Mời các em theo dõi nội dung bài học về Từ đa nghĩa là gì do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.
Từ đa nghĩa là gì?
Từ đa nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Đây là hiện tượng có thể thấy được ở hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Trong tiếng Việt, các nghĩa của từ đa nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau. Nói cách khác, một từ nhưng có thể gọi tên nhiều sự vật, hiện tượng, biểu thị nhiều khái niệm thì từ ấy được gọi là từ đa nghĩa.
Ví dụ 1: Xe đạp là từ dùng để chỉ loại xe 2 bánh, con người dùng sức đạp cho quay bánh. Đây là nghĩa duy nhất của từ xe đạp. Vậy từ xe đạp là từ chỉ có một nghĩa.
Bạn đang xem: Từ đa nghĩa là gì? Tác dụng của từ đa nghĩa
Ví dụ 2: Với từ “ăn”
- Ăn cơm: cho đồ ăn vào cơ thể để nuôi sống
- Ăn cưới: Ăn cỗ nhân dịp đám cưới
- Ăn ảnh: Vẻ đẹp được thể hiện ở trong ảnh
Như vậy, từ “ăn” sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau và kết hợp với những từ ngữ khác nhau thì sẽ mang nghĩa khác nhau.
Thông thường, từ đa nghĩa sẽ có 2 lớp nghĩa là: Nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nghĩa đen: là nghĩa gốc của từ. Nghĩa đen là nghĩa trực tiếp, phát sinh từ đầu, gần gũi, quen thuộc, dễ hiểu và thường không phụ thuộc hoặc ít phụ thuộc vào ngữ cảnh.
Nghĩa bóng: Là lớp nghĩa có sau (nghĩa chuyển, nghĩa ẩn dụ) hình thành trong quá trình phát triển ngôn ngữ của con người và được suy ra từ nghĩa đen. Muốn hiểu chính xác nghĩa bóng của một từ được dùng, phải tìm nghĩa trong ngữ cảnh đặt ra. Ngoài ra, cũng có một số từ mang tính chất trung gian giữa nghĩa đen và nghĩa bóng, đang chuẩn dần từ nghĩa đen sang nghĩa bóng.
Ví dụ 1: Từ “đi” là một trong những từ đa nghĩa, nó vừa có nghĩa là chỉ sự di chuyển bằng hai chân như: “Tôi đi học cùng anh trai”. Tuy nhiên, từ “đi” còn mang nghĩa chỉ cái chết, nếu nó nằm trong câu “Cậu ấy ra đi thanh thản lắm”.
Ví dụ 2: Từ “mắt” có những lớp nghĩa sau:
- Mắt cá chân: Một bộ phận trên cơ thể con người, nằm gần cổ chân
- Mắt hí: Chỉ những người có đôi mắt nhỏ
- Mắt lé: chỉ những người có kích thước mắt không bằng nhau
- Mắt bồ câu: Chỉ những người có đôi mắt to tròn, đẹp như mắt chim bồ câu.
Ví dụ 3: Từ “đầu” cũng mang đa nghĩa khác nhau:
- Miếng trầu là đầu câu chuyện: Từ “đầu” trong câu tục ngữ ngày có nghĩa là bắt đầu, khởi đầu.
- Em phải ngẩng đầu lên nhìn bảng: Từ “đầu” ở đây là một bộ phân cơ thể người.
Nguyên nhân xuất hiện từ đa nghĩa
Nguyên nhân tồn tại của từ đa nghĩa là do số lượng từ nhiều, trong khi số lượng khái niệm có nhiều sắc thái ý nghĩa tương đồng nhau nhưng không giống hệt nhau. Hiện tượng từ đa nghĩa tồn tại cả ở thực từ và hư từ, mặc dù hư từ là các từ: do, bởi, vì, mà,… là các từ trừu tượng không dễ để phát triển nghĩa. Đồng thời, từ đa nghĩa cũng xuất hiện do thực tế giao tiếp, để phù hợp với tình hình phát triển của xã hội cũng như nhằm đáp ứng trình độ nhận thức ngày càng cao của con người. Để gọi tên, biểu đạt những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới thì ngoài cách tạo ra những từ mới hoàn toàn, người ta thêm vào nghĩa mới cho những từ đã có sẵn. Cách thêm nghĩa mới vào cho từ chính là cách tạo ra từ đa nghĩa.
Tác dụng của từ đa nghĩa
– Thứ nhất, từ đa nghĩa có tác dụng giúp tăng tính đa dạng cho vốn từ vựng trong tiếng Việt.
– Thứ hai, trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, có thể sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để mô tả một vấn đề, một vật hay một sự việc nào đó.
– Thứ ba, từ đa nghĩa được sử dụng để tránh lặp lại một từ được sử dụng nhiều lần trong cùng một đoạn văn bản.
– Thứ tư, giúp người đọc, người nghe có thể hiểu rõ hơn về nội dung của câu chuyện, tác phẩm đó.
– Thứ năm, tuy không phải là một biện pháp tu từ nhưng khi sáng tác văn học, nếu từ đa nghĩa được sử dụng hợp lý thì sẽ làm tăng giá trị nghệ thuật cho văn bản.
Phân loại từ đa nghĩa
Từ đa nghĩa có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, dựa vào tiêu chí nguồn gốc của nghĩa, có thể chia từ đa nghĩa thành nghĩa gốc và nghĩa chuyển. Trong đó, nghĩa gốc là nghĩa có trước, còn nghĩa chuyển là nghĩa được hình thành sau này và dựa trên nghĩa gốc. Tuy nhiên, nếu xét về tính ứng dụng thực tế, không phải lúc nào nghĩa gốc cũng là nghĩa phổ biến nhất.
Ví dụ: Từ “bạc” có các nghĩa như:
- Đời bạc: Chỉ cuộc đời không trọn vẹn, không hạnh phúc
- Lễ bạc lòng thành: Chỉ lễ ít ỏi, sơ sài
- Ăn ở bạc tình, bạc nghĩa: Chỉ người không giữ tình nghĩa trọn vẹn trước sau.
Ở những ví dụ trên, nghĩa của từ “bạc” ở câu thứ nhất là nghĩa gốc, trong khi đó nghĩa của từ ở câu thứ 2 và thứ 3 được phái sinh từ nghĩa ở câu đầu tiên. Thế nhưng trong giao tiếp hiện đại, nghĩa của từ “bạc” ở câu thứ 3 mới phổ biến và được dùng nhiều nhất.
Thứ hai, dựa vào tính ổn định, thống nhất của từ có thể phân loại từ đa nghĩa thành: Từ thường trực và từ không thường trực. Nói một cách dễ hiểu thì một từ được coi là có nghĩa thường trực nếu nghĩa đó đã đi vào cơ cấu chung ổn định. Nghĩa không thường trực là nghĩa thường được sử dụng trong cách nói bóng gió của ngôn ngữ giao tiếp, truyện ngụ ngôn hoặc trong cách nói ẩn dụ, hoán dụ.
Ví dụ: “Áo trắng em đến trường, cùng đàn chim ca rộn ràng” Trong câu hát này, từ “áo trắng” không được dùng để nói đến chiếc áo, mà được dùng để nói đến nữ sinh. Trong thực tế, từ “áo trắng” chỉ mang nghĩa này trong một số ngữ cảnh nhất định. Như vậy, từ “áo trắng” ở đây mag nghĩa không thường trực.
Quan hệ của tính đa nghĩa đến các lớp từ vựng khác nhau
Lớp từ vựng phổ thông
Lớp từ vựng phổ thông là lớp từ có tần số sử dụng lớn nhất (còn gọi là nhóm từ vựng tích cực), đó là những từ thường liên quan mật thiết đến cuộc sống hàng ngày, như các từ “ngủ“, “ngon“, “ăn” v.v. Nhiều từ trong chúng có số lượng nghĩa lớn, cụ thể từ “ăn” có đến 12 nghĩa, từ “mũi” có 8 nghĩa, sở dĩ có hiện tượng này là vì khi được sử dụng nhiều lần và vào nhiều hoàn cảnh khác nhau khả năng biến đổi nghĩa của từ cũng tăng lên.
Lớp từ vựng chuyên ngành
Lớp từ vựng chuyên ngành là lớp từ vựng thuộc các lĩnh vực khoa học mà bất kỳ chuyên ngành nào cũng có. Nó ít có khả năng trở thành đa nghĩa vì sự hạn chế về tần suất sử dụng (còn gọi là nhóm từ vựng tiêu cực) nhất là các chuyên ngành hẹp và sâu, hơn nữa do yêu cầu về tính học thuật, các từ vựng chuyên ngành thường đơn nghĩa.
Phương pháp hình thành từ đa nghĩa
Phương pháp ẩn dụ
Ẩn dụ là một phương thức chuyển tên gọi dựa trên sự liên tưởng, so sánh những mặt, những thuộc tính,… giống nhau giữa các đối tượng được gọi tên. Ví dụ như từ “lá” được dùng theo nghĩa gốc là chỉ bộ phận của cây, thường ở trên cành cây, ngọn cây, đa phần có dáng mỏng. Từ nghĩa gốc đó lá đã mở rộng nghĩa của nó trong các từ ghép như lá gan, lá đơn, lá cờ. Sự chuyển nghĩa ở trên có lý do tương đồng, như lá cờ là vật làm bằng vải, có bề mặt mỏng như lá cây.
Phương pháp hoán dụ
Hoán dụ là phương thức làm biến đổi nghĩa của từ bằng cách chuyển tên gọi từ sự vật hoặc hiện tượng này sang sự vật hoặc hiện tượng khác, dựa trên mối liên hệ giữa các sự vật hoặc hiện tượng ấy. Ví dụ như từ “Nhà Trắng” thường được dùng để chỉ chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm bởi vì đó là nơi làm việc chính của tổng thống Hoa Kỳ và ngôi nhà được sơn màu trắng, như vậy là đã có hiện tượng chuyển tên gọi màu sơn của ngôi nhà sang một khái niệm khác nó, đây là phương thức hoán dụ giữa bộ phận và toàn thể.
Cách thức phân biệt
Ẩn dụ và hoán dụ hay bị lầm lẫn, nhưng thực tế hai khái niệm cách nhau khá xa. Ẩn dụ dựa trên đặc điểm chung giữa hai khái niệm nghĩa là nội hàm hai khái niệm đó tương đối gần nhau, trong khi hoán dụ lại là phương thức đánh tráo khái niệm do vậy thường có nội hàm cách nhau xa như Nhà Trắng và Chính quyền của tổng thống Hoa Kỳ về nghĩa đen là khác xa nhau.
Bài tập về từ đa nghĩa
Bài 1: Dùng các từ dưới đây để đặt câu (một câu theo nghĩa gốc, một câu theo nghĩa chuyển): nhà, đi, ngọt.
Đáp án
Nhà
- Ngôi nhà của Lan đẹp quá
- Anh xã nhà tôi làm việc ở Viettel
Đi
- Bé Loan đang tập đi
- Gia đình tôi chuẩn bị đi du lịch
Ngọt
- Quả na này vừa ngọt vừa thơm
- Cô giáo em có giọng nói ngọt ngào
Bài 2: Hãy xác định nghĩa của các từ được gach chân trong các kết hợp từ dưới đây rồi phân chia các nghĩa ấy thành nghĩa gốc và nghĩa chuyển:
a) Miệng cười tươi, miệng rộng thì sang, há miệng chờ sung, miệng bát, miệng túi, nhà 5 miệng ăn.
b) Xương sườn, sườn núi, hích vào sườn, sườn nhà, sườn xe đạp, hở sườn, đánh vào sườn địch.
Đáp án
a)- Nghĩa gốc: Miệng cười…,miệng rộng… (bộ phận trên mặt người hay ở phần trước của đầu động vật, dùng để ăn và nói. Thường được coi là biểu tượng của việc ăn uống và nói năng của con người: há miệng chờ sung (ám chỉ kẻ lười biếng, suy ra từ câu chuyện có kẻ muốn ăn sung nhưng do lười biếng nên không chịu đi nhặt mà chỉ nằm há miệng chờ cho sung rụng vào mồm); trả nợ miệng (nợ về việc ăn uống)
– Nghĩa chuyển: miệng bát, miệng túi (Phần trên cùng, chỗ mở ra thông với bên ngoài của vật có chiều sâu ); nhà 5 miệng ăn (5 cá nhân trong một gia đình, mỗi người coi như một đơn vị để tính về mặt những chi phí tối thiểu cho đời sống)
b) – Nghĩa gốc: xương sườn, hích vào sườn (Các xương bao quanh lồng ngực từ cột sống đến vùng ức)
– Nghĩa chuyển: sườn nhà, sườn xe đạp (bộ phận chính làm nòng, làm chỗ dựa để tạo nên hình dáng của vật); hở sườn, sườn địch (chỗ trọng yếu, quan trọng)
Bài 3: Trong các từ gạch chân dưới đây, từ nào là từ đồng âm, từ nào là từ nhiều nghĩa:
a) Vàng:
– Giá vàng trong nước tăng đột biến
– Tấm lòng vàng
– Chiếc lá vàng rơi xuống sân trường
b) Bay:
– Bác thợ nề đang cầm bay trát tường.
– Đàn cò đang bay trên trời
– Đạn bay vèo vèo
– Chiếc áo đã bay màu
Đáp án
a) Giá vàng: Từ nhiều nghĩa (nghĩa gốc)
Tấm lòng vàng: Từ nhiều nghĩa (nghĩa chuyển)
Lá vàng: Từ đồng âm
b) – Cầm bay trát tường: Từ đồng âm
– Đàn cò bay: từ nhiều nghĩa (nghĩa gốc)
– Đạn bay: từ nhiều nghĩa (nghĩa chuyển)
– Bay màu: từ nhiều nghĩa (nghĩa chuyển)
Bài 4: Với mỗi từ dưới đây của một từ, em hãy đặt 1 câu:
a) Cân (là DT, ĐT, TT)
b) Xuân (là DT, TT)
Đáp án
a) Cân (là DT, ĐT, TT)
- Bác Đào mới mua một chiếc cân đĩa
- Bác Hoa cân thịt lợn
- Hai lớp 4A và 4B có thành tích cân sức cân tài
b) Xuân (là DT, TT)
- Mùa xuân đang đến
- Mẹ em đang trong thời kì xuân sắc
Bài 5: Cho các từ ngữ sau:
Đánh trống, đánh giày, đánh tiếng, đánh trứng, đánh đàn, đánh cá, đánh răng, đánh bức điện, đánh bẫy.
a) Xếp các từ ngữ trên theo các nhóm có từ đánh cùng nghĩa với nhau.
b) Hãy nêu nghĩa của từ đánh trong từng nhóm từ ngữ đã phân loại nói trên
Đáp án
– Nhóm 1: đánh trống, đánh đàn (làm cho phát ra tiếng báo hiệu hoặc tiếng nhạc bằng cách gõ hoặc gảy)
– Nhóm 2: đánh giày, đánh răng (làm cho bề mặt bên ngoài đẹp hoặc sạch hơn bằng cách chà xát)
– Nhóm 3: đánh tiếng, đánh bức điện (làm cho nội dung cần thông báo được truyền đi)
– Nhóm 4: đánh trứng, đánh phèn (làm cho một vật (hoặc chất) thay đổi trạng thái bằng cách khuấy chất lỏng)
– Nhóm 5: Đánh cá, đánh bẫy (làm cho sa vào lưới hay bẫy để bắt)
Bài 6. Nối mỗi cụm từ có tiếng trông ở bên trái với nghĩa thích hợp của cụm từ ở bên phải:
a) Trông lên đỉnh núi | (1) hướng đến ai với hi vọng được giúp đỡ | |
b) Cử người trông thi | (2) nhìn bằng mắt | |
c) Nhà trông ra hướng đông | (3) để ý coi sóc, bảo vệ | |
d) Trông vào sự giúp đỡ của bạn bè | (4) hướng mặt về phía nào đó |
Đáp án
a – 2
b – 3
c – 4
d – 1
Bài 7. Đặt 4 câu có tiếng nhà mang 4 nghĩa sau:
a) Nơi để ở
………………………………………………………………………..
b) Gia đình
………………………………………………………………………..
c) Người làm nghề
………………………………………………………………………..
d) Chỉ vợ (hoặc chồng) của người nói
………………………………………………………………………..
Đáp án
a) Nơi để ở
Ngôi nhà này được bố tôi xây cách đây 25 năm
b) Gia đình
Nhà tôi có 4 thành viên
c) Người làm nghề
Nhà văn luôn có cảm hứng sáng tác bất cứ nơi đâu.
d) Chỉ vợ (hoặc chồng) của người nói
Bà xã nhà tôi là giáo viên
Bài 8: Tìm nghĩa gốc của từ mũi và các nghĩa chuyển của nó chỉ bộ phận của dụng cụ hay vũ khí.
Nghĩa gốc của từ mũi :………………………………………………………………………………..
Nghĩa chuyển: …………………………………………………………………………………………
Đáp án
Nghĩa gốc của từ mũi : bộ phận nhô lên ở giữa mặt người và động vật có xương sống dùng để thở, ngửi.
Nghĩa chuyển: mũi thuyền, mũi kim , mũi giày, mũi kéo , mũi cà mau ….
Bài 9:
a. Xác định nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ lá trong các câu sau:
Lá cờ tung bay trước gió. ……………………………………………………………
Mỗi con người có hai lá phổi. ……………………………………………………………
Về mùa thu, cây rụng lá. ……………………………………………………………
Ông viết một lá đơn dài để đề nghị giải quyết. ……………………………………………………………
b. Xác định nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ quả trong các câu sau:
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao.
……………………………………………………………
Quả cau nho nhỏ. ……………………………………………………………
Trăng tròn như quả bóng.
……………………………………………………………
Quả đất là ngôi nhà chung của chúng ta.
……………………………………………………………
Quả hồng như thể quả tim giữa đời.
……………………………………………………………
Bài 10: Đặt câu cho mỗi nghĩa sau đây của từ đầu một câu tương ứng.
Bộ phận trên cùng của người, có chứa bộ não.
Vị trí ngoài cùng của một số đồ vật.
Vị trí trước hết của một khoảng không gian.
Thời điểm trước hết của một khoảng thời gian.
Bài 11: Với mỗi nghĩa dưới đây của từ chạy, hãy đặt câu:
Dời chỗ bằng chân với tốc độ cao. (VD: cự li chạy 100 m)
Tìm kiếm. (VD: chạy tiền)
Trốn tránh. (VD: chạy giặc)
Vận hành, hoạt động. (VD: máy chạy) Vận chuyển. (VD: chạy thóc vào kho)
Bài 12. Đặt câu có từ đông mang những nghĩa sau:
a) “Đông” chỉ một hướng, ngược với hướng tây:
b) “Đông” chỉ một mùa trong năm:
c) “Đông” chỉ số lượng nhiều:
Bài 13: Đặt câu với các nghĩa sau của từ chân:
Bộ phận cơ thể người hay động vật, tiếp xúc với mặt đất để đi lại.
Bộ phận của vật tiếp xúc với mặt đất.
Cầu thủ bóng đá.
Người trong tổ chức, tập thể nào đó.
Bài 14: Xác định các nghĩa của quả trong những cách dùng sau đây:
Cây hồng rất sai quả. Mỗi người có một quả tim. Quả đất quay xung quanh mặt trời.
Bài 15: Tìm các từ ngữ và đặt câu.
Tả âm thanh của gió.
Tả âm thanh tiếng mưa.
Tả âm thanh tiếng hát.
Bài 17. Khoanh tròn vào chữ cái trước từ có tiếng bảo mang nghĩa: “giữ, chịu trách nhiệm”
a. Bảo kiếm
b. Bảo toàn
c. Bảo ngọc
d. Gia bảo
Bài 18.Từ nào dưới đây có tiếng “bảo” không có nghĩa là “giữ, chịu trách nhiệm”.
A. bảo vệ
B. bảo hành
C. bảo kiếm
D. bảo quản
Bài 19: Dùng các từ dưới đây để đặt câu (một câu theo nghĩa gốc và một câu theo nghĩa chuyển): nhà, đi, ngọt.
Trả lời:
– Đối với từ nhà:
- Ngôi nhà này đẹp quá (câu theo nghĩa gốc)
- Anh xã nhà tôi đang làm việc trong quân đội (câu theo nghĩa chuyển)
– Đối với từ “đi”:
- Bé An đang tập đi (câu theo nghĩa gốc)
- Anh ấy ra đi thanh thản lắm (câu theo nghĩa chuyển)
– Đối với từ “ngọt”:
- Quả na này vừa thơm vừa ngọt (Câu theo nghĩa gốc)
- Cô giáo em có giọng nói ngọt ngào, ấm áp (Câu theo nghĩa chuyển).
Bài 20: Đặt 4 câu có chứ từ “nhà” với 4 nghĩa sau:
a) Nơi để ở
b) Gia đình
c) Người làm nghề
d) Chỉ vợ hoặc chồng
Trả lời:
a. Nơi để ở: Ngôi nhà này hiện đại quá
b. Gia đình: Nhà tôi có 4 thành viên
c. Người làm nghề: Nhà văn luôn có cảm hứng sáng tác ở bất cứ đâu.
d. Chỉ vợ hoặc chồng: Ông xã nhà tôi thương con lắm!
***
Trên đây là nội dung bài học Từ đa nghĩa là gì? Tác dụng của từ đa nghĩa do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập
- Hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) kể lại một trải nghiệm giúp tâm hồn em trở nên phong phú hơn (35 mẫu)
- Viết một đoạn văn khoảng 5 câu Tả một buổi chiều tối hoặc một đêm yên tĩnh ở vùng biển hoặc ở một làng quê (20 mẫu)
- Viết một đoạn văn khoảng 5 câu Tả một đám trẻ đang chơi đùa hoặc đang chăn trâu, chăn bò (15 mẫu)
- Hãy kể lại một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc nói về truyền thống hiếu học hoặc truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam (17 mẫu)
- Em hãy lập chương trình cho hoạt động Thăm các chú công an giao thông hoặc công an biên phòng (5 mẫu)
- Em hãy lập chương trình cho hoạt động Phát thanh tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy (7 mẫu)
- 1 hải lý bằng bao nhiêu km? Một số quy đổi hải lý thường dùng
- 1 tháng có bao nhiêu tuần? Hướng dẫn cách tính thời gian chính xác nhất
- 100+ Hình ảnh bánh sinh nhật độc đáo lạ mắt không tưởng
- 1001 Hình ảnh tình yêu hạnh phúc đẹp lãng mạn tặng lứa đôi
- 1001+ Hình ảnh có chữ buồn tâm trạng bạn gửi gắm nỗi lòng
- 1012402714370212 là gì? Dãy số 10124027 14370212 có nghĩa là gì?
- 15 tuổi còn tăng chiều cao được không? Các cách tăng chiều cao ở tuổi 15 cho trẻ hiệu quả
- 2011 là năm con gì? Sinh năm 2011 mệnh gì?