Học TậpLớp 11

Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo ngắn gọn, hay nhất (4 Mẫu)

Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo lớp 11 ngắn gọn bao gồm dàn ý chi tiết cùng 4 bài mẫu hay nhất do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp từ các bài văn đạt điểm cao trên toàn quốc. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn tham khảo để từ đó hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình

Đề bài: Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo.

Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo.
Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo.

Dàn ý Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo lớp 11

I. Mở bài

Bạn đang xem: Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo ngắn gọn, hay nhất (4 Mẫu)

– Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam.

– Chí Phèo là kiệt tác mà ở đó người ta thấy được bi kịch của những lớp người nông dân thấp cổ bé họng, có số phận bi thảm khi bị tha hóa về cả nhân hình lẫn nhân tính, cùng với đó là bức tranh nông thôn Việt Nam nghèo đói, bần cùng, xơ xác vào những năm 1940-1945. Trong truyện ngắn Chí Phèo chính là hình ảnh về làng Vũ Đại, nơi Chí Phèo được sinh ra cũng là nơi đã kết thúc cuộc đời hắn trong đau đớn, tuyệt vọng.

II. Thân bài

* Tổng quan:

– Làng Vũ Đại là hình ảnh thu nhỏ của một cái xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát, hủ bại.

– Không chỉ một mình Chí Phèo bị tha hóa, ở cái làng ấy cũng có nhiều người bị tha hóa, mỗi một con người đều có cho mình những bi kịch riêng.

* Hình ảnh làng Vũ Đại với tầng lớp thống trị tàn ác, khôn khéo, lọc lõi, tha hóa về nhân cách:

– Bá Kiến: Có chức quyền, nhưng bất lực, sợ vợ, hay ghen, rất mực khôn ngoan trong chốn quan trường.

– Lý Cường: Hống hách, tàn ác, nhưng manh động, ưa bạo lực.

– Các bà vợ của Bá Kiến: Lắm chuyện, bà ba thì bản chất dâm đãng, lăng loàn.

* Hình ảnh làng Vũ Đại với những người nông dân cùng khổ, chất chồng bi kịch:

– Chí Phèo: Vốn hiền lành lương thiện, nhưng bị bắt đi tù oan vì bá Kiến ghen tuông, sau trở thành lưu manh, tha hóa về nhân cách, bi kịch bị chặt đứt con đường quay trở về làm người lương thiện vì những định kiến tàn khốc trong xã hội.

– Năm Thọ một kẻ cướp giật, đi tù rồi vượt ngục về liều chết uy hiếp lí Kiến cho tiền, sau bỏ đi biệt xứ.

– Binh Chức hiền lành lương thiện, nhưng cũng bị xã hội ấy chèn ép đến bực phải bỏ đi lính, rồi vợ ở nhà phạm tính đa dâm, lang chạ với người khác. Binh Chức trở thành một kẻ liều chết như Chí Phèo, ngang nhiên đòi tiền lý Kiến mà không phải tội, lại được sống yên ổn trên chính quê hương với vợ con và làm chân tay cho lý Kiến đến hết đời.

– Ông thầy cúng kiêm nghề thiến lợn – Tự Lãng, vợ chết, con gái chửa hoang rồi bỏ đi, chỉ còn lại một mình lão cũng trở nên nát rượu như Chí Phèo.

– Một Thị Nở đã nghèo lại còn xấu đau xấu đớn, thêm cái tính dở hơi, hơn 30 tuổi vẫn ế chỏng ế chơ, cùng sống với thị là bà cô già cũng ế chồng, hai cô cháu sống tạm bợ trong cái nhà tre tạm bợ, gần với nhà Chí Phèo.

* Những cái khốn nạn, lạc hậu xen lẫn cái nghèo nàn của ngôi làng đã dồn ép con người ta vào đường cùng:

– Tuy nghèo khó, nhưng con người người đây vẫn không thôi được cái bản tính ích kỷ, nhiều chuyện, thích xuyên tạc vấn đề (chuyện của Chí Phèo với bà ba).

– Người ta cố chấp với định kiến xã hội ăn sâu vào tiềm thức, chứ nhất quyết không chịu mở một con đường bao dung cho Chí Phèo quay trở về làm người lương thiện.

– Xã hội mà đạo đức, tính người xuống cấp, tha hóa, đàn bà thì lăng loàn, đa dâm, chửa hoang, bố mẹ thì vứt bỏ con cái, đàn ông kẻ thì nát rượu, lưu manh đâm thuê chém mướn,…

III. Kết bài:

– Trong truyện ngắn Chí Phèo hình ảnh làng Vũ Đại đã hiện thật rõ ràng qua hình ảnh, đặc biệt là qua những nỗi khổ, những bi kịch của từng con người đã và đang sinh sống ở dưới cái làng ấy.

– Đó một cái xã hội phong kiến hủ bại, thối nát, một ngôi làng nghèo nàn, lạc hậu, nặng nề những định kiến, hỗn loạn về đạo đức và nhân phẩm, là bức tranh hiện thực tàn khốc của nông thôn Việt Nam những năm trước cách mạng, của chính cái chế độ thực dân nửa phong kiến độc ác, tha hóa về mọi mặt.

4 Bài mẫu Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo lớp 11 hay nhất đạt điểm 9, 10

Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo – Mẫu 1

Làng Vũ Đại là hình ảnh cái xã hội thực dân phong kiến thối nát, cái ác ngự trị.

Là nơi quần ngư tranh thực với các phe nghịch, đi lại với nhau để bóc lột con em, ngấm ngầm chia rẽ, nhè từng chỗ hở để mà trị nhau: cánh Bá Kiến, cánh ông Đội Tảo, cánh ông Tư Đạm, cánh ông Bát Tùng… Đội Tảo ngang ngược, là cựu bỉnh cũng có thể đâm chém được, chưa bao giờ chịu hàng trước cuộc giao tranh. Còn Bá Kiên vô cùng xảo quyệt, biết mềm nắn rắn buông, biết ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn! Hãy đập bàn, đập ghế đòi cho được năm đồng nhưng rồi thì lại vứt trả lại năm hào vì thương anh túng quá! Cụ không cần than thở: trị không lại thì cụ dùng! Cụ biết thu dụng những thằng bạt mạng để cắm thuế, cắm ruộng, đốt nhà, đâm chém… gây ra bao cảnh đổ máu, làm tan nát bao cơ nghiệp dân lành.

Là nơi đầy rẫy bọn đầu bò đâm thuê chém mướn. Năm Thọ đi thì Binh Chức lần về. Binh Chức chết thì lại nở ra một Chí Phèo – cùng với Bá Kiến là hai con quỷ dữ làng Vũ Đại. Chí Phèo chết lại có một Chí Phèo con nhất định sẽ ra đời!

Một Thị Nở dòng giống của một nhà có mả hủi… một bà cô thị suốt đời cô đơn, một Tự Lãng làm nghề hoạn lợn kiêm thầy cúng, vợ chết, con gái chửa hoang bỏ nhà trốn đi… Bao nhiêu thảm kịch, bi kịch?

Nam Cao đã tố cáo cái hiện thực xấu xa, tàn ác của xã hội thực dân phong kiến. Những cảnh đời dữ dội, những con người đáng sợ, nguồn gốc của tội ác và đau thương đã và đang xô đẩy bao người lương thiện vào con đường đau khổ, tội lỗi.

Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo – Mẫu 2

Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam, hai đề tài chính của ông là viết về người trí thức và người nông dân ở xã hội cũ, những con người cùng khổ, bị cái xã hội vô nhân đạo dồn ép vào đường cùng để rồi chết mòn trong bi kịch tinh thần, bi kịch đói nghèo. Nếu như với đề tài người trí thức cũ, Nam Cao không phải tốn quá nhiều công sức để tưởng tượng, đặt mình vào tâm hồn nhân vật, bởi vì chính bản thân ông cũng là một trí thức nghèo, ông thấu hiểu cái khổ của người trí thức hơn bao giờ hết. Thì đến với đề tài của người nông dân người ta mới thực sự thấy được cái tài năng bậc thầy của Nam Cao trong việc xây dựng hình tượng và bi kịch của người nông dân cùng khổ dưới đáy xã hội lúc bấy giờ. Chí Phèo chính là kiệt tác mà ở đó người ta thấy được những lớp người nông dân thấp cổ bé họng, bi thảm bị tha hóa về cả nhân hình lẫn nhân cách, thế nhưng tận thẳm sâu tâm hồn họ vẫn giữ gìn cái bản chất lương thiện, hiền lành, chỉ là họ bị chính cái xã hội tàn khốc chà đạp, chối bỏ. Cùng với đó là bức tranh nông thôn Việt Nam nghèo đói, bần cùng, xơ xác vào những năm 1940-1945, mà trong truyện ngắn Chí Phèo chính là hình ảnh về làng Vũ Đại, nơi Chí Phèo được sinh ra cũng là nơi đã kết thúc cuộc đời hắn trong đau đớn, tuyệt vọng.

Nếu chỉ đọc một đoạn trích Chí Phèo, nói về cuộc đời và những bi kịch của hắn thì có lẽ khó mà có thể tưởng tượng ra một hình ảnh làng Vũ Đại hoàn chỉnh, phải đọc cả truyện ngắn ấy người ta mới thấy dần hiện lên một ngôi làng mà trong ấy ngự trị đủ mọi cái xấu xa, cái éo le trong cuộc đời. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của một cái xã hội thực dân nửa phong kiến thối nát, hủ bại, nơi mà cái ác trở thành chúa tể, nơi đã biến một anh canh điền lương thiện trở thành một kẻ nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ. Không chỉ một mình Chí Phèo bị tha hóa, ở làng Vũ Đại cũng có nhiều người giống Chí, mỗi người đều có cho mình những bi kịch riêng, mà chốt lại cũng tại chính cái chính quyền phong kiến tàn ác đã khiến họ trở nên như vậy.

Trước hết vẫn nói về thân phận của Chí Phèo, thông qua đó ta đã thấy hình ảnh của ngôi làng lờ mờ hiện ra trước mắt, nghèo đói, bần cùng. Hắn mồ côi từ nhỏ, có lẽ là cha mẹ hắn vì nghèo đói quá nên không nuôi nổi đành đem bỏ rơi hắn, hoặc cũng có nhẽ là mẹ hắn chửa hoang rồi vì sợ cái định kiến cay nghiệt của làng nước mà giấu giếm đẻ rồi vứt hắn ở cái lò gạch cũ. Cuộc đời của Chí đã khởi đầu đầy bất hạnh như thế, thiếu thốn tình thương, sự giáo dục của gia đình, rồi thậm chí trở thành một món hàng để người ta bán lấy tiền, cũng chỉ vì họ nghèo khổ quá. Số kiếp không cho hắn được làm người lương thiện, hắn bị vu oan rồi bị đi tù, chỉ vì cái lòng ghen cay nghiệt của bá Kiến. Từ đó người ta mới nhận ra một hình ảnh nữa của làng Vũ Đại, một ông bá Kiến có chức quyền, nhưng bất lực và sợ vợ, thành thử ông ta đổ hết cái uất ức ấy lên đầu Chí, một người đàn bà dâm đãng, tuy có chồng nhưng vẫn phải ve vãn người đàn ông khác, thối nát cực kỳ. Qua sự kiện Chí được bà ba yêu thích, tin cẩn, qua miệng người làng Vũ Đại nó lại trở thành những câu chuyện khác nhau, trở thành chuyện cho người ta suy đoán những lúc rỗi mồm rảnh việc. Từ đó người ta lại thấy được cái bản chất ích kỷ, lắm chuyện, những cái định kiến chua ngoa, gay gắt gián tiếp giết chết một con người đang dần ươm mầm trong xã hội.

Làng Vũ Đại ngày ấy là ngôi làng nghèo nàn với sự thống trị của những kẻ nắm quyền tàn ác, nhưng manh động ví như lý Cường một kẻ “nổi tiếng là hách dịch, coi người như rơm rác”, sẵn sàng lên tay bạo lực với kẻ như Chí Phèo, tuy nhiên cũng chẳng phải là hạng người khôn khéo, sành sỏi bởi mới thấy Chí rạch mặt thì hắn cũng bắt đầu lo sợ. Người ta lại thấy một làng Vũ Đại hóng hớt, nhiều chuyện khi ra xem cảnh một tên ác bá và một thằng say rượu đánh nhau với sự thích thú, hả hê. Thực tế, Lí Cường chẳng là gì so với bố của hắn là bá Kiến, bá Kiến mới thực sự là tên đầu sỏ đại diện cho cái xã hội cường quyền tàn ác lúc bấy giờ, khôn ranh đủ đường, sẵn sàng dỗ ngọt, cho tiền Chí Phèo rồi thu hắn làm vây cánh đi thay mình đâm thuê chém mướn luôn. Thế mới nói ở cái chức tổng lý chẳng phải dễ ngồi, bởi làng có hơn 2000 khẩu, lại xa tổng lý, nhưng có tới một bộ máy biết bao nhiêu vị trí nào là “lý trưởng, chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ Đại, Chánh Hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu”. Cũng minh tranh ám đấu, kèn cựa nhau không ít, không khôn khéo chắc cũng bị hất cẳng từ lâu lắm rồi.

Từ cái chuyện ăn vạ của Chí Phèo ta mới lần mở được bộ mặt khác của làng Vũ Đại, không phải chỉ nghèo nàn, cường hào ác bá chèn ép mà còn là nơi tụ tập, sản sinh đủ loại lưu manh, đủ kiểu tha hóa nhân cách. Hóa ra chẳng phải chỉ có Chí Phèo là kẻ liều chết số một, mà trước đó còn có năm Thọ “một thằng đầu bò đầu bướu” kẻ cướp, vượt ngục, dùng dao liều chết uy hiếp bá Kiến để lấy 100 đồng rồi trốn biệt đến giờ. Tre già măng mọc, năm Thọ vừa mất dạng thì lại đẻ ra một Binh Chức, có lẽ đây là người có số phận gần giống với Chí Phèo nhất, cũng hiền lành, tử tế, nhịn nhục chăm làm ăn, nhưng cái xã hội lúc bấy giờ nó nào có nể nang gì kẻ hiền lành, “cái nghề đời hiền quá cũng hoá ngu, ở đâu chứ ở đất này đã ngu, đã nhịn thì chúng nó ấn cho đến không còn ngóc đầu lên được”. Phũ phàng và đau đớn đến thế, hắn phải bỏ cả nhà để đi lính, bi kịch không dừng lại ở đó, đi lính thì mất luôn cả vợ, chị vợ ở nhà “nghiễm nhiên thành một con nhà thổ không phải trả tiền để bọn lý dịch trong làng chuyên đổi”, cũng lại là tính đa dâm, tha hóa nhân cách của một người đàn bà khác trong làng. Thành thử ra mọi thứ hoang tàn trong cái xã hội ấy đã ép Binh Chức trở thành một kẻ liều chết như Chí Phèo, ngang nhiên đòi tiền lý Kiến mà không phải tội, lại được sống yên ổn trên chính quê hương với vợ con và làm chân tay cho lý Kiến đến hết đời. Quả thói đời lạ lùng, kẻ hiền thì không được sống yên, cứ phải ác, phải liều lĩnh thì may ra mới sống được ở cái làng Vũ Đại ngày ấy. Đó chính là cái cách phản kháng duy nhất mà người nông dân cùng khổ lúc bấy giờ còn có thể làm được, dẫu rằng nó có tàn bạo, mất nhân tính thế nhưng chí ít nó vẫn cứu họ khỏi cái đói, cái chết, chí ít vẫn khiến bọn cường hào ác bá phải kinh sợ, dè chừng. Họ chấp nhận trở thành tay sai cho bè lũ thống trị phong kiến, và dĩ nhiên bọn chính quyền cũng xem đó là cái lợi lớn, bởi “có chúng nó sinh chuyện thì mới có dịp mà ăn, nếu không thì giữa đám dân hiền lành và yên phận này, khéo lắm chỉ bóp nặn được vào vụ thuế”, khốn nạn đến thế là cùng.

Làng Vũ Đại còn có gì nữa, vẫn còn những kiếp người cũng khốn khổ với những niềm đau riêng, ấy là ông thầy cúng kiêm nghề thiến lợn – tự Lãng, vợ chết, con gái chửa hoang rồi bỏ đi, chỉ còn lại một mình lão cũng trở nên nát rượu như Chí Phèo. Một thị Nở đã nghèo lại còn xấu đau xấu đớn, thêm cái tính dở hơi, hơn 30 tuổi vẫn ế chỏng ế chơ, cùng sống với thị là bà cô già cũng ế chồng, hai cô cháu sống tạm bợ trong cái nhà tre tạm bợ, gần với nhà Chí Phèo. Một con người dở hơi như thị nhưng lại chính là người thấu hiểu và đánh thức được cái lương thiện vẫn ngủ yên trong sâu thẳm tâm hồn Chí, còn bà cô có vẻ già đời, tỉnh táo thế nhưng lại chính là người giết chết cái ý nghĩ quay lại làm người lương thiện của Chí Phèo. Có thể nói rằng bà cô chính là đại diện tiêu biểu cho cái định kiến tàn ác của cả làng Vũ Đại, đã chặn đứng con đường hoàn lương của Chí Phèo, khiến hắn phải đi đến bước đường cùng là chết.

Như vậy trong truyện ngắn Chí Phèo hình ảnh làng Vũ Đại đã hiện thật rõ ràng qua hình ảnh, đặc biệt là qua những nỗi khổ, những bi kịch của từng con người đã và đang sinh sống ở dưới cái làng ấy. Người ta đã thấy một cái xã hội phong kiến hủ bại, thối nát, một ngôi làng nghèo nàn, lạc hậu, nặng nề những định kiến, hỗn loạn về đạo đức và nhân phẩm. Đó chính là bức tranh hiện thực tàn khốc của nông dân Việt Nam những năm trước cách mạng, của chính cái chế độ thực dân nửa phong kiến độc ác, tha hóa về mọi mặt.

Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo – Mẫu 3

Chỉ là truyện ngắn, lại là truyện ngắn sáng tác sớm của Nam Cao về đề tài nông dân, nhưng Chí Phèo thật sự tổng hợp sự kết tinh của ngòi bút Nam Cao về đề tài này. Nếu như Nam Cao có thể được coi là “nhà văn của nông dân” – cùng với Ngô Tất Tố – thì trước hết vì công có Chí Phèo.

Khác với nhiều truyện ngắn cùng đề tài của tác giả, Chí Phèo có phạm vi hiện thực phản ánh trải ra cả bề rộng không gian (một làng quê) và cả bề dài thời gian. Có thể nói, làng Vũ Đại trong truyện chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội nông thôn Việt Nam đương thời.

Những năm 1940 – 1945, nông thôn vẫn là đề tài lớn trong văn xuôi khu vực hợp pháp. Các nhà văn đã đi vào đề tài này theo nhiều hướng khác nhau. Trước hết là đi vào phong tục tập quán dân quê. Trần Tiêu, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân…đều có thể coi là những cây bút tiêu thuyết phong tục sắc sảo của các vùng quê của họ. Một hướng khác đi vào khảo sát lục đục giữa vợ cả và vợ lẽ, mẹ chồng và nàng dâu, dì ghẻ và con chồng, anh và em, chú bác cô cậu và những đứa cháu bên nội bên ngoại…cũng có thể coi đây là một dạng của đời sống thôn quê. Tiêu biểu là Thanh Tịnh “muốn làm người mục đồng ngồi giữa bóng tre thổi sáo để ca hát những đám mây và những làn gió lướt bay trên cánh đồng…” (Lời Thạch Lam trong bài tựa tập Quê mẹ). Không còn có thể nói hồ đồ rằng, những khuynh hướng đó là “lãng mạn tiêu cực” hoặc “tự nhiên chủ nghĩa”…Khuynh hướng nào kể trên cũng có những sáng tác đặc sắc có giá trị về nghệ thuật và về tư tưởng của những nhà văn thật sự tài năng mà lịch sử văn học không thể bỏ qua. Song dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng, các hướng tiếp cận thực tại đó đã hạn chế nhiều tầm khái quát xã hội của các nhà văn. Các cây bút tả chân xã hội thời kỳ này rất quan tâm viết nhiều về nông thôn, song trào lưu văn học hiện thực từ năm 1940 đến 1945, dù có những mặt đặc sắc, tiến bộ so với trước, vẫn có những mặt yếu đi trông thấy, “phạm vi của đề tài bị thu hẹp lại rõ rệt, không có những bức tranh xã hội rộng lớn với xung đột giai cấp quyết liệt như ở Giông tố, Bước đường cùng…của thời Mặt trận dân chủ.”

Chí Phèo của Nam Cao không thuộc các hướng viết đó. Trên bối cảnh chung của văn học hiện thực thời kỳ 1940 – 1945 như vậy, Chí Phèo là một hiện tượng đột xuất. Giống như Tắt đèn, Bước đường cùng, Giông tố…thời Mặt trận dân chủ, Chí Phèo cũng là “bức tranh xã hội rộng lớn với những xung đột giai cấp quyết liệt”. Tác phẩm gây ấn tượng đậm nét về tính đầy đặn, đa dạng, nhiều màu sắc của bức tranh về đời sống xã hội nông thôn. Đó là ấn tượng về hệ thống tôn ti, trật tự, ngôi thứ rõ ràng của làng Vũ Đại. Trên cùng là “cụ tiên chỉ” bá Kiến, rồi đến lớp “đàn anh” và bọn cường hào; bên dưới là hạng “đàn em” dân đinh cổ cày vai bừa, trong số này, có hạng cùng hơn cả dân cùng…Đó là ấn tượng về tình trạng khép kín của làng xã phong kiến thời xưa. Song nếu tác phẩm thực sự là bức tranh xã hội thì trước hết nó đã phơi bày sáng tỏ các mối quan hệ phức tạp của hiện thực, đã “miêu tả trung thực những quan hệ thực”. Ngòi bút phân tích xã hội khi vạch ra mối “quan hệ thực” trong nội bộ bọn cường hào. chẳng phải vì đất làng Vũ Đại có cái thế “quần ngư tranh thực” như lời ông thầy địa lý nào đó nói “hồi năm nọ” nên bọn cường hào làng này chia thành năm bè bảy cánh đối nghịch nhau, mà chính là do bọn “chúng chỉ là một đàn cá tranh mồi, mồi ngon đấy, nhưng mà năm bè bảy mối, bè nào cũng muốn ăn. Ngoài mặt thì tử tế với nhau nhưng trong bụng lúc nào cũng muốn cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ.” Tình trạng bè cánh tranh ăn trong bọn cường hào rất là phổ biến và có tính quy luật ở nông thôn, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều mặt đời sống xã hội, trước hết là tới số phận người nông dân nghèo – những ruồi muỗi chết oan uổng khi trâu bò húc nhau. Tình trạng này cũng đã được Nguyễn Công Hoan phản ánh tỉ mỉ trong cuốn tiểu thuyết dày dặn Cái thủ lợn (1939).

Cũng chính là trực tiếp kế thừa và phát huy mạch cảm hứng đó của văn học hiện thực thời kỳ Mặt trận dân chủ, Chí Phèo của Nam Cao đã xây dựng một hình tượng điển hình được khắc họa hoàn chỉnh về các lực lượng thống trị. Những bà phó Thụ, lão Cựu Túy, bà Chánh Liễu, lão Hải Nam…chỉ là những nhân vật thấp thoáng ở hậu cảnh mà thôi.

Chân dung lão cường hào cáo già bá Kiến dần dần hiện rõ trong tác phẩm với những nét tính cách được thể hiện hết sức sinh động, đầy ấn tượng. Đó là giọng quát rất sang (bắt đầu bao giờ cụ cũng quát để thử dây thần kinh con người), lối nói ngọt nhạt, và nhất là cái cười Tào Tháo (cụ vẫn tự phụ hơn đời cái cười Tào Tháo ấy). Tất cả đều cho thấy bản chất gian hùng của lão cường hào khôn róc đời này. Nam Cao cũng hé cho thấy tư cách nhem nhuốc của cụ tiên chỉ: đó là thói ghen tuông thảm hại của lão cường hào háo sắc mà sợ vợ – lão cay đắng nhận ra mình già yếu quá mà bà tư thì cứ trẻ, cứ phây phây, nhìn thì thích nhưng mà tưng tức lạ…khác gì nhai miếng thịt bò lựt sựt khi rụng gần hết răng; đó là chuyện lão gỡ gạc tồi tệ đối với người vợ lính vắng chồng…và bổ sung vào đó, để cho sự thối nát của nhà cụ bá được hoàn chỉnh, còn có bà tư quỷ cái thường gọi canh điền lên bóp chân mà lại cứ bóp lên trên, trên nữa…Nhà văn chỉ kể qua, nhẹ nhàng tuy không kém phần thâm thúy, chứ không sa đà trong việc soi mói đời tư thối tha của lão cường hào.

Ông tập trung ngòi bút vào việc soi sáng bản chất xã hội của nhân vật, chủ yếu thể hiện trong mối quan hệ với người nông dân bị áp bức. Đoạn độc thoại nội tâm rất mực sinh động của cụ tiên chỉ làng Vũ Đại về cái nghề tổng lý cho thấy Nam Cao chẳng những soi thấu tim đen của nhân vật mà còn tỏ ra hiểu sâu sắc các mối quan hệ xã hội ở nông thôn. Bá Kiến đang lặng lẽ nghiền ngẫm về nghề thống trị, rút ra từ bốn đời tổng lý những phương châm, thủ đoạn thống trị khôn ngoan: mềm nắn, rắn buông, bám thằng có tóc ai bám thằng trọc đầu, thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân, chỉ bóp đến nửa chừng, hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Còn đây là những sách lược dùng người của lão: Không có những thằng đầu bò, thì lấy ai cai trị những thằng đầu bò, thu dụng những thằng bạt mạng không sợ chết và không sợ đi tù, những thằng ấy chính là những thằng được việc. Khi cần đến chỉ cho nó dăm ba đồng uống rượu thì có thể sai nó đến hại bất cứ anh nào không nghe mình. Có chúng nó sinh chuyện thì mình mới có dịp mà ăn. Tất cả đều nhằm sao cho vừa bóp nặn được nhiều nhất, vừa giữa chắc cái ghế thống trị. Tâm địa thâm độc tới mức ghê sợ của lão còn thể hiện trong việc hắn nhẹ nhàng “khích” Chí Phèo đòi nợ đội Tảo, đẩy những kẻ sẵn sàng đâm chém ấy vào chỗ chém nhau, để kẻ nào chết cũng có lợi cho cụ cả! thật là một con hề biết cười.

Thế giới nhân vật nông dân Nam Cao tuy không đông đúc gì lắm nhưng thật phức tạp, sống động, nên không phải không làm cho người nghiên cứu lúng túng khi phân loại. Song dù vậy, nhìn trên đại thể, có thể thấy Nam Cao đặc biệt quan tâm tới hai hạng người (cũng là hai phương diện trong nỗi khổ không cùng của người nông dân): một là những người thấp cổ bé họng nhất, bị ức hiếp bất công nhất, càng “ở hiền” thì lại càng “không gặp lành”; hai là những người bị hắt hủi, bị xúc phạm về nhân phẩm, bị lăng nhục một cách bất công, độc ác. Chí Phèo đích thực là nhân vật của Nam Cao: vừa là một thằng cùng hơn cả dân cùng, vốn hiền như đất – tội nghiệp cho hắn. có lần thấy hắn vừa bóp đùi cho bà ba vừa run run, nhưng càng thêm hiền lành thì càng bị đạp giúi xuống…đồng thời vừa là một trường hợp con người bị miệt thị phũ phàng, bị gạt ra ngoài hệ thống giá trị của cộng đồng. Từ khi đi tù về, Chí Phèo không thể sống như trước và hắn không còn được gọi là con người nữa.

Vạch khổ cho người nông dân bị áp bức bóc lột, Nam Cao không đi vào nạn sưu thuế, nạn chiếm đoạt ruộng đất, nặn tô tức, quan lại tham nhũng, thiên tai địch họa…mà ở Chí Phèo – và ở nhiều chuyện khác nữa – nhà văn đi vào một phương diện khác: người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt nhân tính, do đó, bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Nỗi thống khổ ghê gớm của Chí Phèo không phải ở chỗ tất cả cuộc đời người nông dân cố cùng này chỉ là một số không, không nhà cửa, không cha mẹ, không họ hàng thân thích không tấc đất cắm dùi, cả đời không hề biết đến một bàn tay chăm sóc đàn bà nếu không gặp thị Nở…, mà chính là ở chỗ anh đã bị xã hội rạch nát cả bộ mặt người, cướp đi linh hồn đau đớn, tuyệt vọng. Không, tiếng chửi của Chí Phèo không hẳn là bâng quơ, hắn từ chửi trời đến chửi đất rồi chửi ngay cả làng Vũ Đại…và hắn bỗng tức tối khi không ai lên tiếng cả…Trong cơn say, hắn vẫn cảm thấy tuy mơ hồ mà thấm thía “nông nỗi” khốn khổ của thân phận. Đó là “nông nỗi” không có người nào chịu chửi lại hắn! Có nghĩa là tất cả mọi người đã dứt khoát không coi hắn là người. Chửi lại hắn nghĩa là còn bằng lòng giao tiếp, đối thoại với hắn. Chỉ Phèo chửi cả làng…với hy vọng được người nào đó chửi lại. Những tín hiệu yêu cầu giao tiếp phát đi liên tục đó lại chỉ gặp sự yên lặng đáng sợ. Và chỉ còn lại một mình Chí Phèo trong sa mạc cô đơn: hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu…

…Chí Phèo trước hết là một “hiện tượng có tính chất quy luật”, tính phổ biến, sản phẩm của tình trạng áp bức bóc lột tàn tệ ở nông thôn Việt Nam trước đây. Đó là hiện tượng những người nông dân lao động bị đè nén thái quá đã chống trả lại để tồn tại bằng con đường lưu manh, đẩy anh canh điền hiền lành vào tù; nhà tù thực dân đã tiếp tay cho lão cường hào đã giết chết phần người trong con người Chí, biến Chí thành Chí Phèo, biến một người nông dân lương thiện thành một con quỷ dữ. Với ngòi bút hiện thực tỉnh táo ông vạch ra rằng, những người nông dân khốn khổ phải giành lấy sự tồn tại sinh vật bằng việc bán cả nhân phẩm ấy, đã trở thành lực lượng phá hoại mù quáng, dễ dàng bị bọn thống trị thâm độc lợi dụng. Vì thế mà Chí Phèo từ chỗ hung hăng đến nhà, tuyên bố liều chết với bố con lão, chỉ cần mấy câu nói ngọt xớt, chuỗi cười Tào Tháo và mấy hào chỉ, đã trở thành tên tay sai mới của lão. Hiện tượng mỉa mai, đau xót đó cũng rất phổ biến và có tính quy luật mà ngòi bút phân tích xã hội sâu sắc của Nam Cao đã vạch ra.

Đoạn văn viết về sự thức tỉnh của linh hồn Chí Phèo sau đêm gặp gỡ với thị Nở, một đoạn tuyệt bút, đầy chất thơ tập trung thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc bất ngờ của ngòi bút Nam Cao.

Sáng hôm ấy, Chí Phèo tỉnh dậy muộn lòng bâng khuâng, mơ hồ buồn. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, Chí Phèo mới cảm thấy tiếng chim hót vui vẻ, tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá…Những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống lao động xung quanh ấy hôm nào chả có, nhưng hôm nay bỗng trở nên vang động sâu xa trong lòng Chí Phèo, trở thành những tiếng gọi thiết tha của cuộc sống vẳng đến đôi tai lần đầu tiên tỉnh táo của anh. Cuộc gặp gỡ với thị Nở đã lóe sáng như một tia chớp trong cuộc đời tăm tối dằng dặc của Chí Phèo. Dưới ánh sáng của tia chớp ấy,Chí Phèo bỗng nhìn thấy rõ tất cả cuộc đời mình: những ngày xưa rất xa xôi đã từng ao ước một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm; cái hiện tại đáng buồn: già mà vẫn còn cô độc; cái tương lai còn đáng buồn hơn đói rét và ốm đau. Nếu như bao năm nay Chí Phèo bao giờ cũng say, say vô tận, có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh, để nhớ rằng có hắn ở đời, thì hôm nay lần đầu tiên Chí Phèo tỉnh táo, tỉnh táo để ý thức được về thân phận mình. Khi thấy thị Nở bưng cháo hành đến, hắn rất ngạc nhiên và hết sức xúc động bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Hắn ăn bát cháo hành từ tay thị Nở và bỗng nhận thấy rằng, cháo hành ăn rất ngon. Bởi vì hương vị của cháo hành lúc này chính là hương vị của tình yêu thương chân thành, của hạnh phúc giản dị mà có thật, lần đầu tiên đến với Chí Phèo. Lần đầu tiên, Chí Phèo măt như ươn ướt, ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt, trở lại là anh cảnh điền trong trắng năm xưa cảm thấy bị xúc phạm khi cái bà ba quỷ cái gọi lên bóp chân, trở lại anh nông dân lương thiện từng mơ ước cuộc sống gia đình hạnh phúc hết sức bình dị khiêm nhường trong lao động. Đó là cái bản tính của hắn, ngày thường bị lấp đi…

Như vậy là lòng yêu thương, cái tình người chân thành đã làm sống lại trong Chí Phèo cái bản chất đẹp đẽ của người nông dân lao động bao lâu nay bị che lấp, vùi dập nhưng vẫn không tắt. Bọn cường hào và nhà tù thực dân, nói rộng ra là cả cái xã hội tàn bạo ấy, ra sức giết chết cái “bản tính tốt” ấy của anh. “Trần trụi giữa bầy sói” anh không thể hiền lành, trong trắng, mà để tồn tại, anh phải cướp giật ăn vạ, đâm chém. Muốn thế phải liều và mạnh; những thứ ấy Chí Phèo tìm ở rượu. Và Chí Phèo luôn say, hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm. Xét đến cùng, Chí Phèo không chịu trách nhiệm về những hành động của mình: linh hồn của anh ta đã bị cướp đi rồi.

Nhưng hôm nay, tình yêu đã thức tỉnh anh ta và linh hồn đã trở về. Anh bỗng thấy thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao! Anh như rưng rưng và bẽn lẽn trong sự phục sinh của linh hồn đó. Anh mong được nhận lại vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Tình yêu của thị Nở chẳng những đã thức tỉnh anh mà còn hé cho anh con đường trở lại làm người, trở lại cuộc đời và anh đã hồi hộp hi vọng.

Tư tưởng nhân đạo và bút lực phi thường đó còn thể hiện ở đoạn miêu tả tấn bi kịch tinh thần của Chí Phèo. Truyện ngắn đầy hấp dẫn này càng về cuối càng đặc biệt hấp dẫn, không phải chỉ vì cốt truyện, tình tiết đầy tính kịch, biến hóa khôn lường, mà còn vì tầm tư tưởng càng ngày càng nâng cao một cách bất ngờ của tác phẩm.

Nhiều người cũng nói đến Chí Phèo như một bi kịch số phận, song nếu hiểu cho thật chặt chẽ, chính xác thì từ nhân vật này đã thức tỉnh linh hồn, khát khao trở lại làm người nhưng bị cự tuyệt lạnh lùng, thì chỉ đến khi đó, Chí Phèo mới thật sự rơi vào tình thế bi kịch: bi kịch của con người bị từ chối không được làm người.

Khi hiểu ra rằng, xã hội không công nhận mình, Chí Phèo vật vã, đau đớn. Hắn lại uống, nhưng điều lạ hôm nay hắn càng uống càng tỉnh ra. Đúng hơn là tuy say, trong tâm thức Chí Phèo lúc này vẫn có một điểm tỉnh: nỗi đau khốn cùng về thân phận. Và hắn ôm mặt khóc rưng rức. Rồi như để chạy trốn, bản thân chạy trốn nỗi đau, hắn lại uống…lại uống…đến say mềm người. Rồi hắn đi với con dao, và vừa đi vừa chửi… như mọi khi. Nhưng lại hoàn toàn khác mọi lần: hôm nay Chí Phèo quằn quại đau đớn vì tuyệt vọng, càng thấm thía hơn bao giờ hết tội ác của kẻ thù, đã đến thẳng trước Bá Kiến, trợn mắt chỉ tay vào mặt lão dõng dạc đòi quyền làm người, đòi lại bộ mặt đã bị vằm nát của mình. Kẻ chết vì ý thức nhân phẩm đã trở về, anh không thể chấp nhận trở lại kiếp sống thú vật được nữa. Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống, chết trong tâm trạng bị đau đớn. Thế là trước đây, để bám lấy sự sống, Chí Phèo phải từ bỏ nhân phẩm, bán linh hồn cho quỷ; giờ đây, ý thức nhân phẩm thức dậy, linh hồn trở về, Chí Phèo lại chết. Có người nghi ngờ tấm lòng Nam Cao đối với nhân dân, vì thấy người nông dân của nhà văn phần nhiều xấu xí, dữ tợn. Vậy mà chính những người khốn khổ có bộ mặt và tính cách không mấy “đáng yêu” đó, nhiều khi ý thức nhân phẩm còn mạnh hơn cả cái chết. Lão Hạc bề ngoài dường như lầm cẩm, gàn dở nhưng lão đã lặng lẽ tìm đến cái chết để giữ trọn lòng tự trọng trong cảnh cùng đường (Lão Hạc), Lang Rận cũng tìm đến cái chết vì không chịu nổi điều nhục nhã đang chờ ông ta hôm sau (Lang Rận). Và ở đây là Chí Phèo.

Chí Phèo đã chết quằn quại trên vũng máu trong niềm đau thương vô hạn vì khao khát lớn lao, thiêng liêng là được làm người lương thiện đã không thực hiện được. Lời nói cuối cùng của Chí Phèo, vừa đanh thép, chất chứa phẫn nộ, vừa mang sắc thái triết học và âm điệu bi thống đầy ám ảnh, làm người đọc sững sờ và day dứt không thôi…”Ai cho tao lương thiện?”. Làm thế nào để con người được sống cuộc sống con người? Đó là “một câu hỏi lớn không lời đáp”, chẳng những không thể hiểu mà xã hội khi ấy cũng chưa thể trả lời. Câu hỏi ấy được đặt ra một cách bức thiết, day dứt trong hầu như toàn bộ sáng tác của Nam Cao trước Cách mạng. Và đặt ra bằng một tài năng lớn độc đáo, khiến cho nhiều sáng tác của Nam Cao – trước hết là Chí Phèo – thuộc vào những trang hay nhất của nền văn xuôi Việt Nam.

Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo – Mẫu 4

Chắc hẳn, khi nghe đến làng Vũ Đại, chúng ta đều nghĩ đến nhân vật Chí Phèo, thị Nở, Bá Kiến và cả nồi cá kho làng Vũ Đại. Với lối văn tính tế, chân thực đi sâu vào cuộc sống người dân làng Vũ Đại lúc bấy giờ, Nam Cao đã làm nên một tác phẩm văn học sống mãi với thời gian, khắc sâu trong tâm trí bao thế hệ người Việt. Và làng quê Vũ Đại đó xưa như thế nào.

Làng Vũ Đại là địa danh nổi tiếng gắn liền với truyện ngắn Chí Phèo. Trên thực tế làng được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam – quê hương của nhà văn Nam Cao. Đây là hình ảnh quen thuộc đối với những độc giả Việt Nam. Nếu như trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao miêu tả như một bức tranh về xã hội phong kiến thu nhỏ, nơi có rất nhiều bè phái với những mưu toan, thủ đoạn, áp bức người nghèo thì bây giờ, khi đến đây, mọi người sẽ rất ngạc nhiên trước một làng quê thanh bình. Làng Vũ Đại xưa kia luôn gắn liền cái nghèo, cái khổ nhưng ngày nay du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay trong từng ngõ xóm. Nhưng vẫn còn đó những giá trị văn hóa trường tồn là ngôi nhà Bá Kiến cùng những đặc sản thơm ngon.

Trước năm 1945, dệt vải là nghề truyền thống của người dân trong làng. Khung dệt mỏ quạ là công cụ phổ biến để cho ra đời những tấm vải đũi thô sơ. Tuy nhiên cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám quanh năm khiến người dân ở nơi đây phải kiếm ăn từng bữa. Mặc dù tên Vũ Đại chỉ xuất hiện khi có tác phẩm Chí Phèo nhưng ngôi nhà của Bá Kiến trong truyện ở Đại Hoàng tồn tại đã trăm năm. Ngôi nhà 3 gian truyền thống của người Việt Nam này được dựng từ 16 cây cột lim, mái lợp ngói, và có nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo. Trên nóc có khắc dòng chữ Nho nói về thời gian làm ngôi nhà. Cửa nhà là loại ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dọc để chống mưa nắng. Xưa kia ngôi nhà này có nhiều thứ rất đáng giá như tranh, ảnh, hoành phi, câu đối cổ…, nhưng bị bán và mối mọt hết. Điều đặc biệt là nhà đã qua 7 đời chủ với hai lần “chết hụt”. Lần đầu tiên là năm 1953, ngôi nhà được cứu sau trận càn quét, phóng hỏa của thực dân Pháp. Lần thứ hai, ngôi nhà suýt bị đem xẻ lấy gỗ nếu cụ Trần Thế Lễ bấy giờ mua được, nhưng may thay, ngôi nhà đã được một Việt kiều mua lại để định cư. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là cụ Trần Duy Hanh, một lái buôn giàu có. Vào khoảng những năm 1910, cụ thuê hơn 20 thợ tài hoa làm nghề mộc ở Cao Đà, phủ Lý Nhân về làm mấy tháng ròng rã mới xong. Cụ Hanh mất đi người thừa kế lại ngôi nhà là con trai Trần Duy Xầm. Cụ Xầm sau đó để lại cho con là Cựu Cát. Là người chơi bời, rượu chè nên Cựu Cát nhiều lần vay tiền ngụy viên Bắc Kỳ Bá Bính (tên thật là Trần Duy Bính, mất năm 1946). Bá Bính được cố nhà văn Nam Cao tiết lộ là nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo.

Bá Bính thời bấy giờ giữ 3 chức vụ quan trọng, gồm ngụy viên Bắc Kỳ, chánh tổng và lý trưởng. Chức ngụy viên Bắc Kỳ tương đương với đại biểu Quốc hội ngày nay, vì vậy ông được phong hàng Bá, là Bá Bính. “Hồi đó Bá Bính làm quan to nên nhiều người đi hầu, đất của ông ta rộng gần nửa làng Đại Hoàng. Ngôi nhà này được Bá Bính mua lại để làm nhà thờ”, cụ Huấn kể.

Bá Bính mất đi để lại gia sản cho con là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo. Bản tính nghiện rượu nên những đồ đạc trong nhà Binh Tảo đều mang đi cầm cố và bán sạch. Căn nhà là tài sản quý giá nhất cũng bị Binh Tảo rao bán. Cụ Cai Hậu sau đó mua ngôi nhà với giá 4.500 đồng (khoảng 20 cây vàng thời bấy giờ).

Chủ nhân tiếp theo của ngôi nhà là ông Trần Hữu Hòa, cháu cụ Cai Hậu. Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam quyết định lưu giữ ngôi nhà này nên đã thương thảo với bà Trần Thị Sâm (vợ ông Hòa) để mua lại với giá 700 triệu đồng. Trải qua nhiều đời chủ, nhưng kiến trúc ngôi nhà còn khá nguyên vẹn, tất cả được giữ nguyên cho đến hôm nay.

Cũng từ cuốn truyện ngắn nổi tiếng của Nam Cao, người ta còn nhắc đến Vũ Đại với bát cháo hành Thị Nở tình nghĩa khiến Chí Phèo có những cảm xúc mong muốn trở thành người lương thiện nhưng “ai cho tao lương thiện” và vườn chuối sau nhà. Có lẽ bấy giờ, đây chính là đặc sản mộc mạc, chân quê của người dân Vũ Đại.

****

Trên đây là 4 bài mẫu Phân tích hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo lớp 11 ngắn gọn hay nhất do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình với điểm số cao nhất.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (2 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button