Học TậpLớp 8

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc lớp 8 (8 Mẫu)

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc bao gồm hướng dẫn viết cùng 8 bài mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em học sinh lớp 8 trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết đoạn văn ngày một hoàn thiện hơn.

Đề bài: Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc.

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc.
Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc.

Hướng dẫn Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc lớp 8

1. Mở bài:

Bạn đang xem: Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc lớp 8 (8 Mẫu)

– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần nghị luận: Một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc.

– Chỉ ra một điểm hạn chế mà em muốn bàn luận:

+ Lỗ hổng kiến thức do chạy theo những môn học “thời thượng”.

+ Thiếu đi đức tính tỉ mỉ.

+ Tính đố kị.

+ Ý thức tham gia hoạt động chung.

2. Thân bài:

a, Giải thích:

– Thói hư tật xấu:

+ Là những thói quen, thái độ, hành động không tốt, không hợp hoặc trái với thuần phong mĩ tục, quy ước của cộng đồng.

+ Gây ảnh hưởng đến bản thân, cộng đồng.

– Giải thích về thói hư tật xấu mà em đã lựa chọn.

b, Phân tích: Phân tích những biểu hiện của thói hư tật xấu nêu trên.

– Chỉ chạy theo những môn học “thời thượng”:

+ Học toàn là kiến thức sáo rỗng.

+ Bệnh thành tích trong trường học.

+ Học không đi đôi với hành.

– Thiếu tỉ mỉ:

+ Hành động theo phương châm “nước đến chân mới nhảy”.

+ Chưa biết tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc.

+ Thiếu tôn trọng quy trình công nghệ, hay “cải tiến”, “làm tắt”.

– Tính đố kị:

+ Thay vì ngưỡng mộ, học hỏi thì lại ganh tị với người hơn mình.

+ Đi nói xấu, hạ thấp người khác để tự tâng bốc bản thân.

+ Không muốn người khác vượt qua mình.

– Văn hóa ứng xử nơi đông người:

+ Văn hóa xếp hàng nơi công cộng chưa cao.

+ Văn hóa tham gia giao thông.

+ Ý thức tham gia các hoạt động chung.

c, Hậu quả của thói hư tật xấu đó đến bộ mặt quốc gia:

– Để lại ấn tượng xấu trong mắt bạn bè quốc tế.

– Khiến bộ mặt quốc gia trở nên xấu xí.

– Đi ngược lại với lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong suốt hàng ngàn năm qua.

d, Đề xuất giải pháp:

– Mỗi người tự nâng cao ý thức cá nhân.

– Các gia đình, tập thể cần có sự giáo dục tới các thế hệ tương lai.

– Nhà nước cần thắt chặt quy trình quản lí, nghiêm khắc xử phạt những trường hợp gây ảnh hưởng xấu tới bộ mặt quốc gia.

3. Kết bài:

– Khái quát lại những ý đã phân tích.

– Bài học nhận thức và hành động.

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 1

Theo tôi những gì tốt đẹp của Người Việt chúng ta thì ai cũng biết rồi vì chúng ta đã nói quá nhiều. Thói xấu cũng nhiều nhưng chưa được bàn đến nhiều. Nhân diễn đàn này tôi xin nêu một phần trong các thói xấu đó để chúng ta biết và sửa.

Chúng ta chỉ quen ca ngợi về mình và hay tự hào quá mức về những thành tựu nho nhỏ của mình. Chúng ta chỉ biết khép kín trong biên giới hình chữ S, chỉ có thông tin 1 chiều mà ít chịu nghe ngóng, so sánh xem nhân loại tiến bộ như thế nào?

Người Việt hay nhìn nhận, đánh giá và giải quyết vấn đề theo cảm tính chủ quan mà ít chịu tư duy biện chứng do đó các quyết định không chính xác.

Hầu như chúng ta ai cũng thích ăn một cái bánh vẽ đẹp hơn là ăn một cái bánh thật nhưng xấu xí. Chúng ta thích người này hát để cho người khác khen hay, cùng nhau vỗ tay và khen thưởng,…!!!

Nhưng họ không hiểu rằng so với văn minh của nhân loại thì những phần thưởng và thành tích đó còn khiêm tốn. Suy rộng ra suốt chiều dài lịch sử đất nước thì những gì chúng ta đã làm và đã có được rất đáng trân trọng, tự hào, nhưng theo tôi vẫn còn nhiều lĩnh vực khác quá khiêm tốn so với mặt bằng của nhân loại.

Đã đến lúc chúng ta phải nói và phải biết mình ở đâu trong thế giới nhân loại này để tìm hướng vươn tới. Và việc đầu tiên là chúng ta hãy phê bình và tránh những thói hư, tật xấu của chính chúng ta.

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 2

Nhìn lại vốn văn hóa của dân tộc, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu có nêu ra một nhận xét về cách sống trong truyền thống của người Việt rất đáng để suy ngẫm ấy là “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”. Trước ý kiến ấy một câu hỏi đã được đặt ra rằng, liệu lối sống của người Việt từ xa xưa và cho đến hôm nay có bản chất thực sự là gì, nó là sự khôn khéo hay chỉ là thói khôn vặt, lọc lõi. Câu hỏi này lại càng trở nên quan trọng và cần một lời giải đáp hợp lý khi mà đất nước đang bước vào hội nhập sâu rộng, vươn ra thế giới, hòa nhập mà không hòa tan, thì việc khẳng định và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong lối sống, văn hóa, phong tục tập quán lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Trước hết xét về câu nói của Trần Đình Hượu, ông đã chỉ rõ ra được mặt hạn chế và tích cực trong lối sống và cách tư duy của con người Việt Nam từ nhiều đời. Đó là việc người Việt ta không lấy việc thông minh, tài năng vượt trội làm điều để ca tụng, mà thay vào đó một con người có cách ứng xử, khéo léo, giải quyết được những tình huống khó xử, biết bảo toàn bản thân lại được ca tụng hơn cả. Như vậy thế nào được gọi là lối sống khôn khéo? Có thể hiểu một cách đơn giản khôn khéo là lối ứng xử khôn ngoan, khéo léo, hợp lòng người, vừa linh hoạt, vừa sáng tạo, đối phó được với các tình huống khó khăn, vừa không làm mất lòng người khác, nhưng cũng lại chu toàn được lợi ích của bản thân. Xét theo tiêu chuẩn khoa học hiện đại thì người có lối sống khôn khéo được đánh giá là người có chỉ số cảm xúc (EQ) cao, và bản thân những người này thường có ưu thế vượt trội trong xã hội về khả năng giao tiếp, gây dựng mối quan hệ hơn so với những người có chỉ số thông minh (IQ) ở mức tương tự.

Xét về nguồn gốc của truyền thống sống khôn khéo của người Việt ta, tức là phải nhắc về bề dày lịch sử hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước nhiều khó khăn trắc trở, khởi thủy từ bên bờ con sông Hồng. Trong đó lại có đến gần 1000 năm bị giặc phương Bắc đô hộ, hơn 100 năm bị đế quốc xâm lược, tàn phá. Như vậy việc giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, không còn đơn thuần là dựa vào ý chí kiên cường mà còn nhờ vào sự khôn khéo trong lối sống, cách cư xử trước là để bảo vệ bản thân, gia đình, sau là để bảo vệ giống nòi và phong tục tập quán. Lối sống khôn khéo cũng từ ấy mà ra. Cứ nhìn lại những câu chuyện về việc đối đáp của nhân dân ta với sứ thần các nước phương Bắc là khắc thấy sự khôn khéo của người Việt ví như chuyện Trạng Lường cân voi to – đo giấy mỏng, truyện Trạng Hiền giải câu đố hóc búa của sứ nhà Nguyên: Xâu sợi chỉ mảnh qua ruột con ốc xoắn,… Hoặc đơn cử khi nói đến tài ngoại giao, chính trị thì Hồ Chí Minh bằng việc dẫn chứng chính hai Bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ vào trong Bản tuyên ngôn độc lập của nước ta để khẳng định chân lý thời đại về sự độc lập tự do của dân tộc Việt Nam cũng thể hiện sự khôn khéo và linh hoạt trong truyền thống bang giao của nhân dân ta từ bao đời. Hay là trong những cuộc đối đáp của bà Nguyễn Thị Bình trong hội nghị 4 bên tại Paris những năm 1968-1973 với đại sứ Hoa Kỳ, khiến người ta không chỉ nể phục về sự bản lĩnh, ngôn từ sắc bén mà còn là sự khéo léo, linh hoạt ngay trong một cuộc chiến – một cuộc chiến trên bàn giấy đầy cam go của người phụ nữ nhỏ bé nhưng mang tầm vóc vĩ đại. Có thể tổng kết lại rằng, lịch sử dân tộc ta luôn trải qua nhiều biến động, đặc biệt là sự đe dọa, cậy thế ức hiếp của hàng loạt các quốc gia lớn mạnh với dã tâm xâm lược âm hiểm. Trước tình hình ấy, người Việt ta và cả bộ máy dân tộc khó lòng có thể dùng sức mạnh để chống lại bởi chẳng khác nào trứng chọi với đá, mà quan trọng hơn cả vẫn là sự khôn khéo, linh hoạt trong quan hệ bang giao để giữ gìn mối quan hệ hòa hảo, tránh tổn thất nhiều nhất có thể. Từ lịch sử dẫn ra tới hiện đại, nhân dân ta, nhà nước ta vẫn luôn duy trì và phát huy rất tốt lối sống, lối ứng xử khôn khéo trong chính trị, ngoại giao, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa phát triển mà còn tránh những nguy cơ chiến tranh đang tiềm ẩn đến từ các quốc gia có nhiều dã tâm. Trong cuộc sống thường ngày, trong tất cả các mối quan hệ, sự khéo léo, linh hoạt trong giao tiếp ứng xử cũng được hoan nghênh, bởi lẽ trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, có rất nhiều người tài năng, thì người có khả năng giải quyết tình huống, kỹ năng giao tiếp tốt thường là người được ưu tiên lựa chọn hơn cả. Như vậy, khôn khéo là một lối sống hay, mà mỗi chúng ta cần phải hiểu để vận dụng vào cuộc sống, góp phần phát triển bản thân, chu toàn công việc và các mối quan hệ khác.

Một biến thể xa của khôn khéo ấy là khôn vặt, khác với khôn khéo, người khôn vặt là người có tâm tư ích kỷ, thích tư lợi cá nhân, tâm lý tiểu nông, thiếu hiểu biết, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của cá nhân mà không chu toàn đến lợi ích của tập thể. Điều này được thể hiện rất rõ qua một số câu tục ngữ như “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “Ông thò chân giò, bà thò chai rượu”, “Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, nghĩa rằng người khôn lỏi chỉ biết đến cái lợi ích trước mắt, chưa cần suy tính lợi hại họ đã nhanh chóng muốn giành về cho bản thân trước tiên, luôn muốn đi trước người khác bằng những cách thiếu tế nhị, thiếu lịch sử. Đó không phải là một các ứng xử khôn ngoan, mà chỉ cho thấy bạn là người kém lễ độ, kém văn minh. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, cuộc sống có nhiều bon chen và cạnh tranh, thì lối sống khôn vặt, ăn xổi ở thì, thích cái lợi chớp nhoáng, thực dụng, tranh thủ lại càng trở nên phổ biến. Ví dụ điển hình như việc một xe tải chở bia vô tình bị lật, bia rơi vãi khắp đường, thì với sự khôn vặt của mình vô số người đã lao vào tạo thành một sự kiện “hôi bia” xấu xí, mặc kệ sự bất lực, khốn khổ của người tài xế. Hoặc tai hại hơn là việc nhiều người nông dân trồng rau củ luôn miệng quảng cáo rau sạch, rau nhà trồng nhà ăn, nhiều quá mới đem bán, nhưng thực tế rằng luống nào họ ăn thì họ không phun thuốc, chứ còn luống nào bán họ đều phun! Đó là một sự khôn vặt đầy ác độc và thất đức. Nói đến sự kiện nóng gần đây nhất, ấy là sự khôn vặt, khôn lỏi của một số những con người Việt Nam, vì một vài món tiền mà sẵn sàng đưa khách Trung Quốc nhập cư trái phép, thậm chí chứa chấp, nuôi giấu trong chính căn nhà của mình. Đây chính là một cái tát, một cú giáng thật đau vào bao nhiêu nỗ lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 của cả nước trong 99 ngày qua! Thật sự chẳng còn gì đau đớn hơn khi chỉ vì sự khôn lỏi của một số người mà đem đến cho chính Tổ Quốc mình những khó khăn, những nguy cơ lớn hơn, ngay sau khi kinh tế vừa có chút khởi sắc. Đó chính là hệ quả của sự khôn vặt mà chúng ta thấy được một cách rõ ràng nhất.

Cuối cùng, sống khôn khéo hay khôn vặt lại là một lựa chọn, sự lựa chọn nhân cách và phẩm giá, rõ ràng xã hội đánh giá cao một người có lối sống khôn khéo, biết cư xử, nhưng lại có ác cảm với những kẻ khôn vặt, sống chỉ biết mỗi lợi ích của bản thân. Thế nên các bạn trẻ ngày hôm nay cần phải suy xét và rèn luyện được cho mình một cách sống phù hợp, nhanh chóng tách ra khỏi tâm lý tiểu nông tầm thường, tiến đến một cách ứng xử văn minh, hiện đại, mở đường đến thành công.

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 3

Nhìn chung thì thói tật xấu của người Việt Nam ta, nếu nghĩ cho đến cùng thì cũng không phải là xấu hết đâu. Thậm chí có “tật xấu” mà các bạn nêu trên, theo tôi có khi lại là hay đấy .Ví dụ như có bạn cho rằng hay cười cũng là tật xấu của dân ta. Nhưng theo tôi hay cười là tốt chứ( chỉ có những ai cười quá vô duyên và không đúng chỗ thôi) .

Còn tôi ,tôi lại ghét nhất tật xấu hay nịnh và …ưa nịnh. Hầu như những ai có chúi xíu chức tước (gọi là xếp đấy) cũng đã khoái được nghe nịnh lắm .Ở đâu trong các công sở nhà nước các cơ quan .đơn vị… chúng ta cũng thấy đầy rẫy những cử chỉ lời nói, hành động … của nhân viên dưới quyền nịnh nọt cấp trên của mìmh.

Trong các cuộc họp hành hội nghị .Khi đóng góp ý kiến cho thủ trưởng ,thì mười câu “thành tích” chỉ nửa câu là góp ý phê bình .Có vị thủ trưởng ,đứng lên kêu gọi nhân viên hãy đóng góp phê bình thẳng thắn cho mình .Nhưng đám nhân viên thì “nháy” nhau ngầm ý ” đừng có dại mà nghe ông ấy, coi chừng mất việc như chơi” và cuối cùng là chỉ có những ý kiến khen, tâng bốc thủ trưởng lên mây .

Cuối cùng là nhất trí trăm phần trăm,bầu thủ trưởng chiến sỹ thi đua .Hội nghị vỗ tay tán thành vui vẻ cả .Vì vậy ,có người còn dám đưa ra một tỉ lệ là : Trong công tác bổ nhiệm đề bạt cán bộ hiện nay có tới cỡ 80% là phải biết nịnh Thủ trưởng .Chứ không phải do trình độ, đạo đức phẩm chất (?!) Thật đáng buồn thay cho cái tật xấu thích nịnh và hay nịnh của một bộ phận người Việt chúng ta .

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 4

Con người Việt Nam được nhận xét là “thông minh, nhạy bén với cái mới”. Đây là một ưu điểm nổi bật và đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời đại hội nhập ngày nay. Tuy nhiên, ta vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Một trong số đó chính là thiên hướng chạy theo những môn học “thời thượng”.

Đây có thể được hiểu là việc chỉ chú trọng vào việc học lí thuyết. Kiến thức trong sách vở là quan trọng. Điều này không sai. Tuy nhiên nếu đơn thuần học thuộc mà không thực hành, những kiến thức đó sẽ mãi chỉ nằm trên trang sách. Mục đích của việc học là để con người ta áp dụng được vào đời sống. Từ đó phát triển bản thân, hướng tới nhiệm vụ xây dựng nước nhà. Vậy mà trên thực tế, việc học lại bị nhiều người coi như một cách để đạt được kết quả cao trên trường lớp, để có giấy khen, bằng khen. Điều này chính là nguyên do dẫn tới “căn bệnh thành tích”, ảnh hưởng không nhỏ tới thế hệ trẻ cũng như sự tiến bộ của nước nhà trong tương lai.

Việc chạy theo các môn học “thời thượng” không hoàn toàn là thói hư tật xấu của người Việt. Tuy nhiên, điều này vẫn mang lại rất nhiều hậu quả khôn lường cho quá trình phát triển của đất nước. Đầu tiên, nó khiến cho thế hệ trẻ bị mông lung, mất định hướng. Mọi người đi học mà không biết cụ thể mục đích là gì. Liệu đó là làm hài lòng cha mẹ hay là để có được sự công nhận của người khác? Tiếp theo, việc chạy theo những môn học “thời thượng” kia sẽ tạo nên lỗ hổng lớn về mặt kiến thức. Nó hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo – thứ được coi là điểm mạnh của con người Việt Nam. Từ đó, khiến họ dần thụt lùi trong quá trình biến đổi, phát triển không ngừng của nhân loại. Bên cạnh đó, hiện tượng này còn khiến khả năng thực hành của con người bị giảm sút. Họ sẽ bị thiếu đi kiến thức, trải nghiệm thực tế và dần trở nên khô cứng như những cố máy được lập trình sẵn.

Vậy, để khắc phục được tình trạng này, mỗi người chúng ta đều cần thay đổi. Bộ Giáo dục cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp, cải tiến trong quá trình dạy và học của địa phương. Thay vì chỉ chăm chăm đọc – chép như cũ, hãy kết hợp cả lí thuyết và thực hành. Điều này sẽ giúp người học phát triển được cả về tư duy lẫn kĩ năng. Đối với nhà trường và các thầy cô, họ cũng cần áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm kích thích sự hứng thú của học sinh. Đồng thời, đưa ra những định hướng cụ thể để người học tự cải thiện bản thân. Còn về phần mỗi cá nhân, việc nỗ lực, chăm chỉ là điều tất yếu. Hãy mở rộng tầm hiểu biết của mình bằng cách liên tục cập nhật thông tin, tích cực tham gia các hoạt động xã hội hay tiếp cận với sự đổi mới của thế giới qua Internet.

Với sự nỗ lực của tất cả mọi người, việc xóa bỏ tình trạng học chay, học vẹt sẽ dễ dàng hơn bao giờ hết. Từ đó, thế hệ tương lai có thể phát triển toàn diện hơn, trở thành những trụ cột vững vàng để kiến thiết đất nước sau này.

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 5

Nói chung là ở bất cứ quốc gia nào cũng có một số lượng người dân nhất định có ý thức kém và có những hành động được gọi là thói hư tật xấu. Số lượng người này ít hay nhiều phụ thuộc phần lớn do trình độ văn hóa chung của toàn xã hội, do chất lượng thực chất của nền giáo dục phổ thông, do hiệu quả của hệ thống pháp luật tại mỗi nước.

Đó cũng là những yếu tố cơ bản tạo nên ý thức cho mỗi người dân. Ở nước ta những vấn đề này đều chưa được quan tâm đúng mức cho nên số lượng người dân có ý thức kém là không nhỏ.

Trong nhà trường trẻ em được nhồi nhét khá nhiều kiến thức nhưng những kiến thức kỹ năng cơ bản về ý thức trong cuộc sống hàng ngày lại bị xem nhẹ.

Trong cuộc sống hệ thống luật pháp nhằm đảm bảo trật tự văn minh đô thị chưa thực sự nghiêm khắc và có hiệu quả. Tất cả tạo nên một môi trường thuận lợi cho các thói hư tật xấu phát triển, đôi khi lấn át cả những hành động tốt đẹp.

Trong tình hình như vậy báo Tiền Phong tổ chức diễn đàn này là rất đáng trân trọng và đây là một hành động kịp thời nhằm góp phần nhận diện những thói hư tật xấu của mỗi chúng ta giúp cho chúng ta kịp thời sửa chữa và hoàn thiện mình hơn.

Thiết nghĩ, sau này quý báo nên biên soạn hệ thống lại những ý kiến tâm huyết có giá trị thành một cuốn sách, đó chính là tài liệu quý báu trước hết là giúp cho mỗi chúng ta, sau đó là giúp cho những nhà giáo dục, nhà biên sọan luật pháp làm việc tốt hơn để cho thế hệ mai sau sẽ hình thành ý thức và giữ gìn nó luôn tốt đẹp, để cho đất nước Việt Nam cũng sẽ có một xã hội toàn những công dân hoàn hảo, tạo nên một môi trường sống lý tưởng và luôn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 6

Người Việt Nam ta luôn có lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Điều này ngày càng được thể hiện rõ nét trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, ở nhân dân ta vẫn còn tồn tại một số thói hư tật xấu. Điều này đã, đang và sẽ có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới bộ mặt quốc gia và lòng tự tôn dân tộc. Một trong số đó chính là tính ghen ghét, đố kị.

Trước hết, có thể hiểu thói hư tật xấu chính là những hành động, thái độ, thói quen không tốt. Chúng có thể không phù hợp, thậm chí là đi ngược lại với thuần phong mĩ tục của quốc gia. Điều này mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho bản thân con người cũng như lợi ích, sự phát triển chung của toàn xã hội. Nhìn vào tính ghen ghét, đố kị, phải nói điều gần như ai cũng có. Đã là con người, chắc hẳn đã từng ít nhất một lần cảm thấy ganh tị với người khác. Thái độ này là hoàn toàn bình thường, nhưng nếu đưa nó theo chiều hướng tiêu cực thì sẽ dễ dẫn tới thái độ, hành động cực đoan.

Người Việt Nam ta xưa nay nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, keo sơn, gắn bó. Bản sắc, truyền thống tốt đẹp này đã được cha ông ta gìn giữ suốt bao đời. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” còn thể hiện vô cùng rõ nét trong những năm tháng chiến tranh. Đến ngày nay, điều này vẫn được các thế hệ sau bảo tồn, học hỏi và phát huy. Thế nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại sự ghen ghét, đố kị, nhất là trong việc làm ăn, xét thành tích.

Theo văn bản “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”, tác giả có nêu lí do cho thực trạng này. Đó là bởi “ảnh hưởng của phương thức sản xuất nhỏ, tính đố kị vốn có của lối sống theo thứ bậc” hay “lối nghĩ “trâu buộc ghét trâu ăn” đối với người hơn mình ở làng quê thời phong kiến”. Quả thật, ta đã được nghe hoặc chứng kiến những sự việc bởi ghen ghét, đố kị mà không tiếc lời nói xấu, có hành động hạ thấp người khác. Có trường hợp cực đoan hơn còn dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

Thói hư tật xấu này không chỉ đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức của xã hội mà còn làm xấu bộ mặt quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Người Việt Nam ta qua lời kể của du khách luôn đi liền với những tính từ như “thân thiện”, “hòa đồng”, “cởi mở”, “tốt bụng”. Nhưng nếu họ gặp phải một vài kẻ có tính đố kị, nhỏ nhen, liệu họ sẽ đánh giá nhân dân ta như thế nào? Điều này quả thực là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Chính vì vậy, là thế hệ tương lai của đất nước, mỗi chúng ta đều cần tự rèn luyện bản thân. Thay vì ghen ghét, đố kị với thành tích của người khác, hãy học tập những điều tốt ở họ. Từ đó áp dụng và phát triển chính mình. Các gia đình, trường học cần có phương pháp bảo ban, dạy dỗ những người trẻ về thái độ, hành vi chuẩn mực. Cơ quan nhà nước cũng nên thắt chặt quản lí, nghiêm khắc xử phạt những trường hợp gây ảnh hưởng xấu tới bộ mặt quốc gia. Có như vậy, chúng ta mới có thể ngẩng cao đầu, giữ vững tinh thần tự hào dân tộc đã tồn tại suốt bao năm qua.

Tựu chung lại, việc triệt để loại bỏ những thói hư tật xấu không phải chỉ cần làm trong một hai ngày. Đó là cả một quá trình cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi cá nhân cũng như cả một tập thể. Vậy nên hãy tự mình trở nên tốt hơn. Từ đó, cùng chung tay xây dựng và phát triển nước nhà ngày một giàu đẹp.

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 7

Sự tùy tiện được thể hiện ở hầu như mọi nơi, từ sinh hoạt trong gia đình tới nơi công cộng và trong cả công việc. Sự tùy tiện trong gia đình thể hiện ở chỗ sinh hoạt trong gia đình lộn xộn, phân công trách nhiệm trong gia đình giữa các thành viên không rõ ràng.

Trẻ em trong nhiều gia đình không có một lịch học tập, vui chơi hay làm việc hiệu quả mà thường bị áp đặt theo ý kiến của cha mẹ (ví dụ như bắt học quá nhiều không có thời gian chơi) hoặc trái lại bị bỏ mặc muốn làm gì thì làm (thích học thì học thích chơi thì chơi ).

Sự tùy tiện có lẽ được thể hiện rõ nhất ở những nơi công cộng như: không quan tâm tới luật lệ giao thông (chắc hẳn người dân ở các thành phố đều biết là khi gặp đèn đỏ thì phải dừng lại nhưng do tâm lý tùy tiện nên sẵn sàng vượt đèn đỏ kể cả khi không vội gì, coi rẻ mạng sống của chính bản thân mình), không có thói quen xếp hàng theo trật tự, xả rác bừa bãi nơi công cộng…

Trong công việc sự tùy tiện có lẽ cũng không kém trong sinh hoạt công cộng. Một số ví dụ điển hình là đi họp không đúng giờ (không cần biết là có bao nhiêu người phải chờ đợi mình), không giữ chữ tín trong kinh doanh (thích thì hứa nhưng không thực hiện), tâm lý thích thì làm không thích thì nghỉ…khiến cho đối tác kinh doanh mất niềm tin. Điều này lý giải một phần tại sao người nước ngoài đánh giá người Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp và tính tổ chức.

Theo tôi để có thể khắc phục được tật xấu này thì phải xây dựng lại hệ thống giáo dục của VIệt Nam, một nền giáo dục phải hướng đến việc dạy học sinh không chỉ kiến thức đơn thuần mà còn cả những kỹ năng sống bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Ngoài ra phải xử phạt thật nặng những hành vi như vi phạm giao thông (tăng mức phạt nên nhiều lần, thu hồi bằng lái xe…).

Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc – Mẫu 8

Trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam là một đất nước vô cùng đáng sống. Ở đây có phong cảnh đẹp, con người thân thiện cùng nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều về những thói hư tật xấu còn tồn tại ở nhân dân ta. Một trong số đó chính là thái độ của con người.

Con người Việt Nam vốn xởi lởi, thân thiện. Chúng ta luôn tích cực, hết mình trong các hoạt động tập thể. Đồng thời, giữ phép lịch sự cũng như cởi mở đối với người khác. Thế nhưng cách cư xử chưa phù hợp của một vài cá nhân lại trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt quốc gia.

Nhìn vào thực tế đời sống, ta có thể thấy khá nhiều hiện tượng liên quan tới thói xấu này. Nào là phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ,… khi tham gia giao thông. Nào là nói tục, chửi bậy, tự do lớn tiếng ở những nơi đông người. Thậm chí là cả văn hóa xếp hàng khi đi siêu thị, thái độ ứng xử với nhân viên phục vụ, cách nói “cảm ơn” hay “xin lỗi”,… Tất cả đều có thể dẫn đến cái nhìn không mấy thiện cảm của bạn bè quốc tế dành cho đất nước ta. Vậy với lòng tự tôn, tự hào dân tộc suốt bao nhiêu năm, liệu ta có thể yên lặng trướcnhững sự việc tiêu cực kia tiếp tục diễn ra hằng ngày?

Câu trả lời là “Không”. Để có thể hoàn toàn khắc phục những thói hư tật xấu còn tồn tại, mỗi người cần tự rèn luyện bản thân một cách nghiêm túc hơn. Đi cùng với sự phát triển của xã hội, con người cũng ngày càng được tiếp cận nhiều hơn với thế giới. Ta học hỏi được thêm rất nhiều điều quý giá từ các quốc gia khác trên thế giới. Từ đó nhìn nhận và áp dụng sao cho phù hợp với văn hóa truyền thống nước nhà. Sự học hỏi này đã mang tới nhiều chuyển biến tích cực trong xã hội. Thế hệ trẻ ngày nay đang tiến bộ hơn, lịch sự và ý tứ hơn. Họ cũng dần biết cho đi, cởi mở với bạn bè quốc tế hơn, chủ động quảng bá và đề cao hình ảnh nước nhà trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhờ vậy mà đã có thêm rất nhiều người biết đến Việt Nam, dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu nền văn hóa nước ta.

Có thể khẳng định rằng, con người Việt Nam ta vẫn mang rất nhiều đức tính tốt. Tuy nhiên, ta vẫn cần không ngừng nỗ lực hoàn thiện và phát triển bản thân. Từ đó, góp phần xây dựng và phát triển nước nhà “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Bác Hồ.

*****

Trên đây là 8 bài mẫu Suy nghĩ về một thói hư tật xấu của người Việt làm ảnh hưởng tới lòng tự hào dân tộc lớp 8 do thầy cô trường Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập của mình. Chúc các em hoàn thành tốt bài tập của mình với điểm số cao nhất nhé.

Đăng bởi: THCS Bình Chánh 

Chuyên mục: Học tập, Lớp 8

5/5 - (9 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button