Mời các em theo dõi nội dung bài học về Nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go (Rabindranath Tagore) là ai do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.
Nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go (Rabindranath Tagore) là ai?
Tiểu sử
– R. Ta-go (1861-1941) tên đầy đủ là Ra-bin-đra-nát Ta-go (Ra-bin-đra-nát nghĩa là Thần Thái Dương, dịch tên ông sang Tiếng Việt là Tạ Cơ Thái Dương).
– Quê quán: sinh tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ, trong một gia đình quý tộc.
Bạn đang xem: Nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go (Rabindranath Tagore) là ai? Tiểu sử và sự nghiệp của nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go
– Tuy tài năng nhưng số phận Ta-go gặp nhiều bất hạnh.
– Ta-go làm thơ từ hồi niên thiếu và cũng tham gia các hoạt động chính trị và xã hội.
– Năm 14 tuổi ông được đăng bài thơ “Tặng hội đền tín đồ Ấn Độ giáo”.
Sự nghiệp
Các tác phẩm chính
– Ông để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà ở lĩnh vực nào ông cũng thành công suất sắc:
+ 52 tập thơ.
+ 12 bộ tiểu thuyết.
+ 42 vở kịch.
+ Hàng trăm truyện ngắn, hàng nghìn ca khúc, hàng nghìn bức hoạ…
– Năm 1913, Ta-go là người châu Á đầu tiên được nhận Giải thưởng Nô-ben về văn học với tập “Thơ Dâng” (gồm 103 bài, sáng tác từ 1890-1912 và ông tự dịch ra tiếng Anh).
Phong cách nghệ thuật
– Ta-go đem đến cho thi ca Ấn Độ một không khí thanh sảng, thiêng liêng mà gần gũi, thân tình; biểu đạt những rung động tinh tế trong tâm hồn thi sĩ trước đất nước, quê hương, thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình yêu bằng một giọng điệu nồng nàn, tha thiết.
– Thơ Ta-go cũng chứa đựng những triết lý thâm trầm về vũ trụ, con người, cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu. Chất trữ tình – triết lí hòa quyện khó mà phân cắt trong một bài thơ của Ta-go.
– Về thơ ca, những tác phẩm của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và chất trữ tình triết lí nồng đượm; sử dụng thành công những hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng, hình thức so sánh, liên tưởng vè thủ pháp trùng điệp.
Giải thưởng
Vào năm 1913, ông trở thành người Châu Á đầu tiên được trao Giải Nobel Văn học với tập “Thơ dâng”.
Ra-bin-đra-nát Ta-go, nhà thơ của tình yêu và lòng nhân ái
Sinh thời, cuối tập thơ “Người làm vườn” nhà thơ Tagore đã viết: “Hãy mở cửa và hãy nhìn ra ngoài/Bạn đọc ơi,/Bạn là ai,/mà sẽ đọc thơ tôi/một trăm năm sau nữa?” Nhưng không chỉ một trăm năm mà hàng trăm, thậm chí có thể cả nghìn năm nữa người ta sẽ còn đọc thơ ông.
Nhà thơ yêu con người
Rabindranath Tagore không chỉ là đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, ông còn là nhà thơ châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Văn học, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ và phong phú.
Rabindranath Tagore sinh ngày 7/5/1861 tại Kolkata, Ấn Độ. Ông được cả thế giới tôn vinh là một trong số ít nhân tài toàn diện của thế giới. Ông là nhà viết kịch, nhà thơ, nhạc sỹ, tiểu thuyết gia, nhà giáo dục, triết gia và nhà nhân văn học. Ông sáng tác vở kịch opera đầu tiên – Valmiki Pratibha – khi mới 20 tuổi. Ông sáng tác hơn 2.000 bài hát và sáng tạo nên Rabindra – sangeet – một thể loại âm nhạc Bengal quan trọng mang tên ông. Truyện ngắn và tiểu thuyết của ông giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Bengal. Và có lẽ ông là nhà thơ duy nhất trên thế giới đã sáng tác quốc ca cho cả hai nước: bài Amar Shonar Bangla cho Bangladesh và Jana Gana Mana cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, đóng góp xuất sắc nhất của Tagore vào sự phát triển của văn học Ấn Độ và thế giới là lĩnh vực thơ ca. Ông đã làm hơn 1.000 bài với 50 tập thơ, trong đó tập thơ “Lời dâng” (Gitanjali), một tuyển tập gồm những bài thơ về triết lý tôn giáo, được trao giải Nobel Văn học năm 1913. Với tập thơ này, ông được xem là một phát hiện của thơ ca thế kỷ, “một biểu tượng vĩ đại phối hợp trong mình hai nguồn tinh túy Á – Âu”, là “kỳ công thứ hai của tạo hóa sau Kalidasa” – nhà thơ lớn của Ấn Độ thế kỷ thứ V, trong văn học Ấn Độ.
Đối với nhiều nhà thơ Anh lúc bấy giờ, khi đọc tập thơ “Lời dâng” của Tagore, họ vô cùng kinh ngạc. Trong tập thơ, Tagore ca ngợi chúa trời nhưng đấy là chúa đời, chúa của con người, chúa của cái đẹp, chúa nằm trong từng con người bình thường. Tập thơ được đánh giá rất cao và chính các nhà thơ Anh nói rằng, hàng nghìn năm mới sinh ra một con người như vậy.
Ngoài tập thơ “Lời dâng”, Tagore còn có rất nhiều tập thơ khác có giá trị như tập thơ trữ tình “Balaca” (năm 1915), “Mùa hái quả” (năm 1915), “Thơ ngắn” (năm 1922), “Mơhua” (năm 1928) và “Ngày sinh” (năm 1941)…
Tagore đem đến cho thi ca Ấn Độ một không khí thanh sảng, thiêng liêng mà gần gũi, thân tình; biểu đạt những rung động tinh tế trong tâm hồn thi sĩ trước đất nước, quê hương, thiên nhiên, cuộc sống, con người và tình yêu bằng một giọng điệu nồng nàn, tha thiết. Mặt khác, thơ Tagore cũng chứa đựng những triết lý thâm trầm về vũ trụ, con người, cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu. Chất trữ tình – triết lí hòa quyện khó mà phân cắt trong một bài thơ của Tagore.
Điểm nổi bật thấm đẫm chất văn trong tư tưởng của Tagore chính là thái độ đề cao con người, phủ nhận thần thánh. Triết học của Tagore là triết lý nhân sinh, lấy nền tảng là tình yêu thương mãnh liệt đối với con người.
Tagore phản ánh cuộc sống khốn cùng của những người dân nô lệ với niềm cảm thông sâu sắc, đồng thời lên tiếng đấu tranh đòi tự do và cuộc sống hạnh phúc cho con người: “Hỡi các dân tộc trẻ/Hãy tuyên chiến vì tự do”.
Tagore đã từng nói, trong cuộc đời ông có 3 thứ phải theo: “Thứ nhất, tôi là người Ấn Độ, tôi theo sự thật; cái gì là sự thật, là chân lý đấy là ông chủ của tôi. Thứ hai, tôi là nhà thơ thì phải yêu cái đẹp; người phụ nữ Ấn Độ, phong cảnh Ấn Độ, tâm hồn người Ấn Độ quá đẹp nên không thể không yêu. Thứ ba, là cái thiện, nếu thiếu cái thiện, ta không phải là con người”.
Có thể nói, với Tagore, vườn đời thật tươi đẹp, được sống trên đời thực sự là niềm vui khi ở đó chứa chan tình yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.
Nhà thơ tình
Tagore còn được nhắc đến như một nhà thơ tình nổi tiếng thế giới. Nhiều tập thơ của ông xoay quanh đề tài tình yêu: “Người làm vườn” (năm 1914), “Tặng phẩm của người yêu” (năm 1918).
Thơ số 28 được in trong tập “Người làm vườn”, là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Bài thơ khẳng định: tình yêu là sự đồng điệu, hòa hợp, dâng hiến tâm hồn, chia sẻ lẫn nhau. Nhưng trái tim con người, thế giới tâm hồn con người lại mãi là một cõi bí mật lớn lao.
Vậy tại sao người ta lại ca ngợi thơ tình Tagore? Có thể lý giải được ba điều. Điều thứ nhất, ông nói được điều cốt tử nhất – vừa vui lại vừa buồn – có nghĩa là hai người tình nhân dù yêu nhau đến mấy cũng không bao giờ hiểu nhau cả. Thứ hai là, thơ của Tagore rất đề cao người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ bao giờ cũng tượng trưng cho sự hy sinh, cho sự đẹp đẽ, thầm lặng. Thứ ba là, thơ Tagore vừa ảo, vừa thực. Trong ca ngợi tình yêu ông đã vũ trụ hóa toàn bộ thơ tình của mình. Vì thế khi so sánh người yêu thì ông so sánh “mắt em như sao buổi sớm”, hay “trái tim em ôm tới cả đất trời”.
Tagore qua đời tại Calcutta vào đúng năm ông tròn 80 tuổi, để lại cho nhân loại một di sản đồ sộ gồm trên một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận cùng hàng ngàn bức vẽ và bài hát…
Thơ của Tagore giàu tinh thần nhân loại, là gạch nối giữa truyền thống văn hóa Ấn Độ và văn hóa hiện đại phương Tây. Sáng tác và hoạt động của Tagore có tác dụng rất lớn đến sự nghiệp giải phóng dân tộc Ấn. Lãnh tụ phong trào giải phóng Ấn Độ Mahatma Gandhi đã gọi ông vừa là “người thầy học vĩ đại”, vừa là “người lính gác vĩ đại” của Ấn Độ.
Nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go: Nghìn năm có một
Rabindranath Tagore (1861-1941) không chỉ là niềm tự hào của người dân Ấn Độ. Ông là nhà thơ châu Á đầu tiên được người phương Tây trao giải Nobel văn chương, là bậc kỳ tài đã để lại cho nhân loại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị về nhiều mặt.
Ở Việt Nam, bạn đọc chủ yếu mới biết đến ông với tư cách một nhà thơ, trong khi thực tế, Tagore còn là nhà tư tưởng, nhà triết học, họa sĩ, nhạc sĩ… xuất sắc (ca khúc “Chúa là linh hồn tất cả chúng sinh” ông sáng tác năm 1911 đã trở thành Quốc ca Ấn Độ từ năm 1950), và riêng với mảng văn chương, ông còn là tác giả của những tập truyện ngắn, những cuốn tiểu thuyết, những vở kịch gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả. Ông là một đại diện văn hóa tiêu biểu của Ấn Độ, được xem là “nghìn năm có một”…
Hiện tại, tuy thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh Tagore (7/5/1861) còn hơn 9 tháng nữa, song, theo như cháu gái nhà thơ – bà Sharmila Tagore – cho biết, đại gia đình bà đang vạch ra nhiều kế hoạch nhằm “quảng bá rộng rãi tác phẩm của Tagore đến công chúng Ấn Độ trong năm tới”…
Tagore sinh tại Calcutta, Ấn Độ. Ông là con út (thứ 14) trong một gia đình thuộc diện đại trí thức. Cha ông là một điền chủ, đồng thời là nhà triết học và nhà hoạt động xã hội có uy tín trong vùng. Các anh chị ông đều là những văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ngay từ nhỏ, Tagore đã được hấp thụ một nền giáo dục hoàn mỹ và bản thân ông cũng đã bộc lộ rõ tư chất của một “thần đồng”, ứng với tên gọi của ông (có nghĩa là “thiên thần ánh sáng mặt trời”). 8 tuổi Tagore đã làm thơ; 11 tuổi đã dịch được kịch “Macbeth” của Shakespeare; 13 tuổi đã có sáng tác nhạc, họa, đã đọc được sách cổ bằng tiếng Phạn. Điều lạ là thuở nhỏ, Tagore học ở trường không nhiều, thời gian chủ yếu ông học ở nhà với cha.
Năm 1878, khi Tagore vừa tròn 17 tuổi, ông được sang Anh du học. Gia đình muốn ông trở thành một luật gia. Song tại đây, thay vì học luật, Tagore dành nhiều thời gian để tìm hiểu, làm quen với văn chương và âm nhạc phương Tây. Năm 1881, về nước, ông sáng tác vở nhạc kịch đầu tiên, đồng thời cho in tập truyện “Thư của một người đi du lịch châu Âu” trong tạp chí Barati do hai người anh của ông sáng lập. Một năm sau, “Dạ khúc” – tập thơ đầu tay của Tagore ra đời, và tiếp đó là tập “Sự thức tỉnh của nguồn cội”. Cả hai tập thơ đều được Tagore viết bằng tiếng Bengali, tiếng mẹ đẻ của ông. Nói chung, thơ Tagor thời kỳ này được đánh giá là kết hợp nhuần nhuyễn giữa “đạo” và “đời”, nhưng tác giả chưa thể hiện mối quan tâm lớn đến chính trị.
Bước vào tuổi 24, Tagore lập gia đình cùng một người con gái khi ấy mới…10 tuổi, là người cùng bộ tộc và giai cấp với ông. Thời gian này, vì lý do sức khỏe, cha ông đã quyết định giao lại việc cai quản toàn bộ nhà cửa, gia sản cho ông. Trong suốt những năm sau đó, sẵn điều kiện, Tagore thỏa sức đi du lịch khắp đất nước Ấn Độ rộng lớn. Tác phẩm của ông cũng ngày càng đậm tính xã hội, nhất là ở thể loại văn xuôi. Một số tập truyện ngắn Tagore cho xuất bản trong thập niên cuối của thế kỉ XIX đã phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt của người dân Ấn Độ chống lại sự bạo quyền của những tên thực dân da trắng. Năm 1901, Tagore mở trường tư thục Santiniketan ngay tại trang ấp của gia đình ở ngoại ô Calcutta. Đối tượng học là các nam sinh có tư tưởng tự do, yêu nước.
Trong 5 năm (từ 1902 tới 1907), Tagore phải liên tiếp gánh chịu những tổn thất to lớn: Vợ, con gái, cha, rồi cậu con trai út của ông cứ thế lần lượt bỏ ông mà về bên kia thế giới. Sự mất mát ngỡ tưởng có thể làm Tagore không gượng dậy được, nhưng, nói theo cách của thi sĩ Pháp Musset, thiên tài thức dậy từ chính nỗi đau. Năm 1910, Tagore cho xuất bản bằng tiếng Bengali tập “Thơ Dâng”, rồi đích thân dịch tập thơ sang tiếng Anh và cho xuất bản ở London năm 1912. Tập thơ nhanh chóng gây tiếng vang lớn trong giới văn sĩ châu Âu, để rồi một năm sau đó, tác giả của nó được trao giải Nobel.
Xung quanh việc Tagore xuất bản tập “Thơ Dâng” và được giải Nobel cũng có lắm… chuyện kỳ. Chẳng là, trong thời gian nằm điều dưỡng tại một bệnh viện ở quê nhà, Tagore buồn tình đem tập thơ vốn dĩ viết bằng tiếng Bengali của mình dịch sang tiếng Anh. Dịch xong cũng là lúc ông ra viện và lên đường sang Anh. Thoạt đầu ông cũng chưa có ý định phải xuất bản ngay tập thơ ở Anh, nhưng một sự cố xảy ra đã khiến mọi sự vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông: Trên đường tàu điện ngầm ở London, Tagore đã sơ ý đánh rơi hộp đựng bản thảo. Tình thế buộc ông phải loan báo nhờ bạn bè tìm hộ. Mấy ngày sau, cơ quan quản lý tài sản bị mất ở London mời ông đến nhận lại hộp bản thảo. Đấy chính là cơ duyên để bạn bè Tagore, trong đó có một số nhà thơ nổi tiếng ở Anh biết tới nội dung tập thơ mới của ông. Họ đề nghị Tagore sớm cho xuất bản tập thơ (bằng tiếng Anh) để đông đảo công chúng trên thế giới được thưởng thức.
Sau khi tập “Thơ Dâng” được ấn hành với số lượng lớn và gây nên một dư chấn trong đời sống thi ca châu Âu, nhà văn Stuje Moore, một thành viên Hội Văn học Hoàng gia Anh đã giới thiệu tập thơ với Viện Hàn lâm Thụy Điển, đề nghị trao tặng tác giả giải thưởng Nobel văn học. Khi biết tin mình được trao giải thưởng danh giá, Tagore đang ở Mỹ. Không đến Thụy Điển nhận giải, ông chỉ gửi một bức điện cảm ơn ngắn: “Tôi xin chuyển tới Viện Hàn lâm Thụy Điển sự cảm kích, biết ơn của tôi về tầm nhìn rộng đã đem xa lại gần, và biến người lạ thành anh em”. Bức điện đã được ông Clive, đại biện lâm thời Anh đọc tại tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12/1913, thay cho diễn từ của tác giả. Toàn bộ số tiền nhận giải đã được Tagore tặng lại cho các học sinh của ngôi trường do ông lập ra.
Từ đây, Tagore được sùng mộ, được yêu mến và vinh danh trên khắp thế giới.
Có thể nói, bước vào thế giới thơ của Tagore, ta dễ có cảm giác ngỡ ngàng như bước vào một khu rừng thâm nghiêm, thần bí. Ở đó, cành lá ken dày và luôn phát ra những tín hiệu lạ, tỏa những hương vị lạ. Và bầu không khí thì đượm vẻ siêu thoát… Trái tim trần tục của ta bỗng dưng đập nhịp khác thường, như thể ta đang bước đi trong lãnh địa của một vị giáo sĩ đầy uy lực. Nhưng rồi, chỉ sau ít phút, khi tâm hồn đã tìm lại được sự yên tĩnh cố hữu của nó, ta bắt đầu nhận thấy quanh ta, từ thẳm sâu cành lá – văng vẳng một giai điệu trẻ trung, yêu đời, một thế giới của những sắc màu, hương thơm quen thuộc bỗng chốc mở ra, rõ ràng và bình dị…
Dân tộc Ấn Độ có câu ngạn ngữ rất hay: “Trước tình yêu, vua và dân như nhau”. Tình yêu đã không phân chia ranh giới đẳng cấp thì tình yêu cũng xóa nhòa mọi tín ngưỡng và tôn giáo… Đến với tình yêu, ta thấy Tagore cũng “người trần” như tất cả các chàng trai khác trên thế gian. Ông khao khát được yêu, mong muốn tìm được người tri âm, thậm chí là người của một thế kỷ nào đó sau khi nhà thơ đã khuất. Khi Tagore viết: “Anh không giấu em một điều gì/ Chính vì thế mà em không biết gì về anh cả” là ông rất “sâu sắc nước đời”, hiểu những điều tưởng chừng nghịch lý nhưng lại rất biện chứng của tình yêu. Và khi ông kể lại câu chuyện một cô gái đã kiên quyết gạt bỏ mọi lời tỏ tình, mọi cử chỉ âu yếm của một chàng trai, chỉ khi chàng bỏ đi thì mới giật mình thổn thức: “Ai đó, sao không trở lại?”, điều ấy chứng tỏ ông rất am hiểu tâm lý người đang yêu, đặc biệt là của các thiếu nữ. Ở đây, chúng ta có thể tin lời Ilya Erenburg: “Thanh niên Ấn Độ khi yêu nhau thường đọc thơ tình của Tagore”.
Sinh thời, Tagore từng đặt chân tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 1929, trong hành trình đi thăm một số nước châu Á, Tagore có ghé qua Sài Gòn 3 ngày. Cũng trong năm này, ông tổ chức triển lãm tranh ở Munich, New York, Paris, Moskva…Tagore được xem như biểu tượng tuyệt vời về sự kết hợp giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây.
Tagore qua đời tại Calcutta vào đúng năm ông tròn 80 tuổi, để lại một di sản đồ sộ gồm trên một nghìn bài thơ, 42 vở kịch, 12 cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tiểu luận cùng hàng ngàn bức vẽ, hàng ngàn bài hát…
Như ở đầu bài đã nói, Tagore sáng tác chủ yếu bằng tiếng mẹ đẻ rồi sau đó trực tiếp chuyển sang tiếng Anh, tuy nhiên, số tác phẩm ông dịch sang tiếng Anh cũng chỉ chiếm non nửa. Trong khi, tiếng Bengali chỉ là một thổ ngữ trong hàng trăm thổ ngữ của Ấn Độ nên đa số người Ấn Độ học vấn trung bình không đọc được thơ Tagore. Có lẽ vì thế mà ý kiến của bà Shamila Tagore – cháu gái nhà đại thi hào – là cần phải dịch các sáng tác của Tagore sang tiếng Hindi (thứ tiếng hiện được trên 40% người dân Ấn Độ sử dụng) hơn là sang tiếng Anh, là một ý kiến nghiêm túc rất cần được lưu tâm.
***
Trên đây là nội dung bài học Nhà thơ Ra-bin-đra-nát Ta-go (Rabindranath Tagore) là ai do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập
- Giải Bài 9.29 trang 81 Toán 7 tập 2 SGK Kết nối tri thức với cuộc sống
- Giải Bài 9.30 trang 81 Toán 7 tập 2 SGK Kết nối tri thức với cuộc sống
- Giải Bài 6.33 trang 21 Toán 7 tập 2 SGK Kết nối tri thức với cuộc sống
- Giải Bài 6.27 trang 20 Toán 7 tập 2 SGK Kết nối tri thức với cuộc sống
- Giải Bài 6.28 trang 20 Toán 7 tập 2 SGK Kết nối tri thức với cuộc sống
- Giải Bài 6.29 trang 20 Toán 7 tập 2 SGK Kết nối tri thức với cuộc sống