Nhân hoá là gì? Dấu hiệu nhận biết phép nhân hoá

Mời các em theo dõi nội dung bài học về Nhân hoá là gì? Dấu hiệu nhận biết phép nhân hoá do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn. Hy vọng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tốt và hoàn thành tốt bài tập của mình.

Mục lục

Nhân hoá là gì?

Nhân hoá là một phép tu từ gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật,… bằng những từ ngữ vốn dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người. Biện pháp này được sử dụng khá phổ biến trong các tác phẩm văn học, khiến tác phẩm ấy trở nên sinh động, có hồn hơn.

Nhân hoá là gì?
Nhân hoá là gì?

Ví dụ:

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường

(Trần Đăng Khoa)

Thay vì sử dụng các câu thơ, câu văn đặc tả đơn giản như:

  • Bầu trời đầy mây đen
  • Muôn nghìn cây mía ngả nghiêng, là bay phấp phới
  • Kiến bò đầy đường

Có thể thấy, biện pháp tu từ nhân hoá đã được sử dụng khá nhiều trong đoạn thơ này. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã sử dụng các từ ngữ như: ông, mặc áo, ra trân, múa, hành quân – những từ ngữ vốn được dùng để gọi người hoặc tả người, nay được dùng để gọi, hoặc tả đồ vật, cây cối, sự vật. Cách dùng này đã gợi tả chính xác và sinh động quang cảnh thiên nhiên trước cơn mưa, khiến cho các sự vật trở nên gần gũi và sống động. Biểu thị suy nghĩ, tình cảm của sự vật khi trời sắp mưa: hối hả, nhộn nhịp, khẩn trương, đan xen với sự hân hoan. Việc sử dụng biện pháp nhân hoá một cách uyển chuyển, mượt mà như vậy cũng đã thể hiện tài quan sát, ngòi bút miêu tả tinh tế và tình yêu thiên nhiên của nhà thơ.

Biện pháp nhân hoá bao gồm những hình thức nào?

Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật. 

Đây là một trong những hình thức khá phổ biến của biện pháp nhân hoá. Trong nhiều bài văn, các con vật, sự vật thường được gọi bằng những từ chỉ người như: chú, chị, ông,… Cách gọi này khiến cho sự vật trở nên gần gũi, thân thuộc hơn rất nhiều.

Ví dụ: Chú dế mèn, chị sao sậu, ông mặt trời

Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của con người để chỉ hoạt động, tính chất của vật

Hình thức nhân hoá này mang lại hiệu quả nghệ thuật rất cao, các sự vật trở nên sống động lạ kì, khiến lời văn, ý thơ tạo được ấn tượng trong lòng người đọc. Hình thức dùng hành động, tính chất của người để miêu tả sự vật thường tạo cho tác phẩm văn học có nhiều ý nghĩa, gợi hình, gợi ảnh làm cho tác phẩm sinh động hơn.

Ví dụ:

“Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau hơn”

Các từ “thân, tay, núi, bọc,…” là những từ được dùng để chỉ hoạt động, mang tính chất của con người nhưng được sử dụng cho sự vật.

Trò chuyên, xưng hô với vật như đối với con người

Đây là hình thức nhân hoá trò chuyện, xưng hô với đồ vật, sự vật gần gũi, thân mật như đang nói chuyện với con người. Cách này khiến sự vật trở nên gần gũi hơn, không còn là vật vô tri, vô giác, mà có cảm xúc giống như con người.

Ví dụ: Chị gió ơi! Chị gió ơi!

Trong ví dụ này, cơn gió được gọi “chị ơi” như đang trò chuyện, xưng hô với một người bình thường.

Dấu hiệu nhận biết phép nhân hoá

Để nhận biết biện pháp có được sử dụng trong tác phẩm hay không, bạn có thể phân tích theo các bước sau:

Bước 1: Chỉ ra dấu hiệu gồm sự vật, hiện tượng, loài vật nào đó được nhân hoá và từ ngữ dùng để nhân hoá. Ví dụ: Trong tác phẩm xuất hiện các từ thường gọi người như: anh, chị, cô, dì,… và các từ này được dùng để gọi vật.

Bước 2: Nêu tác dụng của phép nhân hoá đó. Ví dụ: Khiến sự vật trở nên gần gũi và gắn bó với con người.

Dấu hiệu nhận biết phép nhân hoá
Dấu hiệu nhận biết phép nhân hoá

Các bước sử dụng phép nhân hoá

Bước 1: Xác định sự vật cần được nhân hoá. Trước tiên, chúng ta cần xác định sự vật, hiện tượng nào cần được áp dụng phép nhân hoá. Sự vật: con gà, con chó, cây tre… hoặc hiện tượng trong tự nhiên: mưa, nắng,…

Bước 2: Xác định hình thức nhân hoá nào được sử dụng. Ví dụ: Ông mặt trời trốn sau lưng những đám mây trắng. Từ ngữ sử dụng để xưng hô trong câu này “ông” để gọi mặt trời, đồng thời dùng từ “trốn” chỉ hành động của mặt trời.

Bước 3: Tiến hành thực hiện nhân hoá với nội dung trong câu. Ví dụ: Mỗi loài chim đều có đặc điểm riêng biệt: chim công thì biết múa, hoạ mi lại biết hát, vẹt biết nói rất giỏi. Trong câu này đã sử dụng biện pháp nhân hoá để miêu tả tính chất của loài chim giống như con người.

Tác dụng của biện pháp nhân hoá

Biện pháp nhân hoá rất quan trọng trong văn học, nghệ thuật. Đây là biện pháp có thể làm cho động vật, cây cối, thiên nhiên trở nên gần gũi, mật thiết với con người, giúp con người biết yêu và quý trọng thiên nhiên, động vật hơn. Không những thế, khi được sử dụng biện pháp nhân hoá, có thể thấy câu văn trở nên sinh động và có hồn hơn rất nhiều so với cách miêu tả bình thường khác.

Một số lưu ý khi sử dụng biện pháp nhân hoá

Thứ nhất, không sử dụng tuỳ tiện. Trước khi sử dụng người dùng cần phải cân nhắc và hiểu rõ mục đích mình muốn sử dụng là gì? Khi đã xác định được cần phải sử dụng biện pháp nhân hoá nào qua những câu hỏi như: sử dụng hình ảnh nhân hoá này sẽ có ý nghĩa gì? Muốn người đọc hiểu được điều gì thông gia hình ảnh nhân hoá đó.

Ngay khi trả lời được những câu hỏi trên bạn đã có thể xây dựng một hình ảnh nhân hoá trọn vẹn, ý nghĩa cho sự vật, hiện tượng bạn muốn áp dụng biện pháp này. Không nên sử dụng một cách tuỳ tiện khi chính mình cũng không hiểu rõ ý nghĩa muốn truyền tải đến.

Thứ hai, phải phân biệt được biện pháp nhân hoá với các biện pháp tu từ khác để sử dụng thật hợp lý. Trong chương trình ngữ văn, có bốn biện pháp tu từ được sử dụng thường xuyên là: so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, hoán dụ. Có thể nói, biện pháp tu từ nhân hoá là một trong số các biện pháp dễ nhận biết và dễ áp dụng nhất. Tuy nhiên, có một lời khuyên dành cho các bạn là cần phải hiểu thật rõ rồi mới áp dụng, tránh việc áp dụng biện pháp trở nên máy móc và dễ bị nhầm lẫn với các biện pháp khác.

Thứ ba, sử dụng linh hoạt biện pháp nhân hoá. Không chỉ biện pháp nhân hoá mà tất cả các biện pháp tu từ đều cần được sử dụng linh hoạt, tránh rập khuôn, máy móc, khiến cho biện pháp nhân hoá mất đi tác dụng của nó. Đồng thời, có thể sử dụng biện pháp nhân hoá với nhiều biện pháp tu từ khác để tăng thêm sự sinh động cho tác phẩm.

Một số lưu ý khi sử dụng biện pháp nhân hoá
Một số lưu ý khi sử dụng biện pháp nhân hoá

Bài tập luyện tập về nhân hóa

Bài 1: Phân tích đoạn thơ sau đây:

“Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một chiếc bút chì

Và mang một mẩu bánh mì con con.”

(Mèo con đi học – Phan Thị Vàng Anh)

Bài thơ trên đã nhân hóa con vật nào? Và nhân hóa như thế nào?

Việc sử dụng biện pháp nhân hóa như vậy có tác dụng gì?

Hướng dẫn giải

Hình ảnh nhân hóa được sử dụng ở đây là: “chú mèo”

Chú mèo trong đoạn thơ có những hoạt động y hệt một em học sinh. Chú mèo ta cũng phải đi học, chuẩn bị bút chì, và mang mẩu bánh mì đi ăn.

Nhờ vào hình ảnh nhân hóa này mà bài thơ trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn. Bởi vì hình ảnh so sánh này luôn khiến cho người đọc cảm thấy sự đáng yêu và tinh nghịch cả những chú mèo.

Bài 2: Cho các từ sau: chiếc bút, tán lá xanh, chú cún con. Em hãy đặt câu với những từ nêu trên, có sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa:

Hướng dẫn giải

  • Chiếc bút chăm chỉ nắn nót viết bài.
  • Tán lá xanh rung rinh nhảy máy trong làn gió mới.
  • Chú cún con đang thoải mái thư giãn tắm nắng góc sân nhà.

Bài 3: Những hình ảnh so sánh nào được sử dụng trong những câu văn sau? Vì sao?

Chú bộ đội đang lái xe.

Chị mưa tưới mát cho hàng cây đang ủ rũ.

Chim mẹ chăm chỉ kiếm mồi.

Hướng dẫn giải

Không sử dụng biện pháp nhân hóa. Chú bộ đội chỉ hành động bình thường.

Có sử dụng hai biện pháp nhân hóa. Thứ nhất là “chị” mưa, thứ hai là hàng cây “ủ rũ”.

Có sử dụng biện pháp nhân hóa. Hình ảnh “chim mẹ” đang “chăm chỉ” kiếm mồi.

Bài 4: Các em hãy đọc đoạn văn sau:

“Tiếng cười rộ lên. Dấu Chấm nói:

– Theo tôi, tất cả là do cậu này chẳng bao giờ để ý đến dấu câu. Mỏi tay chỗ nào, cậu ta chấm chỗ ấy.

Cả mấy dấu câu đều lắc đầu:

– Ẩu thế nhỉ!

Bác chữ A đề nghị:

-Từ nay, mỗi khi em Hoàng định chấm câu, anh Dấu Chấm cần yêu cầu Hoàng đọc lại nội dung câu văn một lần nữa đã. Được không nào?”

(Cuộc họp của chữ viết – Trần Ninh Hồ)

Đoạn văn trên có những sự vật nào được nhân hóa? Và nhân hóa bằng cách nào?

Hướng dẫn giải

Trong đoạn văn trên, những sự vật được so sánh là: “Dấu Chấm”, “mấy dấu câu”, “bác chữ A”.

Những sự vật đó được xưng hô y như con người. Thậm chí, chúng còn có thể suy nghĩ, hoạt động và trò chuyện giống y hệt con người vậy.

Bài 5: Em hãy viết một đoạn văn tự do ngắn, trong đó có sử dụng biện pháp nhân hóa:

Hướng dẫn giải

Ông ngoại em có một khu vườn nhỏ, ở đó có rất nhiều loại hoa khác nhau. Bông hoa hồng quyến rũ, bông hoa cúc dịu dàng, bông hoa ly thơm ngát. Trong số đó thì em thích nhất hoa hồng vì chúng yêu kiều như những nàng công chúa vậy.

Bài 6: Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của phép nhân hoá trong đoạn văn:

Bến cảng lúc nào cũng đông vui. Tàu mẹ, tàu con đậu đầy mặt nước. Xe anh, xe em tíu tít nhận hàng về và chở hàng ra. Tất cả đều bận rộn.

(Phong Thu)

Trả lời: Đoạn văn có 2 lần sử dụng phép nhân hoá:

– Dùng từ gọi người “mẹ”, “con”, “anh”, “em” để gọi tàu và những chiếc xe

– Dùng từ “tíu tít”, “bận rộn” chỉ hoạt động của con người để chỉ hoạt động của những chiếc xe.

– Tác dụng: Làm cho bến cảng trở nên sinh động, đông vui, nhộn nhịp.

– Giúp cho những chiếc tàu, xe có tâm trạng, cảm xúc như con người

Bài 7: Hãy so sánh cách diễn đạt trong đoạn văn trên và đoạn văn dưới đây:

Bến cảng lúc nào cũng rất nhiều tàu xe. Tàu lớn, tàu bé đậu đầy mặt nước. Xe to, xe nhỏ nhận hàng về và chở hàng ra. Tất cả hoạt động liên tục.

Trả lời: Đoạn văn này không sử dụng phép nhân hoá, chỉ đơn thuần miêu tả nên không gợi được sự sinh động, gần gũi hay mối liên hệ mật thiết giữa con người và sự vật.

Bài 8: Hai cách viết dưới đây có gì khác nhau?

– Cách 1:

Trong họ hàng nhà chổi thì có cô bé Chổi Rơm vào loại xinh xắn nhất. Cô có chiếc váy vàng óng, không ai đẹp bằng. Áo của cô cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuốn từng vòng quanh người, trông cứ như áo len vậy

(Vũ Duy Thông)

– Cách 2:

Trong các loại chổi, chổi rơm vào loại đẹp nhất. Chổi được tết bằng rơm nếp vàng. Tay chổi được tết săn lại thành sợi và quấn quanh thành cuộn.

Trả lời: Trong khi cách viết thứ nhất có sử dụng phép nhân hoá làm cho hình ảnh chổi rơm trở nên sinh động, gắn bó và gần gũi như con người thì cách viết thứ hai chỉ đơn thuần mô tả và giải thích cách làm cây chổi rơm.

***

Trên đây là nội dung bài học Nhân hoá là gì? Dấu hiệu nhận biết phép nhân hoá do thầy cô trường THCS Bình Chánh biên soạn và tổng hợp. Hy vọng sẽ giúp các em hiểu rõ nội dung bài học và từ đó hoàn thành tốt bài tập của mình. Đồng thời luôn đạt điểm cao trong các bài thi bài kiểm tra sắp tới. Chúc các em học tập thật tốt.

Đăng bởi THCS Bình Chánh trong chuyên mục Học tập

5/5 - (23 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *