Học TậpLớp 4Tiếng Việt 4 - Chân trời sáng tạo

Bài 1: Bài văn kể chuyện trang 12 SGK Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo

Câu 1

Đọc bài văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Từ ngày còn bé, qua giọng kể ấm áp của bà, em đã rất thích câu chuyện “Tích Chu”.

Bạn đang xem: Bài 1: Bài văn kể chuyện trang 12 SGK Tiếng Việt 4 Chân trời sáng tạo

Chuyện kể về cậu bé Tích Chu. Bố mẹ mất sớm nên Tích Chu ở với bà. Bà rất thương Tích Chu. Hằng ngày, bà làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cậu bé. Có món gì ngon, bà cũng dành cho Tích Chu. Thế nhưng Tích Chu lại chẳng thương bà. Suốt ngày, cậu bé chỉ mải rong chơi.

Lần đó, bà sốt cao, khát nước quá, liền gọi:

– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!

Bà gọi mãi mà không thấy Tích Chu đáp lại nên biến thành chim.

Còn Tích Chu mải chơi, đến khi thấy đói mới về. Về đến nhà, cậu bé hốt hoảng khi biết bà đã biến thành chim. Cậu bé theo hướng chim bay để tìm bà. Đi được một đoạn, Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Cậu bé tha thiết gọi nhưng chim vẫn vỗ cánh bay đi.

Buồn quá, Tích Chu òa khóc. Một bà tiên hiện ra, bảo:

– Nếu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước ở suối tiên cho bà uống. 

Nghe bà tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng. Cậu bé hỏi đường đến suối tiên, rồi vội vàng đi ngay.

Trải qua nhiều ngày đêm băng rừng, lội suối, cuối cùng, Tích Chu đã lấy được nước suối tiên mang về.

Được uống nước suối tiên, bà trở lại thành người. Tích Chu vui sướng ôm lấy bà. Từ đấy, Tích Chu luôn ở bên, hết lòng yêu thương, chăm sóc bà.

Câu chuyện bà kể đã lâu nhưng hình ảnh cậu bé Tích Chu băng rừng, lội suối tìm nước suối tiên đem về cho bà uống vẫn còn đọng lại trong tâm trí em như một lời nhắc nhở về lòng hiếu thảo. 

Nam Khánh

a. Tìm trong bài văn:

– Phần giới thiệu câu chuyện

– Phần kể lại nội dung của câu chuyện

+ Mở đầu câu chuyện

+ Diễn biến câu chuyện

+ Kết thúc câu chuyện

– Phần nêu suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện

b. Xác định các sự việc ở phần diễn biến của câu chuyện và kết quả của các sự việc ấy.

c. Các sự việc ở phần diễn biến của câu chuyện được kể theo trình tự nào?

Hướng dẫn giải:

Em đọc bài văn để hoàn thành bài tập. 

Lời giải:

a. 

– Phần giới thiệu câu chuyện: Từ ngày còn bé, qua giọng kể ấm áp của bà, em đã rất thích câu chuyện “Tích Chu”.

– Phần kể lại nội dung câu chuyện:

+ Mở đầu câu chuyện: “Chuyện kể rằng” … “cậu bé chỉ mải rong chơi”.

+ Diễn biến câu chuyện: “Lần đó, bà sốt cao”…. “rồi vội vàng đi ngay”.

+ Kết thúc câu chuyện: “Trải qua nhiều ngày đêm” …. “yêu thương, chăm sóc bà”

– Phần nêu suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện: Câu chuyện bà kể đã lâu nhưng hình ảnh cậu bé Tích Chu băng rừng, lội suối tìm nước suối tiên đem về cho bà uống vẫn còn đọng lại trong tâm trí em như một lời nhắc nhở về lòng hiếu thảo.

b. 

– Sự việc 1: Bà bị ốm nhưng không có ai chăm sóc.

Kết quả: Bà biến thành chim.

– Sự việc 2: Tích Chu đi tìm và tha thiết gọi chim.

Kết quả: Chim vẫn vỗ cánh bay đi.

– Sự việc 3: Tích Chu gặp bà tiên.

Kết quả: Tích Chu được dạy cách để bà trở lại thành người.

– Sự việc 4: Tích Chu Tìm lên đường tìm nước suối tiên cứu bà.

Kết quả: Bà trở lại thành người.

c. Các sự việc ở phần diễn biến được kể theo trình tự thời gian, không gian

Câu 2

Đọc câu chuyện sau và thực hiện yêu cầu:

Người ăn xin

Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mắt tôi.

Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại…Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào!

Ông già chìa trước mắt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp.

Tôi lục tìm hết túi nọ túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì.

Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy.

Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia:

– Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.

Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng siết lấy tay tôi:

– Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. – Ông lão nói bằng giọng khản đặc.

Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông lão.

Theo Tuốc-ghê-nhép  

a. Tìm đoạn mở đầu câu chuyện

b. Xác định các sự việc xảy ra và kết quả của các sự việc ấy

c. Tìm đoạn văn nêu suy nghĩ, cảm xúc của tác giả.  

Hướng dẫn giải:

Em đọc kĩ đoạn văn để trả lời câu hỏi

Lời giải:

a. Đoạn mở đầu câu chuyện: “Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già khọm đứng ngay trước mặt tôi”.

b. Các sự việc xảy ra và kết quả của các sự việc ấy.

– Sự việc 1: Tác giả đang đi trên phố

Kết quả: Gặp người ăn xin đáng thương

– Sự việc 2: Ông lão chìa tay và cầu xin cứu giúp

Kết quả: Tác giả lục túi tìm đồ nhưng không có tài sản gì đáng giá

– Sự việc 3: Ông lão vẫn đợi và chìa tay ra

Kết quả: Tác giả nắm chặt đôi bàn tay run lẩy bẩy và ông lão cảm ơn

c. Đoạn văn nêu suy nghĩ, cảm xúc của tác giả: “Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông lão”.

Vận dụng

Ghi lại một kỉ niệm mùa hè mà em nhớ nhất 

Hướng dẫn giải:

Em hãy kể về mùa hè mà em nhớ nhất 

Gợi ý: Em được đi đâu? Làm gì? Địa điểm đó như thế nào? 

Lời giải:

Trong lần về Hà Nội thăm ông bà vào dịp hè, em đã có dịp được đến thăm quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, một trong những công trình kiến trúc thể hiện sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam ta từ những thế kỷ XXI. 

Sau hơn 20 phút đi xe, cả nhà em ai nấy cũng vô cùng hào hứng và vui vẻ, xuống xe và đi bộ dần vào bên trong, vừa đi vừa nói chuyện rộn ràng. Thứ đầu tiên khiến em ấn tượng về khu Văn Miếu chính là phần tường gạch vồ bao quanh toàn bộ diện tích rộng lớn. Khu Văn Miếu bao gồm có 4 cửa, ngăn cách khu vực ra làm 5 tầng không gian khác nhau. Cổng Văn Miếu, với với cửa hình vòm rộng lớn, phía trước có 4 trụ lớn và hai tấm bia Hạ mã. Tiến vào bên trong chính là vườn Giám rộng lớn cây cối rợp bóng, xanh tươi và khu Văn Miếu mang đậm vẻ thâm nghiêm tĩnh mịch. Xuyên qua hết khu này là đến cổng thứ hai mang tên Đại Trung Môn, dẫn thẳng đến Khuê Văn Các, một công trình kiến trúc khá độc đáo. Vượt qua Khuê Văn Các ta chính thức tiến vào nơi có dựng bia tiến sĩ, trong đó em khá ấn tượng với một chiếc giếng lớn hình vuông nằm ở giữa, được gọi là giếng Thiên Quang hay còn gọi là Ao Văn. Hai bên giếng là các bia Tiến sĩ lớn bằng đá xanh, mỗi tấm bia như vậy được dựng trên lưng một con rùa bằng đá, quay mặt vào giếng. Nghe nói rằng đến Văn Miếu sờ đầu rùa, học hành sẽ tinh thông hơn, thế nên em đã đi một vòng sờ em hơn 10 cái đầu rùa, mong năm em học hành tiến bộ hơn. Kết thúc chuyến thăm, cả gia đình em còn tham quan nhiều địa điểm khác nữa, nhưng có lẽ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, với hình ảnh Khuê Văn Các, bia Tiến Sĩ, đầu rùa là để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc hơn cả. em mơ tưởng về một thời xa xưa nơi đây đã đến và đi biết bao nhiêu sĩ tử, đã vinh danh biết bao nhiêu tiến sĩ mà lòng bồi hồi không thôi.

Đăng bởi: THCS Bình Chánh

Chuyên mục: Tiếng Việt 4 – Chân trời sáng tạo

5/5 - (32 bình chọn)


Trường THCS Bình Chánh

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button