Học TậpLớp 7

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người (26 mẫu)

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người bao gồm hướng dẫn viết cùng 26 bài mẫu tham khảo do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn sẽ là nguồn tài liệu hữu ích cho các em học sinh trau dồi thêm vốn từ, rèn luyện kỹ năng viết đoạn văn ngắn ngày một hoàn thiện hơn.

Đề bài: Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người
Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người

Mục lục

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 1

Khổ thơ thứ 4 của bài thơ Chuyện cổ tích về loài người là khổ thơ mà em thuộc nhất và yêu thích nhất. Khổ thơ mang giai điệu như một lời ru của mẹ, chứa chan tình yêu thương. Mẹ xuất hiện, để bế bồng và chăm sóc, để dìu dắt con lớn lên. Điệp ngữ “từ” được lặp lại liên tiếp, tạo thành một điệp khúc kéo dài, ngân vang, vỗ về đứa trẻ đi vào giấc ngủ. Trong giấc ngủ ấy là một thế giới ấm áp và yên bình, nơi chỉ có mẹ mới có thể mang đến. Chính những cảm xúc ấy đã khiến em yêu thích khổ hơ này nhất trong toàn bộ bài thơ. Bởi nó gợi cho em những tình cảm trìu mến, yêu thương về người mẹ tuyệt vời của mình.

Bạn đang xem: Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người (26 mẫu)

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 2

Đọc bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh, em rất ấn tượng với khổ thơ đầu tiên. Ở đó, tác giả vẽ nên một khung cảnh, khi mà cả trái đất chỉ mới có trẻ con mà thôi. Trẻ con chính là sinh vật đầu tiên xuất hiện, như một ngôi sao sáng, như một đốm lửa màu nhiệm. Thế giới xung quanh lúc này xám xịt và lạnh lẽo, trụi trần, chẳng có gì cả. Tác giả đã khắc họa trái đất lúc ấy không cây cỏ, không muông thú, chim chóc, không có màu sắc, không có ánh sáng. Và trẻ con chính là nét bút tươi mới đầu tiên của nơi đây, là mầm non, là hi vọng về một tương lai khác của trái đất. Những hình ảnh thơ ấy, đã gợi lên sự tò mò về những điều mới lạ trên trái đất từ khi có trẻ con. Đó là cách mở đầu hay, thú vị và hấp dẫn.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 3

Ở bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, em rất thích khổ thơ thứ hai. Hình ảnh mặt trời “nhô” lên cao rất hay và tinh tế. Từ “nhô” giúp lột tả được sự hiện diện chầm chậm, chiếu sáng từng chút theo cả quá trình của mặt trời, chứ không phải bỗng nhiên xuất hiện ở trên cao. Đồng thời, từ nhô cũng cho thấy nét trẻ con, tinh nghịch của mặt trời. Nó cũng như một đứa trẻ thơ lần đầu đến với thế giới này. Hình ảnh ngộ nghĩnh ấy khiến mặt trời như một người bạn được cử đến với sứ mệnh chiếu sáng cho trẻ em. Theo đó, thiên nhiên cũng được “trẻ em hóa” theo cái nhìn của những đứa trẻ. Khổ thơ nhờ chi tiết ấy mà trở nên đặc sắc và ấn tượng.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 4

Bài thơ Chuyện cổ tích về loài người là một áng thơ đậm chất tự sự. Nó như một bài đồng dao giải thích về nguồn gốc của mọi thứ trên mặt đất này từ góc nhìn của một đứa trẻ nhỏ. Theo bài thơ, trẻ nhỏ là người đầu tiên có trên thế giới này. Sau đó, để trẻ nhỏ được vui vẻ và lớn lên khỏe mạnh, mới có ánh sáng, biển trời, cây cối, cỏ hoa. Và để trẻ em được yêu thương, được dạy bảo, nên mới có bố mẹ, ông bà, thầy cô. Đây là một cách lý giải đầy thú vị nhưng không hề phi lí. Bởi trẻ em chính là mầm non tương lai của thế giới. Và trẻ em cũng mong manh và nhỏ bé lắm, tựa như những mầm cây. Các em cần được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ để có thể trưởng thành. Vì vậy, nhà thơ Xuân Quỳnh đã gửi gắm những tình cảm ấy vào bài thơ Chuyện cổ tích về loài người để truyền đến độc giả.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 5

Trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh, em thích nhất là khổ thơ cuối. Ở đó, em thấy hình ảnh ngôi trường được hiện lên thật mộc mạc và giản dị. Trật tự thông thường đã được xáo trộn lên, tạo cảm giác thú vị khi đọc. Đầu tiên là những con chữ xuất hiện, rồi đến ghế, đến bàn, rồi mới có lớp có trường. Sau cùng, là thầy cô giáo tiến đến, giảng dạy cho em bao điều hay. Em rất ấn tượng với các kể này của tác giả, bởi ở đây, tất cả đều xuất hiện vì trẻ con, vì muốn được dạy cho trẻ con những điều hay lẽ phải, những điều thú vị bổ ích. Từ đó, vai trò và khát vọng học tập của thiếu nhi chúng em được quan tâm và đề cao hơn cả. Đặc biệt, là câu thơ cuối cùng “Chuyện loài người trước nhất”. Nó vừa là lời kết cho cả một câu chuyện kể về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhưng cũng là câu thơ mở ra về những câu chuyện khác về loài người do chính trẻ con chúng em kể. Mỗi người sẽ có những câu chuyện của riêng mình. Điều đó đã khiến cho bài thơ thêm ý nghĩa và truyền cảm hứng cho người đọc.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 6

Em rất yêu thích khổ thơ thứ hai trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tác giả đã thật tinh tế mà miêu tả những sự vật đầu tiên xuất hiện trên trái đất, sau khi có trẻ con. Điều đó thể hiện ở chỗ, bởi trẻ con rất bé nhỏ và vừa mới xuất hiện, nên các sự vật ấy cũng thật nhỏ xinh. Cây chỉ cao bằng gang tay, lá cỏ chỉ to như sợi tóc, bông hoa chỉ bằng cái cúc áo. Nhưng cũng thật là hợp lí, bởi mọi vật đều sinh ra để chăm sóc cho trẻ con, vậy nên nó phải có kích thước phù hợp. Đặc biệt, cách mà nhà thơ dẫn dắt sự xuất hiện của mọi thứ cũng thật là thú vị. Bởi cái gì cũng hiện diện bởi sự “cần” của em bé. Vì trẻ con cần nhìn rõ, nên mới có mặt trời. Vì trẻ con cần được quan sát, vui vẻ nên có cây cối, cỏ hoa và tiếng chim hót. Điều đó, khiến em cảm nhận được sự ưu ái, yêu thương của vạn vật dành cho em nhỏ – mầm non, tương lai của thế giới. Từ đó, cả khổ thơ đã giúp người đọc mường tượng ra những đốm sáng đầu tiên bắt đầu lan tỏa ra, điểm tô cho thế giới từ chính trẻ con.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 7

Nhan đề “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh đã gợi nhắc cho người đọc nhớ về những câu chuyện cổ tích mà bà thường kể về một thời đại xa xưa ngày trước. Khi đọc tác phẩm, người đọc cảm thấy cách lý giải nguồn gốc loài người của tác giả thật thú vị. Dưới hình thức một bài thơ, nhưng tác phẩm lại giàu tính tự sự, giống như một câu chuyện được kể lại theo trình tự thời gian. Trước hết tác giả khẳng định trời sinh ra trước tiên là trẻ em. Sau đó, để trẻ em có được một môi trường sống thật tốt, mới có sự ra đời của những sự vật khác trên trái đất. Ở đây, nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh miêu tả sinh động để giúp người đọc hiểu hơn về sự ra đời của thiên nhiên. Kế tiếp là sự ra đời của mẹ giúp trẻ em cần có tình yêu thương, sự chăm sóc. Bà được sinh ra để giáo dục trẻ em về những giá trị truyền thống, đạo đức tốt đẹp. Còn bố được sinh ra để dạy trẻ em thêm hiểu biết, trưởng thành. Cuối cùng trường lớp là nơi trẻ em đến để học tập, vui chơi còn thấy giáo là người dạy dỗ trẻ em ở đó. Có thể khẳng định, với bài thơ này, Xuân Quỳnh muốn gửi gắm tình yêu thương của Xuân Quỳnh dành cho trẻ em.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 8

Đọc bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, em đặc biệt thích thú với khổ thơ thứ ba. Tuy không dài, nhưng khổ thơ đã giúp em cảm nhận được sự ấm áp của tình mẹ – thứ tình cảm thiêng liêng, cao quý. Người mẹ xuất hiện, chính bởi vì trẻ cần được yêu thương, cần được vỗ về, cần được chở che. Mẹ đã cho chúng ta tình yêu thương qua những cái bế bồng, những lời ru ầu ơ. Trong biển tình thương ấy, mẹ đem về cho trẻ cả một thế giới rộng lớn diệu kì. Điệp từ “từ” được lặp lại nhiều lần, với các hình ảnh tươi mới, rực rỡ: cái hoa, cánh cò, vị gừng, cơn mưa, bãi sông… Từ khổ thơ, em cảm nhận được sự quý giá, cao cả và quan trọng của người mẹ đối với người con. Thật khó để những đứa trẻ có thể lớn lên, mà thiếu đi tình thương ấm áp ấy.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 9

Khi đọc “Chuyện cổ tích của loài người”, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ. Tình mẫu tử vốn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Người mẹ đã dành cho trẻ con sự chăm sóc từ khi mới sinh ra, cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Người mẹ nâng niu con trong bàn tay, chăm sóc con từ cái ăn đến giấc ngủ với lời ru, tiếng hát. Những lời ru đã mở ra cho trẻ con những hiểu biết về thế giới xung quanh. Tác giả đã liệt kê ra các hình ảnh, màu sắc, hương vị xuất hiện từ lời ru của mẹ. Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn, Xuân Quỳnh đã giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con thật là sâu sắc.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 10

“Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh là một bài thơ giàu ý nghĩa, đặc biệt là khổ thơ nói về sự thay đổi của trái đất khi trẻ con được sinh ra. Trước đó, trái đất thật là trần trụi: không một dáng cây ngọn cỏ, cũng như không có ánh sáng hay màu sắc. Thì sau khi trẻ con ra đời, trái đất đã hoàn toàn thay đổi. Đầu tiên là sự xuất hiện của mặt trời xuất hiện giúp trẻ con nhìn rõ. Màu xanh của cây cỏ, màu đỏ bông hoa giúp trẻ con nhận biết màu sắc. Và tiếng chim hót, tiếng gió thổi cho trẻ con cảm nhận âm thanh. Sông xuất hiện giúp trẻ con tắm rửa sạch sẽ. Biển lại giúp trẻ con suy nghĩ, cung cấp cá tôm và phương tiện là tàu thuyền để khám phá khắp nơi. Khi trời nắng, những đám mây đem bóng mát cho trẻ em. Và khi trẻ em bắt đầu tập đi thì con đường xuất hiện. Mọi sự việc xuất hiện đều xoay quanh trẻ em. Điều đó đã giúp người đọc hiểu hơn về tầm quan trọng của trẻ em trong cuộc sống.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 12

Là một nhà thơ xuất sắc, Xuân Quỳnh đã có những tác phẩm vô cùng ấn tượng tiêu biểu phải kể đến là Chuyện cổ tích về loài người. Ngay từ tiêu đề, tác giả đã như muốn gợi dẫn về việc đưa chúng ta theo dòng thời gian đi từ khi được sinh ra ở những vùng đất sơ khai, dần dần trưởng thành cho tới khi cuộc sống phát triển văn minh từng ngày. Ở khổ thơ đầu tiên, khi ấy sự sống mới chỉ bắt đầu, trái đất còn hoang sơ “trụi trần”, chưa có màu xanh, “không dáng cây ngọn cỏ”. Thế nhưng trải qua năm tháng ở những khổ thơ tiếp theo, cuộc sống ngày một thay đổi khi mặt trời chiếu rọi ánh sáng khắp trái đất, đem lại sự sống cho muôn loài. Con người ngày càng trở nên đông đúc, cha mẹ, ông bà yêu thương và nuôi dưỡng trẻ em để chúng lớn lên trong những lời ru ngọt ngào. Gia đình ngày càng hoàn thiện, trí tuệ, sự hiểu viết của loài người, của thế giới “trẻ em” đi lên một bước tiến mới. Nhờ “bố bảo”, “bố dạy” mà trẻ em “biết ngoan”, “biết nghĩ”. Vạn vật xung quanh càng ngày càng trở nên rõ ràng và tươi sáng bởi chính những điều ấy, khi dần dần phát triển tiếng nói, chữ viết, có nền giáo dục. Đi theo đó là những trường lớp đào tạo và dạy dỗ trẻ em, rồi bàn, ghế, cái bảng, cục phấn, chữ viết, thầy giáo,.. Cuộc sống thay đổi diệu kì biết bao, loài người trên trái đất từng bước đạt được nền văn minh hoàn chỉnh. Bên cạnh việc khéo léo kể về sự phát triển của loài người, lòng yêu trẻ của tác giả được thể hiện trong bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” hết sức đằm thắm, nồng hậu. Trẻ em được mẹ sinh ra trong “tình yêu và lời ru”, được “bế bồng chăm sóc”. Trẻ em được “bố bảo cho biết ngoan – bố dạy cho biết nghĩ”. Trẻ em được đến trường học tập, và mọi điều tốt đẹp nhất đều dành cho trẻ em. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, êm dịu chúng ta được dẫn dắt tìm hiểu về khởi nguồn của loài người với những hình ảnh vô cùng đát giá. Hóa ra, mọi vật xuất hiện trên trái đất đều là để làm cho cuộc sống của trẻ em, của con người trở nên tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó là lời khéo léo nhắn nhủ: hãy chăm sóc, thương yêu, dạy dỗ trẻ em và dành cho thế giới tuổi thơ mọi điều tốt đẹp nhất.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 13

“Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh đã đem đến cho người đọc những lí giải thú vị về nguồn gốc của loài người qua khổ thơ đầu tiên. Tác giả đã cho chúng ta hình dung được cuộc sống trên trái đất khi mới có loài người “chỉ toàn là trẻ con”. Trái đất vẫn còn hoang sơ “trụi trần”, chưa có màu xanh, “không dáng cây ngọn cỏ”. Đó là khi trái đất vẫn còn trần trụi, không có một dáng cây hay ngọn cỏ. Ánh sáng của mặt trời cũng chưa xuất hiện, chỉ toàn là bóng đêm. Trời đã sinh ra trẻ em đầu tiên – đây chính là cách lý giải nguồn gốc có phần trái ngược với thực tế. Sau đó, tác giả lại lí giải cho người đọc về sự ra đời của mọi vật. Tất cả bắt nguồn từ trẻ em. Đôi mắt của trẻ em rất sáng nhưng chưa thể nhìn thấy gì, vì vậy mặt trời xuất hiện cho trẻ con nhìn rõ. Để giúp trẻ con nhận biết màu sắc thì cây mới có màu xanh, hoa mới có màu đỏ. Không chỉ màu sắc mà còn có âm thanh được trẻ con cảm nhận khi loài chim được sinh ra với tiếng hót. Dòng sông, biển cả, đám mây, con đường ra đời cũng là để phục vụ cuộc sống của trẻ con. Qua việc lí giải này, người đọc thấy được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho trẻ em.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 14

Đoạn thơ mà em yêu thích nhất trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người chính là đoạn thơ cuối cùng. Tác giả miêu tả cái bảng to bằng cái chiếu, còn viên phấn thì được tạo ra từ đá. Cách lí giải nguồn gốc của viên phấn thật đơn giản, ngộ nghĩnh theo suy nghĩ của trẻ thơ. Sau đó, hình ảnh người thầy giáo xuất hiện trên bục giảng, viết thật to dòng chữ “Chuyện loài người”. Dòng chữ ấy được viết trước tiên, báo hiệu nội dung bài học được dạy sẽ là chuyện về nguồn gốc của loài người. Điều đó khiến bài thơ không hề khép lại, mà mở ra với một câu chuyện mới. Câu chuyện ấy lại vòng về khổ đầu của bài thơ Chuyện cổ tích loài người, khi Trái Đất vừa sinh ra. Cách kết thúc ấy tạo thành một vòng lặp vô tận cho toàn bài thơ. Từ đó, tạo ra nét thú vị đặc biệt, khiến em đặc biệt ấn tượng và yêu thích khổ thơ cuối này.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 15

Đoạn thơ mà em yêu thích nhất trong bài thơ Chuyện cổ tích về loài người là đoạn thơ viết về sự ra đời của mẹ. Từ những dòng thơ mà tác giả viết, người đọc có thể hình dung được sự ra đời của người mẹ đó chính là dành cho trẻ con tình yêu thương, chăm sóc và những lời ru tiếng hát. Những lời ru tiếng hát ấy mở ra cho trẻ con sự hiểu biết về thế giới xung quanh, từ cành hoa, cánh cò cho đến vị nguồn, cơn mưa. Tác giả đã liệt kê hình ảnh, hương vị, màu sắc mà người mẹ đem đến cho trẻ con. Và ý nghĩa của chính sự xuất hiện của mẹ đó chính là đem đến cho trẻ con tình yêu thương và chăm sóc. Nhờ giọng thơ vui vẻ, người đọc có thể hình dung được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con một cách kỳ diệu, thiêng liêng và tràn ngập màu sắc.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 16

Khi đọc “Chuyện cổ tích của loài người”, tôi cảm thấy ấn tượng nhất với đoạn thơ nói về sự ra đời của mẹ:

“Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…

Tình mẫu tử vốn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống. Người mẹ đã dành cho trẻ con sự chăm sóc từ khi mới sinh ra, cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Người mẹ nâng niu con trong bàn tay, chăm sóc con từ cái ăn đến giấc ngủ với lời ru, tiếng hát. Những lời ru đã mở ra cho trẻ con những hiểu biết về thế giới xung quanh. Tác giả đã liệt kê ra các hình ảnh, màu sắc, hương vị xuất hiện từ lời ru của mẹ. Chỉ bằng những câu thơ ngắn gọn, Xuân Quỳnh đã giúp cho người đọc hiểu được ý nghĩa của người mẹ đối với trẻ con thật là sâu sắc.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 17

Lí giải về nguồn gốc của loài người cho trẻ em thật khó. Nhưng nữ sĩ Xuân Quỳnh đã có cách giải thích thật khéo léo, tinh tế và dễ hiểu với bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người”. Và đây là một đoạn thơ đặc sắc:

“Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Thế nên mẹ sinh ra

Để bế bồng, chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

Mở đầu đoạn thơ là sự có mặt của người mẹ trong thế giới. Khổ thơ như chia làm hai vế, vế đầu“Nhưng còn cần cho trẻ. Tình yêu và lời ru” là điều kiện cần, còn vế sau “Thế nên mẹ sinh ra. Đề bế bồng, chăm sóc” là kết quả thỏa mãn điều kiện đó. Lúc đầu trời sinh ra chỉ toàn là trẻ con, rồi mọi thứ dần dần ra đời để nuôi dưỡng bé. Và lí do mẹ có mặt trên đời cũng thật giản dị và ý nghĩa, vì có bé ở trên đời. Bé cần rất nhiều thứ để lớn khôn như mặt trời, cây cỏ, chim muông, sông suối, cá tôm… nhưng có lẽ hơn hết thảy bé cần tình yêu và lời ru. Từ “nhưng” đặt đầu câu nhằm nhấn mạnh sự quan trọng của hai yếu tố đó và lí giải sự xuất hiện của mẹ là điều tất yếu. Bởi bé là niềm vui, là nguồn hạnh phúc của mẹ. Bé cần có bàn tay dịu dàng vuốt ve, cần lời hát ru để lớn, cần sự dạy bảo để thành người. Mẹ xuất hiện là vì thế bé yêu ạ !

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 18

Đến với “Chuyện cổ tích của loài người” của Xuân Quỳnh, tôi cảm thấy thích nhất là khổ thơ nói về sự ra đời của bố:

“Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất…”

Khi xã hội văn minh hơn, còn trẻ em bắt đầu trưởng thành hơn, bố chính là người dạy cho trẻ những hiểu biết về cuộc sống. Không giống như bà đem đến những câu chuyện cổ tích về bài học đạo đức. Hay mẹ dành tình yêu bằng sự chăm sóc trong cuộc sống hàng ngày. Thì bố là người giúp trẻ em biết suy nghĩ và ngoan ngoãn hơn. Nhờ sự dạy dỗ của bố mà trẻ em trở nên trưởng thành hơn. Bố còn là người dạy cho trẻ biết khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống: đâu là mặt bể, đâu là con đường, núi như thế nào và trái đất ra sao… Nhờ có sự dạy dỗ của bố mà trẻ con có thêm được những kiến thức thật bổ ích. Như vậy, đoạn thơ đã giúp người đọc hiểu hơn về vai trò của bố với một đứa trẻ.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 19

Bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc. Đặc biệt nhất là khổ thơ lí giải sự ra đời của người mẹ:

“Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng…”

Trẻ con cần có sự chăm sóc, vậy là mẹ đã ra đời. Người mẹ đã dành cho trẻ con sự chăm sóc từ khi mới sinh ra, cho đến khi lớn lên, trưởng thành. Trong vòng tay của mẹ, đứa trẻ lớn lên theo từng ngày. Tiếng ru gửi gắm tình yêu thương dành cho con. Trong lời ru có âm thanh, mùi vị, hương sắc, hình dáng… của thiên nhiên. Từ đó mà con có thể cảm nhận thế giới xung quanh nhiều hơn. Lời ru cũng như tình yêu của mẹ đều có nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau, tự nhiên như trời đất vốn có. Những câu thơ khiến mỗi người thấy thật cảm động, tự hào về tình mẫu tử. Đây có thể được coi là một khổ thơ hay nhất trong bài thơ của Xuân Quỳnh.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 20

Đoạn thơ để lại cho em nhiều ấn tượng nhất trong “Chuyện cố tích về loài người” của Xuân Quỳnh là đoạn mở đầu:

“Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác”

Đến với “Chuyện cổ tích về loài người”, Xuân Quỳnh đã lí giải cho người đọc về nguồn gốc của loài người một cách độc đáo mà thú vị. Viết theo hình thức một bài thơ, nhưng tác phẩm lại giàu tính tự sự, giống như một câu chuyện được kể lại – về nguồn gốc loài người. Đó là khi trái đất vẫn còn trần trụi, không có một dáng cây hay ngọn cỏ. Ánh sáng của mặt trời cũng chưa xuất hiện, chỉ toàn là bóng đêm. Trời đã sinh ra trẻ em đầu tiên – đây chính là cách lý giải nguồn gốc có phần trái ngược với thực tế. Nhưng qua việc lí giải này, người đọc thấy được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho trẻ em.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 21

Mọi người đã có những lí giải khá thú vị về nguồn gốc của loài người sau khi đọc khổ thơ đầu tiên trong bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của nhà thơ Xuân Quỳnh. Qua đoạn thơ tác giả đã giúp cho người đọc phần nào hình dung được một trái đất với cuộc sống khi mới có loài người, khi ấy trên trái đất chỉ toàn là trẻ con. Và trái đất vẫn còn trần trụi bởi vẻ hoang sơ, chưa có màu xanh của cây xanh cũng như không có bóng dáng của một ngọn cỏ nào cả:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác.”

Đây chính là lúc trái đất còn trần trụi, hoang sơ, không có một bóng dáng một cây xanh hay một ngọn cỏ. Khi ấy cũng chưa xuất hiện ánh sáng của mặt trời mà trái đất bị che phủ bởi một màu bóng đêm. Trẻ em chính là thứ đầu tiên mà Trời sinh ra. Và đây cũng chính là cách lý giải về nguồn gốc của con người có phần đi ngược so với cách lý giải thực tế. Nhoài ra Xuân Quỳnh còn lí giải về sự ra đời của mọi vật cho người biết được. Và tất cả những thứ có trên trái đất đều được bắt nguồn từ trẻ em. Đối với trẻ em thì đôi mắt của các em rất sáng nhưng chưa nhìn thấy. Để góp phần nào đó vào việc giúp các em nhận biết được màu sắc thì cây cối mới có màu xanh, hoa có màu đỏ. Không những có màu sắc mà còn có thêm cả những âm thanh được phát ra từ tiếng chim đang hót. Tất cả những thứ như: Dòng sông, biển cả, con đường hay những đám mây được sinh ra đời cũng chỉ nhằm mục đích là phục vụ cho cuộc sống của trẻ con. Người đọc có thể cảm nhận được tác giả Xuân Quỳnh đã dành tình yêu thương sâu sắc đối với trẻ em khi chúng ta đọc bài thơ. Qua việc lí giải này, người đọc thấy được tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho trẻ em.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 22

Bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh gợi cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là đoạn thơ lí giải sự ra đời của người bà:

“Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện”

Trong tuổi thơ của mỗi người, có lẽ hình ảnh người bà đã vô cùng gắn bó, quen thuộc. Bởi vậy mà tác giả đã để hẳn một khổ thơ để nói về sự ra đời của bà. Trong quá trình lớn lên, trẻ con sẽ thích lắng nghe, tìm hiểu về những chuyện ngày xưa. Vậy mà bà xuất hiện để kể những truyện cổ tích cho trẻ con nghe. Nào chuyện về con cóc, nàng tiên; hay cô Tấm dịu hiền, đảm đang; tên Lí Thông độc ác, gian xảo. Qua mỗi câu chuyện, bà sẽ gửi gắm một bài học răn dạy giá trị. Hình ảnh về người bà với mái tóc bạc, đôi mắt sáng ngời cùng giọng kể ấm áp đã in đậm trong tâm hồn trẻ thơ.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 23

Bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ đã lý giải về nguồn gốc ra đời của loài người đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng, cảm xúc sâu sắc không thể nào quên. Đặc biệt, đó là khổ thơ về tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng lí giải về nguồn gốc ra đời của người mẹ:

“Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

Những đứa trẻ con phải cần có sự một người mẹ để chăm sóc, hát những tiếng hát ru ngọt ngào, vậy là người mẹ đã được ra đời. Người mẹ xuất hiện đã mang đến một tình yêu bao la, vô bờ bến dành cho những đứa trẻ con bé nhỏ cần sự chăm sóc, nuôi nấng dịu dàng của người mẹ từ khi mới sinh ra, cho đến khi đứa trẻ trưởng thành. Chữ “từ” mở đầu những câu thơ đã khẳng định nguồn gốc ra đời của những lời ru ngọt ngào. Có thể thấy được tình cảm của tình mẫu tử thiêng liêng biết nhường nào. Trong vòng tay ấm áp của người mẹ, đứa trẻ từng ngày lớn lên. Những tiếng hát ru gửi gắm biết bao tình thương yêu của người mẹ dành cho đứa con thơ. Trong tiếng hát ru có âm thanh, có hương, có sắc, có mùi vị, có hình dáng ….. của muôn ngàn tự nhiên. Chính từ đó, đã làm cho đứa trẻ có thể cảm nhận được một thế giới xung quanh nó nhiều hơn. Những lời hát ru cũng chính như tình cảm yêu thương của người mẹ mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhiều sắc thái khác nhau, của tự nhiên như đất trời vốn có sẵn. Những câu thơ về lý giải nguồn gốc ra đời của người mẹ không chỉ thấy được tình cảm mẫu tử thiêng liêng vô cùng cảm động, mà còn khiến người ta tự hào về thứ tình cảm ấy. Có lẽ rằng, khổ thơ này có thể được coi là khổ thơ hay nhất và xuất sắc trong bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 24

Đoạn thơ để lại cho em nhiều ấn tượng nhất trong tác phẩm “Chuyện cố tích về loài người” của nhà thơ Xuân Quỳnh là khổ thơ đầu tiên:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác.”

Và khi đến với “Chuyện cổ tích về loài người” thì nguồn gốc của loài người được Xuân Quỳnh lí giải một cách độc đáo và thú vị. Tác phẩm mang tính tự sự, giống như một câu chuyện kể về sự tích loài người mặc dù được viết dưới hình thức của một bài thơ. Khi đó trái đất vẫn còn hoang sơ trần trụi và không có đến một bóng cây hay ngọn cỏ nào. Và lúc đó cũng chưa xuất hiện ánh sáng của mặt trời, bầu trời được bao phủ bởi bóng đêm. Cách lí giải nguồn gốc loài người có phần ngược lại với thực tế khi kể rằng trẻ em là thứ mà Trời đã sinh ra đầu tiên. Thế nhưng việc lí giải này khá độc đáo và thú vị, khiến người đọc cảm nhận được tình yêu thương sâu sắc dành cho trẻ em của Xuân Quỳnh.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 25

Những sáng tác của Xuân Quỳnh rất tình cảm và nhẹ nhàng, trong số đó không thể nào không kể đến bài thơ “Chuyện cổ tích của loài người”. Khổ thơ nói về nguồn gốc ra đời của người bố đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc:

Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ

Rộng lắm là mặt bể

Dài là con đường đi

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là trái đất…”

Khi xã hội trở nên văn minh hơn trước và những đứa trẻ con dần dần trưởng thành sẽ muốn học hỏi, khám phá những điều mới lạ có trong cuộc sống, người bố chính là người sẽ dạy bảo cho đứa trẻ những điều bổ ích, sự hiểu biết có trong cuộc sống. Không giống như những câu chuyện cổ tích về bài học cuộc sống có đạo đức mà người bà đã mang đến cho con cháu. Không giống như tình yêu thương, sự dịu dàng chăm sóc hàng ngày của người mẹ dành cho đứa trẻ. Còn bố chính là người đã dạy bảo giúp cho trẻ em biết cách suy nghĩ, có sự hiểu biết về cuộc sống và trở nên ngoan ngoãn hơn. Sự dạy dỗ ấy đã giúp cho biết bao nhiêu trẻ em đã trưởng thành hơn rất nhiều. Bố đã uốn nắn, dạy bảo, giải đáp cho trẻ em những điều mới lạ, giúp trẻ biết cách khám phá chúng trong cuộc sống: dạy đâu là một con đường, đâu là cái mặt bể, đâu là ngọn núi và dạy về trái đất có hình thù ra sao. Chính nhờ sự dạy dỗ ân cần ấy của bố đã cung cấp cho trẻ con có thêm kiến thức bổ ích và nên người. Như vậy, đoạn thơ về lí giải về nguồn gốc ra đời của người bố đã giúp cho độc giả có một cái nhìn sâu sắc về vai trò to lớn của người bố trong quá trình lớn lên của một đứa trẻ.

Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người- Mẫu 26

Bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Xuân Quỳnh. Với sự nhẹ nhàng, tình cảm mà bài thơ mang lại đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng độc đáo, nhất là qua khổ thơ lý giải về nguồn gốc ra đời của người bà:

Biết trẻ con khao khát

Chuyện ngày xưa, ngày sau

Không hiểu là từ đâu

Mà bà về ở đó

Kể cho bao chuyện cổ

Chuyện con cóc, nàng tiên

Chuyện cô Tấm ở hiền

Thằng Lý Thông ở ác…

Mái tóc bà thì bạc

Con mắt bà thì vui

Bà kể đến suốt đời

Cũng không sao hết chuyện”

Hình ảnh về người bà đã chẳng còn xa lạ gì ở trrong tuổi thơ của mỗi con người, đó là một hình ảnh quen thuộc, gắn bó vô cùng. Chính vì vậy, nhà thơ Xuân Quỳnh đã để riêng hẳn một khổ thơ nói đến nguồn gốc ra đời của người bà thân thương. Mỗi đứa trẻ khi lớn lên trưởng thành đều thích tìm hiểu, lắng nghe về những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Sự xuất hiện của người bà chính là để kể những truyện cổ tích với bài học đạo đức mang ý nghĩa sâu sắc cho cho trẻ em nghe. Những câu chuyện về con cóc, về nàng tiên; hay chuyện cô Tấm hiền dịu; chuyện gã Lí Thông gian xảo. Thông qua từng câu chuyện cổ tích, người bà muốn gửi gắm những bài học về nhận thức sâu sắc đến cho trẻ con.

*****

Trên đây là hơn 26 mẫu Đoạn văn cảm nhận về một đoạn thơ trong Chuyện cổ tích về loài người lớp 7 do thầy cô biên soạn. Hy vọng nội dung trong bài học hôm nay sẽ giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình đạt điểm số cao nhất nhé.

Đăng bởi thầy cô trường THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tậplớp 7

5/5 - (4 bình chọn)


Nguyễn Thanh Tùng

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button