Học TậpLớp 12

Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” lớp 12 (3 Mẫu)

Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” bao gồm hướng dẫn viết cùng 3 bài mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em học sinh lớp 12 trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết đoạn văn ngày một hoàn thiện hơn.

Đề bài: Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Phân tích đoạn thơ từ "Mùa thu nay khác rồi "đến "Những buổi ngày xưa vọng nói về".
Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Hướng dẫn Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” lớp 12

  • Từ hoài niệm về mùa thu Hà Nội, nhà thơ quay trở lại mùa thu hiện tại:

Mùa thu nay khác rồi

Bạn đang xem: Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” lớp 12 (3 Mẫu)

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi…

Vị thế, tâm thế của chủ thể trữ tình ở thu nay đã khác thu xưa. Tác giả đang đứng ở núi đồi Chiến khu Việt Bắc, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tâm trạng “vui”, phấn chấn, tin tưởng và tương lai tươi sáng của đất nước.

Cảnh thu nay cũng biến đổi theo tâm trạng của chủ thể trữ tình: Cảnh sắc thiên nhiên trong trẻo, tươi sáng, không gian thu sống động (gió thu thổi mạnh hòa cùng niềm hân hoan của rừng tre); vẫn là màu xanh muôn thuở của bầu trời thu Việt Nam nhưng nhà thơ cảm thấy như đất trời tươi mới hơn, trong biếc hơn như nó đã được “thay áo mới”. Nếu như giữa phố phường Hà Nội năm xưa, mùa thu thật buồn vắng thì nơi núi đồi chiến khu Việt Bắc, mùa thu tràn ngập âm thanh “nói cười thiết tha”

Những câu thơ ngắn, giọng thơ vui, hồ hởi, hình ảnh thơ bình dị khỏe khoắn. Một bức tranh thu hoàn toàn khác lạ, tươi lớn và rộn ràng. Cuộc kháng chiến vĩ đại với những chiến thắng lớn đã làm thay đổi nhận thức, tình cảm của tác giả. Đó không còn là mùa thu của thiên nhiên mà là mùa thu cách mạng, mùa thu đất nước.

  • Từ cảm xúc về mùa thu đất nước dẫn đến niềm tự hào về quyền làm chủ đất nước:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Cảm hứng vui sướng và tự hào sở dĩ có được là do tình hình thực tế năm 1948: sau chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947, cả một vùng đất rộng lớn thuộc sáu tỉnh biên giới phía Bắc được giải phóng. Điều này đem lại cảm hứng tin tưởng, tự hào của các nhà thơ đi theo kháng chiến (đoạn thơ này được hình thành từ năm 1948 trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa).

  • Khi thể hiện cảm hứng tự hào, tác giả đã có những khám phá sâu sắc về truyền thống Đất nước với Nguyễn Đình Thi nổi bật lên ở truyền thống bất khuất.

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

  • Đó là hai đặc tính quý báu của dân tộc ta: anh hùng bất khuất và giản dị chất phác. Những con người đã làm nên đất nước, đã hi sinh thầm lặng để Tổ quốc được bình yên và toàn vẹn mảnh đất hình chữ S thân yêu.

Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” – Mẫu 1

Bài thơ Đất nước được hình thành trong một quãng thời gian dài (1948-1955); lần đầu tiên được dưa vào tập Chiến sĩ (1956). Bài thơ được tổ hợp từ một số bài thơ khác như Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949). Chủ đề bao trùm của Đất nước là lòng yêu nước nồng nàn, thiết tha, ý thức độc lập tự chủ, là lòng tự hào về đất nước và nhân dân anh hùng, từ trong đau thương nô lệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã quật khởi vùng lên chiến thắng huy hoàng.Trong đó có những đoạn thơ Nguyễn Đình Thi đó là Tổ quốc hồi sinh tràn đầy sức sống, ý thức độc lập tự chủ và niềm tự hào về Tổ quốc giàu đẹp, có truyền thông bất khuất kiên cường:

Mùa thu nay khác rồi!

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Sau khi hồi tưởng đến mùa thu của những ngày rời Hà Nội ra đi vì nghĩa lớn với cảm xúc “Buồn buồn lặng lặng” (Hoài Thanh), tác giả bộc lộ cảm nghĩ của mình về mùa thu mới, mùa thu trên đất nước nhân dân đã làm chủ vận mệnh của mình, mùa thu kháng chiến ở núi rừng Việt Bắc: “Mùa thu nay khác rồi”. Lời thơ đầy tính chất khẳng định. Đó là sự khác rồi về không gian, thời gian và tâm trạng con người trước mùa thu. Nhưng cái khác trước hết của mùa thu này được người đọc nhận ra ngay ở nhịp điệu, tiết tấu, hình ảnh thơ: từ những câu thơ thất ngôn sâu lắng, cổ kính mang đậm màu sắc Đường thi, bài thơ bỗng chuyển sang những câu thơ tự do, tạo nên một nhịp điệu hối hả phơi phới làm cho đoạn thơ như hát vang lên từ một trái tim chất chứa niềm vui.

Đứng giữa không gian bao la, giữa đất trời bát ngát thoáng đãng, với trái tim reo vui, tác giả đã lắng nghe, cảm nhận sắc thu, hồi thu mới “Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”. “Vui nghe” chứ không phải là nghe vui. Nghe vui là niềm vui từ bên ngoài còn vui nghe là niềm vui từ trái tim trỗi dậy, dâng lên, lan toả, nhuốm lên tất cả cảnh vật, đất trời, cỏ cây mây nước “Gió thổi rừng tre phấp phới”. “Phấp phới” là một từ láy rất gợi hình, gợi cảm và giàu ý nghĩa diễn tả. Phấp phới rừng tre gió thổi hay phấp phới của lá cỏ đỏ tung bay giữa chiến khu tự do hay còn gợi cho ta niềm vui phơi phới của con người đang bay lên cùng với đất trời giải phóng?

Trong niềm vui lâng lâng ấy, nhà thơ đã cảm nghe được sự chuyển đổi rất mực tinh tế của hồn thu:

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Nhờ sử dụng biện pháp nhân hóa đặc sắc, nhà thơ không chỉ diễn tả được sự thay đổi của sắc thu mà còn diễn tả được sự thay đổi của lòng người, hồn người. Qua câu thơ của Nguyễn Đình Thi, dường như mùa thu đất nước đã được hồi sinh và hiện lên như một cô gái đầy sức trẻ, trẻ cả hình sắc, trẻ cả tâm hồn. “Trong biếc nói cười thiết tha”. Câu thơ có 6 chữ mà dồn nén biết bao nhiêu cảm xúc và ấn tượng: âm thanh thì “nói cười” tươi trẻ, màu sắc thì “trong biếc”, tình cảm thì “thiết tha”. Nhớ lại cảnh mùa thu cũ hiện về như thiếu nữ “đứng chịu tang – Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng” với “áo mơ phai dệt lá vàng” còn thu nay đã được thay bằng chiếc áo màu tươi sáng, bình dị, ta càng thấm thía thu từ đây “không thu thảm thu sầu” mà là “thu sướng nhuộm màu xuân mát mát”:

Mùa thu vàng sáng tới rồi đây

Áo mới em phơi gió thổi đầy

Áo trắng đòi tà phơ phất hoá

Áo vàng em mặc cánh thu bay

(Xuân Diệu)

Đoạn thơ trên được tác giả sử dụng nhiều động từ “đứng, nghe, gió thổi, thay áo, nói, cười” đã gợi được không khí nhộn nhịp sôi nổi rộn ràng của mùa thu. Cảnh sắc thiên nhiên ở đây vừa bình dị khoẻ khoắn, vừa trong trẻo tươi sáng hoà hợp với tâm trạng vui hồ hởi của thi nhân tạo nên một vẻ đẹp mới cho mùa thu đất nước. Nguyễn Đình Thi đã đưa đến một nét mới cho những bài thơ về mùa thu Việt Nam muôn đời.

Đứng trước khung cảnh mùa thu đất nước như đang hồi sinh, trào dâng sức sống, niềm vui, với tình yêu thương nồng thắm, tác giả đã bộc lộ ý thức độc lập, tự chủ và niềm tự hào về Tổ quốc giàu đẹp. Thông qua tình cảm nồng thắm yêu thương và chói đỏ tự hào của tác giả, bức tranh đất nước cứ lần lượt được mở ra với không gian ba chiều bát ngát và hiện lên với những đường nét, màu sắc, hình khối và cả hương vị nữa, thật nên thơ, nên họa.

Ngẩng đầu lên là bầu trời “thu xanh ngắt mấy từng cao”. Dường như không nén nổi cảm xúc, tác giả phải reo lên “Trời xanh đây là của chúng ta”. Trời ta xanh mắt ai mà chẳng thấy, vốn rất xanh tứ cái thuở xa xưa. Bầu trời ấy qua thơ ca của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà… đã cao xanh, giờ đây càng trở nên xanh cao hơn nữa. Vì trong sắc xanh muôn thuở của bầu trời, này có thêm sắc xanh của lòng người được hưởng độc lập, tự do. Đúng như Chế Lan Viên đã viết:

Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc

Khi tự do về chói ở trên đầu

Trời thu xanh ngắt sáng tuyên ngôn

Trời bỗng xanh hơn nắng chói loà

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

(Tố Hữu)

Nhìn sang bên kia là những dãy núi, những cánh rừng trùng trùng điệp điệp “Núi rừng đây là của chúng ta”. Hai chữ “núi rừng” không hề gợi lên cảnh ma thiêng nước độc mà chỉ gợi lên sự giàu có của Tộ quốc, ẩn chứa biết bao tài nguyên phong phú “Rừng vàng bể bạc đất phì nhiêu”. Nhớ lại cảnh quê hương làng xóm trong máu lửa chiến tranh, bầu trời cánh đồng như ứa máu, rách nát bởi dây thép gai, móng vuốt của kẻ thù “Ôi những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đâm nát trời chiều!” chúng ta mới thấm thía cái vang hưởng của lòng tự hào, niềm kiêu hãnh và ý thức độc lập tự chủ toát ra từ hai câu thơ:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những câu thơ khẳng định, những đại từ chỉ định “đây” cùng với điệp từ ngữ “của chúng ta” đã vang lên dõng dạc niềm tự hào kiêu hãnh về quyền làm chủ đất nước. Cảm hứng này là một cảm hứng mà ta thường gặp trong thơ ca Việt Nam sau ngày giải phóng:

Của ta trời đất, đêm ngày

Núi kia đồng nọ, sông này của ta

(Tố Hữu)

Những câu thơ “Tôi nhớ; Tôi đứng vui nghe” là những lời độc thoại của nhân vật trữ tình. Sau lời độc thoại, đến đây dường như nhà thơ hát chung với dàn đồng ca của nhân dân, hòa trong cảm hứng vui sướng, tự hào được làm chủ đất trời thiên nhiên Tổ quốc tươi đẹp:

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Bằng hàng loạt từ “những”, một từ chỉ số nhiều không xác định mở đầu các dòng thơ, trước hết tác giả như muốn kể thêm nhiều hơn vẻ giàu đẹp của đất nước, sau nữa đoạn thơ gợi cho người đọc bức tranh đất nước cứ lần lượt được mở ra lộng lẫy, bát ngát. Nguyễn Đình Thi sử dụng nhiều tính từ chỉ cảm xúc “thơm mát, bát ngát, đỏ nặng”. Điều đó vừa diễn tả được tình cảm yêu nước thiết tha, nồng nàn của tác giả vừa làm cho bức tranh đất nước như có thêm đường nét, màu sắc, hình khối. Với tấm lòng yêu nước thiết tha sâu nặng, dường như tác giả cảm nhận được cả cái vị “thơm mát” của cánh đồng, tận mắt thấy được cái “bát ngát” tự do của những ngả đường mở ra, như trông thây được cả những dòng sông đỏ nặng phù sa cuộn chảy về xuôi. Câu thơ của Ngụyễn Đình Thi thật trĩu nặng suy tư. “Những dòng sông đỏ nặng phù sa” hay đỏ nặng tấm lòng yêu thương và tự hào đối với đất nước của tác giả? Ở đây nhà thơ sử dụng nhiều nguyên âm mở “a, at” cuối dòng thơ cũng đã góp phần diễn tả thành công cái cảm xúc thơ nói trên (Từ cuộc sống có phần tù túng trong năm cửa ô, các văn nghệ sĩ mang ba lô hành hương lên đất thánh Việt Bắc. Qua bao nhiêu nẻo đường kháng chiến, cảm nhận về đất nước được mở ra theo chiều rộng không gian với bầu trời thu trong xanh, những núi rừng bát ngát của Việt Bắc, những cánh đồng lúa thơm mùi sữa, những dòng sông Lô, sông Thao, sông Hồng cuồn cuộn phù sa).

Từ những cảm nhận về cái hữu hình của đất nước với không gian, bầu trời, cánh đồng, dòng sông, câu thơ đang náo nức, dồn dập reo vui bỗng như trầm lắng hẳn xuống, đượm vẻ thiêng liêng thành kính khi nghĩ về cái vô hình là hồn thiêng đất nước trên chiều dài của thời gian 4000 năm lịch sử:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về

“Nước chúng ta”, câu thơ có ba chữ mà như nổi bật lên giữa bài thơ giống như dòng nước đang cuộn chảy bỗng chững lại, dồn nén lại. Câu thơ bình dị mà chất chứa bao nhiêu cảm xúc yêu thương và tự hào.

Nghĩ về quá khứ của đất nước chúng ta, điều làm tác giả cảm phục nhất là truyền thống bất khuất kiên cường. Truyền thống ấy nổi bật lên tạo thành gương mặt rạng rỡ nhất của lịch sử cha ông “Nước những người chưa bao giờ khuất”. Câu thơ giản dị như một lời nói thường nhưng đã làm sống dậy trước mắt ta cả một quá khứ oanh liệt của tổ tiên. Ta như thấy trong đó tư thế của Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… luôn luôn hiên ngang bất khuất trước mọi đợt sóng ngoại xâm hung tàn: Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh.

Sức mạnh anh hùng bao đời của dân tộc đối với hiện tại là một sự thực lớn lao hùng hồn. Nhưng ở đây đà được nhà thơ diễn tả thông qua việc sáng tạo ra một hình tượng âm thanh như không thật, một âm thanh của tâm tưởng hơn là của thính giác: âm thanh rì rầm đêm đêm trong lòng đất vọng từ nghìn xưa vọng tới mai sau. “Rì rầm” là một từ láy tượng thanh rất gợi cảm. Nó không ồn ào vang động, vang xa nhưng liên tục đều đặn như dòng suối chảy bất tận. “Rì rầm” trong lòng đất “đêm đêm” còn gợi lên không khí thầm lặng thiêng liêng. “Đất” là hình ảnh tượng trưng cho đất nước, của sự khổng lồ, vĩnh hằng. “Đất” cũng là cái được dựng lên từ mồ hôi nước mắt, kể cả xương máu của biết bao thế hệ cha ông. Với hình ảnh thơ độc đáo này, tác giả đã hình tượng hóa được truyền thống anh hùng của đất nước thành một hình ảnh đầy sức sống, đầy mạnh thầm lặng, thiêng liêng và vững bền muôn thuở, trở thành nhịp đập của con tim lịch sử Việt Nam bất khuất anh hùng:

Tim Việt Nam có Bạch Đằng ca hát

Có đường gươm “sát thát” chém Toa Đô

Có Nguyễn Trãi trong hồn thơ ý nhạc

Sang sảng ngân trong Đại cáo hình Ngô

Đúng là một hình ảnh thơ đầy sáng tạo, vừa mang yếu tố cảm xúc cụ thể vừa có ý nghĩa tượng trưng khái quát sâu xa.

“Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Nhờ sự kết hợp khéo léo giữa các từ “những … xưa… vọng… về”, câu thơ của Nguyễn Đình Thi cũng đã diễn tả được tính chất liên tục truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc. Cả quá khứ sâu thẳm của lịch sử đất nước dường như cũng đều có mặt với con cháu hôm nay, luôn luôn nhắn gửi về những lời thiêng liêng tha thiết. Đúng như Lê Anh Xuân đã từng viết:

Nghe như tiếng của cha ông thuở trước

Truyền con cháu hãy ngẩng cao đầu mà bước

Nghe như lời cây cỏ gió mưa

Hãy viết tiếp bài ca bất khuất ngày xưa

Bằng những câu thơ giàu tính chất suy tư và cảm xúc, bằng những hình ảnh nhân hoá vừa cụ thể vừa tượng trưng, đoạn thơ trên không chỉ thể hiện được niềm vui, niềm tự hào về Tổ quốc giàu đẹp và ý thức độc lập tự chủ mà còn bảy tỏ được niềm biết ơn thành kính với tổ tiên. Vì hơn ai hết, nhà thơ đã ý thức được những chiến công vẻ vang hôm nay là kết quả của sức mạnh tổng hợp giữa quá khứ oanh liệt của cha ông với cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta:

Thời đại lớn cho ta đôi cánh

Không gì quý hơn độc lập tự đo

Bốn mươi thế kỉ cùng ra trận

Có Đảng ta đây, có Bác Hồ

(Tố Hữu)

Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” – Mẫu 2

Có lẽ những câu thơ hay nhất là những câu thơ nói về tình yêu quê hương đất nước. Tình yêu ấy được sinh ra trong mỗi chúng ta khi còn nằm trong nôi nghe những lời nồng nàn của mẹ. Lớn lên hình ảnh quê hương được thu vào tầm mắt, và tình yêu trỗi dậy trong lòng. Đất nước đã đi vào những trang thơ như tình yêu đi vào lòng ta vậy. Một vài câu, một vài giai điệu hình thành nên đất nước. Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ như thế. Phải chăng ý thơ đã dồn lại ở đây:

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm ngát

Những nẻo đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về…

Bắt đầu bằng hình ảnh đất nước là nỗi nhớ về những tháng ngày đã xa. Nỗi nhớ ấy có gì buồn bã nhưng không bi lụy, mà nó chỉ thể hiện quyết tâm của người ra đi. Nhớ về quá khứ để mà nhìn lại thực tại:

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha.

Âm hưởng đoạn thơ như một tiếng reo vui khác hẳn đoạn đầu của bài thơ không có những con phố dài xao xác hơi may, những lá rơi đầy những người ra đi đầu không ngoảnh lại. Mà chỉ có niềm vui phấp phới trong lòng tác giả: Trở về hoàn cảnh sáng tác bài thơ ta thấy đây là giai đoạn đất nước ta phải thực hiện cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Với những tháng ngày gian khổ nhưng đầy hào hùng ấy ta giành thắng lợi trong tay. Mở đầu bài thơ là những ngày đất nước bắt đầu cuộc kháng chiến. Người thanh niên tiểu tư sản phải từ giã mái trường và thời trung học tươi đẹp để dấn thân vào con đường cách mạng phục vụ cho lí tưởng. Và hôm nay trong chiến khu giải phóng ở Việt Bắc niềm vui đã ùa đến lòng người thanh niên học sinh năm nào. Nhớ lại những ngày tháng xưa để lộ rõ niềm vui hôm nay. Với niềm tin của mình người thanh niên ấy đã khẳng định “Mùa thu nay khác rồi”. Và từ đáy lòng mình thốt ra những niềm say sưa bất tận. Mùa thu năm nay đã khác mùa thu xưa vì đất nước đã chuyển mình đổi khác. Khi sự kiện lịch sử Cách mạng mùa thu 1945 thành công thì mỗi người dân ai ai cũng ý thức được rằng cách mạng đã giành lại cho đất nước của mình dù sắp bước vào một cuộc chiến đấu mới. Giữa núi đồi bình yên của chiến khu giải phóng tác giả như nghe rõ sự chuyển biến của đất nước. Núi rừng cũng vui theo từng cơn gió, bầu trời ảm đạm năm nào của mùa thu xưa nay đã thay áo, một mùa xanh biếc phủ lên nền trời lạnh lẽo của gió heo may. Bom đạn không còn nữa, làn khói mịt mù âm u và những chuỗi ngày xa vắng của núi rừng đã tan biến trong niềm vui hân hoan tột đỉnh ấy ta bỗng nhớ lại mình và khẳng định mình:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta.

Hai câu thơ khẳng định này như một lời tuyên ngôn. Nó làm ta nhớ lại âm điệu sang sảng, hào hùng trong lời tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời.

(Nam quốc sơn hà)

“Nước của ta”, đó là điều tác giả muốn khẳng định. Trời xanh này, núi rừng này là của những người suốt đời gắn bó với nó. Sự xâm lược của những kẻ điên cuồng chỉ là vô ích. Câu thơ khẳng định nhẹ nhàng nhưng có sức nặng cảnh báo lớn đối với kẻ thù. Hình ảnh đất nước dựng lên thật đơn sơ nhưng rất đẹp, nó hiền hòa như những luỹ tre, gợi mở như những tấm lòng. Đất nước còn gì nữa!

Những cánh đồng thơm ngát

Những nẻo đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

Ôi đất nước! Càng nghĩ càng thêm yêu mến quê hương. Đất nước của những anh hùng áo vải làm nên những chiến công phi thường là thế đó. Những cánh đồng bao la, những hạt lúa chín vàng óng ả, những ngả đường khắp nẻo của quê hương, những dòng sông nghìn đời lặng lẽ chở nặng phù sa bồi đắp đồng ruộng… Những hình ảnh ấy thấm đậm những giọt máu của người ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Hình ảnh của đất nước ta là dáng hình sừng sững của người giải phóng quân trên đường bay Tân Sơn Nhất, là bóng dáng gầy gò của người mẹ chèo đò trên đường sang sông, và cũng là những hình ảnh của tuổi thơ êm đềm, ngây thơ của đứa trẻ hỏi “Quê hương là gì hở mẹ?”. Hàng nghìn năm qua đất nước đã tồn tại, những người đã ngã xuống có những người khác tiếp bước đứng lên. Cứ thế, đất nước có mãi trong lòng mỗi người.

Lời reo vui của tác giả giờ đây hòa nhập trong cảm hứng chung của mọi người. Cái âm hưởng vui tươi giờ có vẻ trầm lắng hơn và trang trọng khi cảm xúc chủ quan của tác giả chuyển sang lời tuyên ngôn của dân tộc.

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Những người đã dâng cuộc đời cho đất nước ngàn năm vẫn sống mãi với quê hương. Hàng nghìn năm qua nước đã chịu bao gót giày của quân xâm lược xéo nát. Những vết thương vẫn còn mãi, nhưng dân tộc ta không bao giờ khuất phục, nếu có người gục xuống thì người khác sẽ lên thay. Đất nước này là của chúng ta và là của những người đã ngã, họ không bao giờ mất đi trong lòng đất nước. Câu thơ “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất” làm người ta nhớ lại hình ảnh người mẹ già đào hầm nuối giấu bộ đội của Dương Hương Ly:

Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác

Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh.

Hình ảnh của người mẹ này sẽ bất diệt cùng hình ảnh của đất nước. Tiếng cuốc của mẹ vọng vào đêm trường như lời của “Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Đoạn thơ cô đọng với những tiếng rì rầm, vang vọng của người đã khuất. Đất nước là những hình ảnh đẹp, những ý chí hào hùng sảng khoái, nhưng cũng chứa đựng những khắc nghiệt, những đau đớn quằn quại do quân xâm lược gây ra. Đã nhiều nhà thơ lấy đề tài đất nước gợi cảm hứng cho mình. Trong trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm cũng cho ta hình ảnh của đất nước: “Đất nước có từ ngày xửa ngày xưa mẹ vẫn hay kể…, Từ những hòn núi vọng phu, những hòn trống mái Và đất nước là tiếng đàn bầu, là những cuộc tiễn đưa…

Đoạn thơ trên là khúc hoan ca của tác giả khi đất nước đã có một vùng giải phóng “dẫu chưa toàn vẹn đã bay cờ hồng” ở chiến khu Việt Bắc. Cái đáng quí của bài thơ là sự chân thành của tác giả trước đất nước độc lập tự do. Có được độc lập dân tộc ta đã phải đổ biết bao xương máu. Chế Lan Viên đã từng nói: “Phải trăm năm mới có ngày độc lập”. Và làm sao đếm được hết đầu người bởi lửa đạn chiến tranh những roi vọt ngục tù mà dân tộc ta đã phải trải qua? Xiềng xích súng đạn của quân thù không khuất phục được ta, mà ngược lại những xóm làng vườn ruộng của ta sẽ “mọc lên những luỹ thép”, sẽ hóa thành những bể dầu sôi để giết quân thù.

Những câu thơ như có giai điệu của âm nhạc. Nghệ thuật đoạn thơ phong phú, những hình ảnh về đất nước giản dị nhưng có sức khẳng định mạnh. Lịch sử lúc bấy giờ khá phức tạp, mặc dù ta đã dành được một số thắng lợi ban đầu nhưng kẻ thù vẫn hung hãn “quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.

Và một phần lớn đất nước còn lại đang dưới sự kiểm soát của kẻ thù. Mặc dù vui trong thắng lợi nhưng tác giả cũng không quên được mối nguy hiểm đe dọa đất nước. Tác giả như thay lời đất nước tuyên ngôn và khẳng định quyền làm chủ cho dân tộc mình. Những lời nói tự hào này là lời cảnh cáo đối với kẻ thù. Đất nước Việt Nam ta qua những năm lịch sử đã ghi lại những trang sử hào hùng chói lọi. Tượng đài đất nước là những bài thơ, những cảm xúc và suy nghĩ chân thành của những tác giả có phẩm chất công dân. Có những tháng năm không thể nào quên, những năm tháng hào hùng và nước mắt. Đất nước ta đã trải qua những ngày tháng ấy.

Nguyễn Đình Thi đã xây dựng khá hoàn chỉnh hình ảnh đất nước trong lòng quá khứ và trong hiện tại. Nói đúng hơn điểm nhìn của tác giả là một thời điểm đầy cam go của dân tộc nhưng tâm hồn của nhà thơ, của những người kháng chiến, của đất nước vẫn là “Mát trong như sáng năm xưa”. Đọc Đất nước lòng chúng ta thấy xao xuyến, chúng ta thấy niềm vui vô bờ bến của một người tự do đang say sưa với đất nước tự do và đang chiêm nghiệm quá khứ của ông cha với niềm tự hào vô bờ bến…

Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” – Mẫu 3

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đích thực tài hoa và sáng tạo. Trên các lĩnh vực văn xuôi, thơ, nhạc, kịch bản văn học, lí luận phê bình,… ông đều có thành tựu đáng tự hào. Thơ Nguyễn Đình Thi có bản sắc riêng, có những tìm tòi về hình ảnh và ngôn ngữ. Thơ ông giàu cảm xúc khi viết về đất nước trong chiến tranh.

Bài thơ “Đất nước” trích trong tập thơ “Người chiến sĩ”, nó được thai nghén và hình thành trong một thời gian khá dài từ năm 1948 – 1955. Từ thực tiễn lịch sử và sự sống còn của dân tộc, nhà thơ suy ngẫm về đất nước.

Đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về cảm hứng quê hương đất nước của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

Biểu lộ niềm vui phơi phới của người chiến sĩ cầm súng đánh giặc bảo vệ quê hương, thể hiện tình yêu và lòng tự hào về đất nước với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và truyền thống anh hùng của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã viết:

“Mùa thu nay khác rồi

Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Cảm hứng yêu nước, tự hào dâng lên dào dạt trong tâm hồn nhà thơ, trong tâm hồn những người chiến sĩ “đã đứng lên thành những anh hùng. Người chiến sĩ đã ra đi từ mùa thu ấy, khi “cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” (Chính Hữu), giã từ phố cũ thân yêu, dấn thân vào lửa máu.

Đối lập với “những ngày thu đã xa” đẹp mà buồn, là “Mùa thu nay khác rồi”. Nhà thơ reo lên sung sướng tự hào, một niềm vui phơi phới dâng trào. Đứng giữa núi đồi chiến khu, say mê ngắm đất trời. Thiên nhiên bao la tươi đẹp như xôn xao niềm vui với con người. Bốn chữ “tôi đứng vui nghe” thể hiện một tư thế, một dáng đứng kiêu hãnh tuyệt vời. Con người chan hòa cùng cây cỏ và say đắm trong màu sắc quê hương. Ngọn gió mát lành màu thu “quyện hương cốm mới” như hát cùng đất nước. Hình ảnh “rừng tre phấp phới” diễn tả thật hay sức sống mãnh liệt của đất trời quê hương:

“Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới…”.

Mùa thu lại về với đất nước và con người trong sắc màu tươi sáng: “Mùa thu thay áo mới – Trong biếc nói cười thiết tha”. Bao trùm đất nước là cả một không gian bao la, một thiên nhiên đẹp hữu tình được nhân hóa, gắn bó hòa hợp với con người. Con người kháng chiến với khát vọng tự do, nên tầm nhìn cũng cao xa, mênh mông. Có lẽ vì thế nhà thơ đặc biệt chú ý đến bầu trời. Năm lần nhà thơ nói đến bầu trời, mỗi lần có một cách nói, cách cảm nhận đầy khám phá:

“Trời thu thay áo mới”,

“Trời xanh đây là của chúng ta”.

“Trời đây chim và đất đầy hoa”.

“Dây thép gai đâm nát trời chiều”.

“Trán cháy rực nghĩ trời đất mới”.

Cái khác của mùa thu nay được diễn tả qua vần điệu náo nức, xôn xao, được đặc tả qua hình ảnh sống động, tươi mát: Gió thổi rừng tre phấp phới”, được thể hiện ở ánh mắt, nụ cười: “Trong biếc nói cười thiết tha”. “Biếc” ở trời xanh, “biếc” ở con mắt những chàng trai, cô gái đang say mê ngắm trời thu thời máu lửa.

Nguyên nhân của niềm vui ấy thật sâu xa, rộng lớn. Cách mạng thành công, nhân dân đã và đang đem tài năng và xương máu để giữ gìn và xây dựng đất nước. Đất nước là của nhân dân. Nguyễn Đình Thi như reo lên, hát lên niềm hạnh phúc tột cùng của những con người đang làm chủ đất nước:

“Trời xanh đây là của chúng ta,

Núi rừng đây là của chúng ta,

Những cánh đồng thơm mát,

Những ngả đường bát ngát,

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.

Một lối nói khẳng định: “của chúng ta” vang lên đĩnh đạc, tự hào. Một dân tộc đã gan góc đứng lên đánh Pháp mới có tiếng nói hào hùng ấy. Tất cả những gì cao quý, thiêng liêng trên đất nước thân yêu này là “của chúng ta”, của nhân dân chúng ta. Sau những đêm dài nô lệ, nhà nước độc lập, nhân dân ta mới có niềm vui tự hào mênh mông ấy. Khát vọng làm chủ đất nước với tất cả niềm tự hào mênh mông ấy. Khát vọng làm chủ đất nước với tất cả niềm tự hào là của bao thế hệ con người Việt Nam trong suốt bốn nghìn năm lịch sử: “Của ta, trời đất, đêm ngày – Núi kia đồi nọ sông này của ta” (“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” – Tố Hữu). Với nghệ thuật diễn tả trùng điệp, với cách liệt kê, sử dụng điệp từ, điệp ngữ (của chúng ta,… đây là… những) tác giả đã tạo nên giọng thơ lôi cuốn, hấp dẫn mang âm điệu anh hùng ca.

Dáng hình đất nước trong thơ Nguyễn Đình Thi hiện lên sống động qua những vần thơ tráng lệ. Nhà thơ như đang ngước mắt chỉ tay về “trời xanh” và “núi rừng”, … mà reo lên sung sướng. Có tình yêu nào lớn hơn tình yêu đất nước? Đất nước bao la, hùng vĩ với trời cao, biển rộng sông dài, … trở nên thân thiết, thiêng liêng. Đất nước với những cánh đồng quê mênh mông thẳng cánh cò bay, ” thơm mát” hương lúa bốn mùa. Đất nước với những nẻo đường tự do, những dặm đường kháng chiến ” bát ngát” đến mọi chân trời. Đất nước với những dòng sông – sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Mã, Cửu Long Giang, … “đỏ nặng phù sa”, bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ, nuôi sống nhân dân ta tự bao đời nay. Các tính từ: “Xanh”, “thơm mát”, “bát ngát”, “đỏ nặng”, … cực tả vẻ đẹp và sự bền vững đất nước, đồng thời cho thấy ngòi bút thơ tài hoa, điêu luyện của Nguyễn Đình Thi trong lựa chọn ngôn từ để hình tượng hóa vần thơ, tạo nên sắc điệu trữ tình đằm thắm.

“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi” (Tố Hữu). Cảm xúc dạt dào ấy về đất nước cứ ngâm nga mãi trong lòng chúng ta khi tiếp cận và cảm thụ những vần thơ của tác giả “Người chiến sĩ” nói về dáng hình đất nước.

So với lớp nhà thơ đương thời, Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có cái nhìn mới mẻ, sâu sắc về đất nước. Cảm hứng lịch sử và truyền thống được kết hợp nhuần nhuyễn với cảm hứng thời đại. Có khí quật cường của tổ tiên từ nghìn xưa đem đến cho nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh một sức mạnh vô biên mà không một thế lực thù địch bạo tàn nào có thể khuất phục được:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất,

Những buổi ngày xưa vọng nói về”.

Ba chữ “nước chúng ta” là sự khẳng định ý chí tự cường, niềm tự tôn dân tộc. Đất nước và dân tộc với lưỡi cày, thanh gươm và chiếc gộc tre “chưa bao giờ chịu khuất”. “Những buổi ngày xưa” mà nhà thơ nhắc đến là những năm tháng đau thương và vinh quang của giống nòi. Quên sao được ngày Bà Trưng, Bà Triệu xuất quân, khi Lý Thường Kiệt viết ” Nam quốc sơn hà” trên chiến tuyến sông Cầu – Như Nguyệt, khi Trần Quốc Tuấn bắt Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng Giang, khi Liễu Thăng bị quân ta chém đầu tại Chi Lăng, khi Tôn Sĩ Nghị quăng cả ấn tín, triều phục chạy tháo thân qua biên giới, … Nhân dân mãi tự hào về “những buổi ngày xưa” ấy:

“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc,

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng”.

Hai chữ “đêm đêm” nói lên tính liên tục dòng chảy lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc. Từ láy “rì rầm” như một nốt nhạc trầm hùng vang xa trong bài ca Tổ quốc, nó gợi tả cái mạch ngầm của giang sơn, giống nòi, đó là truyền thống anh hùng bất khuất chốn xâm lăng. Biên độ câu thơ mở, khép tài tình, lúc rút ngắn lại 3 từ, lúc duỗi dài ra 8 từ, các câu lục ngôn, thất ngôn, đan chéo vào nhau, cài chặt vào nhau làm nên tính nhạc phong phú. Cảm xúc dào dạt, âm hưởng hào hùng, ngôn ngữ đẹp và tinh tế. Song song với chuỗi hình ảnh về dáng hình đất nước là sự phát triển của chuỗi liên tưởng về quá khứ hào hùng, về sức mạnh Việt Nam.

Đoạn thơ trên đây tiêu biểu cho vẻ đẹp và cốt cách thơ Nguyễn Đình Thi. Một hồn thơ tài hoa, bay bổng. Một tình yêu nước sâu nặng và thiết tha. Một đất nước đẹp tươi, hùng vĩ, giàu tiềm năng và tiềm lực, một dân tộc anh hùng được nhà thơ nói đến và ca ngợi. Chiều dài của lịch sử, tầm cao của dân tộc, thế đứng bất khuất của con người Việt Nam là những điều tốt đẹp nhất được thể hiện qua đoạn thơ này mà ta cảm nhận được một cách sâu sắc. “Đất nước”, bài thơ làm rung động tâm hồn chúng ta…, như “lắng hồn núi sông ngàn năm…”.

*****

Trên đây là 3 bài mẫu Phân tích đoạn thơ từ “Mùa thu nay khác rồi “đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về” lớp 12 do thầy cô trường Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập của mình. Chúc các em hoàn thành tốt bài tập của mình với điểm số cao nhất nhé.

Đăng bởi: THCS Bình Chánh 

Chuyên mục: Học tập, Lớp 12

Rate this post


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button