Chiêm Thành Tấn là ai? Câu chuyện về Chiêm Thành Tấn
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu Chiêm Thành Tấn là ai trong bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.
Chiêm Thành Tấn là ai?
Chiêm Thành Tấn là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh đã cùng đồng đội đánh sập cầu Cái Răng.
Câu chuyện về Chiêm Thành Tấn
Câu chuyện về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Chiêm Thành Tấn được nhiều báo đài khai thác, càng khắc đậm hơn hình ảnh vị “anh hùng đích thực” của một thời oanh liệt. Chuyện anh cùng đồng đội đánh sập cầu Cái Răng nhiều người biết, nhưng anh đã trinh sát, thâm nhập, mang 120kg thuốc nổ đến đây như thế nào thì hẳn ít người tường tận.
Bạn đang xem: Chiêm Thành Tấn là ai? Câu chuyện về Chiêm Thành Tấn
Trong một lần về thăm quê hương Vĩnh Viễn của Chiêm Thành Tấn (Hai Tấn), nhớ về đồng đội, ông Lê Trọng Nghĩa, người từng sống, chiến đấu với anh, đã làm quá khứ sống lại.
Ông Tám Nghĩa nói Hai Tấn là anh hùng đích thực.
Y sĩ làm đặc công thủy
Đại tá Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa), nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị, Cục Chính trị Quân khu 9, gắn bó với Hai Tấn trong những năm kháng chiến chống Mỹ và sau tiếp thu, bồi hồi nhớ lại từng chi tiết: Đồng chí Tấn nguyên là cán bộ quân y, luôn phục vụ chu đáo thương binh; tháng 10-1971, Tỉnh đội Cần Thơ mở lớp huấn luyện đặc công thủy, Tấn cũng được giao phục vụ lớp học, khi đó Tấn tham gia học luôn…
Kết thúc huấn luyện, Tỉnh đội thành lập Đại đội đặc công thủy H40 và Tấn được phân công về đơn vị này, nhưng không phải làm quân y, mà là Đại đội trưởng.
Nơi chôn nhau cắt rốn của anh hùng Chiêm Thành Tấn ở Vĩnh Viễn (ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ), anh và các em của mình lớn lên bên dòng sông Nước Đục hiền hòa, nhưng phải đêm ngày oằn mình gánh mưa bom bão đạn quân thù.
Những khi dòng sông lặng sóng, anh em cả xóm ùa nhau xuống sông ngụp lặn bắt cá, mò tôm; lấy bập bè làm súng chia phe diệt thù… Đến lúc rong rêu đóng đầy râu tóc thì bọn trẻ kéo nhau lên khoe chiến tích nào tôm càng, cá bống tượng, mè vinh… Ông Bảy Quân, năm nay 80 tuổi, ở chung xóm và rất gắn bó với Hai Tấn kể: Hồi đó, phải nói là Tấn lội giỏi và lặn rất sâu mò bắt dính nhiều tôm, cá ở sông này.
Vĩnh Viễn anh hùng và Tấn cũng mang dòng máu ấy. Những ngày trú bom dưới hầm cùng các em, nghe gót giày quân thù đi trên đất mẹ mà Tấn lùng bùng tai, chui ra khỏi hầm mắt đầy đom đóm lửa…
Cũng vì thế mà tuổi thiếu niên (hơn 16 tuổi) anh thoát ly gia đình. Tuy chưa biết gì về y tế nhưng anh đã nhanh chóng học và làm tốt nhiệm vụ cứu thương. Thấy có khiếu nên Hai Tấn được đưa đi học 2 tháng sơ cấp cứu thương (năm 1964), 4 năm phục vụ không để xảy ra sai sót, anh tiếp tục được đưa đi học nâng cao – y sĩ cấp tốc 45 ngày (sau năm 1968) để phục vụ chuyên sâu…
Là cán bộ quân y đồng trang lứa với Hai Tấn, ông Hai Dũng nhận xét: Tấn có khả năng cao trong phán đoán bệnh tình và quyết đoán trong xử lý vết thương; có những thương binh vào viện tính đâu hy sinh nhưng qua tay của Tấn đều mau lành bệnh, trở lại chiến đấu.
Nhưng đó chưa bộc lộ hết khả năng tài lược của anh khi Tỉnh đội Cần Thơ mở lớp huấn luyện đặc công thủy… Với học viên khác có kiến thức, kinh nghiệm, được lựa chọn kỹ càng vào lớp này ban đầu rõ là hơn anh, nhưng chỉ qua vài buổi huấn luyện sớm chiều, anh đã bộc lộ khả năng thiên bẩm – tài không đợi tuổi – nặng nợ với nghiệp “rái cá”.
Nếu con sông Nước Đục hiền hòa đã dạy anh bơi giỏi thì lòng căm thù giặc sâu sắc mới là yếu tố quyết định để anh chung sức với cách mạng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Lòng căm thù giặc càng sục sôi khi trước năm 1968, lúc đóng quân ở Ba Hồ, Vĩnh Long, anh hay tin bà ngoại và 2 em ở quê nhà bị Mỹ bắn chết. Vậy là, Tấn cùng một đồng đội ròng rã ngày đêm chèo xuồng về chịu tang ngoại. Về đến nơi, chứng kiến nhà tan cửa nát, đau đớn tột cùng, Tấn thề biến đau thương thành hành động để trả nợ nước thù nhà.
Một bên nhịp cầu Cái Răng bị Chiêm Thành Tấn và Võ Thành Đô đánh sập, bên cạnh cầu mới ngày nay.
“Thả mặt ốc” đánh cầu
Nhận nhiệm vụ mới cũng là lúc đất nước bước vào giai đoạn kháng chiến gay go nên đơn vị của Hai Tấn được giao trọng trách phải đánh sập cầu Cái Răng nhằm cắt đứt giao thông Quốc lộ 4, ngăn chi viện của địch…
Đây là cây cầu huyết mạch nên địch canh giữ ngày đêm, muốn đến gần chân cầu hoàn toàn không dễ dàng; chúng pha đèn hầu như suốt đêm, cứ chốc lại cho xuồng ghe chạy xung quanh để kiểm soát. Đặc biệt, hễ thấy động tĩnh gần đó là chúng bắn, nén lựu đạn; đám lục bình, một tai lục bình, một vật nhỏ trôi đến gần cầu cũng bị bắn nát phòng có người ém theo để phá cầu.
Trong các lần tâm sự với Tám Nghĩa, Hai Tấn nói đã nhiều lần “thả mặt ốc” (thả người ẩn dưới mặt nước, mặt ngửa lưng chừng dưới nước như ốc và ngậm ống cao su để thở) gần đến cầu, nhưng không thể đến gần nhất để “tai nghe, mắt thấy, tay sờ mó mục tiêu”, vì vô cùng nguy hiểm, nên khó biết trụ cầu cỡ nào mà dùng thuốc nổ tương xứng công phá. Tuy nhiên, Tám Nghĩa biết rõ ý chí, quyết tâm của Hai Tấn là phải đánh sập cầu này.
Quyết tâm ấy đã được thông qua với sự hợp lực chuẩn bị của nhiều người.
Ông Tám Nghĩa kể chi tiết: Lúc này, đích thân anh Hai Thiết, tức Võ Minh Khai, Tỉnh đội phó, hóa trang để râu xồm xoàm, mặc quần áo bà ba đen, được chị Út Kim Ên lái vỏ máy chạy qua chạy lại cầu Cái Răng để dò xét, bàn phương án đánh.
Cũng nói thêm rằng, đánh cầu Cái Răng ngoài Hai Tấn còn có Đại đội phó H40 Võ Thành Đô tham gia. Đơn vị anh lúc này đóng trên địa bàn Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp – vùng lõm du kích (giữa 2 đồn địch).
“Sau khi thống nhất phương án, công tác chuẩn bị để đánh cũng mất nhiều tháng. Để có 120kg thuốc nổ phải gom nhiều lần, nhiều nơi; cả H40 nhiều đêm trước khi đánh phải kỹ lưỡng vận chuyển nhiều khối thuốc nổ, sau đó cố kết lại, mang ra sát bờ kênh Ba Láng để Tấn và Đô thả ngầm đến trụ cầu đúng vào khoảng 4 giờ sáng – giờ mà sau nhiều ngày dò xét, Tấn khẳng định địch rất chủ quan, an toàn cho mình và đồng đội”, ông Tám Nghĩa nhớ lại.
– 120kg thuốc nổ nặng lắm, phải chuyển sao khi tất cả ở dưới nước ?
– Nó được buộc vào can nhựa, cho thuốc và can chìm lưng lửng, trôi theo nước ròng về phía cầu.
Nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị, Cục Chính trị Quân khu 9, kể tiếp: Trong khối thuốc nổ có 2 kíp nổ, 1 kíp hẹn giờ và 1 kíp tức thì; nếu lộ thì Tấn cắn kíp cho nổ ngay, coi như hy sinh luôn, còn kíp kia thì hẹn 30 phút sau nổ.
“Tôi khâm phục tinh thần quả cảm, nghị lực phi thường của Tấn và Đô chỗ này, có nghĩa là biết hy sinh chỉ trong gang tấc nếu bại lộ nhưng vẫn dũng cảm chứ không chút do dự, sợ sệt”, ông Tám Nghĩa nhấn mạnh.
Yên tâm “thả mặt ốc” từ nửa đêm ra cầu, nhưng căng thẳng nhất, cẩn thận nhất, không để bất cứ sai sót nhỏ nhất nào xảy ra là đoạn thuộc phạm vi cảnh giới của địch. Song với khả năng tinh tường, kinh nghiệm xương máu đánh các cầu Tầm Vu, cầu Trắng, cầu Đất Sét,… Hai Tấn đã tiếp cận được mục tiêu, nhanh chóng buộc khối thuốc nổ vào chân cầu, hẹn giờ và lặng lẽ “thả mặt ốc” rời đi…
30 phút sau, ngày 7-4-1972, khi Tấn và Đô đến vàm Cái Da thì 1 tiếng nổ long trời vang lên, cầu Cái Răng sập tức thì, địch bấn loạn, bắn sáng trời trên mặt nước, phát lệnh lùng sục Việt Cộng, nhưng anh và Võ Thành Đô đã an toàn dưới dạ nhà sàn, nơi cơ sở của ta đồn đóng và hai hôm sau tất cả về đơn vị an toàn.
Cầu Cái Răng sập là dấu son lịch sử ở miền Tây Nam bộ vào những ngày đầu chiến dịch mùa hè rực lửa 1972. Mỹ – ngụy càng điên cuồng bắn giết nhưng vẫn canh cánh nỗi lo không biết các yếu khu khác rồi sẽ như thế nào, bởi Việt Cộng thoắt ẩn thoắt hiện…
Cầu Cái Răng sập gây ra nhiều khó khăn cho địch trong chi viện, mất nhiều thời gian làm lại cầu phao, rồi sau đó trực ngày trực đêm mà vẫn nơm nớp sợ những “rái cá” âm thầm của dòng sông quê hương ngày đêm “chở che bom đạn”…
Với chiến công lừng lẫy ấy, Chiêm Thành Tấn được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Tiếp tục phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, từ năm 1972 đến ngày giải phóng và xây dựng đất nước, Hai Tấn còn được nhận nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiếp tục thêm những lời khen cho đồng chí mình, Tám Nghĩa khẳng định: “Hai Tấn trọn vẹn lắm; chỉ huy chu đáo, đồng đội chu đáo, anh em chu đáo. Với Tấn, kẻ thù là triệt để cách mạng, anh là anh hùng đích thực!”.
Những năm sau 1980, khi nước bạn lâm nguy, Hai Tấn lên đường làm nghĩa vụ quốc tế. Bên ấy, anh đã hóa thân cho đất mẹ nở hoa, hóa thân cho nghĩa tình Việt Nam – Campuchia thêm bền chặt.
Chuyện người anh hùng đánh sập cầu Cái Răng
Giữa tháng 8/1970, nhằm từng bước làm thất bại kế hoạch “bình định” của địch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giao Trung đoàn 1 U Minh và Tiểu đoàn Tây Đô (Bộ đội địa phương tỉnh Cần Thơ) tiến đánh một số đồn bốt của địch ở tỉnh, trong đó có chi khu Vị Thanh và đồn Ngã Bảy.
1/ Chi khu Vị Thanh là một trong những điểm xuất phát các cuộc hành quân càn quét của địch trong vùng. Trong phương án tác chiến của ta theo hình thức “đánh điểm, diệt viện” có việc đánh sập cầu Cái Răng nhằm ngăn chặn sự chi viện bằng đường bộ của địch từ Cần Thơ xuống khu căn cứ Vị Thanh khi bị ta bao vây, tiến công.
Cầu Cái Răng nằm trên tuyến giao thông huyết mạch từ Sài Gòn đến Cà Mau. Cầu bắc qua sông Cái Răng – một nhánh của sông Cần Thơ chảy vào Sông Hậu. Cầu dài hơn 100 m với ba nhịp kết cấu thép và có hai trụ bê-tông cốt thép rất chắc chắn. Hai đầu cầu, địch bố trí hai lô cốt khổng lồ, ngày đêm có lính canh gác. Hàng đêm trên cầu có lính tuần tra, chốc chốc chúng lại xả một loạt đạn xuống những đám lục bình hay bè rác đang trôi trên sông. Không những thế, cả hai phía thượng lưu và hạ lưu sông, cách cầu chừng 2 km, địch bố trí hai đồn có trung đội lính bảo an chốt giữ. Cách khoảng 100 m hai bên đầu cầu và hai bên sông là những dãy nhà dân hay xóm ấp trong các vườn cây.
Nhiệm vụ đánh cầu Cái Răng được Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Tây Đô 1 giao cho tổ đặc công nước đại đội 3 do tiểu đội trưởng Chiêm Thành Tấn thực hiện. Sau nhiều đêm dầm mình trong nước để điều nghiên, Chiêm Thành Tấn và Lê Hữu Đô – tổ viên, đã nắm được kết cấu của cầu; quy luật tuần tiễu của địch ở cầu, thời gian lên xuống của thủy triều… Trên cơ sở đó, các anh báo cáo chỉ huy đại đội phương án tác chiến.
Theo kế hoạch hợp đồng tác chiến: giờ G, ngày N, khi đơn vị bạn tiến đánh chi khu Vị Thanh thì ngay trong đêm, tổ của Tấn phải tìm cách đánh sập cầu Cái Răng. Sau đó, tổ nhanh chóng di chuyển về phía thượng lưu, đến một ngôi miếu cách cầu khoảng 1,5 km sẽ có cơ sở của ta đón.
2/ Chỉ còn không đầy sáu tiếng nữa là đến thời điểm tổ chiến đấu của Tấn bắt đầu xuất phát, thì điều nằm ngoài dự kiến của Ban Chỉ huy đại đội 3 đã xảy ra: Lê Hữu Đô bị sốt cao và ho nhiều không thể đi được. Ban chỉ huy đại đội định phân công một người khác đi với Tấn nhưng anh cho rằng, chưa đi điều nghiên thì không thể phối hợp với nhau, khi chiến đấu và rất dễ bị lộ. Rồi anh báo cáo với Ban chỉ huy đại đội: Đi một mình! Trước quyết tâm cao của Chiêm Thành Tấn, Ban chỉ huy đại đội đồng ý và căn dặn thêm một số điều cần thiết trước khi xuất phát.
Màn đêm buông xuống, sau khi được mọi người giúp hóa trang và khiêng 120 kg thuốc nổ ra bến sông, Tấn dầm mình trong nước tiến về mục tiêu (khối thuốc nổ được buộc phao hai bên để dễ di chuyển trong nước). Còn cách cầu chừng hơn 200 m thì Tấn chột dạ khi thấy đèn pha từ hai bên đầu cầu quét đi quét lại trên mặt nước. Tấn đẩy khối thuốc nổ vào gần bờ rồi quan sát. Anh chợt nghĩ: hay kế hoạch tác chiến đã bị lộ…
Khoảng nửa giờ sau, không gian trở lại yên tĩnh. Đồng hồ trên tay Tấn lúc này chỉ 2 giờ kém 5 phút. Anh biết rằng, giờ này đơn vị bạn chuẩn bị nổ súng, mình phải tiến đánh thôi! Thủy triều xuống, nước chảy xiết. Tấn vừa đến chân cầu, đang lấy chiếc kìm định cắt dây thép gai để đưa khối thuốc nổ vào giữa bốn trụ cầu thì nước chảy mạnh đẩy khối thuốc nổ và Tấn trôi về phía hạ lưu. Rất may là anh bám được vào chiếc cọc đáy đóng giữa sông, cách cầu chừng 70 m. Không còn cách nào khác, Tấn buộc khối thuốc nổ vào cọc đáy chờ cho nước lớn trở lại, anh phải giấu mình dưới nước và thở bằng ống nhựa. Phải mất đến gần hai tiếng đồng hồ sau, dòng nước chững lại rồi bắt đầu chảy ngược dòng. Tấn đẩy khối thuốc nổ trở lại chân cầu.
Đang loay hoay cắt lớp rào gai bao ngoài chân cầu thì bỗng một loạt đạn từ lô cốt bên trái bắn về phía Tấn. Sau phút ngỡ ngàng, Tấn nhận ra là chúng bắn vào đám lục bình đang trôi cách anh chưa đầy 6 m!
Cắt xong lớp rào gai, Tấn đẩy khối thuốc nổ vào giữa các trụ chân cầu. Kiểm tra lần cuối, rồi căn kíp hẹn giờ. Xong, Tấn nhoài người thả theo dòng nước về phía thượng lưu. Cách cầu chừng 200 m, Tấn dạt vào bờ bên phải – nơi có đám lục bình dày đặc và phía trên là chiếc cầu sàn lản – nơi người dân thường ngồi để giặt giũ, rửa chân tay. Anh nằm dưới chiếc cầu đó, chờ đợi…
Thời gian nặng nề trôi qua. Trời bắt đầu mờ sáng. Đồng hồ trên tay Tấn chỉ đúng 4 giờ 20 phút. Trên cầu thi thoảng đã có tiếng xe máy vụt qua. Đang hồi hộp chờ đợi thì bỗng trên cầu sàn lản xuất hiện một cô gái. Cô đem một gánh rau ra ngồi trên cầu rửa, chắc chuẩn bị hàng đi chợ. Tấn nằm bất động dưới cầu.
Bỗng một ánh chớp sáng lòa và một tiếng nổ rung chuyển cả một vùng. Một cột nước và khói khổng lồ dựng lên phủ kín chiếc cầu. Một nhịp cầu đã bị hất xuống sông. Sức nổ đã tạo ra những lớp sóng cao ngất đang ầm ầm hướng về phía Tấn. Anh bị sóng nhấc bổng lên cao rồi ném xuống mặt cầu. Khi bị sóng đẩy lên mặt cầu, người Tấn xô mạnh vào cô gái khiến cô ngã nhào xuống nước. Cô kêu lên thất thanh, bám vào bờ, cuống cuồng bò lên rồi vùng chạy. “Phải nhanh chóng thoát khỏi nơi này!”, Tấn bật dậy chạy như bay dọc theo con đường ven sông. Anh đến gần ngôi miếu rồi tạt xuống mé lá, dầm mình trong bùn đất quan sát. Trong và ngoài miếu không một bóng người. Tấn nghĩ: Theo hợp đồng tác chiến, khoảng 4 giờ sáng, cơ sở sẽ đón tại miếu này, giờ đã 6 giờ, chắc cơ sở đã đi nơi khác, đành chờ đến tối mình sẽ tìm đường về đơn vị.
3/ Cầu bị đánh sập, địch bắt đầu phản ứng quyết liệt. Trên sông, những chiếc xuồng máy chở đầy lính quần đảo. Chúng bắn như vãi đạn vào những nơi nghi là có Việt Cộng ẩn nấp. Trên bờ hai bên sông, từng tốp lính lùng sục. Từ dưới mé sông, Tấn nghe rõ tiếng chửi thề, tiếng quát tháo của bọn lính.
Mặt trời đã đứng bóng. Không gian trở lại yên tĩnh, trên sông thi thoảng lại có một chiếc xuồng máy rẽ nước xuôi dòng. Tấn cảm thấy đói và mệt. Bỗng một chiếc ghe tam bản ghé vào ngôi miếu. Trên ghe chở đầy dưa và khóm (dứa). Một phụ nữ xách túi hoa quả và thẻ nhang từ ghe bước xuống đi lên miếu. Từ dưới đám dừa nước, qua cử chỉ của người phụ nữ, Tấn cho rằng, đây là cơ sở đến tìm mình. Anh lấy một nắm đất ném về phía người phụ nữ. Sau phút ngỡ ngàng, chị quay về phía Tấn nói như ra lệnh:
– Lên ghe lẹ đi!
Nói xong chị vội vã trở lại ghe rồi đưa tay kéo Tấn lên. Cậu bé chừng hơn mười tuổi chắc là con chị đang ngồi trên ghe, thấy Tấn bước lên, nhanh chóng mở cửa buồng trên ghe cho anh vào. Chiếc ghe mau chóng rời bến đi đến một khúc sông đang có rất nhiều xuồng, ghe neo đậu. Tấn được cậu bé đem nước rửa chân, tay, thay quần áo rồi được chui vào cái lồng sắt mà phía trên xếp đầy dưa và khóm. Chập tối hôm đó, phải qua hai trạm kiểm soát của địch ở ven sông, hai mẹ con chị đưa Tấn về nơi an toàn.
Trận đánh sập cầu Cái Răng cắt đứt việc chi viện bằng đường bộ của địch từ Cần Thơ xuống giải vây cho chi khu Vị Thanh bị quân giải phóng Tây Nam Bộ tiến công cuối tháng 8/1970 có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt, không chỉ cổ vũ động viên quân và dân vùng lên phá tan đồn bốt địch, diệt ác phá kềm, mở rộng vùng giải phóng; mà đây còn là một chiến công của quân và dân Tây Nam Bộ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm đó. Tháng 8/2021
Những năm sau đó, Chiêm Thành Tấn tiếp tục có những thành tích xuất sắc, thật sự là một cán bộ mẫu mực của Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1976, anh được trao tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Ngày nay, ở khu 7, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang – quê hương anh có một trường học rất uy tín trong vùng mang tên anh: Trường THPT Chiêm Thành Tấn.
***
Trên đây là nội dung bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Chiêm Thành Tấn là ai. Mọi thông tin trong bài viết Chiêm Thành Tấn là ai? Câu chuyện về Chiêm Thành Tấn đều được xác thực rõ ràng trước khi đăng tải. Tuy nhiên đôi lúc vẫn không tránh khỏi những sai xót đáng tiếc. Hãy để lại bình luận xuống phía dưới bài viết để đội ngũ biên tập được nắm bắt ý kiến từ bạn đọc.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Tổng hợp
- Cao Bá Quát là ai? Những chuyện ít người biết về Cao Bá Quát
- 109++ Hình ảnh chữ buồn đẹp về tình yêu, cuộc sống Hot nhất
- Amber là ai? Sự nghiệp của Amber
- Anna Gấu là ai? Sự nổi tiếng bất ngờ của Anna Gấu
- B Ray là ai? Con đường sự nghiệp của B Ray
- Bài 1: Hai Bà Trưng trang 92, 93 SGK Tiếng Việt 3 tập 2 Chân trời sáng tạo
- Bài 1: Yết Kiêu trang 82 SGK Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo
- Bài 6.1 trang 8 Toán lớp 6 Tập 2 – Kết nối tri thức