Mời các em theo dõi nội dung bài học về Trường từ vựng là gì? Phân loại trường từ vựng do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.
Trường từ vựng là gì?
“Trường” trong thuật ngữ trường từ vựng có thể hiểu là một tập hợp (khái niệm “trường” được mượn của các ngành khoa học tự nhiên, thường xuất hiện trong các thuật ngữ chuyên ngành như: trường hấp dẫn, trường điện từ…); còn “từ vựng” là tập hợp các từ của một ngôn ngữ (ở đây là tiếng việt).
Như vậy, có thể hiểu trường từ vựng là tập hợp những từ có ít nhất một nét tương đồng về một khía cạnh nhất định nào đó. Thông thường, các trường từ vựng được xây dựng trên mối quan hệ với nhau về nghĩa một cách đa chiều, trường từ vựng theo quan hệ ngang và trường từ vựng theo quan hệ dọc. Vì vậy, trường từ vựng sẽ là tập hợp các từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.
Bạn đang xem: Trường từ vựng là gì? Phân loại trường từ vựng
Phân loại trường từ vựng
Căn cứ theo mối quan hệ về nghĩa có thể phân loại trường từ vựng thành:
Trường từ vựng tuyến tính
Trường từ vựng tuyến tính tức là tập hợp các từ vựng nằm trên một trục tuyến tính. Chúng có khả năng kết hợp với các từ trên cùng một trục. Để xác lập một trường tuyến tính ta có thể chọn ra một từ làm trục tuyến tính, rồi từ đó tìm tất cả các từ có thể ghép với trục để tạo thành một chuỗi tuyến tính.
Ví dụ: Trường từ vựng tuyến tính của từ “ăn” sẽ có các từ như: cơm, phở, cháo, nhanh, chậm, no,…
Trường từ vựng trực tuyến
Trường từ vựng trực tuyến sẽ được chia nhỏ làm hai loại là: trường biểu vật và trường biểu niệm, cụ thể:
– Trường biểu vật là tập hợp những từ đồng nghĩa về ý nghĩa biểu vật (biểu thị sự vật, sự việc). Để xây dựng được một trường nghĩa biểu vật ta chọn một danh từ làm gốc, danh từ này phải có tính bao quát cao, gần như là tên gọi của phạm trừ biểu vât.
Ví dụ: Từ danh từ “cá” chúng ta có thể xây dựng được một trường nghĩa biểu vật sẽ là: cá chép, cá mè, cá thu, cá chim…
– Trường biểu niệm là tập hợp những từ có chung cấu trúc biểu niệm (biểu hiện khái niệm). Cũng giống như trường biểu vật, trường biểu niệm lớn có thể phân chia thành các trường nhỏ hơn. Để xây dựng được một trường biểu niệm ta chọn một cấu trúc biểu niệm làm gốc, rồi từ đó thu thập những từ có chung cấu trúc biểu hiện khái niệm gốc đó.
Ví dụ: Dụng cụ để học tập: sách, vở, bút, thước, tẩy…
Sự phân chia thành trường biểu niệm và trường biểu vật thể hiện cách nhìn từ vựng ở hai góc độ khác nhau, cụ thể là hai thành phần ngữ và nghĩa trong từ. Tuy nhiên, hai loại trường dọc này lại có liên hệ với nhau: nếu lấy những nét nghĩa biểu vật trong cấu trúc biểu niệm làm tiêu chí lớn để tập hợp thì chúng ta có trường biểu vật. Nhưng ngược lại khi phân một trường biểu vật thành các trường nhỏ thì lại phải dựa vào các nét nghĩa khác trong cấu trúc biểu niệm. Hoăc, khi phân lập các trường biểu niệm, chúng ta dựa vào cấu trúc biểu niệm, song khi phân nhỏ chúng ra, chúng ta lại phải sử dụng đến nét nghĩa biểu vật. Nhờ có sự phân chia các trường, và định vị rõ các từ trong trường thích hợp mà chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của từ.
Trường liên tưởng
Trường liên tưởng là hệ thống các từ vựng được xuất hiện do sự liên tưởng đến ý nghĩa với một từ trung tâm nào đó. Để xây dựng một trường liên tưởng, chúng ta cũng cần chọn ra một từ trung tâm, từ đó tìm ra những từ còn lại dựa vào mối quan hệ khác nhau.
Ví dụ: Trường từ vựng “trường học”, khi nhắc tới gia đình chúng ta thường dễ liên tưởng đến mối quan hệ trong trường học như: thầy cô, bạn bè….; liên tưởng đến hoạt động: giảng dạy, vui chơi, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt, truy bài….; liên tưởng đến tính chất: đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ….
Đặc điểm của trường từ vựng
– Trường từ vựng có tính cấp bậc
Trường từ vựng cũng là một hệ thống. Mà đã nói tới hệ thống là nói tới tính cấp bậc, nghĩa là một hệ thống lớn sẽ bao hàm nhiều hệ thống nhỏ theo các cấp bậc khác nhau. Nói một cách ngắn gọn, một trường từ vựng sẽ bao gồm một số trường từ vựng nhỏ hơn bên trong nó.
Ví dụ 1: Trường từ vựng “con người” sẽ có nhiều trường từ vựng nhỏ như:
- Bộ phận cơ thể: đầu, cổ, vai, tay, ngực, bụng….
- Tính cách: hiền, nhu nhược, đanh đá, ác, dịu dàng…
- Giới tính: nam, nữ…
Ví dụ 2: Trường từ vựng “cây”
- Cấu tạo thân: cây thân gỗ, cây thân leo, cây thân cột, cây thân cỏ…
- Công dụng cây: cây ăn quả, cây cho bóng, cây lấy gỗ, cây làm thuốc…
- Thời gian trồng: cây ngắn ngày, cây dài ngày
– Một từ có thể xuất hiện trong nhiều trường từ vựng khác nhau
Để nói về độ phức tạp của tiếng việt, người ta vẫn thường hay có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Sau hàng nghìn năm sáng tạo và gìn giữ tiếng việt trước âm mưu đồng hóa của biết bao kẻ thù xâm lược; thì cho đến giờ người Việt Nam tự hào về hệ thống từ ngữ phong phú, đa dạng. Một từ đơn thuần nhưng khi ghép với các từ khác nhau sẽ cho ra những trường từ vựng khác nhau, tạo thành hiện tượng từ đa nghĩa.
Ví dụ: Động từ “ăn” có thể xuất hiện với nhiều hàm nghĩa
- Chỉ hoạt động tiêu thụ thức ăn vào cơ thể: ăn uống, ăn cơm…
- Chỉ việc làm việc nhóm hiệu quả: ăn ý, ăn hợp…
- Chỉ tâm trạng, cảm xúc của con người sau khi phạm phải một sai lầm: ăn năn, ăn năn hối cải, ăn năn xám hối…
- Chỉ việc lên hình chụp ảnh đẹp: ăn ảnh, ăn hình….
– Hiện tượng chuyển nghĩa trường từ vựng
Hiện tượng chuyển nghĩa trường từ vựng là khi ta mang trường từ vật chỉ sự vât, hiện tượng này để chuyển qua cho sự vật, hiện tượng khác. Thông thường chúng ta hay sử dụng các biện pháp tu từ như: ẩn dụ, hóa dụ, nhân hóa… trong diễn đạt, chủ yếu là trong văn thơ. Nhờ sự vận dụng linh hoạt mà hệ thống từ vựng ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của con người. Đồng thời nó cũng làm cho ý thơ, lời văn khi diễn đạt trở nên sáng tạo, độc đáo và thu hút người nghe, người đọc hơn.
Ví dụ: làm rõ hiện tượng chuyển nghĩa của trường từ vựng: “Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường”. Như vậy ở đây tác giả đã chuyển các từ thuộc trường từ vựng “quân sự” là vũ khí, chiến trường sang trường từ vựng “trường lớp”.
Bài tập luyện tập về trường từ vựng
Kiến thức về Trường từ vựng là phần một kiến thức tương đối khó và phức tạp trong chương trình Ngữ văn 8. Vì vậy, để nắm chắc phần kiến thức này, các em học sinh nên đọc kĩ lại lý thuyết và thực hành nhiều dạng bài tập để nắm chắc kiến thức chương trình, áp dụng linh hoạt nội dung đã học vào trong các bài kiểm tra, bài thi. Dưới đây là bài tập ví dụ về trường từ vựng giúp các bạn luyện tập.
Bài 1: Hãy cho biết những từ dưới đây thuộc trường từ vựng nào?
1. dao, thớt, xoong, nồi, chảo.
2. mít, lê, táo, chuối, dưa hấu.
3. vui vẻ, háo hức, phấn khởi, hân hoan.
4. bút chì, tẩy chì, bút xóa, bút bi, thước kẻ, compa.
5. gà tam hoàng, gà ri, gà tre.
Lời giải
1. Trường từ vựng chỉ dụng cụ nấu ăn.
2. Trường từ vựng chỉ hoa quả.
3. Trường từ vựng chỉ tâm trạng của con người.
4. Trường từ vựng chỉ dụng cụ học tập.
5. Trường từ vựng chỉ về các giống gà.
Bài 2: (trang 22 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
Các từ thuộc trường từ vựng “người ruột thịt” trong văn bản Trong lòng mẹ: Thầy, mẹ, cô, mợ, con, cháu, anh em.
Bài 3: Đặt tên trường từ vựng: (trang 22 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
a. Dụng cụ đánh bắt thủy sản.
b. Vật dụng để chứa.
c. Hoạt động của chân.
d. Trạng thái tâm lý, tình cảm.
e. Tính cách.
g. Dụng cụ để viết.
Bài 4: (trang 22 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
Các từ in đậm trong đoạn văn thuộc trường từ vựng: Thái độ tình cảm.
Bài 5: (trang 22 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
Khứu giác | Thính giác |
Mũi, thính, điếc, thơm | nghe, tai, thính, điếc, rõ |
Bài 6: (trang 22 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
– Lưới:
+ Trường đồ dùng bắt cá: Vó, chài.
+ Trường dụng cụ, máy móc: Rào lưới sắt, túi lưới, mạng lưới điện…
+ Trường tấn công: Đá thủng lưới, lưới mật thám, lưới phục kích.
– Lạnh
+ Trường thời tiết: Rét, buốt, cóng…
+ Trường tình cảm: Lạnh nhạt, giọng nói lạnh lùng, mặt lạnh như tiền..
+ Trường màu sắc: Màu xám lạnh, màu xanh ngắt.
Bài 7: (trang 22 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
Tác giả đã chuyển các trường từ vựng “quân sự” sang trường từ vựng “nông nghiệp”.
Bài 8: (trang 23 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1)
– Đoạn văn có trường từ vựng “trường học”:
Ngôi trường tiểu học của tôi, đó là một ngôi trường nhỏ vùng quê cạnh cánh đồng lúa. Trường có ba dãy nhà và sân trường rất rộng, thoáng mát. Mỗi dãy nhà có hai tầng, mỗi tầng 3 phòng học. Khi mới vào lớp 1, tôi học ở phòng học đầu tiên dưới tầng 1 của khu nhà giữa. Các lớp học trước kia còn đơn giản, ít thiết bị hiện đại thì nay đã đổi mới với hệ thống đầy đủ những máy chiếu, bàn ghế, bảng mới và hiện đại hơn.
– Đoạn văn có trường từ vựng “môn bóng đá”:
Bóng đá được biết đến là một môn thể thao đồng đội, chơi giữa hai đội, mỗi đội có 11 cầu thủ. Mục tiêu của trò chơi là ghi điểm bằng cách đưa bóng vào khung thành đối thủ. Ngoài thủ môn, các cầu thủ không được cố ý dùng tay hoặc cánh tay để chơi bóng. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều điểm hơn khi kết thúc trận đấu.
***
Trên đây là nội dung bài học Trường từ vựng là gì? Phân loại trường từ vựng do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập
- Chi tiết hoặc hình ảnh nào trong văn bản đã để lại trong em những ấn tượng sâu đậm? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) ghi lại ấn tượng ấy lớp 8 (7 Mẫu)
- Trong truyện có nhiều đoạn văn mang tính triết lí về cuộc sống, con người. Em thích nhất đoạn văn nào? Vì sao? lớp 8 (2 Mẫu)
- Tóm tắt truyện Lão Hạc trong khoảng 10-15 dòng lớp 8 (24 Mẫu)
- Việc tái hiện sự khác nhau trong cách nhìn những bức tranh liên quan chặt chẽ đến ý nghĩa của đoạn trích. Em có đồng ý với nhận xét này không? Vì sao? (Trình bày thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng) lớp 8 (3 Mẫu)
- Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) nêu ý kiến của em về hiện tượng sử dụng biệt ngữ xã hội trên mạng xã hội hiện nay lớp 8 (6 Mẫu)
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là một trong những biểu hiện của lòng yêu nước. Viết một đoạn văn khoảng sáu câu, nêu một số việc mà em đã hoàn thành tốt và lí giải vì sao những việc đó có thể thể hiện lòng yêu nước của em lớp 8 (6 Mẫu)
- Bài văn tả cảnh quê hương em lớp 5 ngắn gọn đạt điểm 9, 10 (50 mẫu)
- Đoạn văn tiếng Anh về bảo vệ môi trường (Cách viết + 28 mẫu)
- Em được giao nhiệm vụ tham gia cuộc thảo luận về chủ đề Thiên nhiên có vai trò gì đối với cuộc sống con người? và có trách nhiệm ghi chép nội dung thảo luận để trình bày lại cho các bạn nghe
- Em hãy viết một đoạn văn khoảng 5 câu về đề tài Hành động phá hoại môi trường (16 mẫu)
- Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay (25 mẫu)
- Nghị luận xã hội về hiện tượng biến đổi khí hậu (20 mẫu)
- Nghị luận xã hội về vai trò của nguồn nước sạch (12 mẫu)
- Nghị luận xã hội về vấn đề ô nhiễm môi trường (27 mẫu)