Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau lớp 4 (5 Mẫu)

Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau bao gồm hướng dẫn viết cùng 5 bài mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em học sinh lớp 4 trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết đoạn văn ngày một hoàn thiện hơn.

Đề bài: Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau.

Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau.
Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau.

Mục lục

Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau – Mẫu 1

Như em đã giới thiệu, cây hoa mười giờ là loài hoa đặc biệt, nở hoa theo thời gian nhất định trong ngày. Hoa nở vào sáng khoảng 10 giờ và tàn đi ngay sau đó. Lúc hoa nở, đám lá như không còn được ai để ý tới. Những bông hoa vươn mình “ghi điểm” trong mắt người thưởng thức hoa. Bông nào bông nấy cứ thật đẹp, thật xinh. Ấy vậy mà chỉ quá độ trưa, chiều, nhìn vào cây hoa mười giờ khó ai có thể nghĩ chúng từng đẹp đến nhường nào. Cây không hoa chỉ còn lại những lá mầm xanh thẫm, chi chít, lúc nhúc đan vào nhau chằng chịt như chẳng cho hoa nhú lên được nữa.

Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau – Mẫu 2

Mùa xuân đến, từ trên thân bàng khẳng khiu trơ trọi bắt đầu nhô lên những mầm xanh nhỏ xíu. Đó chính là lá bàng vừa được sinh ra đó. Phải chờ qua mấy bận mưa xuân lất phất, những chồi non bé xíu ấy mới vươn lên và giãn ra, khoe thân hình giống như giọt nước nhỏ xanh nõn. Lúc này lá bàng đã rõ hình rõ dáng lắm rồi. Dần dần, theo cái nắng ngày càng đậm màu hơn, đất trời ấm áp hơn, lá bàng cũng lớn nhanh như thổi. Chúng rủ rỉ nhau phải lớn lên thật nhanh để kịp xây dựng nên tán bàng tươi tốt, che nắng cho mấy đứa học trò còn ra chơi vào giờ giải lao. Thế là, khi hè thực sự về đến, mấy cái lá nhỏ xíu hôm nào đã to ra như bàn tay của bố. Cả trăm, cả nghìn bàn tay xanh lá ấy vẫy vẫy theo gió hè, tấu nên bản nhạc xào xạc đã hát cả bao nhiêu năm nay mà vẫn chưa thấy chán. Cứ thế, lá bàng xanh mượt suốt cả mùa hè, cần mẫn chắn nắng, chắn mưa. Để rồi khi thu sang, tất cả đồng loạt chuyển sang màu vàng và đỏ thẫm. Mới đầu là những chiếc lá gần thân cây nhất, rồi dần dần lan ra đến những chiếc lá tít ở ngọn, như một ngọn lửa đang lan ra vậy. Rồi chợt một sáng nọ, khi cơn gió heo may thổi qua, lá bàng ồ ạt rụng hết về cội, để lại thân cây trơ trọi. Thế là một lần nữa thân bàng lại còm cõi, xác xơ chờ mùa xuân đến.

Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau – Mẫu 3

Trong sân trường em có một cây phượng. Không biết nó đã ở đây từ bao giờ, chỉ thấy bác bảo vệ kể rằng nó đã chứng kiến rất nhiều lứa học sinh vào trường rồi tốt nghiệp. Đối với em, em ấn tượng nhất với những bông hoa phượng. Quanh năm, cây phượng cứ xanh rì, tỏa bóng mát cho bao thế hệ người học. Thế nhưng đến khi hè về, tiếng ve kêu râm ran, em lại thấy màu đỏ rực lấp ló sau những tán cây. Hoa phượng xuất hiện như những đốm lửa nhỏ, làm sáng rực cả một khoảng sân. Đó chính là báo hiệu cho một năm học chuẩn bị kết thúc, cũng như thời gian em được học ở trường lại ngắn đi. Điều này khiến em lại càng thêm trân trọng những phút giây ở bên thầy cô và bạn bè hơn.

Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau – Mẫu 4

Lúc còn là lá non, lá chuối chỉ dài chừng gần một mét. Toàn thân lá mềm và ngậm nước, có màu xanh bơ nhạt nhòa. Màu xanh ấy đặc trưng chỉ mình nó mới có, nên được đặt tên là xanh nõn chuối. Tàu lá còn mong manh, nên cuộn lại như phong thư, dựng thẳng lên trời để tránh bị gió quật nát. Chỉ độ qua một tuần trăng, chiếc lá chuối ấy chuyển dần sang màu xanh đậm hơn. Hai bên lá chuối dọc theo cuống lá cũng dài ra và cứng cáp hơn hẳn. Vì vậy, mà phong thư hôm nào đã được gió cởi nút cho, mở bung ra, phấp phới chào anh chị lá khác. Rồi dần dần, lá chuối dài ra hơn, phần lá cũng rộng hơn, nên cả tàu lá chuối không còn đứng thẳng được nữa, phải nằm ngửa ra, nghiêng hẳn sang một bên. Mặt trên của lá tắm nắng suốt ngày nên dần chuyển sang xanh thẫm hơn hẳn. Còn mặt lá dưới thì vẫn còn chút sắc xanh nõn ngày nào, lại còn được phủ thêm ít phấn trắng nữa chứ. Cứ thế, lá chuối xanh tươi suốt mấy tháng ròng. Cho đến khi lá dần già đi, mặt lá bị gió đánh rách thành nhiều đoạn rồi khô quắt đi, chuyển màu nâu xám ngắt. Lúc này, lá chuối đã già và héo đi ngay khi còn bám trên cây. Khi ngay cả phần cuống ấy cũng bị héo quắt lại, thì lá chuối mới tự rụng ra khỏi thân cây.

Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau – Mẫu 5

Đối với bao thế hệ học sinh, cây bàng là một “người bạn đồng hành” vô cùng quen thuộc. Trải qua nhiều năm, em đã được chứng kiến sự thay đổi hết sức thú vị của lá bàng qua từng thời điểm. Mùa xuân, cây ra những chồi non bé nhỏ, xanh biếc. Nhưng chẳng mấy chốc, chúng đã dần trở nên xanh đậm, phát triển thành nhiều tán lá um tùm. Đến mùa hè, những chiếc lá to bản mọc chi chít trên cây, tỏa bóng mát ở cả một khoảng sân. Khi thu sang, lá bàng dần chuyển màu vàng sẫm, có cái lại mang ánh đỏ. Chúng cũng dần khô lại, chỉ cần một làn gió thoảng qua là rơi rụng xuống đất. Cứ như vậy đến lúc đông đến, lá đã rụng hết, chỉ còn lại cành cây trơ trọi. Và rồi, từ những cành khẳng khiu ấy, mầm sống dần được ấp ủ, chờ đợi mùa xuân đến để “hồi sinh”. Được quan sát sự thay đổi của lá bàng quả thật là một điều vô cùng thú vị.

*****

Trên đây là 5 bài mẫu Tả một bộ phận của cây thay đổi ở những thời điểm khác nhau lớp 4 do thầy cô trường Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập của mình. Chúc các em hoàn thành tốt bài tập của mình với điểm số cao nhất nhé.

Đăng bởi: THCS Bình Chánh 

Chuyên mục: Học tập, Lớp 4

5/5 - (17 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *