Mời các em theo dõi nội dung bài học về Tác giả Hà Ân là ai? Sự nghiệp của Tác giả Hà Ân do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.
Tác giả Hà Ân là ai?
Hà Ân tên thật là Hoàng Hiển Mô, (16 tháng 1 năm 1928 – 25 tháng 1 năm 2011 tại Hà Nội), quê ở Hà Nội; là một nhà văn Việt Nam. Ông nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, truyện kể lịch sử và dã sử.
Năm 1947, ông gia nhập Trung đoàn thủ đô liên khu I trong kháng chiến chống Pháp, rồi làm trưởng ty Hoa kiều vụ tỉnh Lào Cai năm 1948. Năm 1955, ông về làm giáo viên văn hóa ở trường quân y và hậu cần. Năm 1964, Hà Ân bắt đầu làm công việc nghiên cứu ở Viện bảo tàng quân đội. Từ năm 1964, ông làm biên tập viên cho Nhà xuất bản Hà Nội đến khi nghỉ hưu năm 1990.
Bạn đang xem: Tác giả Hà Ân là ai? Sự nghiệp của Tác giả Hà Ân
Sự nghiệp của tác giả Hà Ân
Tác phẩm chính
- (truyện lịch sử, 1962)
- Rừng biên giới
- Tướng quân Nguyễn Chích
- Quận He khởi nghĩa (truyện lịch sử, 1963)
- Nguyễn Trung Trực (truyện lịch sử, 1964)
- Phú Riềng đỏ (ký lịch sử, 1965)
- Bên bờ Thiên Mạc (truyện lịch sử, 1967)
- Tổ quốc kêu gọi (tiểu thuyết lịch sử, 1973)
- Trên sông truyền hịch (truyện lịch sử, 1973)
- Trăng nước Chương Dương (truyện lịch sử, 1975)
- Lưỡi gươm nhân ái (truyện lịch sử, 1981)
- Ông Trạng thả diều (truyện lịch sử, 1982)
- Cái chum vàng (truyện lịch sử, 1986)
- Vụ án trầu cánh phượng (truyện lịch sử, 1990)
- Kho báu dưới gốc hoàng đào (truyện lịch sử, 1993)
- Mùa chim ngói (tập truyện, 1995)
- Khúc khải hoàn dang dở (tiểu thuyết lịch sử, 2002)
- Ngoài ra còn có một số kịch bản hoạt hình, sách giáo khoa tiểu học…
Ông là người chuyên tâm về để tài lịch sử. Viết về lịch sử, Hà Ân cố gắng đạt tới những quan niệm riêng và chuẩn xác “Người viết có kiến thức rộng rãi chính xác của sử gia và có tưởng tượng sáng tạo vô cùng phong phú của tiểu thuyết gia” và điều quan trọng nhất là phải có cái tâm. Tuy chưa phải đã hoàn hảo, nhưng tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân cho thấy sự kết hợp khá nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử vững chãi, cảm xúc dồi dào. tưởng tượng phong phú của nhà văn. Quả là “ông đã làm chủ được lịch sử bằng ngòi bút tưởng tượng phong phú của mình”. Cũng có thể cái tâm thành và trong sáng của ông trong định hướng : tìm khơi về bản chất vẻ đẹp của con người Việt Nam qua những chiến công của cha ông và những nhân vật lịch sử rất đẹp của dân tộc, đặc biệt trong cuộc chiến đấu trường kỳ chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.
Hà Ân dành nhiều tâm huyết cho những tác phẩm viết cho thiếu nhi. Ông quả là “người kể chuyện lịch sử hào hứng và thú vị của tuổi trẻ”. Ông không áp đặt, mà biết khơi gợi một cách tự nhiên cái cảm hứng lịch sử từ trong lòng các em. Không dừng lại ở những sự kiện, những nét vốn quen thuộc, ông gắng khơi sâu vào thế giới thầm kín bên trong của từng nhân vật lịch sử. Vượt ra khỏi sự khuôn cứng, ông cố tạo dựng môi trường, không khí lịch sử chân thực, sinh động. Truyện của Hà Ân do vậy có sức cuốn hút, dẫn dắt người đọc vào thế giới hấp dẫn đầy những bất ngờ, lý thú của quá vãng. Đề tài lịch sử của Hà Ân thường khá tập trung. Ông có viết về một “Ông Trạng thả diều”, một bà Ỷ Lan trong coi việc nước thời Lý, một ông vua anh minh, một bác học lỗi lạc thời Lê… Nhưng chủ yếu, truyện của Ông xoay quanh những chiến công chống ngoại xâm của cha ông với những nhân vật lịch sử đáng trân trọng : Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng, Trần Quang Khải, rồi Nguyễn Chích, Trần Lựu, Quang Trung. Cốt truyện lịch sử của Hà Ân thường đơn giản. Nhưng, bằng những sáng tạo nghệ thuật, ông đã đem đến cho những cốt truyện đơn giản ấy sự sinh động, hấp dẫn riêng.
Giải thưởng
- Giải C Giải văn học thành phố Hà Nội cho tiểu thuyết lịch sử Ngàn năm Thăng Long
- Giải bồ câu vàng kịch bản phim hoạt hình Ông Trạng thả diều
- Nhiều lần giải A văn học thiếu nhi Trung ương Đoàn
- Giải khuyến khích kịch bản hoạt hình Ngựa thần Tây Sơn
Hà Ân – nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử có những nhân vật tình báo
Hà Ân là một trong rất ít nhà văn chuyên viết tiểu thuyết lịch sử. Trong tác phẩm của ông luôn có nhân vật làm tình báo. Và nhân vật ấy rất hấp dẫn đối với người đọc.
Cuộc sống của nhà viết tiểu thuyết lịch sử này thật khiêm tốn, giản dị. Nếu Hà Ân không kể, chắc không mấy ai biết, ông đã từng là một chiến sĩ công an hoạt động bí mật trong nội thành suốt từ năm 1945 đến 1948. Sau đó ông được chuyển sang đội công tác đặc biệt hoạt động ở Lào Cai. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được cấp trên cho về Hà nội chờ công tác mới. Những ngày chờ đợi ấy đã đưa ông đến với ý tưởng cầm bút.
Năm 1961, cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên: “Tướng quân Nguyễn Chích” của ông ra mắt bạn đọc. Có thể coi đây là tác phẩm đầu tiên mang dấu ấn nghề nghiệp của ông. Hà Ân tâm sự: “Khi tôi viết đến cuốn sách thứ hai, cảm giác như mình đã thành nghề. Cái khó là nắm cho được thần thái của nhân vật đã được chép vào sách sử”. Đến nay gia tài của ông đã có 8 tiểu thuyết lịch sử. Trong đó ông dành nhiều thời gian cho 2 cuốn “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở”.
Để hoàn thành cuốn “Khúc khải hoàn dang dở” ông phải lao động vất vả suốt 20 năm trời. Giải thích cho sự chậm chạp này ông tâm sự: “Chẳng ai viết một cuốn tiểu thuyết 10 năm chứ chưa nói đến 20 năm như tôi. Bởi lẽ sau 6 năm trời hùi hụi tìm tòi tư liệu để xây dựng nhân vật để rồi lại phải đốt đi tất cả bản thảo chỉ vì có sự nhầm lẫn về tư liệu. Về “tai nạn nghề nghiệp” này, ông kể: Trong cuốn “Khúc khải hoàn dang dở” nhân vật chính ban đầu của tôi là Trần Quốc Tảng, một ông hoàng văn võ song toàn nhưng ngạo đời và có nhiều trắc ẩn. Nhất là khi đọc bài “Phóng cuồng ca” tôi đinh ninh là của Trần Quốc Tảng với những câu như sau:
“Trời đất xa trông chừ sao ta thấy mênh mông
Ngoài vòng cương tỏa chừ ta chống gậy chơi rong..”
Tôi bị mê hoặc bởi con người Trần Quốc Tảng, qua những dòng sử liệu. Phần cuối cuốn tiểu thuyết hoàn thành dựa trên tâm điểm là bài “Phóng cuồng ca”. Nhưng khi cuốn tiểu thuyết sắp hoàn thành thì Hà Ân đọc được một bài báo trên Tạp chí Văn học xác nhận “Phóng cuồng ca” là của Trần Tung! Thế là mọi ý định của ông bị sụp đổ.
May mà sau khi đốt đi hàng trăm bản thảo, đọc lại thư tịch cổ ông bắt “gặp” Đỗ Vĩ– một nhà tình báo thời Nhà Trần, một chàng trai Thăng Long tài hoa, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt… Lúc ấy ông mới tiếp tục công việc viết cuốn tiểu thuyết “Khúc khải hoàn dang dở”. Từ đó, hai nhân vật Trần Nhật Duật và Đỗ Vĩ đã trở thành nguồn động viên, hối thúc ông viết hết chương này sang chương khác.
Hình ảnh người điệp viên Đỗ Vĩ (thế kỷ XIII) sừng sững trong tác phẩm như một minh chứng cho ý chí gan dạ và lòng trung thành quả cảm của con người đất Việt. Đỗ Vĩ đã sống một cuộc đời thật oanh liệt, đầu đội trời chân đạp đất tận đến khi bị địch đầu độc chết ở nơi đất khách quê người.
Còn nhân vật Trần Nhật Duật, lại là một hình tượng về một vị tướng tài ba, am tường các vấn đề dân tộc, biết nhiều ngoại ngữ và tiếng các dân tộc người miền biên viễn. Nếu như Đỗ Vĩ đã cung cấp cho Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo nhiều tin tức tình báo rất có giá trị từ ngoài biên giới thì Trần Nhật Duật đã giúp cho vua Trần Nhân Tông những kế sách đoàn kết các dân tộc giữ gìn an ninh nội bộ, chống giặc ngoại xâm.
Nhà văn Hà Ân có 4 người con, ba gái một trai. Vợ ông mất năm 1978 để lại cho ông các con còn thơ trẻ. Có lẽ vì sống trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con” chừng ấy năm trời nên mảng đề tài cho thiếu nhi cũng được ông rất quan tâm. Từ những cuốn sách: “Trăng nước Chương Dương”; “Bên bờ Thiên Mạc”; “Trên Sông truyền hịch”; “Tướng quân Nguyễn Chích”… trên tủ sách tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân, tôi thầm ước một ngày gần đây sẽ được xem bộ phim lịch sử của Việt Nam dàn dựng từ chính những tác phẩm này.
Những bộ phim lịch sử Việt Nam sẽ thay dần những bộ phim dã sử của Trung Quốc: thời “Tam Quốc diễn nghĩa”, thời “Đông chu liệt quốc”, thời nhà Hán nhà Thanh… đã và đang trình chiếu nhiều lần trên các kênh truyền hình thời gian qua. Chỉ có những bộ phim Việt Nam với những nhân vật lịch sử Việt Nam mới giúp khán giả hiểu thêm về lịch sử đất nước và bồi đắp thêm niềm tự hào về con người và hào khí của dân tộc…
Trọn bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Hà Ân
Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử gắn bó với các thế hệ bạn đọc, khơi dậy tình yêu đất nước, niềm tự hào với lịch sử dân tộc.
Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản trọn bộ tiểu thuyết lịch sử viết về đời Trần của nhà văn Hà Ân, nhân kỉ niệm 65 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17.6.1957-17.6.2022).
Nhà văn Hà Ân (1928 – 2011) nổi tiếng với các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, truyện kể lịch sử, dã sử và đã được tặng nhiều giải thưởng văn học uy tín. Ông là nhà văn thể hiện xuất sắc nhất về lịch sử nhà Trần và cuộc chiến chống Nguyên Mông oai hùng của dân tộc. 5 tiểu thuyết được nhà văn Hà Ân viết trong suốt 35 năm kể từ khi xuất bản cuốn “Bên bờ Thiên Mạc” năm 1967 đến khi cuốn “Khúc khải hoàn dang dở” xuất bản năm 2002.
5 tiểu thuyết tạo thành bộ tiểu thuyết đồ sộ, hoành tráng về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, về con người và cuộc sống đời Trần, về những người anh hùng dân tộc từ vĩ nhân lịch sử đến những người nông dân bình thường đã làm nên ba lần chiến thắng vang dội.
Đây là lần đầu tiên 5 tiểu thuyết (Trên sông truyền hịch, Bên bờ Thiên Mạc, Trăng nước Chương Dương, Người Thăng Long, Khúc khải hoàn dang dở) được xuất bản cùng một lúc, với một diện mạo mới bề thế, bìa và minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long và Nguyễn Thành Phong.
5 tiểu thuyết được in thành 3 cuốn sách bìa cứng “Trăng nước Chương Dương” (bao gồm 3 tiểu thuyết: “Trên sông truyền hịch”, “Bên bờ Thiên Mạc”, “Trăng nước Chương Dương”); “Người Thăng Long” và “Khúc khải hoàn dang dở”.
Nhà văn Hà Ân chuyên viết về đề tài lịch sử. Từ một người yêu sử và nghiên cứu sử, ông đã trở thành người kể chuyện lịch sử uyên bác và hào hoa. Tiểu thuyết lịch sử của Hà Ân là sự kết hợp nhuần nhị giữa kiến thức lịch sử vững chãi, cảm xúc dồi dào, tưởng tượng phong phú của nhà văn. Nhà văn Hà Ân kể chuyện lịch sử qua những nhân vật lịch sử, những danh nhân của dân tộc, khơi gợi một cách tự nhiên cảm hứng lịch sử từ trong lòng người đọc.
Trên sông truyền hịch khắc họa hình ảnh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người chỉ huy quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Trả lời câu hỏi của vua Trần “Thế giặc mạnh nên hàng hay đánh?”, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn khảng khái đáp: “Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu thần trước đã”.
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã thấy được sức mạnh của lòng dân, trăm họ “Dân tộc ta kiên cường, yêu nước. Điều ấy là cội rễ của non sông xã tắc.”. “Trăm họ là một sức mạnh vô địch. Trăm họ có thể hi sinh từ niềm vui, lẽ sống đến tài sản, tính mạng của họ cho đất nước độc lập.”. Với ý chí “Sát Thát” được khắc ghi trên cánh tay, toàn thể nhân dân Đại Việt đã một lòng đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Trên dòng sông Thiên Đức linh thiêng, “Hịch tướng sĩ” đã được loan truyền, động viên, khích lệ ý chí và tinh thần của quân dân khởi đầu cho những chiến thắng lẫy lừng sử sách…
Bên bờ Thiên Mạc với nhân vật chính là Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng, người anh hùng đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai khi ông mới 26 tuổi.
Câu chuyện về cuộc đời lẫm liệt, khí tiết hiên ngang của Trần Bình Trọng đã được nhà văn Hà Ân khắc họa dày công qua các mối quan hệ với nhân dân, với quân sĩ và lúc sa vào tay giặc. Giặc dụ dỗ ông bằng chức vương đất Bắc, Trần Bình Trọng đã khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc…”. Không dụ dỗ dọa nạt được ông, quân giặc tàn bạo, đê hèn đã giết ông tại bãi Thiên Mạc.
Bên bờ Thiên Mạc là bản anh hùng ca về quân dân Đại Việt triều Trần. Những người sẵn sàng hi sinh tính mạng để giữ cho được nền độc lập của đất nước. Bên cạnh Trần Bình Trọng, trong Bên bờ Thiên Mạc có biết bao hình bóng những người anh hùng không tên khác.
Trăng nước Chương Dương là khúc ca khải hoàn của quân dân Đại Việt, ngày quân dân nhà Trần đại thắng quân Nguyên Mông trở lại kinh đô Thăng Long. Kia Thiên Mạc, kia Hàm Tử và đây Chương Dương… Những chiến trường vang danh vạn đại đã mãi mãi dừng lại vó ngựa hung bạo của đạo quân xâm lược Nguyên Mông. Cuốn tiểu thuyết là một bộ bí kíp về những trận đánh vô cùng tài trí và dũng cảm trong lịch sử quân sự Việt Nam.
Người Thăng Long được nhà văn Hà Ân viết năm 1980. Nhân vật trung tâm của truyện là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, thường được dân gian gọi là ông hoàng Sáu. Qua nét bút của nhà văn Hà Ân, ông là một người Thăng Long thanh lịch, tài hoa, không chỉ thông minh trí lự trong việc chỉ huy quân sự, chiến thắng giặc ngoại xâm, mà còn thắng bản thân trong cuộc chiến với những oán cừu của cuộc đời.
Người Thăng Long tái hiện không khí náo nức sôi động của buổi Hội thề, không khí căng thẳng, trang nghiêm của hội nghị Bình Than và trang trọng, hừng hực ý chí chiến đấu của hội nghị Diên Hồng, bên cạnh đó là vẻ đẹp lạ lẫm của lễ cướp dâu, đêm tiệc Mo nang hân hoan phóng túng…
Khúc khải hoàn dang dở viết về Đỗ Vĩ, một tình báo tài giỏi của Nhà Trần, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một nghệ sĩ đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt… Đỗ Vĩ đã thâm nhập vào lòng địch, gửi về cho Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn những tin tức vô cùng quan trọng. Cái chết bi tráng của ông đã góp phần đem lại khúc ca khải hoàn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai.
***
Trên đây là nội dung bài học Tác giả Hà Ân là ai? Sự nghiệp của Tác giả Hà Ân do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.
Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập
- Chi tiết hoặc hình ảnh nào trong văn bản đã để lại trong em những ấn tượng sâu đậm? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) ghi lại ấn tượng ấy lớp 8 (7 Mẫu)
- Trong truyện có nhiều đoạn văn mang tính triết lí về cuộc sống, con người. Em thích nhất đoạn văn nào? Vì sao? lớp 8 (2 Mẫu)
- Tóm tắt truyện Lão Hạc trong khoảng 10-15 dòng lớp 8 (24 Mẫu)
- Việc tái hiện sự khác nhau trong cách nhìn những bức tranh liên quan chặt chẽ đến ý nghĩa của đoạn trích. Em có đồng ý với nhận xét này không? Vì sao? (Trình bày thành một đoạn văn khoảng 8 – 10 dòng) lớp 8 (3 Mẫu)
- Viết một đoạn văn (khoảng 6-8 dòng) nêu ý kiến của em về hiện tượng sử dụng biệt ngữ xã hội trên mạng xã hội hiện nay lớp 8 (6 Mẫu)
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là một trong những biểu hiện của lòng yêu nước. Viết một đoạn văn khoảng sáu câu, nêu một số việc mà em đã hoàn thành tốt và lí giải vì sao những việc đó có thể thể hiện lòng yêu nước của em lớp 8 (6 Mẫu)