử đến học. Năm 1076, triều đình lại cho lập Quốc Tử Giám. Năm 1253 (đời Trần), đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Tử viện. Đến đời Lê (năm 1483), đổi tên Quốc Tử viện thành Thái Học đường. Thời Nguyễn, khu vực này được đổi thành Văn Miếu Hà Nội.
– Trong lịch sử, di tích là nơi thờ Thánh Nho (Khổng Tử), Chu Công, tứ phối, thất thập nhị hiền, Chu Văn An và là trường Quốc Học đào tạo trí thức Nho học của nước ta từ thời Lý đến thời Lê; đồng thời cũng là nơi dựng bia “đề danh” (hiện còn 82 bia) những tiến sĩ đã đỗ đạt trong các kỳ thi tiến sĩ từ thời Lý đến thời Lê, trong đó có nhiều danh nhân trong lịch sử nước ta.
– Trải qua thời gian gần 1000 năm, các công trình kiến trúc của di tích có sự thay đổi nhất định. Hiện nay, di tích còn bảo tồn được một số hạng mục kiến trúc thời Lê và thời Nguyễn. Khu nhà Thái Học mới được Nhà nước đầu tư phục dựng năm 1999- 2000.
– Dựa vào công năng kiến trúc, có thể chia di tích thành hai khu vực chính: Văn Miếu – nơi thờ tự tiên Nho, và Quốc Tử Giám – trường đào tạo trí thức Nho học.
1. Văn Miếu
– Văn Miếu được xây dựng trên khu đất hình chữ nhật (dài 300m, rộng 70m), xung quanh là tường gạch vồ, gồm các hạng mục sau:
+ Hồ Văn: ở trước mặt Văn Miếu, có diện tích 12.297m2. Trước đây, giữa hồ có gò Kim Châu, trên dựng một phương đình – “Phán Thuỷ đình”, là nơi diễn ra các buổi bình thơ của Nho sĩ. Nay phương đình đã mất, trên gò vẫn còn tấm bia dựng năm Tự Đức 18 (1865) ghi lại việc tu sửa Văn Miếu.
+ Nghi môn ngoại (tứ trụ): được xây bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn, đỉnh trụ đặt hai tượng nghê chầu, hai trụ ngoài thấp hơn, đỉnh trụ đắp hình chim phượng, đuôi chụm vào nhau, 4 đầu quay về 4 hướng, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán. Hai bên nghi môn có 2 bia “Hạ mã” (xuống ngựa). Đây cũng là cột mốc ranh giới hiện nay của di tích.
+ Nghi môn nội: được xây 2 tầng, gồm 3 cửa cuốn vòm. Trên cửa chính nghi môn nội đề 3 chữ “Văn Miếu môn”, tầng dưới to, có cầu thang lên tầng 2, tầng trên thu nhỏ, xung quanh có hành lang rộng, 4 mặt có lan can. Kiến trúc tầng 2 giống như một nghi môn 2 tầng, 8 mái, mở 3 cửa cuốn, không có cánh cửa, trên bờ nóc đắp nổi đôi rồng chầu mặt nguyệt.
+ Cửa Đại Trung (Đại Trung môn): gồm 3 gian, kết cấu ba hàng chân cột, dựng trên nền gạch cao, mái lợp ngói, hai bên có 2 cửa nhỏ (“Thành Đức môn” và “Đại Tài môn”).
+ Khuê Văn các: là một lầu vuông, gồm 2 tầng, 8 mái, dựng năm 1805, trên một nền vuông lát gạch Bát Tràng. Phía dưới là 4 trụ gạch, 4 phía để trống, bên trên là kiến trúc gỗ, có sàn gỗ, mái lợp ngói, 4 mặt bưng ván gỗ, mỗi phía trổ một cửa tròn, có các con tiện tượng trưng cho các tia của sao Khuê toả sáng. Phía trên treo biển đề “Khuê Văn các” (chữ Hán), cùng hệ thống câu đối. Hai bên Khuê Văn các có 2 cửa nhỏ (“Bí văn môn” và “Súc văn môn”).
+ Hai dãy nhà bia tiến sĩ: gồm 82 bia tiến sĩ (được dựng từ năm 1484 đến năm 1780) của 82 khoa thi – từ khoa thi Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo 3 (1442) đến khoa thi năm 1779. Nội dung bia ghi tên, quê quán, khoa thi của 1305 vị đỗ đại khoa. Hai dãy nhà bia mới được dựng lại năm 1994, gồm 8 nhà che bia, sắp xếp bia tiến sĩ mỗi bên bốn dãy, mỗi nhà đặt 10 bia. Hai tấm bia ghi nội dung khoa thi năm 1442 và 1448 được đặt vào giữa hai toà Bi đình. Các nhà bia được dựng theo kiểu nhà có mái đao, lợp ngói mũi hài, kết cấu vì kèo “giá chiêng”, nền lát gạch bát. Bia Văn Miếu được dựng vào 3 đợt chính: niên hiệu Hồng Đức 15 (1484) dựng 10 bia; niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653) dựng 25 bia; niên hiệu Vĩnh Thịnh 13 (1717) dựng 21 bia. Ngoài ra, các bia còn lại đều được dựng cùng niên đại với khoa thi hoặc sau khoa thi một năm. Các tấm bia đều được khắc bằng loại đá được khai thác tại núi An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá (hiện nay vẫn còn 1 tấm bia ghi lại việc lấy đá ở vùng này khắc 25 bia Văn Miếu vào năm 1653).
+ Cửa Đại Thành (Đại Thành môn): hai bên cửa có 2 cửa nhỏ (Kim Thanh và Ngọc Chấn). Cửa Đại Thành gồm 3 gian, kiến trúc 3 hàng chân cột, với 2 hàng cột hiên và một hàng cột giữa đỡ xà nóc, ba gian đều được lắp cửa 2 cánh, chính giữa treo bức hoành phi đề 3 chữ “Đại Thành môn”.
+ Đại bái: gồm 9 gian, 6 hàng chân cột, giữa bờ nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Gian giữa kê một hương án, là nơi xưa kia xuân, thu nhị kỳ vua cùng hoàng thân và các quan lại đến tế Khổng Tử. Đại bái xây trên nền cao hơn mặt sân 30 cm, xung quanh nền bó vỉa gạch, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì kết cấu kiểu “chồng rường, cốn kẻ chồng, bẩy hiên”, nền lát gạch Bát Tràng. Trang trí trên kiến trúc tập trung ở các bẩy hiên, chạm hình hoa lá cách điệu.
+ Điện Đại thành: xây song song với toà Đại bái, được nối với nhau bằng một phương đình, gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian, 4 gian đầu hồi có cửa chấn song cố định. Chính giữa có khám và ngai lớn, đặt trên bệ xây gạch, trên có bài vị “Đại Thành chí thánh tiên sư Khổng tử” – nay đã bị mất, chỉ còn lại ngai và khám.
+ Hai dãy nhà tả, hữu vu: mỗi dãy 9 gian, dựng trên nền cao, phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, đầu Nguyễn, nền bó vỉa gạch, lát gạch bát, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường”.
2. Quốc Tử Giám
– Quốc Tử Giám xưa ở phía sau khu Văn Miếu, có giảng đường, khu nhà dành cho học sinh, kho chứa ván (gỗ) khắc in sách. Khi Quốc Tử Giám chuyển vào Huế thì khu vực này trở thành khu Khải Thánh, nơi thờ cha mẹ Khổng Tử. Hai bên tòa Khải Thánh là tả, hữu vu, giữa là một sân rộng. Hiện nay, kiến trúc khu vực này gồm các hạng mục:
+ Tả, hữu vu: xây chạy dọc hai bên sân, mỗi dãy 9 gian kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, kết cấu vì kèo kiểu “chồng rường”, nền lát gạch bát.
+ Nhà Thái học: được dựng lại năm 1998 – 2000, gồm hai nếp nhà có kết cấu liên hoàn, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì đỡ mái kiểu “chồng rường, cốn chồng kẻ, bẩy hiên”, nền lát gạch bát. Cung thờ phía sau xây kiểu mái chồng diêm, lợp ngói mũi hài, kết cấu bộ vì kiểu “giá chiêng chồng rường”, nền lát gạch Bát Tràng. Tầng dưới Nhà Thái học trưng bày hiện vật, hình ảnh giới thiệu về di tích, tầng trên là nơi thờ các vị vua: Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông.
+ Ngoài ra, trong khu Văn Miếu còn có một miếu thờ thổ thần và điện thờ Mẫu. Tại di tích hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học, như hệ thống đồ thờ tự, tượng thờ, cổ vật, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản tư liệu thế giới”.
* Các giá trị của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Từ góc nhìn lịch sử và di sản văn hóa, có thể nhận thấy, di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám bao hàm các mặt giá trị tiêu biểu sau:
– Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Trường Quốc học đầu tiên ở nước ta, đã đào tạo được nhiều thế hệ hiền tài từ thời Lý đến thời Lê – những người đã có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học “kết tinh” trong di tích là “tấm gương” phản chiếu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, coi trọng hiền tài của dân tộc ta trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Trong số các di tích gắn với Nho học ở nước ta, đây là một di tích Nho học tiêu biểu, có giá trị cao về mặt kiến trúc – nghệ thuật và thẩm mỹ.
– Di tích lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý, đặc biệt là 82 bia tiến sĩ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản tư liệu thế giới”.
– Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách, đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển về mọi mặt của thủ đô cũng như của cả nước.
– Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Văn Miếu- Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia; ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt.
Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo
Vận dụng 3 trang 51 Lịch Sử lớp 7: Hãy viết một đoạn văn ngắn đánh giá về công lao của Lý Công Uẩn đối với dân tộc.
Trả lời:
Gợi ý:
– Lý Công Uẩn là vị vua sáng lập ra nhà Lý.
– Năm 1010, Lý Công Uẩn đặt niên hiệu là Thuận Thiên, dời đô về Đại La (nay là Hà Nội), đổi tên thành là Thăng Long, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng và tạo đà cho sự phát triển của đất nước sau này.
– Ông là vị vua hiền từ lo cho dân cho nước, với nhiều chính sách sáng suốt trên các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, văn hóa.
Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo.
Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử lớp 7 Cánh Diều hay, chi tiết khác:
Bài 15: Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của nhà Lý (1075-1077)
Bài 16: Công cuộc xây dựng đất nước thời Trần (1226-1400)
Bài 17: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên của nhà Trần (thế kỉ XIII)
Bài 18: Nhà Hồ và cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược (1400-1407)
Bài 19: Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427)
Xem thêm tài liệu Lịch sử lớp 7 Cánh Diều hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 14: Công cuộc xây dựng đất nước thời Lý (1009-1225)
Đăng bởi: THCS Bình Chánh
Chuyên mục: Lịch sử 7 Cánh Diều
- Lịch sử 7 Bài 1 Cánh diều: Quá trình hình thành và phát triển của chế độ phong kiến ở Tây Âu | Soạn Sử 7
- Lịch sử 7 Bài 2 Cánh diều: Các cuộc phát kiến địa lí từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVI | Soạn Sử 7
- Lịch sử 7 Bài 3 Cánh diều: Phong trào Văn hóa Phục hưng | Soạn Sử 7
- Lịch sử 7 Bài 4 Cánh diều: Phong trào Cải cách tôn giáo | Soạn Sử 7
- Lịch sử 7 Bài 5 Cánh diều: Sự hình thành quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Tây Âu thời trung đại | Soạn Sử 7
- Lịch sử 7 Bài 6 Cánh diều: Khái quát tiến trình lịch sử Trung Quốc | Soạn Sử 7