Soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi ngắn gọn nhất | Soạn văn 12
Mời các em theo dõi nội dung bài học do thầy cô trường Trung học Bình Chánh biên soạn sẽ giúp các em nắm chắc kiến thức nội dung bài học tốt hơn.
Hướng dẫn soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi Ngữ văn lớp 12 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi để chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:
Bạn đang xem: Soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi ngắn gọn nhất | Soạn văn 12
Soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi – Ngữ văn 12
A. Soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi ngắn gọn:
1. Tìm hiểu đề và lập dàn ý
Câu 1 (trang 34 SGK Ngữ Văn Tập 2)
Trả lời:
a. Tìm hiểu đề
* Sự khác nhau về từ ngữ:
– Có sự khác nhau về từ ngữ được sử dụng trong hai văn bản Chữ người tử tù và Hạnh phúc của một tang gia
– Trong Chữ người tử tù: sử dụng nhiều từ Hán Việt cổ: phiến trát, quản ngục, thầy bát,…
– Trong Hạnh phúc của một tang gia: sử dụng nhiều từ, cách chơi chữ để thể hiện thái độ mỉa mai, giễu cợt: “lắm thầy thối ma”, “ma cà bông”,…
– Nguyên nhân:
+ Khác nhau về phong cách nghệ thuật của hai nhà văn
+ Khác nhau về tư tưởng, chủ đề của tác phẩm thể hiện
* Sự khác nhau về giọng văn
– Trong Chữ người tử tù: giọng văn cổ kính, trang trọng
– Trong Hạnh phúc của một tang gia: giọng văn mỉa mai, châm biếm sự tha hóa, đồi bại của tầng lớp thượng lưu ở thành thị.
Câu 2 (trang 35 SGK Ngữ Văn Tập 2)
Trả lời:
– Đối tượng của bài nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi rất đa dạng:
+ Có thể là giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm nói chung.
+ Có thể là một phương diện, một khía cạnh nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm hoặc của các tác phẩm, đoạn trích khác nhau.
– Nội dung của bài nghị luận về một tác phẩm/đoạn trích văn xuôi thường như sau:
+ Giới thiệu tác phẩm/đoạn trích cần nghị luận.
+ Phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật hoặc một số khía cạnh đặc sắc theo định hướng của đề.
+ Đánh giá chung về tác phẩm, đoạn trích.
Phần Luyện tập
Câu hỏi (trang 36 SGK Ngữ Văn Tập 2)
Trả lời:
Dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu truyện ngắn “Vi hành”
2. Thân bài
* Nghệ thuật châm biếm đả kích là nghệ thuật dùng những từ ngữ, hình ảnh thâm thúy, sâu cay để vạch trần bản chất xấu xa của đối tượng được nói đến, miêu tả.
* Biểu hiện:
– Tình huống truyện:
+ Trên tàu điện ngầm, đôi nam nữ người Pháp lầm tưởng nhân vật “tôi” – tác giả là vua Khải Định. Họ bàn tán, bình phẩm về ngoại hình, cách ăn mặc, cử chỉ, hành động của người đàn ông mà họ cho là vị vua của An Nam.
+ Người Pháp cho rằng tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành hoàng đế ở Pháp.
+ Ngay cả chính phủ Pháp cũng không nhận ra được vị khách thật của mình.
→ Tình huống truyện độc đáo, hài hước có ý nghĩa đả kích sâu cay vào vua Khải Định. Tuy không xuất hiện trực tiếp nhưng qua cuộc nói chuyện của đôi nam nữ người Pháp người đọc cũng có thể nhận thấy bản chất của một vị vua bù nhìn, lố bịch, kệch cỡm.
– Nghệ thuật khắc họa nhân vật chi tiết, sắc sảo:
+ Ngoại hình xấu xí
+ Trang phục kệch cỡm, lố lăng
+ Cử chỉ, thái độ: Lúng túng
+ Ăn chơi sa đọa
+ Đi vi hành nhưng lại trở thành kẻ giải trí, mua vui cho người Pháp.
→ Bức chân dung biếm họa về một vị vua bù nhìn, tầm thường
– Ngôn ngữ, giọng điệu: Mỉa mai, châm biếm.
– Hình thức: Truyện được viết theo hình thức một bức thư của tác giả gửi cho người em gái họ. Với hình thức này, tác giả có thể bộc lộ quan điểm, suy nghĩ của cá nhân về vua Khải Định và chính phủ cũng như những người dân Pháp.
3. Kết bài
Đánh giá về nghệ thuật châm biếm đả kích trong tác phẩm.
Bài làm tham khảo
Nhắc đến Nguyễn Ái Quốc, chúng ta không chỉ nhắc đến một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn nhắc đến sự nghiệp văn chương với nhiều tác phẩm nổi tiếng của Người. Bên cạnh những sáng tác viết bằng tiếng Việt, Bác còn có những tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp. Tiêu biểu là truyện ngắn “Vi hành” (1923) với nghệ thuật châm biếm đả kích sâu sắc.
Nghệ thuật đả kích châm biếm được biểu hiện qua việc sử dụng lớp ngôn từ, hình ảnh có tính chất thâm thúy, đả kích sâu cay vào đối tượng để làm bộc lộ rõ bản chất của đối tượng được nói tới. Nghệ thuật ấy được biểu hiện từ việc xây dựng tình huống truyện, khắc họa nhân vật, ngôn ngữ cho đến hình thức của tác phẩm. Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ nhưng cũng hàm chứa đầy sự mỉa mai. Đó là tình huống một đôi nam nữ người Pháp nhầm tưởng nhân vật “tôi” – tác giả chính là vua Khải Định. Họ bàn tán, bình phẩm về ngoại hình, cử chỉ, hành động của ông vua đó rất sôi nổi ở trên tàu điện ngầm. Có những sự nhầm lẫn đến nực cười khi “tất cả những ai ở Đông Dương có màu da trắng đều là những bậc khai hóa thì bây giờ đến lượt tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành hoàng đế ở Pháp”. Và “cái vui nhất là ngay đến Chính phủ cũng chẳng nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm vụ tiếp tân, Chính phủ bèn đối đãi với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tùy tùng đi hộ giá tuốt”. Những người tùy tùng phục vụ thầm kín có phần rụt rè nhưng lại hết sức tận tâm: “Các vị ân cần theo dõi tôi chẳng khác bà mẹ hiền rình con thơ chập chững bước đi thứ nhất”, “các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng” . Riêng sự phục vụ chẳng nề hà một chút công sức nào của những người tùy tùng cũng đủ khiến người khác phải ghen tị với tác giả vì “nỗi âu yếm” mà họ dành cho nhân vật “tôi”. Vì lẽ đó mà quần chúng Pháp “biểu lộ nhiệt tình khi vừa thoáng thấy một đồng bào ta”. Họ chào mừng ta bằng những lời “Hắn đấy!”, “Xem hắn kìa!” đầy kín đáo mà kính trọng. Tuy không xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm nhưng qua cuộc trò chuyện của đôi thanh niên nam nữ thì vua Khải Định hiện lên với bản chất là một ông vua bù nhìn, kệch cỡm. Đồng thời tác giả cũng thể hiện thái độ đả kích nhưng có chút hài hước vào thói tò mò của những người dân Pháp.
Dưới con mắt của đôi nam nữ Pháp, vị vua của nước An Nam hiện lên thật lố bịch, nực cười. Đó là con người có “mũi tẹt”, “mắt xếch”, “cái mặt bủng beo như vỏ chanh”, “có cả cái chụp đèn chụp lên cái đầu quấn khăn, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn”. Hành động, cử chỉ của vua thì “lúng ta lúng túng” bộc lộ một tính cách nhút nhát. Không những thế ngài còn trở thành trò cười, trở thành thứ mua vui, kho giải trí cho người Pháp khi đeo lên ngoại hình xấu xí cả bộ hạt cườm và lụa là. Ngài khoe khoang sự giàu có của mình nhưng lại khoe khoang một cách thái quá. Suy cho cùng, hắn cũng chỉ giống một chú hề mua vui cho người dân của mảnh đất phương Tây này. Nếu người Pháp phải trả “những nghìn rưởi phơ-răng để xem vợ lẽ nàng hầu cua Cao Miên, xem tụi làm trò leo trèo nhào lộn của sư thánh xứ Công-gô” thì khi trông thấy vị vua của nước An Nam, họ không mất tí tiền nào để xem hài kịch. Một người đứng đầu triều đình ở nước An Nam lại trở thành thứ trò cười rẻ tiền trên đất Pháp. Đúng như mục đích vi hành, hắn đến ngao du nơi trường đua, tiệm cầm đồ và những địa điểm ăn chơi khác. Phải chăng, mục đích vi hành của Khải Định là để “muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-lếch-xăng Đệ Nhất, có được sung sướng, có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không”? “Phải chăng ngài đã “chán cảnh làm một ông vua to, giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé”? Tác giả đã xót xa đến nhường nào khi biết mục đích vi hành của vua Khải Định không phải học tập những điều tốt đẹp để chăm lo cho đời sống nhân dân lao động mà Khải Định vi hành chỉ để thỏa mãn sự hiếu kì, khoe khoang sự giàu có của bản thân. Rượu cồn và thuốc phiện là những thứ mà thực dân Pháp dùng để đầu độc nhân dân ta vậy mà Khải Định vi hành để xem những thứ đó có được sử dụng nhiều ở chính quốc hay không. Những lời lẽ mỉa mai, châm biếm của Nguyễn Ái Quốc không chỉ chĩa thẳng vào bức chân dung biếm họa của vua Khải Định mà còn mỉa mai chính công cuộc “khai hóa”, “bảo hộ” của thực dân Pháp đối với nhân dân ta.
“Vi hành” được viết dưới hình thức một bức thư gửi cho người em gái nên tác giả có thể bộc lộ sự nhìn nhận của mình một cách toàn diện nhất. Vì lẽ đó mà Người có thể tự do thay đổi giọng điệu, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Tác giả đã sử dụng ngôn ngữ trào phúng, mỉa mai để đả kích vào bản chất bù nhìn của vua Khải Định và những chính sách cai trị, sự giả dối của thực dân Pháp.
Truyện ngắn này đã thể hiện lối viết truyện hiện đại của Nguyễn Ái Quốc. Đồng thời cũng bộc lộ quan điểm chính trị của Người. Giọng điệu châm biếm kết hợp với giọng điệu hài hước, hóm hỉnh đã khiến câu chuyện trở nên nhẹ nhàng nhưng cũng hết sức sâu cay bởi ý nghĩa của nó.
Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 12 hay, chi tiết khác:
Rừng xà nu
Bắt sấu rừng U Minh Hạ
Những đứa con trong gia đình
Trả bài tập làm văn số 5
Viết bài làm văn số 6: Nghị luận văn học
Đăng bởi: THCS Bình Chánh
Chuyên mục: Soạn văn 12
- Cảm nhận của anh (chị) về vùng đất và con người miền cực nam của Tổ quốc qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ lớp 12 (9 Mẫu)
- Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra” lớp 12 (10 Mẫu)
- Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? lớp 12 (12 Mẫu)
- Một trong những bức thư luận bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương […] có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người. Anh chị hãy phát biểu ý kiến của mình về quan niệm trên lớp 12 (7 Mẫu)
- Viết bài văn trong đó vận dụng tổng hợp ít nhất ba thao tác lập luận, theo chủ đề: một tác phẩm văn học mới ra đời và đáng được nhiều người quan tâm bàn luận lớp 12
- Viết bài văn nghị luận trong đó vận dụng tổng hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau lớp 12 (3 Mẫu)