Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay lớp 12 chọn lọc hay nhất gồm dàn ý chi tiết và 8 bài văn mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.
Đề bài: Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay
Dàn ý Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay chi tiết
I. Mở bài:
Bạn đang xem: Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay (8 mẫu)
Nêu đề tài nghị luận: Người anh hùng trong thời đại ngày nay
Đưa ra quan điểm chung của bản thân về đề bài.
II. Thân bài:
* Bàn luận vấn đề:
Anh hùng là gì?
- Anh hùng là những con người sống và thực hiện những hành động dựa trên lý tưởng của bản thân và kỳ vọng của mọi người. Là những người không ngại khó khăn, thử thách, nghịch cảnh mà luôn luôn làm những điều tốt đẹp hướng tới xã hội và cộng đồng.
- Anh hùng về danh từ có thể hiểu là người lập nên công trạng to lớn với nhân dân đất nước hoặc có những hành động hoặc bản lĩnh phi thường; về động từ chỉ các hành động anh hùng. Từ anh hùng được sử dụng với nghĩa tốt để tuyên dương các cá nhân, tập thể hoặc hành động nào đó.
Lập luận, quan điểm bản thân:
– Ngày nay, có rất nhiều những “anh hùng” xuất hiện không chỉ bằng những hoạt động hay cống hiến lớn lao cho xã hội, đất nước mà những người “anh hùng” còn xuất hiện cả trong hành động nhỏ của mình giữa cuộc sống. Nhưng điểm chung là họ đều hành động không phải vì cái danh “anh hùng” được mọi người bình bầu mà nó chỉ đơn giản là xuất phát từ tấm lòng, từ quan niệm sống và cách nhìn nhận về vấn đề đó, khiến họ không thể ngồi im hay khoanh tay đứng nhìn.
– Liên hệ thực tế:
Trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, có rất nhiều những nhà hảo tâm đã làm cơm trưa, phục vụ miễn phí cho các y bác sĩ trong bệnh viện, cổ vũ để các bác sĩ có thêm động lực, giúp phần nào để đất nước đẩy lùi khó khăn và vượt qua dịch bệnh. Hay nhà hảo tâm giúp cho người nghèo đảm bảo những bữa cơm trưa trong những ngày cả nước thực hiện “Cách ly toàn dân”. Họ làm việc này xuất phát từ cái tâm, không màng lợi ích. Và đó chính là “hành động nhỏ” tạo nên những “anh hùng” đời thường.
* Phản đề: Hiện tượng anh hùng bàn phím: Cư dân mạng đặt ra nhiều cụm từ dùng để chỉ đến những người sử dụng máy tính, internet để làm, hoặc nói bất cứ thứ gì mình thích: nói xấu, bới móc, thích gây chú ý, chê trách người này và đả kích người kia,… và “anh hùng bàn phím” là cái tên đang được đề cập nhiều nhất.
III. Kết bài:
– Tóm lại suy nghĩ của em về người anh hùng thời nay.
8 mẫu Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay hay nhất
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 1
Xã hội luôn vận hành theo chiều hướng phát triển đi lên, kéo theo đó là rất nhiều những mặt tiêu cực, những tệ nạn ra đời gây ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống con người.
Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy dù trong bất cứ thời đại nào cũng có những người sẵn sàng giúp nước, giúp ích cho xã hội. Một người một hành động nhỏ tạo nên người anh hùng giữa đời thường hiện nay. Anh hùng là danh từ dùng để chỉ những người có công giúp đỡ người khác, giúp đỡ quê hương, đất nước, khiến cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Còn người anh hùng giữa đời thường là những con người trong cuộc sống đời thường cố gắng làm cho xã hội này tốt đẹp hơn, biết giúp đỡ người khác, có ý thức xây dựng một cuộc sống, một cộng đồng lành mạnh, tốt đẹp, vững bền. Chúng ta hãy cùng chung tay, mỗi người một hành động nhỏ có ích sẽ giúp cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Xã hội hiện nay có nhiều vấn đề nan giải, có nhiều tiêu cực xảy ra, mỗi con người chỉ cần có ý thức, sống có ích một chút xã hội này sẽ tốt đẹp hơn. Khi mỗi chúng ta sống có ích và trở thành “người anh hùng giữa đời thường” ta sẽ lan tỏa được nhiều thông điệp tích cực ra xã hội, được mọi người yêu quý, nể phục hơn. Nếu con người ai ai cũng ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình mà không quan tâm đến lợi ích chung thì Trái Đất này sẽ sớm bị diệt vong.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có những người ích kỉ, sống thờ ơ, vô cảm, bàng quang với mọi thứ xung quanh, chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình. Lại có những người thấy người khác rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nhưng mình lại ngoảnh mặt làm ngơ… những người này đáng bị chỉ trích.
Mỗi người chỉ được sống một lần, hãy sống tràn ngập tình yêu thương, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác để xã hội trở nên tốt đẹp, thấm đẫm tình người hơn. Chúng ta hãy trở thành những “người anh hùng” ngay trong chính cuộc sống của mình.
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 2
Qua đoạn trích trên đã khiến người đọc băn khoăn mãi về những hành động nhỏ làm nên anh hùng giữa đời thường. Ở đây ta nhận thấy sự đối lập giữa “hành động nhỏ” và “người anh hùng”.
Bởi người ta cứ mải mê đi tìm một hình tượng người anh hùng kì vĩ, lớn lao mà chẳng hay rằng có “những anh hùng giữa đời thường”. Đó là những cá nhân luôn sống và cống hiến hết mình để mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng. Và “hành động nhỏ” thôi, những việc làm nhỏ, bình dị trong cuộc sống hàng ngày là thứ kiến tạo nên người anh hùng giữa thời bình ấy. Vậy tại sao “những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”? Bởi lẽ đôi khi cái đẹp, cái tốt không nhất thiết phải là những cái lớn lao, kì vĩ. Những việc làm, những hành động tuy nhỏ nhưng mang đến giá trị to lớn cho cộng đồng. Thậm chí đó chỉ là ý thức của con người, có thể kể đến như ý thức tự giác hay “ở nhà” trong phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Hơn nữa, cá nhân thực hiện hành động nhỏ cống hiến, có ích cho cộng đồng sẽ trở thành những người anh hùng giữa cuộc sống đời thường. Một hành động nhỏ của 1 người, có thể tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ tạo thành 1 làn sóng vô cùng lớn lao để tạo nên những điều tốt đẹp. Như thế mỗi cá nhân đã trở thành những vị anh hùng chính nghĩa. Không cần phải cao sang hay hô hào, mỗi người chỉ cần thực hiện đúng nhiệm vụ, nghĩa vụ của mình, đã góp 1 phần rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.
Người anh hùng giữ đời thường chẳng đâu xa chính là hiệp sĩ đường phố, những chiến sĩ phục vụ nhân dân tỏng khu cách li, những hành động nhỏ bé như ý thức đeo khẩu trang, hạn chế ra khỏi nhà, khuyên góp lương thực,… Anh hùng ấy không chỉ là những người trẻ khỏe, mà còn có cả các em nhỏ đã quyên góp số tiền tiết kiệm của mình, những cụ già mang lương thực đến tận nơi cho cơ sở cách li… và rất nhiều hành động khác nữa.
Như vậy làm nên anh hùng giữa đời thường chẳng hề khó khăn chút nào, quan trọng là mỗi người nhận thức được ý nghĩa từ mỗi hành động của bản thân.
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 3
Có lẽ rằng chúng ta đã quá quen với những hình tượng người anh hùng mang tầm vóc lớn lao, với vẻ đẹp sử thi lý tưởng của cộng đồng, đặc biệt là trong quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước, đã có rất nhiều cái tên mang tầm vóc vĩ nhân được xướng lên như Ngô Quyền, Lê Lợi, Đinh Bộ Lĩnh, Quang Trung, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Võ Nguyên Giáp,… Hoặc những người anh hùng không tên không tuổi đã hy sinh máu xương, tuổi xuân để giành độc lập tự do cho dân tộc. Tất cả họ đều được gọi là anh hùng, bởi họ đã cống hiến và đóng góp cho cuộc đời bằng tất cả trí tuệ và sinh mạng. Nhưng nếu như áp dụng những tiêu chuẩn anh hùng ấy vào trong đời sống thường nhật, thì có lẽ ngày nay anh hùng đã quả thực khan hiếm. Từ đây người ta mở ra một khái niệm mới hơn về người anh hùng, trong cuộc sống hiện đại người anh hùng không cần phải đao to búa lớn, xông pha trong ngoài, mà chỉ từ những hành động nhỏ cũng làm nên người anh hùng giữa đời thường.
Trong tiếng Việt, hai từ “anh hùng” được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, họ là “Người lập nên công trạng đặc biệt lớn lao đối với nhân dân, đất nước”, hoặc là “Nhân vật thần thoại có tài năng và khí phách lớn, làm nên những việc phi thường” (trích dẫn từ điển Wikipedia). Tuy nhiên với nhịp sống hiện đại, sự phát triển của xã hội, nghĩa của hai từ “anh hùng” có xu hướng được mở rộng, nới lỏng ra cho nhiều đối tượng, đồng thời xuất hiện khái niệm “anh hùng giữa đời thường” được hiểu là những con người đã có đóng góp, cống hiến có ích cho xã hội dưới nhiều hình thức, anh hùng trở thành một khái niệm gần gũi và quen thuộc hơn với mọi người. Trong đó “các hành động nhỏ” tức là những việc làm bình dị, diễn ra xung quanh chúng ta trong đời sống thường ngày, không có ý nghĩa tạo tiếng vang hay sự nổi tiếng.
Trong cuộc sống thiết nghĩ rằng không tất cả những điều đẹp, điều tốt đều mang trong mình dáng vẻ hào nhoáng, kỳ vĩ và lớn lao, trái lại những sự kiện ấy chỉ chiếm một phần rất nhỏ và không phải lúc nào cũng có thể xảy ra bởi có câu “thời thế tạo anh hùng”. Cái thời thế ấy đã qua đi cách đây khá nhiều năm, và thực sự rằng dẫu xuất hiện nhiều vĩ nhân, nhiều anh hùng kiệt xuất, thế nhưng thời thế loạn lạc đã đem lại quá nhiều đau thương mất mát mà không ai mong muốn. Còn ngày nay, phải chăng sự vắng bóng của thời thế, cũng dẫn tới sự biến mất của anh hùng? Quan điểm ấy là hoàn toàn sai lầm, bởi chúng ta vẫn có thể trở thành những anh hùng tí hon giữa đời thường, cần gì công trạng kinh thiên động địa, chúng ta chỉ cần góp chút sức, chung chút trí tuệ để làm nên những việc có ích cho xã hội, xây dựng xã hội, đất nước ngày một giàu đẹp hơn. Tự tạo ra thời thế, hoặc nhận ra thời thế để trở thành anh hùng của chính mình cũng là một điều rất tốt. Ví như bạn thấy một bà lão già yếu, chậm chạp đang hoang mang ngơ ngác chưa biết phải qua đường như thế nào trước dòng xe cộ tấp nập, thì còn ngại gì mà không nhanh đến giúp bà cụ qua đường được mau lẹ. Chỉ một hành động nhỏ, mất chút thời gian, chút sức thế nhưng có lẽ trong mắt bà cụ bạn đã trở thành ân nhân, trở thành người anh hùng có tấm lòng lương thiện giữa cuộc đời nhiều ngổn ngang này rồi. Hoặc xuất phát từ tấm lòng yêu thương động vật, vô tình đi ngoài đường bạn thấy một chú mèo con yếu ớt bị vứt bỏ, bạn nhặt nó về chăm sóc, nuôi nấng hoặc tìm cho nó một người chủ tốt. Thế là chỉ từ một hành động nhỏ tuy không giải cứu được cả thế giới hay nhân loại nhưng bản thân bạn đã giải cứu được một sinh mạng, đã cứu rỗi cuộc đời của một con vật tội nghiệp và trở thành một anh hùng tí hon rồi hay sao. Đặc biệt trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán mang tên Covid 19 đang đe dọa cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, thì những con người đang ở tuyến đầu ròng rã suốt mấy tháng đối mặt với hiểm nguy, cứu chữa cho người bệnh như các nhân viên ngành y tế, hay lực lượng vũ trang công an, quân đội, dân phòng đang tích cực khoanh vùng dập dịch,… Họ đều là những người anh hùng đang ngày đêm lao động trong thầm lặng, ngay lúc này đây họ đang hành động bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm, ý chí quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Họ chính là những người anh hùng giữa đời thường tuyệt vời nhất. Không chỉ vậy giữa bối cảnh dịch bệnh hành động đóng góp của cải vật chất của các mạnh thường quân cũng là những hành động mang ý nghĩa tích cực ủng hộ tuyến đầu đương đầu với khó khăn, và nghiễm nhiên họ cũng xứng đáng được gọi là anh hùng. Mà có lẽ kết lại sau nhiều ví dụ tôi muốn khẳng định rằng anh hùng chính là những người sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình để giúp đỡ cộng đồng, giúp đỡ người khác bằng tấm lòng lương thiện, không kể đó là việc nhỏ hay việc lớn.
Với bản thân mỗi học sinh, chúng ta cũng có thể trở thành người anh hùng giữa đời thường bằng nhiều hành động mang tính đóng góp tích cực cho xã hội. Nhưng trước tiên chúng ta phải nhận thức được rằng, hướng tới việc trở thành người anh hùng giữa đời thường không phải vì mục đích danh lợi cho cá nhân. Bởi điều đó đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của hai từ “anh hùng”, mà quan trọng nhất là mỗi hành động của ta đều vì mục đích cải thiện và đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng, đồng thời xây dựng phát triển bản thân ngày một tốt đẹp hơn. Là học sinh trước tiên mỗi chúng ta cần làm tốt bổn phận học tập của mình, tích cực rèn luyện tư cách đạo đức, sống nhân hậu, lương thiện, sẵn lòng giúp đỡ những người xung quanh bằng khả năng của mình và bằng tấm lòng tự nguyện. Như vậy bản thân chúng ta đã trở thành một “anh hùng” nhỏ giữa cuộc sống đời thường, không chỉ là anh hùng trong mắt người khác mà còn trở thành anh hùng trong tâm hồn chính chúng ta. Bởi mỗi một hành động có ích nó sẽ giúp ta trở nên tự hào, phấn chấn, trở thành động lực khiến chúng ta muốn cho đi nhiều hơn, muốn cống hiến nhiều hơn. Đó là thành tựu trong phương diện tâm hồn và rất cần thiết trong cuộc đời của mỗi con người, bởi lẽ được sống có ích, sống có ý nghĩa, có cống hiến thì mới thực sự là một cuộc đời tốt đẹp mà mọi cá nhân đều nên hướng tới.
Anh hùng không chỉ nằm trong sách vở, trong lịch sử, trong truyền thuyết, cũng không phải là một hình tượng để mọi người chỉ mãi ao ước và tự cảm thấy mình thật bé nhỏ. Trái lại trong đời sống hiện nay, chính chúng ta cũng có thể trở thành anh hùng, khi có những hành động, đóng góp tích cực trong xã hội, vấn đề là bản thân các bạn có lựa chọn hành động để trở thành anh hùng giữa đời thường hay không mà thôi.
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 4
Đất nước Việt Nam đi qua biết bao đau thương, mất mát, biết bao nhiêu người đã đánh đổi sự sống, tuổi thanh xuân của mình để giành lấy độc lập cho dân tộc. Họ là những người anh hùng. Ngày nay, đất nước đã hoà bình, thế nhưng vẫn còn nhiều lắm những người anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Họ xuất sắc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau thế nhưng đều có công sức to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời xa xưa, người anh hùng có thể là người “Đi đường thấy nỗi bất bình mà tha” hay trong thời kỳ chiến tranh, kháng chiến chống quân xâm lược, anh hùng là những người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” thì trong thời đại ngày nay, người anh hùng là những người sẵn sàng tay không lao lên đuổi theo tên cướp có vũ khí, là người sẵn sàng đứng lên tố cáo những biểu hiện sai trái của lãnh đạo, là người sẵn sàng chia sẻ cho những người nghèo khổ hơn mình miếng cơm, manh áo…
Những hành động của họ dù nhỏ hay lớn đều là vì cộng đồng, vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Quan niệm về người anh hùng xưa và nay có thể khác nhau thế nhưng dù ở bất kỳ thời đại nào, người anh hùng cũng luôn sống mãi trong lòng những người yêu thương họ.
“Vinh quang Việt Nam” là một chương trình được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, những gương điển hình tiên tiến, những nhân tố mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua 5 năm, “Vinh quang Việt Nam” đã trở thành một thương hiệu, một niềm tự hào của người Việt Nam nói chung, góp phần tạo nên không khí phấn khởi, niềm lạc quan tin tưởng vào vận hội phát triển mới của đất nước. Việt Nam có nhiều những anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Đồng chí Võ Văn Kiệt – một trong những lãnh đạo hàng đầu đi tiên phong trên con đường đổi mới đất nước đã từng quan niệm: “Đổi mới không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ hay từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà là nhận thức lại một cách đúng đắn hơn về một chủ nghĩa xã hội nhân bản hoàn thiện, với lý tưởng phục vụ con người, vì con người ”. “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 10 đã cho ta thấy rõ được chân dung của những người anh hùng thời kỳ đổi mới – họ có những nỗi vất vả, khó khăn nhưng sự dũng cảm, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho bản thân và cộng đồng thì thật đáng khâm phục.
Đó là chị Mai Hiền, vợ liệt sĩ anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Hữu Tuyên đã vượt qua đau thương, mất mát, chăm sóc gia đình và hai con nhỏ. Các em đều ngoan ngoãn, học giỏi, còn chị thì là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền.
Đó là Trịnh Công Thanh, hiệp sĩ công nghệ thông tin, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rồng Việt, người đã chiến thắng bệnh tật, mang lại việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
Đó là em Ngô Văn Thơm, học sinh trường THPT Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị đã dũng cảm nhảy xuống sông từ độ cao 30m để cứu người. Và đó còn là gia đình bác Nguyễn Phước Bửu Thanh – gia đình đã hơn 130 lần tự nguyện hiến 32.000CC máu cứu sống hàng trăm người. Hiện nay, gia đình ông đã trở thành “ngân hàng máu sống” của bệnh viện Trung ương Huế.
Gia đình bác Nguyễn Phước Bửu Thanh nằm trong xóm lao động nghèo, nằm khuất sau khu phố Trần Hưng Đạo – thành phố Huế. Không gian chật chội của gia đình có đến 20 người cùng chung sống. Bác Nguyễn Phước Bửu Thanh có lần đã từng phân bua với báo chí: “Ngó đông đúc rứa chứ vui lắm. Từ trên xuồng dưới sống với nhau rất hoà thuận, mấy chục năm nay chưa có một tiếng to”. “Ngân hàng máu sống” là tên của một dự án đã được Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thừa thiên Huế thành lập, hiện nay đã có hơn 400 người. Thế nhưng với gia đình bác Nguyễn Phước Bửu Thanh, tuy không có ai vận động nhưng từ lâu đã là một ngân hàng máu sống của bệnh viện bởi “bất kỳ ở mô, khi mô, có ai cần tiếp máu, chỉ cần đến số nhà 141 Trần Huy Liệu hoặc gọi theo số điện thoại 522380 là gia đình tôi sẵn sàng đáp ứng”. Đã từng một lần bị bệnh, đã từng được tiếp nhận máu của một người bạn thân trong lúc nguy kịch nhất, bác Thanh hiểu được sự cần thiết của một “ngân hàng máu sống” với tính mạng của một con người, chính vì thế, sau khi hồi phục lại sức khoẻ được chừng một năm, bác Thanh quyết định vận động cả gia đình mình làm từ thiện, đi hiến máu cứu người. Những giọt máu ân tình trong lúc nguy kịch nhất, trong lúc số phận con người đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết đáng quý biết chừng nào.
Con gái của bác Nguyễn Phước Bửu Thanh – Thanh Tâm – người con gái Huế nhỏ nhắn, dịu dàng cũng đã từng 43 lần hiến máu nhân đạo, cứu được tính mạng của nhiều người. Chị Thanh Tâm xuất hiện trong chương trình “Người đương thời” đã từng tâm sự: “Gia đình tôi theo đạo Phật, cứu một người bằng xây mười ngôi nhà. Tôi và mọi người trong nhà luôn tâm niệm rằng mình không có nhiều tiền bạc, chỉ có tấm lòng. Chúng tôi luôn sẵn sàng hiến những giọt máu của mình vì sự sống của người bệnh”, Cuộc sống gia đình chị còn nhiều khó khăn, thế nhưng tình yêu thương con người, tấm lòng nhân đạo thì luôn luôn có thừa, họ sẵn sàng hiến đi những giọt máu của mình để cứu người bất cứ lúc nào, ở đâu. Họ cho mà không cần được đền đáp, chỉ mong những giọt máu của mình sẽ đến được với những người cần nó. Chính vì thế, một trong những gương mặt anh hùng của thời kỳ đổi mới là những người tình nguyện cho nhiều máu, nhiều lần để cứu sống nhiều người gặp nạn và bị bệnh.
Sau mười năm phát động phong trào hiến máu tình nguyện, từ con số không của năm 1993 – 1994 đến nay cả nước đã có 250.000 người, 3.500 nhà lãnh đạo cộng đồng và nhiều đơn vị, tập thể đóng góp tích cực cho phong trào. Năm 2007, số máu thu được là 457.734 đơn vị, tỉ lệ người hiến máu tự nguyện đạt trên 65%. Điều bất ngờ là hầu hết những người hiến máu tự nguyện đều là sinh viên, người lao động nghèo, người ở nông thôn, miền núi… Họ sẵn sàng hiến đi những giọt máu của mình để cứu người bất cứ lúc nào. “Giọt máu mạng người” – niềm vui nhỏ thổi bùng hi vọng lớn.
Bên cạnh tấm gương người anh hùng thời đổi mới Nguyễn Phước Bửu Thanh và gia đình của bác, còn có rất nhiều những cá nhân, tập thể khác tham gia hiến máu nhân đạo. Họ cũng là những người anh hùng – âm thầm, lặng lẽ.
Đó là anh Hoàng Văn Quân – sinh viên năm thứ 3 Học viện Báo chí tuyên truyền, năm nay 22 tuổi nhưng đã có 22 lần hiến máu nhân đạo. Nối tiếp những nghĩa cử cao đẹp của gia đình bác Bửu Thanh, anh Quân là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn ở TP. Hồ Chí Minh đã 5 lần hiến máu, anh Trần Chí Trung ở Đà Nẵng 22 lần.
Ngoài những cá nhân, còn có các tổ chức được thành lập để sẵn sàng hiến máu trong tình huống khẩn cấp như ngân hàng máu sống của bệnh viện Cần Thơ. Số thành viên tham gia ngân hàng này tính đến nay đã được khoảng 600 người mà phần lớn là sinh viên. Họ đã trở thành người hùng của “ngân hàng máu sống” luôn kề vai sát cánh, cùng chia sẻ sự sống với cộng đồng. Trái tim nhỏ thắp lên hy vọng lớn, “ngân hàng máu sống” thành lập đã được một năm – một năm mong muốn chia sẻ những giọt máu hồng giúp người bệnh vượt qua cơn ngặt nghèo. Chị Nguyễn Thị Hồng Loan không giấu khỏi xúc động nói “mỗi thành viên tham dự đều tự nguyện ký tên vào một trái tim nhỏ, tượng trưng cho những giọt máu hồng để kết thành một trái tim lớn tượng trưng cho cộng đồng, như nhắc nhở từng thành viên ngoài việc gắn kết với nhau cần phải sống có trách nhiệm với xã hội”.
Tất cả đã phát lên một bức tranh rất sinh động về những con người ở những địa vị khác nhau nhưng ngày đêm có biết bao nhiêu đóng góp và nghĩa cử cao đẹp cho đời. Đôi khi, không có sự khác biệt nào giữa những người anh hùng với chúng ta. Họ dù ở bất kì một cương vị nào, ở lĩnh vực nào thì những suy nghĩ, ý thức công dân của họ và một cái tâm trong sáng với nghị lực phi thường đã làm nên những điều diệu kỳ khiến chúng ta phải ngưỡng mộ và noi gương.
Song đáng buồn thay, khi bên cạnh những người anh hùng vẫn ngày đêm cố gắng đóng góp công sức của mình cho đất nước thì vẫn có một bộ phận không nhỏ những người dân chưa chú trọng đến vấn đề này, họ vô cảm và thờ ơ với sự sống của người khác, với những người xung quanh. Cuộc sống ngày càng phát triển, con người ta càng có xu hướng vun vén cho bản thân, gia đình nhiều hơn là quan tâm đến nhưng người xung quanh, quan tâm đến xã hội, vì thế đôi khi ta đã đánh mất đi tình thương – phẩm chất quý giá nhất của mỗi con người.
Cuộc đời cần lắm những trái tim biết yêu thương, những vòng tay nhân ái biết giang rộng để đón nhận những mảnh đời bất hạnh, những trái tim biết đập thổn thức trước cái đắng cay của cuộc đời. Những người anh hùng trong thời đổi mới, họ có trái tim ấm áp, có lòng nhân ái, yêu thương con người và tinh thần tràn đầy nhiệt huyết, cuộc sống có thể còn nhiều khó khăn nhưng họ biết vượt lên trên hoàn cảnh để góp phần trong công cuộc xây dựng Tổ quốc. Những người anh hùng, những tấm gương điển hình tiên tiến, họ có thể đang bước những bước đi bình dị của những người bình thường, họ gần gũi chúng ta, ở bên chúng ta. Họ chính là niềm tự hào của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập – là niềm tự hào đi lên theo từng bước phát triển của đất nước.
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 5
Ai trong chúng ta cũng có từng đắm chìm trong những câu chuyện cổ tích có những chàng hoàng tử, những người anh hùng “đầu đội trời chân đạp đất”.
Những tưởng họ chỉ có trong câu chuyện mà thôi nhưng nay chúng ta sẽ bắt gặp họ ngay ngoài đời thường. Họ không phải là những điều gì to lớn mà chỉ với những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường. Hành động nhỏ là gì? Hành động nhỏ chính là những hành động bình dị, nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Còn ” những người anh hùng giữa đời thường” chính là những cá nhân luôn luôn sống và cống hiến hết mình cho cuộc sống, cho sự tươi đẹp của cộng đồng.
Trước đây, ta luôn có một ý niệm rằng những điều to lớn vĩ đại mới tạo nên những người anh hùng. Nhưng không cái đẹp, cái tốt vẫn được nảy nở từ hành động nhỏ có ý nghĩa góp phần xây dựng và bảo vệ cộng đồng, bảo vệ xã hội. Nó còn tạo động lực cho xã hội phát triển và ngày càng lớn mạnh. Có những cá nhân họ luôn thực hiện hành động nhỏ, cống hiến cho xã hội, có ích cho xã hội mà không cần sự đền đáp họ chính là những người anh hùng giữa đời thường trong lòng chúng ta. Hơn bao giờ hết, trong đại dịch Covid-19 chúng ta đã thấy được nhiều anh hùng giữa đời thường. Họ là những người bác sĩ tuyến đầu thầm lặng làm việc để ngăn cho dịch bệnh không bùng phát nghiêm trọng hơn. Hay đó những những chiến sĩ công an, bộ đội trong những khu cách ly tập trung, nhìn những hình ảnh đó khiến cho những người dân như chúng ta thấy ấm lòng. Anh hùng giữa đời thường còn là những người có lòng hảo tâm quyên góp lương thực, khẩu trang, trang thiết bị y tế,…Không chỉ trong đại dịch này mới có người anh hùng mà trong công cuộc phòng chống tội phạm có nhiều nhóm hiệp sĩ đường phố đã giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ nhà nước chống lại những kẻ tội phạm. Họ không ngại hy sinh tính mạng chỉ mong muốn cống hiến một điều gì đó cho cộng đồng.
Là thanh niên, là những chủ nhân tương lai của đất nước thì chúng ta cần có những hành động để giúp đỡ cộng động và xã hội. Trước tiên, ngay hiện nay đó là ” chống dịch như chống giặc”” hãy ở nhà”. sau đó là tập trung học hành để ” đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu” như điều Bác Hồ đã dặn chúng ta.
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 6
Đúng là trong suốt hơn 2.000 năm giữ nước và dựng nước Việt Nam có rất nhiều anh hùng (bao gồm anh thư là nữ anh hùng). Chỉ kể những bậc tài trí xuất chúng và có năng lực lãnh đạo, đã làm nên những chiến công hiển hách, những sự nghiệp vẻ vang, lưu danh muôn thuở, số người được gọi là anh hùng có rất nhiều.
Nhưng vấn đề hiện nay là, trong thời đại phát triển, ta có cần anh hùng không và anh hùng có thể xuất hiện không? Theo tôi thì rất cần và rất mong sẽ xuất hiện những hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển này, đặc biệt là những anh hùng trong giới lãnh đạo và quan chức, là những người có ảnh hưởng lớn tới vận mệnh đất nước. Anh hùng thuộc giới này trong thời đại này cũng có những tố chất như anh hùng thời chống ngoại xâm dù nội dung cụ thể có thể khác.
Chẳng hạn tài trí (có tri thức, có tầm nhìn xa, có năng lực lãnh đạo…), dũng cảm (dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất nước mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ), quên mình vì dân vì nước (chí công vô tư, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết), trọng dụng và thu phục được người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn (dùng người giỏi thật sự và lắng nghe trí thức)…
Dĩ nhiên bàn luận tổng quát và chung chung như vậy thì dễ và ai cũng thấy đương nhiên đất nước cần những người như vậy. Nhưng đặt tiếp câu hỏi là làm thế nào có những anh hùng đúng tầm như thế thì câu trả lời không dễ chút nào. Dưới đây tôi chỉ đưa ra vài tình huống khách quan và bàn về kinh nghiệm các nước.
Giả sử có hai nước A và B cùng đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Lãnh đạo và quan chức hai nước đứng trước một tình huống giống nhau như sau: Hàng tiêu dùng cao cấp như xe hơi hạng sang… đang sản xuất nhiều tại các nước đi trước và các nước đi sau cũng có thể nhập khẩu để dùng.
Trong trường hợp nước A, lãnh đạo và quan chức có dịp ra nước ngoài hoặc qua thông tin đại chúng thấy các thứ này sang trọng, tiện nghi và muốn mình và người thân của mình được hưởng sự sang trọng, tiện nghi này. Do đó họ tìm cách tăng thu nhập, kể cả bằng tham ô, nhận hối lộ, chia sẻ quyền lợi với các nhóm lợi ích… Cũng có thể họ lấy ngân sách nhà nước để nhập xe đắt tiền và giải thích rằng lãnh đạo bộ, thành phố hay tỉnh phải đi xe sang mới tương thích với vị thế, chức vụ của họ. Có người còn cho rằng phải như vậy để giao thiệp với các đối tác nước ngoài.
Trường hợp nước B thì khác. Lãnh đạo và quan chức luôn bận tâm về việc tiết kiệm từng đồng ngân sách và ngoại tệ để đầu tư cho giáo dục, cho những dự án hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội và những chương trình phát triển tạo công ăn việc làm cho dân, đẩy mạnh xuất khẩu. Xe hơi và những tiện nghi cao cấp chỉ cần đủ để làm việc, chỉ nhập số ít và những loại giá rẻ, tương ứng với trình độ phát triển chung của đất nước.
Trường hợp tích cực hơn nữa là lãnh đạo và các quan chức tham khảo ý kiến của các chuyên gia đưa ra tầm nhìn và kế hoạch dài hạn kèm theo các biện pháp, chính sách để trong tương lai sản xuất được những mặt hàng tiêu dùng cao cấp mà nhiều người dân mong ước được hưởng. Hình tượng mẫu mực như vậy của lãnh đạo và quan chức sẽ tạo niềm tin trong dân, xã hội tràn ngập giấc mơ phát triển, trở thành động lực hiện thực hóa kế hoạch phát triển.
Hai trường hợp vừa nói là giả thuyết nhưng một người có hiểu biết nhất định về tình hình thế giới hiện nay thì thấy không khó khăn lắm khi tìm những quốc gia cụ thể tương ứng với trường hợp A. Cần nói thêm là lãnh đạo và quan chức trong trường hợp A còn có những người có tầm nhìn hạn hẹp, không chịu học hỏi, giáo điều, bảo thủ, không chịu dùng người tài nên thường sai lầm về đường lối, chính sách và nhiều khi những khuyết tật đó gắn liền với thói tham nhũng, ham hưởng thụ như đã nêu.
Nước Nhật vào thập niên 1950 nếu không có cơ chế cho sự xuất hiện của những “anh hùng” như đã thấy thì có lẽ hiện nay Nhật vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình.
Trường hợp B thì khó tìm hơn nhưng không phải là không có. Đọc lịch sử Nhật Bản tôi thấy rất nhiều hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển. Chỉ đơn cử vài ví dụ trong lịch sử đương đại:
Trí tuệ, hành động và tác phong của các quan chức Bộ Công Thương Nhật Bản vào giữa thập niên 1950 có thể gọi là rất “anh hùng” mặc dù tên tuổi của họ không nổi tiếng bằng những nhà lãnh đạo chính trị.
Lúc đó một chiếc xe hơi nhập khẩu từ Mỹ vào giá rất đắt, tương đương với năm năm tiền lương của một quan chức trung cấp. Các quan chức ở Bộ Công Thương lúc đó mơ ước có ngày người dân bình thường cũng sẽ có xe hơi và cho rằng phải phát triển ngành xe hơi mới làm cho Nhật giàu mạnh.
Trong lúc có nhiều ý kiến khác nhau về điểm này, kể cả một số lãnh đạo trong đảng cầm quyền sợ kế hoạch sản xuất xe hơi sẽ gây va chạm trong quan hệ Nhật-Mỹ vì ngành này đang là lợi thế của Mỹ. Nhưng các quan chức Bộ Công Thương đã tích cực vận động lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp để thực hiện cho được kế hoạch này vì tin sự quan trọng của ngành xe hơi đối với Nhật trong tương lai.
Nhưng ý chí là một chuyện còn khả năng có thực hiện được không và làm sao để thực hiện là một chuyện khác. Lợi thế so sánh của Nhật lúc đó là các hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn như vải vóc, giày dép…
Đang phân vân về khả năng sản xuất của nước mình, các quan chức đọc được bài viết của Giáo sư Shinohara Miyoshi (1919) bàn về lợi thế so sánh động (lợi thế so sánh trong tương lai) và các điều kiện để biến lợi thế so sánh động thành hiện thực. Họ vui mừng và liên lạc ngay với Giáo sư Shinohara xin gặp để hỏi chi tiết hơn.
Trong hồi ký mới viết hồi tháng 6/2009, Shinohara kể như sau: “Hồi đó 4-5 quan chức Bộ Công Thương đến nhà tôi vào buổi tối. Chúng tôi trò chuyện mãi đến khuya vẫn còn muốn tiếp tục, cuối cùng gần 5 giờ sáng họ mới ra về”. Còn rất nhiều câu chuyện tương tự về sự cầu thị, nhiệt tình lo việc nước của quan chức Nhật thời đó.
Sau đó, Bộ Công Thương tự tin là Nhật có thể sản xuất xe hơi được và đã đặt ra các chính sách yểm trợ doanh nghiệp xúc tiến sản xuất. Những chiếc xe đầu tiên ra đời còn xấu về hình dáng nên một số người Mỹ trong ngành xe hơi có vẻ chế nhạo. Nhưng quan chức Bộ Công Thương kiên quyết với phương châm “Mỹ làm được thì Nhật cũng làm được”. Như ta đã biết, ngành xe hơi Nhật phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1960.
Ví dụ thứ hai. Tôi muốn đề cập đến một nhân vật nổi tiếng. Ikeda Hayato (1899-1965), sau khi tốt nghiệp đại học trở thành quan chức Bộ Tài chính và sau đó đắc cử dân biểu quốc hội. Lúc đang làm Bộ trưởng Tài chính, ông dẫn đầu phái đoàn công du sang Washington vào năm 1955. Lúc đó kinh tế Nhật Bản vừa hồi phục sau chiến tranh nhưng còn nhiều khó khăn, cán cân thương mại nhập siêu lớn, ngoại tệ thiếu nhiều. Ikeda luôn lo lắng về tình hình này nên về chỗ nghỉ tại Mỹ ông đã cho nhân viên thuê khách sạn 3 sao (lúc đó giá 7 Đô la Mỹ một ngày) và để tiết kiệm hơn nữa, hai, ba người ở chung một phòng, kể cả bộ trưởng cũng chung phòng với một vụ trưởng (theo hồi ký của nguyên Thủ tướng Miyazawa Kiichi, lúc ấy là thành viên trong đoàn Ikeda).
Mấy năm sau đó Ikeda quyết định ra tranh cử chức Chủ tịch Đảng Tự do dân chủ (LDP) là đảng đương quyền. Đang suy nghĩ về chiến lược phát triển đất nước, ông đọc được bài viết của Giáo sư kinh tế Nakayama Ichiro về sự cần thiết cũng như điều kiện để tăng gấp đôi tiền lương thực chất, cải thiện hẳn mức sống của dân chúng. Đang lúc thai nghén một chiến lược phát triển với mục tiêu như gợi ý của Nakayama, ông được nhóm trợ lý tiến cử Shimomura Osamu, nhà kinh tế vừa giỏi lý luận vừa hiểu thực tiễn và nhất là có năng lực hình thành các chính sách cụ thể, ông mời làm cố vấn phụ trách soạn thảo chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân (trong vòng 10 năm).
Ikeda đắc cử Chủ tịch LDP và trở thành thủ tướng từ năm 1960 đến lúc mất (1965). Nhiều chính sách, nhiều cơ chế mới được ban hành để thực hiện chiến lược. Chiến lược này cùng với phong cách của một lãnh đạo như Ikeda và với một tập thể quan chức có năng lực và hết lòng vì sự nghiệp phát triển đất nước như đã thấy ở trên, đã thổi vào xã hội một không khí phấn chấn, tin tưởng vào tương lai. Trong bối cảnh đó, chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân đạt được mục tiêu chỉ trong bảy năm, thay vì 10 năm như kế hoạch ban đầu.
Trên thế giới, trong lịch sử cũng như hiện tại, những nước ở trường hợp A rất nhiều, những nước ở trường hợp B như Nhật thì ít. Bản đồ phát triển của thế giới phản ánh điều đó. Không kể những nước quá nhỏ về quy mô dân số, hiện nay trên thế giới có độ 60 nước với dân số tổng cộng độ 1 tỷ người còn nghèo đói, đang luẩn quẩn trong cái bẫy nghèo, và độ năm sáu chục nước đã thoát nghèo nhưng vẫn luẩn quẩn ở mức thu nhập trung bình.
Nếu chỉ kể những nước có quy mô dân số tương đối lớn (trên 20 triệu vào cuối năm 2007) thì hiện nay chỉ có 12 nước (và lãnh thổ) có thu nhập cao (bình quân đầu người 10.000 Đô la Mỹ theo giá cố định năm 2000), trong đó tại châu Á chỉ có Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan. Tóm lại, muốn dân giàu, nước mạnh thì lãnh đạo và quan chức phải giống trường hợp nước B.
Các nhà kinh tế chưa thống nhất ý kiến về nguyên nhân phát triển hoặc không thể phát triển của một nước. Nhiều người đồng ý là có nhiều nguyên nhân nhưng tìm một nguyên nhân duy nhất thì không dễ. Theo tôi, nhiều nước không phát triển được hoặc chỉ phát triển tới mức trung bình, chủ yếu vì rơi vào trường hợp nước A ở trên.
Có nước nhờ tài nguyên hoặc vị trí địa lý và hoàn cảnh quốc tế thuận lợi đã phát triển lên mức thu nhập trung bình nhưng vì lãnh đạo và quan chức giống như trường hợp nước A nên vẫn giẫm chân một chỗ hoặc phát triển với tốc độ rất thấp (gần đây các nhà phân tích kinh tế gọi họ là những nước mắc vào “cái bẫy của nước thu nhập trung bình”).
Nước Nhật vào thập niên 1950 nếu không có cơ chế cho sự xuất hiện của những “anh hùng” như đã thấy thì có lẽ hiện nay Nhật vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình.
Các anh hùng dân tộc thời nhà Trần đã lập nên những chiến công hiển hách, đuổi được quân Nguyên ra khỏi bờ cõi làm nức lòng người. Hai câu thơ của Trần Nhân Tông đã phản ảnh không khí hồ hởi kéo dài nhiều năm tháng đó:
Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên phong.
Mong rằng hai, ba mươi năm nữa, những quan chức, những vị lãnh đạo đầu đã bạc ngồi ở quán cà phê bên hồ Hoàn Kiếm trò chuyện mãi về những ngày của thời trung niên đã hết lòng vì nước vì dân nên Việt Nam đã vượt qua cái bẫy của nước thu nhập trung bình, chen chân được vào hàng ngũ những nước giàu mạnh trên thế giới.
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 7
Trong cuộc sống, những tấm gương người tốt việc tốt vẫn luôn hiện hữu quanh ta. Thật vậy, dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng nó lại là những nghĩa cử cao đẹp của tình yêu thương và sự tử tế mà con người vẫn còn dành cho nhau.
Cuộc sống này cần có tình yêu thương để gắn kết và con người và tạo nên sức mạnh của tập thể nhằm giúp con người đối chọi lại với những khó khăn chung cận kề. Những hành động dù nhỏ, dù bình dị nhưng đối với những người khác đó chẳng phải là biểu hiện của một người anh hùng giữa đời thường hay sao? Những hành động dù nhỏ như: nhặt rác, giúp đỡ người khác,… đều là biểu hiện của tình yêu thương và sự quan tâm tới cộng đồng. Những người ấy chính là anh hùng giữa đời thường vì điều mà họ mang đến chính là tình yêu thương, sự quan tâm, sự ấm áp gắn kết cộng đồng. Tình yêu thương dù cho đến từ những việc làm nhỏ bé như vậy nhưng nó sẽ tạo nên hiệu ứng domino tăng lên cấp số nhân. Một xã hội mà con người không chỉ văn minh mà còn đối xử tốt với nhau chính là một xã hội bền vững và thịnh vượng. Những hành động bình dị mà cao đẹp làm nên những người anh hùng ấy, họ vĩ đại về nhân cách và phẩm chất đạo đức mà tồn tại thực sự trong cuộc sống này.
Tóm lại, những hành động thể hiện tình yêu thương dù bé nhỏ nhưng nó thực sự làm nên những người hùng vĩ đại trong nhân cách, đạo đức.
Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay – Mẫu 8
Sự sống đang vỗ nhịp không ngớt vào từng cuộc đời. Đôi khi nó lăn tăn âu yếm, đôi khi nó cuồn cuộn như muốn nghiền nát tất cả. Chính những lúc ấy, khi mà cuộc sống trở nên không chịu được nữa, khi mà phong ba bão táp điên cuồng kiêu hãnh với tất cả thì cũng chính là khi người ta cần đến một sức mạnh tột đỉnh, một ý thức chịu đựng cao.
Đối với chúng ta, quãng đời mà ta đã tô lên nó màu xanh ước mơ và màu đỏ khát vọng, quãng đời ta vùng lên mãnh liệt nhất để chống chọi với bão táp, đó chính là những chuỗi ngày ở tuổi thanh xuân, và nhất là đối với nam nhi, lớp người có thể làm nên “mùa xuân của dân tộc” thì sự hi sinh của họ mới thật sự là một ý thức của anh hùng tuyệt vời:
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.
Bắt nguồn từ câu ca dao của dân tộc, sau này Nguyễn Công Trứ cũng từng quan niệm một cách khá phóng khoáng trong bài “Chí anh hùng” về người nam nhi:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phí sức vẫy vùng trong bốn bể…
Giờ đây không phải là lúc ta ngồi bên nhau để viết dăm ba câu về nội dung và quan niệm đối với ý chí của người thanh niên. Nhưng rõ ràng không ai phủ nhận rằng muốn làm nên “mùa xuân” trên đất nước này, muốn vực dậy cả một thế hệ thanh niên đã im lìm sau mười mấy năm giải phóng, thì việc đầu tiên đó là phải xác định lại vị trí của người thanh niên, làm sáng tỏ giá trị của quãng đời tuổi trẻ mà ai cũng từng trải qua.
Trước hết, chí anh hùng của tuổi trẻ trong hai câu ca dao đã được khẳng định rõ ràng. Làm trai phải biết và hiểu đúng đắn sức mạnh của giới tính. Tuổi trẻ ở đâu thì phải yên tĩnh ở đó. Tuổi trẻ ở đâu phải gieo được mầm hạnh phúc và bình yên ở đó. Đây là một quan niệm đúng đắn và sâu sắc. Không nói đến ý thức hệ của giai đoạn phát sinh câu ca dao, ta thấy cái nhìn của người xưa mang tính xã hội cao. Rõ ràng, người thanh niên bao giờ cũng là trụ cột từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Một cụ già, một chị phụ nữ yếu ớt không thể vững vàng đứng mũi chịu sào như một người thanh niên. Sự phát triển sinh lí bình thường của người nam giới cũng đã nói lên điều đó. Như vậy, từ thực tiễn để đi đến nhận xét, tổng kết ngắn gọn, ông bà ta đã khẳng định phần nào tầm vóc giá trị của người con trai, đồng thời nêu được một quan niệm rõ rệt về chí anh hùng của người quân tử.
Nhưng phải đến Nguyễn Công Trứ thì quan niệm ấy được khắc họa rõ hơn và mang ít nhiều sắc thái quan điểm Nho học: “Nợ tang bồng vay trả, trả vay”. Nguyễn Công Trứ đã biến cái nhìn bao quát của người xưa thành một ý thức về chí anh hùng của người quân tử. Đối với ông, người con trai phải tung hoành giữa đất trời, nghĩa là mở rộng lên cả vũ trụ, bao trùm lên hết cuộc sống. Người con trai phải biết xoay đất chuyển trời, vùng vẫy khắp nam bắc đông tây, đem hết sức lực để cải tạo và xây dựng cuộc sống, Cởi bỏ những quan niệm khắt khe của lốt Nho học, ngoại trừ khả năng riêng của giới tính, thì ý thức về nhiệm vụ của người thanh niên trong mấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ thật tuyệt vời. Chưa bao giờ hình ảnh người thanh niên được nhân lên tầm cao đối với thời đại đẹp đẽ đến thế! Thanh niên lúc này không thể “chết già ở xó cửa” được, Thanh niên chỉ có một con đường, đó là dùng sức lực và trí tuệ để tái tạo cuộc sống. Từ thực tế, ta có thể thấy lời của nhà thơ là đúng đắn. Nguyễn Công Trứ, ở cuộc đời bên ngoài, cũng là một nhân tố tích cực trong những năm tuổi trẻ. Ông làm quan vào năm trên bốn mươi tuổi, nhưng cả tuổi trẻ, ông đã hiến dâng trọn vẹn sức lực và trái tim cho công cuộc xây dựng đất nước. Và ở thời đại hôm nay, có ai quên được người thanh niên ra đi tìm đường cứu nước khi mới hai mươi mốt tuổi với hai bàn tay trắng: anh Ba, người làm bếp trên tàu năm xưa ấy cũng là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Phải! Bác đấy! Người đã đem cả tuổi thanh xuân của mình đổi lấy mùa xuân cho dân tộc. Rõ ràng, ngay cả trong cuộc sống thực tại, quan niệm của Nguyễn Công Trứ cũng đúng đắn vô cùng.
Nhưng không phải chỉ có riêng cuộc sống bên ngoài chấp nhận cái quan niệm ấy mà cả tấm gương văn học cũng công nhận. Cái gì đã làm ta yêu mến Paven? Bởi tầm vóc tư tưởng lớn lao ư? Hay chính bởi một ngọn lửa tuổi trẻ luôn luôn nồng cháy: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” (Nhi-cô-lai Ô-xtơ-rôp-xki). Quan niệm về cuộc sống và ý thức vươn lên đấu tranh với những giông tố của cuộc đời, theo nhà văn Ô-xtơ-rôp-xki có gì là khác với cái thú vẫy vùng ngang dọc của Nguyễn Công Trứ? Không! Ở một khía cạnh nào đó, hai tư tưởng này vẫn gặp được nhau. Sự gặp nhau trong tư tưởng của họ là điều mà chúng ta cần suy nghĩ.
Trở lại với câu ca dao từ ngàn xưa để đi đến cái nhìn của Nguyễn Công Trứ, ta có thể khẳng định yếu tố đúng đắn trong những câu thơ là những quan niệm ấy. Tất nhiên ta phải loại trừ khả năng hơi lệch về người con trai trong quan điểm Nho học vì ta đang nói tới chí anh hùng của tuổi trẻ biểu hiện trong ý thơ.
Quăng mình vào mặt biển mênh mông của thực tại, mỗi chúng ta có lẽ bất giác giật mình. Đã lâu lắm rồi, ta chẳng còn thấy những sự bùng lên mạnh mẽ trong bầu nhiệt huyết của thanh niên nữa. Hình ảnh những cô gái chàng trai bên đèo mây, trên tầng núi đá không còn là sự thường xuyên nữa. Mà cuộc sống thì bao giờ cũng đi lên phía trước, ở thời đại hôm nay, chí anh hùng của người thanh niên thật ra không mang trọn vẹn những quan niệm mà chúng ta vừa nói đến. Nhưng “chí anh hùng” của tuổi trẻ hôm nay vẫn xuất phát từ tinh thần ấy. Tất nhiên, giặc ngoại xâm giờ cũng chẳng còn để ta có thể dẹp yên hay “phí sức anh hùng trong bốn bể”, nhưng sự lạc hậu trì trệ còn nguy hiểm hơn nhiều. Người thanh niên hôm nay anh hùng, đó không phải chỉ là cầm cây súng bảo vệ Tổ quốc mà còn là sự dũng cảm chiến đấu với những sai lệch của thực tế và của chính mình. Vì có chiến đấu với những cái sai trái thì mới có thể xác định được vị trí của mình trong cuộc sống, mới biết “mình là ai?”. Nhất là trong khoảnh khắc thời gian nóng bỏng của lúc này, khi con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa đã đầy rẫy nhọc nhằn và chông gai, thì “chí anh hùng” của người thanh niên mới thực sự quan trọng.
Người thanh niên mới giờ đây phải xông ra để điều chỉnh cán cân công lý và bảo vệ công bằng xã hội. Cũng như Phan Bội Châu từng khuyên: “Ghé vai vào cựu giang sơn”. Cái “ghé vai” của người thanh niên phải thể hiện đầy đủ ý thức phục vụ và trách nhiệm của mình. Đó không phải là cái “ghé vai” thường tình mà phải mang sức nặng của cuộc sống, phải làm cho người thanh niên ấy đổ mồ hôi, “sôi trái tim” và bần bật một tình yêu quê hương mãnh liệt. Có như thế, người thanh niên mới thực sự là một “đấng anh hùng”. Và có như thế thì lớp trẻ ngày nay mới đuổi kịp đàn anh đi trước – lớp người đã từng một thời vẻ vang trong khói lửa chiến đấu.
Nói tóm lại, đi từ quan niệm của người xưa về người con trai, đến quan niệm của Nguyễn Công Trứ về chí anh hùng của người quân tử, ta có thể có một khái niệm tròn trịa về ý chí và sức mạnh chiến đấu của người con trai nói riêng, của tuổi trẻ nói chung. Và với khái niệm ấy, ta có thể hình thành một quan niệm đúng đắn về chí anh hùng của tuổi trẻ trong thời đại hôm nay. Một ngày chúng ta còn cất tiếng hát: “là thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” thì chúng ta còn phải chiến đấu, bằng tất cả sức lực tuổi thanh xuân, bằng trí tuệ của những con người đến độ tung hoành để xứng đáng với tấm áo choàng rực rỡ Hồ Chí Minh mà thanh niên ta đang mang; để đừng bao giờ hổ thẹn rằng: ta đã để tuổi trẻ đi qua thật vô ích. Riêng em, em nghĩ rằng cuộc sống tôi luyện cho con người ta ngày một dạn dày chính là khi đang ở tuổi thanh xuân. Em sẽ cố gắng vững vàng vươn lên để một ngày ở trên tầm cao của thời đại, em và tất cả lớp thanh niên hôm nay sẽ tự hào mà nói rằng: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
Trên đây là nội dung bài học Nghị luận về người anh hùng trong thời đại ngày nay (8 mẫu) do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyện mục Học tập
- Cảm nhận của anh (chị) về vùng đất và con người miền cực nam của Tổ quốc qua truyện ngắn Bắt sấu rừng U Minh Hạ lớp 12 (9 Mẫu)
- Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra” lớp 12 (10 Mẫu)
- Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? lớp 12 (12 Mẫu)
- Một trong những bức thư luận bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương […] có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người. Anh chị hãy phát biểu ý kiến của mình về quan niệm trên lớp 12 (7 Mẫu)
- Viết bài văn trong đó vận dụng tổng hợp ít nhất ba thao tác lập luận, theo chủ đề: một tác phẩm văn học mới ra đời và đáng được nhiều người quan tâm bàn luận lớp 12
- Viết bài văn nghị luận trong đó vận dụng tổng hợp ít nhất ba thao tác lập luận khác nhau lớp 12 (3 Mẫu)