Học TậpLớp 6

So sánh là gì? Tác dụng của biện pháp so sánh

Mời các em theo dõi nội dung bài học về So sánh là gì? Tác dụng của biện pháp so sánh do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

So sánh là gì?

Trong tiếng Việt, so sánh là một trong các biện pháp tu từ phổ biến nhất, bên cạnh phép nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ, chơi chữ…

So sánh được định nghĩa như sau: “So sánh là biện pháp dùng để đối chiếu hai sự vật, hiện tượng… với nhau. Trong đó các sự vật, hiện tượng này mặc dù khác nhau về tính chất nhưng lại có nét tương đồng ở cùng một khía cạnh nào đó.

Bạn đang xem: So sánh là gì? Tác dụng của biện pháp so sánh

Ví dụ: Tối như mực, Đen như gỗ mun, Nhát như thỏ đế, Chậm như sên…

So sánh là gì?
So sánh là gì?

Cấu tạo của phép so sánh

Từ định nghĩa của biện pháp so sánh, chúng ta có thể thấy được cấu tạo của phép so sánh. Thông thường, mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm có:

Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh)

Vế B (nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc được so sánh ở vế A)

Từ ngữ chỉ phương diện so sánh

Từ ngữ chỉ ý so sánh (Từ so sánh)

Ví dụ:

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.

Trong đoạn ca dao trên, vế A là công cha, nghĩa mẹ được so sánh với vế B là núi ngất trời, nước ở ngoài biển đông bằng từ so sánh như. Công cha và nghĩa mẹ đều có sự tương đồng với núi ngất trời và nước ở ngoài biển Đông mênh mông rộng lớn cho thấy rằng ý nghĩa của cha mẹ là rất to lớn.

Hay một ví dụ khác:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ở đây, vế A là mồ hôi, vế B là mưa ruộng cày, từ so sánh như. Mồ hôi rơi nhiều như mưa ngoài ruộng cho thấy sự vất vả của công việc đồng áng.

Tuy nhiên, trên thực tế mô hình trên có thể thay đổi đi ít nhiều:

– Các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và từ ngữ chỉ ý so sánh (từ so sánh) có thể được lược bớt

– Vế B có thể đảo lên trước vế A.

Ví dụ:

Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.

Như loài kiến, con người nên cố gắng chăm chỉ.

Tác dụng của biện pháp so sánh

Phép so sánh có rất nhiều tác dụng trong câu. Trước hế, so sánh làm tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt. Thay vì miêu tả sự vật sự việc theo một các thông thường, ta có thể dùng phép so sánh để làm cho câu văn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, phép so sánh còn có tác dụng nhấn mạnh, làm nổi bật lên ý cần diễn đạt. Từ đó, làm cho người đọc, người nghe tập trung hơn vào lời văn, câu nói của tác giả hơn. Bên cạnh đó, so sánh cũng nêu bật lên một đặc điểm, khía cạnh bất kì của sự vật, hiện tượng…

Bản chất của so sánh là việc đối chiếu hai đối tượng có nét tương đồng với nhau. Do đó, phép so sánh sẽ giúp cho người nghe hoặc người đọc dễ dàng liên tưởng và hình dung ra các sự vật, sự việc để dễ nắm bắt và hiểu được ý nghĩa của cả câu văn.

Ví dụ về tính gợi hình của phép so sánh được thể hiện qua đoạn thơ sau:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre 

Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè

Toả nắng xuống dòng sông lấp lánh.

Tác dụng của biện pháp so sánh
Tác dụng của biện pháp so sánh

Dấu hiệu nhận biết phép so sánh trong câu

Phép so sánh trong các câu khá dễ để nhận biết. Chúng ta có thể nhận biết bằng các cách như sau:

– Trong câu văn hoặc lời nói có xuất hiện từ so sánh. Các từ so sánh thường gặp đó là: như, giống như, là, ví như…

Ví dụ: “Quê hương là chùm khế ngọt” có sử dụng từ so sánh “là”

– Dựa vào nội dung, ý nghĩa diễn đạt trong một câu.Nếu trong câu văn có đối tượng, so sánh nét tương đồng của hai sự vật, hiện tượng, đối tượng bất kì thì đó chính là biện pháp so sánh.

Phân loại các kiểu so sánh

So sánh nhất

Khác với tiếng Anh, phép so sánh trong tiếng Việt thường chỉ có kiểu so sánh ngang bằng và so snahs hơn – kém. Vì bản chất của so sánh là đối chiếu điểm chung, sự tương đồng của hai sự vật, hiện tượng với nhau nên sẽ không có phép so sánh nhất.

So sánh ngang bằng

So sánh ngang bằng là kiểu so sánh các sự vật, sự việc, hiện tượng có sự tương đồng với nhau. Mục đích ngoài tìm kiếm sự giống nhau còn là để thể hiện sự hình ảnh hoá các bộ phận hay đặc điểm nào đó của sự vật, giúp cho người nghe, người đọc dễ hiểu, dễ hình dung. Thông thường, trong so sánh ngang bằng thường có các từ so sánh ngang bằng: như, y như, tựa như, giống như, giống là…

Ví dụ:

  • Anh em như thể tay chân.
  • Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây
  • Chậm như rùa.
  • Ngang như cua.

So sánh không ngang bằng

Đây là loại so sánh đối chiếu sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ hơn kém để làm nổi bật cái còn lại. Các từ so sánh hơn kém: hơn, kém, hơn là, kém hơn, kém gì…

VÍ dụ:

  • Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
  • Bóng Bác cao lồng lộng/ Ấm hơn ngon lửa hồng.

Con đi trăm núi ngàn khe/ Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/ Con đi đánh giặc mười năm/ Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Các phép so sánh thường dùng

– So sánh sự vật này với sự vật khác: đây là cách so sánh thông dụng nhất, là kiểu so sánh đối chiếu một sự vật này với sự vật khác dựa trên nét tương đồng.

Ví dụ:

  • Màn đêm tối đen như mực.
  • Cây gạo to lớn như một tháp đèn khổng lồ.

– So sánh sự vật với con người hoặc ngược lại: đây là cách so sánh dựa trên những nét tương đồng về một đặc điểm của sự vật với một phẩm chất của con người. Tác dụng là để làm nổi bật lên phẩm chất của con người.

Ví dụ:

  • Trẻ em như búp trên cành.
  • Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.

– So sánh hoạt động với các hoạt động khác: đây là các so sánh thường được sử dụng với mục đích cường điệu hoá sự vật, hiện tượng, hay được dùng trong ca dao, tục ngữ.

Ví dụ:

  • Con trâu đen chân đi như đạp đất.
  • Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

– So sánh âm thanh với âm thanh: đây là kiểu so sánh dựa trên sự giống nhau về đặc điểm của âm thanh này với đặc điểm của âm thanh kia, có tác dụng làm nổi bật sự vật được so sánh.

Ví dụ:

  • Tiếng chim hót líu lo như tiếng sáo du dương.
  • Sông ngòi vùng Cà Mau chằng chịt hệt như mạng nhện.
Các phép so sánh thường dùng
Các phép so sánh thường dùng

Chức năng của phép so sánh

So sánh được sử dụng nhằm làm nổi bật lên các khía cạnh nào đó của sự vật hay sự việc cụ thể trong từng hoàn cảnh khác nhau.

Bên cạnh đó, so sánh còn có thể giúp hình ảnh, hiện tượng hay sự vật đó trở nên sinh động hơn. Việc so sánh thường lấy sự cụ thể để so sánh với cái không cụ thể hoặc trừu tượng. Với cách này sẽ góp phần giúp cho người đọc, người nghe dễ dàng hình dung được rõ hơn về sự vật, sự việc đang nói đến.

Ngoài ra, biện pháp so sánh còn giúp cho câu văn, lời nói trở nên bay bổng và cuốn hút hơn. Chính vì vậy, nhiều nhà văn, nhà thơ đã sử dụng biện pháp này trong tác phẩm của mình.

Những lưu ý khi sử dụng phép so sánh

Khi sử dụng phép so sánh tu từ và so sánh thông thường cần phải lưu ý một số điểm như sau:

– So sánh thông thường chỉ có giá trị về mặt nhận thức, thông báo và không tạo ra giá trị biểu cảm.

Ví dụ: Hoa hồng thơm hơn hoa cúc.

– So sánh tu từ làm cho đối tượng miêu tả trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu sức biểu cảm:

Ví dụ:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Bài tập vận dụng biện pháp so sánh

Bài 1: Tìm những hình ảnh so sánh trong đoạn thơ sau:

“Anh đội viên mơ màng.

Như nằm trong giấc mộng.

Bóng bác cao lồng lộng.

Ấm hơn ngọn lửa hồng.”

Hướng dẫn giải:

Có 2 hình ảnh so sánh được sử dụng trong đoạn thơ trên.

Hình ảnh so sánh thứ nhất là phép so sánh ngang bằng “anh đội viên” và “nằm trong giấc mộng”, gợi lên cảm giác mơ màng như đang ngủ của anh đội viên.

Hình ảnh so sánh thứ hai là phép so sánh hơn kém “bóng bác cao lồng lộng” và “ngọn lửa hồng”, ý chỉ Bác như ngọn lửa tinh thần ấm áp, sưởi ấm cho đồng bào ta.

Bài 2: Đọc câu ca dao sau và trả lời câu hỏi:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than.”

a) Từ bổi hổi bồi hồi là loại từ gì và có ý nghĩa như thế nào

c) Phân tích cái hay của câu ca dao do phép so sánh đem lại.

Hướng dẫn giải

a,b) Loại từ: Từ láy (Mang sắc thái cao độ)

Trạng thái những cảm xúc cứ tiếp tục dâng lên trong lòng người, mãi không nguôi.

c) Bằng cách đưa ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc trừu tượng đã giúp cho người đọc hiểu rõ hơn tâm tư của tác giả.  Phép so sánh đó như là một cách làm phóng đại hóa nỗi lòng, cảm xúc nóng rực như đống than, đống lửa.

Bài 3: Tìm các phép so sánh trong đoạn thơ sau và phân tích tác dụng:

“Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp

Rắn như thép, vững như đồng

Đội ngũ tơ trùng trùng điệp điệp

Cao như núi, dài như sông

Chí ta lớn như biển Đông trước mặt”

Hướng dẫn giải

Ở đây, các em học sinh cần chú ý đến cách mà tác giả đưa ra hàng loạt các phép so sánh, những sự vật đó như thế nào? Cụ thể hay trừu tượng? Và qua đó gửi gắm thông điệp gì?

Bài 4: Biện pháp tu từ so sánh trong câu ca dao sau có tác dụng gì?

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

Gợi ý:

Phép so sánh ở câu trên để nói đến công lao dưỡng dục to lớn của cha mẹ là vô bờ bến. Mỗi em học sinh cần phải biết quý trọng, yêu thương và hiếu thảo với bố mẹ mình hơn nhé.

Bài 5: Phép so sánh sau đây có gì đặc biệt:

“Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.”

Hướng dẫn giải

Điệu đặc biệt ở đây có tới 3 Sự vật so sánh “chuối ba hương”, “xôi nếp một”, “đường mía lau”. Ý chỉ công lao, nghĩa tình của mẹ được thể hiện trong rất nhiều mặt của đời sống.

Bài 6: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

“Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…”

a) Trong đoạn thơ trên sử dụng phép so sánh nào?

b) Phép so sánh ấy có gì độc đáo?

Hướng dẫn giải

a) Trong đoạn trên, có sử dụng biện pháp tu từ so sánh ngang bằng, so sánh giữa “chú bé” với “chim chích”.

b) Phép so sánh đã nhấn mạnh vào sự hồn nhiên vui tươi của trẻ em.

Bài 7: Các em hãy nêu 5 ví dụ về so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng:

Hướng dẫn giải

a) So sánh ngang bằng:

  • Em xinh như hoa
  • Bạn Long cao như cái sào
  • Anh của tớ khỏe như voi
  • Anh em như thể chân tay
  • Thầy thuốc như mẹ hiền

b) So sánh không ngang bằng:

  • Tuấn học giỏi hơn Nam
  • Tớ cao hơn cậu
  • Tuấn đá bóng giỏi hơn Nam
  • Bút bi khó viết hơn bút chì
  • Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

***

Trên đây là nội dung bài học So sánh là gì? Tác dụng của biện pháp so sánh do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (5 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button