Học TậpLớp 4Tiếng Việt lớp 4

Tập làm văn: Đoạn văn trong bài văn miêu tả cây cối trang 52 SGK Tiếng Việt 4 tập 2

I. Nhận xét

1. Đọc lại bài Cây gạo của nhà văn Vũ Tú Nam (sách Tiếng Việt 4,  tập hai, trang 32)

Cây gạo

Bạn đang xem: Tập làm văn: Đoạn văn trong bài văn miêu tả cây cối trang 52 SGK Tiếng Việt 4 tập 2

        Cây gạo già mỗi năm lại trở lại tuổi xuân, cành nặng trĩu những hoa đỏ mọng và đầy tiếng chim hót. Chỉ cần một làn gió nhẹ hay một đôi chim mới đến là có ngay mấy bông gạo lìa cành. Những bông hoa rơi từ trên cao, đài hoa nặng chúi xuống, những cánh hoa đỏ rực quay tít như chong chóng nom thật đẹp.

       Hết mùa hoa, chim chóc cũng vãn. Cây gạo chấm dứt những ngày tưng bừng ồn ã, lại trở về với dáng vẻ xanh mát, trầm tư. Cây đứng im cao lớn, hiền lành, làm tiêu cho những con đò cập bến và cho những đứa con về thăm quê mẹ.

       Ngày tháng đi thật chậm mà cũng thật nhanh. Những bông hoa đỏ ngày nào đã trở thành những quả gạo múp míp, hai đầu thon vút như con thoi. Sợi bông trong quả đầy dần, căng lên; những mảnh vỏ tách ra cho các múi bông nở đều, chín như nồi cơm chín đội vung mà cười, trắng lóa. Cây gạo như treo rung rinh hàng ngàn nồi cơm gạo mới.

Theo Vũ Tú Nam


2. Tìm các đoạn trong bài văn trên.

Gợi ý:

Con đọc kĩ và tìm các đoạn trong bài văn.

Trả lời:

Bài Cây gạo có ba đoạn:

Đoạn 1: từ đầu đến “nom thật đẹp”.

Đoạn 2: từ “Hết mùa hoa” đến “thăm quê mẹ”.

Đoạn 3: từ “Ngày tháng đi” đến hết.


3. Cho biết nội dung chính của mỗi đoạn.

Gợi ý:

Con đọc kĩ để xác định nội dung chính của từng đoạn.

Trả lời:

Nội dung chính của mỗi đoạn:

Đoạn 1: Tác giả miêu tả hiện tượng cây gạo trổ hoa.

Đoạn 2: Tác giả tả cây gạo sau mùa hoa.

Đoạn 3: Tác giả tả cây gạo vào mùa kết trái và khi trái chín những mảnh vỏ tách ra cho các múi nở đều, trắng lóa.

II. Luyện tập

1. Xác định các đoạn văn và nội dung chính mỗi đoạn trong bài văn dưới đây:

Cây trám đen

        Ở đầu bản tôi có mấy cây trám đen. Thân cây cao vút, thẳng như một cột nước từ trên trời rơi xuống. Cành cây mập mạp, nằm ngang, vươn tỏa như những gọng ô. Trên cái gọng ô ấy xòe tròn một chiếc ô xanh ngút ngát. Lá trám đen chỉ to bằng bàn tay đứa trẻ lên ba, nhưng dài chừng một gang.

        Trám đen có hai loại. Quả trám đen tẻ chỉ bằng nửa quả nhót to, nhưng hai đầu nhọn hơn. Cùi trám đen tẻ mỏng, cứng, có phần hơi khô, xác, không ngon bằng trám đen nếp. Trám đen nếp cũng màu tím như trám đen tẻ, nhưng quả mập, mỡ màng, cùi dày, bấm ngập móng ngón tay cái mà không chạm hạt.

        Cùi trám đen có chất béo, bùi và thơm. Trám đen rất ưa xào với tóp mỡ. Trám đen còn được dùng làm ô mai, phơi khô để ăn dần. Người miền núi rất thích món trám đen trộn với xôi hay cốm.

          Chiều chiều, tôi thường ra đầu bản nhìn lên những vòm cây trám ngóng chim về. Người bản tôi nhìn lên cái ô xanh treo lơ lửng lưng trời ấy mà biết được sức gió. Ca quê đã ngót chục năm trời, tôi vẫn nhớ da diết những cây trám đen ở đầu bản.

Theo Vi Hồng, Hồ Thùy Giang

Gợi ý:

Con đọc kĩ để xác định nội dung chính của từng đoạn.

Trả lời:

Bài văn này, nếu chia theo cách ngắt đoạn và xuống hàng thì có 4 đoạn. 

Đoạn 1: Từ đầu đến “dài chừng một gang”.

Đoạn 2: Từ “Trám đen có hai loại” cho đến “mà không chạm hạt”.

Đoạn 3: Từ “Cùi trám đen” đến “xôi hay cốm”

Đoạn 4: Phần còn lại

Nội dung chính của mỗi đoạn

Đoạn 1: Giới thiệu cây trám đen về vị trí, hình dáng cây và đặc điểm lá.

Đoạn 2: Miêu tả quả trám đen

Đoạn 3: Công dụng của quả trám đen

Đoạn 4: Cảm xúc của tác giả khi nhớ về các cây trám đen ở quê hương.


2. Hãy viết một đoạn văn nói về lợi ích của một loại cây mà em biết.

Gợi ý:

– Viết thành đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

– Mở đoạn: Giới thiệu về cây

– Thân đoạn: Miêu tả cây và tập trung vào việc miêu tả lợi ích của cây.

– Kết đoạn: Cảm nghĩ về cây.

Trả lời:

Bài tham khảo

         Ở ngay đầu làng em có hai cây bàng cổ thụ. Cả hai cây đều có gốc to nổi lên những u lớn xù xì. Thân bàng vươn cao. Cây nào cũng có 3 tán lá. Tán ở dưới cùng là tán lá to nhất. Về mùa thu, bàng bắt đầu rụng lá và đến cuối đông thì chỉ còn trơ trụi những cành. Nhưng vào đầu xuân những mầm non đã nhú ra và chỉ vài chục ngày sau lá đã phấp phới trên cành. Càng vào mùa hạ, cái nắng càng gay gắt thì lá bàng càng xanh tốt. Những tán bàng lớn lợp kín lá xanh xòe rộng ra tỏa bóng mát xuống cả một khu đất rộng, ở dưới bóng mát của tán bàng, trẻ con thường tới chơi đùa, đánh đáo, nhảy dây. Những người lớn đi làm đồng về hoặc đi chợ về thường ghé chân vào ngồi nghỉ dưới gốc bàng, đón nhận ngọn gió mát thổi từ cánh đồng vào cho mau khô đi những giọt mồ hôi trên trán. Cây bàng không cho quả ngon như cây xoài, cây vải nhưng lại quý ở chỗ tán lá trở thành cái ô xanh đem lại cho con người những giây phút nghỉ ngơi mát mẻ, dễ chịu. Bởi thế mà mọi người đều quý hai cây bàng lớn đó, có lẽ nó sẽ còn đứng mãi ở đầu làng như hai người bạn thân thiết của dân làng.

Đăng bởi: THCS Bình Chánh

Chuyên mục: Tiếng Việt lớp 4

Rate this post


Trường THCS Bình Chánh

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button