Tập đọc: Đất Cà Mau trang 89 SGK Tiếng Việt 5 tập 1
Bài đọc
Đất Cà Mau
Cà Mau là đất mưa dông. Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.
Bạn đang xem: Tập đọc: Đất Cà Mau trang 89 SGK Tiếng Việt 5 tập 1
Cà Mau đất xốp. Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió, dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi với những cơn thịnh nộ của trời. Cây bình bát, cây bần cũng phải quây quần thành chòm, thành rặng; rễ phải dài, phải cắm sâu vào trong lòng đất. Nhiều nhất là đước. Đước mọc san sát đến tận mũi đất cuối cùng, thẳng đuột như hằng hà sa số cây dù xanh cắm trên bãi. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước…
Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông “sấu cản mũi thuyền”, trên cạn “hổ rình xem hát” này, con người phải thông minh và giàu nghị lực. Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây. Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền để khai phá giữ gìn mũi đất tận cùng này của Tổ quốc.
Theo Mai Văn Tạo
– Phũ (phũ phàng): dữ dội, thô bạo đến mức tàn nhẫn.
– Phập phều: trôi nổi, phồng lên rồi lại xẹp xuống.
– Cơn thịnh nộ: cơn giận dữ ghê gớm.
– Hằng hà sa số: nhiều vô kể, đếm không xuể.
– Sấu: cá sấu.
Bố cục
Bài đọc được chia thành 3 đoạn:
Đoạn 1: Từ đầu đến nổi cơn dông
Đoạn 2: Từ Cà Mau đất xốp đến bằng thân cây đước
Đoạn 3: Phần còn lại
Câu 1
Mưa ở Cà Mau có gì khác thường?
Hướng dẫn giải:
Em chú ý đọc đoạn văn đầu tiên nói về mưa Cà Mau để trả lời.
Lời giải:
Mưa ở Cà Mau đến rồi đi bất ngờ: sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.
Câu 2
Cây cối trên đất Cà Mau mọc ra sao? Người Cà Mau dựng nhà cửa như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Em hãy đọc đoạn sau: Cà Mau đất xốp… bằng thân cây đước.
Lời giải:
– Cây cốí trên đất Cà Mau mọc thành chòm, thành rặng, rễ dài cắm sâu vào lòng đất để chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt.
– Người Cà Mau dựng nhà cửa dọc những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì, từ nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước.
Câu 3
Người dân Cà Mau có tính cách như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Em hãy đọc đoạn sau và chỉ ra tính cách của con người Cà Mau: Sống trên cái đất… đến hết.
Lời giải:
Người Cà Mau thông minh, giàu nghị lực, có tinh thần thượng võ. Họ thích kể và thích nghe những chuyện về sức mạnh và trí thông minh của con người như: người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây.
Câu 4
Bài văn trên có mấy đoạn? Em hãy đặt tên cho từng đoạn văn?
Hướng dẫn giải:
Em làm theo yêu cầu của bài tập.
Lời giải:
Bài văn trên có 3 đoạn:
– Đoạn 1 (từ đầu … cơn dông.): Điều khác thường của những cơn mưa Cà Mau.
– Đoạn 2 (Cà Mau … cây đước.): Đất, cây cối và nhà cửa ở Cà Mau.
– Đoạn 3 (đoạn còn lại): Tính cách con người Cà Mau.
Nội dung
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên Cà Mau góp phần hun đúc nên tính cách kiên cường của người Cà Mau. |
Đăng bởi: THCS Bình Chánh
Chuyên mục: Tiếng Việt lớp 5
- Hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn (35 mẫu)
- Viết một đoạn văn khoảng 5 câu Tả một buổi chiều tối hoặc một đêm yên tĩnh ở vùng biển hoặc ở một làng quê (20 mẫu)
- Viết một đoạn văn khoảng 5 câu Tả một đám trẻ đang chơi đùa hoặc đang chăn trâu, chăn bò (15 mẫu)
- Hãy kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam (17 mẫu)
- Em hãy lập chương trình cho hoạt động Thăm các chú công an giao thông hoặc công an biên phòng (5 mẫu)
- Em hãy lập chương trình cho hoạt động Phát thanh tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy (7 mẫu)