Học Tập

Nghị luận là gì? Cách ăn điểm bài văn nghị luận

Mời các em theo dõi nội dung bài học về Nghị luận là gì? Cách ăn điểm bài văn nghị luận do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Nghị luận là gì?

Nghị luận là phương pháp hay dạng thức văn bản tồn tại với nội dung chủ yếu là bàn về một đối tượng khác, đó có thể là một tác phẩm văn học, đời sống, chính trị, xã hội nhằm cung cấp tới người đọc những lý lẽ, dẫn chứng của bản thân có tính thuyết phục.

Ngoài ra, nghị luận còn được hiểu là những lời tâm huyết mà người nói muốn truyền tải tới người nghe một các đầy đủ nhất. 

Bạn đang xem: Nghị luận là gì? Cách ăn điểm bài văn nghị luận

Nghị luận là gì?
Nghị luận là gì?

Văn nghị luận là gì?

Văn nghị luận là một dạng văn viết, viết ra nhằm cung cấp cho người đọc một tư tưởng nào đó về sự vật, sự việc. Những đánh giá, xác lập trong văn nghị luận sẽ được triển khai cụ thể dưới từng luận điểm, luận cứ cụ thể, rành mạch.

Đặc điểm của văn nghị luận

Luận điểm

Luận điểm là các ý kiến, quan điểm của bản thân người viết đối với một vấn đề cụ thể trong văn học hoặc xã hội. Luận điểm là ý chính bao trùm lên toàn bộ bài viết. Các luận điểm được triển khai gồm có: luận điểm xuất phát, khai triển, kết luận.

Luận cứ

Luận cứ là những lý lẽ và dẫn chứng cụ thể được đưa ra nhằm chứng minh luận điểm trên có tính chất đúng đắn, xác thực.

Mục đích và đặc điểm của nghị luận

Mục đích và đặc điểm của nghị luận
Mục đích và đặc điểm của nghị luận

Văn nghị luận là loại văn bản được tạo ra từ phương thức lập luận đan xen phản ánh những đặc điểm về mục đích và cách thức biểu đạt nghị luận, xuất hiện đa dạng ở bài nói hoặc bài viết.

Văn nghị luận vốn dĩ là sản phẩm của tư duy logic, mỗi vẻ đẹp của từng áng văn nghị luận không chỉ thể hiện ở hình thức lập luận phong phú, lý lẽ đanh thép, kèm theo giọng điệu thuyết phục mà còn thể hiện ở thái độ của tác giả trước vấn đề cần nghị luận.

Chính vì vậy, việc nắm được đặc điểm của văn bản nghị luận chính là điều cần thiết để từ đó có thể hình thành, thiết kế xây dựng các phương pháp học tập đạt hiệu quả, phù hợp với đặc trưng từng thể loại.

Yếu tố luận điểm trong văn nghị luận

  • Là các ý kiến thể hiện những quan điểm và tư tưởng của bài văn được nêu ra dưới nhiều hình thức như: câu khẳng định hay phủ định, thường có các từ có thể, có,… được diễn đạt một cách dễ hiểu, sáng tỏ và nhất quán.
  • Luận điểm chính là linh hồn của văn nghị luận, đồng thời còn thống nhất các đoạn văn thành một khối. Để có sức thuyết phục, luận điểm cần phải đúng đắn, chân thực và kèm theo tính đáp ứng nhu cầu thực tế.

Yếu tố hệ thống luận cứ

  • Luận cứ là những lý lẽ, dẫn chứng cơ bản để làm rõ luận điểm.
  • Luận cứ cũng là một yếu tố quan trọng khi nhắc đến đặc điểm của văn nghị luận. Để bài viết có sức thuyết phục cao, người viết cần phải đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng cụ thể để người đọc tin vào vấn đề đó.
  • Muốn phân tích, đánh giá được tính đúng đắn của luận điểm thì việc phân tích luận cứ là một thao tác cực kỳ quan trọng và cần thiết.
  • Luận cứ phải chân thực, đúng đắn, rõ ràng và tiêu biểu thì mới làm cho luận điểm có sức thuyết phục.
  • Lý lẽ là những đạo lý, lý lẽ phải được thừa nhận cũng như nhận được sự đồng tình khi trình bày.
  • Dẫn chứng là những sự vật, sự việc, nhân chứng, bằng chứng dùng để chứng minh và làm sáng tỏ, cũng như xác nhận cho luận điểm đã đưa ra.
  • Những dẫn chứng đưa ra phải có sự xác thực, tiêu biểu, đáng tin và không thể bác bỏ. Lý lẽ và dẫn chứng phải có sự đáng tin cậy mới làm cho luận cứ vững chắc.

Yếu tố lập luận trong văn nghị luận

  • Lý lẽ trong văn nghị luận được thể hiện ở hệ thống luận điểm thì lập luận chính là một cách thức trình bày lý lẽ.
  • Lập luận là cách tổ chức vận dụng những lý lẽ, dẫn chứng sao cho luận điểm được nổi bật và có sức thuyết phục nhất.
  • Lập luận có thể tình cờ bắt gặp rất nhiều trong văn nghị luận.
  • Để đưa ra những đánh giá có sức thuyết phục của văn nghị luận, trước hết cần phải phân tích, đánh giá, chứng minh được mức độ chặt chẽ và sự sắc bén của lập luận mà tác giả lựa chọn.

Các thao tác lập luận trong văn nghị luận

Các thao tác nghị luận gồm có: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ.

– Thao tác giải thích

  • Giải thích cơ sở: giải thích từ ngữ, khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ.
  • Trên cơ sở giải thích đó giải thích toàn bộ vấn đề, chú ý nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn.

– Thao tác phân tích

  • Khám phá chức năng biểu hiện của các chi tiết
  • Dùng phéo liên tưởng để mở rộng nội dung ý nghĩa
  • Các cách phân tích thông thường: Chia nhỏ đối tượng thành các bộ phận để xem xét; phân loại đối tượng; liên hệ, đối chiếu; cắt nghĩa bình giá; nêu định nghĩa.

– Thao tác chứng minh

  • Đưa ra lí lẽ trước
  • Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi có thể thuyết minh trước rồi trích dẫn sau.

– Thao tác bình luận 

Bình luận luôn có hai phần

  • Đưa ra những nhận định về đối tượng nghị luận
  • Đánh giá vấn đề ( lập trường đúng đắn và nhất thiết phải có tiêu chí ).

– Thao tác so sánh 

  • Xác định đối tượng nghị luận, tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản hoặc hai đối tượng cùng lúc.
  • Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng
  • Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng
  • Xác định giá trị cụ thể của các tượng

 – Thao tác bác bỏ

Bác bỏ một ý kiến sai có thể thực hiện bằng nhiều cách: bác bỏ luận điểm, bác bỏ luận cứ, bác bỏ cách lập luận hoăc kết hợp cả ba cách:

  • Bác bỏ luận điểm: thông thường có hai cách bác bỏ: dùng thực tế, dùng phép suy luận
  • Bác bỏ luận cứ: vạch ra tính chất sai lầm, giả tạo trong lý lẽ và dẫn chứng được sử dụng
  • Bác bỏ lập luận: vạch ra mâu thuẫn, phi logic trong lập luận của đối phương.
Các thao tác lập luận trong văn nghị luận
Các thao tác lập luận trong văn nghị luận

Cách ăn điểm bài văn nghị luận

Bài văn nghị luận chiếm số điểm khá cao trong bài thi môn văn. Vậy làm thế nào để làm tốt loại bài này? Mách nước sau giúp bạn điều đó.

Bài văn nghị luận chiếm số điểm khá cao trong bài thi môn văn. Vậy làm thế nào để làm tốt loại bài này? Mách nước sau giúp bạn điều đó.

Căn cứ vào đề tài, đối tượng nghị luận mà có hai kiểu bài chủ yếu: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Nếu như đề tài, đối tượng của bài văn nghị luận xã hội là một vấn đề chính trị, tư tưởng, đạo lí, một hiện tượng xã hội thì đối với bài văn nghị luận văn học lại là tác phẩm, hiện tượng văn học hay những ý kiến, nhận định về văn học. Đây là kiểu bài văn phổ biến, quen thuộc nhất đối với học sinh các cấp nhà trường hiện nay.

Người viết tiểu luận văn học, người học sinh khi làm bài cần hiểu đúng thế nào là bài nghị luận văn học.

Trong chương trình Tập làm văn mới hiện hành, không còn sự phân chia các kiểu bài nghị luận văn học như trước đây nữa (giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, bình giảng). Sự thay đổi này nhằm phản ánh đúng hơn bản chất của một bài văn, qui trình làm một bài văn nghị luận văn học.

Thực tế, hiếm có bài văn nào từ đầu đến cuối chỉ hoàn toàn tuân theo một yêu cầu, chỉ vận dụng một thao tác ấy. Đó là các phép lập luận, các thao tác, phương pháp thường được kết hợp vận dụng khi giải quyết một vấn đề nghị luận. Thật ra, trong một bài nghị luận văn học, người viết thường sử dụng nhiều thao tác, kĩ năng và nhiều khi khó tách bạch một cách rạch ròi giải thích, chứng minh, phân tích, bình giảng, bình luận. Nói vậy cũng có nghĩa nghị luận văn học là kiểu bài đòi hỏi tính tổng hợp của tri thức, của kĩ năng. Muốn làm được một bài nghị luận văn học hay, cùng với kiến thức, năng lực cảm thụ, người viết cần có kĩ năng kết hợp đồng thời, linh hoạt nhiều phép lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, để trình bày một cách thuyết phục, hấp dẫn ý kiến, nhận định của mình.

Cách hiểu kiểu bài nghị luận văn học như thế đã bao hàm đòi hỏi tính tích cực, năng lực, bản sắc cá nhân của người làm bài. Một tư tưởng lớn, một phương châm quan trọng trong dạy – học hiện nay mà hầu như ai cũng biết là phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh. Cần chống lối học vẹt, nói theo từ cách nghĩ đến cách học, cách làm bài. Phân môn làm văn đặc biệt cần góp phần tích cực vào việc thực hiện tư tưởng, phương châm ấy từ cách ra đề đến cách đánh giá. Nghị luận về một vấn đề, phương diện nào đó của tác phẩm truyện, nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần xác định một lập trường, từ một góc độ nào đó để phân tích, lí giải, đánh giá, để bộc lộ chủ kiến của mình.

Ngay chữ “phân tích” trong yêu cầu của một đề văn nghị luận cũng cần hiểu cho đúng, cho toàn diện. Nó không chỉ là một thao tác, một phép lập luận. Nó không chỉ phân chia vấn đề, đối tượng ra từng bộ phận, từng khía cạnh để miêu tả, tìm hiểu đặc điểm. “Phân tích” ở đây bao hàm cả sự nhận xét, đánh giá, lí giải… về vấn đề, đối tượng ấy bằng tư tưởng, tình cảm của mình. Chẳng hạn trước đề văn nghị luận “Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long”. Một bài làm văn tốt sẽ không chỉ nêu rồi chứng minh từng vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật anh thanh niên (như lòng yêu nghề, lặng lẽ cống hiến, như lòng hiếu khách đến nồng nhiệt rồi đức tính khiêm tốn…).

Đồng thời với quá trình phân tích từng vẻ đẹp, trình bày từng luận điểm ấy, người viết cần thể hiện sự cảm thụ các chi tiết nghệ thuật sinh động trong tác phẩm, thể hiện thái độ, tình cảm của mình, cần nhận xét, đánh giá về cách miêu tả, xây dựng nhân vật của nhà văn, cần rút ra, khái quát về ý nghĩa của hình tượng nhân vật… Nói vậy nghĩa là bài nghị luận văn học đòi hỏi cảm thụ, ấn tượng riêng, đề cao tính chất cá nhân, cá thể của người viết. Tất nhiên, từ ý thức được về lí thuyết đến thực hành đúng, thực hiện cho có hiệu quả thật sự không hề đơn giản. Muốn làm được điều này cả thầy và trò phải phấn đấu dần dần ra khỏi quán tính, từ bỏ thói quen ăn sâu một thời, còn làm sao vượt khỏi áp chế đè nặng của bao thứ sách tham khảo, bài mẫu này nọ trên thị trường sách đa tạp hiện nay. Quả thực, với kiểu ra đề văn hạn hẹp, đơn điệu lâu nay, trước thực tế các tác phẩm, vấn đề đã được cày xới kĩ, người làm bài không dễ có và xen vào được ý kiến, cảm thụ riêng của mình.

Từ đặc điểm của kiểu bài nghị luận văn học nêu trên, chúng ta xác định cụ thể hơn những yêu cầu cơ bản mà một bài nghị luận văn học cần đạt tới.

1. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vào ý đồ sáng tác của nhà văn mà phân tích, làm sáng tỏ các tầng lớp nội dung, ý nghĩa trong ngôn từ, trong hình ảnh nơi văn bản

Mọi nhận xét, đánh giá về tác phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ  sự hiểu đúng, hiểu sâu nó. Bài nghị luận văn học tối kị lối phát biểu ý kiến một cách chung chung hoặc chỉ “diễn nôm “nội dung. Muốn bình đúng, bình hay trước tiên phải phân tích đúng, giảng sâu. Giảng có nghĩa là khám phá, giảng giải nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, là giải thích, khẳng định nghĩa lí của văn bản. Nó có nhiệm vụ chỉ ra các tầng lớp nội dung và chứng minh một cách thuyết phục rằng nội dung ấy tất phải được thể hiện qua hình thức nghệ thuật ấy, rằng hình thức nghệ thuật ấy “hợp lẽ thuận tình”, có tính độc đáo hơn cả trong việc thể hiện nội dung.

Trong quá trình phân tích, chứng minh tính độc đáo của sự thống nhất giữa nội dung và hình thức ở văn bản tác phẩm, người nghị luận cần tìm trúng những chỗ hay, chỗ lạ của các phương thức, thủ pháp thể hiện và khẳng định được rằng hình thức nghệ thuật ấy là “phương án tối ưu” để thể hiện sinh động nội dung, rằng bất kì sự đổi thay nào đó (dù rất nhỏ) cũng có thể phá vỡ nghĩa lí, phá vỡ tính chỉnh thể của tác phẩm. Chẳng hạn, khi bình giảng khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, ta không thể không chú ý đến chữ mướt trong câu “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Chỉ chữ mướt ấy mới diễn tả đúng và hết sức gợi cảm màu xanh non, xanh mỡ màng đang lấp lánh phản chiếu ánh nắng ban mai của “vườn ai” nơi thôn Vĩ. Vào thời điểm sương đêm còn đẫm trên các ngọn cây, lá cây và ánh mặt trời mới dậy đang chiếu rọi thì mới có mướt. Không thể thay vào đó một chữ bất kì nào khác để đúng, hay được như thế.

2. Cùng với việc giảng giải, phân tích, cần đánh giá, bàn luận về những “lời hay ý đẹp” nơi văn bản, về giá trị của tác phẩm, ý nghĩa của vấn đề

Để khẳng định tính độc đáo, các giá trị của tác phẩm, bài nghị luận phải đào sâu vào các tầng lớp ý nghĩa, vào sự thống nhất cao giữa nội dung và hình thức, đồng thời cần liên hệ mở rộng xung quanh chính các vấn đề ấy, cần tổng hợp, nâng cao bằng năng lực khái quát. Ở đây rất cần thao tác so sánh cũng như khả năng cảm thụ văn chương tinh tế cùng với vốn tri thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Phân tích các bài thơ viết về người chiến sĩ Vệ quốc như Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu, ta không thể không đặt chúng vào hoàn cảnh đất nước thiếu thốn, gian khổ ở những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vào các thành công lẫn hạn chế của dòng thơ viết về anh bộ đội lúc bấy giờ.

Mặt khác, ta cũng rất cần sự hiểu biết về đặc điểm phong cách từng nhà thơ, bút pháp của từng bài thơ để làm sáng tỏ cái hay riêng ở từng tác phẩm. Phân tích nhân vật Chí Phèo, ta cần nhận xét về tính chất điển hình của hình tượng này, cần đánh giá về chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc cùng nghệ thuật điển hình hóa sắc sảo của Nam Cao. Nhìn chung, phần lớn bài văn nghị luận của học sinh hiện nay còn thiên về miêu tả cụ thể (thậm chí kể lể) mà yếu về năng lực khái quát, cô đúc luận điểm và đáng giá. Tại sao lại thế? Ý nghĩa của vấn đề ở chỗ nào? Đó là các câu hỏi nên luôn tự đặt ra khi phân tích cụ thể một vấn đề.

Cách ăn điểm bài văn nghị luận
Cách ăn điểm bài văn nghị luận

3. Bài văn nghị luận cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, những luận cứ đúng đắn, sinh động và lập luận thuyết phục

Tôi thường nói đùa với các em học sinh rằng bài văn nghị luận phải như một nắm xôi: từng hại dẻo, khô nhưng lại vắt được thành nắm. Nó khác với chảo cơm rang: từng hạt săn đét, rời rạc. Các ý trong bài văn cần rõ ràng nhưng lại được liên kết thành một hệ thống.

Một bài văn nghị luận hay thường có hệ thống luận điểm rõ ràng được kết dính một cách tự nhiên, liền mạch, ý nọ gọi ý kia. Đòi hỏi hệ thống luận điểm mạch lạc, màu sắc cá nhân của các nhận xét, đánh giá, mặt khác, bài văn nghị luận cũng yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của những luận cứ. Nếu cứ sa đà vào dẫn chứng, phân tích cụ thể mà không nâng lên được tầm khái quát, không đúc kết được thành các nhận định, bài văn sẽ nhạt tính tư tưởng, khó gây ấn tượng. Mặt khác, nếu cứ nêu nhận định, ca ngợi hay phê phán một cách chung chung mà không qua các căn cứ cụ thể, dẫn chứng sinh động thì bài văn cũng yếu sức thuyết phục, dễ trở nên sáo rỗng. Kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, chứng minh cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà người viết văn nghị luận cần rèn luyện. Chẳng hạn, khi nghị luận về một tác phẩm truyện, những nhận xét, đánh giá phải xuất phát từ chủ đề, ý nghĩa của cốt truyện, từ tính cách, số phận của nhân vật, từ đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm. Khi nghị luận về một nhân vật cần phân tích, đánh giá từng phương diện cơ bản của nhân vật được nhà văn phản ánh gắn liền với những chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Chẳng hạn, khi nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, cần làm sáng tỏ nội dung cảm xúc được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu. Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy để có những nhận xét, đánh giá cụ thể, xác đáng. Trước đề bài “Cảm nhận của em về tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu” không ít học sinh lúng túng khi xác định yêu cầu và tổ chức bài làm.Tình đồng chí trong bài thơ này được diễn tả qua các nhân vật nào, ở thời gian, hoàn cảnh nào của lịch sử dân tộc? Đâu là các chi tiết đặc sắc (ngôn từ, hình ảnh, câu thơ…) chứng tỏ vẻ đẹp đặc biệt của tình đồng chí ấy? Bản thân mình tâm đắc nhất với chi tiết nào? Giá trị nhận thức, ý nghĩa tư tưởng của bài thơ Đồng chí là gì? Từ việc trả lời đúng các câu hỏi này, lại cần xác định rõ trình bày cảm nhận theo yêu cầu của đề văn sẽ bao gồm những gì, nên kết hợp ra sao các thao tác, các phép lập luận…

Như vậy, một bài văn nghị luận hay vừa đòi hỏi sự thâm nhập, thẩm bình sâu tác phẩm vừa yêu cầu kĩ năng tổng hợp, khái quát thành nhận định, đánh giá riêng.

4. Lời văn của một bài nghị luận cần chuẩn xác, trong sáng, thể hiện rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết

Khi viết một bài văn, một tiểu luận, hơn nhau không chỉ ở chỗ viết cái gì mà quan trọng còn là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Cần cân nhắc từ cách dùng từ đến cách ngắt câu. Ngôn từ phải làm sao diễn tả sát, trúng bản chất của đối tượng, điều mình muốn nói. Giọng văn làm sao phải hợp với vấn đề, với nội dung, nhiều khi như có hình có khối, giàu nhịp điệu. Viết văn cũng như giao tiếp trong đời sống, không nên hài hước khi cần trữ tình cảm thương và ngược lại. Giọng điệu lời văn khi phân tích thân phận tủi nhục cùng sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ) tất nhiên cần khác với khi phân tích Số đỏ chẳng hạn.  Phân tích câu thơ cuối của bài Đây thôn Vĩ Dạ, tôi rất tâm đắc khi viết rằng đó là một lời hỏi khắc khoải (Ai biết tình ai có đậm đà?). Trong chữ khắc khoải này có ước mong tha thiết nhưng ngậm ngùi, khẩn thiết mà đau đớn đúng với cảnh ngộ Hàn Mặc Tử khi ấy. Nhân đây, chúng tôi thấy cần lưu ý các em học sinh một điều: không nên lầm rung cảm nơi lời văn qua các câu cảm thán, qua những lời “hô to gọi giật” kiểu “chao ôi…”, “đẹp làm sao…”, “hay biết bao nhiêu…”. Nếu lạm dụng một cách ngây thơ, nếu “ngụy trang” cho tâm hồn nghèo nàn của mình theo kiểu ấy, bài văn sẽ trở nên sáo rỗng, lắm lúc buồn cười. Rung cảm phải thật sự xuất phát tự đáy lòng, từ sự “vỡ lẽ” của chính mình. Khi ấy, nó tự toát lên trong ý tứ, trong giọng điệu bài văn mà người đọc không khó nhận ra.

Trở lên trên, chúng tôi đã trình bày ngắn gọn các yêu cầu cơ bản của một bài văn nghị luận văn học. Tùy theo vấn đề, đối tượng nghị luận, đặc biệt thể loại tác phẩm, mà mỗi dạng bài lại có các yêu cầu, đòi hỏi các phương pháp riêng.

***

Trên đây là nội dung bài học Nghị luận là gì? Cách ăn điểm bài văn nghị luận do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (2 bình chọn)

Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button