Học TậpLớp 12

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt ngắn gọn, hay nhất (3 Mẫu)

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt lớp 12 ngắn gọn bao gồm 3 bài mẫu hay nhất do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp từ các bài văn đạt điểm cao trên toàn quốc. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn tham khảo để từ đó hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình

Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt.
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt.

Mục lục

3 Bài mẫu Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt lớp 12 hay nhất đạt điểm 9, 10

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt – Mẫu 1

“Đối tượng của văn học vốn là thân phận con người, nên chỉ có kẻ nào đọc và hiểu nó sẽ hóa thành không phải là một chuyên gia nghiên cứu văn học mà là một kẻ hiểu biết con người một cách sâu sắc”. Quả thực, con người luôn là nơi bắt đầu và cũng là nơi đi đến của văn học. Với mỗi một thế giới khác nhau của một tác phẩm, người đọc lại có một thể nghiệm riêng về con người. Và trong tác phẩm “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã dùng ngòi bút của mình để mang đến những trang văn neo đậu mãi trong tâm hồn chúng ta về nhân vật bà cụ Tứ.

Bạn đang xem: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt ngắn gọn, hay nhất (3 Mẫu)

“Vợ nhặt” là câu chuyện có hoàn cảnh sáng tác khác đặc biệt. Tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được Kim Lân viết trong những năm 1954 nhưng bị mất bản thảo. Sau này, bằng những mảnh ghép còn nhớ được từ cốt truyện cũ, tác giả đã viết “Vợ nhặt” (1962), lấy bối cảnh nạn đói năm 45 để nói lên khát khao sống mãnh liệt, về tình người, tình đời của những con người thiếu thốn về vật chất nhưng đủ đầy về tình cảm.

Tác phẩm mở đầu bằng khung cảnh Tràng- một anh chàng nghèo, xấu xí, thô kệch cùng người vợ mới nhặt được đang trên đường trở về nhà. Cô vợ ấy không phải là đã tìm hiểu lâu la gì mà “tầm phào đâu có hai ba bận, ấy thế mà thành vợ thành chồng”. Về đến nhà, cô vợ nhặt “ngồi mớm ở mép giường”, còn Tràng “chạy ra ngõ đứng ngóng” mẹ, rồi bà cụ Tứ “lỏng khỏng” xuất hiện.

Nhà văn Kim Lân đã từng tâm sự: “Phần gây xúc động nhất cho tôi khi đọc lại chuyện “Vợ nhặt” là đoạn bà cụ Tứ trở về”. Quả đúng vậy, từ tình huống xuất hiện trong bóng chiều quập quạng, dáng vẻ “lọng khọng” gợi ra dáng hình gầy gò, hơi còng, tay hơi run và có vẻ tất bật. Đó còn là dáng vẻ gợi nỗi khổ đau cơ cực, sương gió cuộc đời đã hằn in lên nét dáng ấy. Ngạc nhiên và bất ngờ là tâm trạng đầu tiên ở người mẹ nghèo khi lật đật theo con từ ngõ vào nhà. Bà “nhấp nháy hai con mắt”, “phấp phỏng bước theo con vào trong nhà”, không tin vào mắt mình “hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải”. Một loạt các câu hỏi “Sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ?”, “Ai thế nhỉ”… hiện ra dồn dập trong suy nghĩ của người mẹ già. Bà ngạc nhiên vì hơn ai hết, bà hiểu rõ gia cảnh, hiểu rõ con trai mình. Trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng là lẽ thường tình nhưng bà chưa thể tin, không thẻ tin rằng con mình lại có người theo và lại chưa bao giờ hình dung nhận dâu trong một hoàn cảnh trớ trêu, tội nghiệp đến thế.

Sau khi Tràng giới thiệu người vợ nhặt, dường như bà cụ Tứ đã hiểu ra cơ sự. Bà lão “cúi đầu nín lặng”, bà “ai oán xót thương” cho số kiếp đứa con trai mình. Bà tủi thân, tủi phận, bà so sánh người ta với mình “người ta dựng vợ gả chồng cho con cũng là lúc trong nhà ăn nên làm nổi…còn mình thì…”. Dấu ba chấm thẻ hiện sự ngắt quãng trong suy nghĩ của người mẹ đang nghẹn ngào. Bà lão chua chát, tự trách bản thân mình, càng thương con bao nhiêu bà lại càng tủi phận bấy nhiêu, tủi vì làm mẹ mà không lo cho con được chuyện gia thất. “Nín lặng” chỉ là vẻ bên ngoài, còn bên trong, tâm trạng ấy rối bời lúc dồn lên, lúc lắng xuống nghẹn lại không thể thốt lên lời. Nó ứ thành những giọt nước mắt “Trong kẽ mắt lèm nhèm của bà rỉ xuống hai giọt nước mắt”. “Rỉ” là chữ được dùng rất đắt diễn tả nỗi lòng đang cố nén lại, rỉ thành giọt lệ âm thầm.

Bà cụ Tứ đã chấp nhận nàng dâu không phải chỉ bằng tình mẫu tử mà lớn hơn đó là tình người, là sự cảm thông của những người cùng thân phận người phụ nữ. Với cách nói “chúng nó”, bà lão đã gộp con trai và con dâu làm một để rồi tình thương con trai nhanh chóng trở thành tình thương với người đàn bà xa lạ. “Bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót” rồi bà nhanh chóng chấp nhận cô vợ nhặt thành dâu con trong nhà bởi bà thấu hiểu hoàn cảnh của người đàn bà và con trai mình. Sự chấp nhận của bà không phải gượng ép, cũng chẳng hề bộc lộ sự khinh khi đối với hoàn cảnh túng quẫn của người đàn bà xa lạ. Bà chấp nhận nàng dâu với thái độ “mừng lòng”, đón nhận con dâu với tất cả niềm yêu thương, trân trọng. Đối với bà chuyện Tràng nhặt vợ không phải vu vơ mà cũng là do duyên kiếp như bất cứ lứa đôi nào. Từng suy nghĩ, hành động, lời nói của người mẹ già đều toát lên vẻ đẹp của lòng bao dung, nhân hậu, vị tha.

Đó còn là hình tượng về một người mẹ từng trải, thấu hiểu lẽ đời. Khi dặn dò các con, bà động viên và gieo niềm tin “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Tuy động viên con nhưng nỗi tủi hờn lại dội lên trong lòng người mẹ. Bà nghĩ lại quá khứ đầy ám ảnh “nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út, nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình”. Bà chìm vào nỗi lo “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời liệu có hơn bố mẹ trước kia không”. Niềm vui và hi vọng cũng không thể xua được cho hạnh phúc thực tại của hai con “Năm nay đói to đấy, chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Không lo lắng sao được khi quá khứ thì cực khổ dằng dặc, hiện tại thì đói khát, tương lai mịt mờ. Nỗi lo ấy lại khiến “nước mắt chảy ròng ròng”.

Nhưng chỉ đến buổi sáng hôm sau, bà cụ Tứ hiện ra với một tâm trạng khác hẳn. Hạnh phúc mới của con làm bà cụ Tứ được vui lây, niềm vui ấy được hiện ra qua “Khuôn mặt nhẹ nhõm tươi tỉnh khác hẳn ngày thường”. Cái dáng vẻ lọng khong già yếu hôm qua không còn nữa. Bà “xăn xắn” quét dọn, giẫy những búi cỏ dại nham nhở trong vườn, thu dọn nhà cửa cho quang quẻ với hi vọng cuộc đời sẽ có cơ khấm khá. Trong bữa cơm ngày đói, mâm cơm hàng ngày hiện lên thật thảm hại: chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối, một niêu cháo lõng bõng nhưng không khí ấm áp tình chồng vợ, tình mẹ con. Bà cụ Tứ là người già cả nhất trong nhà nhưng là người nói nhiều nhất, nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau. Bà tính chuyện nuôi gà “ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có đàn gà cho mà xem”. Bà đã gieo vào lòng các con và cả lòng người đọc niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Khát vọng sống bật lên ngay cả trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, nó làm ta nhớ đến câu ca dao xưa:

“Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”

Tình thương con của người mẹ nghèo còn được gợi qua chi tiết “nồi cháo cám”. Đó là câu chuyện bữa ăn đang đà vui thì ngừng lại vì niêu cháo hết nhẵn. Bà lão cố kéo dài niềm vui cho cả gia đình, bà bưng ra một nồi cháo cám bằng thái độ vui vẻ, hóm hỉnh “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”. Nhưng niềm vui của bà cụ Tứ cũng thật tội nghiệp. Miếng cháo cám đắng chát cùng tiếng thúc thuế dồn dập vỗi vã đưa bà cụ Tứ trở về thực tại với tiếng thở dài trong lo lắng “Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó biết đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ”. Và bà lại khóc, tình thương con thể hiện qua những giọt nước mắt tuôn rơi. Nét tâm lý ấy thể hiện sự am hiểu tâm lý con người, đặc biệt là người mẹ thôn quê hay lo cả nghĩ của nhà văn Kim Lân.

Xây dựng lên được “tình người mẹ” thật lớn đó là nhờ ngòi bút sâu sắc của tác giả Kim Lân. Nghệ thuật xây dựng nhân vật với điểm nhìn linh hoạt. Nếu như tối hôm trước, nhà văn đặt điểm nhìn vào bên trong nhằm tái hiện, khắc họa nét tâm trạng vừa đan xen, vừa chuyển hóa trong tâm tư, nội tâm nhân vật thì đến sáng hôm sau, điểm nhìn lại được đặt ở bên ngoài bằng cách miêu tả hành động, cử chỉ khiến sức sống niềm tin được khơi mở.

Gấp lại trang sách nhưng những dư âm về một tấm lòng người mẹ cao cả vẫn còn vấn vương trong lòng người đọc. Hình ảnh bà cụ Tứ thấp thoáng hình ảnh bao người mẹ Việt Nam cơ cực nhưng luôn tràn đầy tình yêu thương con. Đó là một hình tượng đẹp, khó có thể lãng quên.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt – Mẫu 2

Nếu Nguyễn Tuân là văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái lạ; Nguyên Ngọc là nhà văn của cái hùng, cái cao cả thì Kim Lân chỉ đơn giản là người “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Một trong những nhân vật thể hiện rất rõ cái nhìn đôn hậu, thấu hiểu và yêu thương của Kim Lân dành cho người nông dân chính là nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Trong tác phẩm, nhân vật đã rất nhiều sự thay đổi từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau.

Tác phẩm được Kim Lân viết văn 1962, tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Mang theo ý thức sâu sắc về nghề cầm bút, Kim Lân luôn trăn trở: “Viết về cái đói, người ta thường hướng đến sự khốn cùng bi thảm, về cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, cận kề cái chết, con người vẫn luôn hướng về sự sống và sống cho ra người. Đó cũng chính là điều làm nên giá trị sâu sắc của tác phẩm”. Đó chính là tiền đề để tác giả có thể tạo lên một tác phẩm: “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường (…) để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực” (Nguyễn Minh Châu). Một trong những nhân vật tạo nên giá trị của “Vợ nhặt” chính là bà cụ Tứ.

Đó là một người mẹ nghèo trở nên bất lực khi không lo nổi chuyện cưới xin cho con. Nên khi tình huống mở ra: Tràng nhặt vợ trong bối cảnh nạn đói thảm hại, bà hoàn toàn bất ngờ và bị động. Nhưng qua đó lại thể hiện chân thực và sâu sắc nhất hình ảnh người mẹ nông dân này.

Trong buổi tối hôm trước, khi bước vào nhà, bà cụ Tứ còn cảm thấy ngạc nhiên trước sự xuất hiện của người đàn bà lạ mặt. Sự ngạc nhiên hiện ra trong một loạt những câu hỏi: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong đấy nhỉ?”, “Sao lại chào mình bằng u?” Sự ngạc nhiên còn khiến bà không tin vào mắt mình: bà “hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoè đi thì phải”. Hiểu ra cơ sự thì lòng người mẹ nghèo đan xen những cảm xúc trái chiều. Bà vừa mừng lại vừa tủi. Mừng vì con trai cuối cùng đã lấy được vỡ, nỗi day dứt của một người mẹ không thể lo được chuyện quan trọng nhất đời cho con nhưng lại tủi trước hoàn cảnh con lấy được vợ: “Chao ôi! Người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mày nở mặt sau này. Còn mình thì…” Nỗi tủi hờn được giấu trong dấu (…) không cất được thành lời. Trong người mẹ ấy, vừa có sự yêu thương lại xen lẫn với nỗi xót xa. Bà xót thương cho đứa con trai mình nhờ đói khát mà lấy được vợ, nhờ đói khát mà có cơ hội chạm vào hạnh phúc. Nhưng bà cũng xót xa cho người con dâu, vì đói khát mà theo không con trai mình. Trong suy nghĩ của bà không hề có một chút khinh khi mà trái lại, tình thương còn thấm đượm trong mỗi câu chữ: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Hai chữ “mừng lòng” đã trả lại danh dự cho người vợ nhặt. Bà cụ Tứ không phải chấp nhận mà đón nhận con dâu với tất cả yêu thương trân trọng. Đối với bà, việc Tràng có vợ không phải là sự nhặt vu vơ mà là duyên kiếp, như đối với tất cả lứa đôi nào. Ở đây, ta thấy toát lên vẻ đẹp của lòng nhân hậu, sự bao dung và vị tha. Ở người mẹ ấy còn xen lẫn những âu lo và hi vọng. Bằng sự từng trải của người mẹ, bà cụ Tứ nhận thấy bóng tối của đói khát, chết chóc đang bủa vây các con mình nên nỗi lo trĩu nặng bật ra thành những câu hỏi: “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”, “Vợ chồng chúng nó lấy nhau, đời của chúng nó liệu có hơn bố mẹ nó trước kia không?”. Nhưng nỗi tủi hờn là lo lắng ấy lại được nén trong lòng. Bà cụ Tứ vẫn cố gắng hướng các con tới tương lai bằng những lời động viên an ủi: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Đó là hình ảnh người mẹ từng trải, thấu hiểu lẽ đời và giàu khát vọng.

Qua những suy nghĩ, lời nói, cử chỉ và cách ứng xử với con dâu, con trai ta đều cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự nhân hậu, thấu hiểu của người mẹ nông dân, người phụ nữ Việt Nam.

Sang buổi sáng hôm sau, bà cụ Tứ đã có sự thay đổi lớn. Gương mặt “bủng beo, ám” thường ngày bỗng “rạng rỡ hẳn lên”, trở nên “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác hẳn thường ngày”. Ngôn ngữ và hành động cũng được tác giả chú ý miêu tả. Bà cụ lúi húi giẫy những búi cỏ rồi bàn bạc với các con về việc gia đình, chuyện trò vui vẻ với con trai, lễ mễ bưng nồi chè khoán mà đon đả múc vào bát. Người mẹ nghèo với tấm lòng thơm thảo đang cố gắng chăm lo, vun vén cho các con. Tâm trạng của người mẹ đối với cái thảm hại của bữa ăn ngày đói, với cái đắng chát của vị cháo cám lại ánh lên niềm hi vọng, niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Có thể nói, qua tâm trạng của bà cụ Tứ, ta cảm nhận được rằng: trong vực thẳm đói khát những người dân lao động nghèo khổ vẫn giữ gìn ngọn lửa của niềm tin để nhen nhóm lên hi vọng và tin yêu cuộc sống. Đặc biệt, những chồi xanh của hi vọng, sự sống lại được nảy mầm từ đói khát, từ chính cuộc đời những con người tưởng như đã cạn kiệt sinh lực sống.

Như vậy, từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, tâm trạng nhân vật từ những cảm xúc đan xen lẫn lộn, từ nỗi tủi hờn đã ánh lên niềm vui, từ nỗi âu lo nay đã chuyển thành hi vọng. Ngay cả đặc điểm của thời gian: chiều tối đến sáng, không gian: u ám của cái chết bủa vây đến sáng hôm sau tươi sáng cũng đã thể hiện sự biến đổi tích cực này. Đó chính là sự vận động từ bóng tối ra ánh sáng, từ nỗi buồn đến niềm vui – một trong những khung hướng tất yếu của văn học cách mạng Việt Nam.

Tái hiện nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân đã thể hiện sự tài tình trong ngòi bút kể chuyện. Tác giả đã phối hợp điểm nhìn bên trong và bên ngoài: buổi tối hôm, nhà văn đặt điểm nhìn vào bên trong nhân vật để tái hiện các nét tâm trạng vừa đan xen lại chuyển hóa vào nhau để tạo nên những dòng chảy tâm tư chân thực, sống động với ngôn ngữ nửa trực tiếp cho phép người đọc thâm nhập vào thế giới nội tâm nhân vật. Đến buổi sáng hôm sau, nhà văn lại xuất phát từ điểm nhìn bên ngoài để miêu tả diện mạo, hành động, thể hiện sức sống, niềm tin được nhân vật khơi mở và thắm lên trong ngôi nhà của mình. Về mặt ngôn ngữ, Kim Lân đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn thứ ngôn ngữ nông dân giản dị, thuần hậu để dựng lên những đoạn độc thoại, đối thoại sinh động, khiến người đọc có cảm giác như nhân vật như đi thẳng từ cuộc đời vào trang viết. Đặt nhân vật vào tình huống độc đáo và éo le, từ đó tính cách và tâm lí được thể hiện một cách tự nhiên.

“Vợ nhặt” đã khiến nhà văn Nguyễn Khải thốt lên: “Tôi không tin Nguyễn Tuân có thể viết “Chữ người tử tù” cũng như Kim Lân có thể viết “Vợ nhặt”. Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết”. Điều đó chắc chắn được làm nên không chỉ bởi ngòi bút kể chuyện tài hoa mà còn là một tâm hồn luôn “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy”, một cái nhìn đôn hậu, hóm hỉnh và đầy thấu hiểu với người nông dân.

Bởi những “áng văn chân thực và giản dị về con người “ (Hemingway) ấy, mà Kim Lân văn dù viết rất ít nhưng “lại được khâm phục rất nhiều”.

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt – Mẫu 3

Là nhà văn của nông thôn và người nông dân, là “người một lòng đi về với đất với người thuần hậu, chất phác, nguyên thủy” (Nguyên Hồng), truyện ngắn của Kim Lân cuốn hút bạn đọc không phải bởi những nét tân kì quá đỗi mới mẻ mà là những gì ấm áp, thân thuộc nhất. Truyện ngắn “Vợ nhặt” cũng là một truyện mang nét hóm hỉnh, đôn hậu, tự nhiên của Kim Lân, trong đó nhân vật bà cụ Tứ là một hình tượng đẹp, một người mẹ nông dân già nua, nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương và khát vọng sống.

Không xuất hiện ngay từ đầu câu chuyện, bà cụ Tứ chỉ được kể đến khi anh cu Tràng dẫn “nàng dâu mới” về nhà. Qua miêu tả của Kim Lân, bà cụ Tứ là một bà cụ tuổi đã già, những cử chỉ của bà chứng tỏ bà là người bắt đầu bước sang tuổi già yếu, mắt kèm nhèm, huống hồ cái đói tràn về, bao phủ lên từng mái nhà người dân Việt Nam những năm 1945, nhà bà cụ Tứ sao tránh khỏi cái cảnh nghèo khó? Đã là người già nua tuổi tác, lại còn neo đơn, chịu cảnh mẹ góa con côi, con gái lấy chồng xa, thì quả là một đời đói khổ đáng thương đến nhường nào.

Nhưng đằng sau cái vẻ già nua, lẩm cẩm ấy là một người mẹ rất mực yêu thương con, thương người, thương đời. Cậu con trai ế vợ của bà bỗng dung đưa một người phụ nữ xa lạ về làm vợ, trong khi cả gia đình đang bị cái đói dồn đuổi và cận kề cái chết, tình huống xảy ra bất ngờ đặt bà cụ Tứ trong sự lựa chọn đầy khó khăn. Một loạt những câu hỏi xuất hiện cùng lúc trong đầu bà cụ với sự ngạc nhiên, bất ngờ. “Người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lai đứng ở đầu giường con trai mình thế kia?…” Bà cụ ngỡ ngàng vì có người đàn bà mới xuất hiện trong nhà, nhưng thực chất là ngạc nhiên trước hạnh phúc quá lớn của con. Khi đã được giải thích và hiểu rõ cơ sự thì lòng người mẹ nghèo khổ ấy dâng lên niềm ai oán xót thương – ai oán cho cảnh ngộ và xót thương cho các con. Trong lời tự ngẫm, tự than đầy ngậm ngùi: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”, dấu ba chấm như nghẹn lại của tâm trạng không thể nói thành lời. Bà thương và lo cho các con không biết có vượt qua đói khát mà sống được hay không. Khi không thể nói thêm được, bà cụ khóc, dòng nước mắt có tủi, có buồn, có mừng, có vui, có khó tả. Từ đó, mọi lời ăn tiếng nói và suy nghĩ của bà cụ đều ngập tràn yêu thương, trìu mến, “mừng lòng” với chuyện của hai con chứ không phải “bằng lòng”, tức là chuyện ấy là chuyện vui, là niềm hạnh phúc.

Đặc biệt, bà cụ như trở thành người khác trong buổi sáng hôm sau. Thay vì dáng vẻ già nua, lọm khọm, bà cụ trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát trong việc chủ động dọn dẹp nhà cửa, mong rằng nhà của quang quẻ thì cuộc đời cũng tươi mới hơn. Bà tổ chức cho các con bữa ăn đón dâu mới dẫu đạm bạc nhưng đầm ấm. Dù là người đã ở tuổi gần đất xa trời, nhưng trong bữa cơm ngày đói này, bà lại là người nói nhiều nhất và nói nhiều đến tương lai: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà… Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có một đàn gà cho mà xem” Trong tận cùng đói khổ, bà cụ không chỉ nghĩ ngắn mà nghĩ dài hơi hơn, biết hướng về phía tương lai, khơi dậy niềm tin cùng sự sống cho các con. Hơn thế, khi niêu cháo lõng bõng đã hết thì bà lão lại lật đật xuống bếp, lễ mễ bưng ra một nồi cháo cám khói nghi ngút, lại còn hóm hỉnh giưới thiệu là “chè khoán”. Khi đã hóm hỉnh được như thế, hẳn bà cụ đã vượt qua mọi sự sượng sùng, ngại ngùng, muốn đem đến cho các con niềm vui nho nhỏ, mong rằng cuộc sống vì thế mà đỡ tủi cực đi ít nhiều. Thì ra, khát vọng sống ở người nông dân không chỉ trong những người trẻ mà còn ở những người đã già tưởng như những cây khô. Thì ra, sự sống không bao giờ là giới hạn với tuổi tác khi nó giúp con người bám tru lại ở đời bằng những giá trị tinh thần. Tình yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia là phương thức cứu rỗi con người vượt qua những tao đoạn của cuộc sống.

Bằng việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật sinh động, sử dụng độc thoại nội tâm và những nét ngoại hiện, cùng vốn ngôn ngữ tinh tế, có duyên, Kim Lân đã làm hiện lên hình ảnh một người mẹ Việt Nam dù không mang tầm vóc anh hùng lớn lao, nhưng tình thương mến là vô bờ, vĩnh cửu, khát vọng sống là không bao giờ tắt ngấm. Và ở một người đã tuổi cao sức yếu, điều này càng thêm phần quý giá, khiến chúng ta không khỏi bùi ngùi nhìn lại chính mình, những con người của tuổi trẻ, của thanh xuân phơi phới, sao lại nằm dài ủ dột chán đời?

*****

Trên đây là 3 bài mẫu Phân tích nhân vật bà cụ Tứ sáng hôm sau trong Vợ nhặt lớp 12 ngắn gọn hay nhất do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình với điểm số cao nhất.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (3 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button