Học TậpLớp 4

Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật (5 Mẫu)

Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật bao gồm 6 bài mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh tổng hợp sẽ giúp các em hoàn thành tốt bài tập trong SGK của mình. Từ đó, giúp các em hiểu bài và làm bài tốt hơn.

Đề bài: Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật

Hướng dẫn:

Bạn đang xem: Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật (5 Mẫu)

Các em tìm đọc câu chuyện về người có năng khiếu nổi bật qua sách báo, internet,…

– Thần đồng đất Việt: Mạc Đĩnh Chi, Trạng Quỳnh,…

– Danh nhân thế giới: Lin-côn, Na-pô-lê-ông, Ma-ri Quy-ri, Ê-đi-xơn, Niu-tơn, Anh-xtanh, Hê-len, Nô-ben,…

Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật – Mẫu 1

Nói đến những trẻ Việt Nam có khả năng đặc biệt gần đây không thể không nói đến thần đồng Đỗ Nhật Nam. Sinh ra tại Nhật Bản, 4 tuổi Đỗ Nhật Nam cùng gia đình trở về Việt Nam, trong con mắt của những người thân, cậu chững chạc, già trước tuổi nên được gọi với cái tên trìu mến “ông cụ non”.

Nhật Nam từng là gương mặt quen thuộc trong nhiều chương trình dành cho thiếu nhi như Chúc bé ngủ ngon (VTV3), Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé (VTV2).

Thần đồng Đỗ Nhật Nam
Thần đồng Đỗ Nhật Nam

7 tuổi, Đỗ Nhật Nam đạt kỉ lục là “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam” với hai cuốn sách Nạpđiện và Câu chuyện của ngày và đêm. Sinh ra trong một gia đình có bố là Đỗ Xuân Thảo là tiến sĩ ngôn ngữ học, mẹ Phan Thị Hồ Điệp là giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt nên ngay từ nhỏ, Đỗ Nhật Nam đã đạt được nhiều kì tích trong học tập vì nhờ phương pháp giáo dục phát triển năng lực tư duy toàn diện cùng kỹ năng và kiến thức sư phạm của mẹ. Đồng thời, ở độ tuổi này, Nam cũng đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi Đại học của Cambridge như Starter, Movers, Flyers khiến nhiều người ngưỡng mộ và đặt cho cậu danh xưng “thần đồng”.

Sinh năm 2001 tại Nhật Bản, lên 4 tuổi, Nam cùng gia đình trở về Việt Nam sinh sống và học tập. Từ 8 – 10 tuổi, Nam thường xuyên đạt những điểm số “hơn người”, cụ thể 940/990 điểm Toeic, lớp 3 thi ITP đạt 617 điểm, lớp 4 thi Toeic iBT đạt 107 điểm. 11 tuổi, cậu đã viết tự truyện song ngữ Tớ đã học tiếng Anh như thế nào? và trở thành “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất”. Ở độ tuổi còn nhỏ nhưng Nam đã có những bài phát biểu trên những sân khấu lớn của thế giới, cụ thể là đại diện châu Á tham dự Hội nghị Chủ đề ”Khoa học về nụ cười” tại Mỹ và tại hội nghị Nha khoa khác do FDI tổ chức tại Ấn Độ.

13 tuổi, Nam du học tại trường Saint Paul (Mỹ), sau đó học tại trường THPT Church Farm School (Bang Pennsylvania). Đặc biệt điểm tổng kết học kỳ của Nhật Nam đều gần như đạt con số tuyệt đối là 99/100. Bên cạnh đó, Nam còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như: chơi bóng rổ, tham gia vào ban nhạc Thánh ca của trường. Trong quá trình học tại Mỹ, Nam liên tục đạt nhiều thành tích học tập và nhận được thư chúc mừng của cựu Tổng thống Barack Obama.

Năm 2015, mẹ của Đỗ Nhật Nam đã vui mừng thông báo trên trang cá nhân con trai đã lọt vào danh sách những học sinh có điểm cao nhất của trường Đại học Johns Hopkins, trong đó điểm Đọc được lọt vào top 5% học sinh chuẩn bị vào đại học có điểm cao nhất nước Mỹ của kì thi ACT (32 điểm).

Tháng 3/2017, Nam đạt giải Ba hạng mục “Nguyên tắc quản trị kinh doanh” trong kỳ thi DECA – sân chơi quy mô toàn quốc dành cho những học sinh, sinh viên đang sống và học tập tại Mỹ trong lĩnh vực tài chính kinh doanh, khách sạn, quản lý. Cuối năm 2018, cậu trúng tuyển Đại học Pomona (Mỹ) với mức hỗ trợ tài chính 71.900 USD/năm (khoảng 6,6 tỷ đồng) cho 4 năm học tại ngôi trường Top 5 tốt nhất tại nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Nam theo đuổi ngành học Âm nhạc

Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật – Mẫu 2

Ngay quê nội tôi mà tôi đã chứng kiến trong dịp vê quê ăn Tết năm qua. Chuyện có thật một trăm phần trăm, không bịa một tí nào.

Ba mẹ Hà vốn là những người thuần túy làm nông. Hà là đứa con duy nhất trong gia đình. Năm nay cậu vừa tròn 7 tuổi đang học lớp Hai ở trường làng. Năng khiếu toán học của cậu xuất hiện từ khi cậu vào học lớp Một đặc biệt là phép tính nhẩm cộng trừ. Hồi học lớp Một cô giáo Hạnh đã phải kinh ngạc về tài tính nhẩm của cậu. Những phép tính cộng trừ trong phạm vi một trăm mà cô thường ra cho lớp thường ngày, cậu đều giải bằng miệng trong khoảnh khắc. Cô ra các bài toán trên bảng, vừa viết xong thì cậu đã có đáp số ngay mà không cần đặt bút tính toán. Chẳng những thế cậu còn làm nhanh và làm đúng những phép tính ấy trong phạm vi 1000. Tin loan truyền ra đến toàn trường rồi toàn huyện. Nhiều nhà báo của địa phương và cả trung ương nữa đến tận nhà để kiểm nghiệm. Mọi người đều ngạc nhiên trước năng khiếu đặc biệt này của cậu. Hơn thế nữa cậu còn tính đúng và tính nhanh những bài toán cộng trừ phức tạp mà các nhà báo đưa ra gồm 1 dãy số trong phạm vi 1000 để kiểm nghiệm chứng thực. Cậu không đặt bút tính toán mà chỉ ngồi tư lự, nhắm mắt, rồi nhẩm tính bằng cử động của hai bàn tay. Chưa đầy 30 giây, cậu đã cho ra đáp số. Nhà báo hỏi: làm bằng cách nào mà cháu cho ra đáp số đúng và nhanh như vậy. Cậu chỉ tủm tỉm cười mà không nói.

Nghe đâu, người ta đang có kế hoạch đưa cậu vào trường bồi dưỡng nhân tài đặc biệt, chỉ có một thầy và một trò và vài trò do một giáo sư toán học bồi dưỡng riêng về môn toán. Nguyễn Việt Hà có tên “Hà thần đồng” từ đấy.

Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật – Mẫu 3

Mozart sinh ngày 27 tháng giêng năm 1756, tại Salzburg, nước Áo – Austria. Nơi đây còn được gọi là thủ đô âm nhạc vì nó là cái nôi nuôi dưỡng nhiều thiên tài âm nhạc thế giới. Mozart, thần đồng âm nhạc, thiên tài vĩ đại thế kỷ 18 đã sinh ra vào năm 1756 và trưởng thành từ cái nôi ấy.

Mozart, thần đồng âm nhạc
Mozart, thần đồng âm nhạc

Cha của Mozart là người chơi đàn Violon nổi tiếng. Ông đã từng là đội trưởng đội nhạc Hoàng Gia. Có thể nói, Mozart lớn lên trong một gia đình tràn đầy không khí âm nhạc. Trong nhà luôn luôn vang lên tiếng đàn. Tiếng hát, làm cho cậu bé Mozart từ lọt lòng đã biết cảm thụ âm nhạc. cậu thường im lặng ngồi hoặc nằm để thưởng thức các bản nhạc, lời ca. Cha mẹ rất yêu quí cậu bé, cha cậu thường vừa ẳm cậu, vừa chơi đàn. Điều làm cho cha cậu kinh ngạc là, một cậu bé còn chưa biết đi đã biết cảm thụ âm nhạc, biết phân biệt các nốt nhạc. Có lúc cậu bé cao hứng, tuột khỏi lòng mẹ, chạy lại cây đàn piano, vừa cười vừa gõ gõ phím đàn làm vang lên những âm thanh thánh thót. Vừa có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc, vừa được sống trong môi trường âm nhạc sinh động, mới 3 tuổi cậu đã bộc lộ tài năng âm nhạc. Cậu có thể đàn các bản nhạc đơn giản, với tình cảm chứa chan. Tuy nhiên vì cậu còn quá nhỏ, cha cậu cũng không chú ý lắm đến khả năng âm nhạc của cậu.

Có một hôm, chị của Mozart (hơn Mozart 5 tuổi) đang tập chơi một bản nhạc khá phức tạp. Do bản nhạc quá khó, Maria Anna tập mãi vẫn chưa thành thục. Ông bố đứng bên cạnh sửa từng lỗi cho Maria Anna. Lúc đó Mozart mới 3 tuổi cũng nằm trên đi văng và im lặng lắng nghe, cố gắng nhớ kỹ những lời chỉ dẫn hết sức tinh vi của cha đối với chị. Tiếng nhạc trầm bổng đã làm cậu bé mê mẩn. Đến tối, Maria Anna đã luyện được tương đối khá, ông bố mới nhè nhẹ vỗ vai con gái khen ngợi, rồi cho phép nghỉ đàn để chuẩn bị ăn tối. Bất chợt Mozart chạy lại ôm lấy chân bố, nói: “Bố ơi, con muốn chơi bản nhạc mà vừa rồi chị Maria Anna đã đàn ấy!” Ông bố vội bế cậu bé lên, vừa cười vừa nói: “Con hãy nhìn những ngón tay bé nhỏ của con kìa ! Nó liệu có gõ nổi các phím đàn kêu lên thành tiếng không? Đợi khi con lớn bằng chị Maria Anna, cha sẽ dạy con đàn!”. Nói xong, ông thả Mozart xuống đất, rồi đi ra khỏi phòng. Mozart không chịu. Cậu nghĩ: “mình phải đàn được bản nhạc du dương này”.

Sau bữa ăn tối, cả gia đình còn ngồi lại phòng ăn nói chuyện. Bố Mozart lấy tờ báo, ngả người trên ghế và thoải mái lướt xem từng bản tin. Chẳng ai chú ý đến cậu bé Mozart đang lặng lẽ rời phòng ăn sang phòng tập đàn. Cậu rất khó khăn để leo lên ghế ngồi rồi vui vẻ đàn bản nhạc mà cậu đã chú ý lắng nghe một cách rất vui thích và chăm chú lúc buổi chiều. Mặc dù cậu bé chưa học nhạc lý, không biết đọc nốt nhạc, nhưng với trí nhớ đặc biệt tuyệt vời. Cậu đàn hết bản nhạc một cách lưu loát hầu như không có một lỗi sai nào. Ông bố đang đọc báo ở phòng ăn, sau khi lắng nghe tiếng đàn, hoan hỉ nói với vợ: “Em nghe xem, Maria Anna rất cố gắng, con nó đàn đã tiến bộ nhiều rồi đấy!”. Nói xong, ông cầm đèn đi vào phòng tập đàn. Khi mở cửa phòng, ông kinh ngạc kêu lên: “Trời!” vì trông thấy cậu bé Mozart đang chơi đàn trong căn phòng tối om, mà lại chơi rất lưu loát, tiếng đàn rất hay, rất hấp dẫn, làm mọi người khó tin được. Mozart chạy lại, cậu thấy bố đang há hốc mồm kinh ngạc nhìn mình, liền nói khẽ: “Bố, con rất thích khúc nhạc này.” Bố Mozart cười sung sướng ôm cậu con thân yêu vào lòng, vừa hôn vừa nói: “Con lại đây, từ nay bố sẽ dạy con đàn.”

Thiên tài âm nhạc của Mozart bắt đầu nảy sinh và được phát hiện như thế đấy! Cậu nhỏ Mozart có tài năng âm nhạc hơn hẳn mọi người. Bất kỳ khúc nhạc nào, bất kỳ kĩ thuật đàn khó thế nào, chỉ cần được bố dạy qua một lần là cậu hoàn toàn hiểu và chơi được ngay. Khi lên 4 tuổi, cậu đã chơi đàn piano rất thành thục, kể cả những bản nhạc khó. Lúc 5 tuổi, người ta thường thấy cậu bé viết viết, kẻ kẻ trên một quyển vở, có lúc lại lắc lắc đầu như người say rượu. Cô chị Maria Anna rất lo lắng vội đi báo cho cha biết. Bố Mozart vội cầm quyển vở lên xem thử và nhận ra đó là những bản nhạc đơn giản mặc dù hãy còn nhiều thiếu sót, song đó là những tác phẩm đầu tiên của một cậu bé 5 tuổi, đặc biệt trong đó có không ít những ca khúc hay, như khúc “Me-rô-đi-can”. Ông bố lần nữa lại kinh ngạc hết sức trước tài năng của cậu con trai. Bởi vì ông chỉ dạy cậu chơi đàn piano, đàn violon chứ chưa hề dạy cậu sáng tác âm nhạc.

Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật – Mẫu 4

Trên thế giới có rất nhiều người sinh ra dù cơ thể không hoàn hảo, lành lặn nhưng ở họ lại tỏa sáng khát khao cống hiến, khát khao sống và nghị lực phi thường. Họ đã vượt lên số phận nghiệt ngã, làm được những việc phi thường khiến cả thế giới kinh ngạc và nể phục. Câu chuyện của họ đã lay động trái tim của hàng triệu người. Một trong số đó là thiên tài âm nhạc Ludwig van Beethoven.

Ludwig van Beethoven (SN 17/12/1770, mất ngày 26/3/1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và khán giả về sau.

Ludwig van Beethoven
Ludwig van Beethoven

Tuổi thơ cơ cực và nỗi đau khiếm thính

Beethoven sinh ra tại một ngôi làng nhỏ Rajna cạnh Bonn, nước Đức. Ông nội của ông là Louis van Beethoven, nhạc trưởng dàn nhạc cung đình Bonn. Bố của ông là Johann van Beethoven, lĩnh xướng cung đình. Gia đình Beethoven có 7 anh em, nhưng đã mất đi 4 người do nghèo đói và bệnh tật.

Người thầy dạy nhạc đầu tiên cho Beethoven chính là cha của ông. Cha ông rất ngưỡng mộ tài năng của nhà soạn nhạc Mozart. Người cha thường la mắng và ép ông luyện đàn suốt ngày đến nỗi ngón tay bị tê dại, sưng vù. Khi Beethoven được 11 tuổi, theo quyết định của cha, ông phải nghỉ học để tập trung vào âm nhạc.

Tài năng của Beethoven từ nhỏ đã được nhiều người chú ý. Lên 8 tuổi, Beenthoven đã thể hiện được năng khiếu bẩm sinh của mình qua việc chơi đàn piano. Ông đã biểu diễn như một nghệ sĩ piano điêu luyện tại Hà Lan khi 11 tuổi. Năm 14 tuổi, ông đã viết và biểu diễn thành công 3 bản sonata dành cho đàn piano.

17 tuổi, ông đến Áo để học hỏi Mozart. Rủi thay, chưa được 3 tuần phải trở về Bonn chịu tang người mẹ hiền, ít nói, dịu dàng và rất mực thương con. Đau thương mất mát đó đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sáng tác sau này của Beethoven. Mãi 1792 (22 tuổi) Beethoven một lần nữa từ giã nơi chôn rau cắt rốn của mình đến sống và làm việc ở Vienn, nhưng lúc này người thầy Mozart không còn nữa.

Cuộc sống của ông kém may mắn từ khi còn nhỏ. Đến khi trưởng thành, ông lại phải đối mặt với những nỗi đau về thể xác. Năm 1819, ông bị điếc hoàn toàn cả hai tai. Năm 1823, Beethoven bắt đầu bị mù mắt và bệnh thống phong. Năm 1825, ông phát hiện mình bị xơ gan cổ chướng. Năm 1826, ông mắc bệnh viêm phổi và phù toàn thân. Chính năm đó, Beethoven phải chịu 4 lần phẫu thuật đầy đau đớn.

Nghị lực sống phi thường và những tác phẩm bất hủ

Cuộc đời của Beethoven chẳng phải dài, 57 năm từ lúc sinh ra đến khi mất thiếu thốn về mọi mặt, thương tổn nặng nề về tinh thần và thể xác. Nhưng ở người nhạc sỹ thiên tài đó có nghị lực phi thường đã vượt lên tất cả để chiến thắng số phận cay đắng và nghiệt ngã của mình, đã cống hiến trọn đời mình cho nền âm nhạc thế giới.

Các nhạc phẩm ông sáng tác dành cho dàn nhạc bao gồm 9 bản giao hưởng được đánh số từ 1 đến 9, các bản khai khúc và bản Egmont. Trong đó, Beethoven viết bản giao hưởng số 3 “Anh hùng ca”, tác phẩm số 55 (No. III Symphony Eroica (Esz-dúr) op. 55) là một trong những giao hưởng nổi tiếng nhất, âm điệu khi trầm hùng, khi réo rắt, khi tha thiết ngợi ca các chiến sỹ cách mạng, ngợi ca nền cộng hoà đầu tiên của nước Pháp. Đó là cú đấm nặng nề giáng vào mặt Napoleon Bonapart trong buổi lễ phong vua.

Hơn ai hết, Beethoven là người yêu thiên nhiên tha thiết, yêu những làng quê êm đẹp, yêu mùa xuân, yêu những cánh rừng sắp sửa sang thu… thích tha thẩn ở những cánh rừng để nghe tiếng sào xạc của lá rừng, ở đồng nội để nghe khúc nhạc của đồng quê: Bản giao hưởng số 6 đồng nội, tác phẩm số 68 (No. VI Symphony “pastorale” op. 68), bản sonata “Ánh trăng” tác phẩm số 27 (sonata quasi una Fantasy, op. 27), bản sonata “Mùa xuân” tác phẩm số 24 (sonata op. 24)…

Những âm điệu dịu dàng đã làm tan biến những ảo tưởng, đưa chúng ta về những phút giây êm đẹp và thanh bình của cuộc sống: Bản giao hưởng số 7, tác phẩm số 92 (No. VII Symphony (A-dúr) op. 92), Bản giao hưởng số 9, tác phẩm số 125 (No. IX Symphony (d-moll) op. 125), nhưng âm điệu hùng tráng, réo rắt, chốc lát đã khơi dậy trong lòng người nghe niềm cảm hứng, dạt dào tình yêu thương, lòng khoan dung, niềm khát khao hy vọng… Đó là những âm điệu vẽ ra một tương lai sung sướng và hạnh phúc tràn trề đang vội vã đến với người nghe…

Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật – Mẫu 5

Michael Faraday (1791-1867) là nhà vật lý, hóa học thiên tài người Anh. Ông có rất nhiều cống hiến cho nhân loại trên lĩnh vực điện từ và hóa học. Sử sách chép về Michael Faraday rằng: “Chừng nào nhân loại còn sử dụng điện, loài người còn phải nhớ công lao của ông”.

Michael Faraday (1791-1867)
Michael Faraday (1791-1867)

Vượt lên khó khăn của gia đình

Theo sách Kể chuyện tấm gương hiếu học, Michael Faraday sinh ra trong gia đình có cha làm thợ rèn, mẹ nội trợ. Từ nhỏ, Michael Faraday chỉ được học qua loa ở nhà thờ vào những ngày chủ nhật. Sau đó, ông sớm phải thôi học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cha ông mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau liên miên.

May mắn cho Michael Faraday khi ông có mẹ rất đảm đang, kiên nhẫn, khôn khéo. Dù nghèo khó, bà thường xuyên an ủi con cái vượt qua nghịch cảnh gia đình.

Michael Faraday rất ham học. Ngoài những lúc phải làm việc phụ mẹ, ông thường dành tất cả thời gian tự học, tự mày mò nghiên cứu.

Năm 14 tuổi, Michael Faraday tới học đóng sách ở London, Anh. Michael Faraday đã đọc được rất nhiều loại sách, đặc biệt là những cuốn viết về điện học, hóa học. Nó kích thích sự tò mò, khám phá của ông. Từ những lý thuyết sách vở, Faraday bắt đầu dùng các chai lọ cũ để làm các thí nghiệm đơn giản về pin điện và hóa học điện giải.

Một trong những điều may mắn với Michael Faraday là ông chủ tốt bụng, luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho nhân viên được đi dự những buổi thuyết trình của những nhà khoa học nổi tiếng hoàng gia Anh thời bấy giờ.

Trong một lần như thế, Michael Faraday đã gặp được nhà hóa học danh tiếng Humphry Davy và xin được một chân phụ việc trong phòng thí nghiệm của ông. Davy vui sướng và sửng sốt khi đọc được những ghi chép của Michael Faraday trong các buổi thuyết trình. Đó là những ghi chép rất chi tiết, có thêm giản đồ để làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Miệt mài phấn đấu, năm 20 tuổi, Michael Faraday bắt đầu làm phụ tá trong phòng thí nghiệm của Viện Khoa học Hoàng gia Anh.

Tại đây, ông có cơ hội học hỏi những nhà thực nghiệm giỏi nhất lúc bấy giờ, sau đó tự mình làm thí nghiệm nghiên cứu. Faraday đã làm việc rất siêng năng, cần cù để chứng tỏ sự tin tưởng của người thầy Davy.

16.041 thực nghiệm cho nhân loại

Từ năm 1815, Michael Faraday bắt đầu dốc toàn tâm vào nghiên cứu khoa học. Bấy giờ, ông đã thành thạo, hiểu rõ các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm. Để phục vụ cho những phát minh, ông sưu tầm các loại tài liệu cần thiết, tổng hợp và phát triển lý thuyết phục vụ cho việc nghiên cứu, tiến hành hàng loạt thí nghiệm. Thậm chí, nhiều thí nghiệm có thể gây nguy hiểm cho chính tính mạng của bản thân.

Những năm 1820, ông tạo ra được hai hợp chất carbon, hóa lỏng được khí Clo, điều chế được benzene từ dầu khí, chế tạo thành công loại thủy tinh quang học, đặt nền móng cho ngành luyện kim và kim loại học.

Năm 1821, ông bắt đầu loạt nghiên cứu về từ học và điện học. Michael Faraday đã tạo ra được bộ máy chuyển điện năng thành cơ năng. Đây được xem là động cơ điện đầu tiên trên thế giới.

Đến năm 1829, khi Davy qua đời, Michael Faraday tiếp tục những công trình nghiên cứu của thầy. Ông trở thành một nhà hóa học danh tiếng, ngoài công việc nghiên cứu, còn là giáo sư hóa học, tham gia giảng dạy ở Viện Khoa học Hoàng gia Anh.

Tiếp tục những nghiên cứu của thầy Davy, Michael Faraday nhận ra rằng muốn giải phóng hóa trị gram của đơn chất, người ta dùng một số điện lượng. Nghĩa là, một số điện lượng đã bị giải phóng cùng một số nguyên tử. Những nghiên cứu này của ông đã cho ra đời những quan niệm mới về điện tử.

Điều ám ảnh nhất với Michael Faraday chính là từ trường. Ông rắc một số vụn sắt lên tờ giấy, đặt lên các cực của nam châm rồi quan sát lực tuyến. Năm 1820, khi người ta phát hiện ra một đường dây dẫn điện có từ tính, Michael Faraday đã đặt ra câu hỏi: Nếu dòng điện sinh ra từ trường thì tại sao từ trường lại không thể sinh ra dòng điện?

Từ đây, ông bắt tay vào các thí nghiệm để kiểm chứng và tìm ra sự cảm ứng điện. Sau đó, ông tiến thêm một bước nữa, dùng nam châm chế tạo một dòng điện liên tục. Với thành công của thí nghiệm này, Michael Faraday là người đầu tiên phát minh ra chiếc máy phát điện và bộ biến điện.

Faraday tiếp tục có những bước tiến mới, đặt nền móng vững chắc cho ngành công nghiệp mạ điện, điện phân, điện hóa. Những khái niệm về cực âm, cực dương, chất điện giải, cation, aniton mà ông đưa ra vẫn còn thông dụng ngày nay.

Ông còn đưa ra khái niệm đường lực từ sự giải thích cho các hiện tượng điện từ, chứng minh định luật bảo toàn điện tích, đưa ra khái niệm từ trường ánh sáng, phát hiện tính thuận từ và tính kháng từ của vật chất…

20/3/1862 được ghi nhận là ngày cuối cùng trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của Michael Faraday. Trong cuốn sổ ghi chép về thực nghiệm của ông, người ta sửng sốt khi đọc được số thứ tự của thí nghiệm cuối cùng do ông thực hiện: 16.041.

Hãy làm việc ngay cả khi chưa thấy tia sáng nhỏ bé

Không chỉ có tầm ảnh hưởng rất lớn với nhân loại, Michael Faraday còn là tấm gương sáng cho nhiều thiên tài khoa học noi theo. Chính nhà bác học Albert Einstein thời đi học vẫn luôn treo hình của Faraday trong phòng học của mình giống như một thần tượng.

Trong những ngày tháng cuối đời, Micheal Faraday bị ốm nặng, mất trí nhớ và bị điếc. Nhìn ông trong tình trạng ấy, người ta vẫn cảm thấy như ông đang suy tưởng. Trong dòng nhật ký cuối cùng của đời mình, Faraday đã viết:

“Tôi thực sự luyến tiếc những năm tháng sống đầy hạnh phúc, trong niềm say mê làm việc và trong những ước mơ tìm đến những phát minh. Thật đáng buồn khi tôi biết mình sắp từ giã cõi đời và sẽ không bao giờ được trở lại ngày tháng sôi nổi.

Đối với bạn trẻ, tôi chỉ có một lời khuyên rút ra từ kinh nghiệm cuộc sống: Hãy làm việc và suy nghĩ ngay cả khi chưa tìm thấy một tia sáng nhỏ bé, vì dù sao như vậy vẫn còn hơn là ngồi không”.

*****

Trên đây là 5 bài mẫu Tìm đọc câu chuyện về những người có năng khiếu nổi bật lớp 4 hay do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng, dựa vào đây các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình.

Bài học được biên soạn bởi thầy cô trường THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học Tập

4.9/5 - (5462 bình chọn)


Trường THCS Bình Chánh

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button