Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm bao gồm hướng dẫn viết cùng 11 bài mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em học sinh lớp 4 trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết đoạn văn ngày một hoàn thiện hơn.
Đề bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm.
Hướng dẫn Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm lớp 4
1. Mở bài:
Bạn đang xem: Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm lớp 4 (11 Mẫu)
– Dẫn dắt vào câu chuyện em định kể.
– Giới thiệu tên của câu chuyện.
2. Thân bài:
– Nêu thời gian, địa điểm diễn ra câu chuyện.
– Kể lần lượt sự kiện chính của câu chuyện.
– Nhấn mạnh vào sự kiện bộc lộ lòng dũng cảm hoặc trí thông minh của nhân vật.
3. Kết bài:
– Nêu suy nghĩ, cảm xúc của em sau khi nghe câu chuyện.
– Nêu bài học em rút ra từ câu chuyện.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 1
Tôi đã được đọc nhiều truyện viết về lòng dũng cảm. Tôi cũng đã nghe thầy giáo kể về những tấm gương cao đẹp thể hiện lòng dũng cảm trong chiến đâu của bộ đội ta. Tuy nhiên, trong trí nhớ của tôi thì câu chuyện sau đây đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc nhất, vì chính tôi đã chứng kiến chuyện này.
Hôm ấy tôi và Tuấn cùng đi học về. Chúng tôi phải ra bến sông, qua đò mới có thể trở về xóm trại của mình. Lúc ấy mới độ năm giờ chiều nhưng đã có vẻ tối vì trời đầy mây đen và có mưa lác đác rơi. Bến đò vắng vẻ. Dưới đò chỉ có bác lái đò và một chú bộ đội đang chờ hai đứa chúng tôi đi xuống. Người nào cũng lụp xụp khoác áo mưa. Miếng gỗ bắc làm cầu xuống đò rất trơn. Tôi thận trọng đi trước, dò từng bước và đã xuống đến lòng đò. Tuấn đi sau, bỗng đến giữa cầu, Tuấn trượt chân ngã nhào xuống nước và bị dòng sông đang vào mùa nước lớn cuốn trôi đi. Thế là, nhanh như cắt, anh bộ đội trút bỏ vội vàng cái nón cối đội đầu, cái áo mưa khoác trên vai và quẳng cái ba lô nặng trên lưng xuống lòng thuyền, rồi nhảy ùm xuống lao theo Tuấn đang bị trôi xa. Chỉ mươi sải bơi dài, anh bộ đội đã đuổi kịp Tuấn lúc ấy đang chới với trên dòng nước và dường như sắp bị chìm. Anh bộ đội quàng một tay vào cổ Tuấn rồi bơi nhanh về thuyền. Bác lái chèo nhanh thuyền về phía hai người dưới nước và đã lôi được họ lên thuyền. Sự việc diễn ra thật bất ngờ và quá nhanh chóng. Tuấn chỉ bị sặc nước chút ít nhưng mọi điều nguy hiểm đã qua. Tôi thay mặt bạn cảm ơn anh bộ đội nhưng anh chỉ hiền lành cười và nói:
– Mùa này, nước lũ đang về, khi qua sông các em phải hết sức cẩn thận đấy.
Đấy câu chuyện cua tôi chỉ có thế, nhưng tôi và chắc là cả Tuấn nữa suốt đời sẽ chẳng quên. Anh bộ đội mà chúng tôi còn chưa biết tên đúng là một người lính Cụ Hồ dũng cảm.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 2
Trong những năm của kháng chiến chống Pháp diễn ra vô cùng gay go, ác liệt thì anh hùng Vừ A Dính là con người được sinh ra tại Lai Châu và sống trong gia đình với cơ sở cách mạng có truyền thống yêu nước. B
ố của Anh là một cán bộ Việt Minh và bị thực dân pháp giam cầm sau đó thủ tiêu ở nhà tù ở năm 1949. Mẹ của A Dính là một trong những người tạo cơ sở kháng chiến của địa phương, bà từng bị bắt và đưa về giam tại đồn Bản Chăn do bị nghi ngờ tiếp tế Việt Minh.
Đây chính là nguồn động lực thúc đẩy về tinh thần cách mạng ngay từ khi Anh còn nhỏ. Từ năm Anh 13 tuổi, mặc dù còn ít tuổi nhưng anh đã tự chủ động xung phong làm liên lạc, tiếp tế nguồn lương thực cho nhân dân và các cán bộ cách mạng bị bao vây ở địa phương. Chính sự gan dạ, mưu trí và bản lĩnh kiên cường đã giúp anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo sự liên lạc được thông suốt dù rơi vào tình huống nguy hiểm như thế nào.
Cuộc sống của anh vô cùng lạc quan và yêu đời, ý chí ham học hỏi bởi lúc nào anh cũng để cuốn sách trong áo để có thể tranh thủ học. Anh được các anh trong đơn vị hỏi sao A Dính đi và luồn rừng giỏi thế, Dính hồn nhiên trả lời “Từ nhỏ em trèo núi, đi nhanh đã quen chân rồi”.
Đến năm 1949, giặc Pháp đã huy động lực lượng quân lính tại các đồn ở khu vực để vây và tiêu diệt đội vũ trang Tuần Giáo. Hôm đó, trời mù sương, Dính đã bí mật về để gặp mẹ, mang theo cả trăm viên đạn mẹ mới trao. Không may bị rơi đúng vào ổ phục kích của giặc. Bọn giặc đánh đập tàn bạo, dã man Vừ A Dính, bắt Anh khai ra nhưng anh không hề hé miệng kiên quyết giữ bí mật. Biết không thể thoát khỏi bàn tay của kẻ thù, anh đã trả lời vờ gật đầu: “Biết biết!” , sau đó Dính được đưa khiêng hết các ngọn núi để chỉ vị trí đóng quân bộ đội. Đến chiều tối thì Dính lại chỉ về nơi xuất phát ban đầu, phát hiện bị lừa chúng đã xả băng đạn vào Vừ A Dính và treo xác lên cây đào cổ thụ. Vừ A Dính đã bị hi sinh vào chiều tối của ngày 15/6/1949, anh đã ra đi khi chưa tròn 15 tuổi.
Vừ A Dính đã hi sinh không một chút run sợ, mặc dù Anh đã không còn có thể tiếp tục thực hiện cách mạng nhưng với khí phách vô cùng kiên cường, bất khuất vẫn luôn thắp sáng cả núi rừng Tây Bắc. Con người ở nơi đây luôn tự hào kể về tấm gương của cậu bé người Mông.
Ngày nay, Vừ A Dính đã được đặt cho nhiều Liên đội, Chi đội, nhà trường. Ngoài ra, qua truyện “Vừ A Dính” đã được nhà văn Tô Hoài ghi lại tấm gương đó. Cùng với đó là ca khúc “ Vừ A Dính – Người thiếu niên Anh hùng” và “ Vừ A Dính bất tử” luôn được hát ngân vang tại các buổi sinh hoạt của Đội.
Ở tuổi 15, Vừ A dính đã tự nguyện hi sinh về sự tự do của dân tộc, lấy lại cuộc sống hòa bình như ngày nay. Khi đọc bài viết này chúng ta hãy tự hỏi bản thân đã làm được gì cho quê hương đất nước. Vì vậy, dù cho ở độ tuổi nhỏ hay lớn thì mỗi chúng ta cần phải có ước mơ, hoài bão cùng lý tưởng cao đẹp, từ đó cần ra sức, chăm chỉ học tập, có trách nhiệm, đóng góp một công sức nhỏ vào sự phát triển của đất nước.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 3
Những năm giặc Mĩ ném bom miền Bắc, gia đình tôi sơ tán về một vùng quê, ở nhờ nhà một bạn nhỏ tên là Mến. Cùng tuổi với nhau nên tôi với Mến nhanh chóng kết thành đôi bạn thân thiết. Mĩ ngừng ném bom, tôi và gia đình về lại thị xã. Xa Mến, tôi nhớ lắm!
Hai năm sau, bố tôi đón Mến ra chơi. Tôi dẫn Mến đi thăm khắp nơi. Cái gì Mến cũng thấy lạ, ở thị xã có nhiều đường phố, nhà ngói san sát, cái cao, cái thấp, chẳng giống những ngôi nhà mái rạ, vách đất ở quê. Ban ngày, trên đường người và xe đi lại nườm nượp. Ban đêm, đèn điện lấp lánh như sao sa, thích ơi là thích!
Chỗ vui nhất là công viên, ở đây, bên cạnh vườn hoa có cầu trượt, đu quay và có cả một cái hồ lớn. Mến bảo hồ rộng thế này mà không trồng sen như ao làng của Mến. Nhìn mặt hồ lăn tăn gợn sóng, tôi và Mến nhắc lại những kỉ niệm ngày trước, hai đứa bơi thuyền thúng ra giữa đầm để hái hoa sen. Sương đêm đọng trong lòng lá sen xanh, lóng lánh như những viên pha lê dưới ánh mặt trời buổi sớm.
Bỗng nhiên có tiếng kêu thất thanh làm cho chúng tôi phải ngừng câu chuyện:
– Cứu với! Cứu người chết đuối!
Tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì Mến đã nhảy ùm xuống nước. Giữa hồ, một cậu bé đang vùng vẫy chới với. Trên bờ hồ, mấy chú bé hoảng hốt kêu la.
Mến bơi rất nhanh. Chỉ một loáng, Mến đã đến bên đứa bé, khéo léo nắm được tóc vừa đẩy lên vừa diu vào bờ. Mọi người xúm lại khen Mến dũng cảm.
Về đến nhà, sợ bố lo nên tôi không dám kể cho bố nghe việc đó. Lúc chia tay Mến, tôi quyến luyến mãi. Tôi thấy Mến rất đáng khâm phục! Sau khi Mến về quê, tôi mới nói cho bố biết chuyện. Bố bảo:
– Người dân ở làng quê là như thế đấy, con ạ! Lúc đất nước có chiến tranh họ sẵn lòng sẻ nhà sẻ cửa cho chúng ta. Cứu người, họ không hề ngần ngại.
Tôi thấy lời nhận xét của bố rất đúng. Bạn Mến của tôi là một người nhà quê đáng yêu như thế!
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 4
Trong một lần tìm đọc các câu chuyện về những tấm gương thiếu nhi dũng cảm, em đã được biết đến câu chuyện Út Vịnh của nhà văn Tô Phương
Câu chuyện kể về Út Vịnh – một cậu bé vừa dũng cảm lại có trái tim yêu thương mọi người. Nhờ có Út Vịnh thuyết phục, mà Sơn – một bạn học sinh nghịch ngợm, thường chơi thả diều trên đường tàu nhận ra sai lầm của mình và hứa sẽ không nghịch dại nữa. Nhưng hành động dũng cảm nhất của Út Vịnh là khi cậu thành công giải cứu bé Lan khỏi nanh vuốt của tử thần.
Hôm đó, Út Vịnh đang ngồi làm bài tập ở nhà, thì bỗng nghe từng hồi còi tàu vang lên dồn dập. Cậu lấy làm lạ, có hôm nào mà tàu lại kéo còi từ xa và liên hồi như vậy đâu. Thế là, cậu liền chạy vội ra gần đường tàu để xem xét. Đến nơi, cậu giật mình khi nhìn thấy hai cô bé Lan và Hoa đang ngồi chơi chuyền trên đường tàu. Thấy tàu đang lao đến, Út Vịnh liền chạy về đường tàu, hét lên thật to để cho hai cô bé nghe thấy. Lúc này, Lan và Hoa mới giật mình nhìn lên, thấy tàu đang lao đến, sợ hãi vô cùng. Hoa vì giật mình nên ngã ra khỏi đường tàu, lăn xuống ruộng, thoát khỏi nguy hiểm. Còn Lan thì vì quá sợ hãi, nên đứng im một chỗ không dám cử động. Đúng giây phút nguy cấp, Út Vịnh lao nhanh về phía ray tàu, ôm chầm lấy Lan, lăn xuống mép ruộng. Nhờ sự dũng cảm và mạnh mẽ ấy của Vịnh, mà Lan được cứu sống trong gang tấc. Khi bố mẹ của Lan biết tin, đã chạy đến ôm chầm lấy Vịnh và cảm ơn cậu rối rít.
Nhân vật Út Vịnh trong câu chuyện đã khiến em rất ngưỡng mộ và thán phục. Cậu ấy chính là một người anh hùng nhỏ tuổi thực sự để chúng em học tập và noi theo.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 5
Lê văn Tám con nhà nghèo ở gần chợ Đa Kao, Sài Gòn. Hàng ngày phải đi bán lạc rang, đánh giày để kiếm sống. Với những cảnh chết chóc của đồng bào ta dưới sự dã man của giặc Pháp, Tám nảy ra ý định phá kho xăng đạn của giặc tại Thị Nghè.
Sau nhiều lần bán lạc rang để dò la Tám đã quen mặt với bọn lính gác; Lợi dụng lúc bọn lính lơ là, Tám giấu xăng trong người chạy như bay vào chỗ để xăng quẹt diêm bốc cháy, cả kho xăng và đạn cháy nổ rầm trời thành phố.
Lê Văn Tám đã anh dũng hy sinh để lại hình ảnh thành đồng của tổ quốc: “Em bé đuốc sống”, chúng em rất cảm phục anh và luôn nhớ đến anh. Là học sinh chúng em được sống trong hòa bình sẽ cố gắng học tập thật giỏi để không phụ công những anh hùng như anh.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 6
Lòng dũng cảm là một phẩm chất đáng quý của con người và không hề phân biệt độ tuổi, giới tính. Em đã được nhìn thấy một tấm gương đầy lòng dũng cảm ở một cậu bé học sinh lớp 1.
Chiều hôm ấy, sau khi tan học, em đã ở lại để tưới nước cho vườn hoa của lớp. Tình cờ, em nhìn thấy hai cậu bé lớp 1 đang chơi đá bóng với nhau ở phía gần cửa lớp học. Mọi chuyện hết sức bình thường cho đến khi em nghe thấy tiếng vỡ vang lên. Chạy lại nhìn, em phát hiện một chậu xương rồng ở hành lang đã bị vỡ do bóng chạm vào. Ngay lập tức, thầy tổng phụ trách cũng tiến lại gần, vẻ mặt căng thẳng. Thấy hiện trường, thầy đã nghiêm túc hỏi hai cậu bé, rằng ai là người làm vỡ chậu cây. Từ trước đến nay, thầy tổng phụ trách luôn là người mà học sinh cả trường kính sợ. Ngay cả em là một học sinh lớp 4 rồi, nhưng nghe thấy hỏi như vậy cũng thấy sợ hãi cùng. Hai cậu bé ấy đều đã rơm rớm nước mắt vì lo sợ. Nhưng rồi, một cậu bé đã lấy hết can đảm, bước về phía trước, chủ động nhận lỗi với thầy tổng phụ trách. Em nhìn thấy được bàn tay của em ấy run run nắm lấy vạt áo. Chắc hẳn em ấy đã rất lo sợ về việc có thể sẽ bị phạt, bị cảnh cáo trước toàn trường. Nhưng em ấy vẫn dũng cảm thừa nhận lỗi sai của mình, chứ không đùn đẩy cho bạn hay cố tình im lặng. Điều đó khiến em rất ngạc nhiên. Sau khi thấy cậu học sinh nhỏ dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình, thầy tổng phụ trách đã khiển trách hai cậu bé rằng lần sau không được chơi bóng trên hành lang lớp nữa. Và phạt hai cậu quét dọn phần bị vỡ của chậu cây. Sau khi thầy rời đi, hai bạn nhỏ vừa dọn chậu cây bị vỡ vừa mỉm cười với nhau sung sướng.
Trong nụ cười của cậu bé ấy, em nhìn thấy hình dáng của một người anh hùng dũng cảm.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 7
Khi ai hỏi em về một tấm gương dũng cảm, em sẽ nhớ ngay về bác Hải – người hàng xóm đáng kính của mình.
Bác Hải là một người thợ làm vườn rất mát tay. Vườn hoa của bác lúc nào cũng tươi tốt và là nơi cung cấp hoa tươi cho các cửa hàng trong thị trấn. Một ngày nọ, khi bác ấy đang trên đường về nhà sau khi đi giao hoa, thì bắt gặp cảnh tượng một người đàn ông hung dữ đang cố tình đánh đập một em nhỏ. Thế là, bác Hải liền dừng xe chạy lại can ngăn. Tuy người đàn ông kia đang say rượu và hung dữ vô cùng nhưng bác ấy không hề chùn bước. Bác Hải tiến lại từ đằng sau, cầm tay người đàn ông hung dữ và kéo ông ta ra xa đứa trẻ tội nghiệp. Rồi bác Hải đè hắn xuống đất, khống chế hắn. Trong lúc đó, bác bị hắn đánh vào chân rất mạnh, nhưng vẫn quyết không buông tay. Lúc này, mọi người xung quanh cũng liền chạy lại, giúp bác đưa người đàn ông say rượu về nhà. Sự dũng cảm của bác Hải hôm đó khiến ai ai cũng nể phục.
Còn với em thì bác ấy chính thức trở thành một người anh hùng đích thực!
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 8
Câu chuyện mà tôi kể cho các bạn nghe sau đây có tựa đề là “ở lại với chiến khu”. Chuyện kể về các chiến sĩ nhỏ tuổi xin được ở lại chiến khu, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc. Chuyện xảy ra như sau: Tối hôm ấy, ông Trung đoàn trưởng đến lán của các em nhỏ. Nhìn khắp các chú bé một lượt, ông nhỏ nhẹ nói:
– Các em ạ! Hoàn cảnh ở chiến khu hiện nay rất khó khăn, sắp tới sẽ còn khó khăn hơn. Tuổi nhỏ của các em khó lòng vượt qua được. Vì thế, em nào muôn trở về với gia đình thì trung đoàn sẽ cho các em về. Các em nghĩ sao? Nghe Trung đoàn trưởng nói vậy, các bạn nhỏ lặng người đi. Ai cũng cảm thấy cổ họng mình tắc nghẹn. Lượm – một bạn nhỏ bước đến bên đống lửa đang cháy rực, giọng bạn rung lên:
– Em xin được ở lại. Thà chết ở chiến khu chứ nhất định em không về ở chung, ở lộn với bọn Tây cướp nước và bọn Việt gian bán nước. Cả đội nhao nhao theo:
– Chúng em xin ở lại. Thấy được quyết tâm và tình cảm tha thiết của các em muốn ở lại, ông Trung đoàn trưởng ứa nước mắt nói trong sự xúc động:
– Nếu các em đều xin ở lại, anh sẽ về báo cáo lại với ban chỉ huy nguyện vọng của các em.
Chuyện là vậy đấy. Các bạn nhỏ của chúng ta thật dũng cảm, không sợ gian khổ hi sinh sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho đất nước cho quê hương, thật đáng khâm phục.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 9
Câu chuyện “Nghệ sĩ trống” là một câu chuyện rất hay và ý nghĩa. Đọc câu chuyện ấy, em được biết về một tấm gương tài năng nhí với đam mê chơi trống mãnh liệt là Mi-lô.
“Nghệ sĩ trống” kể về cô bé Mi-lô sinh ra và lớn lên ở một hòn đảo nhỏ ở Cu-ba. Từ khi còn rất nhỏ, cô bé đã vô cùng đam mê âm nhạc, và luôn khát khao được trở thành một tay trống trong ban nhạc. Tuy nhiên, hòn đảo mà Mi-lô sinh sống, lại có một quy luật ngầm, rằng phụ nữ thì không được chơi trống. Tuy nhiên, đam mê cháy bỏng trong cô đã khiến cô quyết tâm vượt qua mọi rào cản. Mi-lô đã xin cha được tham gia một lớp nhạc cụ. Thấy được tình yêu âm nhạc trong đôi mắt cô bé, người cha đồng ý. Từ giây phút đó, một nghệ sĩ trống thiên tài đã chính thức xuất hiện. Mi-lo có tài năng thiên bẩm với trống. Chỉ một thời gian ngắn, cô bé đã có thể thành thạo rất nhiều loại trống như trống tim-pan-ni, trống công-ga, trống bông-gô,… Đó là bước đệm đầu tiên trên con đường trở thành một nghệ sĩ trống nổi tiếng trên toàn thế giới của Mi-lo.
Qua câu chuyện Nghệ sĩ trống, em thấy được tài năng và sự dũng cảm, dám quyết tâm theo đuổi đam mê mặc mọi rào cản của cô bé Mi-lô. Câu chuyện đã truyền cho em nguồn cảm hứng tuyệt vời về con đường đam mê của chính bản thân mình.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 10
Lòng dũng cảm là một phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay, và ngày nay tinh thần đó vẫn được gìn giữ và phát huy. Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm đó chính là tấm gương của anh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An đã hy sinh thân mình để cứu bốn bạn giữa dòng nước xoáy.
Không chỉ có gia đình em mà tất cả mọi người khi xem ti vi và đọc báo đều khâm phục trước tinh thần dũng cảm của anh Nguyễn Văn Nam, một học sinh lớp mười hai tại huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An, thêm vào đó là sự xót thương trước sự ra đi của anh.
Hôm đó là ngày 30/4 cả nước được nghỉ nhân kỉ niệm ngày “Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước” trong khi anh Nam đang đi bắt chim thì nghe thấy tiếng kêu thất thanh của một bạn ở gần bờ sông, anh vội chạy ra thì thấy những cánh tay đang chới với giữa dòng nước xoáy. Không chút do dự anh đã lao xuống dòng nước để cứu người, có tất cả bốn bạn, sau khi đưa được ba bạn vào bờ anh tiếp tục quay trở lại để cứu bạn cuối cùng, khi vào gần đến bờ do đã kiệt sức anh đã dùng hết sức đẩy mạnh bạn đó vào để ba bạn trên bờ kéo lên còn bản thân anh đã bị dòng nước cuốn trôi đi mất, thấy vậy các bạn vội đi gọi người cứu nhưng không kịp, và phải mất một thời gian sau đó, gia đình và lực lượng công an mới tìm thấy thi thể của anh. Những bức ảnh được đưa lên báo hay trên ti vi ta thấy được nỗi đau, sự mất mát hằn sâu trên khuôn mặt của gia đình anh Nam, tất cả mọi người đều đau xót và cảm động. Vẫn còn đó là ước mơ và hoài bão của anh với hy vọng thi đỗ vào một trường đại học, để làm rạng danh gia đình – bố mẹ và bà của anh vừa khóc vừa kể với các nhà báo, nhưng anh đã ra đi trong sự vinh quang với một hành động cao đẹp của mình để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và tất cả mọi người.
Anh Nguyễn Văn Nam là một tấm gương tiêu biểu cho lòng dũng cảm, anh được nhà trường và Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh tại nơi anh theo học tuyên dương và khen thưởng về hành động của mình. Hành động của anh như một sự thức tỉnh đối với những ai có thái độ sống thờ ơ, vô cảm đối với những người xung quanh, chỉ biết lo cho bản thân mình.
Anh Nguyễn Văn Nam xứng đáng là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm để chúng ta học tập và noi theo, nó thể hiện một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một đạo lý làm người mà mỗi chúng ta cần phải có.
Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm – Mẫu 11
Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng. Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên và là tổ trưởng của tổ chức Đội ta khi mới thành lập(1941)
Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo; Bố mất sớm, anh trai tham gia cách mạng. Kim Đồng sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Năm 1943 trong một lần đi liên lạc về. giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta. Kim Đồng nhanh trí nhử bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng nổ ấy các cán bộ đã tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, bên bờ suối Lê-Nin. Ngày anh hi sinh là ngày 15 – 2 – 1943, lúc đó anh vừa tròn 14 tuổi. Ngày 15 – 5 – 1986 nhân kỉ niệm lần thứ 45 thành lập Đội, mộ của anh và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng đang tung con chim sao bay lên được khánh thành.
Từ đo, nơi đây trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội Thiếu niên tiền phong, với người đội trưởng đầu tiên của mình… Hình ảnh của anh mãi mãi được khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi cả nước.
*****
Trên đây là 11 bài mẫu Viết bài văn kể lại câu chuyện đã đọc, đã nghe về gương thiếu nhi tài năng hoặc dũng cảm lớp 4 do thầy cô trường Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập của mình. Chúc các em hoàn thành tốt bài tập của mình với điểm số cao nhất nhé.
Đăng bởi: THCS Bình Chánh
- Tìm đọc câu chuyện viết về ước mơ lớp 4
- Tưởng tượng: Em có một đôi cánh có thể bay như chim, em muốn bay đi đâu, gặp gỡ những ai,…? lớp 4
- Tìm đọc các bài văn miêu tả con vật hoặc trao đổi với người thân về đặc điểm của con vật trong bài văn em viết lớp 4
- Miêu tả một con vật em đã được quan sát trên ti vi hoặc phim ảnh mà em yêu thích lớp 4 (8 Mẫu)
- Miêu tả một con vật mà em đã chăm sóc và gắn bó lớp 4 (24 Mẫu)
- Trao đổi với bạn: Em mong con người sẽ làm ra những sản phẩm gì để cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai? lớp 4