Học TậpLớp 8

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội lớp 8 (9 Mẫu)

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội bao gồm hướng dẫn viết cùng 9 bài mẫu do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích cho các em học sinh lớp 8 trau dồi vốn từ, củng cố kỹ năng viết đoạn văn ngày một hoàn thiện hơn.

Đề bài: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội.
Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội.

Hướng dẫn Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội lớp 8

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội là nêu rõ ý kiến (quan điểm) của người nói, sử dụng các luận điểm xác đáng và bằng chứng tin cậy, cụ thể nhằm thuyết phục người nghe về một vấn đề xã hội.

Bạn đang xem: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội lớp 8 (9 Mẫu)

Vấn đề xã hội có thể là một câu hỏi cần trả lời, một điều cần giải quyết, một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực hay vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực trong cuộc sống. Ví dụ:

– Giúp người cao tuổi – một việc làm đẹp.

– Hay đổ lỗi cho người khác – một thói hư tật xấu cần tránh.

– Những hành vi đẹp và không đẹp trong khi tham gia giao thông đường bộ.

Vấn đề xã hội cũng có thể rút ra từ những tác phẩm văn học (đã học, đọc) vì văn học luôn gắn với cuộc sống, luôn đặt ra các vấn đề cần giải quyết của cuộc sống. Chẳng hạn:

– Em hiểu thế nào là lòng nhân ái trong cuộc sống sau khi học truyện Gió lạnh đầu mùa (Thạch Lam)?

– Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc được gợi ra sau khi học truyện ngắn Người mẹ vườn cau (Nguyễn Ngọc Tư).

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 1

Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc.

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn có mặt tiêu cực của nó đó là nguy cơ xói mòn, phai nhạt và biến dạng hệ thống giá trị trong bản sắc văn hóa dân tộc, sự ru nhập của lối sống tư sản, suy giảm thuần phong mĩ tục, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Thanh niên là lực lượng xung kích, sáng tạo có vai trò quan trọng to lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, họ là lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ, giữ gìn, bổ sung, phát triển và quảng bá những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc thực hiện nội dung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, để phát huy vai trò của thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay chúng ta phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được xây dựng và ghi nhận bởi những chiến công hi sinh thầm lặng của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nó là kết tinh những gì là tinh túy nhất của dân tộc để rồi chính những giá trị đó lại lung linh tỏa sáng, soi sáng con đường chúng ta đi. Không chỉ bây giờ mà mãi mãi về sau những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc sẽ là hành trang, động lực để cho thanh niên Việt Nam chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới tô thắm nên truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Xin chào thầy cô và các bạn. Ở phần Đọc của Bài 1 Truyện ngắn chúng ta đã từng được tìm hiểu về truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc và gợi ra nhiều suy ngẫm cho mỗi người về tình yêu thương trong cuộc sống.

Với giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà văn đã khắc họa một cách rõ nét hình ảnh các nhân vật xuất hiện xuyên suốt truyện ngắn với chân dung đẹp đẽ, sống động. Hai chị em Lan và Sơn vì thương đám trẻ nghèo mà mang áo của em gái mình ra cho cô bạn nhỏ. Để rồi sợ mẹ mắng mà khép nép không dám nhìn mẹ. Đó chính là khoảnh khắc đẹp đẽ của trẻ em – khoảnh khắc chứa chan tình người khiến cho người đọc chúng ta cũng rưng rưng xúc động. Con người thường chỉ nghĩ đến mình mà khó nghĩ được cho người khác, và người mà có cuộc sống đủ đầy lại càng khó nghĩ cho những người khốn khó hơn mình vì họ không hiểu được những gánh nặng của những người khó khăn. Thế nhưng, những em bé trong câu chuyện dù sống trong nhung lụa vẫn hiểu và thương những mảnh đời khó khăn thì đó thực sự là vẻ đẹp quý giá của tình người.

Truyện không dừng lại ở đó. Phần cuối truyện, mẹ Hiên đã đem cái áo bông đến trả mẹ của Sơn. Hành động này thể cho thấy có những con người trong xã hội xưa, dù sống khó khăn, khổ cực nhưng vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Mẹ Sơn sau khi nghe rõ việc, đã cho mẹ Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Còn với hai chị em Sơn, bà chẳng những không tức giận mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”. Cả mẹ Sơn hay mẹ Hiên đều là những người phụ nữ đức hạnh, giàu lòng tự trọng. Có thể khẳng định rằng truyện ngắn là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng lại chan chứa tình yêu thương và lòng nhân ái giữa con người với nhau trong xã hội.

Có thể thấy, bức tranh đầu mùa đông được nhà văn Thạch Lam miêu tả rất chính xác, tinh tế. Cảnh vật như nổi hình, nổi khối trước mắt người đọc. Còn bức tranh tình người hiện lên vừa ấm áp, vừa đơn sơ, vừa quen thuộc nhưng rộn ràng, hạnh phúc, dạt dào tình cảm, cảm xúc.

Với ngòi bút tài hoa của nhà văn Thạch Lam, truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả trong suốt mấy mươi năm qua vì vẻ đẹp tình người.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 2

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là…………học sinh………trường………

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Đó là đôi câu đối thân quen khi nói về những nét đặc trưng nhất trong ngày Tết nguyên đán của người Việt từ bao đời nay. Trong đó, chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của cả dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến. Bánh chưng không chỉ là món ăn mà còn là mang rất nhiều ý nghĩa đậm chất dân tộc ngày tết. Cùng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của những món bánh này bạn nhé!

Trong tâm thức người Việt, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Là một món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày tết. Bánh chưng được người Việt sáng tạo ra gắn liền với sự tích bánh chưng bánh giầy. Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân. Vua muốn truyền ngôi cho con, nhân dịp đầu xuân, mới hội các con mà bảo rằng: “Con nào tìm được thức ngon lành để bày cỗ dâng cúng tổ tiên có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho”.

Lang Liêu – người con trai thứ sáu của vua Hùng bỗng nằm mơ thấy Thần Đèn bảo: “Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Lang Liêu tỉnh dậy, mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi. Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Lang Liêu chỉ có bánh Dầy bánh Chưng. Vua lấy làm lạ hỏi, ông đem thần mộng tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương thứ bảy. Từ đó, cứ đến Tết nguyên đán hay các đám cưới, thờ cúng, lễ hội… dân gian bắt chước làm bánh chưng, bánh dầy sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất.

Chính vì vậy bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư lạc nghiệp của con người: nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín… là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi an vui xóm làng.

Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…

Bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ,chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có. Đi cùng với bánh chưng bánh dày, trong ngày tết bày mâm ngũ quả thể hiện ngũ hành tương sinh tương khắc.

Trong ngày tết cổ truyền hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa với tất cả chúng ta. Một cái tết sẽ không là chọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng, cuộc sống dù có bộn bề và nhiều lo toàn nhưng chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ gia tiên chắc chắn phải có.

Hơn nữa, bánh chưng Tết còn có ý nghĩa lớn về mặt dinh dưỡng. Với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng như gạo nếp, đỗ xanh và thịt heo bánh chưng cung cấp cho chúng ta rất nhiều vi chất và vitamin bổ dưỡng cho cơ thể để chống chọi với cái lạnh mùa Đông ngày Tết. Cụ thể như đỗ xanh chứa chất thanh nhiệt giải độc giảm các hiện tương sưng tấy làm bánh chưng có vị thanh giúp cân bằng với độ béo của thịt và đồ nếp. Bên cạnh đó gạo nếp cung cấp lượng tinh bột lớn đồng thời có là một thực phẩm rất tốt cho gan.

Thông thường các gia đình Việt có thói quen gói bánh vào ngày 27 và 28 đây là khoảng thời gian kết thúc công việc sau cả 1 năm vất vả để chuẩn bị mọi thứ cho ngày tết. Đây chính là dịp để ông bà bố mẹ và con cháu xum vầy trước không khí rạo rực của mùa xuân, bánh chưng có ý nghĩa không chỉ về mặt dinh dưỡng mà nó chính là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc ta.

Ngày xưa, bánh chưng chỉ có mặt mỗi dịp tết đến xuân về. Nhưng ngày nay, bất cứ lúc nào cũng có thể nhìn thấy hình ảnh chiếc bánh chưng. Cứ đến dịp lễ hội hoặc ngày trọng đại như cưới hỏi, bánh chưng có thể được đem vào thực đơn của mâm cơm gia đình.

Bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp hình ảnh Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai xa quê cũng mong được về nhà bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới.

Trên đây là bài trình bày của tôi về một sản phẩm văn hóa đặc chưng của đất nước, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 3

Sự đa dạng về văn hóa ngày nay do sự phát triển của xã hội. Ở Việt Nam, nhiều nền văn hóa được du nhập, đan xen và pha trộn lẫn nhau: văn hóa Phương Đông và văn hóa Phương Tây. Do đó, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay đã có nhiều sự lựa chọn, lối sống và cách nhận thức khác nhau về văn hóa truyền thống.

Như đã trình bày ở trên, văn hóa truyền thống bao gồm tư tưởng tình cảm, phong tục, tập quán, lối sống và cách ứng xử… được hình thành trong những điều kiện thời gian nhất định, được bảo tồn qua năm tháng trong đời sống vật chất và tinh thần của các cộng đồng xã hội khác nhau, được hình thành từ lâu đời và có thể chuyển giao từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trong xã hội hiện đại, văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được lưu giữ, truyền đạt cho thế hệ con cháu sau này. Mặc dù được tiếp cận với nhiều nền văn hóa hiện đại từ các nước trên thế giới nhưng đại bộ phận giới trẻ Việt Nam vẫn luôn giữ trong mình bản sắc dân tộc. Đó là những ngày lễ kỷ niệm lớn như: Quốc Khánh 2/9, Giỗ tổ Hùng Vương 10/3, Ngày giải phóng dân tộc 30/4… trở thành những ngày đại lễ để người dân Việt Nam tưởng nhớ đến các vị anh hùng vĩ đại của dân tộc. Đó là những viện bảo tàng, di tích lịch sử… được lưu giữ vẹn nguyên để con cháu biết được những quá khứ hào hùng của ông cha ta. Đó là những nét đẹp truyền thống, những văn hóa phi vật chất mang đậm bản sắc dân tộc được người dân các vùng miền coi là ” đặc sản”. Có thể thấy, dù sống trong xã hội phát triển nhưng những văn hóa truyền thống không hề bị mai một mà nhân dân chúng ta coi là những giá trị tinh thần cốt lõi hướng về cội nguồn, để ” uống nước nhớ nguồn”/ ” ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Từ những lối sống, cách cư xử lễ phép “kính trên nhường dưới”, văn minh, lịch sử đã được ông bà uốn nắm từ khi còn rất nhỏ đã hình thành lối sống tốt đẹp biết ơn về nguồn cội. Đó là những truyền thống quý báu được lưu giữ thể hiện nét đẹp tinh thần của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ hơn tất cả, dân tộc Việt Nam ta luôn phải gìn giữ bản sắc dân tộc bởi đó là cốt lõi của mỗi con người. Xã hội càng hiện đại, chúng ta cần phải coi trọng việc giữ gìn những truyền thống tốt đẹp. Nó đóng vai trò quan trọng hình thành nên giá trị của một con người. Một đất nước phát triển bền vững là một đất nước biết dung hòa và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi từ xa xưa, bản chất tạo nên giá trị bền vững.

Hơn tất cả, mọi người dân Việt Nam chúng ta hãy chung tay cùng nhau gìn giữ những thành quả tinh thần và vật chất mà cha ông ta để lại. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp là kho báu quý giá của nhân dân Việt Nam nói chung cần được lưu truyền, gìn giữ và phát triển trở thành bản sắc văn hóa dân tộc mà chỉ có Việt Nam mới có.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 4

Xin chào thầy cô và các bạn.

Trong chương trình chúng ta được học và tìm hiểu về truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam. Đây là một truyện ngắn xuất sắc của Thạch Lam viết về đề tài trẻ em. Truyện đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.

Tác giả đã khắc họa trước mắt người đọc hình ảnh thiên nhiên lúc giao mùa thật tinh tế. Chỉ sau một đêm mưa rào, trời bắt đầu nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến khiến con người tưởng rằng mình đang ở giữa mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, cậu thấy mọi người trong nhà, mẹ và chị đã trở dậy, ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Mọi người đều “đã mặc áo rét cả rồi”. Ở ngoài sân “Gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Bầu trời không u ám, toàn một màu trắng đục”. Những cây lan trong chậu “lá rung động và hình như sắt lại vì rét”. Chỉ vài chi tiết nhưng người đọc đã thấy được sự chuyển biến về thời tiết, thiên.

Câu chuyện tiếp tục diễn biến, đem đến cho người đọc niềm đồng cảm sâu sắc. Mẹ Sơn đã bảo Lan – chị gái của Sơn vào buồng lấy thúng áo ra. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Bà giơ lên một chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành. Đó chính là chiếc áo của Duyên – đứa em gái đáng thương của Sơn đã mất năm lên bốn tuổi. Người vú già đã “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”. Khi nghe mẹ nhắc về em gái, Sơn cũng cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “hơi rơm rớm nước mắt”. Chiếc áo bông chính là kỉ vật gợi nhớ về người em gái đã mất với biết bao tình yêu thương sâu sắc. Điều đó cho thấy tình cảm gia đình thắm thiết, sâu sắc.

Trái ngược với cuộc sống sung túc của gia đình Sơn. Những nhân vật trẻ em trong xóm trọ lại có hoàn cảnh thật bất hạnh. Nào tằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc – những đứa trẻ em nghèo khổ vẫn phải mặc những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Môi chúng nó “tím lại”, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi”. Gió lạnh thổi đến, chúng nó lại “run lên, hai hàm răng đập vào nhau”. Khi nhìn thấy Sơn và Lan trong những bộ quần áo ấm áp, chúng cảm thấy xuýt xoa, ngưỡng mộ. Hai chị em Sơn tỏ ra thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi Lan nhìn thấy Hiên đang đứng “co ro” bên cột quán, trong gió lạnh chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Cả hai chị em đều cảm thấy thương xót cho con bé. Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, nhớ đến em Duyên ngày trước vẫn cùng chơi với Hiên ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt thoáng qua trong tâm trí Sơn – đó là đem chiếc áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Nghĩ vậy, cậu đã nói với chị gái của mình, nhận được sự đồng tình của chị. Chị Lan đã “hăm hở” chạy về nhà lấy áo. Còn Sơn thì đứng yên lặng đợi chờ, trong lòng tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”.

Kết thúc đem đến cho người đọc nhiều điều ấn tượng. Hai chị em Sơn lo lắng khi người vú già biết mẹ đã biết chuyện hai chị em lén mang áo cho Hiên. Sơn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và sang nhà tìm Hiên để đòi lại áo. Nhưng đó là một phản ứng bình thường của một đứa trẻ khi mắc lỗi và bị phát hiện. Đến khi trở về nhà, chị em Sơn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mẹ con cái Hiên đang ở nhà mình. Mẹ Hiên đem chiếc áo bông đến trả mẹ của Sơn. Có thể thấy dù sống khó khăn, khổ cực nhưng bà vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn người mẹ của Sơn, sau khi nghe rõ việc, bà đã cho mẹ của Hiên mượn năm hào về may áo ấm cho con. Điều đó thể hiện mẹ Sơn là một người trái tim nhân hậu. Sau khi mẹ con Hiên về, mẹ Sơn không tức giận, đánh mắng con mà còn “vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm”.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 5

Trong bài thơ “Việt Nam quê hương ta”, nhà thơ Nguyễn Đình Thi có viết “Đất trăm nghề của trăm vùng/ Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem”. Hai câu thơ đã cho thấy sự phong phú, đa dạng về làng nghề truyền thống ở đất nước ta. Mỗi làng nghề lại sản xuất những mặt hàng, sản phẩm mang đặc trưng riêng.

Ngày nay, dù cuộc sống đã trở nên hiện đại và kéo theo nhiều thay đổi nhưng nhiều người vẫn tin tưởng sử dụng sản phẩm thủ công. Một số vật dụng vẫn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: bát sứ, tranh lụa, bình gốm,… Phải chăng, sự đổi thay dễ thấy nhất đến từ mô hình sản xuất? Thay vì làm thủ công 100%, nhiều làng nghề đã và đang áp dụng máy móc cùng những kĩ thuật tiên tiến để sản xuất nhằm đáp ứng thị trường và tiết kiệm chi phí.

Có thể nói, việc sử dụng sản phẩm thủ công mang đến rất nhiều lợi ích. Trước hết, nó đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho các làng nghề truyền thống. Một vài mặt hàng được sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài như: mây tre đan, gốm sứ, hàng thủ công thêu tay,… cũng góp phần thu về rất nhiều ngoại tệ. Tiếp đến, nếu làng nghề thủ công phát triển bền vững thì người lao động vẫn được đảm bảo công ăn, việc làm. Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm thủ công còn giúp lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của cha ông.

Hi vọng rằng, các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ được đông đảo người dân yêu thích và sử dụng. Người tiêu dùng cũng nên có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về những sản phẩm này. Bên cạnh đó, các địa phương cần lên kế hoạch hợp lí nhằm thúc đẩy, phát triển làng nghề.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 6

Văn học đã luôn song hành với cuộc sống con người từ khi bắt đầu hình thành xã hội cho đến nay. Văn học xuất hiện trước chữ viết, có lịch sử rất dài và sâu rộng. Nó trải qua nhiều triều đại, nên bản thân cũng dần có nhiều thay đổi hơn để phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên, một điều chưa từng thay đổi, chính là ý nghĩa và vai trò quan trọng không thể phai mờ của văn học đối với cuộc sống.

Văn học là cách gọi chung của những sáng tác về văn chương như bài thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, nhật kí, trường ca… Chúng đều được sáng tác để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của người viết với những điều họ trải qua, gặp gỡ. Chính vì vậy, mà người đọc tìm thấy được bản thân mình trong những tác phẩm đã đọc, từ đó xảy ra hiện tượng đồng điệu và thăng hoa cảm xúc. Ngoài ra, văn học còn giúp chúng ta nhìn về quá khứ, để gặp gỡ cuộc sống, tư tưởng của cha ông ta thời kì trước. Hơn cả điều đó, chính là giá trị mà văn học đem đến cho con người. Goóc-ki đã từng nhấn mạnh “Văn học là nhân học”. Những tác phẩm văn học khiến cho con người ta trở nên người hơn. Đánh thức dậy, tôi luyện thêm những tình cảm yêu thương, quý mến, bao dung, hi sinh, đồng cảm… từ sâu trong trái tim người đọc. Những tác phẩm ấy hướng chúng ta đến điều hay lẽ phải, hướng chúng ta đến những gì nhân văn nhất.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, văn học phải đối mặt với những vấn đề không hề nhỏ. Đó chính là sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn. Văn học giờ đây không còn giữ vai trò độc tôn trong việc truyền tải những bài học giáo dục, những câu chuyện bổ ích, nhân văn. Đặc biệt, các hình thức truyền tải thông qua hình ảnh, âm nhạc cũng dễ dàng thu hút các bạn nhỏ tuổi hơn là đọc sách. Điều đó gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến văn học. Cùng với sự biến động của thị trường, ngày càng nhiều tác phẩm văn học ăn xổi, không có giá trị được đưa ra bày bán tràn lan. Khiến hình ảnh văn học trong mắt người đọc trở nên bớt ý nghĩa hơn. Để đối mặt với điều đó, văn học cũng phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, để giữ được vị trí của mình trong lòng độc giả. Đó là sự phát triển đa dạng hơn về nội dung, thể loại. Cùng với đó là sự kết hợp với các hình ảnh minh họa, phương tiện quảng cáo. Nhờ vậy, văn học vẫn có thể tiếp cận với người đọc ở nhiều lứa tuổi, mà không bị bó hẹp với những người đã trưởng thành. Tuy nhiên, văn học ngày nay vẫn giữ được những giá trị nhân văn cao cả, giữ vững sứ mệnh của bản thân với sự phát triển của xã hội. Đó chính là điều đáng quý, là tôn chỉ của văn học chân chính.

Em rất thích đọc sách văn học. Không chỉ bởi nội dung ý nghĩa, đa dạng mà còn vì được phát triển tự do tư duy, trí tưởng tượng của bản thân. Em tin rằng, với khả năng thích nghi của văn học trong cuộc sống ngày nay, thì nó sẽ vẫn tiếp tục trường tồn với sự phát triển của xã hội

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 7

Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên với sự phát triển rực rỡ của máy móc, công nghệ, thiết bị hiện đại. Các đồ dùng sinh hoạt được sản xuất trên quy mô lớn, giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã và hình thức. Những điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến thay đổi thói quen của con người trong việc sử dụng sản phẩm hiện đại thay vì thủ công truyền thống.

Ngày nay, chúng ta ít khi bắt gặp nồi gang đúc hay rổ rá tre,… Chúng ta đang thay thế chúng bằng các sản phẩm ưu việt, nhiều tính năng hơn. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các làng nghề truyền thống. Khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm thì việc cung ứng cũng bị trì trệ, chậm chạp. Không chỉ vậy, việc lãng quên sản phẩm thủ công truyền thống còn đồng nghĩa với việc vẻ đẹp văn hóa dân tộc dần mai một theo thời gian.

Như vậy, việc sử dụng các sản phẩm này cũng chính là cách để chúng ta giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế ở làng nghề. Ngoài ra, các sản phẩm làm từ tự nhiên như mây, tre cũng giúp bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu rác thải từ nhựa, ni-lông.

Để các sản phẩm thủ công truyền thống trở nên phổ biến, chúng ta có thể quảng bá, giới thiệu tới mọi người. Đồng thời, nếu có cơ hội, ta nên ghé thăm một số làng nghề để tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Hi vọng rằng, các địa phương sẽ đẩy mạnh và phát triển mô hình du lịch làng nghề nhằm thu hút du khách tới thăm.

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 8

Các nghề thủ công truyền thống là một thành tố cơ bản của văn hóa dân gian nên cũng góp phần vào việc hình thành và phát triển các giá trị văn hóa nơi cộng đồng làng xã. Sản phẩm thủ công không chỉ thể hiện sự khéo léo ở kỹ thuật mà còn có yếu tố nghệ thuật. Chính điều này làm nên chất nghệ sĩ của người thợ thủ công và tính văn hóa cao của các nghề thủ công.

Tính văn hóa đó trước hết thể hiện ngay chính trong tổ chức xóm nghề, giữa các thợ thủ công với nhau và với nghề. Tính tổ chức đó cao hơn hẳn so với nghề nông. Từ sự phân công tự giác và rạch ròi giữa thợ cái/ thợ cả với thợ phụ ngay trong một lò/ xưởng đến việc liên kết giữa các nhóm thợ chuyên các sản phẩm khác nhau, tạo nên một thiết chế xã hội nghề nghiệp tương tự như các thiết chế xã hội khác. Trong thiết chế xã hội này, giữa các thành viên có chất kết dính hết sức mạnh mẽ là lòng yêu nghề và sự tri ân các thế hệ đã có công tạo dựng và phát triển các nghề thủ công mà biểu hiện rõ nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề. Mỗi dịp cúng tổ là một lần củng cố thiết chế xã hội của các người thợ, giúp họ có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối việc làm ăn và thêm gắn bó với nhau. Trong hầu hết các đình thần của mỗi xóm ấp ở Nam bộ đều có bàn thờ Tiên sư, chính là đối tượng tôn thờ của tín ngưỡng thờ tổ nghề.

Ngoài ra, các nghề thủ công còn góp phần xây dựng tiện nghi và bộ mặt thẩm mỹ cho đời sống người dân. Các sản phẩm do họ tạo tác nên không chỉ mang tính thực dụng mà còn có giá trị thẩm mỹ độc đáo, là nơi họ gửi gắm những ước vọng bay bổng của tâm hồn. Do vậy, ngoài công năng vốn có của nó, tự thân mỗi sản phẩm nghề thủ công còn là một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện thế cách của con người trong ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội vốn còn nhiều mới mẻ ở vùng đất này.

Giá trị văn hóa của các nghề thủ công truyền thống còn thể hiện ở lối sống, phong tục của từng cộng đồng. Mỗi làng, do ảnh hưởng của nghề, có một lối sống, phong tục tập quán tương đối đặc biệt. Một đặc điểm trong lối sống của các nghề thủ công truyền thống là tính cộng đồng và tính nhân văn cao. Một sản phẩm thủ công được hoàn thành phải qua nhiều công đoạn, mọi người cùng có trách nhiệm. Công việc của người này có liên quan đến chất lượng công việc của người kia, vì thế luôn luôn có mối quan hệ ràng buộc giữa những người thợ với nhau, tạo nên một lối sống cộng đồng có trách nhiệm. Tính cộng đồng trong các nghề thủ công truyền thống thể hiện rất cao qua cách thức sản xuất. Mỗi thành viên trong làng không lao động đơn lẻ. Người này học hỏi người kia, kinh nghiệm được trao đổi cho nhau. Qua đó, tình làng nghĩa xóm ngày càng đậm đà. Mức độ cạnh tranh nghề nghiệp không mãnh liệt nên không tiêu diệt được tình làng nghĩa xóm, mà trái lại, họ phải thi đua sản xuất để giữ thị trường, đạt được số lượng cần thiết của phía đặt hàng

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội – Mẫu 9

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận nhiều với nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn, thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết hơn bất cứ khi nào hết.

Thực trạng đang diễn ra mà ai cũng cảm nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người chúng ta ngày càng được hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại quên đi nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra và lớn lên. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ lại ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những văn hóa các nước khác.

Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ ngày càng bị mai một và mất dần đi. Những lễ hội, cuộc thi dân gian không còn được nhận nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Nhiều đứa trẻ hiện nay không hiểu nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của các nước trên thế giới. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.

Đứng trước thực trạng đáng báo động trên, là những người trẻ chúng ta cần làm gì để khắc phục? Trước hết, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh cần phải tìm hiểu, trau dồi những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn và phát huy thật tốt những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức đúng đắn về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gia đình, cộng đồng cũng phải cùng chung sức, đồng lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hóa đó để không bị phai nhạt trong các luồng văn hóa khác.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.

*****

Trên đây là 9 bài mẫu Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội lớp 8 do thầy cô trường Bình Chánh biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập của mình. Chúc các em hoàn thành tốt bài tập của mình với điểm số cao nhất nhé.

Đăng bởi: THCS Bình Chánh 

Chuyên mục: Học tập, Lớp 8

5/5 - (12 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button