Học TậpLớp 6

Hoán dụ là gì? Cách phân biệt hoán dụ và ẩn dụ

Mời các em theo dõi nội dung bài học về Hoán dụ là gì do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Mục lục

Hoán dụ là gì?

Hoán dụ là một trong những biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, bên cạnh các biện pháp khác như: so sánh, ẩn dụ, nhân hoá,…

Hoán dụ là biện pháp gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt.

Bạn đang xem: Hoán dụ là gì? Cách phân biệt hoán dụ và ẩn dụ

Hoán dụ là gì?
Hoán dụ là gì?

Ví dụ: 

Áo nâu liền với áo xanh

Nông thôn cùng với thị thành đứng lên

(Tố Hữu)

Hai câu thơ trên tác giả đã vận dụng biện pháp hoán dụ, dùng hình ảnh “áo nâu” để chỉ người nông dân và hình ảnh “áo xanh” để chỉ người “công nhân”, đề cao sức mạnh đoàn kết của hai giai cấp. Đồng thời, hình ảnh “nông thôn” nhằm chỉ những người ở vùng nông thôn còn hình ảnh “thị thành” dùng để chỉ những người sống ở thị thành.

Các bước phân tích biện pháp hoán dụ:

Bước 1: Nêu tên của biện pháp hoán dụ được sử dụng cùng với hình thức hoán dụ

Bước 2: Chỉ rõ các từ ngữ và hình ảnh hoán dụ được sử dụng

Bước 3: Nêu hiệu quả của phép hoán dụ trong câu văn hoặc câu thơ đó

Các kiểu hoán dụ

Thứ nhất, lấy một bộ phận để gọi toàn thể. Với phép hoán dụ này, người nói, người viết thường lấy các bộ phận của vật thể, ví dụ như: tay, chân,… để thay thế toàn bộ cơ thể; dùng một mùa để thay thế cho cả năm hoặc dùng số ít để chỉ số nhiều; dùng thành phần để chỉ tổng thể kết cấu

Ví dụ: 

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

(Hoàng Trung Thông)

Ở câu thơ này, hình ảnh hoán dụ là “bàn tay ta” – vốn là bộ phận của cơ thế, nay được dùng để liên tưởng đến “người lao động”. Từ “bàn tay ta” và “người lao động” là mối quan hệ giữa cái bộ phận và cái toàn thể.

Thứ hai, lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng. Hình thức này hiểu một cách đơn giản là người nói, người viết sẽ sử dụng các sự vật có tính bao quát hơn để nói về sự vật, hiện tượng bao trùm trong đó.

Ví dụ:

Vì sao trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh

Ở câu thơ này, hình ảnh hoán dụ là “trái đất” nhằm chỉ hình ảnh nhân dân Việt Nam (nằm trong trái đất) mãi mãi nhớ đến Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật. Đây là phép hoán dụ dựa trên sự tương cận, gần gũi giữa hai sự vật để giúp tác phẩm, lời nói trở nên hấp dẫn hơn mà vẫn đảm bảo người đọc, người nghe hiểu hết ý mà tác giả muốn truyền đạt.

Ví dụ: Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh

Ở câu thơ này, hình ảnh hoán dụ “người đầu bạc” để chỉ người cao tuổi, còn “kẻ đầu xanh” dùng để liên tưởng đến những người trẻ tuổi. Trong đó, “đầu bạc” và “đầu xanh” là 2 đặc điểm đặc trưng của người cao tuổi và người trẻ tuổi.

Thứ tư, lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng. Cách sử dụng này dựa trên sự gần gũi giữa các sự vật, hiện tượng được nhắc đến nhưng lấy cái cụ thể, dễ hiểu, dễ cảm nhận được để chỉ những thứ mơ hồ, trừ tượng, chưa rõ nghĩa với mục đích giúp người đọc, người nghe cảm thấy dễ hiểu hơn.

Ví dụ:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại lên hòn núi cao.

Ở đây, hình ảnh hoán dụ là “một cây” và “ba cây”. Trong đó, “một cây” là số lượng ít, đơn lẻ, ám chỉ sự không đoàn kết, rất khó để làm được việc lớn. Còn “ba cây” là số lượng nhiều, chụm lại ý chỉ sự đoàn kết. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh, dẫn đến sự thành công. Đây là phép hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

Ý nghĩa của hoán dụ

Hoán dụ là một biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến để tăng sức gợi hình, gợi cảm giúp sự diễn đạt có tính hiệu quả cao. Đồng thời, hoán dụ được sử dụng để biểu thị mối quan hệ gần gũi, có tính chất tương đồng của sự vật – hiện tượng này với sự vật – hiện tượng khác để độc giả dễ dàng liên tưởng đến hai đối tượng mà không cần so sánh chúng.

Nội dung cơ bản để hình thành biện pháp hoán dụ là sự liên tưởng, phát hiện ra những mối quan hệ gần gũi giữa các sự vật – hiện tượng. Đây cũng chính là đặc điểm khiến nhiều người nhầm lẫn giữa hoán dụ và ẩn dụ bởi cả hai biện pháp này đều sử dụng mối liên hệ tương đồng giữa các sự vật – hiện tượng với nhau.

Đây là biện pháp được sử dụng nhiều trong văn học bởi nó thể hiện được nhiều văn phong khác nhau, thể hiện được sự cá tính của tác giả và mang nhiều cảm xúc kín đáo, sâu sắc.

Ý nghĩa của hoán dụ
Ý nghĩa của hoán dụ

Cách phân biệt hoán dụ và ẩn dụ

– Điểm giống nhau:

+ Đều là biện pháp tu từ gọi một sự vật hiện tượng này bằng tên của sự vật, hiện tượng khác.

+ Sử dụng ẩn dụ và hoán dụ trong tác phẩm đều nhằm mục đích tăng sức biểu cảm, diễn đạt cho người đọc, người xem.

+ Đều có đặc điểm liên tưởng.

– Điểm khác nhau:

Hoán dụ Ẩn dụ
Sự liên tưởng của biện pháp hoán dụ dựa vào quan hệ tương đương, cụ thể như: cái bộ phận và cái toàn thể; vật chứa đựng và vật bị chứa đựng; dấu hiệu của sự vật và sự vật; cái cụ thể và cái trừu tượng

Ví dụ: Áo chàm đưa buổi phân ly

Ở câu thơ này, nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng hình ảnh chiếc áo chàm quen thuộc để gọi đồng bào Việt Bắc. Cách sử dụng biện pháp hoán dụ như vậy, đã khiến cho câu thơ tái hiện một cách đầy cảm xúc và thể hiện rõ sự lưu luyến của buổi chia li giữa đồng bào Việt Bắc và các chiến sĩ cách mạng

Sự liên tưởng trong ẩn dụ dựa vào quan hệ tương đồng, cụ thể là sự tương đồng về: hình thức, cách để thực hiện, phẩm chất, cảm giác.

Ví dụ: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ở câu thơ này, hình ảnh ẩn dụ là “mặt trời” được dùng để nói đến Bác Hồ, từ đó nhấn mạnh sự to lớn, vĩ đại và ấm áp của Bác.

Cách phân biệt hoán dụ và ẩn dụ
Cách phân biệt hoán dụ và ẩn dụ

Bài tập luyện tập về hoán dụ

Bài 1: Tìm phép hoán dụ và phân tích trong những câu thơ sau:

a.

“Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

    (Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

b.

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

     (Đồng chí – Chính Hữu)

c.

“Áo nâu liền với áo xanh

Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”

    (Tố Hữu)

Hướng dẫn giải

a. Hình ảnh “trái tim” ở đây là phép hoán dụ, được tác giả Phạm Tiến Duật sử dụng để nói về những người lính, bộ đội lái xe trên đường Trường Sơn. Đây cũng là một hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa cao đẹp, nói lòng yêu nước nồng nàn, lòng thủy chung son sắc và ý chí chiến đấu mãnh liệt, anh dũng của những chiến sĩ.

Phép hoán dụ được sử dụng ở đây là hình ảnh “giếng nước gốc đa” sự nhớ thương và mong một ngày trở về của những người ở lại đối với những người lính ra biên cương chiến đấu, là những người mẹ nhớ con, người vợ nhớ chồng, người con nhớ bố.

Phép hoán dụ:

– Áo nâu: người nông dân

– Áo xanh: người công nhân

– Nông thôn: những người sinh sống ở nông thôn

– Thành thị: những người sinh sống ở thành thị

Hai câu thơ nói lên sự đoàn kết đứng lên đấu tranh giành lại độc lập của toàn dân ta, thống nhất Đất nước. Dù có là ai và ở đâu đi chăng nữa, cũng đều chung một lòng, dù có là nông dân hay công nhân, người thành thị hay nông thôn.

Bài 2: Tìm phép hoán dụ và phân tích trong những câu thơ sau:

a.

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

    (trích Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

b.

“Từ hồi về thành phố

Quen ánh điện, cửa gương

Vầng trăng đi qua ngõ

Như người dưng qua đường”

   (trích Ánh trăng – Nguyễn Duy)

Hướng dẫn giải

a. Phép hoán dụ: “Bảy mươi chín mùa xuân” ở đây là nói tới Bác Hồ vĩ đại, Bác 79 tuổi và Bác đã dành trọn vẹn cuộc đời mình để chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc.

b. Phép hoán dụ: “Ánh điện, cửa gương”: cuộc sống đầy đủ, dư dả, tiên nghi ở thành phố.

Bài 3: Tìm phép hoán dụ và phân tích trong những câu thơ sau:

a.

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

(trích Việt Bắc – Tố Hữu)

b.

Mồ hôi mà đổ xuống đồng

Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương

(trích Giọt mồ hôi – Thanh Tịnh)

Hướng dẫn giải

Biện pháp tu từ hoán dụ: áo chàm (y phục) – Vốn là tấm áo của người dân Việt Bắc với màu sắc mang vẻ mộc mạc, đem lại cảm giác chung thủy của tấm lòng người dân Việt Bắc.

Biện pháp tu từ hoán dụ: mồ hôi (đặc điểm) – để nêu cao sự chăm chỉ lao động của người dân. Chỉ có lao động mới có thể xây dựng được một Đất nước Việt Nam ấm no, thịnh vượng như ngày hôm nay.

Bài 4: Phân tích phương pháp hoán dụ trong những câu thơ dưới đây:

a.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người đá cũng thành cơm. ”

Ở đây, “bàn tay” là để ám chỉ người lao động. Hình ảnh bàn tay ở đây cũng chính là bàn tay của người lao động, đây chính là mối quan hệ giữa một bộ phận và cái toàn thể.

b.

“Cả làng quê, đường phố

Cả lớn nhỏ, gái trai

Đám càng đi càng dài

Càng dài càng đông mãi.”

Hình ảnh “làng quê”, “đường phố” để chỉ toàn bộ đồng bào ở nông thôn và đồng bào ở thành thị.

c.

“Ngày Huế đổ máu

Chú Hà Nội về

Tình cờ chú cháu

Gặp nhau Hàng Bè.”

– Từ “Huế” ở đây vốn để ám chỉ những con người đang sinh sống tại Huế. Như vậy, ta có thể thấy mối quan hệ gần gũi giữa vật chứa đựng “Huế” và vật bị chứa đựng “người sống ở Huế” (đây chính là kiểu hoán dụ thứ 2 mà ta vừa đề cập bên trên)

– Khi đọc đến “đổ máu”, chúng ta có thể liên tưởng ngay tới chiến tranh, đâu có cuộc chiến tranh nào mà không đổ máu?. Như vậy đây chính là phép hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật (đổ máu) để chỉ sự vật (chiến tranh).

d.

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

– Từ “một” ở đây là từ chỉ số ít, giúp người đọc cảm thấy ngay sự đơn lẻ, cô đơn . Còn từ “ba” mang ý nghĩa số nhiều giúp người đọc liên tưởng tới sự đoàn kết. Sự liên hệ giữa “một” – sự riêng lẻ và “ba” – sự đoàn kết chính là vận dụng sử dụng cái cụ thể để nói về cái trừu tượng.

Bài 5: Cho những câu sau, chỉ ra kiểu hoán dụ được sử dụng trong câu:

“Họ là chục tay sào, tay chèo, làm ruộng cũng giỏi mà làm thuyền cũng giỏi.”

(Nguyễn Tuân)

“Nhân danh ai – Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài.”

(Emily con – Tố Hữu)

Hướng dẫn giải

Biện pháp hoán dụ dùng trong câu là hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn thể, hình ảnh “tay sào”, “tay chèo” là chỉ tới người lái đò.

Biện pháp tu từ hoán dụ sử dụng trong câu là hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để nói về chính sự vật đó. “Tuổi thanh xuân” là để chỉ tuổi trẻ.

Bài 6: Chỉ ra phép hoán dụ trong những câu thơ, câu văn sau và cho biết mối quan hệ giữa các sự vật trong mỗi phép hoán dụ là gì?

a. Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm mà vẫn quanh năm đói rách. Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cảnh làm ăn tập thể.

(Hồ Chí Minh)

b.

Vì lợi ích mười năm phải trông cây

Vì lợi ích trăm năm phải trồng người

(Hồ Chí Minh)

c.

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay 

(Tố Hữu)

d.

Vì sao? Trái đất nặng ân tình

Nhắc mãi tên Người: Hồ Chí Minh

(Tố Hữu)

Trả lời: 

Các phép hoán dụ trong các câu trên là:

a. “Làng xóm ta” là hình ảnh hoán dụ chỉ những người nông dân. Đây là kiểu hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.

b. “Mười năm” là hình ảnh hoán dụ chỉ khoảng thời gian ngắn, “trăm năm” chỉ khoảng thời gian dài. Đây là kiểu hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

c. “Áo chàm” là hình ảnh hoán dụ chỉ người Việt Bắc. Đây là kiểu hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật

d. “Trái đất” là hình ảnh hoán dụ chỉ dân tộc Việt Nam. Đây là kiểu hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng.

Bài 7: Chỉ ra hình ảnh hoán dụ và kiểu hoán dụ trong những câu sau:

a. Họ là chục tay sào, tay chèo, làm ruộng cũng giỏi mà làm thuyền cũng giỏi.

b. Nhân danh ai

Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài.

Trả lời: 

a. “Tay sào, tay chèo” là hình ảnh hoán dụ dùng để chỉ người chèo thuyền. Đây là kiểu hoán dụ lấy bộ phận để chỉ cái toàn thể

b. “Tuổi thanh xuân” là hình ảnh hoán dụ dùng để chỉ tuổi trẻ. Đây là kiểu hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật.

***

Trên đây là nội dung bài học Hoán dụ là gì? Cách phân biệt hoán dụ và ẩn dụ do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (10 bình chọn)


Cô Nguyễn Thanh Phương

Trường THCS Bình Chánh với mục tiêu chung là tạo ra một môi trường học tập tích cực, nơi mà học sinh có thể phát triển khả năng và đạt được thành công trong quá trình học tập. Chúng tôi cam kết xây dựng một không gian học tập đầy thách thức, sáng tạo và linh hoạt, nơi mà học sinh được khuyến khích khám phá, rèn luyện kỹ năng và trở thành những người học suốt đời.

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button