Học TậpLớp 4Tiếng Việt 4 - Kết nối tri thức

Bài: Đánh giá cuối năm học – Tiết 6, 7 trang 139 SGK Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức với cuộc sống

A. Đọc

Phần I – Đọc

I. Đọc thành tiếng và thực hiện yêu cầu.

Bạn đang xem: Bài: Đánh giá cuối năm học – Tiết 6, 7 trang 139 SGK Tiếng Việt lớp 4 Kết nối tri thức với cuộc sống

CHIỀU THU QUÊ EM

Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ 

Chuồn kim khâu lá trong vườn 

Hoa chuối rơi như tàn lửa 

Đất trời được ướp bằng hương.

 

Con chim giấu chiều trong cánh 

Để rơi tiếng hót khi nào 

Hoàng hôn say về chạng vạng 

Lục bình líu ríu cầu ao.

 

Dòng sông mát lành tuổi nhỏ 

Nước tung toé ướt tiếng cười 

Con bò mải mê gặm cỏ

Cánh diều ca hát rong chơi.

 

Lúa bá vai nhau chạy miết

Dừa cầm gió lọt kẽ tay 

Mây trốn đâu rồi chẳng biết

Chiều lo đến tím mặt mày!

Không gian lặn vào ngòi bút 

Bé ngồi phác hoạ mùa thu 

Quê hương hiện lên đậm nét 

Buổi chiều rung động tâm tư. 

(Trương Nam Hương)

 

Câu 1

1. Kể tên 5 sự vật được miêu tả trong bài thơ. 

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ bài thơ để tìm câu trả lời.

Lời giải:

5 sự vật được miêu tả trong bài thơ là: Chuồn kim, hoa chuối, dòng sông, con bò, mây….

Câu 2

2. Tìm trong bài 2 câu thơ có sử dụng biện pháp nhân hoá. 

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ bài thơ để tìm câu trả lời. 

Lời giải:

2 câu thơ có sử dụng biện pháp nhân hóa là:

– Con chim giấu chiều trong cánh

– Cánh diều ca hát rong chơi

Phần II. Đọc hiểu

HƠN MỘT NGHÌN NGÀY VÒNG QUANH TRÁI ĐẤT

Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cảng Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Vượt Đại Tây Dương, Ma-gien-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mỹ. Khi tới gần mỏm cực nam, đoàn thám hiểm phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch. Thuỷ thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngọt, đoàn thám hiểm ổn định được tinh thần.

Đoạn đường từ đó có nhiều đảo hơn. Không phải lo thiếu thức ăn, nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới. Trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã bỏ mình, không kịp nhìn thấy kết quả công việc mình làm.

Những thuỷ thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về Châu Âu. Ngày 08 tháng 9 năm 1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thuỷ thủ trở về Tây Ban Nha.

Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng kéo dài 1083 ngày, mất bốn chiếc thuyền lớn, với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường. Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định Trái Đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

(Theo Trần Diệu Tấn và Đỗ Thái)

Từ ngữ

Ma-tan: một đảo thuộc quần đảo Phi-líp-pin ngày nay. 

Sứ mạng: nhiệm vụ cao cả.

Trả lời câu hỏi và thực hiện yêu cầu. 

Câu 1

Ngày 20 tháng 9 năm 1519 có sự kiện gì đặc biệt? 

Hướng dẫn giải:

Em đọc đoạn mở đầu của bài đọc để tìm câu trả lời.

“Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cảng Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.” 

Lời giải:

Ngày 20 tháng 9 năm 1519 là ngày Ma-gien-lăng chỉ huy hạm đội đi khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Câu 2

2. Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là gì? Tìm câu trả lời đúng.

A. Đại Tây Dương

B. Thái Bình Dương

C. Ấn Độ Dương

D. Bắc Băng Dương

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ câu cuối cùng trong đoạn 2 của bài đọc để tìm câu trả lời.

“Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.”

Lời giải:

Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Chọn B.

Câu 3

3. Vì sao Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới như vậy? Tìm câu trả lời đúng.

A. Vì ông thấy nơi này rộng mênh mông.

B. Vì ông thấy nơi này rất yên bình.

C. Vì ông thấy nơi này rất thơ mộng.

D. Vì ông thấy nơi này bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ.

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ câu cuối cùng trong đoạn 2 của bài đọc để tìm câu trả lời.

“Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.”

Lời giải:

Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới như vậy vì ông thấy nơi này rất yên bình.

Chọn B.

Câu 4

4. Những khó khăn mà đoàn thám hiểm gặp phải là gì? 

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ đoạn 3 và đoạn 4 của bài đọc để tìm câu trả lời. 

Lời giải:

Những khó khăn mà đoàn thám hiểm gặp phải là :

– Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch.

– Đi mãi chẳng thấy bờ.

– Trận giao tranh với dân đảo Ma-tan.

Câu 5

5. Đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng đã đi theo hành trình như thế nào? 

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ bài đọc để tìm câu trả lời. 

Lời giải:

Đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng đã đi theo hành trình :

Châu Âu => Đại Tây Dương => Nam Mỹ => Thái Bình Dương => Ma-tan => Ấn Độ Dương => Tây Ban Nha

Câu 6

6. Những kết quả mà đoàn thám hiểm đã đạt được là gì? 

Hướng dẫn giải:

Em đọc câu văn cuối cùng của bài đọc để tìm câu trả lời.

“Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định Trái Đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.”

Lời giải:

Những kết quả mà đoàn thám hiểm đã đạt được là :

– Hoàn thành sứ mạng.

– Khẳng định Trái Đất hình cầu.

– Phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

Câu 7

7. Trong bài đọc có bao nhiêu danh từ riêng? Đó là những danh từ nào? 

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ bài đọc để tìm câu trả lời.

Lời giải:

Trong bài viết có 10 danh từ riêng. Đó là những danh từ: Xê-vi-la, Tây Ban Nha, Ma-gien-lăng, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ma-tan, Ấn Độ Dương, Châu Âu, Tây Ban Nha, Trái Đất.

Câu 8

8. Xác định chủ ngữ, vị ngữ và trạng ngữ của câu sau:

Khi tới gần mỏm cực nam, đoàn thám hiểm phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông.

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ câu văn, suy nghĩ và trả lời. 

Lời giải:

Khi tới gần mỏm cực nam/, đoàn thám hiểm/ phát hiện một eo biển dẫn tới một đại
                                TN                              CN                                       VN                   
dương mênh mông.

Câu 9

9. Đặt một câu nói về Ma-gien-lăng, trong câu có thành phần trạng ngữ. 

Hướng dẫn giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi. 

Lời giải:

Trong câu chuyện, Ma-gien-lăng thực hiện cuộc thám hiểm nhằm mục đích khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Trạng ngữ: Trong câu chuyện

B. Viết

Câu 1: 

Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:

Đề 1: Viết bài văn miêu tả một cây hoa mà em thấy trong vườn trường hoặc trên đường đi học.

Đề 2: Hãy tưởng tượng em tham gia đoàn thám hiểm của Ma-gien-lăng và vừa trở về đất liền, có nhiều người ra đón em. Kể lại cuộc gặp gỡ đó.

Hướng dẫn giải:

Em chọn 1 trong 2 đề và tiến hành viết bài. 

Lời giải:

Bài tham khảo: Đề 1:

Hè về, nắng trong vắt như mật ong, gió thoảng từng cơn oi nồng. Bọn học trò chúng em bận bịu với những bài ôn thi, những dòng lưu bút viết vội. Một hương vị mùa hè lan tỏa khắp trường. Mọi người vội nhìn ra vườn trường: hoa phượng nở đỏ sân trường rồi. Nhìn cây phượng vĩ trồng giữa vườn trường em, chúng em biết mùa hè đã thật sự đến.

Cây phượng cao lắm, cao hơn cả tầng ba của tòa nhà em học. Thân cây to lớn đến phải hai bạn học sinh ôm vẫn chưa xuể. Lớp vỏ trên thân cây sần sùi, hằn từng khe, rãnh như là mặt ruộng vào mùa hạn. Bộ rễ của cây thì chắc hẳn rất to và dài. Vì chỉ với một phần nhô trên mặt đất đã to hơn cả bắp tay rồi.

Cành chính của cây phượng thì chỉ gồm bốn cành. Nhưng từ đó, tỏa ra nhiều cành phụ lắm. Chúng đan vào nhau tạo thành một chiếc ô khổng lồ che bóng mát cho chúng em vui chơi. Khi mùa hè đến, cây phượng nở hoa đỏ rực. Những cánh hoa mỏng manh như cánh gián, đỏ tươi hơn cả mặt trời trở thành tín hiệu báo cho chúng em sắp kết thúc năm học.

Cây phượng già đã chứng kiến bao niềm vui nỗi buồn của chúng em. Mỗi lần phượng nở hoa, lòng em lại rộn ràng lên những cảm xúc khó tả. Đó là lúc em khi sắp phải xa mái trường, xa cây phượng. Mai đây lớn khôn, em luôn nghĩ về ngôi trường tiểu học, nhớ tới cây phượng già thân quen này.

Đăng bởi: THCS Bình Chánh

Chuyên mục: Tiếng Việt 4 – Kết nối tri thức

Rate this post


Trường THCS Bình Chánh

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button