Học TậpLớp 8

Nói quá là gì? Tác dụng của nói quá

Mời các em theo dõi nội dung bài học về Nói quá là gì? Tác dụng của nói quá do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Nói quá là gì?

Nói quá là biện pháp tu từ nhằm mục đích để có thể phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, sự việc, hiện tượng được miêu tả với mục đích tạo ấn tượng, tạo điểm nhấn và tăng sức biểu cảm cho sự diễn đạt. Nói quá còn có nhiều tên gọi khác như: khoa trương, ngoa dụ, thậm xưng, phóng đại, cường điệu.

Nói quá là gì?
Nói quá là gì?

Tác dụng của nói quá

Nói quá không phải là nói dối, nói sai sự thật mà nói quá là biện pháp tu từ có chức năng nhận thức, khắc sâu hơn bản chất đối tượng, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Bạn đang xem: Nói quá là gì? Tác dụng của nói quá

Biện pháp tu từ nói quá thường được dùng nhằm tạo ấn tượng, tăng sức biểu cảm cho câu nói. Nó còn được sử dụng trong khẩu ngữ hằng ngày như: lo sốt vó, buồn nẫu ruột, khóc như mưa, ngã vỡ mặt hay nhiều câu nói quen thuộc khác. Không những thế, biện pháp tu từ này còn được dùng trong các tác phẩm văn học như các bài ca dao, châm biếm, anh hùng ca,… Đôi khi nó còn được kết hợp với các biện pháp tu từ khác để câu văn câu nói trở nên sinh động hơn.

Ví dụ về nói quá

  • Nói quá thường được dùng trong văn nói hằng ngày.

Ví dụ: buồn nẫu ruột, tức sôi máu, mệt đứt hơi, ngã vỡ mặt, nghĩ nát óc, khóc như mưa, nói rã cả họng, lo sốt vó, vắt chân lên cổ,…

  • Trong văn chương, nói quá thường được sử dụng trong các tác phẩm văn học cụ thể như truyện ngụ ngôn, ca dao, tục ngữ, châm biếm, anh hùng ca,… và những văn bản có chức năng kêu gọi, lời triệu hiệu.

Ví dụ: Trong tác phẩm “Hịch tướng sĩ”, Trần Quốc Tuấn đã sử dụng biện pháp tu từ nói quá trong câu: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng.”.

Biện pháp nói quá được thể hiện qua hình ảnh “tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa” và “căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù” có tác dụng gợi hình, gọi cảm, thể hiện lòng yêu nước, ghét giặc của Trần Quốc Tuấn.

Còn với hình ảnh “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng“, biện pháp nói quá có tác dụng gợi hình ảnh của câu văn, thể hiện tình yêu nước bất chấp hy sinh của tác giả.

Một số biện pháp nói quá

Nói quá kết hợp với so sánh tu từ

Hai biện pháp tu từ này đều nhằm mục đích làm rõ hơn, cụ thể hơn, sinh động hơn bản chất của đối tượng. Nếu kết hợp chúng lại với nhau sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Ví dụ: Đẹp như tiên, xấu như ma, chạy bán sống bán chết, đen như cột nhà cháy, ăn như mèo, dữ như cọp,…

Trên trời mây trắn như bông

Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây

Mấy cô má đỏ hây hây

Đội bông như thể đội mây về làng.

(Ca dao)

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nép một, như đường mía lau.

(Ca dao)

Dùng những từ ngữ phóng đại khác

  • Các từ phóng đại có thể là những từ ngữ mang sẵn ý nghĩa phóng đại: cực kỳ, vô kể, tuyệt điệu, mất hồn, vô cùng, tận cùng,…
  • Các từ ngữ phóng đại có thể là: nhớ đến cháy lòng, cười vỡ bụng,…
  • Các từ ngữ phóng đại còn có thể được thể hiện thông qua những thành ngữ, tục ngữ. Ví dụ như: vui như tết, béo như lợn, khỏe như voi, nói như phượng leo, ăn như rồng cuốn,…
Một số biện pháp nói quá
Một số biện pháp nói quá

​Bài tập luyện tập về nói quá

Bài tập 1: Nói quá là gì?

A. Là phương tiện tu từ làm giảm nhẹ, làm yếu đi một đặc trưng tích cực nào đó của một đối tượng được nói đến.

B. Là cách thức xếp đặt để đối chiếu hai sự vật, hiện tượng có mối liên hệ giống nhau.

C. Là một biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng.

D. Là một phương thức chuyển tên gọi từ một vật này sang một vật khác.

Đáp án: C. Là một biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng.

Bài tập 2: Sửa các câu dưới đây thành câu sử dụng biện pháp tu từ nói quá:

(1), Hội trường rất yên tĩnh.

(2), Tiếng vỗ tay trong hội trường rất lớn.

(3), Tiếng cười của lũ trẻ rất to.

Đáp án: 

(1), Hội trường yên tĩnh đến nỗi mà một cái kim rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy được.

(2), Tiếng vỗ tay trong hội trường to đến nối đinh tai nhức óc.

(3), Tiếng cười của lũ trẻ vang tận mây xanh

Bài tập 3: Ý kiến nào nói đúng nhất về tác dụng của phép nói quá?

A. Để nhấn mạnh, gây ấn tượng và tăng sức biểu cảm cho sự vật, hiện tượng được nói đến trong câu.

B. Để gợi ra hình ảnh chân thực và cụ thể về sự vật, hiện tượng được nói đến trong câu.

C. Để bộc lộ thái độ, tình cảm, cảm xúc của người nói.

D. Để cho người nghe thấm thía được vẻ đẹp hàm ẩn trong cách nói kín đáo giàu cảm xúc.

Đáp án: A. Để nhấn mạnh, gây ấn tượng và tăng sức biểu cảm cho sự vật, hiện tượng được nói đến trong câu.

Bài tập 4: Xác định biện pháp nói quá trong các trường hợp sau:

a. Anh chị yên tâm, vết thương chỉ sướt da thôi, từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận trời được.

b. Cái cụ Bá thét ra lửa ấy lại xử nhũn nhặn mời hắn vào nhà xơi nước.

c. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn

d. Voi uống nước, nước sông cũng phải cạn.

e. Bát cơm chan đầy nước mắt

f. Nhìn thấy tội ác của giặc, ai ai cũng bầm gan tím ruột.

Đáp án: 

a. Anh chị yên tâm, vết thương chỉ sướt da thôi, từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận trời được.

b. Cái cụ Bá thét ra lửa ấy lại xử nhũn nhặn mời hắn vào nhà xơi nước.

c. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn

d. Voi uống nước, nước sông cũng phải cạn.

e. Bát cơm chan đầy nước mắt

f. Nhìn thấy tội ác của giặc, ai ai cũng bầm gan tím ruột.

Bài tập 5: Nhận xét nào nói đúng nhất tác dụng của biện pháp nói quá được sử dụng trong đoạn văn sau?

– Mẹ ơi, ôi, mẹ ơi! – Cái âm thanh kì lạ không ra tiếng thở dài, không ra tiếng nức nở. – Đen chết rồi, mẹ ơi! Đen chết rồi!

Đất nứt toát ra dưới chân. Cái vực thẳm không đáy, không có đáy.

Méc-ghi rơi xuống vực, mỗi lúc một sâu, mỗi lúc một xuống sâu, bờ vực khép lại trên đầu, suốt đời không thoát ra được nữa, cho đến lúc chết.

(C. Mắc-ca-lâu, Tiếng chim hót trong bụi mận gai)

A. Cực tả độ sâu của cái vực mà ai rơi xuống thì không thể lên được.

B. Cực tả tình thương của người mẹ dành cho đứa con bị chết.

C. Cực tả nỗi đau đớn tột cùng của người mẹ khi nghe tin đứa con chết.

D. Cực tả sự xúc động không nói nên lời của người mẹ khi nghe tin đứa con chết.

Đáp án: C. Cực tả nỗi đau đớn tột cùng của người mẹ khi nghe tin đứa con chết.

Bài tập 6: Sửa các câu dưới đây thành câu sử dụng biện pháp tu từ nói quá

(1), Anh ấy chạy rất nhanh.

(2), Trăng đêm nay thật sáng.

(3), Trời nóng quá, khiến người khác cảm thấy thật khó chịu.

(4), Hoa nhài nở rồi, đứng thật xa mà vẫn ngửi thấy mùi thơm.

(5), Chiếc xe này sạch sẽ, sáng bóng quá.

Đáp án: 

(1), Anh ấy chạy rất nhanh, giống như một mũi tên vừa được bắn khỏi cung tên.

(2), Trăng đêm nay thật sáng, sáng đến nỗi không cần soi đèn vẫn có thể nhìn rõ người đường.

(3), Trời nóng đến nỗi đốt cháy khô cả người.

(4), Hoa nhài nở rồi, thơm đến nỗi mà cách xa 18 dặm vẫn ngửi thấy mùi thơm.

(5), Chiếc xe này sạch sẽ, sáng bóng đến nỗi soi thấy cả mụn trứng cả trên mặt tôi.

Bài tập 7: 

Đọc các câu tục ngữ, ca dao sau và trả lời câu hỏi:

Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối

(Tục ngữ)

Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

(Ca dao)

1. Nói Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, Ngày tháng mười chưa cười đã tối và Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày có quá sự thật không? Thực chất, mấy câu này nhằm nói điều gì?

2. Cách nói như vậy có tác dụng gì?

Trả lời:

1. Nói Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, Ngày tháng mười chưa cười đã tối và Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày là quá sự thật,  là phóng đại mức độ, tính chất nội dung của các câu này.

Thực chất câu tục ngữ “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, Ngày tháng mười chưa cười đã tối” muốn nhấn mạnh tới sự đối lập giữa thời gian của hai mua trong năm đó là mùa hè và mùa đông. Từ đó muốn khuyên chúng ta cần biết trân trọng thời gian, biết sắp xếp những công việc của mình sao cho hợp lý.

Còn câu “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” là để ngụ ý nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân.

2. Cách nói cường điêu có tác dụng nhấn mạnh, gây ấn tượng tới điều mình muốn nói và tăng sức biểu cảm cho câu nói.

Bài tập 8: 

Tìm biện pháp nói quá và giải thích ý nghĩa của chúng trong các ví dụ sau:

a. Bàn tay ta làm nên tất cả

có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

(Hoàng Trung Thông, Bài ca vỡ đất)

b. Anh cứ yên tâm, vết thương chỉ sượt da thôi. Từ giờ đến sáng em có thể đi lên đến tận trời dược.

(Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng)

c. […] Cái cụ bà thét ra lửa ấy lại sử nhũn mời hắn vào nhà xơi nước.

(Nam Cao, Chí Phèo)

Trả lời:

a. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Biện pháp nói quá ở đây để nhấn mạnh vai trò sự cố gắng, kiên trì, sức khỏe trong lao động, có thể cải tạo tự nhiên mang lại nguồn sống của con người.

b. “em có thể đi lên tới tận trời được” nói quá ở đây để nhằm khẳng định tinh thân không ngại khó, không ngại khổ của nhân vật.

c. “cụ bà thét ra lửa” ở đây, biện pháp nói quá được sử dụng để thể hiện nhân vật bà cụ có thế lực, có quyền lực.

Bài tập 9: 

ĐIền các thành ngữ sau đây vào chỗ trống để tạo biện pháp tu từ nói quá: Bầm gan tím ruột, chó ăn đá gà ăn sỏi, nở từng khúc ruột, ruột để ngoài da, vắt chân lên cổ.

a. Ở nơi /…/ thế này, cỏ không mọc nổi nữa là trồng rau, trồng cà.

b. Nhìn thấy tội các của giặc, ai ai cũng /…/

c. Cô Nam tính tình xởi lởi, /…/

d. Lời khen của cô giáo làm cho nó /…/

e. Bọn giặc hoảng hốt /…/ mà chạy.

Trả lời:

a. Có ăn đá gà ăn sỏi

b. Bầm tím gan tím ruột

c. Ruột để ngoài da

d. Nở từng khúc ruột

e. Vắt chân lên cổ

Bài tập 10: 

Đặt câu với các thành ngữ dùng biện pháp nói quá sau đây: nghiêng nước nghiêng thành, dời non lấp biển, lấp biển vá trời, mình đồng da sắt, nghĩ nát óc.

Trả lời:

– Nàng Tây Thi đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

– Nhân dân ta, đồng bào ta đã đánh tan mọi âm mưu, thủ đoạn của quân xâm lược bằng tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và sức mạnh dời non lấp biển.

– Lúc còn bé, em thích nhất là được nghe bà kể về câu chuyện thần Nữ Oa lấp biển vá trời.

– Chỉ có những người mình đồng da sắt mới có thể chịu được cái nóng hầm hập dưới hầm.

– Bài toán thầy giao sáng nay khó quá, tôi nghĩ nát óc vẫn chưa tìm ra cách giải.

Bài tập 11: 

Tìm năm thành ngữ so sánh dùng biện pháp nói quá.

Trả lời:

5 thành ngữ có sử dụng biện pháp nói quá là:

– Lớn nhanh như thổi

– Trắng như tuyết

– Nắng như đổ lửa

– Ngáy như sấm

– Chậm như rùa

Bài tập 12: 

Viết một đoạn văn, hoặc làm một bài thơ có dùng biện pháp nói quá.

Đoạn văn tham khảo:

Tôi có một người bạn thân thuở ấu thơ tên là Linh. Chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên ở vùng biển. Cùng là những đứa con của biển, tôi thì đen như mực còn Linh lại có nước da trắng như trứng gà bóc. Bây giờ, khi lên đại học, dù mỗi đứa học ở một nơi, nhưng chúng tôi vẫn luôn hướng về nhau, quan tâm và tâm sự với nhau mọi chuyện trên trời dưới bể. Vì vậy, tôi rất trân trọng người bạn thân này.

Bài tập 13: 

Phân biệt biện pháp tu từ nói quá với nói khoác

Trả lời:

Việc phân biệt giữa biện pháp tu từ nói quá và nói khoác là vô cùng quan trọng vì việc này sẽ giúp các chủ thể có thể tránh được những nhầm lẫn khi sử dụng biện pháp nói quá trong khi diễn đạt các bài tập làm văn cũng như trong đời sống hằng ngày.

Nói quá Nói khoác
Điểm giống Đều phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả
Điểm khác Về mục đích Dùng để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm và sự việc được nói là có thật Làm người nghe tin vào những điều không có thật, tạo tiếng cười có ý nghĩa phê phán những kẻ khoác lác trong cuộc sống
Về tác động Có tác động tích cực Có tác động tiêu cực

***

Trên đây là nội dung bài học Nói quá là gì? Tác dụng của nói quá do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (4 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button