Trần Dân Tiên là ai? Ai là tác giả cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch?
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu Trần Dân Tiên là ai trong bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.
Trần Dân Tiên là ai?
Bút danh Trần Dân Tiên, tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”
Cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Dân Tiên xuất bản lần đầu tiên ở Trung Hoa năm 1948, tại Paris (Pháp) năm 1949 và đã được tái bản rất nhiều lần sau này. Song các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải đã thống nhất với nhau mà cho rằng Trần Dân Tiên là bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trái lại, có tác giả nghi ngờ, có tác giả phủ nhận, lại có tác giả khẳng định, và ai cũng đều có lý lẽ của mình.
Bạn đang xem: Trần Dân Tiên là ai? Ai là tác giả cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch?
Có một tác giả sau này nhận xét, chính cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” ra đời, được ghi đích thị bút danh là Hồ Chí Minh đã chứng minh một điều, cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” phải chăng vì có những chi tiết chưa chính xác cho nên Bác Hồ đã phải trực tiếp viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện” để gián tiếp cải chính một số chi tiết chưa chính xác trong cuốn sách kia. Nếu không phải vậy thì việc gì Người phải trực tiếp viết thêm một cuốn mới như vậy?
Có 2 câu chuyện sau, tôi muốn kể lại để chúng ta cùng suy nghĩ và phân tích:
1/ Năm 1983, khi tôi đang ở trong quân ngũ thì cha tôi đưa tôi đến nhà công vụ thăm ông Trường Chinh – khi đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam (Chủ tịch Nước bây giờ).
Trước đó không lâu, ông Trường Chinh có một bài viết rất sâu sắc kiểu như “Sách trắng” về vấn đề quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đăng trên báo Nhân dân. Khi biết tôi đang là sĩ quan quân đội, ông có đề cập nội dung bài viết đó với cha con chúng tôi kiểu như con cháu trong nhà.
Tôi bạo phổi khen bài viết đó rất sắc sảo và mạnh mẽ, ông cười hồn nhiên rồi nói vui: Thì ông là lão tướng trên trận địa tư tưởng của Đảng, cũng như thủ trưởng Văn Tiến Dũng của cháu (tức Đại tướng Văn Tiến Dũng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó) là lão tướng trên mặt trận quân sự thôi mà, có gì đâu!
Nói rồi ông cười và sau đó trầm ngâm giây lát rồi tâm sự tiếp: Nói vậy thôi, chứ tự thấy mình cũng cao tuổi rồi nên nhiều lúc trước khi phát biểu chuyện gì, viết cái gì ra giấy, tôi cũng đều tự mình đặt câu hỏi: Liệu mình làm việc này có gàn không? Liệu mình có lẫn gì không và phải tự trả lời được 2 câu hỏi đó.
Cha con chúng tôi nghe mà rất bất ngờ vì năm đó ông cũng chỉ mới 76 tuổi, chứ cũng chưa phải đã cao tuổi lắm. Nhưng ông từ ngày trước đã được tiếng là người rất cẩn trọng về hành động cũng như viết lách. Chả vậy mà ông tự đặt cho mình bí danh “Thận” đó sao!
Trong bữa đó, cha tôi (về quan hệ gia đình thì ông nội của tôi gọi thân mẫu của ông Trường Chinh, cụ Nguyễn Thị Từ, là cô ruột; tức ông nội tôi và ông Trường Chinh là anh em con bác con cô). Do vậy, cha tôi cũng năng qua lại thăm ông bà. Hôm đó cha tôi có hỏi chuyện ông về tác giả Trần Dân Tiên viết cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” có phải là Bác Hồ không, thì rất nhanh nhẹn, ông Trường Chinh khẳng định luôn rằng không phải. Chắc chắn không phải!
Cha tôi tiếp luôn “vậy, thưa chú, Trần Dân Tiên là ai ạ?” thì ông cười rất rất tự nhiên, không hề nói gì thêm. Đang được thể vui chuyện, cha tôi tiếp luôn: “Hay tác giả Trần Dân Tiên là chú?” thì ông cũng chỉ cười tươi và thêm một cái lắc đầu nhẹ rồi nói: “Không phải!”
Chuyện chỉ như vậy mà không hề có lời giải đáp thêm gì hết. Câu chuyện được chuyển sang đề tài khác.
Sau này tôi nghĩ lại rồi tự “giải mã” thì thấy rằng nếu là Bác Hồ viết thì chuyện đã mấy chục năm, ông Trường Chinh cũng có thể “bật mí” đôi chút đâu có sao. Nhưng cách nói này cho thấy nhiều khả năng không phải là Bác viết rồi lấy bút danh đó. Nhưng nếu là một ai đó viết thì xem ra mặc dù chuyện đã xa xưa, ông cũng sẽ giữ kín trong lòng. Ông vốn là con người rất cẩn trọng chính là vậy. Nụ cười ấy không kèm thêm gì khác sẽ rất khó đoán định chính xác. Nhưng như vậy rất nhiều khả năng không phải do Bác tự viết.
Bà Lady Borton, một nhà văn Mỹ, một người gắn bó với Việt Nam từ thời chiến tranh tới mãi sau này. Bà đã dành nhiều thời gian công sức đến một số nước mà Hồ Chí Minh từng hoạt động, xin họ cho lục hồ sơ lưu trữ để tìm hiểu sâu về Hồ Chí Minh, cũng cho rằng Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh (nguồn Wikipedia).
Theo ông Nguyễn Khôi, nguyên Phó Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội, thì khi đó (1948) nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, hầu hết người nước ngoài không biết Hồ Chí Minh là ai, tiểu sử thế nào. Cuốn sách này ra đời theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho ông Trần Huy Liệu (Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền) viết để giới thiệu cho người nước ngoài về Hồ Chí Minh. Ông Trần Huy Liệu giao cho ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký, trợ lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp bút. Khi viết xong bản khởi thảo thì ông Trần Huy Liệu, Hoàng Quốc Việt và cuối cùng là ông Trường Chinh (Tổng Bí thư) duyệt để hoàn thiện đem xuất bản.
Bút danh “Trần Dân Tiên” có ý nghĩa: người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Vậy thông tin này có thể tin cậy được không? Nếu sự tình quả đúng như vậy thì cũng khớp với việc ông Trường Chinh biết rất rõ câu chuyện này. Việc ông phủ nhận ngay tức thì là không có chuyện Bác Hồ viết cuốn đó, là hợp logic. Và đó cũng chính là lý do có tính thuyết phục để giải thích vì sao chỉ sau thời gian không lâu, chính Hồ Chủ tịch lại phải trực tiếp viết về mình trong cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” mà trong đó có một số mẩu chuyện được Bác kể khác so với cuốn của ai đó đã lấy bút danh Trần Dân Tiên trước đó.
Tuy nhiên, khi tôi hỏi anh bạn đồng môn với tôi hồi học Tổng hợp Văn (khóa 18), nhà văn Trần Chiến, rằng anh thấy cha anh (tức nhà sử học, cố giáo sư Trần Huy Liệu) có để lại di cảo gì xung quanh câu chuyện này không, thì anh cho biết là không hề thấy.
2/ Năm 1993, tôi xin đăng ký gặp Cố vấn BCH Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng – người từng giữ cương vị Thủ tướng nước nhà 32 năm – tại ngôi nhà trong Phủ Chủ tịch, để phỏng vấn ông một số chuyện mà tôi còn hoài nghi, trong đó có chuyện tác giả Trần Dân Tiên.
Bữa đó có cả thư ký của ông là ông Nguyễn Tiến Năng cùng dự và ghi chép. Tôi thưa chuyện với Cố vấn những băn khoăn của mình về tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Tôi nói đại ý, lâu nay có 3 luồng ý kiến khác nhau về tác giả cuốn sách nói trên: Người thì khẳng định, người thì phủ định, có người lại hoài nghi vì chưa rõ ràng. “Vậy thì với bác, bác cho rằng tác giả đó là ai ạ?”, tôi hỏi.
Nghĩ một giây lát, ông trả lời tôi: “Chuyện đó tôi không quan tâm!”.
Một câu trả lời khiến tôi hơi sốc vì không lẽ ông mà không biết. Ông Đồng vốn là người rất tinh tế về chữ nghĩa, văn phong mà sao ông trả lời như vậy nhỉ! Tôi thầm nghĩ và cảm thấy buồn có phần vì bị hụt hẫng. Một thoáng trôi qua, tôi chuyển sang đề tài khác mà không đi sâu thêm chuyện đó nữa.
Cũng may, hôm đó tôi vẫn “vớt vát” được chút xíu thông tin khá cảm động về con người ông mà sau đó tôi đã viết thành bài, đó là câu chuyện vị Thủ tướng với 32 năm tại vị lại không có nổi 2 chỉ vàng tặng con dâu nhân ngày cưới!
Ai là tác giả cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”?
Cá nhân tôi cho rằng đây là việc rất đáng để các nhà nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm nay và cả sau này (nếu vẫn chưa xác minh được chính xác) cùng để tâm tìm hiểu, phân tích và kết luận.
Một vĩ nhân như Hồ Chí Minh, mọi vấn đề đều cần được “giải mã” chính xác, thấu đáo đến tận cùng .
Quá khứ càng ngày càng lùi xa sẽ càng khó cho hậu thế nhìn nhận sự việc thật chính xác. Nếu hôm nay chúng ta không làm được thì quả là thiếu sót với hậu thế. Việc trước đây 5 năm, tôi từng cố gắng “giải mã” một khoảng trống dài tới 3 năm (1914-1917) không thấy ghi trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là một ví dụ. Qua đó chúng ta càng thấy Người quả là một vĩ nhân, cái gì đã hứa với người mình chịu ơn thế nào thì đến lúc ra đi vẫn là như vậy.
Nói như một nhà văn, nhà báo bạn tôi – anh Nguyễn Thành Phong – trên trang cá nhân của anh hôm 19/5 vừa rồi, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người, thì “những phát kiến mới về tiểu sử, thân thế và đời riêng Cụ Hồ cần được minh định rõ ràng. Hồ Chí Minh là một Con Người. Minh định về Cụ càng làm ta yêu kính Cụ hơn…” và “Hồ Chí Minh sẽ vẫn cứ là một biểu tượng đẹp đẽ trong lịch sử phát triển và văn hóa nhân loại. Đấy là một bất biến!”.
Trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (8) năm 1990, trong bài viết “Bài thơ chữ Hán đầu tiên của Hồ Chí Minh”, tác giả Phác Can, có một ghi chú về cuốn sách của Trần Dân Tiên như sau: “Ngoài các bản tiếng Việt, cuốn sách này ở Việt Nam hiện còn có bản dịch Trung văn, mang tiêu đề Hán là Hồ Chí Minh truyện (Tiểu sử Hồ Chí Minh) ghi tên tác giả bằng chữ tiếng Việt là Trần Dân Tiên, ghi tên người dịch bằng chữ Hán là Trương Niệm Thức, Bát nguyệt xuất bản xã ấn hành tại Thượng Hải, do công ty hữu hạn ấn loát Gia Hoa in lần thứ nhất vào tháng 6/1949 dưới thời Tưởng Giới Thạch.”
Tác giả cuốn tiểu sử nổi tiếng trên là Trần Dân Tiên, đây cũng là tác phẩm duy nhất đã được biết đến của tác giả này. Mục đích cuốn sách ra đời vào thời điểm đó để trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh là ai?”. Thông qua lời kể của một nhà báo có bút danh Trần Dân Tiên, người đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày đầu nước nhà độc lập, cuộc đời của nhà cách mạng và là người đứng đầu nhà nước Việt Nam độc lập được kể lại qua “những mẩu chuyện” như tên gọi của sách. Có lẽ việc xây dựng và củng cố hình ảnh về lãnh tụ Hồ Chí Minh được hình thành khởi đầu từ cuốn sách này vì trước đó cái tên Hồ Chí Minh rất mơ hồ với nhiều người với các tên gọi khác nhau. Qua cuốn sách này, tác giả muốn nhấn mạnh rằng tất cả các bí danh đó đều cùng là một người duy nhất – Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh, hay Hồ Chủ tịch. Nội dung cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch với các chi tiết sống động khiến độc giả thích thú, trừ cái tên Trần Dân Tiên là gây nhiều tranh cãi. Tác giả Trần Dân Tiên thực sự là ai? Những ý kiến về vấn đề này được chia làm hai luồng: Luồng ý kiến thứ nhất dựa vào phong cách của Hồ Chí Minh, đó là không bao giờ tự nói về mình, cho rằng cuốn sách này không phải do Hồ Chí Minh viết. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng Trần Dân Tiên chính là một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đối với luồng ý kiến thứ nhất
Theo lời kể của ông Nguyễn Khôi (1), nguyên Phó Vụ trưởng Văn phòng Quốc hội, thì cuốn sách ra đời trong lúc cả trong nước và ngoài nước, cả kẻ địch và nhân dân đều ít ai biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà chỉ biết Nguyễn Ái Quốc, vì thế theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Trung ương Đảng gợi ý cho ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền viết giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, ông Trần Huy Liệu giao cho ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký trợ lý của Bác chắp bút, xong bản thảo thì ông Trần Huy Liệu sửa, viết bổ sung rồi qua các ông Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đọc duyệt cho ý kiến để hoàn thiện, xuất bản. Tên bút danh Trần Dân Tiên có ý nghĩa: người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Họ Trần có thể là gợi nhắc về gốc gác của những người chắp bút (Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh) đều là người quê Vua Trần – Trần Hưng Đạo (Nam Định)? Ở thời điểm ấy bận trăm công nghìn việc, thù trong giặc ngoài như thế thì Bác làm sao mà ngồi chắp bút viết về mình được? Hơn nữa, Hồ Chủ tịch là người bình sinh khiêm tốn không khi nào muốn nói về mình (2).
Tuy nhiên đó cũng chỉ là những chuyện kể mà ông Nguyễn Khôi nghe được ở các vị thủ trưởng, các bậc đàn anh nói chuyện với nhau qua những lần tiếp xúc trong những câu chuyện dọc đường công tác kể chuyện về Bác, không phải là cứ liệu trên giấy trắng mực đen.
Đối với luồng ý kiến thứ hai
Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên đã chọn cách tìm gặp gỡ những người đã từng quen biết với Hồ Chí Minh để hỏi chuyện, thu thập tài liệu rồi viết nên tác phẩm này, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức năm 1985 từng viết rằng: “…Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, và của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Thật là khó khăn để trong khuôn khổ 150 trang sách nhỏ, có thể nói được về cuộc đời của người chiến sĩ yêu nước vĩ đại của dân tộc trên suốt nửa thế kỷ đấu tranh…” (3). Ông Hà Minh Đức chú thích rằng thông tin này được lấy từ cuốn Những sự kiện lịch sử Đảng, nhà xuất bản Sự Thật, năm 1976, tập 1, trang 672. Và sau một phần tư thế kỉ, trong cuốn sách Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh, trang 316, nhà xuất bản Khoa học xã hội 2010, ông vẫn giữ nguyên quan điểm từ năm 1985.
Mặt khác, trong bài viết Việt Nam, nhận thức và ứng xử với vấn đề tôn giáo của tác giả Mạc Thủy đăng trên tạp chí Cộng sản điện tử có đoạn: “…Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên – Hồ Chí Minh: “Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một điểm chung đó sao….” (4).
Trước lời giới thiệu về cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, in lần thứ hai, năm 1976, trước phần kể chuyện của Trần Dân Tiên, nhà xuất bản Sự Thật – cơ quan xuất bản văn kiện chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam – đã viết lời dẫn nhập như sau: “… Trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, Hồ Chủ tịch đã nêu tấm gương đạo đức cách mạng vô cùng trong sáng và đẹp đẽ, quyết tâm cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới…”. Nhà xuất bản không thể không biết rõ lai lịch của cuốn sách, lý lịch của người viết vì nếu không biết tác giả cuốn sách là ai thì không thể in trong nước và để các nhà xuất bản nước ngoài xuất bản rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Hơn nữa, một khi sách đã xuất bản thì dù tên tác giả có là bút danh chăng nữa thì cũng cần có một người thực với tên tuổi rõ ràng để nhà xuất bản trả nhuận bút.
Đôi điều trao đổi
Theo luồng ý kiến thứ nhất, Trần Dân Tiên là một nhà báo thì không có gì phải bàn luận.
Theo luồng ý kiến thứ hai, có thể lí giải:
Vào thời điểm những năm 1940, hiểu biết về thân thế của Hồ Chủ tịch rất ít, do vậy, cần có một tài liệu tuyên truyền trong nhân dân trong nước và giới thiệu với bạn bè quốc tế về những hoạt động cách mạng của Người. Lúc bấy giờ Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chưa được Liên Xô công nhận, còn nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì đến tháng 10/1949 mới được thành lập. Do đó, tài liệu này một mặt để tuyên truyền về cuộc cách mạng ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam, mặt khác tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ra đời trong hoàn cảnh như thế, cuốn sách đã rất có ích cho cách mạng Việt Nam, là câu trả lời cho những người quan tâm muốn biết Hồ Chủ tịch là ai?
Ông Vũ Kỳ – thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngay sau những ngày đầu thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, cũng từng nói rằng Bác Hồ không muốn nhắc nhiều đến bản thân mình. Xuất bản một cuốn sách nói về mình, thiết nghĩ Hồ Chủ tịch cũng không muốn nhưng Người cho rằng đó là một điều cần làm trong hoàn cảnh lịch sử ấy. Bất cứ cuộc cách mạng nào cũng cần có một lãnh tụ, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ vấn đề này. Mặt khác, khi Trung ương Đảng đã quyết định lựa chọn để suy tôn Người, là một Đảng viên, việc Người chấp hành quyết định của tổ chức là điều đương nhiên. Vào thời kỳ bấy giờ, nhằm mục đích tuyên truyền về cuộc kháng chiến của dân tộc và người lãnh đạo cuộc cách mạng, có nhiều văn nghệ sỹ cũng đã vinh dự được giao nhiệm vụ khắc họa chân dung Bác như nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm, Diệp Minh Châu, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, họa sĩ Phan Kế An, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định và các nhà điêu khắc của Đức, Nga… Thấu hiểu đây cũng là một yêu cầu chính trị quan trọng như những nhiệm vụ khác, nên Người thường chủ động tạo điều kiện cho các họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà báo, quay phim có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Tuy nhiên ở thời điểm vận nước nguy nan như thế, nhiều khả năng Chủ tịch Hồ Chí Minh không có thời gian để chắp bút mà có thể là những cán bộ thân cận, cốt cán nghe Bác kể những mẩu chuyện, những tâm sự của Người, sau đó ghi chép lại, tập hợp thành cuốn sách. Trong hoàn cảnh rất ít người biết về cuộc đời và những hoạt động cách mạng của Bác thì còn ai kể chính xác hơn chính bản thân Người?
Về cách dẫn dắt câu chuyện trong vai một nhà báo muốn tìm cách phác họa chân dung Hồ Chủ tịch, theo quan điểm của tác giả bài viết này, có thể đó là sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nên hiểu đó chỉ là một cách tác giả lựa chọn để đưa độc giả đi vào nội dung cuốn sách một cách tự nhiên. Khi viết truyện ngắn Vi hành nhân chuyến đi Pháp của vua Khải Định, Nguyễn Ái Quốc đã từng dùng hình thức nhập vai một người anh gửi thư cho cô em họ, kể lại những điều tai nghe mắt thấy về chuyến đi của Khải Định; trong loạt bài Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch 4 tháng sang Pháp, Người lấy bút danh là Đ.H, viết thư cho hai cô em Xuân và Lan, kể rằng mình được theo Cụ Hồ sang Pháp, đồng thời ghi lại hành trình để cho các em mình biết; trong truyện ngắn Giấc ngủ mười năm, lấy bút danh Trần Lực, Bác nhập vai một anh Vệ quốc quân người dân tộc Nùng; trong Vừa đi đường vừa kể chuyện, với bút danh T.Lan, Bác lại vào cả hai vai người hỏi chuyện – người trả lời.
Về những dòng ca ngợi Hồ Chủ tịch trong cuốn sách, theo quan điểm của tác giả bài viết này, đó là do những đồng chí biên tập các câu chuyện đã viết thêm vào để tuyên truyền, định hướng trong nhân dân và giới thiệu với bạn bè quốc tế biết tình cảm kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị lãnh tụ cách mạng của dân tộc.
Lời kết còn bỏ ngỏ?
Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh thì trong 170 bút danh, bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ hoạt động và 17 bí danh, bút danh đang được nghiên cứu xác minh thêm cũng không có tên Trần Dân Tiên. Bởi vậy, đây có thể là bút hiệu của một tập thể tác giả? Nếu đúng như vậy, việc hình thành tác phẩm, từ ý tưởng tới bản thảo đầu tiên đến tác phẩm hoàn thành, là một quá trình làm việc của cả một tập thể trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xem xét sau cùng để chỉnh lại cho đúng những chi tiết còn chưa chính xác. Bài viết nổi tiếng Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân tháng 2/1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được hình thành qua những bước tương tự. Bản thảo lần thứ nhất do đồng chí Tố Hữu chuẩn bị theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối năm 1968. Sau khi bản dự thảo lần đầu được sửa chữa, Người cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu và góp ý kiến. Bước thứ ba hình thành bản thảo là tập hợp các ý kiến góp ý của các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, bổ sung và sửa lần cuối để hoàn thành.
Tuy chưa thể khẳng định tác giả đích thực của cuốn sách nhưng không thể phủ nhận rằng giá trị của cuốn sách đối với những nghiên cứu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, ngày càng có nhiều sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch vẫn được coi là cuốn sách đầu tiên, được tin cậy nhất và sách này luôn được tham khảo như một nguồn tư liệu gốc. Hầu hết mọi người cho rằng nguồn tin của nhà nghiên cứu Hà Minh Đức là chính thống nên chắc hẳn là chính xác. Tuy nhiên nhiều đối tượng thù địch, phản động, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam vớ được mẩu thông tin này lại như thể mèo mù vớ được cá rán. Chúng vin vào những dòng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách để nêu những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt thông tin sai lệch nhằm bôi nhọ hình tượng Hồ Chí Minh, nhưng tất cả những âm mưu đó đều thất bại.
Trong tác phẩm – công trình nghiên cứu kéo dài hơn 10 năm, mang tên Hồ Chí Minh – The Missing Years (tạm dịch là “Hồ Chí Minh – Những năm tháng chưa được biết đến”) của Tiến sỹ triết học và lịch sử người Mỹ Sophie Quinn-Judge có đánh giá cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch như sau: “Tuy nó được dựa trên sự thật, những điều nó bỏ qua hay tô vẽ thêm, và việc khẳng định phẩm chất vô sản của Hồ Chí Minh đã biến cuốn sách thành một yếu tố tạo ra huyền thoại về ông hơn là một sử liệu nghiêm túc” (5).
Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về cuốn sách như sau: “Cuốn sách ấy không thể nói là đã “làm thay đổi cuộc đời tôi”, song đã tạo một cái hích nhẹ và hướng tôi bước vào ngả đường nghề nghiệp mà vào thời điểm đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cuốn sách “không phải là sử” ấy thật sự gây ấn tượng với tôi. Sau này khi đã thâm niên trong nghề nghiệp, tôi có nhiều cơ hội đọc và gặp nhiều người nước ngoài, có người thuần túy là nhà nghiên cứu, có người là nhân chứng lịch sử, cũng có người là cả hai. Tôi đã nghe và đọc được rất nhiều cách tiếp cận, đánh giá khác nhau về cuốn sách này và nhân vật của sách. Cuốn sách nhỏ thật sự đã “dẫn tôi vào đời” nghề nghiệp để hướng tới cái khao khát muốn tìm ra những gương mặt thật đã tạo nên một lịch sử thật”(6).
Cuốn Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch từ khi được xuất bản lần đầu vào cuối thập kỷ 1940 đến nay đã qua gần bảy thập kỷ, được nhiều nhà xuất bản tái bản rất nhiều lần. Cuốn sách trở thành một trong những tác phẩm quan trọng nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cung cấp nhiều tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác từ những ngày thơ ấu, về quê hương, gia đình, về quá trình ra đi tìm đường cứu nước đến những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, trong đó nhiều chi tiết là tư liệu gốc hoặc duy nhất. Tác phẩm đã khẳng định hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và trở thành cẩm nang cho nhiều nhà nghiên cứu cũng như độc giả trong, ngoài nước.
***
Trên đây là nội dung bài viết giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Trần Dân Tiên là ai. Mọi thông tin trong bài viết Trần Dân Tiên là ai? Ai là tác giả cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch? đều được xác thực rõ ràng trước khi đăng tải. Tuy nhiên đôi lúc vẫn không tránh khỏi những sai xót đáng tiếc. Hãy để lại bình luận xuống phía dưới bài viết để đội ngũ biên tập được nắm bắt ý kiến từ bạn đọc.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Tổng hợp