Học TậpLớp 12

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn (9 mẫu)

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn lớp 12 chọn lọc hay nhất gồm dàn ý chi tiết và 9 bài văn mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Đề bài: Phân tích Mùa lá rụng trong vườn

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn
Phân tích Mùa lá rụng trong vườn

Dàn ý Phân tích Mùa lá rụng trong vườn chi tiết

1. Mở bài

Bạn đang xem: Phân tích Mùa lá rụng trong vườn (9 mẫu)

Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

2. Thân bài

a. Nhân vật chị Hoài:

* Ngoại hình:
– Có vẻ đẹp phúc hậu, chân chất giản dị, dù đã trạc 50, nhưng ở chị vẫn có những nét duyên dáng “người thon gọn trong cái áo bông chần hạt lựu”, “khuôn mặt rộng có đôi mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi”.

– Toát lên sự nhanh nhẹn, rạng rỡ, đôi mắt bồi hồi, quen thuộc, vẫn đi bộ từ ga về gia đình chồng cũ mà không mệt mỏi.

* Hoàn cảnh:

– Cuộc đời từng trải qua đau thương mất mát khi phải chịu cảnh mất chồng trong chiến tranh.

– Đã đi bước nữa, có một gia đình riêng khác với người chồng thương yêu và bốn đứa con đủ nếp đủ tẻ, không còn nhiều liên lạc với gia đình chồng cũ thế nhưng chị vẫn như một mảnh ghép của gia đình ông Bằng, vẫn luôn quan tâm và dõi theo từng biến động trong gia đình.

* Tình nghĩa thủy chung:

– Chiều 30 tết chị bất ngờ lên thăm gia đình chồng cũ, cùng sum họp ăn bữa cơm tất niên.

– Khi về thăm nhà chồng cũ, chị Hoài đề cập, hỏi han tình trạng của từng thành viên, từ ông thợ mộc, chú Đông tóc bạc, cháu Dư, cô Lý,… thể hiện mối quan hệ khăng khít gắn bó, dù rằng chị ở xa thế nhưng mối liên lạc ấy chưa bao giờ đứt đoạn.

– Chị vẫn thương yêu ông Bằng, bố chồng của chị như cha ruột, vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi. Đặc biệt khi nghe chuyện của cô Phượng, chị đã vội vã lên với ông để cho ông đỡ buồn lòng.

– Đối với các thành viên trong gia đình chị Hoài cũng có những cách yêu thương thật chân chất, giản dị, chị không quản ngại đường xa mà xách theo cho từng người những món quà quê thấm đẫm ân tình,…

– Sự xuất hiện của chị Hoài làm cho bữa cơm tất niên cũng trở nên ấm áp, sang trọng và hân hoan một cách lạ thường trong thời điểm đất nước đang vận động đổi mới, còn nhiều khó khăn chồng chất.

=> Vai trò quan trọng của chị Hoài trong gia đình chồng cũ, chị là một thành viên không thường trực, nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Chị đã dùng tấm lòng nhân hậu, thủy chung của mình để gắn kết, đánh thức tình cảm thiêng liêng trong gia tộc, điều hòa mối quan hệ gia đình trong trên đà rạn vỡ vì những biến đổi của xã hội.

b. Cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài và ông Bằng:

– Khi nghe tin con cháu dưới nhà xôn xao vì chuyến thăm bất ngờ của chị Hoài, ông cụ vui mừng khôn xiết, cố bước những bước thật ngay ngắn đàng hoàng, để xuất hiện trước mặt mọi người đặc biệt là người con dâu cả một cách khỏe mạnh và có tinh thần nhất.

– Ông cụ không nén nổi những sự xúc động sâu sắc trong lòng, nhìn người con dâu đã tròn 9 năm không gặp “mặt ông thoáng có chút ngơ ngẩn” dường như không tin vào mắt mình. Sau đó vì vui mừng, nghẹn ngào quá “mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa”.

– Chị Hoài khi gặp lại người cha chồng đã gần chục năm không thấy mặt, chị cũng xúc động, hành động như một đứa trẻ.

=> Cuộc gặp mặt và những cảm xúc có phần hơi cường điệu ấy xuất hiện trước hết là bởi những nhớ nhung xa cách lâu ngày của hai cha con, thứ hai nữa là bởi sự xuất hiện của chị Hoài đã phần nào giải tỏa được bớt những nỗi cô đơn, đồng thời củng cố niềm tin của ông Bằng, một người cha, một người chủ gia đình đang đấu tranh âm thầm nhằm giành lại những giá trị truyền thống tốt đẹp đang dần mai một trong gia đình, và cả những mối quan hệ đang dần rạn nứt.

c. Vẻ đẹp truyền thống của bữa cơm tất niên:

– Bộc lộ thông qua cách sắp xếp bàn thờ gia tiên, ảnh thờ, đèn nến, khói hương nghi ngút, cặp bánh chưng buộc lạt điều, chén rượu, mâm ngũ quả,… tất cả đều thật chỉn chu tinh tế.

– Cảnh ông Bằng “soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cà vạt, ho khan một tiếng,…” trước lúc thắp hương, khấn vái, thể hiện sự thiêng liêng, tấm lòng thành kính trước tổ tiên, cũng như sự lễ nghi tươm tất trong việc thờ cúng vốn có từ bao đời của dân tộc.

– Lời khấn vái của ông Bằng, mâm cơm tất niên đủ đầy, thịnh soạn tất cả đều chứa đựng tâm sức và tài hoa của người làm ra nó.

=> Không khí chung của hàng triệu gia đình Việt từ bao đời nay, luôn trân trọng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, dù còn khó khăn muôn bề nhưng không vì thế mà người ta sơ sài bỏ qua những nét đẹp đáng quý của cha ông.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

9 mẫu Phân tích Mùa lá rụng trong vườn hay nhất

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 1

Truyện “Mùa lá rụng trong vườn” là một trong những tác phẩm đặc sắc của Ma Văn Kháng đã để lại ấn tượng khá đẹp trong lòng độc giả thời đổi mới cuối thế kỉ XX.

Cuộc gặp gỡ giữa chị Hoài với cụ Bằng và những người em chồng trong chiều ba mươi Tết thật là cảm động. Phượng về làm dâu nhà cụ Bằng đã hơn chín năm. Ngày cưới của Luận – Phượng, chị Hoài có lên mừng hai em. Đã lâu, Phượng chưa được gặp lại chị dâu cả trong gia đình. Người phụ nữ mà Phượng và Lý cùng ao ước đã hiện ra như thật ngay trước cổng nhà, vào đúng lúc cả gia đình cụ Bằng đang tíu tít buổi cúng tất niên chiều ba mươi Tết. Sự gặp gỡ ấy trong khoảnh khắc ấy càng trở nên cảm động thiêng liêng. Phượng như một “chiếc gương thần” mà tác giả dùng để phản chiếu, để soi tỏ bao cảnh tình đáng nhớ đó.

Trước mắt Phượng, bên ngoài cánh cổng sắt là một phụ nữ nông thôn xa lạ “trạc năm mươi, người thon gọn trong cái áo bông chần hạt lựu”. Chiếc khăn len nâu thắt ôm khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi. Chị ta lại đeo một cái tay nải nặng, dáng vẻ không “ngác ngơ lạ lẫm, nhưng hơi mắt đậm nỗi bồi hồi”. Ma Văn Kháng thật tinh tế gợi tả hình ảnh chị Hoài đọng lại trong tâm hồn Phượng; chỉ là sơ cảm nhưng thật đậm, đúng là “cầu được, ước thấy”.

Chỉ nửa chừng câu hỏi xã giao, Phượng đã nhận ra người chị thân yêu của mình: “Bác… bác hỏi ai ạ? A, có phải bác là… là chị Hoài không ạ?” Chị Hoài vẫn nhớ đứa em dâu, dù đã gần mười năm không gặp. Một câu hỏi, một câu nói xiết bao ân tình: “Cô Phượng đấy như?” Một tiếng “như” dân dã mà nghe thật ý vị, đậm đà.

Sau tiếng reo lên của Phượng: “Chị Hoài! Chị Hoài lên, anh Đông, chị Lý, anh Luận ơi!” thì em trai, em dâu chồng ùa ra đón chị Hoài. Đông, Lý, Luận đều ngơ ngơ ngác ngác, nửa tin nửa ngờ”. Thật ngoài sức tưởng tượng. Chị Hoài lên! Lên đúng chiều ba mươi Tết! Chị Hoài, vợ anh cả Tường liệt sĩ.

Sau một thời gian dài đau khổ để tang chồng, chị Hoài được phép bố mẹ chồng “đi bước nữa”. Nhưng tâm hồn chị vẫn gắn bó thuỷ chung với gia đình cụ Bằng. Chuyện vui, buồn trong gia đình cụ Bằng, chị Hoài đều san sẻ.

Chị Hoài trở về thăm “gia đình cũ” đúng chiều ba mươi Tết đã làm dấy lên bao tình cảm bồi hồi của những đứa em trai, em dâu liệt sĩ Tường. Hình ảnh chị Hoài vẫn in đậm trong tâm ức họ: “Chị Hoài, dâu trưởng, nết na, thùy mị. Trong tiềm thức vẫn sống động một chị Hoài đẹp người đẹp nết”. Ngòi bút của Ma Văn Kháng không chỉ tinh tế khi phân tích tâm lý con người mà ngòi bút của ông còn thật đằm thắm, thật sâu nặng ân tình:

“Nhưng bây giờ chị Hoài đã có một gia đình riêng với những quan hệ riêng, lo toan riêng, nên vẫn nhớ, vẫn quý, vẫn yêu chị đấy, mà lại không dám, không nỡ níu chị về mình. Quan hệ của chị ở gia đình này đã thuộc về quá khứ. Kỉ niệm của chị ở đây đẹp nhưng buồn. Chị có quyền quên mà không ai được trách cứ”.

Dù đã có một gia đình riêng ở nơi xa, nhưng chị Hoài không bao giờ quên gia đình cụ Bằng. Ngày mẹ chồng mất, chị vẫn về chịu tang. Ngày cưới của Luận và Phượng, chị cũng đến mừng và chia vui. Chị vẫn về thắp hương và dâng hoa lên bàn thờ gia tiên. Chị vẫn thương nhớ anh Tường đi đánh giặc, đi mãi không về. Nhận được tin Cừ, đứa em trai chồng “di tản” ra nước ngoài, chị sợ cụ Bằng buồn, dù việc nhà, việc hợp tác xã bận bịu, lại năm hết Tết đến, nhưng chị Hoài vẫn lên, lên đúng chiều ba mươi Tết.

Chị Hoài và những đứa em chồng vẫn gắn bó thuỷ chung, vẫn son sắt nghĩa tình. Đúng như ông bà, cha mẹ ta vẫn nhớ, vẫn nhắc:

Cho dù xuôi ngược về đâu,
Tình xưa nghĩa cũ vẫn sâu vẫn bền.
Cho dù vật đổi sao dời,
Tình sâu nghĩa cả lòng người khắc ghi.

(Ca dao)

Thật cảm động, khi Phượng sôi nổi,nồng hậu nói: “Em mừng quá, chị Hoài ơi. Để em xách tay nải cho”. Thật mừng mừng tủi tủi, Thi, Lý nức nở, ôm chầm lấy chị dâu trưởng ngày xưa: “Đúng là có linh tính nhé. Chị xem lời em nói có thiêng không? Em vừa nói: ước gì chị Hoài hiện ra bây giờ nhỉ”. Thật là mong mỏi đợi chờ, khi Luận nói với chị dâu: “Hơn chục năm nay chị Hoài chưa lên Hà Nội rồi đấy”. Câu hỏi của chị Hoài cất lên: “Ông có khỏe không, hai cô?” chứa đựng biết bao ân tình ân nghĩa. Chị có bao giờ quên được bố mẹ chồng, từng coi chị như đứa con ruột rà thương yêu của mình.

Cuộc gặp gỡ cuối năm giữa chị dâu và mấy đứa em chồng thật vui mừng, vồn vã, cảm động. Phượng nhắc lại kỉ niệm gần mười năm về trước mà vẫn còn roi rói trong lòng: “Hôm cưới em, chị mặc áo vét như cán bộ kia”. Luận đi cạnh chị Hoài, nghiêng nghiêng đầu, hỏi đủ chuyện dưới quê. Vợ chồng Lý – Đông “vui vẻ quá mức”, lúc cùng Đông đưa chị vào phòng khách. Chị Hoài kể lại đủ chuyện, chuyện công tác, chuyện làm ăn, chuyện cô Phượng được chuyển công tác, chuyện cậu Cừ… Nhận được thư ông, biết bao chuyện vui buồn trong gia đình, nên chị Hoài “suốt ruột phải lên ngay”. Chị “sợ ông buồn”.

Phượng xúc động vì cô cảm thấy “Người phụ nữ đã cắt hết mối dây liên hệ với gia đình này, vẫn giao cảm, vẫn chia sẻ buồn vui và cùng tham dự cuộc sống của gia đình này”. Đúng Phượng là “chiếc gương thần” để soi sáng tình sâu nghĩa nặng trong lòng chị Hoài, trong tâm hồn những đứa em trai và em dâu của anh cả Tường liệt sĩ. Đọc chương II “Mùa lá rụng trong vườn”, ta thấy ngòi bút đằm thắm của tác giả khi nói về bài ca tình nghĩa, về sự thuỷ chung son sắt ở đời. Chiếc tay nải mà chị Hoài mang theo cũng là một phần tuyệt đẹp của bài ca tình nghĩa. Chiếc tay nải đựng đầy những món quà quê. Chị Hoài vừa lấy ra vừa nói. Chị chất phác và đôn hậu quá, chồng con chị chu đáo và tình nghĩa quá. Giá trị vật chất thời bao cấp thật đáng quý, giá trị tinh thần thì không thể kể hết được. Chị Hoài xởi lởi nhắc lại lời hai đứa con cứ nhét quà vào tay nải và giục: “Mẹ đi đi, không ông buồn, các chú, các cô mong!”.

Cây nhà lá vườn thôi, nhưng thật vô giá: “Đây là gạo nếp tăng sản của nhà. Cái giò thủ anh ấy gọi đấy, ông thích ăn giò thủ lắm đấy, cô Lý ạ. Còn bọc này là sắn dây. Trẻ em nó giã, nó rây đấy”. Chị Hoài thật chu đáo mang lên cả một gói hạt giống mướp hương “thơm ngon mà quả to lắm”; chị nhắc cô Lý đem gieo ở bờ ao, gieo vào đêm nay…

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 2

Nếu bạn là người muốn tìm về lại với những truyền thống xưa cũ, muốn cảm nhận được nét đẹp cổ kính, mẫu mực trong văn hóa xưa kia của dân tộc Việt Nam thì có lẽ không nên bỏ qua những cuốn tiểu thuyết để đời của nhà văn Ma Văn Kháng như: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Mùa lá rụng trong vườn,…

Nội dung tiểu thuyết của Ma Văn Kháng không phải là một cuốn sách nghiên cứu về văn hóa đời sống nhưng tác giả lại dành khá nhiều tâm huyết và không gian để miêu tả tỉ mỉ những nét đẹp trong đời sống theo từng thời kỳ phát triển của đất nước. Tiêu biểu cho phong cách sáng tác nhã nhặn mà sâu sắc của nhà văn có lẽ phải kể đến cuốn tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” với nội dung chính nói về một gia đình gia giáo sống ở thời kỳ đất nước đổi mới. một gia đình với nhiều thế hệ bị sự thay đổi của nền kinh tế thị trường tác động sâu sắc và mạnh mẽ đến nếp sống và nếp nghĩ của từng con người trong gia đình. Những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơ chế mới ấy có lẽ là những người đã có tuổi như ông Bằng. Những con người thuộc lớp người cũ, trong xã hội cũ như ông luôn răn dạy bản thân và những người thân trong gia đình sống sao cho đúng chuẩn mực và để không phải xấu hổ với người xung quanh. Nhưng cơ chế thị trường thay đổi, những giá trị truyền thống mất dần. Có những giá trị xưa nay được tôn kính nay lại thành cổ hủ lạc hậu. Những người lớn tuổi như ông Bằng không còn nhiều thời gian để có thể đổi thay theo cái mới và cứ vương vấn mãi với một thời vàng son trong đời sống cũ.

Đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 thuộc chương hai của cuốn tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” với nội dung chính là không khí của một gia đình lễ giáo cũ và mới đan xen nhau tạo nên một không khí vừa ấm áp vừa cảm động vào một ngày cuối năm đầy cảm xúc.

Giá trị truyền thống của một cái tết cổ truyền từ trước đến nay dường như không có nhiều thay đổi. Ngày tết vẫn là thời gian quý giá nhất trong một năm dài để tất cả những thành viên trong gia đình có dịp đoàn tụ với nhau. Trong gia đình ông Bằng cũng vậy, con gái con dâu đều đã tề tựu đông đủ để chuẩn bị mâm cơm cúng chiều ba mươi để rước tổ tiên về nhà ăn tết. Dịp tết cũng là một cái cớ rất nhân văn để một người con dâu đã xa cách mười năm như chị Hiền có dịp về lại gia đình của người chồng trước. Vốn dĩ chị đã không còn là vợ của anh cả Tường nữa vì vậy việc hiếu kính với ông Bằng hay quan tâm chăm sóc các em trong nhà không còn là bổn phận của chị nữa.

Thế nhưng những người trong nhà vẫn còn nhớ đến chị, thương yêu và mong ước được gặp lại chị như là một người con ruột trong gia đình. Chính nhờ vào tấm lòng thơm thảo của chị Hiền, tính tình vui vẻ hiền lành, siêng năng và khéo léo mà một người vốn là người dưng lại trở thành người trong một nhà. Còn một người vốn là máu mủ ruột rà, chỉ vì không biết giữ gìn lề thói, chạy theo sự thay đổi của xã hội mới nên dường như vị trí cũng biến mất khỏi gia đình. Ông Bằng thật sự đã từ bỏ đứa con ruột như cậu Cừ.

Cảnh đoàn viên của chị Hiền với gia đình ông Bằng mang lại một cảm xúc gì đó rất gần gũi và chân thật giữa người thân với người thân trong gia đình. Người đọc có thể cảm nhận được niềm vui lan tỏa trong từng câu chữ. Từ cách các em ôm lấy chị, dẫn chị vào nhà. Đứa đi trước, đứa quàng tay, đứa thì bẽn lẽn đi bên cạnh. Người ta xa cách một năm đã thấy quá dài. Người trong nhà xa cách quá lâu còn có thể phai nhạt tình cảm. Ấy vậy mà với chị Hiền, người con dâu đã rời căn nhà ấy hơn mười năm vẫn được chào đón như thể chị ấy lâu nay vẫn sống cùng mọi người. Cũng có thể vì chị Hiền là một người con dâu quá đỗi tuyệt vời nên khi về lại với gia đình ông Bằng mới khiến người nhà yêu thương chị nhiều đến thế. Nhưng có thể cũng vì chị đã xuất hiện đúng cái ngày người ta mong một sự vẹn tròn, đoàn viên nhất nên việc gặp lại chị mới ấm áp tình người đến vậy.

Đoàn viên đâu chỉ có việc trao cho nhau những cái ôm siết, chị Hiền còn lanh lợi chia quà quê cho từng người trong gia đình. Một người đã xa cách mười năm nhưng vẫn nhớ như in những tính cách những thói quen từng người trong gia đình. Chị vẫn biết cha chồng mình thích ăn giò. Những thức quà quê giản dị đơn sơ như gạo nếp, hạt giống mướp hương,… Cách chị Hiền hỏi han mỗi người trong nhà không ngớt, cách chị chỉ trồng mướp thế nào, ở đâu, vào lúc nào thì tốt cứ như thể chị chưa từng ra đi khỏi căn nhà này.

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 3

Ma Văn Kháng đã từng nói: “Không ai chọn thời đại, hoàn cảnh để sinh ra và sống với nó cả”. Ông từng được mệnh danh là người khuấy động văn đàn hiện đại Việt Nam, đại biểu tinh anh của văn học Việt với nhiều tác phẩm đặc sắc vẫn đang miệt mài cống hiến cho sự nghiệp văn chương cho nước nhà dù tuổi đã cao. “Mùa lá rụng trong vườn” là một cuốn tiểu thuyết đặc sắc của ông, xuất bản năm 1985. Truyện lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh, gây ra nhiều thay đổi tốt có, xấu có. Truyện đã phản ánh chân thực những biến động trong xã hội thời bấy giờ và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình – tế bào của xã hội.

Thật vậy, đoạn trích là chương II của tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn kể về chiều 30 Tết năm Bính Tuất, chị Hoài – vợ anh Tường liệt sĩ con trưởng của cụ Bằng nay đi bước nữa. Tuy chị đã có gia đình riêng nhưng chị vẫn không quên về quê. Đón nhận tình yêu thương của gia đình ông Bằng, sự hỏi han của người em trai, em dâu gia đình chồng cũ không khỏi khiến chị nghẹn ngào. Khi câu chuyện cảm động giữa ông Bằng và chị diễn ra thì mâm cỗ cúng gia tiên cũng bày xong. Mâm cỗ ngày Tết thật là sang.. Qua câu chuyện trên, Ma Văn Kháng bày tỏ lòng trân trọng trước sự ăn ở đầy tình nghĩa thủy chung và những truyền thống tốt đẹp của người dân Hà thành.

Trước tiên, chị Hoài – đứa con tinh thần mà ông yêu quý đã được nhà văn chắp bút tô điểm. Chị là người vợ của một liệt sĩ. Mặc dù chị tái giá nhưng chị vẫn giữ tình nghĩa với nhà chồng cũ. Chị về thăm lại gia đình đúng vào 30 Tết. Ma Văn Kháng đã miêu tả chị rất tỉ mỉ, chi tiết. Hoài là một người phụ nữ nông thôn, chạc 50 tuổi. Người chị thon gọn trong chiếc áo bông trần hạt lựu. Chị có một khuôn mặt rộng với cặp mắt đằm thắm và cái miệng tươi. Chỉ với việc khắc họa đôi nét về nhân vật, ta có thể thấy chị Hoài hiện lên một cách giản dị với vẻ đẹp tươi tắn, sáng sủa. Từng là dâu trưởng trong gia đình ông bằng, bây giờ chị đã có một gia đình riêng với những quan hệ, bộn bề lo toan riêng nhưng chị vẫn luôn dành một chút góc nhỏ trong trái tim cho gia đình ông Bằng. Trong tiềm thức mỗi người trong gia đình đầm ấm ấy luôn “vẫn sống động một chị Hoài đẹp người đẹp nết”. Về thăm gia đình ông Bằng, chị mang quà quê với gạo nếp và giỏ thủ do chồng hiện tại chị làm. Lúc gặp ông Bằng mà mình kính trọng, yêu thương, chị “gần như không chủ động lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản.. kịp hãm lại khi còn cách ông già hai hàng gạch hoa”. Tiếng gọi của chị nghẹn ngào trong tiếng nấc “Ông!”. Chị hòa chắp tay trước bàn thờ tổ tiên ngay sau khi ông Bằng lui gót, chị tíu tít hỏi han mọi người trong gia đình.

Với những hành động trên, ta thấy chị rất quan tâm, chăm sóc mọi người. Chị ấy sống nặng tình nghĩa thủy chung son sắt. Chị coi gia đình chồng cũ như những người thân thích. Đó cũng chính là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Ma Văn Kháng cũng lia ngòi bút của mình một cách điệu nghệ để khắc họa nhân vật ông Bằng với ngoại hình cao gầy hơn mọi ngày nhưng trang trọng và chỉnh tề hơn, gương mặt ánh lên cảm xúc của con người trước ngưỡng của năm mới. Khi nghe tin hoài lên, “ông sững khi nhìn thấy Hoài, mặt thoáng một chút ngơ ngẩn. Rồi mắt ông chớp liên hồi, môi ông bật không thành tiếng có cảm giác ông sắp khóc òa”, giọng ông bỗng khê đặc, khàn rè: “Hoài đấy ư, con?”. Nỗi vui mừng khôn tả của ông khi gặp lại đứa con dâu trưởng mà ông rất mực yêu thương đã được miêu tả một cách chân thực.

Khi mâm cỗ thịnh soạn được đưa lên, mọi người quây quần bên nhau, ông Bằng đứng trước bàn thờ tổ tiên như quên hết mọi thứ xung quanh, trôi ngược về quá khứ để tri ân cha mẹ, tổ tiên, ông tâm tình với vợ và con trai cả đã hi sinh của mình: “Trong giây lát, nhập vào dòng xúc động tri ân cùng tiên tổ và những người đã khuất, ông Bằng lâng lâng trong những hoài niệm hư ảo, thoát trần. Nhưng ông chỉ ở trong dòng tình cảm trôi lững lờ đó trong giây phút. Quá khứ không cắt rời với hiện tại. Tổ tiên không tách rời với con cháu. Tất cả liên kết thành một mạch bền chặt thủy chung. Bởi vậy, ông lại trở về với những ngày đang sống, với những người đang sống, mắt ông bỗng cay xè”. Có thể thấy, ông bằng là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại của gia đình trong giây phút thiêng liêng ấy. Ông là kiểu nhân vật trong đạo đức gia đình.

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 4

Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Tên khai sinh của ông là Lê Trọng Đoàn. Ông là một nhà văn nhiệt huyết đầy sức trẻ không những thế ông còn là nhà văn đi tiên phong trong quá trình đổi mới văn xuôi Việt Nam năm 1975. Ông có một khối lượng tác phẩm dồi dào và mang lại nhiều ý nghĩa tiêu biểu như “Mùa lá rụng trong vườn” được trích từ chương II của tiểu thuyết cùng tên. Tác phẩm thể hiện nỗi niềm thương tiếc cho những giá trị cũ của dân tộc đang bị mai một và nhạt nhòa trước những đổi thay của cuộc sống đổi mới.

Đoạn trích là chương II của tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn kể về chiều 30 Tết năm Bính Tuất, chị Hoài – vợ anh Tường liệt sĩ con trưởng của cụ Bằng nay đi bước nữa. Tuy chị đã có gia đình riêng nhưng chị vẫn không quên về thăm mọi người. Đón nhận tình yêu thương của gia đình ông Bằng, sự hỏi han của người em trai, em dâu gia đình chồng cũ không khỏi khiến chị nghẹn ngào. Tác giả đã miêu tả chị rất tỉ mỉ, chi tiết. Hoài là một người phụ nữ nông thôn, chạc 50 tuổi. Người chị thon gọn trong chiếc áo bông trần hạt lựu. Chị có một khuôn mặt rộng với cặp mắt đằm thắm và cái miệng tươi. Chỉ với việc khắc họa đôi nét về nhân vật, ta có thể thấy chị Hoài hiện lên một cách giản dị với vẻ đẹp tươi tắn, sáng sủa.

Chị Hoài từng là dâu trưởng trong gia đình ông Bằng, bây giờ chị đã có một gia đình riêng với những quan hệ, bộn bề lo toan riêng nhưng chị vẫn luôn dành một chút góc nhỏ trong trái tim cho gia đình ông Bằng. Trong tiềm thức mỗi người trong gia đình đầm ấm ấy luôn “vẫn sống động một chị Hoài đẹp người đẹp nết”. Về thăm gia đình ông Bằng, chị mang quà quê với gạo nếp và giỏ thủ do chồng hiện tại chị làm. Lúc gặp ông Bằng mà mình kính trọng, yêu thương, chị “gần như không chủ động lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản.. kịp hãm lại khi còn cách ông già hai hàng gạch hoa”. Tiếng gọi của chị nghẹn ngào trong tiếng nấc “Ông!”. Chị hòa chắp tay trước bàn thờ tổ tiên ngay sau khi ông Bằng lui gót, chị tíu tít hỏi han mọi người trong gia đình.

Những hành động trên, ta thấy chị rất quan tâm, chăm sóc mọi người. Chị ấy sống nặng tình nghĩa thủy chung son sắt, coi gia đình chồng cũ như những người thân thích. Đó cũng chính là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc gặp mặt giữa ông Bằng và người dâu trưởng là chị Hoài là một cuộc gặp gỡ vừa vui mừng vừa xót xa. Trong một chừng mực nào đó, cuộc gặp lại này xoa dịu niềm cô đơn và tiếp thêm niềm tin cho ông Bằng trong cảnh ngộ gia đình hiện tại.

Lễ cúng tất niên tràn ngập không khí trang nghiêm nhưng ấm cúng, lời khấn thành kính mà chân thành. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, ông Bằng “như quên hết xung quanh và bản thể”. Ông thành tâm theo khói hương ngày Tết trôi về quá khứ, cất lên lời vọng tưởng đầy tri ân với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với người vợ đã qua đời, với người con trai cả đã xanh mồ. Để rồi từ quá khứ thiêng, ông trở về với hiện tại bề bộn. Hơn ai hết trong gia đình này, ông ý thức sâu sắc sự kết nối giữa truyền thống và hiện tại, giữa tổ tiên và con cháu. Mâm cỗ tất niên thịnh soạn được cả nhà, nhất là Lí – tươm tất chuẩn bị. Nỗi buồn năm cũ như qua đi, chỉ còn đó đêm trừ tịch đầy sự vui vẻ, hân hoan, ấm cúng của một gia đình tưởng chừng không bao giờ có thể chia cắt.Có thể thấy, ông Bằng là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại của gia đình trong giây phút thiêng liêng ấy.

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 5

Sau một thời gian dài dồn sức cho hai cuộc kháng chiến vệ quốc đi đến thắng lợi, nhân dân ta trở lại quỹ đạo đời sống thời bình với muôn vàn khó khăn bỡ ngỡ. Những quy luật bất thường đã làm nên đặc trưng văn hoá thời chiến giờ không còn phát huy ảnh hưởng nữa. Con người phải đối diện với nhu cầu cơm áo. Đời sống dần lộ ra những phức tạp, bất ổn: nhiều chuẩn mực trở nên lỗi thời, mối quan hệ cá nhân – cộng đồng không đơn giản một chiều như trước, đòi hỏi phải được nhận thức lại. Những biến động dữ dội từ các nước Đông Âu, sự manh nha của nền kinh tế thị trường đầu thập kỷ tám mươi,… làm nảy sinh biết bao câu hỏi nhức nhối về niềm tin, về cách sống. Tất cả đều đang báo trước nhu cầu đổi mới toàn diện đất nước sẽ được Đảng chính thức phát động năm 1986. Có thể gọi đây là buổi giao thời của hai giai đoạn lịch sử với sự cọ xát, va chạm của các quan niệm, các hệ giá trị cũ – mới. Nhạy cảm với thời cuộc, một số nhà văn đã kịp thời đưa được hơi thở nóng hổi của hiện thực vào tác phẩm. Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng là trường hợp tiêu biểu. Cùng với Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và vài ba nhà văn khác, Ma Văn Kháng đã chuyển mối quan tâm từ bình diện các sự kiện lịch sử – chính trị sang bình diện sinh hoạt thế sự, đưa những trăn trở về văn hoá, đạo đức vào trung tâm soi ngắm, khám phá.

Mùa lá rụng trong vườn như nhiều người đánh giá, là hành trình đi tìm câu trả lời cho vấn đề bức thiết: Mỗi con người, mỗi gia đình sẽ phải sống như thế nào trong hoàn cảnh bộn bề hiện tại ? Đoạn trích nằm ở phần đầu tác phẩm, có thể coi là một áng văn đẹp, chuyển tải thành công những suy tư, trăn trở đầy trách nhiệm của tác giả trước một đô thị đang từng giờ từng phút quẫy cựa, tung phá ra khỏi cái trật tự đã trở nên bức bối trì trệ. Đây thật sự là những trang tươi sáng, cảm động nhất của cuốn truyện mang đậm sắc thái bi kịch nhân văn này. Từ khi nào, cái gia đình nhiều thế hệ vốn yên ấm, thuận hoà của ông giáo Bằng bắt đầu xuất hiện những vết rạn, rồi lung lay, chao đảo ? Vì lẽ gì mà một người vợ đảm đang, rất yêu và hãnh diện về chồng như Lý sinh ra bất mãn với gia đình, lao vào những cám dỗ tầm thường ? Sự “nổi loạn” của Cừ – người con trai thứ tư của ông Bằng – đưa anh ta từ lỗi lầm này đến lỗi lầm khác rồi kết thúc bằng cái chết tuyệt vọng, có căn nguyên sâu xa từ đâu ?,… Giữa những bức xúc về đói nghèo, về công bằng, tiến bộ, gây nên “cơn sốt vỡ da” của xã hội thời hậu chiến đang làm lung lay nhiều mái ấm gia đình, có biết bao vấn đề cần được xem xét lại một cách tỉnh táo, trong đó có nhu cầu khẳng định giá trị cá nhân và giữ gìn các chuẩn mực văn hoá. Câu chuyện khép lại khi những người con ông Bằng, sau đám tang cha, đang cố gắng tìm mọi cách để hàn gắn lại những rạn vỡ trong các mối quan hệ vợ – chồng, anh – em, chú – cháu,… khá phức tạp. Bức thư tuyệt mệnh đầy ăn năn của Cừ, sự trả giá đau đớn của Lí, lòng vị tha của Hoài, tình yêu trong sáng của Cần và bản lĩnh văn hoá của những trí thức như Cần, Luận, Phượng liệu có hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn ?

Đặt khung cảnh ngày Tết sum họp ở phần đầu tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn, sau sự kiện gia đình vừa nhận tin Cừ bỏ trốn ra nước ngoài, và mấy anh em Đông, Luận bàn cách giấu cha vì sợ ông Bằng không chịu nổi cú sốc này, Ma Văn Kháng vừa giúp bạn đọc sớm tiếp cận chủ đề tác phẩm vừa tạo được hiệu quả thẩm mỹ đáng kể khi khơi dậy ở người đọc nỗi lo âu và cảm giác nuối tiếc vô ngần trước sự phôi pha, băng hoại của những giá trị cổ truyền, để rồi từ bữa Tết sum họp này đã không còn toả hơi ấm trong gia đình ông Bằng nữa. Ngày Tết ấy sẽ trở thành biểu tượng cho tình người, cho cái đẹp tâm linh mà con người thời hiện đại phải khắc khoải tìm về để tự cân bằng nhịp sống căng thẳng và quá nhiều lý tính.

Khẳng định những giá trị cổ truyền, tác giả muốn đề xuất một định hướng văn hoá làm chuẩn cho sự phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu giải phóng cá nhân, đồng thời lý giải vai trò to lớn của gia đình đối với quá trình hình thành nhân cách con người, gián tiếp đối thoại với quan niệm đạo đức một thời quá nhấn mạnh vào ý thức cộng đồng: “hình như có thời kỳ người ta có ảo tưởng là có thể coi nhẹ các quan hệ gia đình. Các quan hệ cha con, vợ chồng, anh em,… hình như không có gì phải bàn bạc nữa” (lời Luận). Khuynh hướng củng cố gia đình, gia tộc, theo Ma Văn Kháng, là “dựa vào một nền tảng tinh thần vững bền để chống lại tất cả cái xấu đang làm phá cuộc sống”.

Chủ đề tư tưởng toát lên từ khung cảnh sinh hoạt thân thuộc mà rất đỗi thiêng liêng. Thiên nhiên cũng chuẩn bị sẵn cho con người tâm thế giao hoà. Bữa cúng tất niên là thời điểm đặc biệt với mỗi người Việt Nam. Nó là sự kết thúc để khởi đầu cho một năm mơ ước và phấn đấu. Người người hân hoan hướng về nguồn cội bày tỏ tri ân và mong được tiên tổ phù hộ độ trì. Không gian Tết mang đậm màu sắc văn hoá tâm linh ấm cúng mà trang trọng. Cách chọn thời điểm như vậy tập trung được nhiều nhân vật, bộc lộ được nhiều tính cách, tâm sự mà vẫn thống nhất ở định hướng: làm gì để nuôi dưỡng căn cốt văn hoá của con người.

Mô tả một ngày Tết sum họp, ngòi bút Ma Văn Kháng như thăng hoa trong nhiệt hứng tạo dựng không khí điển hình của một cái Tết cổ truyền. Từng chi tiết được chọn lựa kỹ lưỡng, từng động tác, từng lời của nhân vật đều có khả năng hé mở tâm tính và tâm trạng. Tết mang đậm màu sắc văn hoá tâm linh với không khí đặc trưng bởi sự ấm cúng, sum họp. Bữa cúng tất niên trong gia đình ông Bằng rõ ràng là còn phản chiếu nhiều nét đẹp chung của truyền thống dân tộc. Nét đẹp đó hiện ra trên cả bình diện vật chất lẫn tinh thần. Lễ cúng bài bản, trang trọng theo đúng nghi thức với khói trầm ngát thơm, bánh chưng xanh buộc lạt điều, mâm ngũ quả, những chén rượu xinh xắn rải ngang trước bàn thờ, ngọn đèn dầu lim dim,… Có sự thành kính nghiêm cẩn, thiêng liêng một dòng chảy mơ hồ mà xao động đến rưng rưng cảm động. Đó là thời khắc giao hoà giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại, thực và ảo, sống và chết, cõi dương và cõi âm, cõi người và cõi hồn, thể xác và tâm linh,… Bức ảnh những thành viên đã khuất trong gia đình (hình ảnh bà Bằng, anh cả Tường) như khơi lại quá khứ, mở ra cuộc giao cảm kỳ lạ: “Khói hương và khung cảnh trầm tĩnh đưa hiện tại về quá khứ. Thoáng cái, ông Bằng như quên hết xung quanh và bản thể. Dâng lên trong ông cái cảm xúc thiêng liêng rất đỗi quen thân và tâm trí ông bỗng mờ nhoè, phiêu diêu lãng đãng gần xa, ẩn hiện tầng tầng lớp lớp những ảnh hình khi tỏ khi mờ, chập chờn như trong chiêm bao”. Giây phút này con người như được thanh tẩy để trở nên tinh khiết, đau đáu niềm hướng thiện. Lời khấn của ông Bằng là tình cảm thiết tha hướng về cội nguồn bằng tất cả lòng biết ơn trân trọng và tâm nguyện đắp bồi, củng cố mái ấm gia đình giữa bao sóng gió. Trong lời khấn ấy có một sợi dây bí ẩn nối kết mọi người, cả kẻ sống người chết, kẻ có mặt và người vắng mặt: dòng chảy của đạo lý, của tình yêu thương chung thuỷ, của ý thức làm người. Quá khứ không tách rời với hiện tại. Tổ tiên luôn đi cùng con cháu. Tất cả liên kết thành sức mạnh, thành niềm tự hào và trách nhiệm. Nhà văn đã nhìn ra cái gốc gác, các nền tảng sâu xa gắn bó mỗi cá thể là truyền thống gia đình. Lời khấn của ông Bằng không chỉ hướng đến tri ân người đã khuất, tri ân tổ tiên mà còn tri ân những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Những từ ngữ cổ kính, mang phong cách tôn giáo hoá (“Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu…”) in đậm dấu ấn nhà nho mẫu mực. Nhà nho ấy quay trở về cõi thực, dù trong bầu không khí đoàn tụ, ấm cúng cũng không sao giấu được nỗi đau làm tổn hại danh dự tổ tiên. Ông Bằng mắt “cay xè”, lòng “bổn ngộn” khi nghĩ đến người con út tha hoá, tự cô lập mình bằng lối sống bất cần, trở thành kẻ chối từ gốc gác, dối cha lừa vợ. Ông lặng lẽ mà quyết liệt khi gạt tên Cừ (người con lạc loài ấy) ra khỏi lời khấn xin tổ tiên phù hộ. Có lẽ trong ông, nỗi đau vì truyền thống gia đình bị vấy bẩn còn lớn hơn nỗi đau của người cha mất con. Chi tiết này khiến ngày Tết sum họp năm nay của gia đình ông như là “khúc vĩ thanh” của sự đầm ấm, bình yên, báo trước những bi kịch không lường hết của cuộc sống thời buổi kinh tế thị trường. (Có người nói Ma Văn Kháng đã bày “mặt trận” giữa một gia đình bé nhỏ chỉ có thứ vũ khí thuần tuý là đạo đức và văn hoá với những tác động tiêu cực của cả một xã hội đang trong cơn “trở dạ”).

Có một xúc cảm thật đẹp được gợi lên từ mâm cỗ tất niên: lòng kính trọng tổ tiên, niềm âu yếm dành cho anh em, con cháu, bạn bè, tình yêu cuộc sống, nét tài hoa,… đều được con người gửi vào mâm cỗ ấy (Lý và mọi người đã tính toán công phu, đã nỗ lực hết mình để có thể chu toàn). Nó phải thoả mãn đủ các tiêu chí: đầy đặn gợi sự no ấm, đẹp đẽ gợi sự lịch lãm, sang trọng gợi niềm thành kính;… Dường như văn hoá ẩm thực của người Việt, mà nổi tiếng là của người Hà Nội đã tập trung trọn vẹn trong mâm cỗ tất niên nhà ông Bằng: gà luộc, giò, nem, chả, măng hầm chân giò, miến nấu lòng, vịt quay ướp húng lìu, gà tần hạt sen,… Người ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn ngắm bằng mắt, không chỉ cốt cho no mà còn thưởng thức cái tinh tế, cái tài hoa, cái đảm đang của người làm cỗ, cái kì diệu của hương vị sản vật quê hương xứ sở.

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 6

Ma Văn Kháng là một nhà văn hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng hào hùng của dân tộc và có nhiều đóng góp trong quá trình cải cách, đổi mới nền văn học Việt Nam giai đoạn sau năm 1975. Ở ông có sự nhạy cảm, tinh tế, ánh nhìn thấu đáo trước những đổi thay của đất nước, xã hội và con người sau khi cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đi qua, khi hòa bình lập lại, nhân dân bước vào đời sống mới với những cơn địa chấn tinh thần tác động vừa tích cực vừa tiêu cực đến tư tưởng, suy nghĩ của nhiều con người. Mùa lá rụng trong vườn là một trong những tiểu thuyết xuất sắc nhất của Ma Văn Kháng tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông, đoạn trích trong sách giáo khoa trích từ chương 2 của tiểu thuyết, kể về cuộc thăm nhà chồng cũ của chị Hoài, đồng thời cũng mở ra những niềm trân trọng của tác giả về những nét đẹp truyền thống của dân tộc, tình nghĩa giữa con người với nhau dù không phải máu mủ ruột già.

Mở đầu đoạn trích, là sự xuất hiện của nhân vật chị Hoài, một người phụ nữ có vẻ đẹp phúc hậu, chân chất giản dị, dù đã trạc 50, nhưng ở chị vẫn có những nét duyên dáng mà có lẽ thời trẻ chị là một người đàn bà nhiều nhan sắc “người thon gọn trong cái áo bông chần hạt lựu”, “khuôn mặt rộng có đôi mắt hai mí đằm thắm và cái miệng tươi”. Đặc biệt dù cuộc sống lao động nông thôn nhiều vất vả, nhưng khi về thành phố chị vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, rạng rỡ, đôi mắt bồi hồi, quen thuộc, vẫn đi bộ từ ga về gia đình chồng cũ mà không mệt mỏi, bên tay còn mang thêm một tay nải nặng trịch. Bản thân chị Hoài là một người phụ nữ có cuộc đời từng trải qua đau thương mất mát khi phải chịu cảnh mất chồng trong chiến tranh. Sau này khi đã đi bước nữa, có một gia đình riêng khác với người chồng thương yêu và bốn đứa con đủ nếp đủ tẻ, không còn nhiều liên lạc với gia đình chồng cũ thế nhưng chị vẫn như một mảnh ghép của gia đình ông Bằng, vẫn luôn quan tâm và dõi theo từng biến động trong gia đình. Sau chín năm xa cách, không gặp mặt thế nhưng tất cả mọi người trong gia đình đều nhớ nhung chị Hoài bằng một tình cảm tha thiết, yêu thương, điều đó xuất phát từ việc chị Hoài thực sự là một người phụ nữ nhân hậu, biết cách đối nhân xử thế và đặc biệt có những tình cảm yêu thương chan hòa với mọi người những năm tháng sống cùng nhau. Điều đó bộc lộ thông qua chi tiết chiều 30 tết chị bất ngờ lên thăm gia đình chồng cũ, cùng sum họp ăn bữa cơm tất niên, thực tế rằng nếu không phải là một con người nhiều tình nghĩa thủy chung, và biết cách ứng xử có lẽ rằng chuyện này khó có thể xảy ra. Bởi ngày tất niên đương là lúc gia đình họp mặt, nhưng chị Hoài có thể để nhà cửa lại cho chồng con và đi đón tất niên ở một nơi khác, đặc biệt cả 4 đứa con của chị cũng tha thiết muốn đi theo. Có thể thấy rằng chị Hoài là người phụ nữ rất khéo léo trong việc điều hòa các mối quan hệ xung quanh mình, khiến những người thân yêu thấu hiểu và sẻ chia lẫn nhau như ruột thịt thân tình. Khi về thăm nhà chồng cũ, chị Hoài đề cập, hỏi han tình trạng của từng thành viên, từ ông thợ mộc, chú Đông tóc bạc, cháu Dư, cô Lý,… thể hiện mối quan hệ khăng khít gắn bó, dù rằng chị ở xa thế nhưng mối liên lạc ấy chưa bao giờ đứt đoạn. Chị vẫn thương yêu ông Bằng, bố chồng của chị như cha ruột, vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi. Đặc biệt khi nghe chuyện của cô Phượng, chị đã vội vã lên với ông để cho ông đỡ buồn lòng. Quả thực trên đời có được một người con dâu, một người chị dâu như chị Hoài thật là hiếm. Rồi đối với các thành viên trong gia đình chị Hoài cũng có những cách yêu thương thật chân chất, giản dị, chị không quản ngại đường xa mà xách theo cho từng người những món quà quê thấm đẫm ân tình, nào là gạo nếp tăng sản nhà chị cấy, bột sắn dây do mấy đứa con chị tự làm, giò thủ chồng chị gói mà ông cụ thích ăn nhất, cả gói hạt mướp hương giống,… Đặc biệt sự xuất hiện của chị Hoài đương lúc gia đình ông Bằng có những biến đổi không vui, những rạn vỡ trong mối quan hệ của các thành viên trong gia đình, đã khiến không khí bữa cơm tất niên thay đổi hẳn. Mọi người vì sự góp mặt của chị bỗng trở nên gắn kết, thân tình, quên hết những chuyện không vui đang xảy ra để chung vui với người chị dâu đã xa cách lâu ngày, và đối xử với chị bằng những tình cảm nồng hậu nhất, gợi nhớ lại viễn cảnh gia đình khi xưa lúc còn đủ đầy các thành viên, và cuộc sống còn chưa thay đổi đến mức này. Bữa cơm tất niên cũng trở nên ấm áp, sang trọng và hân hoan một cách lạ thường trong thời điểm đất nước đang vận động đổi mới, còn nhiều khó khăn chồng chất. Điều ấy đã chứng minh được vai trò quan trọng của chị Hoài trong gia đình chồng cũ, chị ở đây không phải là một người con dâu cũ không mấy liên lạc mà là một một thành viên không thường trực, nhưng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Chị đã dùng tấm lòng nhân hậu, thủy chung của mình để gắn kết, đánh thức tình cảm thiêng liêng trong gia tộc, điều hòa mối quan hệ gia đình trong trên đà rạn vỡ vì những biến đổi của xã hội.

Trong truyện bên cạnh sự xuất hiện của chị Hoài và tình cảm với những người anh chị em trong gia đình, thì cuộc gặp mặt đầy xúc động của chị với bố chồng cũ – ông Bằng cũng là một điểm nhấn quan trọng. Ông Bằng thực sự rất yêu thương người con dâu cả này, đứa con trai đầu của ông hy sinh ngoài chiến trường đã lâu lắm rồi, chị Hoài cũng đã có một gia đình mới, thế nhưng cách ăn ở của chị những ngày còn chung sống, cho đến tận hôm nay khiến ông Bằng vô cùng cảm động và dành cho chị những tình cảm quý mến. Chính vì vậy khi nghe tin con cháu dưới nhà xôn xao vì chuyến thăm bất ngờ của chị Hoài, ông cụ vui mừng khôn xiết, đến giờ cúng ông mới xuống nhà, tuy vẫn bộ quần áo “comple kẻ sọc mờ cài khuy chéo”, ông cụ trông cũng gầy hơn sau cơn ốm bệnh, thế nhưng ông Bằng cố bước những bước thật ngay ngắn đàng hoàng, để xuất hiện trước mặt mọi người đặc biệt là người con dâu cả một cách khỏe mạnh và có tinh thần nhất. Thế rồi khi gặp mặt chị Hoài, ông cũng không nén nổi những sự xúc động sâu sắc trong lòng, nhìn người con dâu đã tròn 9 năm không gặp “mặt ông thoáng có chút ngơ ngẩn” dường như không tin vào mắt mình. Sau đó vì vui mừng, nghẹn ngào quá “mắt ông chớp liên hồi, môi ông lật bật không thành tiếng, có cảm giác ông sắp khóc òa”. Chỉ bấy nhiêu cảm xúc trên gương mặt già nua vì năm tháng và bệnh tật người ta cũng đủ hiểu ông cụ đã nhớ và mong chị Hoài đến mức nào. Còn về phần chị Hoài khi gặp lại người cha chồng đã gần chục năm không thấy mặt, chỉ được liên lạc qua thư, chị cũng xúc động, dù đã chạc 50 tuổi nhưng chị vẫn hành động như một đứa trẻ “gần như không chủ động được mình, chị lao về phía ông Bằng, quên cả đôi dép, đôi chân to bản, gót nứt nẻ thâm đen, giẫm trên nền đá lạnh, kịp hãm lại khi cách ông già khoảng hai hàng gạch hoa”. Hai con người khi đối diện với nhau một người thốt lên trong tiếng nấc “Ông!”, một người giọng khản đặc, rè rè “Hoài đấy ư, con?”. Cuộc gặp mặt và những cảm xúc có phần hơi cường điệu ấy xuất hiện trước hết là bởi những nhớ nhung xa cách lâu ngày của hai cha con, thứ hai nữa là bởi sự xuất hiện của chị Hoài đã phần nào giải tỏa được bớt những nỗi cô đơn, đồng thời củng cố niềm tin của ông Bằng, một người cha, một người chủ gia đình đang đấu tranh âm thầm nhằm giành lại những giá trị truyền thống tốt đẹp đang dần mai một trong gia đình, và cả những mối quan hệ đang dần rạn nứt.

Khung cảnh cúng tất niên là một cảnh đẹp và ẩn chứa nhiều ý nghĩa của đoạn trích. Vẻ đẹp truyền thống của dân tộc trước hết được bộc lộ thông qua cách sắp xếp bàn thờ gia tiên, ảnh thờ, đèn nến, khói hương nghi ngút, cặp bánh chưng buộc lạt điều, chén rượu, mâm ngũ quả,… tất cả đều thật chỉn chu tinh tế. Đặc biệt cảnh ông Bằng “soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cà vạt, ho khan một tiếng,…” trước lúc thắp hương, khấn vái, thể hiện sự thiêng liêng, tấm lòng thành kính trước tổ tiên, cũng như sự lễ nghi tươm tất trong việc thờ cúng vốn có từ bao đời của dân tộc. Lời khấn vái của ông Bằng, mâm cơm tất niên đủ đầy, thịnh soạn có sự xuất hiện của cành quất, với biết bao nhiêu món ăn truyền thống gà luộc, giò chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, súp lơ xào thịt, vịt tần, mọc,… tất cả đều chứa đựng tâm sức và tài hoa của người làm ra nó. Sự chăm chút tỉ mỉ trong cỗ bàn cũng là một truyền thống đáng quý của dân tộc, mỗi năm chỉ có một lần này là cả gia đình sum họp đầy đủ, chính vì vậy mọi thứ đều cần phải tươm tất, thể hiện không khí hân hoan, chào đón một mùa xuân mới đến. Khung cảnh không khí ấy cũng là không khí chung của hàng triệu gia đình Việt từ bao đời nay, luôn trân trọng giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, dù còn khó khăn muôn bề nhưng không vì thế mà người ta sơ sài bỏ qua những nét đẹp đáng quý của cha ông.

Đoạn trích ngắn trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn đã thể hiện được thái độ và những suy tư của nhà văn Ma Văn Kháng với sự đổi thay của thời cuộc, bên cạnh việc ca ngợi những tình nghĩa thủy chung, ân tình giữa con người trong một gia đình, gợi nhắc những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tác giả còn có những trăn trở về những vấn đề nhức nhối đang nổi lên trong xã hội đương thời, sự biến đổi trong tư tưởng của con người vì những giá trị văn hóa mới mẻ du nhập và mối quan hệ trong gia đình dần rạn vỡ vì sự khác biệt trong suy nghĩ, hay sự mai một của các truyền thống tốt đẹp đều khiến người đọc phải suy ngẫm.

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 7

Điều đúng nhất khi đọc sách văn học là nên tìm hiểu thật kĩ về tác giả và tác phẩm cùng hoàn cảnh ra đời, diễn tiến xã hội xung quanh nó. Tất cả những yếu tố đó giúp người đọc phần nào đến được với nhãn quan tác giả dùng để sáng tạo nên tác phẩm. Nhưng trong nghệ thuật nói chung và trong văn học nói riêng, còn một điều, có vẻ đúng hơn, chính là không có một nguyên tắc nào làm định tính hay định lượng cho chúng. Vì sao vậy? Vì tác phẩm, dù là hư cấu hay tả thực, đồ sộ hay giản tiện, thì một khi nó được tác giả viết nên bằng lòng chân thành chiêm nghiệm, bằng sự tôn kính đối với giá trị thể hiện, thì nó vẫn là tác phẩm đáng đọc, để từ đó, độc giả, bằng một thái độ thưởng thức nghiêm túc, sẽ thấy được một phần cuộc sống, một tâm hồn hay hoàn cảnh của mình trong đó.

Hơn thế nữa, độc giả sẽ được thấy cả những chiều kích tâm hồn, cuộc sống mà mình chưa từng thấy, chưa từng trải qua. Mục đích cuối cùng của tác giả, khi viết, và độc giả, khi thưởng thức, là “cái có ích”. Cái có ích đó có thể là bất cứ điều gì, bởi chăng, người ta vẫn nói không gì là không có ích, chủ yếu là gần hay xa, trước mắt hay lâu dài mà thôi.

Khi đọc Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, tôi chỉ biết tác giả là nhà văn nổi tiếng của Văn học Việt Nam, không rõ giai đoạn, không biết về xu hướng, về phong cách, cũng chỉ vì vốn không là nhà nghiên cứu. Về tác phẩm, tôi khi còn bé đã được xem bộ phim truyền hình dài khoảng hơn mười tập. Ấn tượng duy nhất còn lại trong trí nhớ là một bộ phim hay về tình cảm gia đình, (chưa đủ khả năng đánh giá về diễn xuất của diễn viên). Phim hay vì màu vàng của bộ phim cứ ám ảnh tâm tư mỗi lần nghĩ đến, đó là màu lá, đó còn là màu một mái nhà xưa cũ đã không còn hợp với một xã hội đang nhộn nhạo bước vào thời kì thay da đổi thịt.

Mùa lá rụng trong vườn của phim đưa tôi đến với tác phẩm viết một cách tình cờ, nhưng những trang đầu tiên đã đủ làm tôi ngỡ ngàng khi nhớ về cái thời mình còn ngây ngô, còn tươi vui trong cái vô lo của kẻ không biết gì ngoài chuyện học hành. Nhưng cũng từ cái khoảnh khắc đáng quí đó của sự hồi tưởng, tôi đã được về với chính “căn nhà nơi góc phố” của cái thời sau giải phóng. Nếu như xem văn minh, tiện nghi hay cái hào nhoáng của cuộc sống hiện đại là đủ, không bao giờ người ta cứ đưa những hàng quán rêu phong xưa cũ làm đối tượng để sáng tạo hay đơn giản là nơi tìm về. Thế thì, căn nhà đó đã là thứ hấp lực làm tôi trở nên sướng vui như tìm lại được điều gì đó quen xưa lắm.

“…Ở đây có thể nghe thấy dép lê của khách bộ hành, tiếng trục xe ba gác lăn khục khịch, cót két bên vệ đường. Ở đây, mùa hè inh ỏi tiếng ve và lao xao vòm lá rậm gọi gió đùa. Mùa động cảm nhận được tiếng sương rơi và hơi gió lướt của tàu lá liệng rơi trên mặt đất…Ở đây, lúc này tất cả dường như đã ổn thỏa, ngay ngắn, trật tự, không còn phải lo toan, sắp xếp hoặc bàn bạc, cũng chẳng phải tính toán nghĩ suy, hoặc đề phòng một tai biến nào đó có thể bất thình lình xảy ra…”.

Chủ đề chính của tác phẩm là mối quan hệ gia đình truyền thống trước những biến động của xã hội thời chuyển đổi, cho đến cùng của câu chuyện, dường như lời giải xác đáng vẫn chưa được đưa ra và những trở trăn vẫn còn đó. Thế nhưng, thông điệp được đưa ra, có lẽ là thông điệp đúng nhất và toàn diện nhất trong mọi hoàn cảnh, chính là lòng bao dung và tình yêu thương sẽ cứu rỗi tất cả mọi thứ lỗi lầm, mọi toan tính nhỏ nhen, mọi ích kỷ cá nhân, mọi dày vò về vật chất và tinh thần. Có lẽ không cần và không nên nói nhiều về thông điệp dường như quá cũ kỹ và có vẻ như được đề cập đến quá nhiều. Riêng đối với bản thân, để đưa ra một thông điệp có sức lay động và lan tỏa đó, không thể nào không xúc động trước hình ảnh căn nhà trong khu vườn lá rụng và sự cao vời về nhân cách của hai nhân vật, Phượng và Luận. Dẫu biết rằng bỏ qua một chi tiết, dù nhỏ, không nói đến một nhân vật, dù phụ, là điều tối kỵ khi nhìn nhận tác phẩm, nhưng lại là điều không thể một khi đó là truyện dài. Hơn nữa, khi không có được sự tìm hiểu về ngọn nguồn của tác giả và tác phẩm thì bản thân chỉ còn biết lấy cảm nhận chung nhất, và chủ quan nhất của mình để thêm một lần tìm được sự đồng cảm giữa những gì tác giả viết nên và những gì mình có thấy được.

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 8

Đọc tác phẩm của Ma Văn Kháng ta luôn bị ám ảnh bởi một thế giới không còn nguyên vẹn (tuy chưa thật sự có những thay đổi lớn lao). Những câu chuyện mà ông kể cho bạn đọc không “đao to búa lớn” nhưng lại có sức khái quát về một thời, một thời mà bước chân của bao người đang chênh vênh giữa cái cũ và cái mới. Mùa lá rụng trong vườn là một tác phẩm như thế. Người đọc ấn tượng đặc biệt với những thay đổi của khu vườn mùa lá rụng và con người đã không còn như những ngày xưa. Cũng bởi thế mà người đọc cảm nhận được “niềm lo lắng sâu sắc cho giá trị truyền thống trước sự thay đổi của thời cuộc”.

Trong đoạn trích trong sách Ngữ văn 12 (rút từ chương 2 của tiểu thuyết), tác giả tập trung trong một khoảng thời gian rất ngắn – chiều tất niên, trong một khoảng không gian hẹp – gia đình ông Bằng. Từ đó mở ra thăm thẳm chiều sâu cảm xúc, suy ngẫm về những gì đã dần bị mai một của cả một xã hội, của cả một thời.

Buổi chiều tất niên của gia đình ông Bằng cũng như bao gia đình Việt Nam khác, tất bật, háo hức, hồ hởi, vội vàng. Cả nhà thu xếp mâm cơm tất niên để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Ta vẫn nhìn thấy trong bức tranh ấy những nét đẹp truyền thống không thể phủ nhận. Đó là cái không khí vừa có cái ồn ào, lo toan, gấp rút để chạy kịp thời gian, vừa muốn trùng trình níu kéo chút thời khắc của năm cũ, vừa muốn bước nhanh để được đón những giờ khắc đầu tiên của năm mới, mà ai cũng có kì vọng sẽ tốt đẹp bởi những gì đã và đang có. Và ai cũng có cảm tưởng cái gì cũng chỉ là mới bắt đầu. Nhân vật Lí là người đã thể hiện cái không khí tết nhất trong cái dáng vẻ tất bật, miệng luôn luôn mắng yêu chồng, than phiền về nhà cửa bề bộn, sắp đặt công việc, kể lể giá cả, xuýt xoa về hàng hóa, khen ngợi cái này, chê bai cái kia, bình luận nơi này, nhận xét nơi nọ. Ở người đàn bà ấy, người ta nhìn thấy hình ảnh của rất nhiều phụ nữ Việt Nam (đặc biệt là phụ nữ thị thành), trong những ngày năm hết Tết đến: lo toan mọi thứ, quán xuyến mọi thứ, lưu tâm tới mọi thứ. Họ trở nên đẹp hơn trong cái dáng tất bật, lo toan ấy.

Người đọc còn nhìn thấy những nét đẹp rất đặc trưng của dân tộc Việt trong đoạn trích này, đó là cảm giác mong muốn được quần tụ, sum họp.

Tết đến, người Việt Nam ai ai cũng muốn được trở về mái ấm nơi có mẹ, cha, anh em ruột thịt, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã in dấu bao kỉ niệm buồn vui (có thể cả những đau khổ, bất hạnh, biệt li). Với mỗi người thì gia đình là nơi bình yêu để nghỉ chân sau những ngày lao động bôn ba mệt nhọc.

Những thành viên trong gia đình ông Bằng cũng không đi ra ngoài phong tục, thói quen đó. Đông, Lí, Luận, Phương, ông Bằng… đều gặp nhau trong một cảm nghĩ chung: sum họp. Tất cả họ đều muốn được gặp gỡ, được cảm thấy trái tim xao động khi cầm một bàn tay, nhìn thấy một dáng hình thân quen; muốn được cười, được nói và được trầm tư nghĩ suy về những gì đã qua, những gì chưa tới. Và sự xuất hiện của chị Hoài đã thỏa mãn bao ước mong. “Sự việc diễn ra quá ư đột ngột, Đông, Lí, Luận, hấp tấp từ phòng khách ùa ra vệt đường lát xi măng đi qua vườn cây ra cổng, nhìn thấy chị Hoài thật rồi mà vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác nửa tin, nửa ngờ”. Chị Hoài hiện ra bằng xương bằng thịt, cả nhà ai nấy đều hạnh phúc ngạc nhiên xốn xang khác thường, không chỉ vì chị rất nết na, thùy mị, mà còn vì một số lí do sâu xa hơn nhiều. Chị Hoài chính là người giữ được mảnh hồn xưa, đẹp thuần khiết nhất, không phai mờ, không bao giờ cách xa, không khuất lấp, cho dù cuộc sống có đổi thay, lo toan, bon chen như thế nào. Chị Hoài chính là một khoảng quá khứ thiêng liêng đẹp đẽ mà cả Lí, Đông Luận, ông Bằng đã từng tạo dựng, đã từng xây đắp, tôn thờ. Nhưng ở mỗi người hình như đã bị lung lay, rạn nứt, sứt mẻ đi ít nhiều. Chỉ có chị Hoài là một khoảng thiêng liêng, trong sáng vô ngần, không thể phá vỡ. Đó là một vật báu mà cả gia đình ông Bằng ai ai cũng yên tâm rằng: vật báu ấy luôn được cất giấu ở một nơi nào đó thật an toàn và không ai có thể xâm phạm tới được.

Nội dung câu chuyện giữa những người con của ông Bằng trong buổi chiều sum họp rất bình thường như bao nhiêu câu chuyện thường gặp của bao gia đình Việt Nam: hỏi thăm sức khỏe, công việc, người còn, người mất… Nhưng nó lại mang đặc trưng cho những cuộc gặp gỡ cuối năm, cảm xúc buồn vui lẫn lộn, bao nhiêu sự kiện, bao kỉ niệm ùa về, liên tiếp, dồn dập và ai cũng muốn được nói, được kể, được bày tỏ, ai cũng muốn bàn tay mình đủ ấm để sưởi ấm bàn tay những người thân.

Sức mạnh của tình máu mủ, ruột rà đã tạo cho các thành viên trong gia đình ông Bằng có những cảm giác đặc biệt trong buổi chiều tất niên ấy. Tất cả họ đều hướng tới những gì tốt đẹp nhất, hướng tới bàn thờ. Nơi thiêng liêng in dấu bao gương mặt tổ tiên, nơi hiện diện của dòng tộc, huyết thống, nơi minh chứng cho tất cả những gì quý giá nhất không thể nói hết thành lời mà chỉ bằng sự cảm nhận bởi tâm linh của mỗi người. “Ông Bằng soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cái cà vạt, ho khan một tiếng, dịch chân lại trước mặt bàn thờ”. Thái độ kính cẩn nghiêm trang ấy thể hiện sự cung kính trước tất cả những người đã khuất, sự giữ gìn tất cả những gì vốn được cả dòng tộc duy trì, gìn giữ. Lời khấn thiêng liêng của ông Bằng chính là cuộc chuyện trò với những người vĩnh viễn đi xa là lời bày to với tất cả những ai đã được ghi tên trong dòng tộc. “Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi nảy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương”. Những lời tri ân ấy là những lời được rút ra từ tâm khảm, từ trái tim rất mực chân thành, từ niềm tin bất diệt vào sự vĩnh hằng tồn tại và hiện diện ngàn đời của ông bà, tổ tiên. Và trong thời khắc của gia đình sum họp, mọi người vẫn nhận thấy rõ sự hiện diện thiêng liêng của ông bà, tổ tiên. Họ vẫn “hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, dắt dìu” con cháu.

Ý nghĩa của buổi sum họp được mở rộng hơn rất nhiều, đó không chỉ là buổi chiều gặp gỡ giữa những người đang sống mà là cuộc gặp gỡ, giao cảm tâm linh của người sống và người đã khuất: “Quá khứ không cắt rời với hiện tại. Tổ tiên không tách ròi với con cháu. Tất cả liên kết một mạch, bền chặt thủy chung”.

Và mâm cơm tất niên với la liệt bát đĩa ngồn ngộn các món ăn được mọi người quây quần, sum vầy vui vẻ, hân hoan khác thường. Đó là thời khắc thiêng liêng mà mỗi thành viên trong gia đình ông Bằng cảm nhận thấy rõ mình đang hiện diện, đang tồn tại, đang là một thành viên của một gia đình, một dòng tộc, và dòng máu chảy trong huyết quản là của cha ông truyền cho.

Chỉ bằng vài ba trang sách, nhưng người đọc đã cảm nhận được nét đẹp truyền thống của gia đình ông Bằng. Một gia đình vẫn còn giữ được những phong tục, nền nếp, lề thói sinh hoạt rất đẹp, rất đáng quý của những gia đình người Việt. Người đọc có thể thấy hình ảnh của rất nhiều gia đình Việt Nam trong đó.

Tuy nhiên, ngòi bút Ma Văn Kháng không chỉ dừng lại ở đó. Cái quan trọng hơn cả là ông đã tái hiện sự lung lay của vẻ đẹp truyền thống trước những biến đổi của thời cuộc. Quả thực, cái Tết sum họp của gia đình ông Bằng đã vượt lên trên cái ý nghĩa thông thường, cụ thể của nó mà nó còn mang tính biểu tượng cho “nếp nhà”, cho phong tục truyền thống, cho nền nếp gia phong, cho tất cả vẻ đẹp truyền thống của mỗi gia đình người Việt. Và quan sát thật kĩ màn sum họp của gia đình ông Bằng, người đọc không thể không lo sợ cho những gì vẫn tưởng là tồn tại vĩnh viễn.

Sự xuất hiện của chị Hoài – ngoài mục đích thăm hỏi bình thường còn mang một mục đích khác. “Ông viết thư cho tôi, ông kể hết. Kể cả chuyện cậu Cừ. Thế nên tôi mới sốt ruột, phải lên ngay. Tôi sợ ông buồn? Đến lúc này cả Lí, Đông, Luận, Phương mới biết rằng chị Hoài đã lên thăm đúng chiều 30 là có lí do của nó. Những lá thư ông Bằng viết cho chị Hoài không nói rõ nhưng người đọc có thể biết được, đó là những câu chuyện buồn.

Những câu chuyện về một gia đình đã không còn đầm ấm không đủ như xưa. Cừ – đứa con trai của ông Bằng, một thanh niên giỏi giang vốn tòng quân, nhập ngũ nhưng rồi lại trốn đi nước ngoài biệt tăm tích. Sự vắng mặt của Cừ không tạo một khoảng trống, sự thiếu vắng trong gia đình, mà đáng chua xót hơn cả là những hành động sai lầm của con người ấy khiến cho nền tảng gia phong, nền nếp đẹp đẽ của gia đình ông Bằng bị xúc phạm ghê gớm. Ông Bằng, Lí, Đông… tất cả thành viên trong gia đình đều cảm thấy bị tổn thương, đau đớn. Nó như một vết nhơ trong gia đình, là dấu hiệu của sự bình yên bị phá vỡ vĩnh viễn không thể hàn gắn lại như xưa. Cũng chính vì thế, ông Bằng đã gạt hẳn Cừ ra khỏi gia đình khi đọc các tên con trai trước bàn thờ tổ tiên. Sự chứng thực về cái chết, sự biến mất của Cừ trong lòng ông Bằng thể hiện nỗi đau đớn, dằn vặt ghê gớm của một người không chịu nổi những chấn động của sự đổi thay, biến chất và nó cũng thể hiện nỗi lo sợ của ông Bằng về những điều sẽ đến ngoài mong đợi và những sự biến mất ngoài dự kiến. Chị Hoài cũng có chung cảm giác ấy. Và bởi vậy, chị là người đồng cảm với ông Bằng hơn cả trong gia đình.

Làn sóng đổi thay của thời cuộc đã len lỏi, “xâm thực” vào gia đình vốn rất nền nếp, gia giáo ấy. Nó bắt đầu làm đổi thay những thành viên.

Người nhanh nhạy duy nhất với thời cuộc là Lí. Lí đã không còn như những ngày xưa nữa. Cô đã đổi khác và chạy theo nhịp thay đổi chóng mặt của thời cuộc. Trong lời nói của con người ấy đã mang hơi thở của tiền bạc, bị chi phối bởi quyền lực và địa vị xã hội. Lí không còn chấp nhận hi sinh thiệt thòi như ngày xưa nữa mà cô đã đòi hỏi vươn tới và mong muốn đạt được tất cả những gì mình thích. Cô thích thể hiện, thích vượt trội, thích mình phải nổi bật nhất và bởi vậy trong mọi lời nói, việc làm cô đều có sự toan tính, cân nhắc kĩ lưỡng. Do đó, mâm cỗ cuối năm do Lí làm vừa mang sự khéo léo, tỉ mỉ lại vừa mang sự tính toán, khoe khoang về khả năng kiếm tiền ở cô: trên mặt bàn la liệt các món ăn rất nhiều món ăn đắt tiền và nó “quá ư thịnh soạn vào cái thời buổi còn rất nhiều khó khăn”. Đông – chồng Lí, một anh bộ đội phục viên, đã trở thành một nhân vật mờ nhạt, anh trở thành cái bóng trong căn nhà, suốt ngày ăn, ngủ, tối đánh bài xem ra cuộc đời chẳng còn việc gì đáng để cho anh làm, chẳng có gì đáng để anh phải suy nghĩ…

Rõ ràng những thay đổi của thời cuộc đã tạo nên những chấn động không nhỏ cho gia đình nhỏ bé của ông Bằng. Các mối quan hệ giữa các thành viên dần xa cách, phân rã, không có sự liên kết chặt chẽ, mật thiết như xưa. Đặc biệt sự thay đổi của thời cuộc đã tạo nên những tác động về tâm lí, vào quan niệm sống, lí tưởng sống tưởng đã rất bền vững, rất đáng yên tâm, tin tưởng. Và cho dù ông Bằng có cố gắng đến đâu thì những bức tường của ngôi nhà đã bắt đầu rạn nứt. Mọi sự hàn gắn của ông chỉ là vô ích vì tính chất lạnh lùng, tàn bạo của cơ chế thị trường, của cơm áo, gạo tiền, của nhu cầu mưu sinh.

Ma Văn Kháng đã rất thành công trong việc thể hiện “một thế giới không còn nguyên vẹn”. Từ sự biến đổi trong một gia đình nhỏ, tác giả đã khái quát lên cả một xã hội khi mà cuộc đấu tranh mới – cũ đang diễn ra trên nhiều phương diện, khi mà sự biến thiên của thời cuộc không loại trừ bất cứ một ai. Từ sự thay đổi về mâm cỗ tất niên, từ những chấn động tâm lí của các thành viên trong gia đình ông Bằng, ta nhận thấy những tiếng thở dài não ruột lo sợ cho những giá trị truyền thống đang bị lung lay, biến đổi không thương tiếc. Đó cũng chính là giá trị nhân văn cao đẹp toát lên từ đoạn trích, toát lên từ toàn bộ tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn.

Phân tích Mùa lá rụng trong vườn- Mẫu 9

Mùa lá rụng trong vườn là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu và đặc sắc của Ma Văn Kháng xuất bản năm 1985. Truyện lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh, gây ra nhiều thay đổi. Truyện đã phản ánh chân thực những biến động trong xã hội thời bấy giờ và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình – tế bào của xã hội.

Mùa lá rụng trong vườn là một đoạn trích trong chương II của tiểu thuyết cùng tên, được tặng giải thưởng hội nhà văn Việt Nam năm 1986.

Chiều 30 Tết năm Bính Tuất ai trong nhà ông Bằng cũng mong chờ chị Hoài- vợ của anh Tường liệt sĩ cũng là con trai trưởng của cụ Bằng. Nay chị đã lấy chồng. Và như cầu được ước thấy, chị Hoài sau khi đi bộ một đoạn đường khá xa đã đến cổng nhà ông Bằng, tiếp đón chị đầu tiên là tiếng reo vui của Phượng, theo sau là Đông, Lý, Luận ai cũng tíu tít đón chị dâu cũ. Và nghẹn ngào nhất có lẽ chính là cảnh ông Bằng, cha chồng và con dâu trưởng gặp lại nhau với bao cảm xúc dâng trào.

Chị Hoài năm nay đã gần năm mươi tuổi, nhưng chị vẫn rất đẹp với dáng người thon gọn, đôi mắt đen láy, khuôn miệng tươi cười và người chị rất gọn. Chị đi bước nữa với anh làm ở Ủy ban xã, chị đang làm chủ nhiệm của hợp tác xã đan dệt thảm ngô, họ có bốn đứa con.

Chị Hoài về đây, mang theo rất nhiều quà quê từ gạo nếp, đến giò thủ, bột sắn dây, gói hạt giống mướp hương,….Chị Hoài và các em trai em dâu của nói chuyện, hỏi thăm nhau rôm rã, vui mừng vì lâu ngày mới được gặp nhau. Rồi sau đó, ông Bằng đi xuống, ông nhìn chị như chực trào nước mắt. Chị Hoài nhìn ông, và khóc, chị cất tiếng chào: “Ông” trong nghẹn ngào. Ông Bằng run run, giọng khàn đặc đáp lại “ Hoài đấy ư, con?”. Nhìn cảnh đó, khiến Phượng không kìm được nước mắt. Ông Bằng lấy khăn giấy lau đi đôi mắt ướt của mình và hỏi thăm về gia đình chị.

Cuộc gặp mặt giữa ông Bằng và người dâu trưởng là chị Hoài là một cuộc gặp gỡ vừa vui mừng vừa xót xa. Trong một chừng mực nào đó, cuộc gặp lại này xoa dịu niềm cô đơn và tiếp thêm niềm tin cho ông Bằng trong cảnh ngộ gia đình hiện tại. Ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế của Ma Văn Kháng ghi lại cận cảnh phút giây rớm nước mắt đó. Đúng là một cuộc gặp gỡ nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm mà một nhân vật trong truyện đã nhận ra : “Cảnh gặp gỡ vui mừng nhiễm một nỗi tiếc thương, đau buồn, ê nhức cả tim gan.”

Khi mâm cỗ thịnh sọan được đưa lên, mọi người quây quần bên nhau, ông Bằng đứng trước bàn thờ tổ tiên như quên hết mọi thứ xung quanh, trôi ngược về quá khứ để tri ân cha mẹ, tổ tiên, ông tâm tình với vợ và con trai cả đã hi sinh của mình: “Trong giây lát, nhập vào dòng xúc động tri ân cùng tiên tổ và những người đã khuất, ông Bằng lâng lâng trong những hoài niệm hư ảo, thoát trần. Nhưng ông chỉ ở trong dòng tình cảm trôi lững lờ đó trong giây phút. Quá khứ không cắt rời với hiện tại. Tổ tiên không tách rời với con cháu. Tất cả liên kết thành một mạch bền chặt thủy chung. Bởi vậy, ông lại trở về với những ngày đang sống, với những người đang sống, mắt ông bỗng cay xè”. Có thể thấy, ông bằng là gạch nối giữa quá khứ với hiện tại của gia đình trong giây phút thiêng liêng ấy. Ông là kiểu nhân vật trong đạo đức gia đình.

Chủ đề chính của tác phẩm là mối quan hệ gia đình truyền thống trước những biến động của xã hội thời chuyển đổi, cho đến cùng của câu chuyện, dường như lời giải xác đáng vẫn chưa được đưa ra và những trở trăn vẫn còn đó. Thế nhưng, thông điệp được đưa ra, có lẽ là thông điệp đúng nhất và toàn diện nhất trong mọi hoàn cảnh, chính là lòng bao dung và tình yêu thương sẽ cứu vớt tất cả mọi thứ lỗi lầm, mọi toan tính nhỏ nhen, mọi ích kỷ cá nhân, mọi dày vò về vật chất và tinh thần.

Mùa lá rụng trong vườn đã thể hiện sự quan sát và cảm nhận tinh nhạy của nhà văn về những biến động, những đổi thay trong tư tưởng và tâm lí của con người Việt Nam giai đoạn xã hội chuyển mình xóa bỏ dần mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường với những rạn vỡ tất yếu theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực trong quan niệm sống, cách sống và cách lựa chọn các giá trị. Nhà văn bày tỏ niềm lo lắng sâu sắc cho các giá trị truyền thống trước những đổi thay của thời cuộc.

Trên đây là nội dung bài học Phân tích Mùa lá rụng trong vườn (9 mẫu) do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyện mục Học tập

Rate this post


Nguyễn Thanh Tùng

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button